Hôm nay,  

Tháng Tư 1975, Những Ngày Cuối

07/01/200100:00:00(Xem: 182143)
Bài tham dự số 134-VB 0108

Bạn Quốc Thông, cư trú tại Whittier, California, từng dự Giải Thưởng Việt Báo với bài "Nhớ về trại Pendleton". Sau đây là bài thứ hai của bạn, viết về “Những ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975 ". Mong bài viết của bạn Thông sẽ là một gợi ý cho nhiều bài viết hồi tưởng khác.



Tuần rồi, đi dự đám cưới một người bạn làm chung sở, Huy đã giật mình khi thấy một cô gái khoảng tuổi trên đôi mươi.
Giống như nhân vật Dương Tiêu trong truyện Cô Gái Đồ Long khi nhìn thấy cô gái Tiểu Siêu, phải thốt lên "giống quá", ý muốn nói cô gái nầy quá giống người mẹ là Tía Sam Long Vương. Sự kiện ngoài đời có khác gì trong truyện. Lần đầu thấy người con gái trong tiệc cưới, Huy đã phải buột tiếng kêu thầm: sao giống Tùng Linh ngày xưa quá!
Tùng Linh, mỗi lần nhớ về nàng lòng Huy quặn đau cho cuộc tình gẫy cánh tức tưởi, không nói được một lời giã từ. Chàng đã phải xa nàng để nhớ nàng đời đời. Bởi chàng đã xa nàng ở những ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975.
Nhớ hôm đầu tiên gặp Tùng Linh từ giảng đường văn khoa bước ra, Vinh đã bị dung nhan nàng hấp dẫn tức thì. Khuôn mặt trái xoan nước da trắng dáng điệu khoan thai quý phái, nhất là đôi mắt đen sâu thẳm hình như ẩn chứa nét u buồn nào đó nên dễ làm thu hút kẻ đối diện.
Bất ngờ làm sao, cuối tuần đi dự sinh nhật cô bạn tên là Tùng Lan, vừa tốt nghiệp Cử Nhân Pháp Văn năm vừa qua ở đại học Văn Khoa, sau nầy đi dạy ở trường Pháp Marie Curie, Huy đã gặp nàng ở đó.
Chính Tùng Lan dẫn cô em mà chàng đã "tương tư" mấy ngày qua đến giới thiệu với chàng, rồi cười thân thiện:
- Nè, bạn còn ở Văn Khoa, hãy lo tử tế cho em gái tôi nghe. Nhỏ nầy mới vào Sài Gòn nên còn thơ ngây lắm đó.
Huy mừng rỡ ra mặt:
- Hân hạnh được lo tất cả cho Tùng Linh. Huy nói.
Huy, Tùng Lan và Minh, ông xã tương lai của Tùng Lan, là bạn học với nhau từ năm dự bị ở đại hoc Văn Khoa niên khóa 68-69.
Chàng thật ngạc nhiên vô cùng khi vừa biết Tùng Linh là em gái của Tùng Lan. Da cô chị thì đen ròn, trong khi nước da của Tùng Linh trắng ngần với đôi gò má hồng. Tùng Lan thì nói giọng Huế trong khi giọng cô em thì không giống địa phương nào, chỉ thấy như chim hót. Sau nầy Huy có hỏi Tùng Linh về sự khác biệt nầy, thì được nàng cho biết rằng song thân là người Huế, vô lập nghiệp ở Nha Trang và nàng học nội trú trường Pháp ở Đà Lạt từ bậc tiểu học. Do đó mà giọng nói của nàng không còn chút âm hưởng Huế nào hết.
Những ngày sau đó là chuỗi dài những đón đưa, đưa đón Tùng Linh một cách hợp pháp và hợp tình nữa. Quả như cô chị Tùng Lan nói, càng gần cô em Huy càng thấy nàng tinh khiết trong trắng và thơ ngây quá, dù nàng là học sinh trường Pháp trên Đà Lạt và toàn vận mini jupe đi học.
Năm đó Tùng Linh thi đổ dễ dàng năm dự bị ban Anh Văn và phải trở về Nha Trang sống với ba mẹ ở ba tháng hè.
Sang năm 1975, lên năm thứ hai, Tùng Linh có phần dạn dĩ hơn, biết vào thư viện Văn Khoa tìm Huy và dám vào câu lạc bộ ngồi uống nước với chàng. Thời gian lặng lẽ trôi, tình yêu đôi lứa càng bền chặt và sâu đậm thêm. Cuộc đời đẹp biết bao! Nhưng chiến cuộc đến hồi khốc liệt, đã mất Ban Mê Thuột, Kontumn, Pleiku, rồi tới Nha thành là quê hương nàng đó.
Ngày 2 tháng 4 năm 1975 Cộng quân chiếm Nha Trang. Tức tốc Huy phóng xe nhanh đến nhà dì của nàng ở đường Trần Quang Khải mà hai chị em đang ở trọ.
Nước mắt lưng tròng đỏ hoe Tùng Linh bước ra mở cổng cho Huy, cả hai im lặng một hồi rồi chàng nói vài lời an ủi nàng, cùng cho nàng biết chàng sẵn lòng làm bất cứ gì để giúp đỡ nàng trong hoàn cảnh đau buồn mất liên lạc với song thân ở Nha thành. Trông nàng thiểu não buồn rầu vì mất tin tức mẹ cha, Huy thấy thương yêu nàng quá đỗi và chàng tự nhủ sẽ không lìa xa nàng trong tình thế đen tối nầy.
Ngày 15 tháng 4 năm 1975 Huy bảo nàng đưa thẻ sinh viên của nàng để chàng ghi danh thi giùm cho nàng. Đưa tấm thẻ sinh viên cho Huy, nàng cho Huy biết vừa được thư của người anh bên Mỹ, nói rằng ở bên Mỹ đang chuẩn bị giăng lều căng trại đón người thua trận, miền Nam kể như fini rồi. Do đó anh nàng sẽ gởi giấy tờ để bảo trợ nàng đi qua Mỹ du học. Ngoài ra ông giáo sư Anh Văn của nàng có nói với nàng rằng tình hình tới lúc đen tối lắm rồi, nếu nàng muốn đi Mỹ ông ta sẽ bảo trợ cho. Tùng Linh còn cho Huy biết thêm cô chị cả của nàng là Tùng Loan hiện làm Tiếp Viên Hàng Không có thể dẫn nàng đi nếu tình thế đến hồi kết cuộc.
Lòng Huy tê tái và se thắt lại khi nghe nàng nói như vậy, chàng sẽ phải xa nàng, tình chàng đối với nàng càng lậm sâu, ngày nào không được gặp nàng lòng chàng cảm thấy cuộc đời thật vô vị làm sao đâu. Thấy Huy buồn buồn khi biết nàng có nhiều cơ hội ra đi, Tùng Linh cười nhẹ rồi nói tiếp ngày nào chưa biết tin tức của song thân nàng vẫn chưa muốn đi đâu hết.
Nghe nàng nói như vậy Huy cảm thấy an tâm và nhẹ nhõm vì chàng không muốn xa nàng, mất nàng.
Thời gian nặng nề trôi, ngày nào Huy chở Tùng Linh tới trường Văn Khoa cũng chạy ngang qua Tòa Đại Sứ Mỹ, đã thấy có một số người đứng chờ ở đó chuẩn bị ra đi.
Ngày 22 tháng 4 năm 1975 Huy có đến thăm người bạn vì mấy ngày nay không thấy hắn đi cours, thì không thấy ai có ở nhà hết. Sau nầy gặp lại nhau trên xứ người, hắn cho biết toàn thể gia đình hắn được mục sư Cơ Đốc Giáo dẫn đi di tản âm thầm từ ngày đó.
Sáng thứ năm ngày 24 tháng 4 năm 1975 lòng Huy buồn rười rượi vì chàng vừa mới tiễn đưa anh chị chàng đi vào phi trường Tân Sơn Nhất. Người anh rể chàng là nhân viên làm cho cơ quan Mỹ, nên được phép vào phi trường để đi Mỹõ. Có xa những người thân Huy càng thương cảm cho hoàn cảnh của Tùng Linh nhiều hơn, đã bặt tin tức song thân từ ngày Nha Trang lọt vào tay Cộng quân. Chàng cảm thấy yêu thương nàng vô vàn.
Huy lên trường đón nàng, cả hai đi vào một quán kem, để chàng kể cho nàng nghe anh chị chàng đã vào phi trường Tân Sơn nhất hồi sáng hôm nay. Nàng hỏi Huy sao không đi theo gia đình anh chị, chàng cười và thành thật nói với nàng chàng chỉ muốn ở gần bên nàng mà thôi, dù cho có cơ hội di tản. Nghe vậy nàng nhìn thẳng mỉm cườitin tưởng. Và nàng cũng hứa với chàng nàng sẽ ở lại đây với chàng và gặp lại mẹ cha. Cả hai không muốn lìa xa nhau dù cho tình thế có rối rắm tới đâu đi nữa.
Sáng thứ bảy 26 tháng 4 năm 1975 tình hình chiến sự có vẽ bi quan lắm rồi. Mọi người gặp nhau đều nói tới chuyện tìm đường ra đi. Vậy mà buổi trưa nay anh chị của Huy lại từ phi trường Tân Sơn Nhất trở về nhà sau hai đêm nằm trong đó chờ chuyến bay. Lý do là ông xếp Mỹ không cho người mẹ của ông anh rể Huy lên phi cơ vào sáng sớm hôm nay. Theo lời người anh rể nói với Huy, chính quyền Mỹ chỉ cho phép người phối ngẫu và con cái của nhân viên làm việc cho họ đi mà thôi.
Huy bỗng nhớ người yêu, cả ngày hôm qua chàng đã không gặp được nàng. Và chàng thay đồ thật nhanh đi thăm nàng.
Xa nhau mới chỉ vỏn vẹn có một ngày mờ tưởng chừng như cả năm! Nàng cho Huy biết ngày hôm qua ba chị em nàng đã đi khắp nơi chứa người lánh nạn để tìm song thân, nhưng không có kết quả gì hết.
Hôm đó Huy còn nhớ giờ giới nghiêm là 7 giờ tối, nên chàng không ở gần nàng lâu. Đưa chàng ra cửa nàng trìu mến nhìn chàng rồi hỏi chàng biết làm thơ bao giờ" Chàng cười nhẹ nói rằng chàng đâu biết làm thơ. Nnàng hỏi về mấy câu thơ được viết trên trang đầu trong quyển truyện mà chàng đã tặng nàng:

"Em đã cho tôi bầu trời,
Em đã cho tôi yêu thêm loài người
Vì từ đây tôi có em đời đời "
Huy cho nàng biết đó là lời nhạc của TCS mà chàng thấy hợp với ý nghĩ và tâm tư của chàng đối với nàng nên viết tặng nàng.
Nghe chàng nói như thế nàng nhìn chàng một cách thiết tha rồi hỏi nhẹ có thật không anh" Huy không đáp mà siết chặt bàn tay nàng thêm, như một lời hứa sắt son sẽ có nhau đời đời. Khi chia tay, ngoài đường xe cộ ngược xuôi hối hả đi về một cách ồn ào náo động, nhưng chàng không nghe gì hết ngoài hơi thở của cả hai mà thôi.
Sáng Chủ Nhật 27 tháng tư năm 1975, Huy thức dậy hơi muộn, nhìn đồng hồ đả hơn 10 giờ sáng. Sau khi đi thăm mộ ba chàng ở nghĩa trang Bắc Việt gần Gò Vấp, Huy chạy đến tìm Tùng Linh, định đưa trả lại nàng tấm thẻ sinh viên mà chàng đã quên đưa nàng vào chiều hôm qua. Chàng đã không gặp nàng. Và …. Huy đâu có ngờ rằng chàng đã không gặp nàng mãi mãi !
Qua sáng ngày thứ hai 28 tháng 4 năm 1975, Huy nghe được từ phía dưới đường phố rằng Cộng quân đã tiến đến cầu Hàng Xanh rồi. Vậy là cách nhà Huy không xa lắm. Lòng Huy giao động dữ dội vì chàng đang lo cho Tùng Linh. Chàng vội đi thay áo để đến với nàng, thì nghe tiếng má chàng gọi từ dưới lầu:
- Huy đâu, thay đồ nhanh lên, đi mau.
Từ trên lầu chàng hỏi má:
- Đi đâu, thưa má"
Má chàng quát:
- Đừng có hỏi, nhanh lên, anh chị hai đang chờ ngoài xe.
Huy nhớ rõ hôm đó lúc chui vào chiếc xe của anh chị Hai, Huy nghỉ rằng chỉ là một sự tiễn đưa, từ biệt anh chị và mấy cháu như lần trước, rồi chàng lái xe về cất giữ giùm cho anh chị.
Đường phố kẹt cứng xe, mạnh ai hối hả chạy không còn tuân theo luật lệ gì nữa, ai cũng lo âu Cộng quân sắp vào tới Sài Gòn. Xe của anh chị Huy phải mất hơn tiếng đồng hồ mới đến được phi trường Tân Sơn Nhất. Huy đâu có ngờ rằng khi đến phi trường trưa nay, gia đình Huy được ông xếp Mỹ chở đến một căn phòng to rộng và chàng thấy có khoảng hơn ngàn người đã có mặt ở đây.
Vào đây Huy được má chàng cho biết sáng sớm hôm nay anh rể Huy đến sở làm trong phi trường Tân Sơn Nhất, thì bị ông xếp Mỹ ngạc nhiên hỏi tại sao chưa đi di tản" Anh rể Huy trả lời rằng vì người mẹ không được phép đi theo, thì ông xếp Mỹ nầy nói:
- Bây giờ bạn trở về nhà ngay, tôi sẽ cho tất cả những người thân của bạn đi di tản theo bạn. Và bạn nhớ, tôi chỉ chờ bạn ở đây đến 12 giờ trưa mà thôi.
Má Huy cũng cho chàng biết thêm giờ chót má của người anh rể Huy không chịu đi, muốn ở lại để hy vọng trùng phùng với người chồng đã đi tập kết từ năm 1954. Do đó anh chị chàng năn nỉ má chàng đi theo và má chàng cũng muốn ba anh em chàng cùng đi luôn. Đúng là cái số của Huy bị di tản qua Mỹ và bị xa Tùng Linh!
Hình như trời đổ mưa vào buổi chiều hôm đó, trong phòng lại không có ánh đèn điện, làm tăng nổi thê lương và ảm đạm. Không thấy bóng dáng một người Mỹ nào hết trong căn phòng đợi chờ nầy. Khiến mọi người lo âu thêm bị Mỹ bỏ rơi. Đã thế, khoảng 6 hay 7 giờ tối Cộng quân pháo kíck vào trong phi trường, mọi người bò lê bò lết chui xuống gầm bàn tránh đạn. Nhiều tiếng la thét, kêu réo, khóc lóc vang lên trong đêm tối.
Rất may, đạn đã không rơi vào nơi căn phòng gia đình Huy trú ẩn. Huy cảm thấy nhớ thương và lo lắng cho Tùng Linh quá đỗi.
Qua rạng sáng ngày thứ ba 29 tháng tư năm 1975, mọi người hình như không thể ngủ được chút nào hết. Đã có nhiều người muốn trở về nhà. Huy cũng vậy. Nếu tối qua không bị giờ giới nghiêm thì chàng đã xin phép má chàng để trở về với Tùng Linh. Nhưng những người muốn trở ra phi trường như Huy cũng không thể thực hiện được, vì lệnh nội bất xuất ngoại bất nhập đang thi hành một cách gắt gao. Mọi cổng gác chung quanh phi trường đều đã đóng kín và được canh phòng nghiêm ngặt bởi Quân Cảnh và lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ.Lòng Huy uất nghẹn và điếng đau ghê gớm đã không thể trở ra phi trường như ý muốn và cam đành bất lực cho hoàn cảnh đẩy đưa.
Đến khoảng gần một giờ trưa thì mọi người trông thấy lính Thủy Quân Lục Chiến xuất hiện. Họ giật xuống những cột đèn dây điện, họ phá hủy những hàng rào dây kẽm, họ thu dọn các chướng ngại vật. Lúc ấy ai cũng đều nghỉ chắc chắn rằng đã bị Mỹ bỏ rơi, nên ùn ùn xách hành lý chạy ra khỏi căn phòng đợi chờ mấy ngày qua.
Gia đình Huy cũng chạy ra tìm cổng phi trường trở về nhà, thì bổng nghe loa phát thanh vang lên: Tất cả hãy quay trở lại, ngồi xuống đất có trật tự, sẽ có hàng trăm chiếc trực thăng đáp xuống đây bốc quí vị đi trong vài giờ nữa". Đến giờ mọi người mới chợt hiểu hành động của lính Mỹ cách đây vài giờ. Họ chuẩn bị bãi đáp cho chiến dịch Trực Thăng Vận vào giờ chót bốc người đi di tản.
Loa phát thanh lại được phóng ra lần nữa: "Để cho di tản được nhiều người, yêu cầu mỗi người chỉ mang theo một hành lý xách tay nhỏ đeo trên vai mà thôi".
Khoảng 3 giờ rưỡi trưa, đoàn trực thăng ào ào đáp xuống bãi đất trống, nơi có vài ngàn người đã mỏi mệt chờ đợi mấy ngày qua. Trái với nỗi lo lắng của Huy có sự hỗn độn và chen lấn như đã xảy ra ở phi trường Đà Nẳng, mọi người trên tay một hành lý nhỏ, trật tự xếp hàng một, từ từ tiến đến từng chiếc trực thăng. Huy vẫn còn nhớ chiều hôm đó mây kéo đen bầu trời, rồi cơn mưa đổ ập xuống, từng hạt mưa rơi đầy trên mặt trên môi những người bỏ nước ra đi.
Gia đình Huy xếp hàng gần sau chót, nên đến 7:30 tối mới bước lên trực thăng. Rồi trực thăng vút cao lên không trung, bay khuất thành phố, rồi hạ cánh trên Hạm Đội Bảy của Mỹ ở ngoài khơi Vũng Tàu.
Vào lúc khoảng 10 giờ sáng ngày thứ tư 30 tháng tư năm 1975, Huy cùng với số đông đồng bào trên boong tàu của chiến hạm Okinawa, gục đầu buồn bã nghe Tướng Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng. Ai cũng bàng hoàng ngạc nhiên sao Sài Gòn mất nhanh quá!
Bỏ mặc nổi cảm xúc kinh hoàng của mọi người, chiến hạm Okinawa tiếp tục lướt sóng. Cho tới hơn hai giờ trưa cùng ngày tất cả người tỵ nạn từ trên chiến hạm được chuyển xuống từng chiếc xuồng nho, đưa đến một chiếc tàu thương mại to lớn, đậu cách chiến hạm Okinawa không xa mấy.
Sau gần hai đêm ba ngày lênh đênh trên biển rộng mênh mông, con tàu thương mại chứa đầy người tỵ nạn cập bến tại đảo Subic Bay xứ Phi Luật Tân. Và sau một đêm tá túc ở đảo Subic Bay, những người tỵ nạn được đưa đến đảo Guam hay đảo Wake bằng các chuyến bay dân sự trước khi chính thức nhập cảnh vào đất Mỹ.
. . .

Đã lâu lắm Huy mới thức thật khuya như đêm nay. Một mìnhtrong căn phòng đọc sách ở dưới lầu. Bóng dáng người con gái tuổi đôi mươi mà chàng gặp trong tiệc cưới, bắt chàng hồi tưởng lại những ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975.
Người con gái nầy sao giống Tùng Linh quá, nhất là ở cặp mắt đen láy và sâu thẳm. Tấm thẻ sinh viên Văn Khoa niên học 1974-1975 của Tùng Linh mà chàng đã trân quí cất giữ hơn 25 năm qua, hiện đang ở trước mắt Huy.
Nhìn kỹ hình ảnh Tùng Linh trong tấm thẻ sinh viên, Huy biết chàng phải làm gì vào ngày mai. Chàng sẽ tìm ra tông tích cô gái trẻ, không khó khăn lắm. Nếu quả thật nàng là con gái của Tùng Linh, chàng sẽ đến tìm nàng, sẽ kể cho nàng nghe những đột biến bất ngờ đã xảy ra cho chàng vào những ngày cuối cùng của tháng tư đen năm 1975. Rồi sẽ nói những lời tạ lỗi. Và cuối cùng chàng sẽ xin phép nàng cho được tiếp tục cất giữ tấm thẻ sinh viên của nàng năm xưa. Như một kỷ vật quí gia, không bao giờ phai nhòa.

Mùa đông năm 2000
Quốc Thông

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,081,092
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo