Hôm nay,  

Làm Gì Cho “Bõ Ghét”?

09/11/201500:00:00(Xem: 20621)

Tác giả:  Bồ Tùng Ma
Bài số 3666-18--30156vb2110915

Tác giả tên thật là Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH, từng là hạm trưởng và chỉ huy ngành chiến tranh chính trị của Sở Phòng Vệ Duyên Hải VNCH. Sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Từ 6 năm qua, ông là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" Viết Về Nước Mỹ, nhưng hàng năm vẫn tiếp tục góp bài, nói là "cho vui". Sau đây là bài góp mới nhất.

***

Hưng ở Los Angeles cùng với gia đình người anh trai; Quyên ở Orange County cùng với gia đình người chị gái. Thường đầu tuần họ gặp nhau, khi thì ở Los Angeles, khi thì ở Orange County. Họ hẹn gặp nhau đầu tuần vì Quyên làm nail không nghĩ cuối tuần. Còn Hưng làm cho dịch vụ du học của ông anh trai, chỉ nghỉ ngày Thứ Hai.

Họ rất yêu nhau, nhưng hay gây nhau, nói nặng lời với nhau. Nếu sống với nhau thường xuyên chắc họ còn gây nhau nhiều hơn nữa. Họ gây nhau có lẽ vì tánh tình hai người rất giống nhau, người này rất dễ bị tổn thương bởi người kia. Không ai nghĩ  rằng chỉ mới hôm qua họ dìu nhau đi trong công viên, hát những bài tình ca, mà nay lại “bóp chát” với nhau.

-Thứ Hai này anh xuống gặp em hay em lên gặp anh?-Hưng gọi điện thoại hỏi Quyên.

-Anh nên nói là anh xuống gặp em, rồi hạ hồi phân giải. Ai lại hỏi phụ nữ như vậy. Nghe chẳng…nice chút nào cả.

Đã nhiều lần Quyên bắt bẻ như vậy nhưng Hưng vẫn quên. Không những quên mà còn nói mỉa:

-Anh nghĩ nên hỏi như vậy để em dễ…xử sự. Nếu anh nói  “Anh xuống gặp em” biết đâu em kẹt…hẹn với ai đó.

-Hẹn ai là hẹn ai? Anh xem thường tui như vậy sao. Anh làm như tui là thứ lăng loàng. Tui ở với gia đình anh chị tui, giống như gia đình cha mẹ hồi trước ở Việt Nam, đi đâu xa đều phải nói với anh chị một tiếng, đâu phải như anh.

-Bộ cô nói gia đình tui là…

Đại khái họ gây nhau như vậy, không có gì trầm trọng, và họ quên ngay sau đó.

Nhưng rồi có một ngày vào năm 2013…

Quyên gọi điện thoại thông báo cho Hưng:

-Sang năm gia đình anh chị em dọn qua Houston em phải đi theo.

-Em nói sao? Em bỏ anh ở đây?

-Anh cũng biết sau khi học hết college em đi làm, lợi tức không bằng lợi tức em làm nail cho chị em. Đáng lẽ chia tứ lục thì chị em cho em cả tứ lẫn lục.
Chị em  chuẩn bị mở một tiệm nail bên đó. Bên đó nhà rẻ, làm nail có tiền…

-Em chỉ biết có tiền.

-Anh nói sao? Tui chưa nói hết mà.

-Yêu nhau ai mà chẳng muốn gần nhau. Em lại bỏ đi.

-Tui chưa nói hết.  Anh nên qua với em.

-Tui bỏ công việc ở đây cho ai.

-Em thấy dịch vụ du học bây giờ đâu còn đắt như trước. Du học sinh qua Mỹ ở lại nhiều quá, bị hạn chế nhập cảnh. Nhìn cách tiêu pha của anh em cũng biết. Anh qua làm nail với em đi!

-Em nói sao? Cử nhân đi làm nail.

-Em cũng cữ nhân.

-Nhưng em là phụ nữ làm việc này coi được. Còn anh, không lẽ anh cầm chân mấy bà cắt móng.

-Anh làm manicure, làm tay thôi. Ít ai cho đàn ông cầm chân mấy bà cắt móng.

-Bộ chân mấy bà quý lắm sao mà không cho cầm. Nhiều cái chân hôi rình.

-Cái “kiểu” của anh mấy bà cũng không cho cầm chân hôi đâu.

-Cái “kiểu” là sao?

-Mặt mày như “đâm lê”, ăn nói như “lựu đạn”.

-Cô tưởng cái “kiểu” của cô ngon lắm hả?  Tui nói thiệt, cái kiểu ăn nói của cô, thằng đàn ông nào cũng chỉ quen cô lâu lắm là một tuần. Tui đâu có nói gì nặng với cô  mà cô nói tui như vậy?

-Tui thách anh quen được con nào như tui. Thắp đuốc 10 năm đi tìm cũng không ra.

Hơn nửa tháng họ không gặp nhau. Quen nhau 7 năm chưa bao giờ họ xa nhau một thời gian …lâu như vậy. Hưng cảm thấy dường như có sự thay đổi trong tình yêu của Quyên đối với anh. Hưng đâm ra nghi ngờ. Chưa bao giờ Quyên “bốp chát” với anh như vậy. “Mặt mày đâm lê, lựu đạn, cách ăn tiêu…”. Quyên xem thường anh quá.  Anh thấy phải có một hành động gì đó với Quyên, phải làm gì đó cho “bõ ghét”. Hưng nghĩ vậy và xin phép về Việt Nam nửa tháng. Để coi.

*

Đã 9 năm nay anh không về Việt Nam. Nhân dịp này anh muốn về thăm mồ mả ông bà, cha mẹ, thăm bà cô già đã cưu mang, thăm viếng anh trong những ngày anh “đi cải tạo”, và cũng để thăm… Bích.

Bích là cô chủ tiệm cà phê cốc, tức cà phê bình dân mà Hưng quen sau khi ra trại vào năm 1979.  Lúc ấy Bích mới  20 tuổi, xinh đẹp, nhưng đã có một đời chồng, một đứa con gái và đã ly dị. Hưng hơn Bích 5 tuổi, không giàu có, không công ăn việc làm chính thức, vậy mà anh quen Bích một cách dễ dàng, có lẽ nhờ dáng vẻ rất đàn ông và trẻ trung hơn tuổi của anh. Hưng và Bích sống với nhau không chính thức hơn 6 tháng thì Hưng vượt biên.

Đêm Hưng xuống tàu Bích khóc sướt mướt đưa anh ra tận bờ sông làm anh cũng không cầm được nước mắt.  Anh được người tổ chức cho đi, khỏi đóng 5 cây vàng, với điều kiện anh phải điều khiển con tàu. Một chiếc thuyền nhỏ đưa anh ra tận ngoài khơi để lên tàu.  Nói là tàu nhưng nó nhỏ và mỏng manh quá. Hưng nhìn chiếc tàu tròng trành trên sóng nước mà chỉ muốn thối lui. Anh là Hải quân, quen với chiến hạm có radar thám sát, có sonar định vị vật dưới nước, có kính lục phân đo trăng, sao, mặt trời để định vị con tàu…, bây giờ giao vận mạng cho chiếc tàu này, anh thấy mình liều lĩnh dại dột như bị phỉnh gạt. Vậy mà khi trông qua cửa sổ con tàu, thấy những khuôn mặt lấp ló nhìn anh với biết bao hy vọng, Hưng trở nên tự tin, phấn chấn.

Rất may mắn mọi người đã đi trót lọt đến Hồng Công. Ai cũng nhìn anh như nhìn một vị anh hùng, trong số những người này có Quyên. Cô nhỏ hơn Hưng 2 tuổi, sau này học cùng lớp với anh ở Los Angeles City College. Tốt nghiệp rồi Quyên đi…làm nail ở Orange County; còn Hưng ở Los Angeles làm một công việc có ít nhiều liên quan đến chuyện học hành. Họ bắt đầu yêu nhau từ lúc…xa nhau.

*

Hưng bước xuống sân bay Đà Nẵng, nhìn quanh tìm Bích nhưng không thấy cô đâu cả. Hưng đã gọi điện thoại cho Bích, nói sẽ rất vui nếu Bích ra sân bay đón anh và Bích cũng hứa sẽ đi đón.  Hưng buồn bã gọi taxi về nhà bà cô. Trên đường Hưng lại gọi Bích nhưng cô không bắt máy. Mãi đến mấy giờ sau Bích mới gọi lại:

-Xin lỗi anh! Em có hẹn đi khám bác sĩ, không đón anh được.  Em để điện thoại trong cóp xe, không nghe chuông reo.  

-Vậy chiều anh gặp em nghe!

-Ở đâu?

-Cứ đến My Café ở đường Nguyễn Văn Linh rồi tính sau.

Đây là lần thứ hai Hưng về Việt Nam.  Năm 1994 Hưng đã về đây và gặp Bích. Bích vẫn bán cà phê cốc như trước, nhưng cô cũng dành nhiều thời gian cho Hưng. Hai người đi chơi xa với nhau, ở những khách sạn tương đối tươm tất, chớ không phải gặp những bất tiện như trước, khi Hưng đến căn phòng Bích thuê ở chung với cô con gái và Bích đến căn phòng riêng mà bà cô ruột cho anh ở.  Bích vẫn chưa lập gia đình, vẫn nhiệt tình yêu thương, cuống qúit bên Hưng như 14, 15 năm trước đó. Những lúc vì lý do công việc hai người chỉ ở bên nhau có vài tiếng đồng hồ, Bích tiếc rẻ:

-Em ướt chi thời gian đứng yên một chỗ. Cái bóng cây phượng ngoài sân đừng có dài ra.

-Em đừng nhìn cây phượng, nhìn anh nè!-Hưng cười nói.

Sau buổi hẹn ở My Café, hai người đến những nơi quen thuộc mà năm 1994 họ từng đến, rồi cuối cùng là khách sạn.  Hưng nói:

-Lần này bóng cây phượng sẽ không dài ra. Anh sẽ ở với em cho đến ngày mai…

-Chết! Không được đâu. Em không để  cháu ngoại ở nhà một mình được. Ba má nó vắng nhà đêm nay.

Hưng rầu rầu nói:

-Vậy thì để lần khác. Em nhớ thu xếp nghe.

Hưng về nhà bà cô ngủ một giấc suốt 6 tiếng đồng hồ. Buổi chiều Hưng lại rủ Bích “đi chơi”. Bích nói:

-Mới hôm qua mà anh. Hẹn tuần sau đi.

-Anh đâu có ở đây lâu. Mốt được không?

-Mốt em bận. Chủ Nhật, nghe anh.

-OK, em.

Chiều Chủ Nhật Hưng bảo Bích cứ đến thẳng khách sạn, anh sẽ đến đó trước chờ cô. Hưng không quên mang theo những món quà đắt tiền đã mua bên Mỹ cho cô.  Bích có vẻ cảm động khi nhận quà, nhưng không mấy nồng nhiệt như mong đợi của anh. Hưng còn nhớ năm 1994 Bích mở gói quà anh biếu ra, trong đó phần nhiều là áo quần, có cả áo quần lót. Bích chẳng ngại ngùng gì cả, thay cả áo quần lót trước mặt anh và nheo mắt cười.

Hôm nay ở khách sạn, sau thời gian “âu yếm” ngắn ngủi hai người ít nói chuyện với nhau, chỉ nằm xem TV. Đến nửa đêm, trong lúc Hưng đang say sưa ngủ, Bích đánh thức anh dậy:

-Anh nè!

-Gì vậy em?

-Em lạ nhà quá ngủ không được.

-Nằm bên anh mà em lạ…

-Nhưng em cần ngủ.

-Em muốn về hả?

-Dạ!

Hưng nói như gắt:

-Để anh đưa em về.

-Không cần. Em đi xe ôm hay taxi cũng được.

-Để anh bảo tiếp tân gọi taxi cho em. Hưng nói và ngồi dậy đưa Bích ra tận đường, nơi có chiếc taxi đang đậu.

Đêm đó gần sáng Hưng mới chợp mắt được vài tiếng đồng hồ.

Suốt mấy ngày Hưng không liên lạc với Bích. Trước ngày về Mỹ một tuần Hưng bỗng nhiên nhớ Bích da diết. Anh gọi điện thoại cho Bích, hẹn “đi chơi” một lần trước khi anh về Mỹ nhưng Bích thoái thác nói trong người không được khỏe, bệnh loét bao tử đang hành hạ cô.

Đêm cuối cùng ở Việt Nam, nhân có Thiện, một người bạn thân tổ chức tiệc đưa tiễn Hưng, có cả hát karaoke, anh mời Bích tham dự. Hưng  định khi Bích đến sẽ cùng Bích ngồi ở một xó xỉnh nào đó để tự do nói chuyện thầm kín với nhau. Buổi tiệc bắt đầu lúc 7 giờ 30  mà cho đến 8 giờ 15 Bích mới đến, lại đến cùng với đứa cháu ngoại. Hưng cố dấu vẻ mặt bất bình, đưa hai bà cháu ngồi vào bàn.  Chừng một giờ sau Bích nói nhỏ với Hưng:

-15 phút nữa em về nghe!

Hưng mỉa mai:

-Anh nghĩ chắc em muốn về bây giờ hơn là 15 phút sau.

-Như vậy cũng tiện cho em. Con bé ngày mai đi học sớm.

Bích chào mọi người và dắt đứa cháu ngoại ra về. Thiện đưa cặp  mắt không vui nhìn Bích rồi nhìn Hưng như dò hỏi. Hưng kể hết mọi chuyện về Bích cho Thiện nghe rồi buồn bã ngồi vào bàn.

Sáng hôm sau thức dậy, Hưng bỗng bật cười, một cái cười không vui, rồi nói lớn:

-Ngày hôm qua không phải ngày hôm nay. Ngày hôm nay không phải ngày mai. Ngày mai không phải ngày mốt.

Cô anh hỏi:

-Con nói ngày mốt về hả. Rứa mà cô tưởng ngày mai.

-Không, cô!  Ngày mai, không phải ngày mốt.

-Phải chi con ở lại đến ngày hôm kia để dự đám giỗ ông nội.

Hưng trầm ngâm một lát rồi nói:

-Để con đổi vé.

Vì không sẵn vé về Mỹ liền sau ngày đám giỗ, Hưng phải ở lại thêm 10 ngày nữa.

Hưng định gọi Bích thông báo việc này nhưng rồi bỏ ý định. Anh nhắn tin trong Facebook để Bích muốn đọc lúc nào thì đọc và dễ trả lời:

-Anh ở lại thêm 10 ngày nữa. Khi nào gặp em được?

Vài phút sau Bích gọi Hưng:


-Chết! Facebook em có sự cố. Em nhờ con gái em đổi mã số. Anh đừng nhắn trong Facebook nữa. Nó mà đọc được phiền lắm.

-OK, em.

Suốt đêm Hưng suy nghĩ mãi về Bích. Hưng không hiểu sao Bích thay đổi như vậy. Sáng hôm sau thức dậy, đầu óc nhẹ nhàng sáng suốt Hưng mới “ngộ” ra.  Sau bao nhiêu năm sống ở đây Bích đã trải qua những cơ cực, những lo toan cho cuộc sống, trách nhiệm với gia đình con cháu, đã mệt mõi già nua từ thể chất đến tâm hồn. Bích của ngày hôm nay không phải Bích của ngày hôm qua.

Hưng vừa suy nghĩ vừa thương cảm Bích, nhưng anh chẳng biết cách giải quyết nào hơn là không nên làm phiền Bích nữa. Rõ ràng mối tình của cô đối với Hưng đã cạn kiệt. Ngày hôm nay Hưng cảm thấy anh cũng chẳng có gì quan trọng đối với Bích như mấy mươi năm trước đây. Nếu thật sự anh quan trọng đối với cô thì dầu cho có mệt mõi, bận bịu thế nào cô cũng tìm cách có thời gian dành cho anh. Thôi, như vậy cũng xong!

Ngày đám giỗ có đông đủ mọi người hai bên nội ngoại, có cả gia đình bạn bè, có những người trước đây Hưng rất quen thân nhưng nay trông lạ hoắc. Để dễ xưng hô Hưng hỏi tên và vai vế từng người. Cô anh nói:

-Con là vai lớn nhất ở đây, nhưng nói chuyện với ai cũng nhỏ nhẹ, khiêm nhường là tốt nhất.

Hưng cười, chỉ đám thanh niên nam nữ đang ngồi chung một bàn gần cửa ra vào:

-Con xưng hô với mấy người đó thế nào cô? Xưng mình là anh, chú hay bác?

-Cứ xưng “Anh”, gọi họ bằng “em”. Có sai một chút cũng chẳng sao.

Thấy bàn đó còn một ghế trống Hưng ngồi vào:

-Xin lỗi, có ai ngồi đây không?

-Dĩ nhiên là không-Một cô ngồi bên cạnh trả lời.

Hưng đã để ý đến cô này từ lúc cô mới bước vào. Cô ta khá đẹp, thuộc loại phụ nữ khó đoán tuổi vì cô trang điểm rất kỹ và khéo. Hình như cô ta là khách, chứ không phải bà con. Cô ta không xuống bếp bưng dọn như những cô khác, chỉ ngồi chuyện trò.

-Không biết xưng hô thế nào đây?-Hưng hỏi.

-Dễ lắm …anh, bởi vì…mình…không bà con- Cô ta vừa nói vừa cười.

-Ủa.

-Em tên Quỳnh.  Em là cháu của mợ Hai.  Mợ Hai là vợ cậu Hai. Cậu Hai là cậu ruột anh.

Hưng nói đùa:

-Bà con…hơi gần.

Cả bàn cười phá lên dù câu pha trò của Hưng chẳng hay ho gì cho lắm. Họ cười có lẽ vì thấy vẻ mặt tỉnh bơ của Hưng khi nói.

-Anh về đây có đi chơi đâu không?-Quỳnh hỏi.

-Không ai chỉ dẫn, không xe hơi, đi Honda ghê quá, vô nhà thương như không.

-Để em đưa anh đi-Quỳnh nói như nói với một người thân thuộc trong gia đình, rồi nhìn mọi người một cách tự nhiên như thách thức: “Tôi dạn dĩ, thẳng thắn như vậy đó. Có sao không?”

Vậy là anh làm quen với Quỳnh. Trước khi đi chơi với Quỳnh, Hưng hỏi cô anh:

-Con đi chơi với Quỳnh có…hề chi không cô?

-Hề chi là hề chi. Nó là cháu của mợ mầy.

Quỳnh thường lái xe hơi chở Hưng đi, khi thì nghe nhạc, khi thì đi ăn. Một hôm ngồi trong xe đậu ở bờ sông hóng mát Hưng hỏi Quỳnh:

-Anh nghĩ…anh nghĩ…chắc em chưa có bạn trai mới…dám đi với anh như thế này, phải không?

Quỳnh phá lên cười:

-Nếu em nói em có bạn trai thì anh sợ, phóng chạy ra khỏi xe hả?

-Không phóng chạy nhưng mở cửa xe đi từ từ tìm xe ôm.

-Nói đùa chớ không lẽ em…già như thế này mà chưa từng có bồ. Có nhưng bỏ rồi.

Hưng mạnh bảo hỏi:

-Vậy anh làm bạn trai của em được không?

-Được chớ! Em đi với anh như ri là anh biết rồi.

-Một  ngày nào đó thí dụ như…thí dụ như…anh đem em qua Mỹ thì em có đi không?

-Em qua Mỹ 10 lần rồi. Nếu em muốn ở Mỹ không có gì khó. Nói cụ thể, em không muốn ràng buộc chi cả.

-Anh hiểu…  Em thấy nước Mỹ ra sao?

-Dĩ nhiên là to lớn, giàu có hơn Việt Nam, nhưng …lạnh lùng quá, gần như chẳng ai để ý đến ai.

-Em nói rõ hơn được không.

-Thí dụ như em có ăn mặc đẹp, trang điểm kỹ cũng như không.

-Sao nữa?

-Người Việt mình bên đó ưa làm thầy quá. Họ thấy mình qua tưởng mình nhà quê hay giảng giải này nọ. Rất nhiều người thích khoe khoang. Họ chở mình tới nhà chơi chỉ để khoe nhà.

-À, em có bà con bên Mỹ không? Đi du lịch Mỹ mà có bà con đở tốn lắm, nhất là ăn ở.

-Thôi anh ơi, tụi này thuê khách sạn ở.  Ở nhà bà con xong không lẽ mình lơ, cho tiền họ còn tốn hơn ở khách sạn.

Sau đó Quỳnh nói về những điều mắt thấy tai nghe ở Mỹ còn rành (?) hơn cả Hưng. Trên đường về nhà không ai nói với ai thêm nữa. Hưng chào Quỳnh rồi im lặng bước xuống xe. Vừa đi anh vừa lẩm bẩm: “Tôi ở Mỹ về lại nghe cô kể chuyện Mỹ”.

Đêm hôm đó anh ngủ một mạch cho đến khi  cô anh bảo mấy đứa cháu gọi anh dậy đi chùa. Ngày hôm sau anh lại đem mấy đứa nhỏ đi hội chợ. Suốt ba ngày sau đó anh chỉ đi chơi với đám trẻ con.

Bích và Quỳnh “biệt vô âm tín”.

*

Trước khi về Mỹ 4 ngày anh gọi 3 xích lô chở 5 mống con nít và một người lớn là anh đi biển. Khi anh sắp bước lên xe thì một cô chở một mớ thùng gì đó cao ngất ngưỡng sau xe gắn máy suýt đâm vào chiếc xich lô. Anh xích-lô to tiếng sừng sộ nhưng cô chỉ mỉm cười:

-Tại tui thấy có người ngồi trên xe tui…khớp.

Hưng ngạc nhiên không hiểu sao cô ta thấy anh và đứa bé mà lại khớp và nói nhỏ nhẹ như vậy. Thông thường ở đây khi gặp những chuyện như thế này, dù ai trái hay phải cũng cãi nhau.  Anh cười nói với cô gái:

-Sao cô thấy tôi lại khớp?

-Sợ tông.

-Tông tui cũng như tông người khác mà.

Cô gái cười, khó khăn dắt chiếc xe vào nhà bà cô của Hưng. Hưng tới giúp cô rồi chào:

-Tạm biệt nghe!

Đúng là chỉ tạm biệt.  Hôm sau cô tới. Cũng như hôm qua, cô chở những thùng hàng cao ngất ngưỡng sau xe gắn máy. Hưng giúp cô đưa chiếc xe cùng hàng hóa vào trong nhà.

Khi cô ra về Hưng nói đùa:

-Tôi ngồi sau xe cô chở được không?

-Người dù nặng hơn nhưng dễ chở hơn vì người biết…ấy qua ấy lại để xe khỏi mất thăng bằng.

-“Ấy qua ấy lại” là sao?

Cô đỏ mặt nói:

-Chú biết sao rồi mà còn làm bộ hỏi. Nhưng tui mà chở chú thì thế nào người ta cũng biết chú là Việt Kiều. Đàn ông như chú ở đây ai mà không biết đi xe gắn máy.

Hưng thấy cô này trông “hay hay, dễ thương”. Cô đến nhà lần thứ ba anh đã làm quen được với cô. Cô không gọi Hưng bằng “chú” nữa, mà gọi bằng “anh”. Cô tên Dung, trông nhỏ tuổi hơn Hưng rất nhiều. Cô thuộc loại người mà nhìn vào thấy cái gì cũng “vừa vừa”, nghĩa là không đẹp, không xấu, không cao, không thấp, không mập không ốm, lại đảm đang nữa. Hưng nghĩ đó là loại phụ nữ rất dễ lấy chồng.

Dung chạy xe gắn máy rất bạo.  Lắm lúc Hưng chỉ muốn cùng cô đi taxi nhưng rồi anh lại thích ngồi phía sau cho Dung chở.

Một hôm hai người cùng ngồi trong mọt tiệm cà phê, Hưng hỏi Dung:

-Hiện nay em làm gì?

-Em có cửa tiệm tạp hóa nhỏ trong chợ.

-Khá không?

-Chắc anh muốn nói làm ăn khá không hả? Bầm dập lắm anh ơi! Lại bị trộm cạy cửa lấy mất một số hàng hóa.

-Hàng hóa khoảng bao nhiêu tiền?

-Đối với Việt Kiều như anh chắc không bao nhiêu, nhưng đối với em không phải là nhỏ. Gần 30 triệu tức khoảng 1500 đô

Lần khác Hưng gọi điện thoại hỏi Dung đang làm gì đó. Dung nói:

-Em đang nhờ con nhỏ bạn vay tiền trả nợ, mà vay chưa được. Ở đây khó mà vay ai được.

Hưng thấy khó chịu. Sao Dung lại đem chuyện thiếu hụt tiền nong ra nói với anh trong lúc anh đang nặng óc tìm những lời tình tứ để nói với cô. Có lẽ Dung thấy anh lớn tuổi hơn cô nhiều nên  muốn anh phải bù đắp lại “khuyết điểm” này của anh chăng?  Nếu anh là một chàng trẻ tuổi đẹp trai, liệu Dung có dám nói như vậy không. Hưng cảm thấy mình bị tổn thương.  Anh nói một câu cộc lốc:

-Số tiền lớn đó chớ!

Suốt 3 ngày sau đó Dung không đến nhà cô anh. Ngày thứ tư cô chở hàng đến nhưng gặp anh cô chỉ khẻ gật đầu chào. Rõ ràng Dung có vẻ giận anh. Hưng moi óc nhớ lại xem ngoài chuyện “1500 đô” anh có sơ hở điều gì khác không, nhưng tìm không ra.

Những ngày còn lại ở Việt Nam anh chỉ mong Dung đến gặp anh và im lặng đừng nói gì cả, hay chỉ cần nói vài tiếng như hồi mới quen nhau “…ấy qua ấy lại..”, và anh sẽ trả lời: “Thôi, để anh cho em vay”. Nhưng Dung vẫn biệt tăm cho đến lúc anh xách va-li lên máy bay.

*

Về đến Mỹ việc đầu tiên của Hưng là gọi điện thoại cho Quyên.  Trên máy bay anh đã nghĩ những câu anh nên nói và nay anh sắp thực hành. Anh chắc chắn cũng như những lần gây nhau, giận nhau trước đây, Quyên sẽ nói vài câu “ quá quắt” như cô quen nói, nhưng rồi đâu lại vào đó.  Anh và Quyên sẽ gặp nhau, anh sẽ ôm Quyên và cô sẽ xô anh ra cho có lệ, anh sẽ ôm lần thứ hai, lần thứ ba…và cô sẽ nằm gọn trong lòng anh.

Hưng hồi hộp gọi cho Quyên. Đầu giây bên kia không có ai trả lời.  Hưng gọi hai ba lần tình trạng vẫn  như cũ.  Buổi chiều Hưng gọi cho chị Lan, chị gái của Quyên. Chị Lan nói:

-Xin lỗi chú nghe! Tôi đang gọi Việt Nam. Tôi gọi lại ngay bây giờ.

Một lát sau chị Lan gọi:

-Mới về hả Hưng? Ở Việt Nam vui không?

-Vu, nhưng Quyên đâu rồi chị?

-Chú nói sao? Chú hỏi Quyên hả? Xưa nay nó không bao giờ vắng nhà mà không nói với tụi tôi một tiếng. Tụi tôi tưởng nó đi với chú. Tui  cũng thấy lạ.  Nếu đi với chú nó cũng nói với tui chớ!

Hưng trả lời, giọng lạc hẳn đi:

-Đâu có chị. Sao lạ vậy.

Quyên đã bỏ đi. Quyên đi đâu? Hưng ngồi phịch xuống giường, tim anh thắt lại. Đến bây giờ Hưng mới biết anh yêu Quyên biết chừng nào! Phải chi ngay lúc này Hưng thấy Quyên đột nhiên hiện ra nơi khung cửa, anh sẽ nhào đến ôm chầm lấy cô, nói với cô ngàn lời xin lỗi, không cần biết anh có lỗi thật hay không.

Anh lại gọi chị Lan.  Gần nửa phút sau chị Lan mới nói:

-Chú có làm cái gì khiến nó giận không? Nó rất ngoan nhưng nếu giận thì trời can cũng không được.

Hưng không chần chờ được, anh lái xe xuống nhà chị Lan.  Nếu không có tin tức gì của Quyên chắc chắn đêm nay anh không ngủ được, và sáng mai thức dậy điều đáng sợ nhất của anh trong ngôi nhà này là không có ai để hẹn hò, để gọi điện thoại, để … gây nhau. Chừng một giờ sau Hưng đến Orange County. Anh cho xe chạy vào trong sân nhà chị Lan và đậu ở đó. Anh gõ cửa nhưng không có ai ở nhà. Hưng rời nhà, đến một công viên nhỏ phía bên kia đường. Đây là nơi anh và Quyên thường hay đến.  Đã bắt đầu sang thu.  Lá vàng rơi rụng đầy các lối đi. Trời mưa lất phất. Hưng cứ đi lang thang trong công viên mãi đến 6 giờ tối mới quay về nhà chị Lan. Khi đến gần nhà, anh thấy chị Lan đang lái xe vào cổng. Vừa lúc ấy Hưng nghe tiếng chị Lan:

-Ủa, xe Hưng đây này. Thôi, Quyên! Tụi mình…phá Hưng như vậy đủ rồi.

Có tiếng Quyên nói:

-Chưa đủ!

-Thôi Quyên, đừng giỡn dai!

-Không- Quyên nói lớn và cười như nắc nẻ.

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
16/11/201508:10:33
Khách
Thế là ông Hưng theo nàng dzìa Tết Xịt & trở thành chủ tiệm nails 1 năm sau đó. Có lẽ phần 2 là những dzụ tằng tịu (đương nhiên) giữa ông chủ tiệm nails và mấy cô thợ ăn nói ngọt ngào đưa đẩy. 2 người khắc khẩu như dzậy mà ở chung được với nhau thì kể cũng lạ.
11/11/201501:35:27
Khách
Lời văn mượt mà, không một từ thừa thải như thì, mà, rằng...Nội dung có ý nghĩa. Truyện hấp dân, lôi cuốn độc giả cho đến phút cuối. Nhưng sao vẫn không nhiều người đọc. Có lẽ độc giả phần nhiều ở VN, muốn tìm hiểu đời sống thực ở Mỹ hơn.
10/11/201504:09:45
Khách
Sử thách đố thật là nguy hiểm. Rất may Hưng gặp những người đã hết yêu mình hay những người không yêu mình, nếu không anh ta đã mất người tình dài lâu. Chắc gì những cô Bích hay gì đó đã được như Quyên.
09/11/201520:59:27
Khách
Cái Ông nầy lộn xộn. Chỉ vì giận cô bồ, mà đi về VN tìm bạn gái cũ. Mong là ổng không bị bịnh gì để lây cho cô bồ. Mà có bồ ông nầy ăn nói đốp chát quá. Đàn ông họ chị thích nghe lời nói dịu dàng. Có mất gì đâu" Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Cô này chắc cha mẹ cũng không có giáo dục kỹ lưỡng.
09/11/201517:12:52
Khách
Văn trau chuốt. Nội dung có ý nghĩa, đặc biệt cá tánh nhân vật mỗi người mỗi vẻ, giống như thật ( cũng có thể là chuyện thật). Bích, bà thứ nhất, tình cảm cạn kiệt; bà thứ hai mất nết, cô thứ hai lợi dụng. "Người yêu lâu dài" rất ...chua ngoa nhưng có tình. Thời gian là thước đo tình yêu chính xác nhất.
09/11/201515:34:31
Khách
Chắc cô Quỳnh trong truyện ở trong gia đình đại gia thiếu giáo dục, ăn nói trịch thượng, khoe khoang.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,060,203
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến