Tác giả: Hoàng Nga
Bài số 3551-16-30101vb3062315
Hoàng Nga là tên thật. Sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái, rể và hai cháu ngoại. Có viết cho các tạp chí Làng Văn (Canada), Văn (Hoa Kỳ) Văn Học (Hoa Kỳ), Phố Văn (Hoa Kỳ), Việt Luận (Úc)… Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả.
Anh là công dân Mỹ mà không ở Mỹ. Tôi là công dân Úc mà ở Âu châu. Nên thường hay gọi đùa nhau là người Việt gốc… cây. Chúng tôi cùng viết lách trên một cái blog nho nhỏ không nổi tiếng của một người bạn thi sĩ. Phần lớn người viết là bè bạn thân nhau thời đi học, cùng lớn lên trong một thành phố ở quê nhà, và số còn lại thì quen biết nhau qua thời gian cùng cộng tác trên những tờ báo ở hải ngoại. Có người tôi từng gặp ở ngoài đời, cũng có người tôi chưa biết mặt, nhưng thân và hiểu nhau vì những tâm tình trao gửi trên chữ nghĩa.
Tôi thường không thích đọc bài vở được đăng trên internet mặc dầu không gặp trở ngại trong việc xử dụng những phương tiện điện tử, bởi vẫn thích cái cảm giác được mở một cuốn sách, được náo nức lật những trang giấy còn thơm tho mùi mực. Tôi hay nhớ thuở nhỏ, sau giờ ăn trưa là ra hàng hiên ngồi chờ người giao báo để nhận những tờ nhật trình mới tinh tươm được mang ra từ Saigon. Và tôi đã buồn biết bao nhiêu khi các tờ tạp chí văn chương in bằng giấy ở hải ngoại chết dần chết mòn rồi đình bản hẳn.
Tuy nhiên dầu muốn hay không muốn, cuối cùng tôi cũng phải chấp nhận báo điện tử, cũng phải đọc bài của bạn bè được “post” lên các trang báo mạng nếu như không muốn mất dấu nhau. Anh giễu tôi:
- “Thôi thì thôi nhé cũng đành thế thôi”… Sống vào thời buổi nào thì phải chịu lép vế theo trào lưu phát triển của xã hội thời ấy. Ngày xưa thì các cụ đồ nhà mình cũng phải vất bút lông xài bút mực, vất chữ Nôm xài chữ quốc ngữ, và vất cả áo thụng xài áo chemise, thì văn chương phú lục trên internet cũng phải nhập môn nhà tụi mình mà…
Anh nhại cải lương, bảo:
- H.N ở toàn các chốn thành đô đầy xa hoa rực rỡ, internet mà lỡ có trục trặc một chút, gọi điện thoại than phiền một hồi là được sửa ngay, chứ mình ở đây, “mất mạng” là chuyện thường tình nên đâu có dám chê báo điện tử!
Tôi và anh sống cách xa nhau hằng nghìn dặm. Tôi từ Âu châu “qui cố hương” về lại Úc, nơi đã đón chân mẹ con tôi gần ba mươi năm trước. Tôi về đi học lai rai chờ ngày định cư sang Hoa Kỳ. Anh giễu tôi:
- H.N đi không biết mỏi chân, hết sống ở châu này qua châu kia cứ như bươm bướm, như chuồn chuồn mà cũng bày đặt dùng hai chữ định cư!
Tôi hỏi lại:
- Nhưng anh cũng nói anh đã “định cư” ở Mỹ thì sao?
Anh bật cười. Tôi bị anh trêu là dân Bohemian, dân “international”, sống năm châu bốn bể thì anh cũng đâu có hơn gì. Nếu không muốn nói anh còn “rày đây mai đó” như cơm bữa nữa là khác.
Anh đi lính. Nằm trong lực lượng đặc nhiệm, được (hay bị) thiên hạ đặt cho cái tên thật rùng rợn, “hunter killer”. Chỗ trú quân thường nhất là Trung Đông, A Phú Hãn và khu vực Tây Nam châu Á. Vì vậy tùy theo nhiêm vụ được giao mà anh sẽ vác ba lô lên đường. Anh vẫn hay đùa “đi bất cứ nơi nào khi tổ quốc… chẳng cần mình bảo vệ gì cả”. Gần như tỉnh thành nào ở các khu vực trên anh cũng phải đi qua, phải sống ít nhất là vài năm. Rồi từ Á, Lào, Campuchia, Trung Hoa, Nhật sang Âu, Ý, Đức…, thỉnh thoảng Do Thái, Iran, Iraq, anh đều phải có mặt. Miền trung đông là nơi anh qua lại, tới lui y như người ta đi từ Bolsa qua chợ… Phước Lộc Thọ. Nhóm chữ “dễ mất mạng” anh dùng để đùa với tôi gồm cả hai nghĩa, mất mạng internet lẫn mất cả mạng thật của mình. Tôi nói:
- Việt Nam chiến chinh hai mươi mấy năm coi bộ còn chưa “đã”, nên qua tới Mỹ anh vẫn đầu quân đi lính. Bày đặt than thở “bận hành quân nên chắc khó thăm nhau” nghe bực cả mình!
Anh bật cười:
- Thì đời lính chiến, đời quân ngũ giống như cái nghiệp. Y như H.N thích viết văn làm thơ, có phải tự nhiên mà bị dính vào nó đâu… Mà đã “nghiệp” thì phải chịu chứ biết sao giờ.
Lúc đầu anh không nói tại sao sang đến tận bên này, sống trong một đất nước tự do, không ai bắt buộc và tuổi thì cũng đã qua thời phải làm nghĩa vụ quân sự mà vẫn dính vào nghiệp lính. Anh chỉ kể về đời lính chiến cho tôi nghe, “sau Al Asad bên Iraq thì mình bị đi qua Afgha mất mấy tháng, chỗ Camp Marmal (Mazar-e-Sharif). Cái trại này nhỏ… híu, thuộc ISAF (*), do lính Đức quản trị, chùm nhum lính của hai mươi ba nước chen chúc. Mùa đông lạnh có lúc dưới độ âm, lạnh tê tái. Đông đúc quá, nên tắm nước lạnh cũng phải sắp hàng cỡ một tiếng, và một tiếng khác mới chen lọt vào nhà ăn là chuyện thường ngày ở những cái huyện cà chớn đó…”
Anh thường hay chơi chữ khi viết lách và trò chuyện, nên dùng tựa truyện “chuyện thường ngày ở huyện” của nhà văn Nga, Valentin Ovechkin, để nói về cái “huyện cà chớn” mà anh đang sống. Nếu tính ra từ Mỹ bay qua Afgha mất chừng bảy ngàn dặm, thì thật ra có thể nói đó là một đoạn đường không mấy dài. Với những người hay đi như chúng tôi, mười ba tiếng đồng hồ tính cả lên xuống, chờ máy bay cất cánh, đáp cánh thật chẳng nhiều. Anh nói:
- Thì đúng là sau khi yên vị, chỉ cần ngồi ngó chiêu đãi viên chỉ vẽ những thao tác khẩn cấp trong trường hợp máy bay gặp nạn, nhấp nháy coi hai, ba bộ phim; ăn một, hai bữa, rồi nghe phi công trưởng thông báo khóa, mở dây an toàn, cộng thêm vài ba cập nhật tin tức vân vân, là đã thấy tới nơi. Thiên hạ nhiều khi đi du lịch, còn phải trải qua cả nghìn nghìn dặm từ nơi này sang nơi nọ, có người lắm khi có thể ngồi chờ ở phi trường hằng giờ để lấy một cái vé last minute chỉ vì muốn đi viếng một phong cảnh đẹp, một nơi nổi tiếng nào đó... Bảy ngàn dặm đúng là “chuyện nhỏ” thiệt!
Tôi đáp:
- Nhỏ thiệt, nhưng vượt bảy ngàn dặm không phải về quê hương thăm gia đình, không phải đi nghỉ mát, không cả vì làm ăn business thường tình như thiên hạ, mà lại lăn vào một chỗ chẳng biết ngày nào “mất mạng” như anh thì không biết nhỏ hay không!
Vượt bảy ngàn dặm để lao vào vùng giao tranh dữ dội, vượt bảy ngàn dặm để chấp nhận hiểm nguy có thể đến với mình bất cứ lúc nào trong khi có thể an lành mỗi ngày lái xe đi làm, thứ bảy Chúa Nhật ra Bolsa, Westminster, Garden Grove uống cà phê, tán chuyện đời. Đó là chưa kể còn muốn ăn bất cứ món gì, tắm bất cứ… loại nước nóng lạnh, vùng vẫy trong bể bơi, đùa giỡn với sóng biển vào thời điểm nào cũng được, tôi nghĩ thật buồn. Tôi tiếp:
- Lẽ ra với mớ kiến thức, với bằng cấp, và với khả năng ngoại ngữ giỏi như anh, chuyện ngồi một chỗ nào đó trong văn phòng, sau máy tính, làm những công việc nhẹ nhàng không hề bị đe dọa gì đến tính mạng, và hơn hết là không đòi hỏi sự hy sinh phải xa gia đình, xa vợ con như vậy, có khó khăn gì đâu mà anh không chịu làm?
Anh cười không đáp. Tôi cằn nhằn:
- Lẽ ra mười mấy năm qua, anh đâu nhất thiết phải lội mút mùa lệ thủy tận biên giới A Phú Hãn, nhiều khi cả hai năm trời không rớ được đến phương tiện truyền thông internet, mà ngày nay vốn đã trở thành phổ biến, đến tận cả những vùng nông thôn ở quê nhà cũng có như vậy? Nói thật là nếu như bốn mươi năm trước đây, nhận được những “lá thư viết từ chiến trường” của anh gửi về, chắc hẳn H.N đã bồi hồi thương cảm vì sự khổ nhọc của đời lính, đã xót xa cho kẻ xa nhà chịu thiếu thốn và phải đối diện với tử thần trong gang tấc như đã từng thương cho những người lính Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa… Nhưng đó là hoàn cảnh lúc đất nước còn chinh chiến, muốn hay không vẫn phải chịu cảnh đao binh, chứ đang sống thảnh thơi yên lành, đang tự do no ấm, mà nghe anh gian lao chiến trường, nghe anh hành quân rừng lá thấp hoài, coi bộ khó có phần thông cảm.
Anh cười nhắc lại lời đã nói lúc nào đó với tôi. Có lẽ cái nghiệp có “licence to kill”, gọi nôm na là có bằng cấp, chứng chỉ để giết người đã “vận” vào với anh. Và anh hiểu tôi “la làng” với anh vì tôi biết rõ không chỉ là những lao khổ ở chiến trường anh phải chịu đựng, mà cả khi về phép thăm gia đình ở Hoa kỳ anh cũng không thể hưởng được những sinh hoạt bình thường. Anh viết cho tôi: “Mình về nhà được hơn hai tuần rồi, debrief xong là đi tập huấn tơi tả đến giờ. Tuy ở Mỹ nhưng vẫn tham gia đánh đấm tưng bừng hoa lá. Nghỉ được có ba bữa, thiệt là ít. Ít xịt! Rồi giờ thì phải đi làm tiếp... ”.
Ít, ít xịt! Ba ngày phép của anh từ Afgha về đến Hoa Kỳ có thể nói còn ít hơn cả ít mới đúng. Chữ “ít xịt” ở quê tôi, cũng như ở quê anh, không những chỉ để diễn tả về môt điều gì đó nhỏ bé, tí tẹo, very little, mà còn cưu mang luôn cái cảm giác thất vọng. Tuy không là đồng hương nhưng sinh trưởng ở nơi gần gần, cách quê tôi vài chục ki lô mét, nên thỉnh thoảng khi muốn tôi hiểu thật rõ ý mình, thư cho tôi, anh vẫn thường dùng những từ ngữ địa phương như vậy.
Anh kể chuyện về nhà “ít xịt” với giọng điệu đùa giỡn, nhưng anh làm tôi bồi hồi. Tôi nhớ đến những lá thư trước của anh. Anh viết, “mấy tuần nay mình lục tục dọn tiệm từ Iraq dời qua A Phú Hãn. Hai tuần cuối cùng thì inernet cũng bị cắt mà nhà ăn cũng đóng cửa luôn. Làm cả bọn phải gặm MREs (Meal Ready To Eat). Mà buồn hơn là tay chân ở không, chỉ ngồi thu lu, không biết làm gì cho hết giờ. Thôi thì đành phải nói là để cho cuộc tổng triệt thoái thêm nhiều phần bi tráng vậy!”. Và rồi vẫn với giọng điệu giỡn chơi ấy, cuối mỗi câu thư, anh thường bỏ thêm hình một mặt người cười toe toét, như thể mọi sự chung quanh anh đều nhẹ hẫng như lông hồng. Thư khác, lúc tôi còn ở Đức, anh kể “cuộc không vận qua bên này tốn tới mười chiếc máy bay khổng lồ C-17 về một căn cứ tiền phương ở cực Bắc A Phú Hãn, Camp Marmal (hỏi ông… google thì biết, có dính dáng tới Bundeswehrs, quốc phòng liên bang của H.N đó.). Mèn ơi, ở nơi này rừng núi trùng trùng điệp điệp, mà mưa dầm mấy ngày nay không dứt, nhiệt độ lạnh… bơ phờ luôn, vừa mưa vừa tuyết...”.
Anh viết vậy, nhưng dẫu mưa tuyết bão bùng, hay nắng gắt cháy da, thì anh vẫn ở đó. Anh gửi cho tôi vài ba tấm hình đứng cạnh những chiếc máy bay có cái bụng thật lớn, tròn vo như cá mập. Tôi đã phì cười, bảo giống hệt như… đồ chơi con nít. Anh bảo:
- Ngó thì giống đồ chơi thiệt đó, nhưng là những loại máy bay thiện chiến, chiến nhất bây giờ. Phải chi hồi xưa mình úynh giặc với loại này mà không là loại dở ẹc thì đâu có phải chạy thục mạng ra ngoài này!
Gần như chuyện gì cũng bị anh biến thành chuyện tiếu, hoàn cảnh nào cũng có thể bị anh đem ra bỡn cợt. Anh gửi hình chụp với Robin Williams, kể, “bọn này mới đến, lều trại chưa có, chỗ làm việc chưa setup, cả toán dồn vào một cái lều tạm cùng với cả trăm chú thuộc các đơn vị khác nhau. H.N cứ thử tưởng tượng đến cả trăm cái giường sắt loại hai tầng (bunk bed), đầu giường giăng mắc các loại ba lô, mền chiếu, quần áo, vũ khí..., nên đủ mùi quần áo giày vớ ẩm ướt, nền đất thì chèm nhẹp, lại cộng thêm các loại tiếng ồn hăm bốn trên hăm bốn, mới biết là sức chịu đựng của cái tai, cái mũi của mình cũng vào hạng khá!”. Tôi trêu:
- Bác sĩ tai mũi họng mà qua đó chắc ăn nên làm ra. Còn ông Robin Williams đi một chuyến về bảo đảm sẽ nhớ đời… Nhưng mà quan trọng hơn là hình như có người hổng thấy quê hay sao thì phải!
Anh cười:
- Lội riết bên mấy cái xứ này, ngày lại ngày qua lại phải "xử ní" toàn mấy chuyện máu me nên thành vô cảm mất tiêu rồi!
Với kiểu đùa giỡn của anh, thật tình tôi không biết phải chia xẻ điều gì cho đúng, nên chỉ thường đùa lại mà thôi. Thư cho anh, tôi luôn “chúc anh đánh giặc giỏi”. Cuộc sống của anh và tôi gần như không có điểm gì chung, lại cách xa nhau đến cả vạn dặm, những điều anh kể cho tôi nghe càng lạ lẫm hơn. Thấy tôi từng ở Đức nhiều năm, anh viết “đây là căn cứ của Nato, mà do Đức quản trị lâu nay. Giờ thì Mỹ tăng viện vào cho thêm đông, cho thêm vui. Lính của lực lượng liên hợp gồm chừng hai chục nước chen nhau trong cái trại chật ních. Có gặp cả mấy chàng lính thuộc quân đội… Mông Cổ nữa. Chèn ơi, dân bộ lạc vậy mà xem ra còn có vẻ chính qui và oai hơn… bộ đội VC rất nhiều mới đáng buồn chứ!”. Tôi nói:
- Ai biểu anh đi vào nơi gió cát!
Anh gọi nơi anh ở là “nơi gió cát”, là một vùng đất của các bộ tộc bán khai nghèo khổ, man dại, theo đạo Hồi cực đoan, còn làm những chuyện rợn tóc gáy, chẳng hạn đàn bà con gái có thể bị giết, ném đá cái một vì những nghi ngờ không đâu từ chồng. Hoặc làng này có thể mang dáo mác súng ống qua tàn sát mấy chục mạng người chỉ vì một con dê đi lạc, nghi làng kế bên ăn trộm. “Dâu bể tang thương, hoang sơ tiêu điều. Cả một vùng đất rộng thênh thang là một thung lũng nhỏ sình lầy, có những ruộng lúa chật hẹp ngập nước bì bõm bao quanh bằng những vùng núi đồi đất đá và những thảo nguyên liền theo núi đồi trùng điệp, kéo tận đến mịt mù”. (**).
Thanksgiving anh viết, “mình đã hồ hởi sắp hàng rồng rắn chừng nửa cây số, chung với non ngàn người lính liên quân, giữa cơn mưa dầm, trước cái nhà ăn nhỏ xíu, sức chứa cỡ hai trăm người, đợi đến phiên để được ăn một bữa ăn nóng, hot meal có mash potato, cranberry sauce và một miếng thịt gà Tây cà lồ. Nói là hot, nhưng thật ra tất cả đều là đồ hộp khui ra hâm lại cho nóng.... À, tráng miệng thì có pumpkin pie và pecant pie với cà phê, hể hả chưa!?”. Rồi kết thúc thư cũng vẫn bằng một mặt người cười, anh khiến tôi bùi ngùi. Anh kể chuyện hằng ngày, chuyện lính tráng, chuyện Thanksgiving, Tết nhất đìu hiu nơi xứ người buồn bã đến nứt lòng, những “hể hả” anh có được nghe xót dạ không chịu được. Tôi trả lời thư anh bằng giọng đay nghiến vẫn thường dùng, “không ai mượn mà cứ xông pha khói lửa, vác súng ra chiến trường làm gì. H.N ở Sydney, không có lễ Thanksgiving như Hoa kỳ, vẫn ăn được nguyên một cái đùi gà tây thiệt bự vừa mới lấy trong lò ra, uống hết nửa chai shiraz ngon nhất nước Úc. Và vì no quá nên không thèm đụng tới miếng pie nào hết!”.
Anh đọc thư xong, cười ha hả, trả lời rằng cũng vừa mới đọc bài tôi đăng trên một trang web của cơ quan truyền thông Tin Lành. Anh viết “có chạy vào chỗ vườn Ê đen nhòm xem H.N thánh thiện cỡ nào thì mới thấy một em coi bộ hiền lành, áo dài tha thướt, nhưng hai con mắt thì...nghinh ngang quá sức nên biết tình hình...rất gay go!”. Rồi gọi là để… bù lỗ, anh gửi cho tôi một lô hình chụp tại Do Thái, con đường khổ nạn Via Dolorosa, chỗ Chúa Jesus chịu thập hình, nơi thánh Giăng làm phép rửa (báp têm) cho Chúa Jesus, cạnh bờ sông Jordan, rào biên giới giữa Jordan và Israel… Anh dặn tôi “coi cho vui hen, như một chuyến viếng thăm thăng tích bằng hình”. Tôi cám ơn, và viết lại cho anh, “vui cái nỗi gì mà vui, chỗ đó uýnh nhau dài dài như anh viết chớ vui gì!”. Anh đáp thánh địa Jerusalem được dân du lịch cả thế giới tới thăm, nên là khu được bảo đảm an ninh tối đa. Anh nói tôi đã từng đi Ai Cập, thì lần sau “chịu khó” đi thêm một đoạn, anh sẽ đãi tôi uống cà phê ở Do Thái.
Rảnh rỗi, tôi hay gửi những bài viết mới, lẫn cũ của mình không đăng trên mạng internet để anh đọc. Anh đọc rất kỹ, và lần nào cũng viết đôi lời an ủi, kiểu “văn chương thì dù không cơm cháo nuôi nổi bản thân tác giả ngày nào, nhưng cũng là dưỡng chất tinh thần nhiều lắm cho những người như… tui đây, những con người cùng một thế hệ, sinh ra để nhìn thấy lắm nỗi thương đau, để chịu lạc loài, đổ vỡ, chia xa miên viễn mà vẫn không ngừng những nỗi thiết tha...”.
Lần anh về Tết, lúc tôi đã định cư ở Hoa Kỳ, gọi điện thoại cho anh, tôi trêu anh bằng hai câu thơ anh làm lúc ở A Phú Hãn:
- Năm nay khỏi kêu ca “anh còn ở chiến trường xa. Đón Tết, là một ly cà phê đen” nhen!
Rồi tôi hỏi về tới rồi nhưng anh đã “ăn” Tết chưa. Anh đáp:
- Về không dài nhưng dầu gì cũng được đón Giao thừa ở nhà.
Anh làm tôi nhớ bài viết cũ của anh từ nhiều năm về trước, kể chuyện đón Giao Thừa ở một “căn cứ nhỏ xíu, toàn những căn lều vải bạt, dựng thành từ nhóm, bao chung quanh phi đạo, cách ly với cái làng ngoài kia bằng ba lớp rào kẽm gai. Nơi gần nhất với khu nhà dân, chỗ cái chợ nhỏ, thì có bức tường thành dài độ ba trăm thước, đủ cao để ngăn bên ngoài không thấy được bên trong, thế thôi”. (**) Nơi đó có chừng ba trăm lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đồn trú, và một khu an toàn tạm thời cho những lực lượng đặc nhiệm như toán của anh. Ở đó, đêm mồng một Tết, từ nơi trực về lại trại, giữa một cơn mưa dầm dề úng thủy, bất ngờ anh sững chân bởi giọng hát của một người nữ, một người nam văng vẳng đưa ra từ phía trong lều. Lúc còn ở Úc, có lần đang đi trong sân trường tôi cũng từng chôn chân ngay giữa trời mưa chỉ vì một giọng nói nhẹ nhàng mang âm điệu Huế vang lên từ phía sau lưng mình. Từ một nơi được xem như là một thủ đô tị nạn thứ hai của người Việt hải ngoại sau California, chỉ cần vài bước ra khu chợ đồng hương là có thể nghe, có thể tưởng như mình đang sống ở quê nhà, vậy mà một trích đọc đoạn thư của Trịnh Công Sơn gửi cho Tôn Nữ Dao Ánh được một người nào đó đọc bằng giọng Huế giữa cơn mưa chiều nơi xứ lạ, cũng đã làm tôi ngẩn ngơ. Anh kể tiếng cổ nhạc, giọng ca của Lệ Thủy, Minh Phụng mùi mẫn vang lên giữa núi rừng A Phú Hãn ngày đầu năm níu chân anh như không cách gì gỡ ra được.
Anh viết “Lạ. Nhướn mắt nhìn kỹ, anh thấy trong góc căn lều, khuất sau những quần áo treo tùm lum trên các giây nhợ giăng trong phòng, ngồi trên đầu một chiếc ghế bố, một người lính Thủy Quân Lục Chiến đang cúi gập người, hai tay ôm mặt, vai rung rung…”. Và anh càng ngạc nhiên hơn khi biết ra người lính Mỹ da đen cao lớn đứng trước mặt anh khi anh gọi anh ta ra ngoài, “không có vẻ gì là biết tiếng Việt, đừng nói là hiểu được lời, cảm được ý của cái loại nhạc mà anh ta đang nghe, mùi mẫn đến độ khóc sướt mướt” (**). Chuyện trò thêm, anh biết ra người lính Mỹ xa nhà này gốc nửa châu Phi nửa Việt Nam, có bà mẹ bị gia đình từ không nhìn mặt vì đã lấy ba anh, người lính viễn chinh tại Việt Nam trước bảy lăm. Khi mẹ anh theo ba anh về xứ lạ, hành trang ly hương mang theo trong lòng là câu hát cải lương. Anh lính trẻ lớn lên, được ru ngủ bằng những câu cổ nhạc, được lớn lên bằng tiếng hát Lệ Thủy, Minh Phụng. Thanh Sang…, ngày giã từ mẹ sau khi nhận lệnh hành quân mười tám tháng nơi chiến trường Nam Á, anh lén lấy cái CD của mẹ mang theo, nhưng rồi chỉ để thêm nát dạ vì nhớ nhà. Lần bạn tôi nhìn thấy người lính này khóc là lần anh ta không thể về thăm mẹ mình đang bị ung thư ở giai đoạn cuối. Thậm chí đến cả telephone cũng phải chờ hai tuần mới đến lượt để được gọi về. Bạn tôi kể anh đã giúp người trung sĩ Thủy Quân Lục Chiến này gọi về Hoa Kỳ sau khi “bươn bả lội sình quay trở lại nơi làm việc, lôi cái điện thoại vệ tinh, loại tác vụ (***) ra, rồi quày quả đi trở lại căn lều nọ. Trên đường đi, anh đã kêu cho hiệu thính viên nhiệm sở BTL Trung Đông ở Qatar, dặn “móc” (hook-up) với hiệu thính viên đường dây dân sự ở Mỹ, khu vực Akansas, và trực máy (Stand-by). Hỏi tên họ bà mẹ của người lính xong, anh kêu hiệu thính viên liên lạc cho bệnh viện của County nơi nhà của bà mẹ người lính, xác định tên họ bệnh nhân xong, chuyền thẳng đến phòng ICU nơi bà mẹ nằm”… (**).
Câu chuyện anh viết và kể thật buồn. Những người lính xa nhà như anh, như người lính Mỹ da đen mang nửa giòng máu Việt, nhiều tháng năm dài miệt mài hành quân xa, nương náu trong những láng trại quạnh hiu miền trung Á chỉ vì một nhiệm vụ mà nghe ra dường như rất vô hình, rất mơ hồ, là để “bảo vệ nền tự do cho toàn thế giới”. Nhiều người đã tự hỏi, và vô số người đã lên tiếng tại sao quân đội Hoa Kỳ phải ở lại và chiến đấu tại A Phú Hãn sau khi quân khủng bố Al-Qaida sụp đổ và Bin Laden đã chết từ lâu! Sau này thân nhau nhiều, anh mới đề cập đến vấn đề đang gây ra tranh cãi khắp nơi ấy với tôi. Anh nói:
- Cái giá của tự do không thể trả bằng tiền bạc hay những thứ vật chất thông thường khác, mà đến hơn chín mươi phần trăm là bằng mồ hôi, nước mắt và máu. Ngày xưa những người lính viễn chinh Mỹ và đồng minh hy sinh trong chiến trường Việt Nam cũng chỉ vì hai chữ “tự do” mơ hồ kia. Nhưng thử tưởng tượng nếu tường thành miền Nam sụp đổ sớm hơn, cộng sản tràn ngập Đông Nam Á sớm hơn và làm ra nhiều điều tang tóc hơn, thì chúng ta đã như thế nào? Thế giới đã ra sao?
Anh nói mặc cho ai có những suy nghĩ khác, có những nhận định khác và có hồ đồ cho rằng đó là những cuộc chiến tranh vô bổ chỉ mang lại những hy sinh vô ích; hay thậm chí có người còn dùng những ngôn từ xấu hơn, tệ hơn dành cho sự hiện diện của quân nhân Hoa Kỳ tại các chiến trường không phải là đất nước mình, thì anh vẫn thấy anh và bạn bè anh đang làm điều đúng. Vẫn thấy chính phủ Hoa Kỳ đã và đang thực hiện điều đáng làm. Bởi anh nói ngày nào những bóng ma độc tài, khủng bố còn phủ quanh thế giới, ngày nào còn có những tổ chức làm con người sợ hãi, và còn đe dọa mạng sống của dân lành, thì anh vẫn sẵn sàng “chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng”.
Anh về thăm nhà vài ngày vội vã. Anh nói:
- Tết, vẫn là Tết ở xứ người, cái xứ mình đang nhận làm quê hương, không thấy hoa mai vàng, không thấy bầu không khí yên ắng cuối năm, không thấy rộn ràng đầu làng cuối xóm, nhưng đây là lần đầu tiên mình không phải hát “Xuân này con không về”, nên vẫn cảm thấy hết sức xôn xao.
Dành thêm chút thì giờ, anh kể chuyện được ăn bánh tét, thịt kho, được đón giao thừa bên vợ con. Sau đó anh bảo sẽ gửi cho tôi tập truyện ebook đang nóng sốt về chính trị ở bên nhà. Tôi hứa sẽ đọc và sẽ bình luận cùng anh.
Người ta nói không còn chiến tranh ở A Phú Hãn, không cần quân đội Mỹ hiện diện ở miền trung Á này nữa, nhưng tin tức đưa về hằng ngày vẫn chẳng có gì khả quan. Chiến trường vẫn nóng sốt và quân Taliban vẫn tấn công quân đội đồng minh, và giết hại hàng ngàn người dân thường…
Những ngày sau Tết tôi gọi lại cho anh, nhưng máy anh đã khóa. Tôi để lại lời nhắn, chờ mãi vẫn không thấy anh trả lời.
Tôi nghĩ chắc là anh đã trở lại vùng hành quân.
Thư cho tôi, anh luôn chúc tôi vui vẻ. Giọng thư đầy lạc quan và chứa chan yêu đời. Anh cũng hay dặn tôi nhớ làm thơ, viết văn nhiều nhiều để anh em và bè bạn đọc. Tôi thật muốn nói với anh rằng tôi vẫn còn làm thơ, thỉnh thoảng vẫn viết văn, và mỗi lần viết xong, tôi đều email cho anh. Nhưng sau ngày anh về phép ấy, tôi hoàn toàn không nhận được một hồi âm. Cũng như thỉnh thoảng dầu không viết, tôi vẫn chạy vào blog của anh bạn thi sĩ để xem có bài hay comment gì của anh hay không.
Tôi viết và tôi luôn hy vọng. Nhưng cho mãi đến tận bây giờ vẫn chỉ là những hy vọng chưa được hồi đáp.
Lòng tôi vời vợi buồn. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến mấy chữ anh thường đùa, “mất mạng”, cho dầu là mất mạng internet đi chăng nữa. Bởi tôi nhớ anh có nói ở những nơi không lên được internet là những nơi đang giao tranh…
Tôi chắc chắn anh biết tôi và bè bạn luôn lo lắng cho anh. Chuyện tử sinh, chuyện binh lửa chiến tranh, cổ lai chinh chiến... là chuyện không ai muốn nhắc đến. Tôi thật lòng vẫn ước mơ một sáng nào đó thức dậy, sẽ thấy tên anh hiện lên trong vi thư của mình. Sẽ nghe tiếng điện thoại reo vang và nghe tiếng anh cười bên kia đầu giây từ quận Cam, hỏi H.N có khỏe không.
Mùa xuân nào bạn tôi tình cờ nghe những bài vọng cổ trên đất A Phú Hãn, mùa xuân nào anh về thăm gia đình, hứa bàn luận chuyện chính trị với tôi, mùa xuân nào anh còn làm những bài thơ Xuân đằm thắm, mùa Xuân nào còn rủ tôi đi uống một ly cà phê ở con đường khổ nạn Via Dolorosa. Mùa Xuân nào còn nhớ thuở hoa vàng áo lụa, nhớ pháo đỏ rượu nồng, nhớ thời thơm tho sách vở.
Mùa Xuân nào anh viết cho tôi, “cái giá của tự do không thể trả bằng tiền bạc..”. Tôi ngậm ngùi tự hỏi, mùa Xuân nào như vậy, còn mùa Xuân này anh có về?
(*) ISAF: Viết tắt của The International Security Assistance Force, Lực lượng Hỗ Trợ An Ninh Quốc Tế, là tổ chức được lãnh đạo bởi NATO thực hiện sứ mệnh bảo vệ an ninh tại Afghanistan do Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thành lập.
(**) Oki, Ngày Tết Nghe Cải Lương.
(***) Điện thoại chỉ dành cho tác vụ, có khả năng liên lạc qua bất cứ vệ tinh nào.
Hoàng Nga
Bài số 3551-16-30101vb3062315
Hoàng Nga là tên thật. Sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái, rể và hai cháu ngoại. Có viết cho các tạp chí Làng Văn (Canada), Văn (Hoa Kỳ) Văn Học (Hoa Kỳ), Phố Văn (Hoa Kỳ), Việt Luận (Úc)… Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả.
* * *
Anh là công dân Mỹ mà không ở Mỹ. Tôi là công dân Úc mà ở Âu châu. Nên thường hay gọi đùa nhau là người Việt gốc… cây. Chúng tôi cùng viết lách trên một cái blog nho nhỏ không nổi tiếng của một người bạn thi sĩ. Phần lớn người viết là bè bạn thân nhau thời đi học, cùng lớn lên trong một thành phố ở quê nhà, và số còn lại thì quen biết nhau qua thời gian cùng cộng tác trên những tờ báo ở hải ngoại. Có người tôi từng gặp ở ngoài đời, cũng có người tôi chưa biết mặt, nhưng thân và hiểu nhau vì những tâm tình trao gửi trên chữ nghĩa.
Tôi thường không thích đọc bài vở được đăng trên internet mặc dầu không gặp trở ngại trong việc xử dụng những phương tiện điện tử, bởi vẫn thích cái cảm giác được mở một cuốn sách, được náo nức lật những trang giấy còn thơm tho mùi mực. Tôi hay nhớ thuở nhỏ, sau giờ ăn trưa là ra hàng hiên ngồi chờ người giao báo để nhận những tờ nhật trình mới tinh tươm được mang ra từ Saigon. Và tôi đã buồn biết bao nhiêu khi các tờ tạp chí văn chương in bằng giấy ở hải ngoại chết dần chết mòn rồi đình bản hẳn.
Tuy nhiên dầu muốn hay không muốn, cuối cùng tôi cũng phải chấp nhận báo điện tử, cũng phải đọc bài của bạn bè được “post” lên các trang báo mạng nếu như không muốn mất dấu nhau. Anh giễu tôi:
- “Thôi thì thôi nhé cũng đành thế thôi”… Sống vào thời buổi nào thì phải chịu lép vế theo trào lưu phát triển của xã hội thời ấy. Ngày xưa thì các cụ đồ nhà mình cũng phải vất bút lông xài bút mực, vất chữ Nôm xài chữ quốc ngữ, và vất cả áo thụng xài áo chemise, thì văn chương phú lục trên internet cũng phải nhập môn nhà tụi mình mà…
Anh nhại cải lương, bảo:
- H.N ở toàn các chốn thành đô đầy xa hoa rực rỡ, internet mà lỡ có trục trặc một chút, gọi điện thoại than phiền một hồi là được sửa ngay, chứ mình ở đây, “mất mạng” là chuyện thường tình nên đâu có dám chê báo điện tử!
Tôi và anh sống cách xa nhau hằng nghìn dặm. Tôi từ Âu châu “qui cố hương” về lại Úc, nơi đã đón chân mẹ con tôi gần ba mươi năm trước. Tôi về đi học lai rai chờ ngày định cư sang Hoa Kỳ. Anh giễu tôi:
- H.N đi không biết mỏi chân, hết sống ở châu này qua châu kia cứ như bươm bướm, như chuồn chuồn mà cũng bày đặt dùng hai chữ định cư!
Tôi hỏi lại:
- Nhưng anh cũng nói anh đã “định cư” ở Mỹ thì sao?
Anh bật cười. Tôi bị anh trêu là dân Bohemian, dân “international”, sống năm châu bốn bể thì anh cũng đâu có hơn gì. Nếu không muốn nói anh còn “rày đây mai đó” như cơm bữa nữa là khác.
Anh đi lính. Nằm trong lực lượng đặc nhiệm, được (hay bị) thiên hạ đặt cho cái tên thật rùng rợn, “hunter killer”. Chỗ trú quân thường nhất là Trung Đông, A Phú Hãn và khu vực Tây Nam châu Á. Vì vậy tùy theo nhiêm vụ được giao mà anh sẽ vác ba lô lên đường. Anh vẫn hay đùa “đi bất cứ nơi nào khi tổ quốc… chẳng cần mình bảo vệ gì cả”. Gần như tỉnh thành nào ở các khu vực trên anh cũng phải đi qua, phải sống ít nhất là vài năm. Rồi từ Á, Lào, Campuchia, Trung Hoa, Nhật sang Âu, Ý, Đức…, thỉnh thoảng Do Thái, Iran, Iraq, anh đều phải có mặt. Miền trung đông là nơi anh qua lại, tới lui y như người ta đi từ Bolsa qua chợ… Phước Lộc Thọ. Nhóm chữ “dễ mất mạng” anh dùng để đùa với tôi gồm cả hai nghĩa, mất mạng internet lẫn mất cả mạng thật của mình. Tôi nói:
- Việt Nam chiến chinh hai mươi mấy năm coi bộ còn chưa “đã”, nên qua tới Mỹ anh vẫn đầu quân đi lính. Bày đặt than thở “bận hành quân nên chắc khó thăm nhau” nghe bực cả mình!
Anh bật cười:
- Thì đời lính chiến, đời quân ngũ giống như cái nghiệp. Y như H.N thích viết văn làm thơ, có phải tự nhiên mà bị dính vào nó đâu… Mà đã “nghiệp” thì phải chịu chứ biết sao giờ.
Lúc đầu anh không nói tại sao sang đến tận bên này, sống trong một đất nước tự do, không ai bắt buộc và tuổi thì cũng đã qua thời phải làm nghĩa vụ quân sự mà vẫn dính vào nghiệp lính. Anh chỉ kể về đời lính chiến cho tôi nghe, “sau Al Asad bên Iraq thì mình bị đi qua Afgha mất mấy tháng, chỗ Camp Marmal (Mazar-e-Sharif). Cái trại này nhỏ… híu, thuộc ISAF (*), do lính Đức quản trị, chùm nhum lính của hai mươi ba nước chen chúc. Mùa đông lạnh có lúc dưới độ âm, lạnh tê tái. Đông đúc quá, nên tắm nước lạnh cũng phải sắp hàng cỡ một tiếng, và một tiếng khác mới chen lọt vào nhà ăn là chuyện thường ngày ở những cái huyện cà chớn đó…”
Anh thường hay chơi chữ khi viết lách và trò chuyện, nên dùng tựa truyện “chuyện thường ngày ở huyện” của nhà văn Nga, Valentin Ovechkin, để nói về cái “huyện cà chớn” mà anh đang sống. Nếu tính ra từ Mỹ bay qua Afgha mất chừng bảy ngàn dặm, thì thật ra có thể nói đó là một đoạn đường không mấy dài. Với những người hay đi như chúng tôi, mười ba tiếng đồng hồ tính cả lên xuống, chờ máy bay cất cánh, đáp cánh thật chẳng nhiều. Anh nói:
- Thì đúng là sau khi yên vị, chỉ cần ngồi ngó chiêu đãi viên chỉ vẽ những thao tác khẩn cấp trong trường hợp máy bay gặp nạn, nhấp nháy coi hai, ba bộ phim; ăn một, hai bữa, rồi nghe phi công trưởng thông báo khóa, mở dây an toàn, cộng thêm vài ba cập nhật tin tức vân vân, là đã thấy tới nơi. Thiên hạ nhiều khi đi du lịch, còn phải trải qua cả nghìn nghìn dặm từ nơi này sang nơi nọ, có người lắm khi có thể ngồi chờ ở phi trường hằng giờ để lấy một cái vé last minute chỉ vì muốn đi viếng một phong cảnh đẹp, một nơi nổi tiếng nào đó... Bảy ngàn dặm đúng là “chuyện nhỏ” thiệt!
Tôi đáp:
- Nhỏ thiệt, nhưng vượt bảy ngàn dặm không phải về quê hương thăm gia đình, không phải đi nghỉ mát, không cả vì làm ăn business thường tình như thiên hạ, mà lại lăn vào một chỗ chẳng biết ngày nào “mất mạng” như anh thì không biết nhỏ hay không!
Vượt bảy ngàn dặm để lao vào vùng giao tranh dữ dội, vượt bảy ngàn dặm để chấp nhận hiểm nguy có thể đến với mình bất cứ lúc nào trong khi có thể an lành mỗi ngày lái xe đi làm, thứ bảy Chúa Nhật ra Bolsa, Westminster, Garden Grove uống cà phê, tán chuyện đời. Đó là chưa kể còn muốn ăn bất cứ món gì, tắm bất cứ… loại nước nóng lạnh, vùng vẫy trong bể bơi, đùa giỡn với sóng biển vào thời điểm nào cũng được, tôi nghĩ thật buồn. Tôi tiếp:
- Lẽ ra với mớ kiến thức, với bằng cấp, và với khả năng ngoại ngữ giỏi như anh, chuyện ngồi một chỗ nào đó trong văn phòng, sau máy tính, làm những công việc nhẹ nhàng không hề bị đe dọa gì đến tính mạng, và hơn hết là không đòi hỏi sự hy sinh phải xa gia đình, xa vợ con như vậy, có khó khăn gì đâu mà anh không chịu làm?
Anh cười không đáp. Tôi cằn nhằn:
- Lẽ ra mười mấy năm qua, anh đâu nhất thiết phải lội mút mùa lệ thủy tận biên giới A Phú Hãn, nhiều khi cả hai năm trời không rớ được đến phương tiện truyền thông internet, mà ngày nay vốn đã trở thành phổ biến, đến tận cả những vùng nông thôn ở quê nhà cũng có như vậy? Nói thật là nếu như bốn mươi năm trước đây, nhận được những “lá thư viết từ chiến trường” của anh gửi về, chắc hẳn H.N đã bồi hồi thương cảm vì sự khổ nhọc của đời lính, đã xót xa cho kẻ xa nhà chịu thiếu thốn và phải đối diện với tử thần trong gang tấc như đã từng thương cho những người lính Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa… Nhưng đó là hoàn cảnh lúc đất nước còn chinh chiến, muốn hay không vẫn phải chịu cảnh đao binh, chứ đang sống thảnh thơi yên lành, đang tự do no ấm, mà nghe anh gian lao chiến trường, nghe anh hành quân rừng lá thấp hoài, coi bộ khó có phần thông cảm.
Anh cười nhắc lại lời đã nói lúc nào đó với tôi. Có lẽ cái nghiệp có “licence to kill”, gọi nôm na là có bằng cấp, chứng chỉ để giết người đã “vận” vào với anh. Và anh hiểu tôi “la làng” với anh vì tôi biết rõ không chỉ là những lao khổ ở chiến trường anh phải chịu đựng, mà cả khi về phép thăm gia đình ở Hoa kỳ anh cũng không thể hưởng được những sinh hoạt bình thường. Anh viết cho tôi: “Mình về nhà được hơn hai tuần rồi, debrief xong là đi tập huấn tơi tả đến giờ. Tuy ở Mỹ nhưng vẫn tham gia đánh đấm tưng bừng hoa lá. Nghỉ được có ba bữa, thiệt là ít. Ít xịt! Rồi giờ thì phải đi làm tiếp... ”.
Ít, ít xịt! Ba ngày phép của anh từ Afgha về đến Hoa Kỳ có thể nói còn ít hơn cả ít mới đúng. Chữ “ít xịt” ở quê tôi, cũng như ở quê anh, không những chỉ để diễn tả về môt điều gì đó nhỏ bé, tí tẹo, very little, mà còn cưu mang luôn cái cảm giác thất vọng. Tuy không là đồng hương nhưng sinh trưởng ở nơi gần gần, cách quê tôi vài chục ki lô mét, nên thỉnh thoảng khi muốn tôi hiểu thật rõ ý mình, thư cho tôi, anh vẫn thường dùng những từ ngữ địa phương như vậy.
Anh kể chuyện về nhà “ít xịt” với giọng điệu đùa giỡn, nhưng anh làm tôi bồi hồi. Tôi nhớ đến những lá thư trước của anh. Anh viết, “mấy tuần nay mình lục tục dọn tiệm từ Iraq dời qua A Phú Hãn. Hai tuần cuối cùng thì inernet cũng bị cắt mà nhà ăn cũng đóng cửa luôn. Làm cả bọn phải gặm MREs (Meal Ready To Eat). Mà buồn hơn là tay chân ở không, chỉ ngồi thu lu, không biết làm gì cho hết giờ. Thôi thì đành phải nói là để cho cuộc tổng triệt thoái thêm nhiều phần bi tráng vậy!”. Và rồi vẫn với giọng điệu giỡn chơi ấy, cuối mỗi câu thư, anh thường bỏ thêm hình một mặt người cười toe toét, như thể mọi sự chung quanh anh đều nhẹ hẫng như lông hồng. Thư khác, lúc tôi còn ở Đức, anh kể “cuộc không vận qua bên này tốn tới mười chiếc máy bay khổng lồ C-17 về một căn cứ tiền phương ở cực Bắc A Phú Hãn, Camp Marmal (hỏi ông… google thì biết, có dính dáng tới Bundeswehrs, quốc phòng liên bang của H.N đó.). Mèn ơi, ở nơi này rừng núi trùng trùng điệp điệp, mà mưa dầm mấy ngày nay không dứt, nhiệt độ lạnh… bơ phờ luôn, vừa mưa vừa tuyết...”.
Anh viết vậy, nhưng dẫu mưa tuyết bão bùng, hay nắng gắt cháy da, thì anh vẫn ở đó. Anh gửi cho tôi vài ba tấm hình đứng cạnh những chiếc máy bay có cái bụng thật lớn, tròn vo như cá mập. Tôi đã phì cười, bảo giống hệt như… đồ chơi con nít. Anh bảo:
- Ngó thì giống đồ chơi thiệt đó, nhưng là những loại máy bay thiện chiến, chiến nhất bây giờ. Phải chi hồi xưa mình úynh giặc với loại này mà không là loại dở ẹc thì đâu có phải chạy thục mạng ra ngoài này!
Gần như chuyện gì cũng bị anh biến thành chuyện tiếu, hoàn cảnh nào cũng có thể bị anh đem ra bỡn cợt. Anh gửi hình chụp với Robin Williams, kể, “bọn này mới đến, lều trại chưa có, chỗ làm việc chưa setup, cả toán dồn vào một cái lều tạm cùng với cả trăm chú thuộc các đơn vị khác nhau. H.N cứ thử tưởng tượng đến cả trăm cái giường sắt loại hai tầng (bunk bed), đầu giường giăng mắc các loại ba lô, mền chiếu, quần áo, vũ khí..., nên đủ mùi quần áo giày vớ ẩm ướt, nền đất thì chèm nhẹp, lại cộng thêm các loại tiếng ồn hăm bốn trên hăm bốn, mới biết là sức chịu đựng của cái tai, cái mũi của mình cũng vào hạng khá!”. Tôi trêu:
- Bác sĩ tai mũi họng mà qua đó chắc ăn nên làm ra. Còn ông Robin Williams đi một chuyến về bảo đảm sẽ nhớ đời… Nhưng mà quan trọng hơn là hình như có người hổng thấy quê hay sao thì phải!
Anh cười:
- Lội riết bên mấy cái xứ này, ngày lại ngày qua lại phải "xử ní" toàn mấy chuyện máu me nên thành vô cảm mất tiêu rồi!
Với kiểu đùa giỡn của anh, thật tình tôi không biết phải chia xẻ điều gì cho đúng, nên chỉ thường đùa lại mà thôi. Thư cho anh, tôi luôn “chúc anh đánh giặc giỏi”. Cuộc sống của anh và tôi gần như không có điểm gì chung, lại cách xa nhau đến cả vạn dặm, những điều anh kể cho tôi nghe càng lạ lẫm hơn. Thấy tôi từng ở Đức nhiều năm, anh viết “đây là căn cứ của Nato, mà do Đức quản trị lâu nay. Giờ thì Mỹ tăng viện vào cho thêm đông, cho thêm vui. Lính của lực lượng liên hợp gồm chừng hai chục nước chen nhau trong cái trại chật ních. Có gặp cả mấy chàng lính thuộc quân đội… Mông Cổ nữa. Chèn ơi, dân bộ lạc vậy mà xem ra còn có vẻ chính qui và oai hơn… bộ đội VC rất nhiều mới đáng buồn chứ!”. Tôi nói:
- Ai biểu anh đi vào nơi gió cát!
Anh gọi nơi anh ở là “nơi gió cát”, là một vùng đất của các bộ tộc bán khai nghèo khổ, man dại, theo đạo Hồi cực đoan, còn làm những chuyện rợn tóc gáy, chẳng hạn đàn bà con gái có thể bị giết, ném đá cái một vì những nghi ngờ không đâu từ chồng. Hoặc làng này có thể mang dáo mác súng ống qua tàn sát mấy chục mạng người chỉ vì một con dê đi lạc, nghi làng kế bên ăn trộm. “Dâu bể tang thương, hoang sơ tiêu điều. Cả một vùng đất rộng thênh thang là một thung lũng nhỏ sình lầy, có những ruộng lúa chật hẹp ngập nước bì bõm bao quanh bằng những vùng núi đồi đất đá và những thảo nguyên liền theo núi đồi trùng điệp, kéo tận đến mịt mù”. (**).
Thanksgiving anh viết, “mình đã hồ hởi sắp hàng rồng rắn chừng nửa cây số, chung với non ngàn người lính liên quân, giữa cơn mưa dầm, trước cái nhà ăn nhỏ xíu, sức chứa cỡ hai trăm người, đợi đến phiên để được ăn một bữa ăn nóng, hot meal có mash potato, cranberry sauce và một miếng thịt gà Tây cà lồ. Nói là hot, nhưng thật ra tất cả đều là đồ hộp khui ra hâm lại cho nóng.... À, tráng miệng thì có pumpkin pie và pecant pie với cà phê, hể hả chưa!?”. Rồi kết thúc thư cũng vẫn bằng một mặt người cười, anh khiến tôi bùi ngùi. Anh kể chuyện hằng ngày, chuyện lính tráng, chuyện Thanksgiving, Tết nhất đìu hiu nơi xứ người buồn bã đến nứt lòng, những “hể hả” anh có được nghe xót dạ không chịu được. Tôi trả lời thư anh bằng giọng đay nghiến vẫn thường dùng, “không ai mượn mà cứ xông pha khói lửa, vác súng ra chiến trường làm gì. H.N ở Sydney, không có lễ Thanksgiving như Hoa kỳ, vẫn ăn được nguyên một cái đùi gà tây thiệt bự vừa mới lấy trong lò ra, uống hết nửa chai shiraz ngon nhất nước Úc. Và vì no quá nên không thèm đụng tới miếng pie nào hết!”.
Anh đọc thư xong, cười ha hả, trả lời rằng cũng vừa mới đọc bài tôi đăng trên một trang web của cơ quan truyền thông Tin Lành. Anh viết “có chạy vào chỗ vườn Ê đen nhòm xem H.N thánh thiện cỡ nào thì mới thấy một em coi bộ hiền lành, áo dài tha thướt, nhưng hai con mắt thì...nghinh ngang quá sức nên biết tình hình...rất gay go!”. Rồi gọi là để… bù lỗ, anh gửi cho tôi một lô hình chụp tại Do Thái, con đường khổ nạn Via Dolorosa, chỗ Chúa Jesus chịu thập hình, nơi thánh Giăng làm phép rửa (báp têm) cho Chúa Jesus, cạnh bờ sông Jordan, rào biên giới giữa Jordan và Israel… Anh dặn tôi “coi cho vui hen, như một chuyến viếng thăm thăng tích bằng hình”. Tôi cám ơn, và viết lại cho anh, “vui cái nỗi gì mà vui, chỗ đó uýnh nhau dài dài như anh viết chớ vui gì!”. Anh đáp thánh địa Jerusalem được dân du lịch cả thế giới tới thăm, nên là khu được bảo đảm an ninh tối đa. Anh nói tôi đã từng đi Ai Cập, thì lần sau “chịu khó” đi thêm một đoạn, anh sẽ đãi tôi uống cà phê ở Do Thái.
Rảnh rỗi, tôi hay gửi những bài viết mới, lẫn cũ của mình không đăng trên mạng internet để anh đọc. Anh đọc rất kỹ, và lần nào cũng viết đôi lời an ủi, kiểu “văn chương thì dù không cơm cháo nuôi nổi bản thân tác giả ngày nào, nhưng cũng là dưỡng chất tinh thần nhiều lắm cho những người như… tui đây, những con người cùng một thế hệ, sinh ra để nhìn thấy lắm nỗi thương đau, để chịu lạc loài, đổ vỡ, chia xa miên viễn mà vẫn không ngừng những nỗi thiết tha...”.
Lần anh về Tết, lúc tôi đã định cư ở Hoa Kỳ, gọi điện thoại cho anh, tôi trêu anh bằng hai câu thơ anh làm lúc ở A Phú Hãn:
- Năm nay khỏi kêu ca “anh còn ở chiến trường xa. Đón Tết, là một ly cà phê đen” nhen!
Rồi tôi hỏi về tới rồi nhưng anh đã “ăn” Tết chưa. Anh đáp:
- Về không dài nhưng dầu gì cũng được đón Giao thừa ở nhà.
Anh làm tôi nhớ bài viết cũ của anh từ nhiều năm về trước, kể chuyện đón Giao Thừa ở một “căn cứ nhỏ xíu, toàn những căn lều vải bạt, dựng thành từ nhóm, bao chung quanh phi đạo, cách ly với cái làng ngoài kia bằng ba lớp rào kẽm gai. Nơi gần nhất với khu nhà dân, chỗ cái chợ nhỏ, thì có bức tường thành dài độ ba trăm thước, đủ cao để ngăn bên ngoài không thấy được bên trong, thế thôi”. (**) Nơi đó có chừng ba trăm lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đồn trú, và một khu an toàn tạm thời cho những lực lượng đặc nhiệm như toán của anh. Ở đó, đêm mồng một Tết, từ nơi trực về lại trại, giữa một cơn mưa dầm dề úng thủy, bất ngờ anh sững chân bởi giọng hát của một người nữ, một người nam văng vẳng đưa ra từ phía trong lều. Lúc còn ở Úc, có lần đang đi trong sân trường tôi cũng từng chôn chân ngay giữa trời mưa chỉ vì một giọng nói nhẹ nhàng mang âm điệu Huế vang lên từ phía sau lưng mình. Từ một nơi được xem như là một thủ đô tị nạn thứ hai của người Việt hải ngoại sau California, chỉ cần vài bước ra khu chợ đồng hương là có thể nghe, có thể tưởng như mình đang sống ở quê nhà, vậy mà một trích đọc đoạn thư của Trịnh Công Sơn gửi cho Tôn Nữ Dao Ánh được một người nào đó đọc bằng giọng Huế giữa cơn mưa chiều nơi xứ lạ, cũng đã làm tôi ngẩn ngơ. Anh kể tiếng cổ nhạc, giọng ca của Lệ Thủy, Minh Phụng mùi mẫn vang lên giữa núi rừng A Phú Hãn ngày đầu năm níu chân anh như không cách gì gỡ ra được.
Anh viết “Lạ. Nhướn mắt nhìn kỹ, anh thấy trong góc căn lều, khuất sau những quần áo treo tùm lum trên các giây nhợ giăng trong phòng, ngồi trên đầu một chiếc ghế bố, một người lính Thủy Quân Lục Chiến đang cúi gập người, hai tay ôm mặt, vai rung rung…”. Và anh càng ngạc nhiên hơn khi biết ra người lính Mỹ da đen cao lớn đứng trước mặt anh khi anh gọi anh ta ra ngoài, “không có vẻ gì là biết tiếng Việt, đừng nói là hiểu được lời, cảm được ý của cái loại nhạc mà anh ta đang nghe, mùi mẫn đến độ khóc sướt mướt” (**). Chuyện trò thêm, anh biết ra người lính Mỹ xa nhà này gốc nửa châu Phi nửa Việt Nam, có bà mẹ bị gia đình từ không nhìn mặt vì đã lấy ba anh, người lính viễn chinh tại Việt Nam trước bảy lăm. Khi mẹ anh theo ba anh về xứ lạ, hành trang ly hương mang theo trong lòng là câu hát cải lương. Anh lính trẻ lớn lên, được ru ngủ bằng những câu cổ nhạc, được lớn lên bằng tiếng hát Lệ Thủy, Minh Phụng. Thanh Sang…, ngày giã từ mẹ sau khi nhận lệnh hành quân mười tám tháng nơi chiến trường Nam Á, anh lén lấy cái CD của mẹ mang theo, nhưng rồi chỉ để thêm nát dạ vì nhớ nhà. Lần bạn tôi nhìn thấy người lính này khóc là lần anh ta không thể về thăm mẹ mình đang bị ung thư ở giai đoạn cuối. Thậm chí đến cả telephone cũng phải chờ hai tuần mới đến lượt để được gọi về. Bạn tôi kể anh đã giúp người trung sĩ Thủy Quân Lục Chiến này gọi về Hoa Kỳ sau khi “bươn bả lội sình quay trở lại nơi làm việc, lôi cái điện thoại vệ tinh, loại tác vụ (***) ra, rồi quày quả đi trở lại căn lều nọ. Trên đường đi, anh đã kêu cho hiệu thính viên nhiệm sở BTL Trung Đông ở Qatar, dặn “móc” (hook-up) với hiệu thính viên đường dây dân sự ở Mỹ, khu vực Akansas, và trực máy (Stand-by). Hỏi tên họ bà mẹ của người lính xong, anh kêu hiệu thính viên liên lạc cho bệnh viện của County nơi nhà của bà mẹ người lính, xác định tên họ bệnh nhân xong, chuyền thẳng đến phòng ICU nơi bà mẹ nằm”… (**).
Câu chuyện anh viết và kể thật buồn. Những người lính xa nhà như anh, như người lính Mỹ da đen mang nửa giòng máu Việt, nhiều tháng năm dài miệt mài hành quân xa, nương náu trong những láng trại quạnh hiu miền trung Á chỉ vì một nhiệm vụ mà nghe ra dường như rất vô hình, rất mơ hồ, là để “bảo vệ nền tự do cho toàn thế giới”. Nhiều người đã tự hỏi, và vô số người đã lên tiếng tại sao quân đội Hoa Kỳ phải ở lại và chiến đấu tại A Phú Hãn sau khi quân khủng bố Al-Qaida sụp đổ và Bin Laden đã chết từ lâu! Sau này thân nhau nhiều, anh mới đề cập đến vấn đề đang gây ra tranh cãi khắp nơi ấy với tôi. Anh nói:
- Cái giá của tự do không thể trả bằng tiền bạc hay những thứ vật chất thông thường khác, mà đến hơn chín mươi phần trăm là bằng mồ hôi, nước mắt và máu. Ngày xưa những người lính viễn chinh Mỹ và đồng minh hy sinh trong chiến trường Việt Nam cũng chỉ vì hai chữ “tự do” mơ hồ kia. Nhưng thử tưởng tượng nếu tường thành miền Nam sụp đổ sớm hơn, cộng sản tràn ngập Đông Nam Á sớm hơn và làm ra nhiều điều tang tóc hơn, thì chúng ta đã như thế nào? Thế giới đã ra sao?
Anh nói mặc cho ai có những suy nghĩ khác, có những nhận định khác và có hồ đồ cho rằng đó là những cuộc chiến tranh vô bổ chỉ mang lại những hy sinh vô ích; hay thậm chí có người còn dùng những ngôn từ xấu hơn, tệ hơn dành cho sự hiện diện của quân nhân Hoa Kỳ tại các chiến trường không phải là đất nước mình, thì anh vẫn thấy anh và bạn bè anh đang làm điều đúng. Vẫn thấy chính phủ Hoa Kỳ đã và đang thực hiện điều đáng làm. Bởi anh nói ngày nào những bóng ma độc tài, khủng bố còn phủ quanh thế giới, ngày nào còn có những tổ chức làm con người sợ hãi, và còn đe dọa mạng sống của dân lành, thì anh vẫn sẵn sàng “chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng”.
Anh về thăm nhà vài ngày vội vã. Anh nói:
- Tết, vẫn là Tết ở xứ người, cái xứ mình đang nhận làm quê hương, không thấy hoa mai vàng, không thấy bầu không khí yên ắng cuối năm, không thấy rộn ràng đầu làng cuối xóm, nhưng đây là lần đầu tiên mình không phải hát “Xuân này con không về”, nên vẫn cảm thấy hết sức xôn xao.
Dành thêm chút thì giờ, anh kể chuyện được ăn bánh tét, thịt kho, được đón giao thừa bên vợ con. Sau đó anh bảo sẽ gửi cho tôi tập truyện ebook đang nóng sốt về chính trị ở bên nhà. Tôi hứa sẽ đọc và sẽ bình luận cùng anh.
*
Người ta nói không còn chiến tranh ở A Phú Hãn, không cần quân đội Mỹ hiện diện ở miền trung Á này nữa, nhưng tin tức đưa về hằng ngày vẫn chẳng có gì khả quan. Chiến trường vẫn nóng sốt và quân Taliban vẫn tấn công quân đội đồng minh, và giết hại hàng ngàn người dân thường…
Những ngày sau Tết tôi gọi lại cho anh, nhưng máy anh đã khóa. Tôi để lại lời nhắn, chờ mãi vẫn không thấy anh trả lời.
Tôi nghĩ chắc là anh đã trở lại vùng hành quân.
Thư cho tôi, anh luôn chúc tôi vui vẻ. Giọng thư đầy lạc quan và chứa chan yêu đời. Anh cũng hay dặn tôi nhớ làm thơ, viết văn nhiều nhiều để anh em và bè bạn đọc. Tôi thật muốn nói với anh rằng tôi vẫn còn làm thơ, thỉnh thoảng vẫn viết văn, và mỗi lần viết xong, tôi đều email cho anh. Nhưng sau ngày anh về phép ấy, tôi hoàn toàn không nhận được một hồi âm. Cũng như thỉnh thoảng dầu không viết, tôi vẫn chạy vào blog của anh bạn thi sĩ để xem có bài hay comment gì của anh hay không.
Tôi viết và tôi luôn hy vọng. Nhưng cho mãi đến tận bây giờ vẫn chỉ là những hy vọng chưa được hồi đáp.
Lòng tôi vời vợi buồn. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến mấy chữ anh thường đùa, “mất mạng”, cho dầu là mất mạng internet đi chăng nữa. Bởi tôi nhớ anh có nói ở những nơi không lên được internet là những nơi đang giao tranh…
Tôi chắc chắn anh biết tôi và bè bạn luôn lo lắng cho anh. Chuyện tử sinh, chuyện binh lửa chiến tranh, cổ lai chinh chiến... là chuyện không ai muốn nhắc đến. Tôi thật lòng vẫn ước mơ một sáng nào đó thức dậy, sẽ thấy tên anh hiện lên trong vi thư của mình. Sẽ nghe tiếng điện thoại reo vang và nghe tiếng anh cười bên kia đầu giây từ quận Cam, hỏi H.N có khỏe không.
Mùa xuân nào bạn tôi tình cờ nghe những bài vọng cổ trên đất A Phú Hãn, mùa xuân nào anh về thăm gia đình, hứa bàn luận chuyện chính trị với tôi, mùa xuân nào anh còn làm những bài thơ Xuân đằm thắm, mùa Xuân nào còn rủ tôi đi uống một ly cà phê ở con đường khổ nạn Via Dolorosa. Mùa Xuân nào còn nhớ thuở hoa vàng áo lụa, nhớ pháo đỏ rượu nồng, nhớ thời thơm tho sách vở.
Mùa Xuân nào anh viết cho tôi, “cái giá của tự do không thể trả bằng tiền bạc..”. Tôi ngậm ngùi tự hỏi, mùa Xuân nào như vậy, còn mùa Xuân này anh có về?
(*) ISAF: Viết tắt của The International Security Assistance Force, Lực lượng Hỗ Trợ An Ninh Quốc Tế, là tổ chức được lãnh đạo bởi NATO thực hiện sứ mệnh bảo vệ an ninh tại Afghanistan do Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thành lập.
(**) Oki, Ngày Tết Nghe Cải Lương.
(***) Điện thoại chỉ dành cho tác vụ, có khả năng liên lạc qua bất cứ vệ tinh nào.
Hoàng Nga
Bài hay nhưng có một điều gì hồi vướng vướng ở đây ....
Một lời nhắn ngắn ngủi đầy tình thương
Một kiểu đùa giỡn làm mềm lòng con tim
Một mối tình êm đềm thật vấn vương
Một kết cục thổn thức đầy nhung nhớ
Một bài viết nhẹ nhàng tràn ngất thơ văn
Chị đã dắt người đọc đi “dặm dài” vào tình yêu. Thật hay. Quá tuyệt.