Hôm nay,  

Vì Một Chút Tình Mà Lưu Luyến

22/01/201600:00:00(Xem: 15120)

Tác giả: Nguyễn Kỳ Yên
Bài số 3730-17-30230vb6012216

Tác giả là cư dân Ca-li được hai mươi năm. Đã nghỉ hưu. Lạc quan. Yêu đời. Bài dự Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Mưa”, đã phổ biến từ cuối tháng 12, 2015. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong ông tiếp tục viết.

* * *

Về già, chú Bảy tôi thường nói ra mong ước được về nhìn lại quê cũ. Nhưng rồi chú mỗi ngày mỗi thêm đau yếu, đến lúc gần mất chú dặn: “Giúp chú. Đem hỏa thiêu, rồi gởi tro cốt ở chùa cho nghe kinh một thời gian, đừng lâu quá, rồi đem về quê cho chú nhìn lại nhà từ đường, thăm mộ ông bà, cõng đi một vòng nhìn lại vài chốn thân quen, rồi đem rắc xuống sông, chỗ bãi tắm gần cây cầu tre bắc nối qua bãi dương...” Chú mơ màng: “Tro theo nước trôi ra biển, bốc lên mây, dạt về trường sơn, làm mây giăng đầu núi..., để có câu hát: chiều chiều mây phủ đá bia, đá bia mây phủ chị kia mất chồng..., mây tan thành nước rơi thấm vào đất, lại theo phù sa...”

Chú mất gần hai năm tôi mới mang chú về lại quê cũ.

Thiệt tình, tôi không muốn về đấy. Tôi biết chú gắn bó với nhiều chỗ khác hơn. Đời chú, khoảng mười năm ở lính, và sáu năm làm nghề giáo, chưa tính mấy năm trọ học ở Nha Trang rồi Sài Gòn, chú đã sống qua khá nhiều nơi của miền Nam. Những lúc trò chuyện, vui cũng như buồn, chú thường chỉ nhắc đến các nơi khác từng ở qua, như kỷ niệm với những bạn bè vào sinh, ra tử ở Pleiku, Đồng Tháp, Vũng Tàu, như cưới vợ hụt ở Mỹ Tho và như tình buồn với người em gái học trò ở Bình Dương v.v...

Còn nữa, còn hơn hai mươi năm sống ở Mỹ, gặp gỡ biết bao nhiêu người, làm biết bao công việc khác nhau, khi ở miền Đông, khi ở miền Tây, tình cảm, kỷ niệm, đong đếm sao cho hết.

Chú từng nói:

- Khi mình trưởng thành, chín chắn thì những gặp gỡ, trải nghiệm, mới đậm nét, mới khó quên. Những năm ở tuổi thơ, không bằng những tháng ở tuổi ba mươi và không bằng những ngày ở tuổi năm mươi.

Chú cùng tôi biết rõ quê cũ đã thay đổi khác xưa. Những người quen biết cũ đã tàn, đã mất, con cái nếu không chết trong chiến cuộc, thì cũng phân tán tứ xứ. Thời mới, người mới từ nơi khác tụ về, là người lạ. Kỷ niệm, nếu còn lại, cũng chỉ là những mảnh rời rạc, mơ hồ. Chuyện đau đớn, hận thù thì khắc sâu hơn chuyện êm đềm. Còn phải quên đi, tìm vui sống. Hà cớ gì lần về chốn xơ xác, khó thương.

Có một thời làng tôi ngập khói lửa. Ngày thì quân Quốc gia làm việc, tối thì quân Giải phóng từ núi về, từ hầm trốn chui ra làm việc, với chính sách là mỗi vùng phải lôi ra giết một vài người, loại có máu mặt. Tìm tòi, moi móc cho ra tội, dựng lên nhơn chứng, đưa ra người tố cáo, rồi đem giết cho rùng rợn, dã man, sắt máu để mà hù doạ đám đông.

Từ thời còn Tây, chú từng trốn dưới hầm đào luồn dưới hàng tre với vài anh lớn Việt Minh. Tây đổ bộ gấp quá, nên không chạy kịp lên núi. Bên ngoài, lính Tây bắn phá đùng đùng, bụp bụp, gà bay, chó sủa, trong hầm, bà Ốc, dân quê, run sợ lập cập, nói:

- Chết tui. Tây mà bắt tui, thì cái gì tui cũng khai ra hết. Hỏi có bao nhiêu cọng lông, tui cũng vạch quần ra đếm mà báo cho nó nghe.

Cán bộ lớn giận quá, xáng cho cái bạt tai, hăm:

- Còn nói bậy bạ, sẽ nhét guốc vào miệng.

Sau, cũng bà Ốc đó, giữa trưa nắng, chổng mông đào, moi đất trong chuồng heo, sát bờ rào tre, thằng Cang, trung đội trưởng nghiã quân, đi ngang qua thấy vậy đưa roi tre quất một roi, hỏi:

- Đào hầm cho Việt Cộng núp hả? – đây là chuyện của mấy năm sau, sau khi Nhựt thua, Tây rút về nước.

Cũng Cang đó, về sau, trời lụt, nước ngập linh láng, ngồi trên sõng câu, bị bắn tỉa té nhào xuống nước chết. Chuyện buồn còn nhiều lắm. Bạn học tôi, thằng Ẩn lớn lên theo lên núi làm Việt cộng, thằng Dũng đi lính giữ làng. Một đêm, Ẩn mò về làng, bị bọn thằng Dũng bắn chết, lôi xác để ở ngã ba đường cho dân chúng coi. Còn thằng Đoàn, cả nhà đang yên ổn bên nhau thì một đêm cuối năm, cha nó bị lôi ra xử chặt đầu. Tội ù lì, không thu gom đủ tiền, gạo cho cách mạng, như đã được giao phó. Nhưng lời đồn bảo rằng là thù cá nhơn, do dám đánh què giò con heo nhà hàng xóm hay sang ũi phá vườn rau. Anh em thằng Đoàn tản đi biệt xứ, cảnh nhà hoang phế. Lại có lời bàn: “ Đất đó là chỗ tào tượng cũ, không ở được.”

Chú Bảy thường than thở:

- Đời người nhiều nhứt là trăm năm, buồn nhiều hơn vui. Trong giòng trôi lịch sử, trăm năm ngắn lắm. Thời gian vùi lấp tất cả. Bạo chúa ngang ngược mấy cũng không thể sống mãi mà hà hiếp, cướp giựt người ta. Chỉ tiếc là lớp này tàn, không lâu lại có lớp khác thế. Dân khổ cứ khổ.

Chú kể:

- Một lần ăn giỗ ở quê ngoại Hà Bằng, nghe nhắc lại chuyện khởi nghĩa ở Triều Sơn, Xuân Thọ, chuyện đã lâu nên tên họ cũng mơ hồ. Chỉ nghe kể là một vài người đứng ra hô hào, tụ tập một đám đông người kéo đi phản đối sưu, thuế. Tụ tập trên núi, có lời đồn diễn cảnh lính dắt ngựa chui được qua lỗ trôn kim, có phất cờ, có đánh trống, có lễ tế ra quân, có đem chặt chưn một tên lính tế cờ. Xong, đánh trống kéo nhau hạ sơn, xuống quốc lộ Một, khúc giáp biển, chạy qua Triều Sơn. Ở đây, có năm, sáu “thằng” Tây mang súng mút-cờ-tông, đạp xe cuộc từ Sông Cầu vô, nằm phục ở bờ đàng chờ sẵn. Súng nổ, khởi nghiã tan rã. Tây đạp xe về đồn. Có người thắc mắc: “Vậy trước đó, rồi sau đó thì sao?”. Đáp: “Trước đó, hội họp, ăn uống bao nhiêu gà vịt, bao nhiêu trà rượu, bàn thảo những gì, không biết. Sau đó, thương vong bao nhiêu người, không biết. Lính bị chặt giò, không biết tên, quên. Khởi nghĩa thất bại, không cần ghi ra.” Chuyện đời nhiều cơ man, kể sao xiết. Ví dụ, Lật Việt sử ra, thấy về vụ Cần Vương chỉ ghi đại khái: “Ở Bình Định, Phú Yên có Tăng Bạt Hổ, Mai Xuân Thưởng nổi lên khởi nghĩa.” Chấm hết. Có người góp lời: “Phải đem thâu tóm lại trong vài hàng, trong một trang sách, thì chỗ đâu mà chứa cho hết mấy vụ lẻ tẻ, râu ria. Nhìn coi, người ta còn nhơn danh nhiều thứ cao cả khác, mà tha hồ cắt xén, sửa đổi, sao cho đạt chỉ tiêu. Chuyện giết một con voi chỉ để lấy cặp ngà, và mấy sợi lông đuôi, là chuyện thường thấy mà.” Người khác tiếp: “Chuyện khởi nghĩa, tui lại nghe được một khúc đuôi khác hơn. Không biết là có cùng một vụ, hay là một lần khác nào đó. Đoàn người đi xuống đèo Cây cưa, tiến về dốc Găng, thì bị chận lại. Có Tây mang súng, cưỡi ngựa, hỏi: kéo nhau đi đâu? Không ai đáp. Lại hỏi: Ai là đại diện? Bước ra nói chuyện. Hỏi mấy lần, chẳng ai lên tiếng, lại còn muốn lấn tới. Hỏi không ra, phải nổ súng. Đám đông tan hàng. Bữa sau, Tây đi ruồng, gặp ai bị thương, bị trầy trụa là hốt hết về đồn...” Tóm lại là dân mình khổ từ xưa, khổ có căn có gốc.

Tôi hỏi chú:

- Nhưng sao phải lặn lội tìm về chốn cũ, nơi đầy buồn đau, nơi mà mình không ở được, phải rời bỏ đi? Mình có lòng thì ở xa nơi đâu cũng không quên nguồn cội là được rồi. Về làm gì để phải thấy lại những điều mà mình không muốn thấy. Thấy trong mơ, trong tưởng tượng, không dễ chịu hơn sao?

Chú nói:

- Quê mình hàng năm có lụt ngập. Nước lụt rửa trôi đi nhiều thứ, để lại nhiều rác rến, nhưng cũng để lại nhiều bùn non. Bùn đất này nuôi sống bao người no, ấm. Cái tình quê nó bàng bạc trong không khí, trong nắng, trong gío, trong sương khói, trong mưa. Người đến, người đi, cảnh vật có đổi thay, nhưng cái hồn quê, hồn đất vẫn tồn tại. Chú muốn là tìm lại, tái sinh lại ở chính nơi mảnh đất mà cha mẹ đã chọn cho chú. Như chút lòng thành kính với cha mẹ, tổ tiên. Lưu luyến là vì một chút tình này.

Tôi về đến quê cũ vào một buổi sáng ngày hè đẹp trời. Cảnh vật thay đổi nhiều, chỉ còn nhận ra vài nét quen. Tôi rời quê lúc mười ba tuổi, tản cư vì chiến cuộc. Mấy năm đầu thường có về cúng dãy mả và thăm bà con, nhưng về sau, chiến tranh dữ dội hơn và phải đi học xa, ít còn dịp về. Gần mười năm sau tôi vượt biên, xa quê luôn từ đó. Giờ tính ra đã hơn ba mươi năm mới trở lại.

Trước mắt tôi là một thị trấn đông đúc, nhộn nhịp. Không còn cảnh im ắng người đứng đầu làng nghe rõ được tiếng gà gáy ở cuối làng, không còn tiếng chuông chùa, tiếng trống điểm giờ của trường học,...Mà khắp nơi đầy tiếng người, tiếng xe. Tôi vỗ nhẹ cái túi mang trên lưng, nói nhỏ: “Chú Bảy, thức dậy, tới nhà rồi, cháu cõng chú đi thăm chốn cũ đây nè.” Đáp lại là im lặng. Cái im lặng chú thường nói với tôi, im lặng dồn nén từ nhiều xao động, im lặng trong một bản nhạc, đủ lâu để khiến người nghe dở hơi vỗ tay loạn, vì tưởng bài hát dứt.

Tôi đến nhà từ đường khoảng mười giờ sáng. Anh Nhơn, con bác tôi, đón tiếp vui vẻ. Xa cách lâu quá, đường đời mỗi người mỗi hướng, mỗi rời xa, câu chuyện có nhiều gò bó, tránh né, chỉ là dè dặt thăm hỏi về con cháu, về cảnh lạ đường xa. Không còn hồn nhiên như thuở chín mười tuổi, chơi đùa, phá phách với nhau. Tôi nói mong ước thăm quê của chú Bảy. Cùng anh nhắc lại vài chuyện xưa cũ. Có chuyện chú Bảy ham cưỡi ngựa, ngựa của ông Năm, chú gọi là cậu Năm, là anh của bà nội chúng tôi. Ông Năm sống ở miền núi, thường cưỡi ngựa đi lại trong vùng thăm bịnh, hốt thuốc. Mỗi lần ông ghé thăm nhà em gái, chú Bảy lãnh phần dắt ngựa ra sông tắm ngựa. Bọn tôi, nhỏ hơn chú tám chín tuổi, đứng xa mà nhìn. Thèm lắm. Chú nói: “Tụi mày lóc chóc tới gần nó đá dập mề.” Chú tắm ngựa rất lâu. Dắt ngựa về cũng vui sướng như lúc dắt ngựa đi. Ông Năm đi rồi, chú khoe cưỡi ngựa đã lắm. Cha tôi cười, nói: “Mày cưỡi ngựa không yên, mai mốt dộp đít, đau nhức, ngứa, gãi không được, mới là sướng chết.”Vài ngày sau, bọn tôi thấy chú tìm đến ngồi trên đá, trên thân cây, chỗ nắng chiếu nóng, vừa chà lết vừa nhăn nhó. Nhưng rồi khi ông Năm ghé thăm, chú lại vui sướng dắt ngựa đi tắm.

Anh Nhơn dắt tôi coi quanh nhà. Căn nhà cũ của ông bà nội tôi, cũng là nhà từ đường, được xây mới. Anh nói: “Bà con chỉ còn một hai nhà ở lại làng nên việc thờ cúng cũng dời đi, mai mốt cũng bốc mộ, nhưng chưa biết đem đi đâu.” Ý của anh là còn vài năm anh nghỉ hưu, cũng muốn yên, không động vào mồ mả. Nhà lớn, phòng khách rộng, bàn ghế bày biện theo thời mới, tường treo nhiều giấy khen thành tích lao động tốt.... Anh khoe mấy trăm chậu mai kiểng để vừa chơi vừa bán dưỡng già. Anh cũng nói về món đặc sản cá ngừ đại dương và dự tính nuôi chim yến lấy tổ. Cứ nhớ gì thì nói nấy.

Anh dẫn đi thăm khu mộ. Tôi như bước về lại vùng quá khứ, tuổi thơ. Hồi đó, khu mộ nằm trên vùng đất gò, chung quanh là nhiều đám ruộng miá. Miá mọc như rừng. Muà nghỉ hè cũng là lúc chặt miá ép nước nấu đường. Lò nấu đường, rạp ông che ép miá do bò kéo được dựng gần khu mộ. Bọn con nít chúng tôi ngồi nơi mấy tường vôi thấp ăn miá, ăn đường dẻo. Mùa nấu đường qua, đến muà mưa lụt. Mãi đến gần Tết mới lại theo người lớn đi dãy mả, thắp nhang. Bây giờ, chung quanh khu mộ là nhà ở. Đất đai, anh Nhơn giải thích, là của nhà nước quản lý, người dân lập hợp tác xã khai thác, sản xuất. Làm ăn thất bại, rã đám, mọi người chia đất cất nhà. Nhiều người nhiều rác. Phải rào khu mộ lại.

Rời khu mộ, rời nhà anh Nhơn, băng qua sân rộng đầy những chậu mai xanh um lá, tôi lại nhớ chú Bảy, nhớ câu hát bỏ lửng của chú: “hoa tàn nhưng lá vẫn còn xanh...”. Lại nhớ đến mơ ước của nội là con cháu sống quây quần trên cùng khu đất, uống cùng giếng nước, đi về cùng con ngõ. Ước mơ nay lỗi thời.

Tôi đi dọc theo đường lớn tìm một anh xe ôm mướn bao trọn ngày. Anh xe ôm hài lòng, cho xe chạy tà tà qua những nơi tôi còn thấy quen. Con đường đã được mở rộng. Nhà cửa, sân vườn hai bên không còn dáng vẻ cũ như tôi từng biết.

Ngang qua một sân vườn cà phê quán nhạc với nhiều cô gái trẻ ăn mặc tươi mát, anh xe ôm, tên Minh, giới thiệu: “Trước kia, nơi đây là trại cưa, trại mộc, làm ăn lình xình, sau ông chủ già chết, ông con tiếp thu, chuyển nghề, không cưa cây, không đục gỗ, mà mướn mấy cô chưn dài về bán cà phê sân vườn, nhằm cưa người, cưa mấy đại gia, mấy cán bộ dư tiền, hám của lạ.”Minh tiếp: “Đã từng có mấy vụ đánh ghen, xé áo tiếp viên, hăm dọa đốt quán, nhưng quán vẫn ăn nên làm ra”. Minh cười hắc hắc lúc kể những câu đối đáp, hăm dọa. Hắn có tài pha giọng nói người các miền rất lôi cuốn người nghe.

Chuyện kể gợi lại cho tôi một đoạn quá khứ, thời còn trại cưa, thời ông già còn trai tráng. Trại cưa giáp ranh với một lò rèn. Suốt ngày hai chỗ này đầy tiếng đập sắt cùng tiếng cưa, tiếng đục. Đám con nít tụi tôi thường núp nơi hàng rào tre, nơi mấy lùm cây duối chơi cho mát và câu trộm cá trê trong ao trước lò rèn. Câu lén không dùng cần mà quấn cước vào ống tre cầm tay. Mồi móc con nhện. Câu ngâm. Cá trê rất thích ăn mồi nhện. Bữa kia, đang câu cá thì thấy thầy thuốc đạp xe đến trại cưa. Bà vợ đon đả mời thầy vào, rồi xua đuổi mấy người khác tản đi, để chỗ cho thầy chữa bịnh. Tò mò, tụi tôi lén tới gần nghe được là do ông chủ bào tấm ván, thất thế té sấp, bị chấn trúng chỗ “chưn giữa”. Chỗ đó càng lúc càng sưng phù lên. Ông thầy kêu bịnh nhơn nằm ngửa ra, quần tụt xuống đầu gối, rồi rờ khám. Thầy tay rờ, miệng nói liên tục. Thấy sưng một đùm tím đen như củ chuối, củ khoai mài. Xong, thầy bỏ dầu, bỏ thuốc, bỏ mấy thứ lá vào cối quết nhuyễn rồi đem đắp lên chỗ sưng. Tay thầy xoe xoe, bóp bóp, ông chủ rên hừ hừ. Thầy dặn thấy thuốc khô thì bóc bỏ, đắp lên thuốc mới, vài bữa thì ổn, rồi dắt xe ra về. Suốt ngày hôm sau, bọn tôi rình chờ coi bà chủ bóp thuốc, nhưng chẳng thấy được gì nữa.

Minh chở lòng vòng đến những chỗ khác nhau theo gợi ý của tôi. Tôi muốn nhìn lại chợ làng và trường cũ, nhưng cảnh và người đều xa lạ, không còn gợi nhớ lại được gì. Tôi cố tìm hàng cây gạo thân to hơn vòng tay ôm, đứng ven đường đến trường, muà ra hoa, trắng hồng cả một vùng, hoa đẹp, nhưng mùi hăng thúi khó chịu, làm bao đứa học trò bịt mũi, nín thở, chạy bở hơi tai mới qua khỏi. Hàng cây biến mất theo với hình ảnh những đứa học trò quê.

Trời về chiều, Minh chở tôi ra biển chơi. Bờ biển dài độ ba cây số. Hồi trước là làng đánh cá, làm ruộng muối, nay có một số người mở quán hải sản, quán nhậu. Còn có dịch vụ ăn theo như bán áo quần tắm, cho mướn thuyền nhỏ, phao tắm. Minh giới thiệu món mực nướng, mực phơi một nắng. Đúng là ngon, ngọt, mềm, càng ăn càng thích. Hai chúng tôi ngồi ăn nhậu lai rai, nói chuyện gần, chuyện xa. Chuyện người mình để nguyên quần áo lội xuống biển tắm. Chuyện mấy đại gia tụ tập nơi mấy thuyền lớn đậu xa bờ ăn chơi. Minh thán phục cái điện thoại di động kỳ diệu, gió mạnh phần phật mà sóng điện vẫn không bị đánh tan. Chợt có tiếng ồn ào, lao xao. Từ xa hai anh thanh niên tay dắt, tay đẩy xe đạp có gắn dàn máy hát có loa phóng thanh, vừa ca hát, vừa rao bán kẹo kéo. Một lối buôn bán vốn nhỏ, nhưng khá xôm tụ. Bọn con nít bu lại coi. Mấy anh đang ngồi nhậu bàn với nhau, ngoắc xe keọ kéo lại. Không mua kẹo mà chỉ muốn trưng dụng dàn máy hát. Mặc cho năn nỉ, ỉ ôi, mấy dân chơi thản nhiên hát cho nhau nghe. Tiếng nhạc bập bùng, xen lẫn tiếng ca ồm ồm lạc điệu là tiếng năn nỉ của hai anh bán kẹo. Nghe có tiếng: “...Mấy anh tha cho tụi tui đi bán kiếm cơm...Mày im. Nói nữa tao còng đầu mày. Ai cho chúng mày buôn bán chỗ này.” Rồi hát tiếp: “Mẹ biết bây giờ con ngồi hố nhỏ...Bận hành quân...Này thêm điã sò nướng..”

Hai chúng tôi ngồi xem diễn hát. Người chung quanh vẫn tắm, vẫn chơi đùa, ăn nhậu. Hai anh bán kẹo ngồi buồn xo. Gió biển thổi rào rào. Gió gom tụ tiếng người, tiếng nhạc, trộn vào mùi khói than, mùi thịt cá nướng ướp mỡ hành, nước mắm tiêu thơm điếc mũi. Gió thổi dạt qua thôn xóm, tấp vào triền núi xa xa, nơi thấp thoáng mái ngói trong vườn cây xanh.

Minh nói về ngôi chùa trên núi. Khoảng sáu, bảy năm trước, ông sư già chết, để chùa lại cho đứa cháu. Cháu tuổi trẻ ngồi tu giáp năm thì thấy ra mối làm giàu. Cháu móc nối với bà con là Việt kiều Mỹ thu mua một khoảnh lớn đất núi quanh chùa, rồi cho xe ũi bằng, xong đóng cọc, phân lô, trồng cây bạch đàn, cây ăn trái. Vài năm sau, nhà nước mở con đường mới giáp mấy lô đất. Thầy bán đất trúng đậm. Thầy tạm nghỉ tu, lo đi tìm chỗ xây chùa mới, nghe đồn ở tận bên Ca-li. Tóm lại, Minh nói, thấy mà ham, tu như vậy cũng đáng tu.

Buổi chiều xuống dần. Chúng tôi ngồi nán uống thêm chai bia rồi chạy xe về lại gần nhà anh Nhơn.

Chào biệt Minh, tôi một mình đi lần hướng bờ sông. Tôi vẫn chưa làm xong vụ tro cốt chú Bảy. Bờ sông đóng kè chống sạt lở. Vài quán nước, quán hàng ăn lưa thưa khách. Trước kia, nơi đây là bãi cát lớn, là chỗ tắm giặt cuả dân làng. Một cây cầu tre bắc nối hai bờ cho người đi bộ. Chú Bảy từng lặn ngụp đâm cá ở chỗ này. Lần đó, có cặp cá hồng từ biển vào, lượn ép nhau vòng chân cầu, chỗ nước sâu. Chú đâm sém trúng cá mấy lần, còn dính được cái vảy to như móng tay. Xôn xao một vùng. Nhiều người tụ lại coi. Có cả mấy chị đi chợ về cũng đứng lại coi đâm cá. Hồi lâu nước đục, cá trốn đi mất. Mọi người tản đi mà chú vẫn chưa chịu lên bờ. Thấy tôi, chú kêu lại nói nhỏ: “Thằng cháu, mày lại bụi duối lấy cái quần đưa tao, lẹ lên, mấy con nhỏ vô duyên, còn đứng chờ coi cái gì mà chẳng chịu đi.” -phong cách chàng trai mười tám tắm truồng là vậy.

Bây giờ, trên sông này, cây cầu tre không còn, bãi dương bị ũi sạch, không còn cảnh lác đác mấy mái tranh dưới hàng tre thơ mộng, mà chỉ là cảnh một chiếc xà lan hì hục hút cát đổ lên bờ cho xe chở đi. Tiếng máy hút nổ ầm ầm, phun từng ngụm khói đen lên trời. Nước sông đục ngầu.

Tôi đem hũ tro trút xuống nước. Giữ lại cái hũ làm kỷ vật. Tro tan lắng dần trong nước. Gió, sóng lao xao mặt sông, làm lung lay những hình ảnh trời mây phản chiếu trong nước. Một bóng mây cô lẻ vỡ nát rồi hợp, rồi vỡ vụn. Tôi cố hình dung một ngõ tre hun hút. Trong bóng chiều, một chú bé dắt ngựa đi tung tăng vào ngõ. Hình bóng dần khuất, dần mờ nhạt.

Vĩnh biệt chú Bảy.

Nguyễn Kỳ Yên

Ý kiến bạn đọc
30/01/201605:13:35
Khách
Chú Bảy cuối cùng cũng được hoá nắm tro tàn, tan trong làn nước sông, thấm vào thành phù sa, vào đất. Tôi nghĩ chú Bảy không chỉ một chút tình lưu luyến nhưng ý niệm trở về của chú bên giòng sông cũ đã được chú nuôi dưỡng từ rất lâu…Câu chuyện xoay quanh một chuyến trở về đem hài cốt người thân có vẻ thường tình nhưng dưới cách dẫn chuyện của tác giả, trở nên thật lôi cuốn và sinh động. Ngẫm lại đời người cũng chỉ là những lựa chọn không ai trùng ai…xin cảm ơn tác giả và mong ông sẽ có hứng thú viết thêm.
22/01/201617:55:30
Khách
Ông viết tự nhiên, lôi cuốn quá. Tôi đọc lời của ông đến đâu lại mường tượng cảnh quê đến đó. Cám ơn ông. Xin tiếp tục viết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,647,042
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Tôi tên là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Là một sĩ quan VNCH từng du học Mỹ và về nước làm chiến binh, sau 1975, ông biết nhà tù cộng sản,
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...
Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết.
Tác giả họ Trần, trước 1975 là công chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Nhạc sĩ Cung Tiến