Hôm nay,  

Chú Chín

14/09/201500:00:00(Xem: 14536)

Tác giả: Cẩm Thành Dân
Bài số 3623-17--30113vb8091315

Tác giả họ Trần, trước năm 1975 là thầy giáo cấp 3 tại một trường Trung học thuộc tỉnh Long An, nay cư ngụ tại San Jose. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.

* * *

Tha phương gặp lại người quen thật là niềm vui không thể nào tả xiết. Tôi gặp lại chú Chín tại một chợ Việt Nam, chú đang phụ người tính tiền bỏ hàng vào túi plastic để người mua đem ra xe. Nghe giọng Quảng và vóc người dong dỏng cao với vết sẹo trên cằm, tôi mường tượng người đàn ông nầy tôi đã gặp ở đâu, nhưng tôi không thể nhớ ra được, tôi đành ra xe với túi thức ăn trên tay.

Ngồi trên xe, tôi cố nhớ lại bóng dáng quen nầy, bỗng trí tôi bừng dậy hình ảnh của một người dàn ông nghèo giúp việc cho những lò làm bánh tráng trong làng tôi trước năm 75; tôi tự hỏi: "Chẳng lẽ là chú Chín." Tôi trở vào chợ, và gặp lại chú Chín từ cái buổi đi chợ hôm ấy.

*

Chú Chín đến sinh sống tại làng tôi đã lâu lắm rồi. Vào khoảng năm 1949, một gã trung niên đi qua làng tôi, và dừng lại xóm làm bánh tráng để xin việc làm. Một lò bánh tráng đang cần người nên nhận chú vào phụ giúp công viêc làm bánh. Kể từ ngày đó, chú trở thành dân làng tôi mặc dù không ai biết về gốc gác của chú.

Chú tự gới thiệu chú là đứa con thứ chín trong một gia đình, và từ đó cái tên Chín gắn liền với chú. Chú Chín làm việc rất chăm chỉ nên được chủ lò bánh cho phép cất một căn chòi trong vườn chủ để tá túc, và được nhận làm thợ chính trong công việc sản xuất bánh tráng. Riêng tôi, tôi rất quí mến chú vì chú nhái điệu bộ và giọng nói của những nhân vật khó tính trong xóm rất giống, bà con trong xóm cười thích thú mỗi khi chú diễn trò. Chú thường giúp đở những người chung quanh, vì vậy mọi người rất quí mến chú.

Công việc hàng ngày của chú là xay bột, tráng và phơi bánh. Buổi chiều, chú thường ra quán nước đầu xóm để uống bát trà xanh và phì phèo điếu thuốc rê. Chú ngồi yên lặng nhìn người qua đường; đôi khi chú ngồi thừ người nhìn về hướng nam với đôi mắt buồn vời vợi, kẻ thì cho chú nhớ quê hương, người thì bảo chú thất tình ai đó nên mới bỏ làng ra đi tha phương cầu thực.

Bà chủ lò bánh thấy chú hiền lành và siêng năng làm việc nên muốn làm mai để chú có một mái ấm gia đình với một cô gái trạc tuổi chú không còn cha mẹ.; bà hỏi ý chú,Chú lấy lý do thời buổi chiến tranh lấy vợ làm chi cho khổ. Từ hôm mai mối ấy, chú trở nên tư lự và ít nói hơn trước. Buổi chiều chú không còn ra quán nước, chỉ ngồi trước túp lều hút thuốc, yên lặng nhìn mây trời lãng đãng và miệng lẩm bẩm như đang nói chuyện với ai đó.

Một buổi trưa mùa hạ, bọn con nít trong xóm gọi nhau chạy về phía nhà của chú Chín để xem chú lên cơn điên. Tôi cũng chạy theo bọn chúng, và đứng xa để nhìn về túp lều của Chú Chín. Chú đứng trên nóc lều, tay cầm chiếc búa bửa củi chỉ lên trời như để thách thức với ông trời, chú la hét:

“Ông trời sao ông bất công với tui, ông hành hạ, thiêu đốt ruột gan tui, sao ông không sai thiên lôi cho tui một búa cho rồi đời.” Chú múa búa đòi đánh lộn với ông trời, hình như chú muốn chọc tức ông trời để được chết cho lẹ. Gào thét một hồi đến mệt lả người, chú té lộn nhào xuống đất; nhờ mái chòi thấp nên chú chỉ bị trầy sướt chút đỉnh.

Sau ngày lên cơn điên, chú không đi làm nữa, ngồi lì trước cửa chòi, lúc khóc lúc cười,trông chú rất thảm. Bà chủ nhà thương tình đem thức ăn cho chú. Một buổi trưa, có người thấy chú bận bộ bà ba trắng, đi về phía bờ sông. Ngồi trên bờ một khúc sông sâu, chú thả từng tờ giấy bạc tín phiếu (một loại giấy bạc do chính quyền in ra chỉ dùng trong vùng do Việt Minh kiểm soát) xuống dòng nước. Sau khi hết tiền, chú thẫn thờ trở về chòi. Chú ngồi yên lặng nhìn trời, rồi ngủ trước cửa chòi. Những ngày kế tiếp, chú gom những đồng tiền còn lại chú cất dấu trong chòi, đi ra chợ mua bánh kẹo để phân phát cho bọn trẻ trong xóm. Khi không còn đồng tiền dính túi và bị đói khát vài ngày, chú hết điên, và bắt đầu đi làm trở lại.

Năm một hoặc hai năm một lần, chú Chín lại nổi cơn điên. Sau khi tiêu hết tiền dành dụn, chú tỉnh người trở lại và tiếp tục đi làm để dành tiền cho cơn điên tới. Các cụ già cho là chú Chín bị trời hành. Bà con trong xóm rất thương chú vì tính chú hiền hòa và nhã nhặn; ngay cả trong cơn điên, chú chẳng bao giờ đụng chạm tới ai.

Vài năm sau, có người trong xóm biết chút ít về thân thế của chú qua một người ở cùng làng của chú kể lại. Chú xuất thân từ một gia đình trung lưu tại một làng gần ranh giới tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, đậu bằng tiểu học, chú được móc nối vào phong trào Việt Minh chống Pháp trước năm 1945. Khi Việt Minh cướp chính quyền, dân trong xóm thấy chú đi công tác bất kể giờ giấc, người ta cho rằng chắc chú được giao công tác bí mật. Ở thời điểm đó, công tác bí mật không ngoài việc thủ tiêu các nhà cách mạng không ở trong hệ thống Cộng Sản của Việt Minh. Nhà cách mạng Tạ thu Thâu đã bị giết trên đường chạy vào nam.

Chú Chín có thương một người con gái tên Hương, con của một gia đình khá giả trong làng, cô gái cũng có cảm tình với chú. Cô Hương có người chú đậu tú tài tây, theo Quốc Dân Đảng của nhà cách mạng Nguyễn thái Học. Người chú nầy bị bắt đi vào lúc nửa đêm, và bị đưa đi biệt tích luôn.

Từ ngày ấy, gia đình cô Hương trở nên lạnh nhạt với chú. Người cha đã âm thầm tổ chức một cuộc chạy trốn ra khỏi vùng của Việt Minh kiểm soát bằng đường biển để vào Nha Trang, và sau đó cả gia đình vào nam lập nghiệp. Từ ngày gia đình cô Hương đi khỏi làng, chú Chín như người mất hồn, và chểnh mảng công tác. Cuối cùng, chú bị khai trừ ra khỏi tổ chức.

Mẹ chết, cảnh nhà sa sút, chú lần hồi bán hết tài sản. Vào một buổi sáng đầu mùa hạ, dân làng thấy chú rời khỏi làng và không bao giờ quay trở về quê cũ nữa. Kẻ thì cho rằng chú bị vong hồn chết oan ám ảnh, người thì bảo chú thất tinh người con gái tên Hương. Sự thật, chẳng ai biết điều gì xẩy ra cho chú, và chú cũng chẳng bao giờ tâm sự với ai về cuộc sống của chú.

Chú Chín sống lây lất trong cái xóm làm bánh tráng suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lúc thì tỉnh táo làm việc, khi thì sống trong một thế giới ám ảnh bởi những nỗi sợ hải như có ai rình để làm hại chú. Có những mùa hè, khi lên cơn điên, chú chui xuống gầm giường như để trốn ai đó đến bắt chú. Có khi chú quỳ trước cửa lều, mặt ngửa lên trời, chấp tay như cầu nguyện một điều gì, không còn la hét như khi lên cơn điên lần đầu.

Sau hiệp định đình chiến chia đôi đất nước vào năm 1954, mỗi lần lên cơn điên, chú ngồi ủ rũ trước cửa lều với đôi mắt đờ đẫn nhìn lên trời. Vài ngày sau,chú măc bộ quần áo mới và rời khỏi xóm, và chỉ trở về xóm khi trong túi không còn tiền. Có người trong xóm, làm việc bảo trì cho một khách sạn tại tỉnh lỵ, gặp chú thuê phòng trong khách sạn để ở. Vài cô gái giang hồ sống trong khách sạn, biết chú có tiền, các ả tìm cách lột hết tiền bạc của chú. Cũng như bao lần trước, hết tiền thì chú cũng hết cơn điên. Chú siêng năng làm việc trở lại, trông chú tươi hơn trước, các bà già trong xóm cho là nhờ hơi hám của mấy ả giang hồ làm cho chú đở khùng hơn.

Cuộc sống của chú Chín cứ như thế mà trôi qua trong khi cuộc chiến biến động từng ngày. Trước năm 75, đôi lần về quê, tôi có ghé thăm chú. Những năm tháng làm việc nặng nhọc trong lò bánh tráng làm chú già đi nhiều. Hình ảnh của chú Chín, hình ảnh của con ngựa già mỏi vó sống ngoài lề xã hôi, ăn sâu trong tâm trí tôi như một nhân vật khó hiểu trong cuộc sống đầy bon chen và đầy biến động.

Gặp lại chú Chín trong một chợ Việt Nam trên đất Mỹ quả là chuyện tôi không thể ngờ tới. Hình ảnh một người sống khắc khổ và kỳ lạ bừng dậy trong tâm trí tôi. Chú Chín là loại người không bao giờ bước chân ra khỏi tỉnh, vậy mà nay lại lưu lạc đến phương trời xa xôi nầy khiến tôi thêm tò mò về chú. Vả lại, nơi đất khách quê người gặp được người quen ở quê nhà thì thật là quí hóa. Từ hôm ấy, tôi thường đến thăm chú vào mỗi cuối tuần.

Chú Chín thuê gian nhà nhỏ ở vườn sau của một căn nhà do chủ xây thêm để cho thuê, có lối đi riêng nên cũng khá tiện nghi. Trong phòng, có giường ngủ, một cái bàn với bốn ghế nhỏ, một cái sofa và một TV cũ kê ở góc phòng.

Lần đầu gặp nhau, hai chú cháu ngồi nhâm nhi bia nhẹ với khô mực. Tôi hỏi chú về những gia đình quen trong xóm để biết kẻ còn người mất. Tôi kể lại chuyến vượt biên đầy may mắn của tôi, đi một lần mà thành công. Tôi chờ để dược nghe chú kể chuyến ra đi của chú, nhưng chú chỉ mỉm cười và nói: “Chú mầy hên quá, đi một lần mà được bình yên đến bờ." Chờ một lát, chẳng thấy chú nói gì, tôi biết ngay rất khó để được nghe chuyện riêng tư của chú.

Dần dần, hai chú cháu thân nhau hơn. Một lần, hai chú cháu cùng nhậu, nhìn lên tường nhà, thấy một tờ giấy được dán ngay ngắn với bốn chữ lớn: ÔNG TRỜI CÓ MẮT, tôi mời chú cạn ly bia rồi hỏi chú về ý nghĩa của bốn chữ trên, chú nói với giọng trầm buồn: “một việc làm độc ác, có thể không ai biết, nhưng người gây ra tội ác cảm thấy những quả báo nhãn tiền đến với hắn như thể có kẻ khuất mặt đang theo dõi và trừng phạt hắn; nhất là hắn phải sống trong những nỗi ám ảnh tội lỗi suốt đời," rồi chú hạ giọng, “Đúng là lưới trời tuy thưa mà khó thoát.”

