Hôm nay,  

Hãy Tạ Ơn Nhau

26/11/201501:00:00(Xem: 14047)

Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số 3682-17--30182vb5112615

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính.“ Người chồng sau nhiều năm tù ngục hiện bị suy nhược thần kinh. Ông bà là cư dân Nam Cali. Người con lớn là y sĩ quân y đóng quân bên Nhật. Gia đình người con thứ đang sống với đơn vị ở Virginia.

***

Bà Chín đang lui cui với con gà tây to tổ chảng. Con gà có hơn 15 ký chớ không phải chơi. Bà cũng già rồi, 70 chứ ít ỏi gì đâu, cho nên rinh lên rinh xuống con gà này bà cũng mõi cả tay. Nhưng đó là niềm vui của bà. Được phục vụ cho cả gia đình bà thấy mình hạnh phúc.

Con gà này bà cũng không hề mua, đó là quà Thanksgiving hàng năm của cô em dâu làm ở hãng Flexsteel. Một hãng làm sofa có tiếng ở vùng này. Cứ vào dịp lễ Tạ Ơn, hãng lại tặng cho nhân viên một con gà tây để cám ơn công nhân và để gia đình vui lễ. Quà được nhận trước khoảng 3 ngày trước ngày lễ, để mọi người đủ thời gian đá tan, ướp gia vị và nướng làm một bữa tiệc gia đình. Năm nào cô em dâu cũng giao cho bà chị chồng làm cái món đặc trưng của mùa Tạ ơn đặc biệt này.

Không phải bà giỏi giang gì, nhưng đó là sự phân công đầy yêu thương của gia đình dành cho bà. Bởi ngày lễ Tạ Ơn mà không có con gà tây nướng là mất đi ý nghĩa trong bữa tiệc đoàn tụ. Có năm bà tính làm món khác, nhưng bầy con và bầy cháu ngoại lại phản đối:

- Thanksgiving không có nướng Turkey thì còn có ý nghĩa gì nữa bà ngoại ơi.?

- Bà ngoại nướng gà đi. Please.!

- Con thích ăn gà bà ngoại nướng. I Love you  Bà ngoại

Thằng con lại phụ họa

- Má cứ nướng gà như hàng năm. Đó là kỷ niệm mà. Con thích phần nhồi bên trong con gà của má.

Vì thế năm nào bà cũng ôm con gà ve vuốt, nắn bóp và chăm chút cho đến lúc nó rực vàng tỏa mùi thơm nằm trên bàn tiệc gia đình. Và năm nào cũng vậy, sẽ có một tấm hình chị gà Tây nằm chễm chệ trên bàn khoe sắc đẹp với mấy món ăn thực ngon cả nhà đóng góp. Cô em dâu bà Chín giỏi có tiếng ở vùng này. Vừa vui tính, tốt bụng mà nấu ăn một cây. Chùa chiền ngày lễ, ngày tết cô đều tham gia hăng hái. Nồi bò kho chay, phở chay, hủ tiếu chay, bún riêu chay với những cái nồi to đùng bốc hơi thơm lừng, hấp dẫn mọi thiện nam tín nữ vãng cảnh chùa, cúng Phật hay đi hành hương.

Cho nên các món ăn chính cho buổi tiệc cô em dâu bà Chín làm tất, mấy đứa con cháu có đóng góp gì thì cứ đem tới. Bà Chín chỉ có con gà và những phần ăn  kèm với món này. Thật ra cũng chẳng ai thích gà tây vì VN mình có nhiều món ăn ngon lành, khoái khẩu hơn. Mỗi người chừng một, hoặc hai lát thịt, tí khoai tây nghiền rưới gravy lên... là đã ngán.

Bà Chín thoa gia vị cùng khắp con gà rồi khệ nệ bỏ vào nồi để ướp thì nghe điện thoại reo vang.

Bà vội vã rửa tay, lau rồi thật nhanh bốc điện thoại

-  Hè lô, hè lô.

- Chị Chín hả? Tui nè.

- Chị Tâm hả? Khỏe không?

- Tui đang bực muốn chết nè. Muốn kiếm bà tâm sự.

- Gì nữa đó. Có chuyện chi vậy bồ già. Bộ có ông nào tán tỉnh bà hả? Bà Chín đùa để hạ hỏa cơn bực bội của bà Tâm.

- Tán tỉnh cái con khỉ khô. Tui đang bực hai vợ chồng con tui.

- Nó làm gì mà bà bực?

- Tụi nó lại gây lộn nữa. Lễ lộc gần tới nơi mà nhà im lìm, vắng như chùa Bà Đanh.

- Chùa Bà Đanh bộ vắng lắm hả? Tui đâu có tới đó nên tui đâu có biết. Bà Chín cười khì khì để chọc bà Tâm

- Bà Thiệt là .

 Bà Tâm cười sau câu nói đùa của Bà Chín. Dường như cơn giận của bà Tâm cũng có phần dịu đi:

- Bà nói tui nghe. Tại sao tụi nó gây lộn? Có dính dáng gì tới bà không? Bà Chín hỏi.

-Tui đâu có biết. Tui đang ở trong phòng coi Ti Vi, nghe tiếng nói lớn của hai đứa và có tiếng rớt đồ kẻng kẻng dưới lầu. Tui hết hồn, chạy ra tính xuống coi chuyện gì, rồi tui đứng lại ở cầu thang.

- Thế bà có xuống coi có chuyện gì không? Bà Chín hỏi.

Bà Tâm xuống giọng, có chút phân vân và bùi ngùi

- Tui đứng lại, không dám xuống. Tui nghĩ con gái và con rễ tui đang cãi nhau. Nếu tui xuống cả hai sẽ khó chịu lẫn khó xử. Chuyện vợ chồng bất đồng là chuyện thường. Nếu tui can thiệp không có lợi bà Chín à.

- Đúng vậy! Tui thấy bà suy nghĩ đúng đó. Mình mà can thiệp vô sẽ không giải quyết được gì đâu? Chỉ đổ dầu thêm lửa. Rồi bà làm sao? Bà Chín hỏi
-Tui quành trở vô phòng, đóng cửa lại, mở TV lớn hơn để tụi nó tưởng tui không biết gì hết.

- Rồi hai vợ chồng nó như thế nào?

- Tui tính ở trong phòng hoài mà tui đói bụng quá bà Chín ơi! Tui không có đem thức ăn vặt trong phòng. Mà bà biết rồi, huyết đường tui thấp, đói là tui muốn xỉu liền.

- Rồi bà làm sao?

- Tui đành phải xuống lầu, vừa đi vừa nói "Trưa rồi hả? Má mãi coi TV đói bụng quá, xuống kiếm chút gì bỏ bụng.'' Rồi tui lấy lấy cái bánh bao chay bà cho bữa trước  tui ăn.

- Hai đứa tụi nó ra sao Bà Tâm? Bà Chín háo hức

-Tui thấy mắt con gái tui đỏ, chắc đó đang khóc. Nó quay mặt dấu tui, còn thằng rễ tui thì dường như đang xin lỗi vợ. Thấy tui xuống, hai đứa kéo nhau lên lầu.

- Rồi bà có thấy tụi nó cãi tiếp không?

- Không! Tụi nó im re luôn. Mà hai đứa nó làm gì trong phòng tui đâu có biết. Nó đóng cửa kín mít hà. Mấy ngày nay con gái tui làm mặt ngầu, thằng rễ tui mặt xìu. Mấy đứa cháu ngoại dường như biết ba má giận nhau chúng ngoan hơn.

- Vậy thì sao bà lại bực? Bà Chín hỏi.

- Không bực sao được, mọi năm giờ này đã chuẩn bị món gì, tổ chức gì cho ngày lễ. Tụi cháu tui háo hức  nghĩ đến bữa biệc Tạ ơn, mà nhà tui im re. Không khí nặng nề, con gái tui mặt lúc nào cũng hầm hầm, thằng rễ tui xìu như cái lốp. Tui ngộp thở mệt muốn chết bà Chín ơi! Mà thôi! có ai bấm chuông, tui bye nghen bà Chín. Chiều tui gọi lại. Mà bà đã chuẩn bị gì cho lễ chưa?

- Có, Tui đang ướp gà tây nè... Hè lô, hè lô

Bà Chín lên tiếng rồi không nghe trả lời. Bà lẩm bẩm "Cái  Bà này hỏi rồi cúp phone ngang xương làm mình nói chuyện mình ên.'' Có lẽ bà Tâm đã cúp vội phone để tiếp khách

Bà Chín gát phone nhà mình  tiếp tục công việc mà suy nghĩ mãi về chuyện bà Tâm đã kể.

Tội nghiệp bà Tâm, chồng đã mất mấy năm nay. Có một thằng con trai thì nó cưới vợ rồi theo vợ ở tuốt trên miền Đông giá lạnh. Con vợ nó lại là con gái một nên hai vợ chồng bà sui của bà Tâm về ở với con gái. Bà thương con, nhớ cháu nội nên lâu lâu qua thăm vài ngày rồi lại về. Vì không lẽ sui gia ở chung một nhà hoài bà cũng thấy kỳ. Nhất là ông bà sui lại là người Phi ngôn ngữ bất đồng.

Bà Tâm cũng nhiều bệnh vặt không được khỏe, nên sau khi chồng chết vài năm, bà bán nhà giúp vốn cho con gái mua một căn hộ khang trang rộng rãi hơn. Bà về ở với vợ chồng nó cho có mẹ có con, đêm hôm tối lửa tắt đèn có người chăm sóc.

Thật ra thằng rễ bà Tâm không phải là người không biết điều, nhiều lần qua nhà bà Tâm chơi, bà Chín thấy con rễ bà Tâm cũng rất được, lo cho gia đình, nói năng lễ độ và rất thương mẹ vợ. Nhưng phải tính nóng nảy, lúc nóng lên thiếu suy nghĩ hay nói càn. Rồi hai vợ chồng cãi nhau, giận lộn, rồi lại hối hận, rồi lại làm hòa. Nhiều lần như vậy rồi nên bà Chín thấy cũng quen đi khi nghe bà Tâm kể lể.

Nhưng lần này bà Tâm nói đúng, gần lễ lộc tới nơi, lại là lễ Tạ Ơn mà nhà buồn như thế này thì cũng tội nghiệp cho bà Tâm lắm. Không lẽ bà về ăn lễ với con trai thì con gái lại càng buồn hơn, mà bà Tâm không muốn như vậy. Bao nhiêu năm nay thường thì hai vợ chồng con trai về Cali ăn lễ để sum họp gia đình và trốn lạnh. Năm nay bên kia tụi nó đã gọi về nói với bà Tâm là tụi nó bận lắm không về được, nhất là ông sui bà Tâm mới từ bệnh viện về sau vụ té ngã ở sân sau.

Bà Chín ngẫm nghĩ thấy thật tức cười cho những cặp vợ chồng trẻ mà bà ngày xưa cũng từng vấp phải. Nhiều khi không có chuyện gì đáng nói cũng giận nhau ba bốn bữa. Có khi cả tuần ngủ chung một giường, đắp chung một mền mà hai người đâu lưng không thèm quay lại. Ờ! Chỉ cần quay lại hay giã vờ đụng nhầm nhau một cái thì tự dưng điện sẽ xẹt làm hòa ngay. Thế nhưng tự ái ai cũng to hơn trái tim và cái đầu nên quyết làm mặt lạnh. Khi đã hiểu ra chỉ là hiểu lầm thì lại tiếc một thời gian mất ăn, mất ngủ vô duyên.


Bà Chín liên tưởng lại những chiếc giường và phòng ngủ và mỉm cười một mình. Ngày xưa bên VN nhà hẹp, nhà nào khá giả hai vợ chồng mới có một cái phòng riêng. Nói cái phòng cho sang chứ thực ra chỉ là một cái giường, thanh giường làm bằng tre hay những thanh gỗ gát ngang. Trên trải một chiếc chiếu chứ không hề có nệm như bên này. Ngày cưới  trên giường tân hôn là một chiếc chiếu mới hình bông hoa hay hình long phụng. Còn hăng hắc mùi của sơn và mùi của những sợi lát. Thế nhưng đó là tất cả những gì đẹp nhất, kỷ niệm không quên của một cặp vợ chồng son.

Cái phòng của đôi vợ chồng chỉ có cái giường nho nhỏ đó, đôi khi có thêm một cái tủ đứng đựng quần áo, Mặt trước tủ, một bên là một tấm gương lớn, được quẹt một lát vôi màu trắng để kỵ tà. Ngoài ra chẳng có gì hơn. Nhưng đó là tổ hạnh phúc, giang sơn hoa mộng của đôi vợ chồng trẻ.  Phòng ngủ đôi khi là một cái phòng nghiêm chỉnh có tấm màn bằng vải che ngay cửa phòng, Nhiều nhà chỉ cách ly bên ngài bằng một tấm phên tre hay một tấm màn bằng vải có thể kéo được. Đôi nhà chật hẹp, phòng cô dâu, chú rễ được bố trí cạnh phòng khách. Cho nên vợ chồng làm gì bên trong, bên ngoài cũng đoán được. Nhất là những ngày kỵ giỗ đông người hai vợ chồng rất ngại vào phòng riêng. Vì lỡ có ai lỡ kéo tấm màn thì rất là mắc cỡ.

Giường chật, nhà đông nên chuyện vợ chồng rất tối kỵ. Chỉ có thể bày tỏ riêng tư vào ban đêm. Có chuyện gì giận dỗi cũng ráng nhịn, cười vui với mọi thành viên trong nhà. Giường lại hẹp nên dù có đâu lưng thì lưng cụng cạ vào nhau âm ấm dễ thương. Giận hờn vì vậy cũng mau tan. Không khí trong nhà bớt tẻ lạnh và con cái cứ xòn xòn ra đời.

Bên này trái lại, càng khá giả thì phòng ngủ chính càng rộng. Cái nhà 4 phòng, vậy mà cái closet để quần áo của phòng master bedroom rộng gần bằng một phòng ngủ trong nhà. Còn phòng ngủ thì thênh thang, giường nệm tươm tất, lãng mạn, thơm lừng.

Đầu óc nhà quê cho bà Chín thấy cái rộng của phòng ngủ dường như quá khổ cho sự xích lại của tình yêu và tha thứ. Căn phòng ngủ càng rộng không khí càng lạnh lẽo, trống trải càng nhiều. Thiếu một sự ấm nồng gắn bó. Cái giường lớn đó sẽ rộng thêm, lạnh thêm khi  hai người giận nhau. Sau một ngày làm việc vất vả căng thẳng ở chỗ làm. Đáng lý về nhà phải có sự chia sẻ, thông cảm thì lại giận nhau. Ăn qua loa vài cái là rút về phòng. Trên chiếc giường hạnh phúc, nệm mỗi bên mỗi khác, không ảnh hưởng tới nhau. Vợ bình thản mở ipad hay iphone chít chát bạn bè, xem phim một mình. Chồng cũng vậy, mở TV coi phim Mỹ hình ảnh chém giết, chiến tranh ngoài hành tinh hấp dẫn hơn. Mệt mõi mạnh ai nấy ngủ.  Sáng dậy đi làm.

Ngày qua ngày, chiến tranh lạnh sẽ kéo tình cảm vợ chồng xa dần ra. Chẳng ai cần ai hết,  tiền bỏ nhà bank cứ lấy thẻ mà cà chi tiêu cho riêng mình. Gia đình không còn là mái ấm, người mà mình công khó tìm trong hàng vạn người quanh mình bỗng chốc chỉ vì một chút lỗi lầm hay hiểu lầm trở thành xa lạ.  Không  ai chịu mở lòng ra tha thứ cho nhau. Chỉ một lời xin lỗi hay nghĩ đến cái đẹp của nhau thì mọi giận hờn sẽ tiêu tan. Sao không nói một lời cám ơn cho nhau để có thể mở lòng ra với đối phương. Hãy tri ân nhau vì tình yêu mà nên vợ nên chồng.

Bà Chín lại nghĩ đến ông chồng bà ngày xưa một thời say xỉn. Nhà đông người, con còn dại, ổng về say khướt, nằm vật trên giường. Giận thì giận tràn hông nhưng làm sao bây giờ. Chả lẽ để ổng nằm vắt ngang trên giường mình xuống đất để ngủ thì oan ức quá. Đẩy ổng xuống đất thì không nỗi, mẹ chồng biết được là chuyện lớn. Thế là phải xoay sửa ổng lại đàng hoàng, cỡi áo, lau mặt cho chồng, để chồng nằm ngay ngắn, ấm áp. Sau khi tỉnh rượu, giận thì còn giận, nhưng giường thì hẹp, nửa đêm ổng choàng qua ôm cũng đành chịu. Chả lẽ né ổng để té xuống đất hay sao. Thế là tháng ngày cứ thế mà trôi, vợ chồng có giận nhau rồi cũng không bỏ nhau được.  

Bà lại phì cười khi tự hỏi mình "Không lẽ vợ chồng không bỏ nhau vì cái giường hẹp hay sao?“Rõ vớ vẫn. Nhưng cái phòng ngủ hay cái giường chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho một xã hội nhiều trò chơi, nhiều niềm vui lôi kéo con người xa dần gia đình. Đôi khi cái gia đình nhỏ bé, cái phòng ngủ nhỏ bé. Sự nhỏ bé ấm cúng khiến mọi thành viện nghĩ đến nhau nhiều hơn, gắn bó nhiều hơn.

Bà suy nghĩ không biết chiều nay bà Tâm gọi đến, bà góp ý thế nào với bà Tâm. Tuổi trẻ luôn xốc nổi và thấy mình đúng trên nhiều phương diện. Đôi khi không nghĩ đến cha mẹ có thể chỉ vì mình mà buồn bực lo lắng. Cả hai vợ chồng đi làm, tới hãng  hay văn phòng có bạn bè và nhiều cuộc vui. Còn cha mẹ ở nhà đối diện với bốn bức tường, chờ con về để có chút không khí ấm áp gia đình. TV, IPhone, Ipad, computer đã chiếm nhiều thời gian của con cái. Chúng đâu có dành thời gian cho cha mẹ. Vào bữa cơm mạnh ai nấy ăn, mắt nhìn vào TV hay vừa ăn vừa chát với bạn bè. Mỗi người ôm một máy riêng của mình, sống với những người ảo mà quên những người thân yêu trong nhà có thật đang hiện diện trước mặt.

 Bà Chín còn biết sử dụng vi tính để tìm nguồn vui với bạn bè già thời Trung, Tiểu học.  Còn bà Tâm không biết gì về máy móc. Chỉ ngồi nhìn TV, xem phim bộ rồi chờ con về. Coi mãi mấy Tài tử đóng cũng chán, đôi khi lộn phim này với phim khác khi họ đóng nhiều vai, nhiều vỡ diễn khác nhau. Cho nên đôi lúc bà Tâm gọi bà Chín kể những nhầm lẫn rất là tức cười.  Bà Chín rất thương bạn, thường nói nhiều chuyện vui trên net chọc bà Tâm cười. Bà Tâm đã coi bà Chín như người một nhà nên không có gì dấu diếm.

Bà Chín tính khuyên bà Tâm tìm cách hỏi các con lễ này nấu món gì rồi chở bà đi chợ để mua. Hay rũ tụi nó đi ăn tiệm, hay tìm cách nói chuyện với con gái nhường một bước để thằng rễ có thể bước tới làm hòa. Bà sẽ nói Bà Tâm vịn vào ngày lễ Tạ ơn mà kéo hai vợ chồng nó lại gần nhau. Không khí hòa thuận, tiếng cười của con của cháu là món quà tạ ơn chân thật nhất mà các con tặng cho cha mẹ trong mùa lễ Thanksgiving này.

Tạ ơn! Hai chữ rất dễ nói nhưng mấy ai thực hiện một cách chân thật và thiết thực.

Tạ ơn nước Mỹ ngoài những buổi tiệc gia đình sum vầy, thức ăn tràn mứa ta hãy nghĩ đến những người homeless đang cóng lạnh giữa gió đông về. Hãy tham gia giúp thức ăn, tặng quà hay làm một điều gì đó thiết thực.

Tạ ơn nước Mỹ là mình làm tốt bổn phận người dân trong một xứ sở  tự do, bình đẳng. Hoàn thành tốt công việc mình đang phụ trách bằng tiền lương chân chính. Làm tốt nghĩa vụ công dân  trong thuế má, công việc, lưu thông. Chấp hành những luật lệ của đất nước mình cư ngụ.

Tạ ơn cha mẹ, bạn bè, con cái thiết thực nhất là mình phải giữ gìn sức khỏe, sống vui vẻ và yêu thương, giúp đỡ mọi người xung quanh bằng cả tấm lòng

Làm được những điều trên là mình đã làm tốt nhiệm vụ của một tín đồ với tất cả các tôn giáo. Bởi  vì tôn giáo chân chính nào cũng khuyên người ta sống tốt, có tấm lòng vị tha, thương yêu bản thân, gia đình và tha nhân.. Hãy mở trái tim và tha thứ cho nhau. Cuộc đời phía trước đã qua rồi, phía sau chưa tới. Tại sao ta cứ bo bo giữ trong đầu  những lỗi lầm đã qua mà không xí xóa cho nhau.

 Hãy nói với nhau một lời cám ơn bằng tất cả sự thành thật. Trái tim sẽ mở rộng, Niềm vui sẽ lan tỏa. Hạnh Phúc sẽ trở về.

Bà Chín bưng con gà bỏ vào tủ lạnh. Ngày mai bà sẽ nướng con gà này thật ngon. Bà sẽ thật tỉ mỉ thoa thêm gia vị để mỗi một lát thịt trên dĩa của mỗi thành viên là niềm vui hạnh phúc của bà.

Cám ơn đất nước Hoa Kỳ đã cho gia đình bà có một buổi tiệc đoàn tụ mỗi năm.

Cám ơn, cám ơn nhiều lắm những tình cảm yêu thương mà đất nước, gia đình, bạn bè và mọi người đã dành cho bà Chín.

Nguyễn thị Thêm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,250,504
Tác giả lần đầu góp bài. Qua bài viết đầu tiên, đã thấy cách ông viết rất tinh tế, chu đáo, nhiều chi tiết sống động. Mong ông tiếp tục viết về nước Mỹ và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing, OKC. Học vấn: cao học. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai. Góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, Lê Như Đức là một tác giả rất được quí trọng. Mừng ông tiếp tục viết.
Tiếp theo chuyện “Saigon 68” đây là một hồi ức Mậu Thân về khu Thành Nội Huế. Định cư tại vùng Bắc Cali từ 20 năm trước, Deborath Tường Vân là nhân viên Sở Xã Hội San Jose và từng chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời. Cô đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Hồi ức Mậu Thân của Tường Vân là chuyện kể về khu Tây Lộc trong thành nội, nơi phải gánh chịu nhiều tang tóc nhất trong địa ngục Huế Tết Mậu Thân.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1944, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết mới của ông là một hồi ức về trận chiến năm Mậu Thân, khi Đại Đội TQLC do ông chỉ huy được biệt phái theo tướng Nguyễn Ngọc Loan trong trận chiến Mậu Thân tại Saigon 1968.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ ba của ông.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Nhân thời điểm 50 năm sau trận chiến Mậu Thân 1968 Viết Về Nước Mỹ 2018 sẽ có thêm giải thưởng đặc biệt về “Hồi Ức Mậu Thân”. Sau đây, xin mời đọc một bài viết cũ của tác giả Võ Trang, một kỹ sư điện làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại San Diego, kề từ hồi ức đau thương về người cha bị cộng sản chôn sống trong trận Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Hội, Huế, khi tác giả còn là cậu bé 15 tuổi. Bài viết đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2009.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản: Truyện ký "Người Trai Thời Chiến"; tập thơ "Chuyện Ngày Xưa"; Từng nhận “Certificate of Recogni-tion do The Sacramento International Poetry Hall of Fame tại Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Sacramento 2006; Tác giả hiện là cư dân thành phố Garland, Texas và là Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên Dallas nhiệm kỳ 2016-2017. Cho tới nay, với tuổi 89, ông cũng là vị tác giả cao niên nhất trong năm 2018 dự Viết Về Nước Mỹ. Kính chúc ông vui khỏe.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến