Hôm nay,  

Tôi Đi Học

08/12/200200:00:00(Xem: 153832)
Người viết: LƯU NGUYỄN
Bài tham dự số: 370-679-vb71207

Giải thưởng Viết Về Nước Mỹ có hai tác giả cùng dùng một bút danh Lưu Nguyễn.
Tác giả bài viết này là bà Lưu Nguyễn, 54 tuổi , cư trú tại miền Bắc California, nghề nghiệp:Cosmetologist, đang training cosmetology Instructor tại Sacramento City College. Tác giả Lưu Nguyễn đã góp nhiều bài viết về đề tài giáo dục, bài gần đây là “Nước Mỹ đã cho tôi cơ hội”. Bài mới của bà lần này là chuyện “chính phủ Mỹ trả công cho tôi đi học” với nhiều chi tiết “vui thích, ích lợi“ rất đáng được trân trọng, noi theo.
Tác giả Lưu Nguyễn thứ hai, là bà Lưu Nguyễn, 46 tuổi, làm Office Manager cho một phòng mạch Head & Neck, ở St. Louis, Missouri, có bài “Dở Dang Đường Tình” đã phổ biến trước đây không phải là tác giả bài này.

Khi đọc cái tựa đề bài viết "Tôi đi học"như trên. Thường thường ở Việt Nam người ta nghĩ ngay đến hình ảnh một đứa bé, hoặc là hình ảnh những cô cậu thanh niên, thiếu nữ trẻ trung đang cắp sách đến trường. Không có ai nghĩ đến hình ảnh một bà già, tuổi đã "hoàng hôn" như tôi, đang ngày ngày cắp cặp đi học ở Mỹ.
Tôi đi học cũng là một sự "vạn bất đắc dĩ". Hay nói đúng ra là tôi "bị" đi học, sau khi gia đình chúng tôi đến Mỹ đã nhiều năm. Trong suốt những năm tháng này, tôi luôn đau yếu, ủ rũ và lo sợ không dám ra ngoài một mình. Thậm chí tôi còn không dám "bốc" phone lên khi ở nhà, vì sợ người gọi tới không phải là Việt Nam.
Thấy tôi quá mỏi mệt vì thiếu tự tin, luôn lo sợ những điều thật vớ vẩn đang xảy ra hàng ngày trên đất Mỹ. Bà bác sĩ thân ái Tạ Tường Vi, cũng như chồng và các con của tôi, đã khuyến khích, thúc dục tôi đi chơi, đi thăm bạn hữu. Nhất là đi học Anh văn để không còn phải sợ cái phone "reng" khi ở nhà một mình nữa. Mọi người đều nghĩ rằng: Khi tôi có được chút ít vốn liếng tiếng Anh. Tôi sẽ có thêm lòng tự tin, thêm sự vui vẻ và sức khỏe của tôi sẽ phục hồi nhanh hơn.
Thời gian trôi qua. Sức khỏe của tôi quả có khá lên theo thời gian tôi đi học những lớp xóa nạn "mù chữ Mỹ" ở trung tâm ESL (English as Second Language). Sự tiến bộ rõ nhất, là tôi đã dám"bốc" phone lên, trả lời bằng tiếng Anh với Mỹ trắng Mỹ đen hay Mỹ vàng, trong lúc tôi ở nhà một mình.
Vì thế thời gian sau này, nếu có ai hỏi tôi: "Bà có khỏe không" Bà đang làm gì"" Tôi đã mau mắn trả lời với họ là: "Dạ tôi khỏe. Tôi đang đi học xóa nạn mù chữ".
Thấy tôi yêu thích việc họcù, chồng con tôi lại tiếp tục khuyến khích tôi vào trường đại học cộng đồng "Sacramento City College" học thêm. Đặc biệt là khi theo học ở đây, tôi sẽ nhận được tiền "công" đi học.
Nghe thấy tiền tôi thích lắm, nhưng 2 chữ "Đại học" đã làm cho tôi sợ hết vía. Tôi nói với các con tôi là "Mẹ không học nổi đâu. Mẹ già rồi, để mẹ ở nhà nấu cơm". Thấy tôi thoái thác, tụi con xúm lại chất vấn "Thế mẹ đã học thử chưa, mà mẹ đã biết là khó nào"". "Bố vẫn gọi mẹ là "Em" thì mẹ đâu đã già nào"". "Tụi con sẽ giúp mẹ nấu cơm mà". "Đi học mẹ sẽ rất vui, lại có thêm tiền mua quà cho tụi con nữa mà mẹ" v.v...
Sau đó tụi nó đến "Sacramento City College" lấy đơn về, trao cho ông bố và nói: "Bố điền đơn này giúp mẹ và cùng phụ với tụi con "bắt" mẹ đi học". Rốt cuộc, tôi đành phải miễn cưỡng ký đơn, xin vào "Sacramento City College" học vì chồng con "năn nỉ" nhiều quá.
Sau chừng một tháng nộp đơn, nhà trường gởi giấy về báo cho biết, những thủ tục tuần tự tôi phải làm tiếp theo như là: Chọn ngày thi xếp lớp (Assessment ), dự buổi hướng dẫn cho sinh viên mới (Orientation), gặp cố vấn (Counselors) để được hướng dẫn trong việc chọn lớp. v.v...
Khi biết mình phải qua một kỳ thi xếp lớp., tôi hồi hộp và lo ngại lắm. Tôi luôn thắc mắc tự hỏi: Không biết bài thi dễ hay khó" Bài thi toàn bằng tiếng Anh, liệu mình có hiểu và làm được hay không" Thấy tôi quá lo lắng như vậy, thằng con út phát biểu ý kiến: "Mẹ đừng có lo. Nếu mẹ làm bài thi được, thì mẹ mới phải đi học. Còn mẹ không làm bài thi được, thì mẹ được ở nhà. OK."
Nhờ thằng Út "giúp" cho ý kiến hay như vậy, nên tôi đã "Assessment" 2 môn căn bản là Toán và Anh văn một cách rất thoải mái và hy vọng tôi "không phải" đi học. Nhưng thật bất ngờ, qua kết quả cuộc thi, chồng con tôi rất vui mừng vì tôi "phải" đi học. Trong mùa học đầu tiên này, Counselor đã khuyên tôi nên tập trung vào học các lớp ESL như là Grammar, Reading, Writing, Listening and Speaking. Và tôi chỉ có một lớp Toán 51 (Beginning Algebra) thôi. Nói ngắn gọn như vậy chứ, cũng đã hơn 12 units rồi. Tôi sẽ phải học bở hơi tai ra, nếu muốn ẵm trọn được số tiền chính phủ Mỹ trả công cho tôi đi học. Đó là tiền" Financial Aid". (Tiền chính phủ giúp cho sinh viên nghèo có cơ hội theo học bậc đại học.)
Vì phải "năn nỉ " tôi đi học, nên chồng và các con tôi đã chu đáo lo cho tôi đầy đủ tập vở, bút mực, bút chì, thước, tẩy, v.v Tóm lại, mọi thứ cần dùng cho một "học trò" mới, đã có tất cả trong một cái balô cũng mới luôn. Sẵn sàng chờ tôi đi học.
Ngày đầu tiên "tôi đi học". Không có khung cảnh: "Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi "như ông Thanh Tịnh đã viết. Mà ngược lại, tôi được mấy đứa con ríu rít hộ tống đến trường. Đứa con gái lớn đi theo, đeo giúp cho tôi cái cặp và nắm tay tôi cùng đến lớp học đầu tiên ở phòng số 226, Rodda Hall-North.
Sau khi tôi đã chọn cái bàn ngồi ngay trước bảng. Con gái tôi bỏ cặp xuống, lấy tờ thời khóa biểu của tôi ra xem lại. Và nói cho tôi biết đây là lớp ESL 260L. "Novice- High-Listening and Speaking ". Sau lớp này, tôi có 10 phút để chạy ngay đến lớp thứ hai cũng ở cùng dãy để học ESL 260R. "Novice- High- Reading". Sau lớp thứ hai này, tôi có một tiếng để nghỉ, chờ học lớp cuối cùng trong ngày là lớp Toán 51. Con gái tôi nhắc: "Lớp Toán này nằm ở một Building khác nghe mẹ".v.v
Trước khi quay ra khỏi lớp, nó đã ôm chặt lấy vai tôi và chúc tôi học hành vui vẻ, có thêm bạn mới. Tôi thật xúc động. Và từ trong tiềm thức, tôi thấy hình như là con gái tôi đã ân cần"chăm sóc" việc học cho tôi, y hệt như tôi đã chăm sóc sáu chị em chúng nó khi còn nhỏ ở Việt Nam.
Đang suy nghĩ lung tung, thì thầy giáo đã đến cửa lớp. Nhiều tiếng chào cất lên: "Good morning"... "Good morning" "How are you"" Tôi theo phản xạ đứng dậy, trong khi cả lớp đều ngồi. Một cái đập nhẹ vào tay, kèm theo giọng nói thì thầm: "Ngồi xuống đi bà. Đây là lớp học ở Mỹ, lại là College nữa. Không cần đứng lên chào thầy đâu". Tôi ngồi xuống, vội vàng mở miệng: "Good morning, Good morning" Phản ứng của tôi luôn chậm tiêu, chậm tiến như vậy đấy.
Đây là lớp học ESL trong ngày đầu tiên, nên sau phần chào hỏi xã giao, ông thầy tự giới thiệu họ tên, tóm tắt lý lịch của mình. Sau đó ông yêu cầu mọi người trong lớp cũng lần lượt đứng lên, tự giới thiệu về mình trước lớp. Qua phần giới thiệu này, tôi nhận ra ít nhất cũng có 3,4 ông bà Việt Nam "muối đã nhiều hơn tiêu" trên mái tóc như tôi, trong lớp ESL này.
Sau phần giới thiệu, ông thầy nói đến mục đích và chương trình sẽ học, cũng như giải thích những luật lệ mà mọi người phải tuân theo. Rồi cách tính điểm bài làm ở nhà (homework), bài thi tại lớp theo thang bậc ABCDF dựa trên tỉ lệ phần trăm (%). Thầy cũng cho biết tên sách giáo khoa mà sinh viên cần phải mua để học. Trong ngày đầu tiên, học trò chưa có sách. Thầy đã chuẩn bị photocopy bài học và homework phát cho mọi người.
Thầy kiên nhẫn, chậm rãi giảng đi giảng lại bài học thật kỹ lưỡng rõ ràng, giúp cho những học trò già và dốt như tôi, có thể hiểu được những điều căn bản cần phải hiểu. Vì là lớp ESL, nên thầy đã phải vận dụng kinh nghiệm, vận dụng trí thông minh, để giảng dạy và đoán cho đúng những câu nói của học trò qua giọng Anh ngữ ngọng nghịu khó nghe. Còn học trò thì cũng phải vận dụng trí nhớ: moi móc từ vựng, dỏng tai ra nghe, cố đặt lưỡi cho đúng vị trí khi nói tiếng Anh với thầy và cũng .đoán giỏi như thầy. Tóm lại, giờ học ESL đầu tiên của tôi ở Sacramento City College đã trôi qua trong niềm vui của cả thầy lẫn trò. Sau lớp học này, tôi chạy vội đến lớp ESL 260R. Những diễn tiến trong lớp Novice-high-Reading, cũng gần tương tự như lớp đầu tiên tôi đã học.


Không quá xa lạ, bỡ ngỡ như ở hai lớp ESL trước, khi vào lớp Toán, tôi đã làm quen được với hai bà bạn cũng tuổi xuân "đã già" như tôi. Hết lớp Toán, cả ba đứa chúng tôi không còn lớp nào nữa, bèn tụ nhau lại trao đổi kinh nghiệm "học" thế nào để sống "dai" trong đại học cộng đồng và lãnh thật nhiều tiền "Fiancial Aid". Một bà có cái tên khi gọi lên, chắc chắn là đã dính líu đến vụ án nào rồi. Đó là "Tòng Phạm". (Bà Phạm thị Tòng đã bị gọi như thế, theo lối Mỹ: tên đi trước, họ theo sau). Bà Tòng Phạm này đã tâm sự với tôi và bà "Xáng Tô" (Tô Ngọc Xáng) rằng "Bọn mình già rồi. Có ra mấy nhà hàng xin rửa chén dĩa, cũng chỉ kiếm được mỗi tháng vài trăm. Chi bằng vào "đại học" cộng đồng, "học đại" vài lớp ESL, vài lớp vẽ, may hoặc toán vớ vẩn lấy tiền "Financial Aid" và kiếm ít tiếng Mỹ bỏ vào miệng, nói trệu trạo cho vui đời "quí bà tị nạn" thì lợi hơn răng hỉ.
Bà Xáng Tô đã có kinh nghiệm đi học College mấy mùa rồi, bà cho biết "sinh viên" còn có thể kiếm thêm được mỗi năm khoảng 2,200 dollars tiền "work- study" nữa. Làm "work- study" khỏe lắm, lại không bị trừ thuế nha. Miệng bà nói, tay bà khều tôi, ý muốn tôi lấy lá thư "Financial Aid" ra, đọc lại xem tôi đã có khoản tiền đó hay chưa" Vì bà biết tôi là "lính mới" vào "học đại" trong đại học cộng đồng.
Hiểu ý bà. Tôi mở cặp lấy thư đưa ra. Bà cầm lấy đọc to lên: Federal Pell Grant: 3,300. BOGG/Waiver: 308. Federal SEOG: 600. EOPS- Stipend: 300. Cal Grant B: 1,548. Tổng cộng: 6,056. Đọc xong bà nói "Vậy là chưa có "work- study" trong này. Mai tôi dẫn bà đi xin "work- study".
Vì là "lính" mới tò te, tôi đâu đã biết "work- study" là cái giống gì " work ở đâu và nhất là work ra làm sao " Nên tôi rụt rè nói với bà rằng: "Dạ, để em về nói lại với ổng và mấy đứa nhỏ xem sao".
Nghe tôi nói vậy, bà cao giọng:
"Xí, mới ở VN qua phải không" Mình phải tự quyết định cho đời mình chứ. Không phải hỏi ai ráo trọi." Tôi nín khe.
Hên quá, tôi chưa tâm sự cho bà biết sự vụ "tôi đi học" là do chồng con tôi "áp đặt" và "quyết định". Tôi cũng chưa cho bà biết khi tôi đi học, phải luôn có "kẻ đưa người đón". Đi xe Bus, phải chuyển đổi 2, 3 lần xe. Tôi sợ lạc. Lái xe thì tôi run tay lắm. Hơn nữa DMV cũng không cho phép tôi lái xe trên xa lộ và lái xe sau 5 giờ chiều. Với lý do: Sức khỏe tôi quá bết bát. Đôi mắt tôi quá "mơ huyền". Sẽ gây tai nạn cho các anh hùng xa lộ.
Thấy tôi rất "nai". Hai bà say sưa hướng dẫn và truyền kinh nghiệm cho "lính mới" đối phó với homework bằng cách: 'Nhờ mấy đứa con làm giùm", hoặc "kiếm" ông bà nào đã học mùa trước có cùng lớp, cùng thầy với mình. Hỏi mượn họ homework cũ về sao chép lại. Khỏe re. Hai bà còn chê tôi sao "khờ" quá. Lúc thi Toán (Assessment) tôi đã "quờ quạng" thế nào để bị xếp vào lớp "Toán 51" lận. Bà Xáng Tô đưa ra nhận định: “Tốt nhất, ta nên học từ các lớp "Toán 200": học cộng, trừ, nhân, chia các số chẵn, lẻ. Hết một mùa (Semester). Rồi lên lớp "Toán 220" học cộng, trừ, nhân, chia phân số chẵn, lẻ, học đơn vị đo lường, bách phân và giải phương trình bậc một. Hết một mùa nữa. Sau đó ta mới bò lên "Toán 51" Beginning Algebra. Tôi rụt rè thanh minh:
“Tại em đâu có biết.”
Nghe tôi nói vậy, bà Tòng Phạm dạy "bài" ngay :
“Bây giờ biết rồi thì xin xuống lớp. Học lại từ lớp Toán 200 đi.”
Ngạc nhiên tôi hỏi lại bà:
“Bộ họ có cho mình lùi xuống, học ngược lại nhiều lớp như vậy sao"”
Bà Xáng Tô rành rẽ trả lời:
“Sao lại không" Tụi Mỹ kỳ lắm. Mình không được quyền xin học lớp cao hơn như kết quả Assessment đã có. Nhưng mình được quyền ghi tên học xuống những lớp thấp hơn.v.v...”
Trước khi chia tay, bà Tòng Phạm cùng nhất trí với bà Xáng Tô khuyên tôi nên học "lùi" lại cho khỏe và nhất là sẽ nhận được tiền "Financial Aid" lâu dài hơn. Lần này tôi đã biết giữ mồm giữ miệng nên im lặng, chứ không thì tôi đã nói: "Dạ để em về hỏi lại ổng với mấy đứa nhỏ".
Thật đúng là "Đi một ngày đàng, học một xàng khôn". Tôi chưa đi hết một ngày đàng, mà đã học được cả hai ba "xàng" khôn rồi đó chứ. Nếu cứ ru rú ở nhà thì làm sao tôi biết được những "Work-study" khỏe lắm. Những học thụt lùi lớp lợi hơn. Những khoản tiền "Financial Aid" ưu tiên dành cho "sinh viên" già và dở như tôi, còn ráng lết "đi học để kiếm tiền". Trái ngược hẳn với hoàn cảnh sinh viên ở Việt Nam phải vất vả "kiếm tiền để đi học".
Đúng giờ tôi ra điểm hẹn. Bác "tài xế" riêng của tôi đang ngồi trong xe, vội vàng chạy ra đỡ cho tôi cái cặp trên vai xuống và hỏi: "Sao" Em đi học có vui không"" Tôi trả lời ổng là: "Phải đi học chứ bộ được đi xem hát đâu mà vui ta ơi". Tuy trả lời "hờn mát" như vậy, nhưng tôi cũng vui vẻ kể lại cho ông nghe những gì tôi đã "thâu lượm" được trong ngày đầu tiên học ở Sacramento City College. Nhưng bài "kinh nghiệm" học lùi lại hai lớp Toán tôi vẫn còn giữ lại, chưa kể.
Thường ngày, sau khi cơm nước xong, chỉ có một mình tôi lui cui dọn dẹp và rửa chén bát. Nhưng hôm nay vì tôi đã đi học "đại học", nên cả nhà xúm lại giúp tôi dọn dẹp, để tôi có nhiều thì giờ làm "Homework". Khi tôi lấy "Homework" ra, các con tôi xúm lại hỏi: "Mẹ có nhiều Homework không"" " Mẹ có hiểu bài không ". "Mẹ có cần con giúp mẹ không"".v.v&... Tôi trả lời: "Hôm nay thì mẹ chưa cần giúp, nhưng mai mốt sẽ có. Nhất là về môn Toán".
Nghe tôi nói vậy, tụi nhỏ nhao nhao lên hỏi: "Sao lại nhất là môn Toán hả mẹ"". "Bộ mẹ quên hết toán rồi sao"" " Con nghĩ mẹ cần giúp Anh văn hơn chứ""...
Nhân cơ hội này, tôi thuật lại lời khuyên của hai bà "cố vấn" cho cả nhà nghe, và tôi ngỏ ý muốn học lùi xuống 2 lớp Toán. Nghe xong, cả nhà vội vã mở "hội nghị" ngay để "giúp mẹ vượt khó" (các con tôi vẫn thường nói với nhau như vậy, khi khuyến khích tôi đi học). "Hội nghị " cứ rùm beng cả lên. Kẻ ủng hộ cho tôi học lùi, đưa ra lý do: " Mẹ học lùi một lớp để tiến vững chắc lên hai lớp". Người quyết liệt chống việc học lùi, thì đưa ra ý kiến: "Khi khuyến khích mẹ đi học. Ai cũng mong mẹ tiến, sao bây giờ lại để mẹ lùi là thế nào"".
Tranh cãi mãi cũng không xong. Cuối cùng quyền "gia trưởng" quyết định: "Em học lùi lại hai lớp sẽ chán lắm, nhưng một lớp thì được. Mai đến trường, em "Drop" lớp Toán 51 và xin "Add" vào lớp Toán 220. Anh nhìn trong "Schedule of Classes" thấy có lớp Toán 220, cùng giờ với Toán 51. Em không phải thay đổi thời khóa biểu."
Mừng quá, tôi thừa thắng xông lên. Đề nghị cho tôi học lùi lại cả những lớp ESL nữa. Nghe tôi "đề nghị" như vậy, ông xã tôi cười to và nói: "Qua kết quả Assessment, nhà trường đã xếp cho em vào những lớp ESL cuối bảng rồi. Không có lớp nào thấp hơn cho em lùi nữa đâu. Sát đất rồi em ơi".
Nghe ông "gia trưởng" nói vậy. Tôi quê quá, thộn mặt ra. Nhưng thằng con Út lại nghĩ tôi đang lo lắng về lớp khó, tôi sẽ không đạt được điểm tốt. Nó chạy đến thì thầm vào tai tôi: " Mẹ đừng có lo, nếu mẹ có bị điểm C con cũng không buồn đâu". Khi nghe tôi nhắc lại lời nó, cả nhà đã vỗ tay cười vang. Ông xã tôi nói: "Em thấy chưa, thằng An nó đối xử với em quá rộng rãi rồi đấy nhé".
Sở dĩ thằng Út đã an ủi và mở lối rộng rãi cho tôi như vậy, vì tôi luôn luôn nói với tụi nó là: "Các con phải ráng học cho được toàn điểm A. Đừng để bị một điểm B nào, mẹ buồn lắm". Sau đó, các anh chị nó đã lên tiếng phê bình: "Thằng Út An quá "nuông chiều" mẹ trong việc học. Nếu mẹ không cố gắng vượt khó được là lỗi tại thằng An đó nghe".
Sau một ngày học ở Sacramento City College, tôi chưa thể nào biết được, tôi sẽ phải vượt khó cỡ nào với trình độ thấp kém của tôi. Nhưng tôi đã rất thích thú và ngạc nhiên khi khám phá ra rằng bất cứ ai cũng có thể theo học được, trong các trường đại học cộng đồng. Nhà trường họ nhận tất cả mọi lứa tuổi, mọi sắc dân và mọi trình độ học vấn khác nhau.
Trong đại học cộng đồng, người có trình độ cao, học các lớp cao. Người có trình độ thấp, sẽ được bắt đầu từ các lớp (Novice) "Sơ học yếu lược" ESL như lớp của tôi chẳng hạn. Các môn học khác cũng vậy. Tất cả đều có từ những lớp căn bản vỡ lòng. Với mục đính giúp cho mọi người, trong mọi hoàn cảnh, đều có cơ hội học hành, vươn tới một tương lai rạng rỡ bằng ý chí và sự quyết tâm của chính mình.
Trong đại học cộng đồng, sinh viên có thể hoàn tất ngành học chuyên môn của mình với mảnh bằng đại học 2 năm (AA/AS). Hoặc có thể nộp đơn xin chuyển tiếp lên đại học 4 năm, để lấy văn bằng Cử nhân (BA/BS). Rồi tiến lên Master. Tiến lên Ph.D cũng được.v.v.
Riêng phần tôi, tôi chưa vội vàng mơ tưởng chi xa xôi đến tháng ngày tôi nhận được mảnh bằng đại học 2 năm trong Sacramento City College.
Hiện tại, tôi đang sung sướng mong chờ ngày 27 tháng 8. Đó là ngày tôi cầm được cái check "tiền lương" đầu tiên. Chính phủ Mỹ trả công cho tôi đi học. Tôi thích nói như vậy, thay vì gọi đó là tiền "Financial Aid".

Lưu Nguyễn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,079,993
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.