Hôm nay,  

Tượng Người Lính VNCH&Patrick Reilly

12/03/201500:00:00(Xem: 12580)

Tác giả: Lê Nguyễn Hằng & Nguyễn Thạch Hãn
Bài số 3483-16-29883vb5031215

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà là một cây bút nữ, cư dân San Jose, có viết chung với Nguyễn Thạch Hãn bài "Dòng Sông Êm Đềm", một chuyện tình tuổi nhỏ thất lạc nhiều năm, tìm lại được nhau trên đất Mỹ nhờ các sinh hoạt hội đoàn, họp mặt đồng hương. Sau đây là bài mới do hai tác giả cùng viết. Bản anh ngữ của bài viết sẽ được phổ biến trên Việt Báo online trong những ngày sắp tới.

* * *

blank
Cựu chiến binh Patrick Reilly trước tượng đài chiến sĩ tại thủ phủ Texas.

Chiến tranh Việt Nam, đối với đa số người Mỹ, là một cuộc chiến không được dân chúng ủng hộ. Một số sinh viên và những người khuynh tả đã tổ chức những cuộc biểu tình rầm rộ chống cuộc chiến này bắt đầu từ năm 1965. Nhiều người cho rằng đây là một cuộc chiến không vinh dự của một người mạnh ăn hiếp kẻ yếu. Chính phủ Hoa Kỳ xen vào nội bộ nước Việt Nam và tiêu dùng quá nhiều tiền của ngân quỹ quốc gia. Nó đã trở thành một vết hằn xấu xa trong tiềm thức của người Mỹ cần phải gột xóa hẳn đi.

Cuộc chiến tranh ấy đã chấm dứt khi người lính Mỹ cuối cùng rút ra khỏi Việt Nam. Quân nhân Hoa Kỳ trở về đã không được đón tiếp và tuyên dương như cha anh của họ đã tham dự trong các cuộc chiến khác, như thời Đệ Nhất, Đệ Nhị Thế Chiến. Không những thế, nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ trở về đã phải dấu diếm chuyện mình đã chiến đấu ở Việt Nam để tránh khỏi bị hàng xóm, bằng hữu dè bỉu và nhìn với ánh mắt khinh khi. Tệ hơn nữa, đôi khi họ còn bị gọi là “killer” ngay trên đất nước của mình. Nhưng không phải mọi người lính hồi hương đều chấp nhận sự chấm dứt ấy. Patrick Reilly, một cựu Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, anh nói: “Chừng nào đảng Cộng Sản còn cai trị đất nước Việt Nam, thì cuộc chiến ấy đối với tôi vẫn chưa chấm dứt.” Patrick Reilly đã từng chiến đấu ở chiến trường Việt Nam và một phần thân thể của anh đã bị thương tổn trên mảnh đất ấy, cho nên anh không muốn sự hy sinh của bản thân mình trở thành vô nghĩa.

Trong ngày khánh thành Tượng Đài Chiến Sĩ Chiến Tranh Việt Nam tại Thủ phủ Texas, Thống Đốc Rick Perry phát biểu: “Nước Mỹ đã đưa anh em đến chiến trường Việt Nam, hôm nay chúng tôi chào đón anh em trở về nhà.” Cũng trong ngày ấy Patrick Reilly dõng dạc nói trước một số đông quan khách và đồng bào Việt Nam tham dự: “Chiến đấu trên chiến trường Việt Nam là một nhiệm vụ cao cả của quân nhân Hoa Kỳ. Chúng tôi rất hãnh diện đã giữ cho người dân Miền Nam Việt Nam được sống trong Tự Do và Thịnh Vượng trong gần 20 năm”.

Tôi đã gặp Patrick và thấy anh là một người bộc trực và đầy nhiệt huyết, khi nghĩ điều gì là đúng, anh sẽ theo đuổi cho tới cùng. Thấy cái gì sai, anh sẽ tranh đấu quyết liệt để sửa đổi lại. Tôi hỏi Patrick: “Cơ duyên nào đưa anh đến với cộng đồng người Việt?” Anh từ tốn nói:

- Cha tôi là một quân nhân, cho nên tôi đã theo gia đình dời chỗ ở thường xuyên. Thuở nhỏ sống bên Phi Luật Tân một thời gian khá lâu. Năm 1956, tôi mới lên 8. Một hôm đang chờ đợi trong bến cảng San Francisco để đáp chuyến tàu U.S.S. Sultan đi Phi Luật Tân, tôi tình cờ gặp mấy người lính có khuôn mặt Á Châu đi trên đường, tôi lại làm quen và tưởng họ là người Phi, hóa ra là người Việt Nam, đang được huấn luyện ở một quân trường nào đó trên đất Mỹ. Họ đối đãi tôi rất tử tế và mua thức ăn cho tôi. Đó là lần đầu tiên tôi gặp và có ấn tượng rất tốt về người Việt Nam. Hơn 10 năm sau cũng con tàu ấy đưa tôi đến Việt Nam. Năm 1967, tôi 19 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học và theo chân cha tôi, đăng vào lính Thủy Quân Lục Chiến. Sau khi huấn luyện căn bản, đơn vị tôi được đưa sang Đà Nẵng, một tỉnh miền Trung của Việt Nam, từ đó theo xe tiếp tế về căn cứ. Tôi còn nhớ rất rõ, người ta phát cho tôi một cây súng mà báng súng vẫn còn dính vết máu của ai đó. Chúng tôi chỉ được bắn điều chỉnh sơ sài và thế là đã phải sẵn sàng đi hành quân. Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, đơn vị tôi đụng nặng, nhiều người chết, trong đó có cả ông Đại Đội Trưởng và một chiến hữu rất thân với tôi, còn tôi thì bị thương. Từ đó, tôi không còn có thể đi lại bình thường với cái chân bên phải nữa. Giải ngũ trở về Mỹ. Sau đó, tôi giúp quân đội Do Thái và chính trên đất Do Thái tôi lại bị thương chân trái bởi mìn bẫy. Quân Đội Mỹ đã cho tôi hưởng quy chế thương binh vì cả hai chân đều bất khiển dụng. Vào năm 1988, tôi cũng giúp kháng chiến quân Việt Nam đặt căn cứ bên Cambodia để chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.

Tôi ngạc nhiên hết sức, hỏi lại anh:

- Với đôi chân thương tật nặng như vậy sao?

Anh đã không ngần ngại trả lời:

- Đúng vậy.

- Anh thật là một người can đảm và hy sinh hết mình cho chính nghĩa. Tôi nghe nói anh có tham gia Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Cựu Chiến Binh Việt Nam?

- Vâng. Nhiều hội đoàn cựu quân nhân ở Texas đã vận động với quốc hội Tiểu Bang trong một thời gian khá lâu, để thành lập một tượng đài hầu vinh danh tất cả cựu quân nhân của Texas đã tham chiến tại Việt Nam. Mục đích của Tượng Đài Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Việt Nam tại khuôn viên dinh thự Capitol Texas (The Capitol of Texas Vietnam War Veterans Monument) là để công nhận sự hy sinh và để cố gắng xoa dịu vết thương đã hằn sâu trong tâm hồn của cả dân tộc. Sự công nhận chứ không tranh dành quyền lợi là động lực của Tiểu Bang Texas để hoàn thành xây dựng tượng đài. Quang minh chính đại không che dấu, không tự tôn và đầy thiện chí. Tượng đài này là một dự án dành cho cựu chiến binh và dân chúng của Tiểu Bang. Đó không phải là tài sản của một vài người, càng không phải là một cơ hội để đánh bóng thành tích một cá nhân nào. Sự nỗ lực của quần chúng được góp sức bởi những người muốn chân thành tri ơn và cảm nhận sự hy sinh của những cựu quân nhân. Tượng đài là một biểu tượng để các thế hệ sau này hiểu được thời trai trẻ, sự âu lo, cũng như sự đa dạng về nghề nghiệp và văn hóa của chúng tôi. Chúng tôi, một thời từng là những thanh niên đầy lý tưởng với sứ mạng tranh đấu cho tự do dân chủ bằng khối óc thuần khiết và chân thật. Chúng tôi đã tiếp nhận ngọn đuốc của cha ông chúng tôi với niềm tự hào. Tượng Đài Cựu Chiến Binh Texas sẽ nói lên muôn triệu lời hàng trăm năm sau cho hằng triệu người nghe. Sự hy sinh của chúng tôi đã không vô ích và nhiệm vụ cao cả không bị quên lãng, đó sẽ là một di sản để đời.

- Có lần anh nói đây là Tượng Đài chứ không phải là Đài Tưởng Niệm. Khác nhau ra sao?

- Một trong những điều lầm lẫn cho rằng đây là Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong. Không phải là Đài Tưởng Niệm (Memorial) mà là Tượng Đài (Monument). Đài Tưởng Niệm (Memorial) chỉ vinh danh chiến sĩ đã bỏ mình nơi trận chiến, trong khi đó Tượng Đài Chiến Sĩ (Monument) vinh danh cả người sống và tử sĩ. Tiểu Bang Texas đã có Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong tại Dallas trên 25 năm qua, do những cựu chiến binh Việt Nam xây dựng và đã được khánh thành ngày 11 tháng 11 năm 1989. Đây là Đài Tưởng Niệm duy nhất trên toàn nước Mỹ đã được vị Tổng Thống đương nhiệm, TT George H. W. Bush khánh thành. Texas là một trong những tiểu bang đầu tiên công nhận Tử Sĩ và là tiểu bang gần đây nhất vinh danh Chiến Binh trong Cuộc Chiến Việt Nam bằng một Tượng Đài Chiến Sĩ. Mặc dầu việc chính thức cộng nhận đã bị trễ nải khá lâu, Tượng Đài Chiến Sĩ là một lời kết tội vĩnh viễn những vị Dân Cử, đã coi sự không-được-ủng-hộ của cuộc chiến này quan trọng hơn là trách nhiệm và sự hy sinh của toàn nước Mỹ. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã xây dựng được một tượng đài tiêu biểu nhất trong nước Mỹ cho tất cả cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam.

- Ai là cha đẻ của Tượng Đài?

- Tượng Đài điêu khắc này không do “Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài” thiết kế mà là điêu khắc gia Duke Sundt. Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài tiên khởi đã không có một ý niệm nào về hình dáng cũng như nghệ nhân cho đến khi tôi được may mắn làm đại diện cho các cựu chiến binh trong tiểu ban Chỉ Đạo (Steering Committee), tiểu ban Cố Vấn (Advisory) và tiểu ban Thiết Kế (Design). Tôi gánh vác trọng trách này một cách nghiêm túc và lấy làm hãnh diện vì Tiểu Bang Texas đã đưa nó cho tôi. Tôi nói Tiểu Bang Texas vì không một vị Thượng Nghị Sĩ hay Dân Biểu nào có quyền giao phó cho ai bất cứ điều gì thuộc sở hữu của dân chúng toàn Tiểu Bang trong đó bao gồm cả Đài Tưởng Niệm và Tượng Đài Chiến Sĩ. Toàn bộ diễn biến xảy ra bắt đầu từ nửa khuya tôi thức giấc sau một cơn ngủ thoải mái, với ý tưởng về Tượng Đài Chiến Sĩ luôn quay quất trong đầu. Hai ngày sau, tôi gọi cho Jay Kimbrough, Chánh Văn Phòng và cũng là bạn của Thống Đốc Rick Perry, tôi được chính thức mời làm một thành viên của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài. Tôi đã than phiền với Jay Kimbrough rằng không thấy sự hiện diện của các hội đoàn Cựu Chiến Binh trong ủy ban đó ngoại trừ một nhóm thiên tả. Ông Jay Kimbrough cũng là một cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến trong chiến trường Việt Nam và chúng tôi đã từng chiến đấu trong cùng một mặt trận. Tôi gặp ông ta lần đầu tiên khi tôi yêu cầu Thống Đốc của Tiểu Bang Texas ký một văn bản công nhận lá cờ vàng là biểu tượng của Người Việt Tự Do. Cộng Đồng người Việt đã nhờ tôi giúp đỡ làm điều đó. Tôi đã xin được 3 nghị quyết từ chính quyền tiểu bang, thành phố Austin và quận hạt Travis. Tôi cũng xin được một bản tuyên dương từ Thống Đốc Rick Perry cho Nha Sĩ Alvin Diệu Nguyễn vì ông đã có công tổ chức ngày vinh danh cho cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh hôm 11 tháng 10 năm 2009. Mấy năm sau đó, Ông Jay Kimbrough đã sát cánh với tôi cùng tranh đấu quyết liệt cho việc giữ lại hình ảnh người lính TQLC Việt Nam trong Tượng Đài Chiến Sĩ của Tiểu Bang.

- Ý niệm về hình thái của Tượng Đài phát xuất từ đâu?

- Tôi đã đi cùng khắp nước Mỹ tìm kiếm cảm hứng và xin ý kiến của những người có kinh nghiệm. Tôi đã tiếp chuyện với Jan Scruggs cha đẻ của Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam (Vietnam War Memorial in Washington, D.C.) và chiêm ngưỡng rất nhiều tượng đài ở nhiều chiến trường thời Nội Chiến Nam Bắc để tìm giải đáp. Trong khi thăm bảo tàng Viện Louvre ở Paris, tôi đã tìm thấy điều tôi muốn kiếm. Đó là một ngôi cổ mộ thời La Mã xây 2.000 năm trước, trên đỉnh là tượng một vị Hoàng Đế. Tôi lấy đó là biểu tượng cho binh lính trong chiến trường Việt Nam. Tôi xin nhấn mạnh rằng, trong số hơn 58.000 tử sĩ khắc trên Bức Tường Tưởng Niệm ở Washington, D.C., có khoảng 40.000 người chỉ mới 22 tuổi hay trẻ hơn, trong đó binh nhất Dan Bullock mới tròn 15 tuổi. Chỉ có 1 phần 15 quân nhân trực tiếp tác chiến, họ chiếm gần 80% tên trên Bức Tường Tưởng Niệm. Đó là ý niệm trong đầu của tôi khi phác họa Tượng Đài Chiến Sĩ. Một đám lính trẻ đứng trên nóc và quân nhân trợ chiến với những chuyên môn khác nhau đứng chung quanh trên ngôi mộ. Ý niệm đồ hình của tôi không phải là đồ hình của một tượng đài nhưng dù sao cũng cho Ủy Ban Xây Dựng một lựa chọn giữa đồ hình truyền thống của tôi và đồ hình tân thời theo trường phái trừu tượng mà họ mong muốn (giống như Bức Tường Đá Đen ở Washington, D.C.). Một người trong ủy ban, hướng dẫn cuộc tranh luận ủng hộ đồ hình trừu tượng. Nhưng Ông Giám Đốc Nghệ Thuật Tiểu Bang đã chấp thuận phác họa truyền thống của tôi. Nhiệm vụ kế tiếp của tôi là kiếm một nghệ nhân có cùng một ý niệm với tôi. Một nghệ sĩ trong thành phố Austin giới thiệu cho tôi 3 tên tuổi, hai người nổi tiếng khắp thế giới đòi thù lao lên đến hàng triệu dollars. Chỉ còn lại một người và chẳng bao lâu tôi đã tìm ra người đó. Bức tượng con bò mộng sừng dài vĩ đại ở trung tâm Frank Erwin đã đưa tôi gặp Duke Sundt.


- Như vậy Anh đã bàn luận với Duke về hình ảnh của Tượng Đài phác họa trong đầu anh?

- Vâng, nói ra thì dài dòng nhưng Duke Sundt là một lựa chọn hoàn hảo nhất. Ông ta là hậu duệ trong một gia đình theo binh nghiệp gồm có một người anh em trai, một anh em họ đã từng tham dự trong chiến trường Việt Nam và Duke cũng từng điêu khắc người lính VN trong vài công trình khác. Chờ đợi sáu tháng không thấy Chủ Tịch Ủy Ban triệu tập họp hành, nhóm thiết kế đồ hình bèn qua mặt ông ta. Dùng quyền hạn của Quốc Hội, thành viên nhóm thiết kế đã trình diện Điêu Khắc Gia của chúng tôi lựa chọn và mô hình nhỏ của Tượng Đài để bình chọn. Sau khi được hỏi có ai phản đối không, cả hội trường im lặng, thế là Duke Sundt được chọn với toàn số phiếu đồng thuận.

- Anh và Duke thực hiện việc hình thành Tượng Đài ra sao?

- Sau khi dạo vòng quanh khuôn viên trụ sở Quốc Hội (The Capitol), tôi nhận thấy biểu tượng người lính Texas toàn là người da trắng mà thôi. Điều đó trái ngược với lịch sử. Là một thành viên trong ban thiết kế, tôi muốn sửa đổi điều này. Vì vậy, tôi đã nhờ một họa sĩ địa phương vẽ hình người lính Miền Nam Việt Nam và một người lính Da Đen đầu tiên trong họa đồ. Đây chưa phải là mô hình nhưng là một khái niệm để điêu khắc gia dựa vào đó mà tạo nên tác phẩm của ông ta. Tôi chọn người lính Việt Nam Cộng Hòa bởi vì người lính đó là biểu tượng sự cao thượng của chúng tôi (our Nobility), và chúng tôi không phải là một đoàn quân xâm lược. Người lính đó là lý do tại sao chúng tôi chiến đấu ở Việt Nam. Tôi thêm vào một người lính bắn sẻ và điêu khắc gia gắn lên khuôn mặt sắc dân Hispanic. Sau khi ngắm vòng quanh hành lang của Tòa Nhà Quốc Hội, tôi nhận ra rằng chúng tôi suýt bỏ quên người chiến binh đầu tiên của Texas: người lính Da Đỏ. Tôi gọi cho Duke và khám phá ra cả hai chúng tôi đều có đồng quan điểm. Thần giao cách cảm xảy ra thật thần bí nhưng luôn là con đường đứng đắn để đi theo. Một cựu chiến binh gốc bộ lạc Navajo và cũng là một TQLC ở Tiểu Bang Arizona cung cấp cho chúng tôi một cái lông chim Thần Linh để làm biểu tượng cho người Da Đỏ. Sau khi hoàn tất ý niệm về tượng đài cũng như tìm được điêu khắc gia, tôi coi như đã hoàn thành nhiệm vụ và rút ra khỏi ủy ban thiết kế.

- Hình ảnh của Tượng Đài anh có trong đầu, trước khi rút ra khỏi ủy ban thiết kế, có cả người lính Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam, phải không?

- Đúng vậy, đó là hình ảnh một đám quân nhân trẻ, đứng thành một vòng tròn. Mỗi người đang làm nhiệm vụ riêng biệt của mình, trong khi mắt vẫn canh chừng hướng về phía trước xa xăm, sẵn sàng chống trả một cuộc tấn công của Việt Cộng. Những quân nhân đó bao gồm một người lính Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam bị thương đang được một người lính quân y, người Mỹ gốc Phi Châu săn sóc, một người lính truyền tin gốc Da Đỏ, bên cạnh là một người lính bắn sẻ gốc Hispanic, và một người lính Mỹ da trắng. Tôi muốn đưa ra một hình ảnh hài hòa của nhiều sắc dân trong mô hình đó. Người lính TQLC mặc quân phục của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, trang bị súng phóng lựu M79 và lựu đạn M26 còn 4 người kia đều mặc quân phục của quân đội Mỹ, trang bị súng M16. Nếu chúng ta nhìn kỹ sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng về hai bộ quân phục đó. Lính Mỹ mặc áo không có cầu vai, miệng túi áo xéo, hàng nút áo phía trước được dấu kín. Năm người lính đó đứng trên một cái bệ cao hình 8 cạnh, có khắc những hình ảnh của các quân binh chủng hỗ trợ chiến trường, và quan trọng hơn cả là hình ảnh nhiều con rồng khác nhau, tượng trưng cho văn hóa Việt Nam, Con Rồng Cháu Tiên và những ngôi sao (lone stars) biểu tượng của tiểu bang Texas.

Duke rất hãnh diện với dự án hoàn mỹ này. Anh ta khoe rằng đây là một công trình quan trọng nhất trong đời anh. Hai chúng tôi muốn có một cái gì đó để cho các thế hệ sau hiểu được chiến tranh Việt Nam thật sự xảy ra như thế nào…và tại sao miền Nam cuối cùng bị thất bại. Trong tượng đài đó, chúng ta đều thấy người quân nhân Việt Nam đang được quân đội Đồng Minh yểm trợ. Trong những ngày tàn của cuộc chiến, quân đội VNCH đã phải chiến đấu đơn phương thiếu thốn mọi thứ trong khi quân đội Bắc Việt được cả khối Cộng Sản thế giới yểm trợ đầy đủ. Hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa mặc dù bị thương, vẫn nắm chắc cây súng và mắt nhìn về hướng Nam, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Miền Nam Việt Nam trong khi những người khác hướng mắt về phía Bắc, Tây hay Đông. Đó là hình ảnh quân đội Đồng Minh, hợp tác chiến đấu.

Đã từ lâu, người Mỹ quên mất người chiến sĩ đồng minh Việt Nam, trong các tượng đài và các buổi tranh luận. Tôi muốn nhắc cho mọi người hiểu rằng, người lính miền nam Việt Nam là một thành phần quan trọng trong cuộc chiến, không thể nào bỏ quên họ được.

- Làm thế nào để anh có được hình ảnh trung thực của người lính Miền Nam Việt Nam?

- Tôi được một số bạn bè người Việt chỉ dẫn nên bay qua Nam California, tìm đến một cửa tiệm may quân phục ở Westminster. Ông chủ tiệm tên là Hoàng Vũ, hay Hùng Vũ gì đó, nếu tôi nhớ không lầm. Ông ta cho tôi một copy của bản “Huấn Lệnh Điều Hành Căn Bản” của Quân Đội VNCH nói rõ từng chi tiết về quân phục của các quân binh chủng Việt Nam thời đó. Tôi quyết định nhờ ông ta may một bộ đồ TQLC Việt Nam có đủ cả huy hiệu, lon lá, và hai kiểu mũ: mũ beret và nón sắt. Tôi mang về Austin, nhờ anh bạn hàng xóm người Việt tên là Brandin Nguyễn mặc bộ quân phục đó để làm người mẫu cho Duke điêu khắc bức tượng người lính Việt Nam Cộng Hòa. Duke lấy 3 mẫu hình của Brandin, một mang nón sắt, một đội mũ beret và sau cùng là để đầu trần. Cuối cùng anh ta thích cái mẫu đội beret hơn cả. Sau khi điêu khắc xong mô hình với kích thước để bàn, Duke và tôi mang đi rất nhiều nơi trong Tiểu Bang Texas để trưng bày và xin ý kiến. Mọi người đều thích thú và khen ngợi mô hình có ý nghĩa, nhất là có hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa trong đó. Chúng tôi rất hãnh diện, riêng tôi rất hài lòng và tự hào đã làm được một cái gì đó cho cộng đồng người Việt trên đất Mỹ nói chung và cho chiến hữu Việt Nam nói riêng, những chiến hữu của tôi lâu nay đã bị bỏ quên và bạc đãi.

- Như vậy, kể như anh đã hoàn tất nhiệm vụ một cách tốt đẹp, tại sao lại có vụ biểu tình tranh đấu?

- Lúc đó tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng sau khi rút ra khỏi Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài, nhóm khuynh tả phản chiến đã thay người lính Việt Nam Cộng Hòa bằng người “Lính Mỹ Gốc Á Châu”. Tôi phải liên lạc với Cộng Đồng Người Việt ở Texas để cùng nhau tranh đấu đòi trả lại tượng người lính VNCH. Chúng tôi thành lập một Ủy Ban Tranh Đấu cho Tượng Đài gồm 11 người, 4 người Mỹ trong đó có tôi, Đại Tá Fred Glazier, Police Commissioner Rob Kyker và 7 người Việt. Ông Nha Sĩ Alvin Diệu Nguyễn làm chủ Tịch và 6 người Việt khác. Tôi nhớ không rõ lắm nhưng gồm có ông Hồ Sắc đại diện 18 hội đoàn Cựu Quân Nhân VNCH, bà Dược Sĩ Nguyễn Khoa Diệu Thảo, Ông Phạm Nhân, quý vị tu sĩ trong Hội Đồng Liên Tôn...Chúng tôi đã phối hợp với đồng bào Việt Nam từ các thành phố Houston, Dallas, San Antonio, Austin và các thành phố phụ cận gồm khoảng hơn 600 người để lên thủ đô Texas biểu tình và dâng thỉnh nguyện thư (với trên 10 ngàn chữ ký) lên Quốc hội, Thống Đốc Rick Perry. Cuộc tranh dấu dai dẳng kéo dài gần 2 năm nhưng chúng tôi quyết không bỏ cuộc. Tôi rất cám ơn Alvin và toàn thể đồng bào VN đã sát cánh cùng tôi trong cuộc tranh đấu đó.

- Kết quả ra sao?

- Cuối cùng thì họ cũng có thỏa thuận ngầm, mỗi bên nhường một chút, theo tôi đoán như vậy: Người lính Việt Nam cộng Hòa vẫn như nguyên bản, họ chỉ bỏ cái mũ beret và bỏ đi dấu hiệu TQLC Việt Nam. Trong bản văn chính thức về nghị quyết xây dựng tương đài người lính TQLC Việt Nam được đổi ra tên Biệt Động Quân Việt Nam (ARVN Ranger). Tôi và Duke cũng như nhiều người Việt khác, công nhận rằng bộ quân phục đó vẫn như cũ, cái cầu vai và miệng túi áo đó là quân phục của quân đội VN, không phải đồng phục của quân đội Mỹ. Thứ nhất, áo trận của quân đội Mỹ không có cầu vai, thứ hai miệng túi áo của quân phục tác chiến Mỹ may xéo chứ không thẳng ngang như quân phục VN. Brandin Nguyễn nhìn vào bức tượng cũng xác nhận đó chính là hình mẫu của anh ta không có gì thay đổi cả.

Tôi gật đầu đồng ý với anh:

- Cho nên khi nhìn vào bức tượng đó, chúng ta có thể nhận ngay ra là tượng một chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.

Patrick thêm vào:

- Và cũng bức tượng ấy những người thiên tả trong ủy ban xây dựng muốn thay đổi tượng đài vẫn nghĩ rằng đó là một người lính Mỹ gốc Á Châu, nhưng không phải vậy!

- Chúng tôi cám ơn anh đã chia sẻ những thông tin quý báu này với Đồng Bào Tỵ Nạn Việt Nam. Cám ơn anh và tất cả chiến hữu của anh, những người lính trẻ đã hy sinh rất nhiều để bảo vệ đất nước chúng tôi.

- Chúng tôi rất hãnh diện với nhiệm vụ đó và sẽ mãi mãi sát cánh với Cộng Đồng Tỵ Nạn Việt Nam để tranh đấu cho một Việt Nam TỰ DO DÂN CHỦ. Tôi cũng hy vọng rằng những người Việt Tự Do sống trên đất Mỹ biết đến tượng đài này và quan trọng hơn nữa nó đã được xậy dựng tại một thủ đô của tiểu bang lớn hàng đầu của nước Mỹ. Tôi ước mong nhiều người Việt tỵ nạn có cơ hội đến viếng thăm và bày tỏ lòng tri ân.

Chúng tôi cũng có dịp tiếp xúc với Nha Sĩ Alvin Diệu Nguyễn, người giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Tranh Đấu Cho Tượng Đài. Ông hết lòng ca tụng và cám ơn anh Patrick Reilly và thố lộ rằng cuộc tranh đấu thành công là nhờ sự góp sức và tranh đấu kiên cường của rất nhiều đồng bào Việt Nam, các hội đoàn quân nhân, tôn giáo, hội đồng hương…và nhất là sự hướng dẫn, trợ lực quý báu và kiên trì của anh Patrick Rilley. Ông cũng nhấn mạnh rằng tượng đài này đã nói lên sự thật lịch sử của cuộc chiến tranh Việt Nam, đó là cuộc chiến của nhân dân và quân đội miền Nam Việt Nam chống lại cuộc xâm lăng của tập đoàn Cộng Sản và Quân Đội Mỹ đã giúp Quân Đội VNCH làm việc đó. Lich sử đã chứng minh rằng cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam Việt Nam là chính đáng. Những chiến sĩ Việt Mỹ và quân đội Đồng Minh đã hy sinh vì tự do cho người dân Việt Nam, luôn xứng đáng được ngưỡng mộ và tri ân. Cái gì khi mất rồi mới thấy quý, người dân miền nam đã học được bài học đắt giá đó sau khi đất nước rơi vào tay Cộng Sản.

Tháng 2 năm 2015

Lê Nguyên Hằng & Nguyễn Thạch-Hãn

Ý kiến bạn đọc
20/03/201523:23:02
Khách
Cám ơn Bich Phương.
Chúng tôi viết để tường trình và cám ơn những vị đã có tâm huyết và bỏ rất nhiêu thời gian và công sức để chúng ta có được tượng đài ở Texas như ngày nay.
Lê Nguyên Hằng và Nguyễn Thạch Hãn
12/03/201519:52:00
Khách
Cảm ơn hai tác giả đã viết lên một bài viết thật tỉ mỉ, chi tiết. Rất cảm động với công sức của quí vị bỏ ra về bài này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,679,638
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Bút hiệu của tác giả là tên thật. Bà cho biết sinh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn, ra trường Gia Long năm 1973. Vượt biển cuối năm 1982 đến Pulau Bibong và định cư đầu năm 1983, hiện đã nghỉ hưu và hiện sinh sống ở Menifee, Nam California.
Tháng Năm tại Âu Mỹ là mùa hoa poppi (anh túc). Ngày thứ Hai của tuần lễ cuối tháng Năm -28-5-2018- là lễ Chiến Sỹ Trận Vong. Và Memorial Day còn được gọi là Poppy Day. Tác giả Sáu Steve Brown, một cựu binh Mỹ thời chiến tranh VN, người viết văn tiếng Việt từng nhận giải văn hóa Trùng Quang trước đây đã có bài về hoa poppy trong bài thơ “In Flanders Fields”. Nhân Memorial sắp tới, xin mời đọc thêm một bài viết khác về hoa poppy bởi Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Tác giả 58 tuổi, hiện sống tại Việt Nam. Bài về Tết Mậu Thân của bà là lời kể theo ký ức của cô bé 8 tuổi, dùng nhiều tiếng địa phương. Bạn đọc thấy từ ngữ lạ, xin xem phần ghi chú bổ túc.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, là bài mới viết về đứa con phải rời mẹ từ lúc sơ sinh năm 1975, hơn 40 năm sau khi đã thành người Mỹ ở New York vẫn khắc khoải về người mẹ bất hạnh.
Tác giả sinh trưởng ở Bến Tre, du học Mỹ năm 1973, trở thành một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, hiện đã về hưu và an cư tại Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, đã nhận giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông nhân Ngày Lễ Mẹ kể về người Mẹ thân yêu ở quê hương.
Hôm nay, Chủ Nhật 13, Mother’s Day 2018, xin mời đọc bài viết đặc biệt dành cho Ngày Lễ Mẹ. Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Chủ Nhật 13 tháng Năm là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc bài viết của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng bố và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng cách viết lời giới thiệu và chuyển ngữ từ nguyên tác Anh ngữ bài của một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tại Mỹ, Quinton Đặng, và ghi lại lời của người me, Bà Tôn Nữ Ngọc Quỳnh, nói với con trai.
Nhạc sĩ Cung Tiến