Hôm nay,  

Jack Lồng Đèn và Thập Loại Cô Hồn

30/10/201500:00:00(Xem: 14788)

Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 3658-18--30148vb6103015

Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài “Chú Lính Mỹ,” Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự. Sang năm 2015, với bài “Giọt Máu Rơi của Người Lính Chết Trẻ”, cô nhận thêm giải “Vinh Danh Tác Phẩm” và vẫn tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ. Bài mới của tác giả là chuyện ma mùa lễ.

* * *

blank
Jack Lồng Đèn.

Trời mát. Đâu còn cái nóng hừng hực như đổ lửa, rát da rát thịt của mùa hè. Đâu còn những giọt mồ hôi ướt đẫm trên áo, trên làn da rám nắng và thèm một cơn gió biển từ xa thổi về. Không phải mùa thu sắp về rồi sao? Nhìn quanh phố Bolsa, các sinh hoạt văn nghệ chủ đề về mùa thu đã thấy phơi đầy trong các quảng cáo. Ngành ca nhạc hình như bắt nhanh với thời tiết mùa thu hơn cả những chiếc lá vàng. Lại sắp đổi giờ. Một loạt những dấu hiệu chuyển mùa như những giọt mưa đầu thu đã rơi ngoài hiên, khí trời chuyển từ nóng sang mát, mặt trời mọc trễ và lặn sớm, ngày ngắn đêm dài, những bản nhạc chủ đề về mùa thu phát ra từ những cửa hàng bán băng dĩa, những chiếc lá xanh chuyển sang màu vàng từ lúc nào và nhà ai đó phát ra những lời hát “Anh mong chờ mùa thu...”.

Lòng bâng khuâng lắng nghe lá thu xào xạc trong từng cơn gió, ngắm những chiếc lá rơi nhè nhẹ trên đường. Thu đã về rồi.

Mùa thu ở xứ Mỹ gắn liền với Halloween, lễ hội truyền thống của Ky-Tô giáo rơi vào ngày cuối của tháng mười. Các nông trại đã thấy bày bán những đống bí ngô màu cam, loại trái và màu sắc của nó làm ta liên tưởng đến cái lồng đèn có cái mặt nạ hình con ma sáng rực trong đêm Halloween. Các hình quái vật, bộ xương, ma quỷ, phù thủy, siêu nhân, hoàng tử, công chúa hay các con nhện, bồ cạp.. chưng bày trong các siêu thị làm mê hoặc lũ trẻ con và cả người lớn. Kỹ nghệ sản xuất kẹo vào mùa này tha hồ hốt bạc. “Trick or Treat”.“Hãy cho một cái gì đó. Muốn chúng tôi đối xử tử tế hay là muốn chúng tôi phá bĩnh?” Còn người lớn, họ thích thú vì được biến dạng thành những nhân vật xấu xí, quái dị, dễ sợ, không giống ai, khác đi cái tôi tẻ nhạt, đơn điệu hằng ngày. Một ngày lễ hội cho ta nhiều cảm giác mới lạ. Bản chất sợ hãi, nhút nhát và yếu đuối của con người trong một ngày bỗng trở thành dạn dĩ, mạnh mẽ, gan góc. Ma quỷ trở thành bạn. Họ vui đùa, quen thuộc với hình ảnh ma quỷ ghê rợn trong các dạ vũ hóa trang.

Hai cõi âm dương hội ngộ trong ngày lễ Halloween. Đây là ngày của những linh hồn chưa siêu thoát, lang thang trong cõi âm, được một ngày tìm về cõi dương trần trà trộn với người sống. Đó cũng là câu chuyện của anh chàng tên Jack.

Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa có anh chàng tên Jack nghiện rượu, lười biếng tham lam, bủn xẻn. Jack đi ăn trộm bị dân làng đuổi đánh. Jack chạy trốn, gặp quỷ Satan đòi lấy mạng. Có lần Jack cứu mạng quỷ. Thế là huề. Từ đó Jack với quỷ Satan là bạn.

Tiếng Việt có hai chữ “đồ quỷ” để đùa vui hay trách nhè nhẹ ai đó có một chút khôn ngoan, thông minh và tinh quái của loài quỷ. Thế mà Jack còn hơn quỷ. Nếu không, làm sao Jack lừa được quỷ. Jack có tật nghiện rượu, mời quỷ Satan uống rượu nhưng không muốn trả tiền, dụ Satan làm phép tự biến mình thành đồng tiền. Satan nghe lời. Jack bỏ đồng tiền vào túi áo có chiếc thánh giá. Thế là Satan không biến hình thành quỷ được đành phải theo lời Jack. Nhờ Jack thắng Satan, Jack không phải trả tiền rượu, Satan không quấy phá đòi mạng Jack trong vòng một năm nhất là khi chết, Satan không được bắt linh hồn Jack vào địa ngục.

Bản chất láu cá giúp Jack lừa Satan thêm một lần nữa. Jack dụ Satan leo lên cây và khắc chiếc thánh giá vào vỏ cây. Satan không leo xuống được đành phải chấp nhận điều kiện không được quấy phá đòi mạng Jack trong vòng mười năm, cũng không được bắt Jack vào địa ngục. Jack bóc vỏ cây có hình thánh giá cho Satan leo xuống.

Jack chết vì một tai nạn. Linh hồn Jack ngấp nghé cửa thiên đường nhưng vì cái tính ăn cắp, lừa lọc, gian xảo, keo kiệt khi còn sống nên bị đuổi xuống địa ngục. May cho Jack, gặp lại “cố nhân”, tuy là loài quỷ nhưng Satan nhớ lại lời hứa năm xưa không bắt Jack vào địa ngục nhưng đuổi Jack đi. Satan cho Jack cục than hồng không bao giờ tắt đặt trong củ cải khoét rỗng ruột thay cho cây đèn để Jack sưởi ấm và là vật dẫn đường. Vì vậy Jack có cái tên là “Jack-oLantern”, dịch nôm na là “Jack -lồng- đèn”, gọi tắt là “Jack-o”. (Chữ “o” có hình tròn giống cái lồng đèn). Từ đó, anh chàng cô hồn Jack- lồng- đèn lang thang vất vưởng ở cõi âm ty.

Người theo đạo Thiên Chúa tin rằng Chúa an bài mọi sự. Khi sống có lòng tin Chúa, biết làm điều lành, tránh điều ác, khi chết sẽ được lên Thiên đàng hay về nước Chúa. Người theo đạo Phật tin rằng con ngừơi làm chủ đời mình bằng cái “nghiệp”, có cõi Tịnh Độ của Phật A-Di- Đà. Sống từ bi hỷ xả, giờ phút cuối đời, tâm an lạc, không vướng mắc, ra đi thanh thản, nhẹ nhàng sẽ về cõi lành. Cả hai tôn giáo đều dựng nên một cảnh địa ngục cho những người xấu, ác. Cả hai tôn giáo đều tin có thế giới vô hình, có ma quỷ, có những linh hồn vất vưởng không siêu thoát như Jack- lồng- đèn.

Chuyện cổ tích về Jack- lồng- đèn không chỉ ngừng ở đó.Truyền thuyết kể rằng một ngày nọ Jack- lồng- đèn đang lang thang, nghe tiếng kinh tụng râm ran từ đâu vọng lại. Từng đoàn cô hồn trai, gái, già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà rủ nhau đi về hướng Tây. Cõi âm khác cõi dương không có kỳ thị ngôn ngữ, sắc tộc, tôn giáo như ở dương trần. Các cô hồn hiểu nhau bằng một thứ ngôn ngữ không lời. Ăn không bằng nhai nuốt và tiêu hóa mà bằng cái tưởng. Họ cư ngụ khắp các nơi, trong vườn, ngoài ruộng, bờ tre, bụi trúc, các gò đống, chảng cây.. mà mắt trần của người dương thế không thấy được. Có các vong hồn tội nhẹ, còn chút phước, sống gần chùa, nghe kinh, ăn cơm chùa vào buổi lễ cúng cô hồn mỗi buổi chiều. Họ hy vọng một ngày trả hết “nghiệp” được đi đầu thai làm kiếp khác.

Jack- lồng- đèn thấy đông vui, gặp biết bao nhiệu là các vong hồn trong chuyến đi này. Họ là ai mà được người sống nhắc nhở với lòng thương xót sâu xa đến thế ? Ai đã có tấm lòng nhân hậu, cái tâm từ mẫn đã viết về họ, quan tâm đến họ với những câu:

... “Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người...”

Lòng thương cảm ấy còn với cả người sống:

“…Lòng nào mà chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế huống là cõi âm”…

Người ta kể rằng vào tiết tháng bảy mùa Vu Lan, trời “mưa sùi sụt”, “chiều thu lạnh buốt”, lác đác vài giọt sương đêm, người ấy nghĩ đến những vong hồn cô đơn, không ai hương khói, không nơi nương tựa, ông đã viết thành một bài thơ gồm một trăm tám mươi bốn câu cho mười loại cô hồn lấy tên là “Văn tế thập loại chúng sinh” hay còn gọi là “Văn tế cô hồn”.

“Đồng hội đồng thuyền”, Jack- lồng- đèn tham gia chuyến đi, kết thành bạn đồng hành. Đang là kẻ cô đơn, nghe những linh hồn kể về đời mình khi còn sống ở cõi dương trần, chàng ta lấy làm thú vị, nguôi ngoai nỗi buồn cô độc từ bấy lâu nay. Những câu chuyện làm cho chuyến đi ngắn hơn mặc dù Jack-lồng-đèn không biết họ đưa chàng ta đi đâu.

Đây là cô hồn khi còn sống, anh ta là một chàng “kiêu hãnh”, trong tay có cả một giang sơn, đã nhiều phen “cướp gánh non sông” gây ra “những buổi tranh hùng”. Anh ta chết khi “vận cùng”, không còn “khí thế” của một thời oai phong lẫm liệt. Một anh chàng khác giàu sang gây nhiều thù oán “lớn sang giàu, nặng oán thù”. Anh ta chết vì cái giàu gây cái oán. Này là một cô tiểu thư khuê các “màn lan trướng huệ”. Chỉ có “một phen thay đổi sơn hà” nay trở thành “một thân chiếc lá biết là về đâu”. Một cô khác bế tắc sự đời, tự tử, nhảy lầu xuống sông,“đến khi nhắm mắt không người nhặt xương”.

Tội nghiệp! Jack- lồng- đèn nhìn hai cô bạn mới quen ở cõi âm ty.Ở cõi này họ đâu còn là “người đẹp”. Đó là những vong hồn đau khổ. Chàng ta khởi lòng thương xót. Nhìn lại mình, Jack- lồng- đèn có khác chi đâu. Cũng là một loại cô hồn, thân mang cái đèn hình tròn chữ “o” để làm bạn dẫn đường nhưng lòng thương... cứ thương. “Thương ngừơi như thể thương thân”.

Một anh chàng trước đây đã từng làm quan “mũ cao áo rộng”, ra vào huênh hoang nơi chốn triều đình, một tay “kinh luân” tài giỏi, ăn chơi “đàn ca viện hát”, kết thúc cuộc đời cũng vì “càng thịnh mãn lắm oán thù càng lan”. Một người đã từng cầm trong tay “ấn nguyên nhung”, thay vua nắm quyền sinh sát ngoài chiến trường, tạo những chiến công lừng lẫy bằng xương cốt của những người dưới trướng. Thương cảm nhất vẫn là những người lính xa gia đình, sống lầm than, kham khổ để rồi “nắm xương vô chủ biết là về đâu”.

Bao nhiêu kiếp trôi lăn trong cõi âm, bây giờ Jack-lồng-đèn mới biết đám cô hồn ở đây mỗi người là mỗi cảnh đời. Sống ở dương trần, họ vẫy vùng, oai nghi, cao sang, kỳ tích, khí phách như thế, khi đã là cô hồn ở cõi âm ty, quan, tướng cũng như lính, họ cô đơn, đói khát, lạnh lẽo, đau khổ tận cùng.Thật là tội nghiệp.

Đường đi sao mà xa xôi vời vợi, vượt qua bao nhiêu sông ngòi, biển lớn, rừng núi, ruộng vườn mà vẫn chưa thấy tới. Họ bảo Jack- lồng- đèn phải kiên nhẫn. Chàng nhìn phía sau có một nhóm cô hồn tỏ ra thân thiết nhau lắm nên mới đến làm quen.

Hồi còn sống, đây là tay buôn bán giàu có nhưng chỉ bo bo giữ của, đến khi chết “thân không mang được một đồng nào đi”. Có một tay còn trẻ, sang quý một thời, đến khi chết “vội vàng liệm sấp chôn nghiêng”. Và còn biết bao con người chết ngoài biển cả. Con số này đông lắm, chàng ta không nhớ hết. Cũng không hiểu tại sao họ lại “đem thân vùi rấp vào vòng kình nghê”? Càng gặp nhiều người, chàng còn biết thêm có kẻ buôn bán chết đường chết chợ. Kẻ ăn xin chết ở “gầm cầu gối đất”. Kẻ tù tội chết vì oan trái. Những vong hồn chết vì những nguyên nhân khác như chiến tranh, tai nạn, nghèo đói, cây đè, leo giếng, xây thành, nhà cháy, nước trôi…

Than ôi! Sống mỗi người mỗi cảnh, chết mỗi người mỗi cách. Jack-lồng-đèn nghĩ nếu ở dương trần, thế giới hòa bình, con người ta ai cũng cơm no áo ấm, đời sống an toàn, thanh bình, hạnh phúc, an lạc thì khi chết, họ đã siêu thăng lên các cảnh giới lành thiện như Thiên đường, Tịnh độ chứ đâu có đau khổ mà phải lạc loài xuống cõi âm ty này?

Jack- lồng- đèn tiếp tục nghe kể về những loại cô hồn. Họ là những người phụ nữ “sống đã chịu một đời phiền não”. Người viết nặng lòng thương cảm đã từng thốt lên “Đau đớn thay phận đàn bà”. Họ chịu thiệt thòi, bất công và đau khổ trong xã hội kỳ thị chủng tộc hay “trọng nam khinh nữ”. Tội nghiệp nhất là những cô gái sa cơ lỡ bước vào chốn lầu xanh “sống làm vợ khắp người ta” bị xã hội khinh bỉ, ruồng rẫy. Có những cô gái ăn sương tuổi đã về chiều bị đời lãng quên, khi chết “đâu chồng con tá, biết là cậy ai”. Lại còn những đứa trẻ vô tội. Những linh hồn chết non vì bị sẩy thai, bị phá thai vì cha mẹ ruồng bỏ sự sống, những đứa trẻ chết yểu vì bệnh tật, tai nạn “Này những đứa tiểu nhi tấm bé. Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha”. Thương quá! Jack- lồng –đèn nghĩ những đứa trẻ có tội tình gì mà vẫn trôi lăn trong cõi tối tăm này?

Những câu chuyện của kể của các bạn đồng hành làm Jack- lồng- đèn não lòng.Thê thảm quá!. Xót xa quá! Jack-lồng-đèn nghĩ đến ngừơi viết nếu không có lòng từ tâm bao la rộng lớn như thế làm sao thấu hiểu nỗi khổ của những mảnh đời.

Cũng là lúc vừa đến nơi. Jack- lồng- đèn hoa mắt. Đây là đâu mà ồn ào đông đúc thế này. Cõi dương trần. Một ngôi chùa cổ. Các vong hồn kể rằng mùa Vu Lan hằng năm, các vong hồn về đây dự buổi trai đàn chẩn tế, nghe kinh cầu siêu cho các linh hồn được sớm siêu thoát. Họ bày một dãy thức ăn. Họ đang làm lễ “Mông sơn thí thực” là nghi thức cúng thức ăn cho những cô hồn đói khát không có người thân cúng kiếng. Họ tin rằng những lời kinh cầu nguyện thiết tha xuất phát từ lòng thương xót các vong linh giúp cho nghiệp chướng của họ nhẹ nhàng, tội lỗi tiêu trừ, linh hồn được siêu thoát, đầu thai vào một cảnh giới an lành, chấm dứt một kiếp lang thang ở cõi âm tỳ.

Những lời kinh tụng ngân vang trầm hùng chấn động bốn phương. Đèn nến sáng rực. Cờ phướn tung bay. Khói hương nghi ngút thơm lừng bốc lên mờ mịt cả một vùng trời. Mặt hồ ngập sáng những chiếc đèn hoa sen lung linh các ngọn nến đỏ. Những khuôn mặt trang nghiêm hướng về những bức tượng. Tiếng chuông mõ đều đặn, nhịp nhàng. Những tấm thẻ ghi tên tuổi của người chết bày trên một cái mâm lớn rồi đốt đi với công đức hồi hướng cho họ được siêu thăng, rời khỏi cõi âm để đi đầu thai kiếp khác.

Lần đầu tiên nghe những lời kinh tụng, Jack-lồng-đèn không hiểu hết nhưng chàng cảm nhận lời kinh đó tha thiết quá và có nhắc đến mình, một linh hồn cô đơn, lạc lõng, vất vưởng từ bấy lâu nay không người quan tâm đoái hoài. Chàng cảm thấy an ủi, bớt cô đơn và bớt tủi thân phần nào.

Đâu đây tiếng gà gáy vang lên trong sương sớm. Đã hết thời gian của cõi âm. Mặt trời sắp mọc. Vầng thái dương sẽ chia cắt hai cảnh giới âm dương. Jack phải mang cây đèn cùng với các vong hồn trở về. Mặc dù trong truyền thuyết kể rằng Jack bị thiên đường lẫn địa ngục từ chối nên phải sống kiếp lang thang mãi ở cõi âm nhưng sau chuyến đi này Jack mang đầy niềm tin và hy vọng. Sống trong cảnh giới khổ sở nhưng khi nghe những lời kinh, trong tâm Jack phát khởi một niệm lành là tình thương đến cho những linh hồn. Sống trong tuyệt vọng khốn cùng ở chốn âm ty, Jack vẫn nghĩ đến nỗi khổ của những linh hồn chung quanh. Jack tin và hy vọng với niệm lành đó, biết đâu Jack sẽ không còn là anh chàng Jack-o vất vưởng mà là một anh chàng Jack được về nước Chúa hoặc đầu thai là một đứa trẻ trong cảnh giới làm người.

Theo truyền thuyết xa xưa, chiếc lồng đèn hình trái bí ngô có cái mặt khoét hình con ma sẽ rực sáng trong ánh nến là biểu tượng cho ngày lễ Halloween làm cho ta nhớ mãi đến cái tên “Jack-o Lantern”. Có khác chăng là theo một truyền thuyết khác, người ta không tìm thấy linh hồn của Jack trong cõi âm. Không còn hình ảnh Jack lang thang cầm chiếc lồng đèn dẫn đường đi trong cõi âm nữa.

Cụ Nguyễn Du sinh năm một ngàn bảy trăm sáu lăm, tính đến nay cụ mất đúng hai trăm năm mươi năm. Nếu ta tin rằng có linh hồn, cõi âm, cảnh giới lành như Thiên đường, Tịnh độ thì hai trăm năm mươi năm về trước, cho đến bây giờ và mãi mãi về sau, tình người bao la của cụ trong trong tác phẩm “Văn tế thập loại chúng sinh” mang đến cho linh hồn tên là Jack-o Lantern và những linh hồn không tên khác ở cõi âm, ngoài niềm tin và hy vọng còn là tình thương, sự an ủi và sự quan hoài.

Ai bảo chỉ có người sống mới cần đến những tình cảm này?

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
10/11/201523:01:55
Khách
Annie cám ơn sự đóng góp ý kiến của hai bạn Quỳnh và Cindy về nguồn gốc của lễ hội Halloween.
Annie
01/11/201523:30:28
Khách
Le hội Halloween không phải của Ky Tô Giáo ( Thiên Chúa Giáo , Công Giáo ) như nhiều người lầm tưởng , mà là do ngoại giáo tạo ra . Chữ Hallo là từ chữ Holy ( Thánh ) , chữ Ween là từ chữ eve . Nghĩa là ngày trước Lễ Các Thánh . Người ngoại giáo đã lợi dụng ngày này để tạo thành ngày ma quỷ lên dương trần để kinh doanh thu lợi . Các linh hồn không thể nào quậy phá vì đều bị cô lập bởi Thiên Chúa , nên lễ hội này hoàn toàn không phát xuất từ Tôn Giáo của Thiên Chúa .
01/11/201506:27:07
Khách
Xin sửa lại là ev e ( không phải ev e r) Cám ơn.( gõ âm e sát âm v không được )
01/11/201504:32:42
Khách
Le hội Halloween không phải của Ki Tô Giáo, mà của người ngoại giáo. Chữ Hallo nghĩa là Holy ( Thánh ) chữ ween nghĩa là ev e r , ( trước ) có nghĩa là ngày trước Lễ các Thánh,
Linh Mục Nguyễn Thái trong bài giẩng Lễ thứ bảy cho biết như vậy.
31/10/201522:34:22
Khách
Bài văn tế cô hồn của đại thi hào Nguyễn Du cho thấy lòng từ bi của đạo Phật đối với chúng sinh, người sống lẫn người chết.
Tôi rất đồng ý với chị Jackqueline khi tác giả kết thúc câu chuyện cho nhân vật Jack không còn bị đọa trong cõi âm là một kết thúc có tính nhân bản.
Một bài viết hay và lôi cuốn người đọc trong mùa Haloween.
Kevin
31/10/201512:05:51
Khách
Tác giả đã có sự tưởng tượng độc đáo về huyền thoại Jack
Tôi chỉ biết nhà thơ Nguyễn Du trong truyên Kiều. Đọc bài này biết thêm ông có Văn tế cô hồn.
Cám ơn tác giả
Hoàng Nguyên
31/10/201504:29:57
Khách
Một bài viết có tính nhân bản.
jackqueline nguyễn
31/10/201502:50:34
Khách
Kết thúc Jack không còn ở cõi âm và câu hỏi cuối của tác giả là một kết thúc có hậu và đầy tình người.
Cám ơn tác giả. Một bài viết hay.
Mỹ Linh
30/10/201516:28:52
Khách
Cụ Nguyễn Du sinh năm một ngàn bảy trăm sáu lăm (1765)
2015 là kỷ niệm sinh nhật 250 năm của cụ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,321,874
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.