Hôm nay,  

Một Chuyến Hải Du

11/01/201600:00:00(Xem: 14738)

Tác giả: Nguyễn Thị Hữu Duyên
Bài số 3721-17-30220vb2011116

Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ với những bài viết cho thấy tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.

blank
Vợ chồng anh chị Khải+Diệp trên boong tầu. (Ảnh do Hồ Duy Hạ chụp)

* * *

Lâu nay tôi thường đi du lịch bằng đường hàng không hoặc đường bộ đây là lần thứ nhất tôi đi cruise. Nhằm mùa có sóng to nên bị say sóng bầm dập suốt một đêm. Dẫu vậy chuyến du hành này có nhiều điều vui mừng, ngạc nhiên, thú vị lẫn bất ngờ không thể nào không ghi lại.

Khi hay tin chúng tôi có chương trình đi cruise vợ chồng người bạn nhờ mua vé luôn, sau đó hai chị bạn nữ cũng muốn đi, rồi đến cặp vợ chồng khác nhờ mua vé vì nghe nói rẻ quá. Giá vé đi bốn ngày bốn đêm sang ngày thứ năm về trở lại bờ biển Long Beach lúc tám giờ sáng mà chỉ có $165.00, cộng thuế, bảo hiểm các khoản phụ thu vào vé phải trả $256.00 bao “ăn ở” suốt chuyến du hành.

Hôm khởi hành chúng tôi đến bờ biển Long Beach lúc 9:00am check in xong lên tàu khoảng 11:00am. Hàng ngàn người nối đuôi nhau như đang chơi trò rồng rắn lên mây. Nhận phòng xong hẹn nhau xuống tầng ăn, tiếng cười nói, tiếng chào, tiếng kêu gọi rủ ren náo nhiệt vô cùng, tôi thầm nghĩ Ai có chuyện buồn đi lên đây chắc cũng sẽ vui theo mọi người, không vui sao được?

Khoảng bốn ngàn du khách với mọi sắc dân, già trẻ bé lớn đủ cả. Có những ông, bà cụ được con cháu đẩy trên xe lăn, có những em bé chưa biết đi cũng được cha mẹ đẩy lên tàu. Các quầy phục vụ ăn uống nhộn nhịp, đủ các món ăn Tàu, Tây, Ý, Nhật, Mễ, Mỹ, Korea… Quầy tự phục vụ, quầy chờ người nấu gọi là Mongolia, quầy bánh ngọt thơm lừng, quầy salach tươi, quầy Pizza, quầy kem đủ hương vị, quầy trái cây với cam, chuối, táo, lê, bưởi, dưa hấu, dưa xanh, dưa vàng, tất cả đều ngọt lịm, mát lạnh.

Đang đói nên chúng tôi quyết định chọn ăn uống tự phục vụ, tôi tình nguyện ngồi giữ bàn cho mọi người đi lấy thức ăn trước. Ông xã đứng lên rồi lại ngồi xuống nheo mắt với tôi:

- Anh chờ em đi cùng.

Ông xã chung thuỷ ghê hồn, ăn cũng nhất định chờ, tôi cảm ơn anh và nhờ anh đi lấy nước uống cho cả hai. Anh trở lại với hai ly nước cam hấp dẫn, tôi uống nửa ly nước mát lạnh chạy vào mát cả ruốt gan, tỉnh cả người. Anh chị Khải là cặp vợ chồng lớn tuổi nhất trong ba cặp chúng tôi, tuần tới anh tròn 80, vợ anh 74 tuổi. Anh là một ký giả từ thời còn trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Cặp vợ chồng bạn đồng lứa với chúng tôi, vợ chồng nữ thi sĩ Hồ Duy Hạ đã mang thức ăn quay về bàn. Ông xã nắm tay tôi đứng lên, tôi chần chừ:

- Nãy giờ ngửi mùi thức ăn em bị no ngang rồi anh…Hi hi.

- Chỉ cảm thấy no thôi chứ từ sáng đến giờ em có ăn gì đâu, cứ lấy đi ăn không hết anh ăn phụ.

Được chồng hứa hẹn tôi mạnh dạn lấy mỗi thứ một ít vậy mà cũng đầy dĩa, nào gà nướng, nào cá hấp, nào bò xào nấm, nào cà chiên, nào khoai lang nướng, nào bắp luột lại thêm một điã xà lách với đủ các loại hạt kèm tí sốt Italian.

Ăn, uống, chuyện trò rôm rả, tôi đọc được trên gương mặt mọi người niềm vui và hạnh phúc hiện rõ qua ánh mắt, môi cười.

Trên con tàu này mọi người đều bình đẳng, không ai hơn ai, ai cũng trả tiền đủ cho phần mình mới được lên tàu. Khi check in lại phải đặt cọc trước ít nhất là 100 đô la. Mỗi người được giao cho cái thẻ vừa là chìa khóa phòng, vửa dùng để tiêu xài trên tàu. Ăn uống khỏi trả tiền, các quầy phục vụ đến mười giờ đêm, sau đó thì chỉ có quầy Pizza phục vụ trong đêm (hầu như 24 trên 24) quầy cà phê, nước uống có lẽ cũng trọn đêm vì tôi không ăn vào các giờ đó. Nói chung là không bao giờ bị đói.

Ăn uống xong chúng tôi kéo nhau đi xem qua các tầng, có khu mua sắm, có các phòng lớn nhỏ để biểu diễn các chương trình văn nghệ mỗi đêm, có khu tập thể dục với phòng tập như một câu lạc bộ thu nhỏ, có máy đi bộ, xe đạp máy, tập tạ, tập eo, bụng, chân, đủ các loại. Cũng có phòng xông hơi, bồn nước nóng, riêng phòng xoa bóp toàn thân thì phải trả tiền. Có khu vực sòng bài chơi game cho người lớn và phòng game cho trẻ em gỉai trí. Nói chung đây là một thành phố thu nhỏ ở trên tàu.

Cuối cùng chúng tôi kéo nhau lên tầng thượng để chờ xem cảnh tàu rời bến, theo lịch thì 5:00pm tàu khởi hành, sẽ đi một vòng lênh đênh trên biển suốt ngày đêm cho đến sáng ngày thứ ba dừng lại cho lên đảo tham quan. Mọi người đều háo hức đón chờ những ngày thư giản sau một thời gian làm việc mệt nhọc.

Đến giờ tàu nhổ neo từng nhóm đua nhau quay phim, chụp hình và vẫy tay từ giả bờ biển đã bắt đầu lên đèn. Tàu xa dần, cho đến khi nhìn vào bờ chỉ còn thấy những đóm sáng nhỏ li ti như bầy đom đóm đêm đang bay vào vùng không gian vô tận rồi mất hẳn. Màn đêm buông xuống thật nhanh, màu đen bao trùm không gian, nhìn xuống lòng biển đen kịch tôi không thể không tạ ơn Thượng đế về những bạn bè, người thân sống sót trong những trận vượt biên hãi hùng thập tử nhất sinh sau ngày mất nước.

Tục ngữ có câu: “Ai có cháy nhà mới thương người nhà cháy.” Hiện tại tôi đang đứng trên tầng thượng của con tàu lớn với sức chưá bốn ngàn người nên không tưởng tượng được sự hãi hùng của người vượt biển như thế nào? Nỗi hãi hùng ấy bản chất nó ra sao mà nó vẫn còn đeo bám như những con đĩa cố hút đi nhuệ khí của các thuyền nhân cho đến bây giờ nên họ không bao giờ có ý định đi cruise. Hàng triệu triệu người con Việt nam đã bỏ mạng trong lòng biển trên đường chạy trốn Cộng sản, thật là con số quá lớn và quá đau lòng. Tôi nhớ đến gia đình người bác đã làm mồi cho biển vào năm 1979 trên chiếc ghe chài nhỏ của gia đình. Họ âm thầm ra đi rồi bặc vô âm tín, hai vợ chồng và bốn người con hồn thiêng đã phiêu bạt nơi nào? Lòng biển nước Việt, hay nước láng giềng đã nuốt chững gia đình họ?

Nghĩ đến đây sóng mũi tôi cay xè như vừa bị sặc một ngụm rượu mạnh, tôi kéo góc khăn quàng cổ thấm vội hai dòng lệ nóng hổi vừa lăn xuống, tự an ủi: Rồi biển sẽ đem trả những người chết mình chứa, sự chết và âm phủ sẽ đem trả những người chết mình có…(1) Mong sớm gặp lại gia đình hai bác nơi nước Thiên đàng là nơi đời đời bình an phước hạnh và tự do thật với sự tể trị của Đấng tạo ra thế giới, muôn loài. Híc. Ông xã thấy tôi trầm ngâm một mình nên đến bên cạnh cùng nhìn xuống lòng biển đen ngòm, anh hiểu tôi đang nghĩ gì bèn vòng tay ôm lấy bờ vai vợ siết nhẹ như muốn chia sẻ nỗi niềm thương cảm; mấy phút sau, lòng lắng dịu chúng tôi quay lại với mọi người đang nhốn nháo tìm mình.

Chia tay và hẹn nhau 8:00pm tập trung tại nhà hàng để ăn tối. Chúng tôi trở lại phòng, phòng ngủ đầy đủ tiện nghi như khách sạn nhỏ, có điện thoại liên lạc với các phòng trong tàu vì nếu dùng cel phone thì trả tiền rất đắc. Có thể mua năm đô la mạng internet để dùng nếu thấy quá cần nhưng hầu như ít ai làm chuyện đó, chúng tôi cũng vậy không muốn liên lạc với bất cứ chuyện gì, bất cứ ai trên đất liền. Đây là chuyến du hành chúng tôi muốn dành hết thời gian để thư giản cả phần xác lẫn phần hồn; để chiêm ngưỡng sự vĩ đại và tuyệt vời cùng tình yêu của Đấng sáng tạo đã ban cho.

Gặp lại nhau trước nhà hàng và chúng tôi được sắp xếp ngồi chung một bàn; nhà hàng đẹp và sang trọng những cái ly thuỷ tinh sáng loé, lung linh dưới ánh đèn; tiếp viên lịch sự nhã nhặn, chúng tôi được tiếp đãi như thượng khách khiến mọi người đều hớn hở.

Ông xã tôi kề tai:

- Suốt năm em làm việc cực nhọc nơi chỗ làm, về nhà hầu hạ bố mẹ chồng và gia đình chồng, mấy ngày này chúc mừng em được làm bà chủ nhe. Em sẽ được hầu từ A đến Z, phần anh hứa sẽ giăng mùng, đập muỗi cho em.

Tôi vừa cười vừa lườm dài khiến mọi người đều hướng mắt tập trung vào chúng tôi: “Ông xã nói gì mà bà xã lườm dữ vậy?” Nghe kể ông xã đòi giăng mùng, đập muỗi cho tôi cả bàn cười vang. Chúng tôi đồng ý hùn tiền để khui chai rượu đỏ nhâm nhi: rượu khai vị giúp chúng tôi muốn ăn nhiều và thức ăn ngon miệng nên ai nấy quên mất chữ “đai ệt” ăn đến căng bụng. Tôi ái ngại xoa bụng:

- Kiểu này, sau chuyến du lịch chắc ú ù quá bà con ơi.

- Cứ ăn đi lo gì, có phòng tập thể dục mà, bắt đầu ngày mai sáng tập thể dục một tiếng sau đó ăn chơi cả ngày tối tập thể dục trước khi ăn tối là ổn thôi.

Ông xã hồ hởi lên kế hoạch, mọi người cùng “yet” vang rền.

Đến mười giờ chúng tôi đi xem các sow văn nghệ, ai thích xem gì thì đi tự do. Vợ chồng tôi chọn xem biểu diễn độc tấu Piano do một nam nhạc sĩ trình diễn, căn phòng nhỏ ấm cúng chứa khỏang bốn mươi người ngồi quanh hướng về cây đàn, nếu muốn uống nước thì có người phục vụ tận bàn nhưng phải trả tiền.

Ông xã nheo mắt: “Nè, em thích làm người nghèo mà sang hay giàu mà bủn?”

Tôi nghiêng nghiêng đầu: “Hi, thích nghèo mà sang.”

Thế là anh gọi hai ly nước $18 cho luôn $22 tip, tôi méo mặt khi thấy anh đưa hai tờ hai mươi đô, gắt nhẹ khi người phục vụ vừa quay lưng: “Anh này, sang hơi nhiều rồi nhe, cho năm đô được rồi”

Anh nhìn chằm tôi tỏ vẽ ngạc nhiên: “Sao em đòi làm sang?” Tôi còn đang ậm ừ “Um…” Anh vén mấy lọn tóc trên trán tôi, nhìn sâu vào mắt:

- Em đi làm được khách cho em tiền tip em vui không?”

- Vui chứ sao không.

- Cho nhiều vui hay cho ít vui?

Tôi trả lời không cần suy nghĩ:

- Đương nhiên cho nhiều thì vui.

- Vậy cho người ta niềm vui đi em. Người ta vui thì cũng như mình vui, vả lại: “Ban cho có phước hơn nhận lãnh” (2) em quên rồi sao?

Anh nắm tay tôi bóp nhẹ, tôi gục gật đầu đồng ý không tiếc số tiền tip nữa. Đúng là đêm ấy tôi thấy lòng vui phơi phới và cảm nhận được phước lớn dù số tiền ban cho rất nhỏ.

Chúng tôi trở về phòng, ở một góc giường phía dưới chân có hai con thỏ bằng khăn lông trắng nằm chờ trên tờ chương trình cho ngày hôm sau. Thật chu đáo, tôi vui quá định bế con thỏ lên chụp hình thì ông xã vội giơ tay ngăn:

- Khoan, đợi đã, đố em thỏ nào là vợ, thỏ nào là chồng? Hi Hi, anh phải chụp hình cặp vợ chồng thỏ này trước đã.

- Ùm… con bé là vợ còn con lớn hơn là chồng chứ gì, đúng không?

Cả hai cười giòn tan, tôi đấm vào lưng anh thùm thụp, anh xoay tứ hướng để tránh những cái đấm yêu. Trong khi anh loay hoay mở máy ảnh tôi tò mò vuốt ve hai con thú xem cách họ xếp như thế nào và thầm khen sự tinh tế của ban tổ chức ở đây, một chút tế nhị như vậy cũng đủ tạo hạnh phúc cho người khác. Tuyệt! Cặp uyên ương thỏ trắng chào đón chúng tôi đêm đầu tiên này thật đầy ý nghiã. Tôi ôm cả hai con thỏ chụp mấy bức ảnh kỷ niệm, chờ xem ngày mai sẽ là con gì đến thăm chúng tôi đây?

Đang tắm bỗng dưng tàu lắc lư khiến tôi suýt ngã, nghe được tiếng sóng đánh ầm ầm vào mạng tàu vì chúng tôi ở tầng sáu nên cảm giác rất rõ. Tàu tiếp tục chao đảo mạnh, hết nghiêng qua rồi lắc lại, tôi gọi ông xã vào để giúp ra ngoài vì không thể đi vững được.

Nằm lăn lên giường ôm đầu, gối co lên tới ngực giống như con tôm bị bỏ vào nồi nước sôi, tự nhiên cong lại. Nôn nao trong ruột, choáng váng trong đầu, buồn nôn, khó thở, tim đập nhanh thình thịch, thình thịch như đang chạy maraton, tôi đã bị say sóng. Cuộn mình trong chăn nhắm chặt mắt tôi cố nuốt cơn buồn nôn vào để thức ăn khỏi thốc tháo ra ngoài.

Tàu lớn thế này mà không chịu nỗi sự cuồng nộ của biển thì những chiếc ghe, tàu nhỏ, nghe nói có cả bè thùng phuy của gia đình bà Mary Nguyễn (14 người) đi vào năm 1977 làm sao chống chọi nỗi với cơn gầm thét của biển sâu. Rồi hết dầu, hết thực phẩm do đi lạc hướng, do máy hư, tàu bể đến đỗi phải ăn thịt trẻ con và người bệnh sắp chết, ôi thật kinh khiếp.

Thương biết bao những con người hiền hậu, nhỏ bé trước thiên nhiên hết hãi hùng với sóng to bão lớn lại đối diện với sự hãi hùng do bọn mặt người lòng thú có tên gọi “hải tặc” tấn công. Bao mảnh đời đau thương của những trinh nữ, những thiếu phụ bị rách nát, bầm dập trong tay chúng, thậm chí có người phát cuồng khi bước chân lên đảo, có người không đi nỗi phải nhờ khiêng lên bờ, có người mất tích hẳn trong tay chúng. Bao người chồng, người cha, người anh, người em trai bị chúng giết hại ném xuống biển sâu làm mồi cho cá mập khi dám chống cự tranh giành lại người vợ, người con, người chị, người em của mình.


Ôi! Đau đầu quá, tôi cắn chặt bờ môi nén tiếng than, vòng tay ôm đầu ép mạnh thêm chút nữa cố không nghĩ ngợi gì; nhưng óc nặng triũ với bao hình ảnh đau lòng của những chuyện vượt biên chợt ùa về. Thương biết bao nhiêu đồng bào đồng loại đã phải gặp cảnh khổ nàn trên biển nước mênh mông dưới bầu trời lồng lộng đi mãi không thấy chân trời.

Ông xã tìm được và trao cho ly nước cùng thuốc chống ói, hơn mười phút sau viên thuốc đưa tôi vào giấc ngủ sâu đến nỗi không còn biết trời đất nước ra sao nữa.

Khoảng năm giờ sáng hai ba hồi chuông reo liên tục đánh thức chúng tôi, tôi vẫn còn mệt, đầu vẫn còn lâng lâng chưa mở mắt ra được, ông xã nhấc máy:

- Xin lỗi anh chị em, bà xã đêm qua say sóng quá nên còn mệt, anh chị em cứ đi và hẹn gặp tám giờ ăn sáng ở gần hồ bơi nhe.

Trong trạng thái nửa ngủ nửa thức, mắt vẫn nhắm nghiền, tai nghe ông xã kể đêm qua anh xem tờ giấy chương trình có ghi giờ mặt trời mọc và mặt trời lặn nên anh phone mọi người hẹn sáng nay lên boong lúc 5:45am để đón bình minh và xem mặt trời mọc. Anh xoay qua ôm đầu tôi vào đôi tay ấm áp, hôn lên tóc thì thầm: “Em còn mệt thì không đi, sáng mai mình xem cũng được. Em ngủ tiếp nhe, bảy giờ anh thức em dậy đi lên tập thể dục sẽ khoẻ sau đó gặp bạn bè ăn sáng” Tôi ậm ừ và không lâu sau lại thiếp đi trong mộng mị, toàn thân bồng bềnh như cụm lục bình đang trôi trên sóng nước lúc trồi lên, lúc chìm xuống nhấp nhô, nhấp nhô.

7:00 am tôi thức giấc, đầu óc rỗng tuếch, nằm yên trên giường hồi tưởng lại chuyện đêm qua, toàn thân rã rời không muốn cử động. Dõi mắt về màn hình ti vi ở góc phòng, được biết hôm nay thời tiết tốt và không có sóng to có lẽ vì tàu đi gần bờ, hiện tại tàu vẫn đang lênh đênh trên biển. Trời quang mây tạnh biển êm dịu, hiền lành, thời tiết ấm áp vì đang đi về hướng Nam, màu xanh ngăn ngắt của nước biển kéo chân tôi rời khỏi giường. Đúng 7:15am chúng tôi lên phòng tập thể dục, tôi căng ngực hít thở những hơi thật dài, thật sâu sau đó vào phòng tập chạy bộ 30 phút, xông hơi 10 phút mồ hôi đầm đìa, tôi khoẻ hẳn và bắt đầu đói bụng. Vả lại vì không bị sóng nhồi nên tôi có cảm giác như mình đang ở trên đất liền.

Hôm nay là ngày đặc biệt mọi sinh hoạt ăn uống vui chơi đều ở trên tàu, có nhiều sow được biều diễn trong ngày giữa bầu trời bao la. Khu hồ bơi thật nhộn nhịp vì có sow thú bông, mọi người chụp hình, quay phim những con thú được xếp bằng khăn lông trắng bày đầy trên những chiếc ghế màu xanh nổi bậc. Cứ mỗi chiếc ghế có một con thú nhìn toàn cảnh như một bầy thú trắng đang nằm phơi nắng, nào cá sấu, nào thỏ nào mèo, nào dê nào chuột đủ mặt. Tôi xuống trễ nên có một số thú đã được các em bế về bàn ngồi rồi, tôi chọn một chỗ ngồi giữa những hàng ghế với bầy thú, tranh thủ chộp vài bôi với khung cảnh vui nhộn này, mọi thứ đều khiến cho tôi happy.

Đến bàn ăn sáng, các bạn khoe những bức ảnh chụp được bầu trời bình minh và lúc mặt trời mọc. Mặt trời vàng óng sáng lòa ló lên từ mặt biển lớn dần, lớn dần, chúng tôi thích thú với những bức ảnh và video clip ông xã Hồ Duy Hạ quay lúc mặt trời trồi lên khỏi mặt biển thật nên thơ. Hồ Duy Hạ nhanh tay chụp được một cánh chim vui mừng đón chào ngày mới đang tung cánh đáp xuống như định cắp lấy mặt trời để bay lên. Anh chị Khải được bấm cho một bức ảnh đứng ngắm vòng sáng đang toả rộng trên mặt biển trong cảnh êm ả an bình đầy sức sống. Mọi người chuyền nhau hai bức ảnh này, tôi thích thú cứ ngắm mãi những bức ảnh vì thật khó mà tìm thấy những cảnh sắc do bàn tay tạo hoá vẽ nên đẹp tuyệt vời như thế.

Tôi thầm nghĩ: Nhất định ngày mai sẽ không bỏ qua thì gìờ quý báu ấy. Quả thật có mấy khi được thấy mặt trời trồi lên giữa biển nước mênh mông xanh ngăn ngắt như vậy đâu. Cả nhóm xem lại tờ chương trình và hẹn nhau buổi chiều đón hoàng hôn cùng xem mặt trời lặn; tôi hào hứng với động tác vẫy tay chào cao giọng: “Luôn tiện tiển mặt trời đi, hi hi.”

Suốt ngày hôm ấy chúng tôi ở trên tàu ăn uống, mua sắm và xem biểu diễn các sow ngoài trời. Chỉ cần ngồi ngay khu hồ bơi lớn xem các trẻ bơi lội, tạt nước vào nhau, réo gọi nhau chí choé cũng đủ vui rồi. Lên khu chơi tầng trên, có sân golf mini, cầu trượt nước cho trẻ, sân bóng rổ và các trò chơi khác. Khu mua sắm dành cho: quà lưu niệm, đồ dùng cá nhân, trang điểm, trang sức, tuí xách, áo quần đủ loại không thiếu thứ gì, tất cả đều miễn thuế và giá rất rẻ. Chụp hình, quay phim có sẵn phó nhòm Amatơ ông xã Hồ Duy Hạ luôn luôn sẵn sàng khi nghe gọi đến tên, bên này, bên kia, bên nọ réo anh khiến anh quay như chong chóng. Chỉ biết tóm tắt lại trong hai từ “quá vui.”

Trong không gian này có khoảng bốn ngàn người đủ mọi sắc dân của chuyến du hành cùng được hít chung một bầu không khí và thở chung một bầu trời, ngủ chung một tàu, ăn chung nhà hàng, mua sắm và vui chơi chung các điểm. Trên tàu có hai khu và các quầy phục vụ ăn uống suốt ngày, bạn có thể vào nhà hàng ăn sáng cũng được nhưng vì muốn thoải mái nên đa số đều ăn ở các quầy phục vụ vì vào nhà hàng phải ăn mặc lịch sự, tươm tất. Chỉ các buổi ăn tối thì mọi người thích vào nhà hàng, vừa sang trọng lại vừa được thử các món ăn do đầu bếp giỏi nấu và đội ngũ tiếp viên phục vụ nhiệt tình. Lại có thể nhâm nhi chút rượu vang hay Champagne cho ấm lòng và ăn ngon hơn; khoản này phải trả riêng tiền nhưng không đáng bao nhiêu, mỗi người chung nhau một hay hai đô là có ngay loại rượu mình thích. Đêm nào cũng có thợ chụp hình đến tận bàn ăn chụp cho từng người một, hôm sau hình ảnh sẽ được trưng bày dọc lối đi, ai muốn thì lấy hình mình mang đến quầy tính tiền.

Mãi vui chơi, mua sắm mọi người quên giờ nên bỏ mất cuộc hẹn đón hoàng hôn và xem mặt trời lặn. Ăn tối xong chúng tôi chọn xem một sow hài kịch ngắn rồi về ngủ sớm vì hôm sau mọi người đều muốn đón bình minh. Đêm ấy khi trở về phòng chúng tôi thấy trên giường có hai con cá sấu một lớn, một nhỏ; ông xã vừa mở máy ảnh vừa cười hề hề: “Chính xác là hai vợ chồng anh sấu đây.” Tôi cũng nghĩ vậy vì ở phòng các chị nữ chỉ có một con thú thôi, tôi vốn sợ cá sấu nên không hào hứng chụp hình với chúng.

Ngày thứ ba theo chương trình tàu sẽ ghé vào đảo CATALINA. Mặt trời mọc lúc 6:27am; mặt trời sẽ lặn lúc 4:49pm. Hôm ấy chúng tôi đón mặt trời mọc trong buổi bình minh thật thơ mộng, mọi người đều có ảnh chụp khi mặt trời vừa ló lên từ chân trời ai cũng loé máy lia liạ, người quay phim, người chụp hình lao xao một góc tàu. Ăn sáng xong tàu cặp đảo, hai vợ chồng tôi chỉ đi chụp nhửng bức ảnh kỷ niệm chốn ấy rồi tranh thủ trở lại tàu sớm để ngắm mặt trời lặn. Nhởn nhơ chụp hình trong cảnh hoàng hôn trên mặt biển, chưa được mấy kiểu đã thấy mặt trời chui thật nhanh xuống biển như muốn trốn chạy sau khi loé lên một màu đỏ cam chói chang ở chân trời. Vợ chồng Hồ Duy Hạ nhờ chúng tôi chụp được bức ảnh cả hai đang cố đưa tay nắm lấy mặt trời kéo lên khỏi biển, bức ảnh thật ý nghiã và màu sắc đẹp lạ lùng.

Đêm thứ ba là đêm dạ tiệc, mọi người được yêu cầu ăn mặc sang trọng nhất để đến nhà hàng, có khoảng 10 studio chụp hình mở dọc theo một đoạn dài trước khi vào nhà hàng. Mọi người được mời gọi vào chụp ảnh mà không phải trả tiền, sẵn aó quần đẹp, thợ chụp hình chuyên nghiệp chúng tôi ai cũng chụp mỗi studio vài kiểu, tính ra cũng hơn vài chục kiểu. Hôm sau, đi chơi về thấy hình được chưng bày dọc cả khu vực lối vào nhà hàng, từng gương mặt hớn hở với các bức ảnh trên tay ngắm nghiá lựa chọn, nếu lấy thì trả tiền không lấy thì bỏ vào thùng rác. Hầu như ai cũng lấy hình của mình vì ai cũng như bà hoàng, ông hoàng đẹp quá, sang trọng quá biết khi nào mới chụp được những cảnh như thế nữa nên không ai muốn bỏ hình mình.

Đêm dạ tiệc thực đơn đặc biệt hơn mọi đêm, có cả lopster đủ loại muốn ăn bao nhiêu cũng được có cả ban họp ca, muá hát do anh em tiếp viên biểu diễn ngay trong nhà hàng.

Đêm ấy chúng tôi có một sự kiện vui rất đáng nhớ đó là tổ chứa kỷ niệm 52 năm ngày cưới (1963-2015.) và sinh nhật 80 tuổi cho ký giả Phan Khải. Một cái bánh kem thật ngon, thật đẹp hình trái tim và chai Champagne mà anh chị đặt riêng đãi cả nhóm. Vợ chồng tôi được mời làm chủ hôn, vợ chồng Hồ Duy Hạ làm dâu và rễ phụ, còn lại mọi người là quan khách. Hi Hi Hi

Sau lời chúc tụng và nhắn nhủ của ông chủ hôn: Hãy vui sống với người vợ mà con yêu thương trọn những ngày của cuộc đời hư không đã ban cho con dưới ánh mặt trời. Vì đó là phần thưởng của con trong cuộc sống, giữa bao công lao khó nhọc mà con đã làm ra dưới ánh mặt trời, suốt những ngày hư không của con.”(3) Tiếp theo là những vần thơ và những lời chúc “Thêm 52 năm hạnh phúc nữa” được mọi người gửi tặng cô dâu chú rễ, thật náo nhiệt và xúc động. Hồ Duy Hạ sáng tác một khúc Hò lơ cả nhóm cùng A li hò lờ theo:

“Năm mươi hai năm (A li hò lờ) tình nghiã vợ chồng (A li hò lờ,)

Khải- Diệp hạnh phúc (A li hò lờ) trong lòng thỏa an (Hò lơ hó lơ lắng tai nghe chúng tôi đang hò lờ. Hò lơ hó lơ)

Ơn phước Ngài đổ tuôn tràn (A li hò lờ,)

Kỷ niệm ngày cưới ( A li hò lờ,) Chúa ban tuyệt vời (Hò lơ hó lơ….. hò lờ. Hò lơ hó lơ)

Chú rễ cũng tặng cho mọi người hai câu thơ mà ngày mới quen nhau chị đã thủ thỉ cùng anh:

“Chúng ta hai đứa con Trời,
Rủ nhau xuống thế làm người trần gian.”

Thật ngưỡng mộ cặp vợ chồng Khải & Diệp đã chung vai sát cánh hơn nửa đời người; trãi bao ngày tháng anh phải bầm dập tấm thân gầy nơi ngục tù Cộng sản chị vẫn chung thuỷ đợi chờ dầu ong bướm lượn lờ vây quanh nhưng cô gái Huế xinh đẹp vẫn không ngã lòng thay dạ. Khen thay.

Ông xã (chủ hôn) nhờ tôi đọc mấy câu thơ vừa cảm ứng:

“Năm hai năm tưởng hai năm,
Phu thê là thế cả trăm năm dài,
Biết em khi tuổi mười hai,
Cưới em hăm mốt hoa mai xuân tròn.”

Niềm vui của anh chị hoà với tiếng khui Champagne và tiếng hát chúc mừng của tiếp viên nhà hàng cùng bạn hữu: “Happy Anniversary to you, Happy….to you…” Quá vui.

(Từ trái qua phải: Vợ chồng chủ hôn, hai khách mời, cô dâu chú rễ, vợ chồng dâu, rễ phụ.)

Đêm ấy có thêm một niềm vui nữa: Ấy là cặp vợ chồng cún con lông trắng nằm sẵn trên tờ chương trình đợi chúng tôi trở về phòng. Ôi cưng quá.

Ngày thứ tư ghé đảo ENSENADA thuộc Mễ tây cơ, chúng tôi mua vé đi vòng quanh đảo ấy, trên xe có hướng dẫn viên du lịch thuyết minh từng địa danh, từng thắng cảnh, xe đi ngang những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực. Chúng tôi thích nhất chỗ đứng trên cao nhìn xuống chân núi ngay bờ biển, mọi người thay nhau chụp những tấm ảnh có cả nước biển và đá núi. Nước biển theo làn sóng vỗ ì ầm vô, ra từng đợt đánh mạnh vào ghềnh đá xanh tạo nên những lằn cầu vồng “đỏ xanh vàng lục lam chàm tím” in trên vách núi vô cùng rực rỡ, nhìn mãi không chán.

Trở lại tàu chúng tôi tiếp tục ăn uống, mua sắm quà lưu niệm; đêm cuối này các mặt hàng đều on sale đến 70-80%, loay hoay đến nửa khuya mới về phòng chuẩn bị hành lý.

Tàu chạy suốt đêm đến sáng ngày thứ năm trở về bờ Long Beach lúc 6:00am, chuyến về này sóng nhẹ nên tôi không bị hành hạ nhiều. Chúng tôi rủ nhau xuống ăn sáng và chụp hình chung lần nữa rồi đi thanh toán tiền với thu ngân: tiền tip mỗi ngày một người phải trả 12 đô cho các khoản phục vụ nhà hàng, dọn dẹp phòng ngủ và các dịch vụ linh tinh khác. Tiền mua sắm, tiêu xài cá nhân phải trả riêng trong mấy ngày qua.

Chúng tôi ăn trưa với nhau lần cuối và chuẩn bị lên bờ vì tàu sẽ đón đoàn du khách khác lúc 2;00pm. Chia tay trong niềm vui và thoả mãn với những ngày đầy ý nghiã, trong tâm trí còn vang đọng những câu thơ, những lời tâm tình, những sẻ chia của các bạn thân thương.

Tôi nhớ đến lời khuyên của một nhà vua khôn ngoan đã viết: “Vậy hãy vui vẻ nhận lấy thức ăn, hãy uống rượu với lòng hớn hở, vì Đức Chúa Trời thuận cho con làm các việc ấy. Lúc nào cũng ăn mặc như ngày lễ, và đừng quên xức dầu thơm trên đầu.”

Nguyễn Thị Hữu Duyên

Ý kiến bạn đọc
12/01/201622:10:37
Khách
Cám ơn các bạnđã khích lệ. Tác giả vô cùng áy náy khi đã xem lại bài viết rất nhiều lần mà vẫn còn sai văn phạm. Thật hổ then. Xin lỗi đọc giả.
12/01/201619:38:43
Khách
Chắc sơ sót chút đỉnh ở chữ
. Show
Cám ơn bạn[nhiều khi Hương Bìhh viết nhanh không kịp xem lại trưcc khi gởi đi., cũng vấp lỗi tương tự]
12/01/201601:56:58
Khách
Xin Lỗi đọc giả con meo. Tôi sơ sót nên chưa sửa lại chữ champain cho đúng là Champagne. Xin cám ơn bạn góp ý. Thật là đáng tiếc.
12/01/201601:15:42
Khách
Một cặp vợ chồng hạnh phúc trong một chuyến du hành vui vẻ, nhưng vẫn nhớ đến những người xấu số bỏ mạng trên biển vì nạn hải tặc và Cộng sản .
11/01/201622:50:46
Khách
Cám ơn Chúa.Bài vết cụ thể , súc tích về chuyến cruise khiến Hương Bình có được khái niệm qý báu
Con cái Chúa , đi đâu , làm gì cũng biết ơn Chúa và tuyên xưng đức tin .Thật đáng ngưỡng mộ .Hương Bình xin đươc hòa mìhh trong niềm vui của các Anh Chị và bạn hữu.Mong đươc đọc thêm những bài viết mới nữa.Cám ơn tác giả
11/01/201618:24:11
Khách
Tiếng Anh trật lất.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,213,090
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng 12.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của tác giả viết về mùa giáng sinh.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết mới của bà được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ hai của bà
Nhạc sĩ Cung Tiến