Tôi có cảm nghĩ chú Chín đang nói về những trải nghiệm từ bản thân của chú. Hai chú cháu uống thêm vài chai bia, thấy chú cởi mở hơn, tôi không còn e dè nữa và hỏi thẳng chú về chuyện vượt biên.

- Chú đi từ đâu?

- Chú đi từ Bà Rịa.

Chú Chín trả lời vui vẻ và không còn né tránh nữa. Từ làng quê chú ở đến Bà Rịa khoảng chừng một ngàn cây số. Một người vô sản như chú mà phải qua cả ngàn cây số để tìm đường vượt biển thì kể cũng lạ. Tôi hỏi chú, giọng pha một chút bông đùa:

- Chắc chú để dành được nhiều vàng, nên khi tụi VC đến chú phải lo ôm của mà chạy.

Chú đưa mắt nhìn tôi, giọng nói trở nên buồn bã:

- Ngày Việt Cộng chiếm thị xã, bọn nằm vùng và bọn cách mạng xu thời đi tìm bắt những người làm cho chế độ cũ mà chúng bảo có nợ máu với nhân dân. Chúng lập tòa án nhân dân xét xử tội phạm, kẻ thì bị giết người thì bị tịch thu gia sản. Buổi tối, chúng họp dân lại để ca tụng cách mạng và nhảy múa ăn mừng đại thắng mùa xuân. Em biết không? Đó chính là hình ảnh của chú vào những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền do Việt Minh chủ trương.

Chú nhìn ra cửa, đôi mắt hướng về một phương trời xa xôi để hồi tưởng một quá khứ đã chìm trong ký ức. Rồi chú tiếp tục nói như để vơi đi những nỗi niềm thầm kím:

- Bao nhiêu người bị bắt trong đêm khuya, lưỡi mã tấu chặt xuống, chiếc đầu còn lủng lẳng trên cổ, những thân xác được chôn chung một hố cạnh bờ sông. Lệnh trên đưa xuống chỉ là tờ giấy viết tay. Ngày hôm sau, có giấy ân xá của chủ tịch nhà nước. Kẻ theo giặc, kẻ tình nghi phản động, kẻ yêu nước theo đường hướng khác với chúng đều bị giết như nhau. Giết lầm hơn bỏ sót. Chú ở trong tổ hành động mật, và chỉ là một thằng thi hành lệnh cấp trên. Những đôi mắt chưa kịp nhắm trong ánh lửa bập bồng của ngọn đuốc hình như nhìn chú đầy oán hận, và những hình ảnh đó đã theo chú suốt đời.

Tôi ngồi yên lặng, lắng nghe rồi cụng ly với chú để thông cảm nỗi niềm của người bạn già. Chúng tôi cùng cạn ly, chú kể tiếp:

- Rồi từ đấy, những người thân yêu đều xa lánh chú. Chú không còn hăng say theo bọn chúng, và bị khai trừ ra khỏi tổ chức. Mẹ chết, chú chẳng còn gì để lưu luyến nơi chôn nhau cắt rún, chú bỏ làng ra đi và mang theo những đôi mắt đầy oán hận.

Chú ôm đầu và nói như rên rỉ:

- Cũng tại chú có mắt mà như mù, không nhìn ra sự độc ác của chúng. Đến khi nhận thức ra được thì tay đã nhúng chàm. Năm 1975, ngày chú thấy cảnh múa hát rồi giết người, đầu óc chú nóng lên quay cuồng với những hình ảnh năm xưa, cứ thế mà chú chạy, và rồi lưu lạc đến Bà Rịa.

Tôi hỏi chú:

- Chuyện cũ đã qua lâu rồi, cái gì đã làm chú phải chạy hốt hoảng như thế, chú là thành phần vô sản mà.

Chú lắc đầu, trầm ngâm một lát rồi mới nói:

- Chuyện chúng làm chính là những cảnh mà chú đã trải qua. Chú cũng chẳng hiểu tại sao chú lại hoảng hốt đến như vậy, hình như chú chạy để thoát khỏi những đôi mắt đầy kinh hoàng và uất hận chưa kịp nhắm lại sau khi bị giết, tất cả những hình ảnh đó bỗng bừng dậy trong đầu chú, và cứ thế mà chú chạy, và sống bằng của bố thí của những người xa lạ. Chú trôi dạt đến tận Bà Ria, làm phu khuân vát trong chợ để sống.

Nhờ dẫn đường cho một nhóm người đi đến điếm hẹn, họ khuyên chú muốn đổi đời thì theo họ đi vượt biên.

Chú đưa mắt nhìn lên tường, miệng lẩm bẩm: “Ông trời có mắt. Ông trời có mắt, lưới trời tuy thưa mà khó thoát”. Chú gục đầu xuống bàn, hai tay ôm đầu và chìm dần vào giấc ngủ trong trạng thái chếnh choáng hơi men.

Sau lần tâm sự khi nhậu say này, tôi giữ ý, những lần không còn dịp hỏi

Một lần, vào chiều thứ sáu, chú gọi tôi để báo tin chú đã tìm được việc mới, hỏi tôi có rảnh thì lên chú lai rai cho vui. Tất nhiên là tôi nhận lời để có cơ hội nói chuyện với chú.

Lần nầy, chú bắt được cái job technician của một hãng điện tử đang cần người. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, chú lấy ra từ ngăn kéo chứng chỉ cán sự điên tử do một trường điện tử trong vùng Vịnh cấp. Chú kể những ngày mới bước chân đến đất Mỹ rồi cười bảo tôi:

- Ở cái xứ nầy, chỉ cần biết bốn phép tính là có trường huấn nghệ họ dạy cho mình một nghề. Nhờ chú biết chút ít tiếng Pháp, vì vậy khi học qua tiếng anh của người Mỹ không vất vả lắm. Chỉ cần chịu khó vào thư viện để tìm hiểu những kiến thức khoa học thông thường, nhờ vậy mà chú học được chứng chỉ điện tử để đi làm technician. Có nhiều sách văn chương, lịch sử, triết học …tha hồ mà học hỏi.

Thấy chú vui vẻ, tôi cũng vui lây. Chú Chín trên đất Mỹ nầy khác hẳn với chú Chín ở làng tôi ngày xưa, một người đàn ông khắc khổ và trầm lặng. Tôi hỏi chú về công việc trong hãng, chú thích thú trả lời:

- Ở đây họ hay thật, họ huấn luyện theo phương pháp dể hiểu. Từng bước từng bức, người học việc thu nhận công việc giao phó một cách dễ dàng. Chỉ cần làm đúng theo sự hướng dẫn là mọi việc đều xong.

Chú ca tụng đất nước đã cưu mang người tị nạn, cho họ những cơ hội để thăng tiến đời sống. Vậy là với sự chịu khó học hỏi, chú Chín đã trở thành một con người mới hội nhập được vào đất nước văn minh nầy. Tôi nghe mà thấy mừng cho chú. Từ đó, hai chú cháu trở nên thân với nhau hơn. Mỗi tháng ít nhất một lần, tôi đến chơi để tán ngẫu với chú về đủ thứ chuyện trên đời.

Một hôm, có người nhờ tôi tìm một người độc thân có quốc tịch Mỹ để làm đám cưới giả với môt phụ nữ ở nước ngoài. Nếu mọi việc êm xuôi, người bảo lãnh sẽ được trả sòng phẳng. Tôi kể chuyện đó với chú, chú dứt khoát bảo tôi “Chuyện nầy thì không có chú”.

Một lần khác, chú đưa tôi coi tờ báo với cái tin y sĩ gian lận medicare bị bắt rồi nói “Chớ giỡn mặt với pháp luật ở cái xứ nầy”,và chú trở giọng ngâm nga:

- Đạo trời tâm điểm, đạo người điểm tâm.

Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, chú nói như giải thích: “Đạo trời là để điều hòa vạn vật, chính là trung tâm vũ trụ; còn đạo người là lo kiếm ăn, cái gì cũng muốn bỏ vào miệng để điểm tâm.” Chú bảo tôi cạn ly với chú, rồi nói:” Đối với tao, luật pháp của nước Mỹ là thế thiên hành đạo, ai tưởng qua mặt được pháp luật là vướng lưới liền.”

Bây giờ tôi mới hiểu bốn chữ chú treo trên tường “ÔNG TRỜI CÓ MẮT” gắn liền với tinh thần thượng tôn pháp luật của chú ở cái xứ pháp trị nầy.

Có những chiều mưa, hai chú cháu ngồi yên lặng để cảm nỗi cô đơn ở nơi đất khách quê người. Tôi thường nói với chú:

- Những ngày mưa không đi làm,cháu nhớ nhà quá chú ơi.

- Ai mà không nhớ quê hương xứ sở.Tuy đời sống ở đây đầy đủ vật chất,nhưng mình vẫn thấy thiếu thốn một cái gì. Chú gật đầu trả lời.

- Hương vị quê hương phải không chú? Tôi hỏi lại.

Chú Chín trả lời:

- Hình như vậy, một cái gì thấm trong xương trong máu, trong ký ức, và nó làm thành những nỗi nhớ nhung mỗi khi chiều xuống hay những ngày mưa buồn.

Rồi chú cất giọng ngâm khẻ:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Ngoài trời mưa nặng hột. Hai chú cháu vừa uống bia vừa ôn lại những hình ảnh và kỷ niệm của nơi chôn nhau cắt rún, một vùng quê nghèo được mô tả vùng đất cày lên sỏi đá, mùa hè nắng cháy như thiêu đốt, mùa đông thì bão lụt triền miền. Thỉnh thoảng mới có năm được mùa để nồi cơm không có khoai độn…

Những năm đầu ở nước Mỹ, cuộc sống của chú Chín thật bình yên và hạnh phúc. Ngày nghỉ, nếu không vào thư viện đọc sách, chú thường giúp chủ nhà chăm sóc vườn cây. Chú ít khi đi chơi xa, chỉ lái xe đi làm hay quanh quẩn trong thanh phố. Chú thường cho tiền những người ăn xin đứng ở các ngã tư. Chú nói với tôi chính chú cũng đã từng vô gia cư, và sống nhờ của bố thí. Tôi không còn thường xuyên lên thăm chú vì công việc bận rộn. Những năm về sau, chú trở nên tư lự và ít nói mỗi lần chú cháu gặp nhau.

Vào thời điểm ngành điện tử chậm lại, hãng chú làm không đủ việc nên sa thải nhân viên, chú Chín bị cho nghỉ việc. Chú ở nhà lãnh tiền thất nghiệp một thời gian. Không tìm ra việc mới, chú trở về cái chợ chú đã từng làm công và được giao cho công việc cũ.

Tôi bận việc sở ở tiểu bang khác, sau vài tháng mới xong. Khi trở về, tôi phone cho chú vào chiều thứ bảy nhưng không có chú ở nhà. Gọi thăm bà chủ nhà, bà cho biết chú làm ngoài chợ đến tám giờ tối mới về, và chỉ nghỉ ngày chủ nhật. Bà cũng cho tôi biết chú vừa mới về sau bốn tuần lễ vắng nhà. Tôi nhớ lại những lần bỏ nhà đi hoang của chú cũng vào mùa hè. Lần nầy, tôi hy vọng chuyến đi chơi của chú không giống như những lần trước.

Chiều chủ nhật, tôi đến thăm chú với vài món ăn và một thùng bia.

Tôi hỏi chú:

- Chú có việc làm, công việc có dễ chịu không?

- Chú trở lại việc cũ phụ giúp khách hàng ngoài chợ. Việc làm nầy đối với chú không có gì gọi là nặng nhọc vì chú đã từng làm việc nặng nhiều năm ở quê nhà. Chú trả lời.

Hình ảnh của một chú Chín làm viêc vất vả trong xóm làm bánh tráng hiện lên trong trí tôi. Với sự cố gắng học hỏi, nhưng chú cũng chẳng bao giờ tránh né công việc lao động bằng chân tay để sinh sống.

Sau khi uống vài lon bia, tôi thấy chú nói chuyện vui vẻ hơn, tôi hỏi chú:

- Vắng nhà mấy tuần lễ, chú đi chơi có vui không?

Chú nhìn ra ngoài cửa như để nhớ lại chuyện gì đã xảy ra, rồi chú chậm rải kể:

- Buổi sáng hôm ấy, chú cảm thấy trong lòng bồn chồn và đầu chú nóng lên; chú ra khỏi nhà, và cứ đi để cảm thấy trong lòng dễ chịu hơn. Chú có cảm giác có những đôi mắt đang theo dỏi và sai khiến chú. Đầu óc chú trở nên mơ hồ và thụ động. Cuối cùng, chú gặp một người đàn bà…. cho đến khi đầu óc của chú tỉnh lại.

Thấy câu chuyện của chú có vẻ ly kỳ, tôi tò mò hỏi chú:

- Suốt mấy tuần lễ qua chú sống như thế nào? Chú có biết bà ta là ai không?

Chú khẽ gật đầu:

- Khi đầu óc chú tỉnh táo trở lại, chú nhận ra bà chính là người thường đứng ngã tư có đèn chỉ dẫn lưu thông để xin tiền, chú thường cho tiền bà ta mỗi khi qua đó. Bà ta niềm nở và thân mật khi gặp chú đi lang thang một mình. Chú chỉ nhớ lờ mờ chú gặp một bà đầm và bà ta có một sức quyến rũ lạ lùng, vì vậy bà ta yêu cầu điều gì chú cũng lẳng lặng nghe theo. Cho đến một buổi sáng, chú chợt thấy mình tỉnh táo trở lại trong căn phòng nồng nặc mùi rượu và cần sa, vậy là chú bỏ đi. Ai dè khi chú đi kiểm lại tiền dể dành trong bank, thì được biết tiền đã rút ra hết và tiêu sạch.

Chú đưa ly lên ra đấu tôi cùng cạn ly với chú. Hỏi chú có đi tìm lại người đàn bà không, chú lắc đầu nói là khi tỉnh táo nhớ lại, chú thấy bà ta đối đãi với chú cũng không tệ. Hình như chú đã được sống trong một thế giới khác.

Chợt nhớ ra điều gì, chú quay qua hỏi tôi:

- Cháu có bao giờ đi vào thế giới của những người vô gia cư chưa?

Tôi lắc đầu để trả lời, chú tiếp:

- Chú đã từng san sẻ với họ thức ăn và thuốc hút dưới gầm cầu mưa lạnh. Nhiều người trong số họ từng có công ăn việc làm, rồi thất nghiệp và tìm việc không ra; họ đâm ra chán nản dể rơi vào con đường sa dọa. Cuối cùng, họ buông trôi và sống bên lề xã hội. Chú đã từng thất thế nên dễ thông cảm với người cùng cảnh ngộ.

Hai chú cháu đều nhờ hơi men nên nói chuyện cởi mở. Đối với chú, công việc chú làm ngoài chợ hiên nay dễ chịu hơn những ngày tháng lao động ở quê nhà.

Trước khi chia tay, tôi chúc chú thanh tâm thường an lạc,chú cười buồn và cảm ơn tôi.

*

Rồi một mùa hè đến, cái nóng bao trùm cả thành phố. Buổi sáng của một ngày nóng gắt, chú Chín không đi làm. Ngồi trước cửa nhà, chú nhìn đàn quạ bay lượn và kêu inh ỏi trên cây red wood gần nhà với đôi mắt lờ đờ như người mất ngủ.

Bầu trời hôm ấy với những đám mây dật dờ hình quái thú, chú nhìn đám mây với vẻ mặt đầy kinh hoàng như trước mắt chú có bầy thú dữ đang nhe nanh vuốt muốn chụp người đối diện. Chú thay quần áo mới rồi đi ra ngoài chợ, tìm một góc vắng vẻ ngồi hút thuốc nhìn người qua lại.

Buổi trưa, nhiệt độ lên cao nhất trong ngày, người ta thấy một người đàn ông chạy băng qua đường hướng về một người đàn bà đang đi bên kia đường, bà ta mặt áo bà ba màu trắng và đầu đội chiếc mũ rộng vành; người đàn ông vừa chạy vừa kêu lớn "Hương Hương..." Một chiếc xe SUV trờ tới tông mạnh vào ông ta và hất ông văng trên lề đường. Cảnh sát đến lập biên bản, và xe cứu thương chở người đàn ông đi cấp cứu.

Hôm sau, báo địa phương tường thuật về tai nạn chết người cùng với hình ảnh hiện trường. Cảnh sát đến gặp bà chủ nhà để điều tra thêm và cho biết chú đã chết vì vết thương quá nặng. Cảnh sát giao lại cho bà chủ nhà giấy tờ và cái ví da lấy từ trong người của nạn nhân, và họ nhờ bà trao lại cho người thân của chú.

Đó là chuyện tôi nghe bà chủ nhà kể lại khi báo tin cho tôi biết về cái chết của chú Chín. Tôi nghe mà bàng hoàng. Lần cuối gặp chú, chú nói với tôi rằng chú làm việc vài năm nữa rồi về hưu để nghỉ ngơi sau những năm tháng dài làm việc cực nhọc. Không ngờ chú ra đi quá sớm, và không thể thực hiện được những ước mơ của mình.

Tôi gặp bà chủ nhà để lo việc hậu sự cho chú. Bà cho biết chú đã mua một bảo hiểm chuyên lo về việc hậu sự. Chúng tôi lo thu xếp ngày giờ đưa quan tài ra nhà quàn để những người quen có thể thăm chú lần cuối.

Những giấy tờ và hình ảnh chú để lại, có một tấm hình của một cô gái mặc áo bà ba trắng với chiếc nón lá che nghiêng trên đầu;tấm hình quá cũ, tôi chỉ thấy lờ mờ một khuôn măt trái xoan với mái tóc dài buông xõa ngang vai.

Nhờ tôi đăng cáo phó với tư cách của một người bạn thân của chú, những người bạn làm cùng hảng với chú khi xưa đưa vòng hoa đến phân ưu. Những người bạn không nhà mà chú đã từng quen biết, vài người Việt, còn lại là người ngoại quốc. Họ đến để vĩnh biệt một người dã từng chia xẻ với họ từ ổ bánh mì cho đến những điếu thuốc.

Một người đàn bà da trắng đứng trước quan tài của chú thật lâu, bà lâm râm đọc kinh cầu nguyên cho người quá cố. Đến giờ đưa quan tài đi thiêu, bà mới ra về.

Tôi nhờ một nhà sư tụng kinh và làm mọi nghi lễ phật giáo đối với người chết, vì vậy đám tang của chú Chín cũng được phần nào ấm áp. Trước giờ đậy nắp quan tài, tôi để trên người chú bức ảnh của người con gái mặc áo bà ba.

Khi nói lời chia tay lần cuối với chú Chín, nhớ lại làng quê thời trước, tôi thấy nước mắt bổng nhiên trào ra. Ngoài trời bắt đầu đổ mưa như muốn tiển đưa một kiếp người cơ cực và nặng trĩu những nỗi niếm về với các bụi.

Cẩm Thành Dân

Ý kiến bạn đọc
15/09/201501:43:57
Khách
Câu chuyện thật cảm động. Cám ơn T/g.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,287,528
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Có thể bạn đã tới hoặc đã đọc về Venice, mà không dè thành phố du lịch kỳ thú này là một công trình của đám dân tị nạn. Mời đọc thêm du ký mới viết của Nguyễn Tài Ngọc.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ với cách nhiòn cách viết vui vẻ, sống động. Mong ông tiếp tục viết và vui lòng bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến