Hôm nay,  

Chuyện Bé Nhài

08/01/201600:00:00(Xem: 17432)

Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 3719-17-30219vb5010716

Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài “Chú Lính Mỹ,” Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự. Sang năm 2015, với bài “Giọt Máu Rơi của Người Lính Chết Trẻ”, cô nhận thêm giải “Vinh Danh Tác Phẩm” và vẫn tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ. Sau đây, thêm một bài viết mới.

fbc45954-5612-479d-8150-354abced73b6
Bé Nhài chọn nghề.

***

Loài hoa được xem là “quốc hoa” tượng trưng cho tình yêu, sự chung thủy, vẻ đẹp thuần khiết của đất nước Philippines là hoa lài. Người miền Nam gọi tên cho loài hoa be bé, cánh nhỏ, màu trắng, có mùi thơm ngạt ngào, thường nở vào ban đêm hay vào buổi trưa hè, dùng để ướp trà hay làm nước hoa là hoa lài. Người miền Bắc đọc trại đi là hoa nhài. Nhài là “nickname”, tên tiếng Việt của Jasmine, cháu ngoại của ông bà Hai.

Cách đây mười năm,  Phương Uyên đứa con gái gọi điện thoại cho ông bà Hai báo tin sắp đến ngày “vượt cạn”. Ông bà Hai xách  nào là giò, chả, một nồi thịt kho tàu, trái cây đến thăm con gái. Theo lời bác sĩ, em bé sẽ sinh vào những ngày cuối của tuần lễ thứ ba. Uyên sinh ngày hai mươi bốn tháng mười hai. Cả nhà hy vọng ước gì bé sinh trễ hơn, trùng ngày với Uyên để sang năm hai mẹ con cùng tổ chức sinh nhật chung thì thật là “nhất cử lưỡng tiện”.

Đó là mùa Giáng Sinh ý nghĩa và có nhiều ơn phước. Uyên cho ra đời một đứa bé gái kháu khỉnh. Cả mẹ và con đều khỏe mạnh. Ngày sinh nhật Uyên cũng là ngày bà mẹ được bệnh viện cho về. Cả  nhà chào đón không khí tưng bừng và sum họp của mùa lễ Giáng Sinh với một thành viên tí hon mới.
Ông bà Hai nhớ rất rõ đó là ngày hai mươi tháng mười hai năm hai ngàn lẻ năm.  Vợ chồng Uyên lúc ấy còn ở Cali. Mỗi lần đi thăm con, ông bà Hai thường ra ngắm  vườn hoa nho nhỏ xinh xắn của Uyên. Lần này, cái bụng Uyên to và nặng nề nên cô nàng đi đứng ì ạch, chậm chạp và mệt nhọc. Vào mùa đông, các loài hoa khác đã tàn úa nhưng cây lài vẫn mạnh mẽ vươn lên trong nắng ấm. Những chiếc lá vẫn còn xanh và những bông hoa nở trắng tỏa mùi thơm ngát. Đây là đợt hoa cuối cùng, nở  muộn nên hiếm và quý. Bà Hai hái được một túi nhỏ mang về ướp trà. Mười một giờ khuya hôm đó, em bé ra đời với cái tên là  Jasmine.

Jasmine là  tên ông bà ngoại đặt cho đứa cháu gái để nhớ kỷ niệm những bông hoa lài hái ở vườn nhà Uyên hôm Uyên đi sanh . Hoa đã nở từ lâu.Chúng như chờ đợi ông bà Hai, những người già yêu hoa đến với những đóa hoa mãn khai vào những ngày cuối đông lộng gió. Ngắt những bông hoa còn lại, bà Hai nhớ đến những vòng hoa lài được xâu thành chuỗi bằng sợi chỉ trắng thường treo bán trước cổng chùa vào những ngày lễ lạc ở Việt  Nam. Còn ông Hai, ông thích hoa lài vì đó là kỷ niệm đẹp với hai cụ thân  sinh và một thời  thanh niên yên bình của cậu học sinh trường Chu văn An ngày nào.

Đặt “nickname” bằng tiếng Việt cho đứa con trai đầu lòng Dustin, Uyên bỏ chữ “Dus”, thêm dấu huyền. Cả nhà gọi nó là thằng “Tìn”. Cái tên “Tìn” chẳng có ý nghĩa gì . Uyên nhờ bố đặt “nickname” cho Jasmine. Ông  Hai nghĩ ngay đến cái tên rất “bắc kỳ”: Nhài. Hoa nhài dịch từ cái tên Jasmine rất sát nghĩa. Cái tên này gợi cho ông quá khứ xa xưa của dòng người hàn vi, di cư từ miền Bắc vào Nam năm một chín năm tư. Ông cụ thân sinh ra ông Hai, sau khi vượt qua những khó khăn bước đầu, ổn định đời sống bằng nghề công chức ở bộ Y Tế, con cái đã được  học hành yên ổn, hai chậu cây cảnh đầu tiên cụ trồng ở cái sân phía trước trong căn nhà nhỏ ở đường Nguyễn Thiện Thuật là  hoa nhài và hoa mai. Cây hoa nhài được ông cụ chăm sóc cẩn thận. Hoa nở rộ quanh năm. Bà cụ vẫn hái những bông hoa sắp tàn, ủ trong những hộp trà. Từ đó, cả nhà có thói quen uống và tiếp khách bằng trà ướp hoa  nhài.

Những cái tên bằng tiếng Việt như gọi Dustin là thằng “Tìn”, gọi bà nội là “má Nhại”, gọi ông bà Hai là “ông bà Quại” là những “nickname” hình như  chỉ có trong tự điển gia đình ông bà Hai. Nhưng tên Nhài của Jasmine là tên của một loài hoa có ghi trong tự điển tiếng Việt.

Sinh bé Nhài, mẹ Uyên bỏ “job” ở nhà nuôi con. Hồi bé, thằng Tìn dễ nuôi bao nhiêu  thì bé Nhài khó nuôi bấy nhiêu. Nhài hay quấy khóc, vật vã cả đêm. Cái tính khó ăn, khó ngủ, khó chịu của bé Nhài từ lúc mới sinh ra kéo dài cho đến tuổi Nhài đi học mẫu giáo. Bố đi làm xa một tuần về một lần. Dustin có trò chơi của con trai và bạn hàng xóm. Chỉ có Nhài lủi thủi với mẹ. Hai mẹ con quấn quýt với nhau cả ngày. Bé Nhài bám mẹ như đuôi sam. Lúc còn bé không ai bồng bế được Nhài trừ  bố mẹ và bà nội. Lớn thêm một chút, Nhài không thân thiện với ai. Cái miệng ít cười. Ai hỏi thăm hoặc làm quen, Nhài ngoảnh mặt đi, hoặc  mếu máo, miệng gọi “Mommy, Mommy”. Chưa thấy mẹ đâu thế là Nhài òa khóc đến khi nào có bố hoặc mẹ bên cạnh Nhài mới thôi.

Ông bà Hai nhớ kỷ niệm hồi Nhài ba tuổi, gia đình Uyên sang Cali nghỉ hè. Thấy Nhài cười chơi, tỏ vẻ thân thiện với ông bà ngoại, vợ chồng Uyên lén gửi  Nhài cho ông bà suốt buổi chiều để đi thăm bạn bè. Quay đi quay lại không thấy bố mẹ đâu, thế là Nhài khóc ti tỉ suốt mấy tiếng đồng hồ. Khóc mãi cũng chán, Nhài nằm lăn ra sàn. Ông bà Hai và cháu cùng thấm mệt, cả ba lăn quay ra ngủ cho đến lúc ông bà nghe tiếng khóc rỉ rả của cháu. Nhài thức dậy, nhớ mẹ , tiếp tục bản trường ca “ba không”: không ăn, không uống và không chơi. Lúc đầu Nhài còn khóc lớn tiếng. Càng về sau Nhài chỉ rên ư ử trong miệng. Cứ thế, Nhài nằm ăn vạ, vừa rên rỉ vừa gọi mẹ, hai con mắt đỏ hoe, cái mặt chù ụ , chỉ chờ ai hỏi đến để có dịp gào khóc to hơn cho đã cơn giận ai đó đi chơi bỏ Nhài ở nhà với ông bà ngoại.

Dòng thời gian vẫn thế nhưng tâm lý của người đang mong đợi có cảm giác thời gian trôi qua thật chậm. Mãi vẫn chưa thấy mặt trời lặn. Trời đã sâm sẩm tối vẫn chưa thấy bóng vợ chồng Uyên về. Cả một buổi chiều giữ cháu, như lời Uyên dặn, ông bà Hai tìm đủ mọi cách dụ dỗ Nhài với đủ loại thức ăn, nước uống, đủ thứ đồ chơi mới lạ. Ông bà hỏi han, chuyện trò, làm trò cười nhưng Nhài vẫn “tuyệt thực”, lạnh lùng lấy tay hất ra, không thích một thứ gì. Nhài nhất định không cho ai đụng đến cái cục to tướng càng lúc càng nặng ở mông đã bắt đầu bốc mùi thum thủm.

Thế mới biết con người ta khi nhớ thương vì chờ đợi hay mong ngóng ai, người lớn và trẻ con đều giống nhau ở một điểm, họ quên cái đói, cái khát và cả vấn đề vệ sinh nữa.

Con bé vẫn nhất định giữ lập trường “ba không”. Phải làm thế nào? Ông bà Hai bảo nhau tốt nhất trong cuộc chiến tranh lạnh này là cứ giữ nguyên tình trạng đương sự rên ư ử như thế. Bà Hai đề nghị đổi chiến thuật “không khe”. Đừng đá động gì đến đương sự, làm mặt tỉnh bơ, phớt lờ, biết đâu đương sự đến...làm quen với mình. Có những lúc tiếng rên rỉ hình như nhỏ đi. Có những lúc ông bà và cháu, sáu con mắt nhìn nhau thật lâu trong yên lặng. Cả ba đều mệt. Cả ba cùng có mẫu số chung là sự chờ đợi. Có những lúc bà nằm im, lắng nghe những âm thanh lên bổng xuống trầm từ tiếng rên rỉ dai dẳng của Nhài rồi cười thầm. Bà phục sát đất cái tính gan lì của con bé . Có lúc bà ngồi quan sát Nhài. Nhài có nét mặt  thanh tú, đôi mắt  xếch một mí của trẻ con Á đông, sóng mũi cao và thẳng, đôi môi hình trái tim. Lớn lên nhan sắc này dù có thay đổi thế nào cũng sẽ là một cô gái xinh xắn về ngoại hình. Còn nết na?  Cái gan lì và tính tình khó chịu của Nhài lồ lộ ra đó rồi còn gì!

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời ông bà Hai được “babysit” cháu là  bé Nhài.

Mỗi năm ông bà Hai qua Dallas thăm cháu ngoại một lần hoặc có khi “gia đình bác Tám” xuôi Nam về Cali chơi vài tuần. Nhài lớn lên theo thời gian, tính tình thay đổi, vui vẻ, linh hoạt nhất là khi Nhài đi học mẫu giáo. Nhài không còn ôm mẹ nữa mà biết chung quanh mình còn một thế giới khác mới lạ và hấp dẫn hơn ngoài mẹ Uyên đó là cô giáo, bạn bè và các sinh hoạt vui chơi  như ca hát, nhảy múa, vẽ vời ở  nhà trường. Mẹ Uyên bảo Nhài “open mind”, biết thân thiện  và cởi mở với mọi người.

Từ lúc Nhài lên sáu tuổi trở đi là lúc Nhài biết làm điệu và thích chụp hình. Nhài biết mình chụp hình ăn ảnh vì ai cũng khen Nhài có nụ cười xinh. Nhài cười đủ kiểu. Có  hình Nhài cười toe toét, có hình cười chúm chím, có hình cười nửa miệng, có hình cười e ấp. Nhài chọn nụ cười đẹp nhất cho mình. Cứ thế, mỗi khi chụp hình, Nhài chỉ cười một kiểu chúm chím . Hình nào của Nhài cũng có nụ cười giống nhau.

Nụ cười đó còn đi kèm theo với vóc dáng đang ở lứa tuổi  “nhổ giò”, gầy, thon và dong dỏng cao của một cô người mẫu “nhí” biết tạo dáng. Khi thì  Nhài chống nạnh, khi thì nghiêng đầu, co chân, ẹo người, ngửa lưng. Không có tấm hình nào Nhài đứng thẳng người như cây cột điện.

Nhài có mái tóc dầy màu hạt dẻ, láng mướt, mềm mại, loà xoà xõa dài trên vai. Mùa hè nóng nực, mẹ Uyên bím đủ kiểu cho gọn hoặc tự Nhài bới lên thành một cái búi tó sau ót. Nhài có một hộp “collection” sưu tầm đủ loại kẹp tóc, giây cột đủ màu đủ kiểu. Mái tóc phía trước phủ nửa bên trán, nếu không kẹp, thỉnh thoảng Nhài lấy tay vuốt nhẹ hoặc hất mái tóc ra phía sau trông rất là điệu nghệ. Nhài còn biết xin mẹ trang điểm và đánh móng tay màu hồng khi đi đám cưới hay dự tiệc tùng. Đi mua sắm quần áo, Nhài tự chọn theo ý thích và đúng “gu”chứ không mua gì mặc nấy như hồi còn bé. Nhài còn biết  giữ eo, tự kềm chế ăn uống vì sợ giống các bạn bị bệnh béo phì trong lớp không mặc được quần  áo đẹp.

Thấy Nhài điệu đàng đang ngắm nghía trước gương, bà ngoại hỏi Nhài  lớn lên con thích làm nghề gì. Nhài nghiêng mặt suy nghĩ vài giây rồi trả lời “fashion designer”. Bà Hai nghe giật cả mình vì ước mơ làm người vẽ  mẫu  trang phục của đứa trẻ sáu tuổi.

Từ khi được đi học, giao tiếp với bạn bè, va chạm với những người chung quanh, tiếp thu những hiểu biết từ sách vở cộng thêm sự giáo dục của cô giáo và bố mẹ,cái nết gan lì và cái tính khó chịu  của Nhài được mài dũa dần. Bé Nhài bây giờ trở thành một cô bé dễ thương, dễ gần hơn đối với mọị người.

Kể chuyện về  Nhài cũng không quên  thằng Tìn và tính cách  khác nhau của hai đứa cháu ngoại. Thằng  Tìn mê “game”. Nhài mê sách. Tiền lì xì hay mừng sinh nhật, Tìn dành để mua những “game” mới nhất. Nhài dành dụm  nhờ mẹ đặt mua sách trên mạng “Amazon” .Tìn học khá. Nhài học giỏi. Nhài lấy một lèo điểm A cộng dễ dàng. Tìn phải nhờ mẹ giúp và kềm sát “home work” mỗi chiều. Nhài tự giác làm “homework”.Tìn phải nhắc nhở. Tìn tính từng phút thời gian đọc sách và tập đàn với mẹ. Nhài đọc sách cả ngày và chịu khó tập đàn đến khi nào chơi không bị vấp mới ngừng.Tìn thích đọc sách hài hước. Nhài thích đọc sách có nhiều kiến thức. Tìn xuề xòa, dễ dãi, sao cũng được, không quan tâm đến việc ăn mặc và  các chuyện lặt vặt. Nhài kén ăn, kén mặc, nguyên tắc, chi ly, đâu vào đó . Hai đứa rất ít khi cãi nhau. Tìn là người anh lớn biết nhường nhịn và thương em .

Tháng mười vừa qua, ông bà Hai bay qua Dallas chơi với cháu ngoại và ăn đám cưới ở Houston. Mùa Giáng  Sinh năm nay, vợ chồng Uyên mua vé máy bay mời ông bà ngoại sang Dallas dự sinh nhật Uyên. Lần này, ông bà ngoại ngạc nhiên khi thấy bé Nhài không còn ước mơ làm “fasion designer” nữa. Nhài khoe với ông bà ngoại những quyển sách  viết về thần thoại  Hy Lạp của tác giả Rich Riordan Nhài đang đọc như “Percy Jackson & The Olympians”,  “The Son of Neptune”, “The Mark of Athena” và cái tủ sách mới trong phòng Nhài.  

Tối hôm ấy, Nhài lấy ra cho ông bà ngoại xem những bằng khen, thẻ mua quà của nhà sách Barnes & Noble và các phần thưởng khác của nhà trường tặng cho các học sinh xuất sắc trong đó có tiền thưởng.  Lần đầu tiên ông bà ngoại được nghe Nhài kể nhiều chi tiết  rất là thú vị về chuyện học ở trường. Nhài nhận được nhiều giải thưởng. Giải thưởng nhỏ nhất là được điểm A các môn suốt năm học.  Giải thưởng học sinh chuyên cần suốt năm không nghỉ học ngày nào. (Perfect Attendance Award). Giải thưởng  người công dân vượt trội trong năm. (Year Round Super Citizen). Giải thưởng có cái tên dài dành cho học sinh có điểm cao. “First Place With Highest Points Average”. Giải thưởng của hội phụ huynh học sinh “PTA Reflection Award” (Parent & Teacher Association). Tham gia giải này,  Nhài chọn đề tài về không khí trong sạch có thể cứu sinh mạng con người “Clean Air Can Save Lives”. Giải này đòi hỏi người tham dự phải viết một bài luận văn ngắn. Người tham dự còn phải vẽ một bức tranh phản ánh được đề tài và nội dung bài viết. Giải cao nhất “Barbara West Junior Scholar” là giải đặc biệt về văn học. Nhài phải đọc năm mươi quyển sách về nhiều lãnh vực văn, sử, sinh vật, mỹ thuật.... Đọc xong phải trả lời những câu hỏi (quizzes) về những quyển sách đã đọc trên máy vi tính ở nhà trường, ít nhất phải đạt tối thiểu bảy mươi lăm điểm và phải viết một lá thư cho một trong những tác giả mình yêu thích.


Nghe Nhài kể chuyện, ông bà ngoại ngạc nhiên không ngờ chỉ mới ba năm, bé Nhài thay đổi nhiều. Từ một đứa trẻ thích quần áo trang phục bề ngoài, bây giờ Nhài chỉ mê sách.  Bà ngoại lại hỏi câu hỏi quen thuộc ngày nào:

-Thế sau này lớn lên bé Nhài thích làm nghề gì?.

 Nhài cười chúm chím và rất tự tin:

 -I want to be a writer.

 Ông bà Hai bật ngửa, trố mắt nhìn con bé chín tuổi mơ ước trở thành nhà văn. Thảo nào con bé thích đọc sách, thích viết và luôn luôn được điểm cao về môn “writing”.

Lát sau Lài khoe chiếc kính hiển vi hai trăm đồng, phần thưởng của bố mẹ  tặng cho Nhài vì những thành tích học tập trong năm. Nhài lại tiếp tục kể chuyện ríu rít về một ước mơ khác:

-But I want to be a bacteriologist too.

Lại thêm một “nhà” khác, nhà vi trùng học. Còn bao nhiêu ước mơ nữa nằm trong cái đầu nhỏ bé của Nhài ? Chiếc kính hiển vi giúp Nhài xem rõ hình ảnh những chiếc lá,  những con  bọ “bug”, những tinh thể tạo hình của hạt đường, nước..., nhất là khi bố Phúc thử máu tại nhà  bằng cây kim chích để biết lượng đường, bố Phúc nhỏ ngay giọt máu vào chiếc kính hiển vi cho Nhài xem, Nhài thích thú khi thấy những tế bào máu như có chân di chuyển vòng vòng thật là sinh động.

Trong khi ông bà ngoại đang còn mê man nghe những kinh nghiệm “nghiên cứu” về sinh vật học của cô bé Nhài,  Nhài cho ông bà xem một bài viết khác  tựa đề “My Career” và bức tranh Nhài vẽ cô gái ngồi trước chiếc kính hiển vi, phía sau là chiếc bàn đầy những chai lọ, chung quanh là những con vi khuẩn bay trong không khí. Biết đâu Nhài lại có thêm một ước mơ mới về ngành môi trường học. Bài viết “Clean Air Can Save The Lives” Nhài được giải thưởng PTA trong đó mở đầu bằng câu “The world would be a better place if....”. Thảo nào ông bà ngoại thấy Nhài nhặt những chai nhựa, những lon nhôm cho vào một bao riêng để tái chế chứ không cho vào thùng rác.

Đêm Chúa ra đời, thời tiết Dallas vừa giá buốt vừa có gió mạnh. Vợ chồng Uyên đi dự lễ nửa đêm, Nhài và Tìn ở nhà chơi với ông bà. Ông bà nằm hai bên, hai đứa nằm giữa. Bốn người nằm xếp lớp cạnh nhau trên chiếc giường nhỏ.  Nhài hỏi ông:

-Ông Quại ơi, ông có tin  Santa Claus không?

Bà ngồi dậy nhìn ông ái ngại :

-Phen này ông ngoại... dính chấu rồi. Câu hỏi hóc búa chứ không phải chơi nha ông. Ông trả lời làm sao để con nhỏ đừng mất niềm tin. Đầu óc con bé này không đơn giản như thằng Tìn.

Bà nói tiếng Việt. Các từ “dính chấu”, “hóc búa”, “niềm tin”, “đơn giản” Nhài đâu có hiểu.

Ông ngoại từ từ ngồi dậy, hai tay bó gối, ngẫm nghĩ một hồi lâu, ông kể bằng tiếng Việt, thỉnh thoảng ông pha tiếng Mỹ. Ông bảo cách trau dồi tiếng Việt cho hai đứa tốt nhất là bắt chúng nói tiếng Việt ở nhà cho quen. Cứ nói từ từ, chầm chậm, chữ  nào khó quá thì nói tiếng Mỹ. Cũng không uổng công sáng chủ nhật nào mẹ Uyên cũng chở chúng đi học lớp Việt ngữ và giáo lý ở nhà thờ. Nhờ vậy hai đứa quen dần với ngôn ngữ mẹ đẻ và hiểu nhiều hơn nói. Có lần hai đứa  biểu diễn cho ông bà ngoại nghe  kinh “Kính Mừng”, kinh “Lạy Cha”, kinh “Sáng Danh” bằng tiếng Việt, chúng đọc làu làu như nước chảy nhờ học thuộc lòng.

Tập khí công giúp ông ngoại có bộ phổi tốt. Khi nói chuyện giọng ông sang sảng nhưng khi kể chuyện, giọng ông trầm xuống:

-Hồi ông còn nhỏ bằng tuổi Tìn và bé Nhài, ông ngoại tin Santa Claus có hàm râu trắng, mặc áo đỏ, cưỡi xe có hai con nai có sừng kéo bay được trên trời, chở quà phát cho các trẻ em. Bây giờ ông ngoại già rồi, ông ngoại nghĩ khác. Santa Claus giống như người phi công lái máy bay, xe nai là chiếc máy bay. Người phi công lái máy bay trên trời nhanh như Santa Claus lái xe nai, chở  biết bao nhiêu thứ quà, hàng hóa và chở người nữa. Khi bé Nhài  lớn, những suy nghĩ của bé tự nhiên sẽ thay đổi như ông ngoại vậy đó. Bây giờ bé Nhài còn nhỏ tin Santa Claus vì nếu tin Nhài sẽ có quà. Santa Claus hiền và vui tính ai cũng thích. Người nào hiền và vui tính, lúc nào cũng cười, có lòng tốt cho quà trẻ em và mọi người đều là Santa Claus. Santa Claus rất gần với mọi người. Santa Claus ở chung quanh mình.  

- Thế ban đêm Santa Claus có đi xuống lò sưởi phát quà cho bé Nhài và Tìn không ông Quại? Mommy bảo quà Santa Claus để ở lò sưởi.

Ông ngoại không ngồi bó gối nữa, ông nằm vật xuống giường. Bà ngoại xen vào: cứu bồ ông:

-Nếu con tin có Santa Claus, Santa Claus ban đêm sẽ xuống đây tặng quà cho con để ở lò sưởi. Bây giờ đã có người “mailman” phát quà cho mình vào ban ngày rồi. Có nhiều người “mailman” phát quà trong ngày lễ Giáng Sinh. Họ bận như Santa Claus vậy đó.

Bé Nhài đập nhẹ vào vai bà:

-Nhài thấy Mommy đi shopping với Nhài, Mommy mua quà và gói quà để ở lò sưởi. Chỉ có Mommy biết con thích quà gì. Mommy viết “note” chúc con và Tìn phải học giỏi, phải có “award”, phải “be nice” với mọi người. Ông Quại nói khi mình lớn mình “change”. You are right.

Ông ngoại ngồi dậy đỡ cho bà cú này:

-Đúng rồi. Santa Claus làm sao mua quà cho nhiều trẻ em  nên nhờ các Mommy giúp Santa Claus.  Mùa Giáng Sinh, mọi người  trên thế giới này đều giúp Santa Claus mua quà, gói quà và tặng quà cho nhau.Thôi mình không nói chuyện Santa Claus nữa, chờ bố mẹ về mình mở quà nhé. Ông bà ngoại chỉ muốn xem Santa Claus cho Nhài và Tìn quà gì?

Vừa lúc đó tiếng chuông reo ngoài cổng. Chuyện cổ tích có ông tiên phất tay áo đến vừa đúng lúc cứu ông bà Hai thoát khỏi những câu hỏi về Santa Claus của Nhài. Thằng Tìn nghe chuông phóng nhanh xuống nhà mở cửa. Nhài vẫn ngồi trên giường, trầm ngâm, gật đầu như khám phá ra điều gì:

 -Nhài biết ông bà Quại không tin Santa Claus. Người lớn không tin Santa Claus.

-Thế Nhài có tin Santa Claus không?

Vẫn cái nụ cười chúm chím ấy, Nhài lắc đầu:

- Lúc Nhài sáu tuổi học lớp một Nhài tin Santa Claus. Khi Nhài chín tuổi học lớp bốn, Nhài không tin nữa. Nhài lớn rồi phải không ông Quại? Nhài cũng “change” giống ông ngoại.

Nói xong Nhài chạy xuống lầu đòi bố mẹ mở quà.

Còn lại hai ông bà trong phòng.

-Thôi ông ơi, trớt quớt rồi. Hai đứa đâu tin có ông già Noel. Ông nghe nó nói chưa. Năm sáu tuổi nó còn tin, lên chín tuổi nó đâu còn tin nữa. Con nhỏ này khôn. Nếu mình trả lời mình tin, nó sẽ biết mình nói láo. Nếu trả lời không tin, mình sợ nó buồn. Mình đánh mất niềm tin của trẻ con về một hình ảnh đẹp là ông già Noel. Nó hỏi là để xem ông bà ngoại trả lời như thế nào. Trong đầu nó biết chắc là mình không tin rồi. Nó hỏi thử mình đó ông ơi.

Ông Hai gật gù:

- Chí lý! Chí lý! Con nít bây giờ nhất là ở Mỹ tụi nó khôn hơn mình ngày xưa nhiều. Bà thấy không,  nó chịu đọc sách, tìm hiểu, trao đổi kiến thức với cô giáo, bạn bè và người lớn. Óc phân tích, lý luận phát triển, làm sao nó tin vào những huyền thoại xa xưa như ông già Noel. Vậy mà nó đang đọc truyện thần thoại Hy Lạp. Để tui hỏi nó có tin vào các vị thần  trong truyện không?

-Ủa, ông không nhớ có lần nó nói đọc sách về các chuyện thần thoại “for fun chứ đâu phải để tin mấy ông thần. Con nhỏ này đầu óc nó “logic” và thực tế lắm . Nói chuyện với nó, lạng quạng mình cứng họng không biết trả lời. Mẹ nó kể có khi còn mắc nghẹn vì những câu hỏi của nó huống chi là bà với tui. Ông nhớ có lần nó thấy tui đeo tượng Phật, nó hỏi tui ông Chúa và ông Phật ông nào “ better” hơn.

-Tui nhớ. Bà cũng khôn chán. Bà trả lời hai cả hai ông đều “The best”.

- Ừ, Nói chuyện với con nhỏ này phải nói nước đôi hoặc  biết... né và quẹo... cua nếu không... đơ lưỡi nha bà. Bà để ý đứa con nít nào hay đặt câu hỏi là đứa thông minh. Con nhỏ này khôn hơn thằng anh  nó nhiều.

                                                                      *

Đã đến lúc giã từ mùa lễ Giáng Sinh sum họp với gia đình hai đứa cháu  ngoại cưng.  Để chào đón ông bà ngoại, tác phẩm của Uyên là cây thông to và cao, trang trí công phu với hoa, đèn, kim tuyến... đầy màu sắc đặt ở giữa nhà. Những sợi giây đèn rực rỡ giăng mắc từ ngoài cổng vào đến trong nhà là công trình của Phúc. Những đôi vớ đỏ  và những hộp quà vẫn đặt  trước lò sưởi, những chiếc mũ đỏ có núm trắng, những chai rượu còn đang uống dở, thức ăn và bánh sinh nhật Uyên còn đầy trong tủ lạnh nhưng ông bà Hai phải về Cali ngày hôm sau.

Chuyến bay của hãng hàng không American Airlines từ Dallas về Santa Ana ngày hai mươi sáu mặc dù thời tiết xấu vẫn hạ cánh an toàn. Hôm sau, chiều ngày hai mười bảy, ông bà Hai nghe tin  những trận mưa bão và cơn lốc xoáy tạt ngang Dallas làm cho thành phố Rowlett cách nhà Uyên khoảng sáu mươi dặm làm ít nhất mười một người chết và thiệt hại vật chất nặng nề. Khi cơn lốc xảy ra, gia đình Uyên trên đường từ nhà thờ về nhà. Nghe tin, bà Hai gọi phone hỏi thăm. Mẹ Uyên bảo Bé Nhài muốn nói chuyện với ông bà ngoại. Bà bắt phone.

-Ông bà Quại ơi, con sợ “tornado”. Ông bà Quại có sợ  “tornado” không?

- Sợ chứ! Ai cũng sợ vì nó làm mình mất nhà, mất xe, mất tất cả. Có nhiều người chết vì “tornado” nữa.

- Vậy mình phải làm gì? Con sợ chết. Bố mẹ bảo mình phải “pray”. Ông bà Quại có tin “pray” không?

- “Pray” tiếng Việt là cầu nguyện. Có chứ. Con cầu nguyện Chúa để Chúa ban cho con mọi sự an lành.

- Còn ông bà Quại cầu nguyện ông “Buddha”?

-Đúng rồi. Ông bà Quại cầu nguyện “Buddha”. Con phải có niềm tin vào cầu nguyện.   Niềm tin giúp con hết sợ. Ok?

-Ok. Cám ơn  bà Quại.

                                                                         *  

Những ngày cuối năm Dương Lịch, nhớ kỷ niệm ngày xưa bé Nhài ba tuổi, khóc dai với cái tã thúi ùm.  Ba năm sau cô bé Nhài thích cái đẹp thời trang, muốn làm người vẽ trang phục. Ba năm sau nữa, cô bé Nhài yêu văn chương chữ nghĩa và chiếc kính hiển vi, muốn làm nhà văn và nhà vi trùng học.

Chỉ còn một ngày nữa bước sang năm mới hai ngàn mười sáu, Nhài đã hơn mười tuổi. Mười năm đối với cô bé chỉ là một cột mốc ngắn cho đoạn đường đời còn dài ở phía trước. Mười năm tuy ngắn nhưng những thay đổi về thể chất nhất là về tâm hồn của một đứa trẻ thật là không ngờ. Bản chất cuộc sống là thay đổi. Bé còn nhiều cơ hội để chắp cánh bay cho những ước mơ bay xa hơn nữa trong tương lai và hoàn thiện bản thân mình.

Trong bài “My Career”, Nhài viết “I want to be who I am and not be someone my parents want me to be”. Hãy là Nhài mà không là ai khác. Bé Nhài có tự do chọn lựa cuộc đời mình. Đó cũng là tinh thần của nước Mỹ “American Spirit” mà cô bé Nhài đã sinh ra, lớn lên và tiếp nhận ở đất nước này.

Goethe, nhà thơ lớn người Đức có một câu nói nổi tiếng “Whatever you can do or dream you can, begin it. Boldness has genius, power and magic in it ”.

Bé Nhài ơi, ông bà ngoại muốn gửi đến Nhài và các bé khác, cả những ai đang mơ ước về một tương lai hay ôm ấp những hoài bão trong lòng, đừng ngần ngại hay sợ hãi, cho dù hiểm nguy có thể xảy ra hay bị từ chối thẳng thừng, hãy can đảm và dám làm.

Nhà thơ Goethe muốn nhắn gửi đến chúng ta rằng “Bất kỳ cái gì bạn có thể làm hay mơ ước mình làm được thì hãy làm đi. Sự táo bạo tạo ra tài năng, sức mạnh và những phép mầu kỳ diệu”.

Tặng Nguyễn Đào Jasmine.

Cali ngày 29 tháng 12 năm 2015

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
01/05/201605:07:39
Khách
Chào Cô Annie,
Bài viết nào của Cô cũng đều để lại cho tôi một cảm giác thú vị, hài lòng, nhẹ nhàng và lạc quan trong phần cuối.
Cám ơn Cô .về một bài viết hay.
Chúc Cô viết nhiều và Cô càng viết , tôi càng thấy Cô "tự vượt chính mình".
01/05/201605:02:19
Khách
Bé Nhài ơi, cháu mê đọc sách như vậy cháu giống cô rồi. Cô mê sách.
Cháu muốn làm nhà vi trùng học hả? Hồi nhỏ cô muốn làm y tá. Lớn lên cô chuyển hướng muốn làm thợ bẻ răng.
Đời cháu còn dài. cháu còn nhiều chọn lựa.
Cô cám ơn bà ngoại cháu đã cho cô được đọc một bài viết hay, hấp dẫn, thú vị về cô cháu gái tuy chưa gặp nhưng cô đoán rất lễ phép và dễ thương.
Cô Kim.
13/01/201613:32:50
Khách
Tôi có hai thằng con trai tánh giống y chang cháu Tìn trong truyện rất mê game. Có một đứa con gái ngoan như cháu Nhài , ai làm cha mẹ cũng yên tâm .
Cám ơn về bài viết.
10/01/201607:07:28
Khách
Cám ơn "Ông Bà Quại"cho bạn đọc VB một bài viết hay về cháu Nhài.
10/01/201607:02:55
Khách
Những bài viết đề tài về trẻ con đều hay và làm cho người lớn có cảm tưởng được sống lại với tuổi thơ ngày xưa.
Cám ơn tác giả
10/01/201606:56:53
Khách
Tôi có cháu nôi giống cháu Nhài hồi nhỏ tính tình khó chịu lắm, lớn lên cũng học giỏi như cháu Nhài. Tôi đọc thích quá vì tác giả tả cháu rất hay và giống cháu tôi lắm.Tôi cũng thích đoạn ông bà và cháu nói chuyện về ông già Noel.Cám ơn tác giả nhiều.Mong tác giả viết nhiều cho chúng tôi đọc.
10/01/201606:45:36
Khách
Tôi theo dõi những bài viết của tác giả, các bài viết đều gửi đến cho người đọc những tình cảm nhẹ nhàng và sâu lắng với những nội dung sâu sắc và thú vị. Đặc biệt bài viết này viết về bé Nhài thật tuyệt.
Cám ơn tác giả về những bài viết hay.
09/01/201606:43:32
Khách
Tôi thích nhất câu nói của Goethe mà Cô Annie lồng vào cuối bài.
Hy vọng Cô lượm thêm một giải thưởng nữa của Việt Báo năm 2016 nầy để ace chúng tôi được uống rượu nếp và xôi dò do Cô tự nấu. hi...hi...
09/01/201601:14:24
Khách
Câu chuyện về một cô bé tên Nhài thật dễ thương và đáng yêu. Tác giả kể lại với giọng văn hấp dẫn, sinh động vàcó những chi tiết rất dí dỏm. Người đọc có thể hình dung được cô bé ngoài đời vừa học giỏi, thông minh và có cá tính. Một bài viết nhẹ nhàng , thư giãn .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,246,390
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến