Hôm nay,  

Ngộ Nhận Khi "Cỡi Ngựa Xem Hoa"

21/08/201500:00:00(Xem: 11347)
Tác giả: Lưu Nguyễn
Bài số 3604-17--30194vb6082115

Tác giả cư trú tại Davis, CA, từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ, với nhiều bài viết kể chuyện đi học, đi làm, đi thực tập làm giảng viên trong ngành thẩm mỹ tại trường Sacramento City College, gần nhất là viết về bằng cấp học hành ở Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Tôi và bà bạn cùng cư ngụ trong một khu phố từ những năm 1965. Đến năm 1992 gia đình tôi được qua Mỹ định cư. Từ năm ấy, chúng tôi đã sống cách xa nhau nửa vòng trái đất. Trong một dịp đi du lịch “tham quan đế quốc Mỹ” vào mùa hè 2015, bà đã ghé thăm gia đình tôi vài ngày.

Gặp lại nhau sau hơn 20 năm. Vui quá là vui. Khách “tham quan” chẳng cần giữ ý giữ tứ, thoải mái tán chuyện, vô tư suy diễn, tò mò hỏi han, ngạc nhiên nghi ngờ, tận tình thắc mắc và thẳng tay “chém gío”. Không biết mình đã ngộ nhận, bà gay gắt hỏi tôi:

- Mấy đứa nhỏ có chịu khó học hành không ?

- Tại sao bà lại hỏi “mấy đứa nhỏ có chịu khó học hành không” là có ý gì ?

- Là tại tôi thấy gia đình các con của bà đến thăm, chúng nó chào thưa, nói chuyện với ông bà, cha mẹ và với nhau hoàn toàn bằng tiếng Việt Nam. Sống ở Mỹ mà không biết nói tiếng Anh, thì làm sao mà học hành cho bằng với người ta.

- Bà “suy diễn” rất đúng “Sống ở Mỹ mà không biết tiếng Anh, thì làm sao mà học hành cho bằng với người ta”. Thật đáng buồn!

- Nói không phải khoe khoang mấy đứa cháu của tôi, ở nhà chúng nó nói tiếng Anh nhanh như gío, học hành mới được giỏi giang, có rất nhiều bằng khen treo ở phòng khách. Các cháu tôi hoàn toàn nói chuyện với mọi người bằng tiếng Anh, không nói rặt tiếng Việt Nam như con cháu nhà bà. Vậy thì hai đứa con lớn nhà bà đang làm công việc gì nhỉ ?

- Tôi có cần phải trả lời cho bà biết, hai đứa con lớn của tôi đang làm công việc gì hay không ?

- Cần lắm chứ, chỗ bạn bè có gì mà phải che dấu, tôi hỏi thật lòng đấy.

- Cảm ơn bà đã hỏi thật lòng. Cả hai chị em chúng nó đang làm công việc của Bác Sĩ Dược Khoa trong bệnh viện Kaiser và Pomona Valley…

- Bác Sĩ Dược Khoa là thế nào?

- Bác Sĩ Dược Khoa”, tiếng Anh viết là “Doctor of Pharmacy”, vắn gọn lại: “PharmD”. Người Mỹ gọi hai chị em chúng nó là “Pharmacist”, Việt Nam ta gọi chung chung là “Dược Sĩ”.

- Chỉ là “Dược Sĩ”, mà bà đã thổi phồng cho con mình lên đến “Bác Sĩ Dược Khoa” thì làm sao coi cho được.

- Vậy thì bà phải nói làm sao nghe cho được, khi học vị “Doctor of Pharmacy” được ghi rõ ràng trên văn bằng của hai đứa con tôi. Bà làm ơn dịch ra tiếng Việt xem có nghĩa là gì ?

- “Doctor of Pharmacy” dịch từng chữ ra tiếng Việt thì là “Bác Sĩ, của, Tiệm Thuốc”. Thuốc là loại Dược phẩm, ta có thể dịch trọn cả câu là “Bác Sĩ của Dược Phẩm”.

- Vậy khi tôi nói “Doctor of Pharmacy” là “Bác Sĩ Dược Khoa”, thì có đáng bị bà trách mắng là “thổi phồng” không ?

- Không, trăm ngàn lần không! Tôi hiểu lầm vì ngộ nhận đấy mà. Từ hồi nào đến giờ ở Việt Nam ta chỉ có Dược Sĩ, làm gì có ai được gọi là Bác Sĩ Dược Khoa.

- Đang ở Mỹ mà bà lại ham nói chuyện ở VN. Ai chẳng biết ở Việt Nam Dược Sĩ chỉ có văn bằng “Cử Nhân Dược”, làm gì đã đào tạo lên được đến trình độ “Bác Sĩ Dược”.

- Vậy ở Mỹ có cấp bằng “trình độ” Dược Sĩ giống như ở Việt Nam không ?

- Ở Mỹ cũng có văn bằng Cử Nhân Dược “Bachelor of Pharmacy” (viết tắt là BP hoặc BPharm) đấy, nhưng chẳng biết có giống ”trình độ” Dược Sĩ ở Việt Nam hay không. Hiện nay ở Mỹ, chỉ còn một số (rất ít) trường Đại Học đào tạo Cử Nhân Dược, là bằng cấp Đại Học 4 năm học trong lĩnh vực khoa học dược phẩm. Những sinh viên tốt nghiệp Cử Nhân Dược (Bachelor of Pharmacy) của chương trình này, không đủ điều kiện để trở thành Pharmacist, có học vị Doctor of Pharmacy.

- Vậy, muốn trở thành “Doctor of Pharmacy” thì phải làm thế nào ?

- Thì phải học. Phần lớn các trường Đại Học Dược Khoa đòi hỏi phải có Cử Nhân Khoa Học (Bachelor of Science) và điểm PCAT (Pharmacy College Admission Test). Chính vì thế, ngay từ khi bước chân vào Đại Học 4 năm, sinh viên đã phải cố gắng lấy được điểm tối đa cho tất cả những lớp, được tính điểm khi nộp đơn xin vào các Trường Dược/Pharmacy Schools. Chẳng hạn như các lớp: Anatomy/Cơ thể học, Biology/Sinh vật học, Calculus/Toán học, Chemistry/Hóa học, Organic Chemistry/Hóa học hữu cơ, Physics/Vật lý học, Sociology/Xã hội học, v.v … Đây chính là những lớp cần theo học tại Đại Học 4 năm, chuẩn bị cho việc nộp đơn xin vào trường Dược (Preparing for Pharmacy School).

Hiện nay, trên toàn nước Mỹ có khoảng hơn 120 trường Đại Học, đào tạo Bác Sĩ Dược Khoa/Doctor of Pharmacy theo chương trình 4 năm. Và có hơn 10 trường đào tạo Bác Sĩ Dược Khoa, theo chương trình được rút ngắn thời gian theo học chỉ còn lại trong 3 năm. Chẳng hạn như trường “University of the Pacific” hoặc “Midwestern University-Chicago”.

Chương trình đào tạo Bác Sĩ Dược Khoa trong 3 hoặc 4 năm không có gì thay đổi hoặc khác biệt. Vì thế, sinh viên theo học các chương trình “rút ngắn”, họ đã phải học hành vất vả quanh năm suốt tháng, học kỳ mùa hè rất mệt mỏi, oải lắm. Nếu chẳng may bị rớt một, hai lớp trong các kỳ thi cuối khóa, sinh viên sẽ không có thời gian thi lại, đành phải tạm ngưng việc học, chờ học lại lớp đã bị rớt vào niên khóa sau.

Thực tế cho thấy, vì muốn sớm thành công, một số sinh viên chọn theo học chương trình thời gian “rút ngắn” trong 3 năm. Cuối cùng vì học hành quá căng thẳng, nên chính bản thân họ đã nâng tổng số năm học để trở thành Bác Sĩ Dược Khoa trung bình từ 7 năm, lên đến 9, 10 năm không chừng.

- Thế, Bác Sĩ Dược Khoa cũng được khám bệnh và chữa bệnh đấy chứ ?

- Không hề có. Khám và chữa bệnh là “nghề” của Bác Sĩ Y Khoa và Bác Sĩ Nha Khoa. Không phải là “nghề” của Bác Sĩ Dược Khoa. Xin đừng ngộ nhận.

- Ô hay, không khám bệnh và chữa bệnh, thì tại sao lại phải học đến trình độ “được gọi” là Bác Sĩ nhỉ ?

- Bà có biết hiện nay ở Mỹ, có hàng trăm, trăm ngàn người “được gọi” là Doctor, nhưng họ chưa bao giờ vào học trong các trường Nha, Y, Dược nói gì đến việc khám bệnh và chữa bệnh.

- Làm gì có chuyện đó, chẳng lẽ bên Mỹ cũng giống như bên Việt Nam có nhiều quan to “thừa tiền, thiếu trí tuệ”, bèn đem tiền thừa ra mua bằng cấp Doctor, mua ảo tưởng về trí tuệ?


- Thật ra trong cộng đồng Việt Nam tại Mỹ, sau 40 năm mới “bể” ra vụ mua, bán Giấy Phép Hành Nghề Nails. Nhưng mua bán văn bằng Doctor thì chưa từng có xảy ra.

- Vậy bà lý giải thế nào về trường hợp được gọi là Doctor, nhưng lại chưa bao giờ vào học trong các trường Nha, Y, Dược.

Trước khi tôi “lý giải”, bà làm ơn dịch từ tiếng Mỹ sang tiếng Việt một số, trong vô số những văn bằng Doctors, đã được cấp phát tại Mỹ hàng năm sau đây: Doctor of Music - Doctor of Arts - Doctor of Laws - Doctor of Theology - Doctor of Business Administration - Doctor of Social Welfare - Doctor of Philosophy …

- Đâu có gì khó, văn bằng Doctor of Music dịch ra tiếng Việt thì là Bác Sĩ của Âm Nhạc, Doctor of Arts thì là Bác Sĩ của Nghệ Thuật, Doctor of Laws/Bác Sĩ của Luật, Doctor of Theology/Bác Sĩ Thần Học, Doctor of Business Administration/Bác Sĩ Quản Trị Kinh Doanh, “Doctor of Social Welfare/Bác Sĩ Phúc Lợi Xã Hội, Doctor of Philosophy/ Bác Sĩ Triết Học…

- Bà vẫn giỏi như xa xưa, nhớ dai và dịch nhanh như máy. Vậy bà có biết văn bằng “Doctor of Philosophy”, được viết tắt như thế nào không ?

- Thì cũng tương tự như Doctor of Arts được viết tắt là D.A, văn bằng Doctor of Philosophy được viết tắt là D.P

- Bà nói “Doctor of Philosophy” được viết tắt là “D.P” cũng không sai. Nhưng theo cách viết phổ thông, thì văn bằng “Doctor of Philosophy” được viết tắt là “Ph.D”.

- Ph.D hả. Tôi nhớ ra rồi, người có văn bằng Ph.D ở Việt Nam ta, được gọi là Tiến Sĩ Nghiên Cứu. Tiến Sĩ là “đỉnh điểm” đấy. Các bác sĩ tốt nghiệp ở VN chuyên môn chữa bệnh và khám bệnh cũng chưa có văn bằng Tiến Sĩ đâu nhé!

- Rất may, sau khi đã “chém gío” ào ào với tôi, bà cũng đã “ngộ” ra được học vị Doctor ở Mỹ “bao la” như thế nào. Một người có văn bằng Doctor ở Mỹ, Việt Nam ta có thể gọi là Bác Sĩ hoặc Tiến Sĩ, tùy theo ngành họ theo học chẳng hạn như là Bác Sĩ Dược Khoa/Doctor of Pharmacy (Pharm.D) và Tiến Sĩ Dược Khoa/Doctor of Pharmacology (Ph.D). 

Để phân biệt được ngành nghề của các ngài "Doctor" nước Mỹ, bà chỉ cần nhìn vào những chữ viết tắt kèm theo họ tên, như khi gặp Dr. Phạm Văn Việt O.D (Doctor of Optometry), Dr. Nguyễn Việt Nam M.D (Doctor of Medicine), Dr. Trần Nhạc D.M (Doctor of Music), Dr. Lê Hoài Nghiên Cứu Ph.D (Doctor of Philosophy) v. v...



- Mà này, tôi vẫn còn tò mò muốn biết, đứa con thứ ba của bà có chịu khó học hành như anh, chị của nó không?

- Bà nghĩ sao mà lại hỏi tôi như thế, bà tò mò muốn biết hay là vẫn còn nghi ngờ “khả năng” nói tiếng Mỹ của các con tôi dù đã đến Mỹ hơn 20 năm. Để tôi tìm tấm Danh Thiếp (Business Card) gần 10 năm trước đây, trường UC Davis đã in cho con gái tôi. Bà hãy tự đọc những hàng chữ ghi trên đó xem, đứa con thứ ba của tôi có chịu khó học hành vất vả (nhiều hơn) các anh, chị của nó không nha.

Tấm danh thiếp ghi rõ:

TRAM-ANH N. TA

Post Doctoral Scholar

Neurological Surgery

UC Davis School of Medicine.

- Bà thấy thế nào?

- Thì ra con bé này là Tiến Sĩ nghiên cứu (PhD - research). Rất đáng khen bọn trẻ Việt Nam …

- Bà không thể nói chung chung như vậy được. Bà phải nói là “Rất đáng khen bọn trẻ Việt Nam, theo cha mẹ đi vượt biên tìm tự do, chúng đã hết sức cố gắng…”

- Ừ, thì bọn trẻ con cái các gia đình vượt biên "tị nạn CSVN" rất đáng khen. Vậy học vị được ghi trên văn bằng của cháu Trâm Anh Nguyễn Tạ cháu là gì ?

- Doctor of Pharmacology and Toxicology. Bà đừng hỏi "bác Sĩ" nghiên cứu có khám bịnh, chữa bịnh hay không nha.

- Bây giờ tôi hiểu rồi, các con cháu của bà chỉ nói tiếng Mỹ khi đi học, đi làm ngoài xã hội, ở trong gia đình luôn nói tiếng Việt Nam. Tôi đã bị ngộ nhận cứ tưởng các cháu “dốt” tiếng Mỹ. Ai có ngờ đâu tất cả bọn trẻ đã học hành đến nơi đến chốn. Tôi hỏi thật lòng: bà có bắt ép bọn trẻ phải học ra “Bác Sĩ ”,”Tiến Sĩ” hay không ?

- Không hề, các cháu hoàn toàn tự ý lựa chọn ngành nghề mà chúng yêu thích. Nếu tôi bắt con cái phải học đến “đỉnh điểm” theo cách nghĩ của bà, chắc chắn tôi sẽ rất hối hận, khi thấy con trẻ học hành quá vất vả, luôn bù đầu với thời khóa biểu lên lớp, vào Lab, thăm bệnh, on-call, trực nhật ăn, ngủ vật vờ trong các bệnh viện. Về đến nhà luôn cần ngủ hơn cần ăn. Biết mẹ rất xót xa, Bình đã lên tiếng an ủi:

- Mẹ ơi, con bây giờ đi nội trú/residency “khỏe” lắm rồi, một ca trực chỉ còn kéo dài có 24 giờ (cách đây vài năm là 36 giờ). Mỗi tuần chúng con làm việc có 80 giờ thôi mẹ ạ. Em An học bên Nha Khoa còn “khỏe” hơn tụi con nữa, mẹ đừng quá lo lắng cho chúng con.

- Thì ra, các con nhà bà đã tự ý lựa chọn và chấp nhận con đường học hành rất vất vả lâu dài, chả trách các cháu của tôi chúng không thích học các ngành Nha, Y, Dược là vì vậy.

- Nghề lương thiện nào cũng đáng quý và nên theo học. Không nhất thiết cứ phải là Bác Sĩ, Kỹ Sư. Bản thân tôi đây, trước khi có “Cosmetology Licence“ tôi cũng đã đi làm lao công quét dọn vệ sinh mỗi cuối tuần, kiếm thêm tiền đổ xăng.

- Tôi hiểu rồi, nghề nào cũng quý hóa cả. Ở Mỹ có vô số Bác Sĩ của vô số ngành nghề. Nhưng hễ thấy có chữ “Medicine” là mình có thể “đăng ký” xin khám bệnh, chữa bệnh cho mình. Chẳng hạn như Doctor of Medicine, Doctor of Dental Medicine, Doctor of Podiatric Medicine, Doctor of …

- Quả thật khi “tham quan” nước Mỹ, bà đã ”khẩn trương” học hỏi ”tiếp thu” mau chóng hơn tôi nghĩ. Nhưng tôi hy vọng bà không ngộ nhận, khi mới nhìn thấy chữ “medicine” bà đã nhào vào “đăng ký” để được Bác Sì khám bệnh, chữa bệnh cho bà à nha. Bà có muốn “đăng ký” gặp “Doctor of Veterianry Medicine” để họ chữa bịnh cho bà không ?

- Bà thật dở hơi, bà nghĩ tôi sẽ ngộ nhận mình là chó, mèo hay sao mà lại tìm đến Bác Sĩ Thú Y.

- Biết đâu được, đối với bà chuyện gì chẳng có thể xảy ra, bà đã lanh chanh, sớn xác, nhiều ngộ nhận, hỏi lung tung, khiến tôi phải …

- Phải, trái gì, có sao bà cứ nói thật vậy cho tôi được học hỏi thêm. Mà mà này cho tôi hỏi …

- Cúi xin bà đừng hỏi thêm gì nữa. Tuổi thọ của tôi đang giảm dần từ khi gặp lại bà sau hơn 20 năm.

- Bà nói gì ?

- Thì nói về ai đó đã có nhiều Ngộ Nhận Trong Lúc “Cỡi Ngựa Xem Hoa” ở nước Mỹ đấy mà!

Lưu Nguyễn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,936,649
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo