Hôm nay,  

Xuân Như Ý

01/02/201500:00:00(Xem: 16479)
Tác giả: Orchid Thanh Lê
Bài số 4450-15-29850vb8020215

Đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Ất Mùi 1015, hiện đã phát hành khắp nơi. Tác giả định cư tại Hoa Kỳ tháng 9 năm 1997, hiện là Phó Giáo Sư Tiến Sĩ tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Monterey, California. Với bài "Đi Tìm Tên Một Người Vô Danh", cô đã nhân giải vinh danh tác giả Viết về nước Mỹ 2014. Đồng thời với bài “Thầy Việt Trò Mỹ”, cô nhận thêm giải viế văn Trùng Quang 2014.

* * *

blank
Hình ảnh họp mặt phát giải ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ 2014, từ trái: Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Orchid Thanh Lê, Nhã Ca, và Trần Du Sinh, người đang nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, do Kiều Chinh trao tặng.

Tôi nghe tiếng Việt loáng thoáng của ai đó "Bà đừng chộ tui chớ! Sẽ có người đón mà." Tiếng ai khác đáp lại "Vậy thì mình cứ theo họ vào trong đã."

Bước vội lại phía có tiếng nói, tôi len lỏi giữa đám đông xôn xao từ chiếc xe buýt lớn vừa đổ xuống và nhận ra cặp vợ chồng cụ già người Việt không mấy khó khăn. Ông đội mũ phớt, mặc áo sơ mi dài tay xám nhạt, bên ngoài là gi-lê nỉ đen, chiếc quần tây hơi thụng màu sậm, tay ông vịn vào chiếc can. Bà một tay xách chiếc túi da nhỏ, bàn tay kia đặt trên chiếc gậy trúc. Bà ăn bận ấm hơn, ngoài khăn nhung đen bông trùm đầu còn dễ chừng có đến hai lớp áo hộ thân rồi mới đến áo len khoác ngoài màu gụ.

- Dạ, có phải hai bác Vinh không ạ?

Bà mừng ra mặt:

- Ông nhà tôi tên Vĩnh, cô ạ. Ông cứ lo không có người giúp tiếng Việt. Cháu nội tôi học ở đây bốn năm trước. Bây giờ cháu đang ở chiến trường Iraq.

Tôi thầm nghĩ ắt hẳn cháu nội của ông bà đã học tiếng Ả Rập từ trường tôi. Nhưng trước hết phải đưa hai ông bà vào hội trường đã. Ông dường như đi đứng khó khăn hơn dù có chiếc can trợ lực. Tôi đi chậm lại đợi. Ông cười móm mém khập khễnh bước, giọng phân bua:

- Tui đau khớp, trời lạnh chân tay có phần ngúc ngắc.

- Để con đi lấy xe lăn cho bác.

Ông ngần ngại sợ phiền. Tôi cho ông biết đường đi bộ vào hội trường dễ đến năm trăm mét vì vậy nếu để tôi đẩy xe cho ông ngồi thì tiện hơn, còn vào bên trong thì ông có thể bỏ xe lăn để đi đứng thoải mái. Ông gật đầu cám ơn. Tôi lấy chiếc xe đẩy ông vào hội trường, bà chống gậy trúc bước đi bên cạnh thong thả. Tiếng trống thùng thình phối hợp với những vũ điệu uốn khúc, trườn đảo nhịp nhàng của đội múa rồng đang biểu diễn đón chào các khách đến. Cả tuần trước đó, tôi đã thấy có đến vài mươi em sinh viên học tiếng Trung Hoa đã cất công luyện tập để có được những động tác đồng bộ thể hiện thần oai của linh vật này.

Đây là lần đầu tiên trường tôi tổ chức Ngày Tri Ân Gia Đình Quân Nhân mà con, em của khách mời đã từng là sinh viên của trường và hiện nay đang làm nhiệm vụ tại nhiều chiến tuyến khác nhau. Người nhà của các quân nhân nếu cư ngụ trong phạm vi 300 dặm đều có xe buýt đưa đón đến nơi tham dự. Có một số thân nhân không thể giao tiếp bằng tiếng Anh nên trường kêu gọi các ban ngành góp sức. Nhìn vào danh sách thấy họ có nhu cầu trợ giúp tiếng Việt, tôi ghi tên thiện nguyện.

Một tuần trước ngày này, ban tổ chức cho họp các thiện nguyện viên nhằm trình bày kế hoạch tổ chức và phân công để kết quả được mỹ mãn. Ngày Tri Ân Gia Đình Quân Nhân được chọn đúng vào mùa lễ hội: Tết Việt, Tết Trung Hoa, Tết Đại Hàn, Lễ Tình Nhân nên họ khuyến khích thiện nguyện viên góp sức tạo một ngày vui kết hợp sắc thái đa văn hóa.

Ngày hôm trước tôi đã chọn một bàn bên góc hội trường cho hai vị khách lớn tuổi mà tôi trợ giúp. Từ góc bàn này ông bà sẽ quan sát rõ những tiết mục trên sân khấu và thuận tiện cho ông bà đi ra ngoài xem biểu diễn ngoài trời hoặc đi nhà vệ sinh. Tôi trang hoàng chiếc bàn với chút không khí Tết. Chiếc độc bình nhỏ với cành đào tươi màu hồng điều cùng vài tấm thiệp xuân treo trên cành. Hộp mứt Tết và đòn bánh tét tự gói để góp vui đón Năm Mới. Tôi chọn đủ năm loại trái cây tươi mà tôi có thể kiếm được để bày đĩa ngũ quả ngày Tết gồm bưởi, hồng, quýt, thơm và Phật thủ.

Thời gian eo hẹp, ở xa cộng đồng Việt nên tôi không thể đến chợ mà đem cả cái Tết về. Thôi thì vài thứ gọi là để Tết có thể len lỏi giữa trời mùa đông nước Mỹ.

Khi đưa được ông bà đến bàn, tôi xếp gọn chiếc xe lăn rồi đem nước trà nóng đến. Ông bà đang tẩn mẩn ngắm các thứ bày Tết trên bàn. Ông nói "Thằng cháu nội vắng nhà nên chẳng có ai lái xe đưa tụi tui đến chợ Việt sắm Tết, cô à!"

Bà tiếp lời "Nó nhắc nhở, thúc giục ông bà nội ghi tên tham dự ngày hôm nay để biết đâu họ kết hợp mừng Tết luôn thể mà ngờ đâu đúng thật."

Thấy ông bà ra chiều thích thú, lòng tôi vui lây.

Mở đầu cho Ngày Tri Ân Gia Đình Quân Nhân là nghi thức đơn giản: lời chào mừng người thân của các quân nhân đã đến tham dự và cám ơn sự hy sinh đóng góp của con, em họ hiện đang phục vụ khắp miền đất nước xả thân để bảo vệ tự do. Quân đội chu đáo, người chiến sĩ từ nơi xa xôi được nhớ đến đã đành, người thân của họ cũng không bị quên.

Tôi nhắc sơ qua cho ông bà những tiết mục trong chương trình, tùy ông bà thấy hợp phần nào thì tham gia, không bắt buộc. Có một tiết mục tặng giải thưởng vào cuối chương trình thì tôi phải giải thích trước để ông bà chuẩn bị.

Tiết mục này yêu cầu người tham gia ghi lại cảm tưởng hoặc một điều đáng nhớ nhất đối với họ về Ngày Tri Ân này để ban tổ chức bình chọn điều nào ý nghĩa nhất sẽ được tặng giải. Cả ông lẫn bà đều chần chừ. Tôi hiểu rằng mới đầu ngày thì người tham gia chưa dễ có được một ấn tượng hay cảm xúc sâu lắng nên góp ý:

- Hai bác cứ tham gia các hoạt động giải trí khác, đến sau bữa trưa thì nộp giấy vẫn kịp.

Ông và bà gật đầu. Tôi ra quầy chọn vài món ăn Á Châu quen thuộc đem đến, chúc ông bà ngon miệng và hẹn quay trở lại sau khi ông bà dùng xong bữa sáng. Cả ông và bà tha thiết muốn tôi cùng ăn sáng chung. "Chúng tôi thèm nói tiếng Việt." Thay vì có những giây phút riêng tư để dùng bữa với nhau thì ông bà lại chọn sự giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi hiểu rằng mình không cần nói nhiều, cốt chỉ lắng nghe cũng làm ông bà vui.

Những câu chuyện rất đỗi đời thường được ông và bà thay phiên chia sẻ. Qua đó, tôi biết ông bà chỉ có một con trai duy nhất, anh lập gia đình và có một con trai là cháu nội hiện tại của ông bà. Không may anh con trai bị tai nạn xe chết trẻ, ông bà thương con dâu góa bụa quá sớm, giục cô đi lấy chồng khác và xin giữ cháu nội để nuôi. Ông bà dẫu thương cháu nội cách mấy đi nữa cũng đành tôn trọng lý tưởng riêng của cháu, để cháu tham gia phục vụ đất nước làm phận sự người trai. Ông bà lớn tuổi có chính phủ lo, thằng cháu săn sóc ông bà theo khả năng của nó.

Ăn sáng xong, tôi đưa ông bà đi đến từng quầy trò chơi vui nhộn. Nhằm mục đích mang lại niềm vui cho khách tham dự, tiết mục nào cũng có tặng thưởng để khuyến khích mọi người tham gia. Chẳng mấy chốc, chiếc túi in hàng chữ "Ngày Tri Ân Gia Đình Quân Nhân" mà ban tổ chức phát từ đầu ngày cho ông và bà đều rủng rỉnh quà tặng. Tham gia một hoặc hai tiết mục thì ông phải nghỉ chân một lát hoặc ngồi vào xe đẩy nhưng cả ông bà đều hứng khởi muốn tiếp tục tham gia thêm trò chơi. Có trò chơi đoán hình, ông nhắc tuồng bà nhưng không trúng. Ông cười chọc quê "Mắc chi bà nghe tui nói bù trất. Thôi để tui thền bà mấy món quà tui trúng nè." Bà háy ông một cái thật dễ thương.

Sang tiết mục khiêu vũ, người già người trẻ rộn ràng kéo tay nhau bước ra hoà theo điệu nhạc. Ông và bà nhìn nhau lắc đầu. Bà quay sang bảo tôi:

- Chúng tôi không biết khiêu vũ gì sất, cô ạ!

- Dạ không sao, con đưa hai bác ra ngoài đi dạo một chút.

Căn cứ Ord thuộc Lục Quân Mỹ nơi Ngày Tri Ân Gia Đình Quân Nhân diễn ra hiện nay đã chuyển thành trung tâm sinh hoạt dành để tổ chức các buổi họp mặt, lễ hội. Các công sự, ụ đắp ngày trước dùng làm nơi huấn luyện binh sĩ vẫn còn đó. Tiếng ông bỗng như lạc đi:

- Xem nè bà, cái hào này làm tui nhớ lại ngày đầu tiên tui gặp bà.

Có những điều tưởng chừng như rất đỗi bình thường trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người nhưng tưởng đã lưu lại trong tiềm thức rồi đến một lúc nào bỗng trỗi dậy trong tâm trí. Bà nhìn sững theo tay chỉ của ông, giọng bà bồi hồi:

- Phải đấy!

Ông quay nhìn bà hết sức trìu mến, giọng nhẹ hẳn:

- Nhị ơi, đã bao nhiêu năm rồi còn gì!

Bà có phần nào ngỡ ngàng khi nghe ông gọi, nhưng ánh mắt rạng rỡ hẳn. Bà quay sang thì thầm với tôi:

- Lâu lắm nhà tôi mới gọi tôi bằng cái tên thời con gái của tôi đấy. Ngay từ lúc mới quen, ông đã gọi tôi là "Nhị" theo giọng người miền nam dù tên khai sinh của tôi là "Nhụy" đấy chứ!

Tủm tỉm cười, bà kể với giọng đều đều:

- Chúng tôi quen nhau không bao lâu, ông ấy đã kiếm dịp ghé đến gia đình tôi. Nghe tôi thưa gọi "cậu mợ", ông cũng bắt chước "Con chào cậu mợ." Đợi ông Vĩnh về, ông cụ tôi mới nói với bà cụ "Anh này tự nhiên ra phết, bà ạ. Ta đã nhận anh ta làm rể đâu cơ chứ!" Sau đó tôi kể lại điều ông cụ tôi nói cho ông Vĩnh. Chẳng biết ông có giả ngộ hay không mà nói với tôi: "Bộ không phải em mồ côi ba má hay khó nuôi nên mới phải ở với cậu mợ đó sao?"


Nhưng hình như ông không nghe điều bà kể với tôi. Ông bận mơ màng với kỷ niệm lần đầu gặp bà.

- Cô không tưởng tượng được đâu, tụi tui gặp nhau trong cảnh đạn lạc bom rơi.

Bà chùng giọng:

- Ngày đó, tôi là cô giáo tiểu học trong căn cứ Đồng Tâm, còn ông Vĩnh làm ở Quân Y Viện đóng trong căn cứ. Chưa bao giờ tôi quên được cảm giác của cái ngày trường bị pháo kích, phụ huynh và thầy trò hoảng loạn, sợ hãi cực điểm. Bao nhiêu năm qua rồi tôi vẫn nhớ hình ảnh những bức tường lớp học đầy máu. Các đồng nghiệp và tôi cứ vớ được trò nào đẩy nhanh chúng xuống đường hào bao quanh trường. Mặc kệ bùn sình, mặc kệ rắn rít, học trò lớn cứ tự nhảy xuống, tụi bé hơn sợ hãi khóc thét. Lóp ngóp giữa tiếng đạn pháo gầm rú và bị chen chúc đạp nhau dưới mương, bọn trẻ con cả trăm đứa chỉ biết khóc lóc kêu cha mẹ.

Ông tiếp lời bà:

- Có một đứa học trò của bà xã tui lúc đó chạy khắp nơi trong khu vực nguy hiểm để tìm đứa em gái và sau đó bị miểng đạn lướt qua cắt vào đùi nên bả mới chặn lại được. Đâu phải khi khổng khi không mà quen bả đâu. Tui là y tá quân y nên xuống hào phụ bả lúc đó quýnh quáng với tụi nhỏ rồi đưa mấy đứa vô quân y viện sau khi tiếng đại bác vừa ngớt. Tụi tui biết nhau từ đó.

Tôi đẩy xe ông đến sát gần nơi gợi hồi ức lần đầu ông bà gặp nhau. Bà bước theo. Tôi bước ra xa nhìn ngắm cảnh trí để ông bà có những giây phút riêng tư, lắng đọng.

Khi trở vào trong hội trường ăn trưa, ông thích chọn món ăn cho cả bàn và nhờ tôi đi lấy. Ông dặn vói "Cô lấy kha khá món mực nướng xả ớt nghen cô, ăn với Kim Chi Đại Hàn là ve kêu luôn đó!"

Ông bà dùng bữa trưa thật ngon miệng trong lúc kể chuyện tôi nghe về bất cứ điều gì ông bà có thể nhớ. Khi món tráng miệng được dùng gần xong, tôi đặt trước mặt ông bà mỗi người một mảnh giấy và một cây bút họ phát sẵn để viết xuống điều mình thích nhất trong ngày. Ông hí hửng, một tay cầm bút một tay che khum mảnh giấy như thể sợ bà nhìn thấy điều ông viết. Bà có nét đáng yêu của bà, tặng một cái lườm trước cử chỉ trẻ con của ông rồi xoay hẳn lưng về phía ông để viết phần mình. Bà viết xong trước, yêu cầu tôi đi gửi ngay cốt ý không cho ông xem. Tôi cười, thưa với cả hai:

- Con phải dịch điều hai bác viết thì họ mới hiểu.

Viết xong phần dịch cho bà, tôi gấp mảnh giấy theo đường răng cưa định sẵn rồi xé phân chia phần cuống giấy có in số đưa cho bà giữ làm biên lai, phần mảnh lớn đem bỏ vào thùng rồi quay lại cũng kịp lúc ông vừa viết xong. Tôi đọc qua để viết phần dịch. Tim tôi đập mạnh. Có một ký ức đã in sâu trong tiềm thức của ông bà bởi vì đó là điều không thể quên, sự đồng cảm giữa hai trái tim dù chỉ là thoáng qua nhưng lại khiến ông nhớ bà thương để rồi cả hai chung nỗi hoài niệm.

Tiếng chuông rung leng keng kêu gọi sự tập trung của mọi người khi một tiết mục mới xuất hiện. Tôi quỳ ngồi giữa hai ông bà để tiện thông dịch cho hai người kịp hiểu.

Người phụ trách tiết mục này cho biết giải thưởng là một phiếu mua sắm trị giá 100 Mỹ Kim cùng một phiếu ăn tối trị giá tương đương. Họ lựa ra mười ý tưởng có yếu tố gây cười của người tham gia để chọc vui khán giả trước khi tuyên bố giải thưởng chính và đọc phần ý tưởng được chọn.

Đa số các ý tưởng được đọc lên làm ông bà cười vui. Chỉ một, hai ý tưởng là ông cho rằng người nước ngoài có cảm nhận hài hước khác người Việt. Đến phần đọc kết quả, người phụ trách cho biết lần này sẽ có hai người cùng chia giải thưởng này. Họ gọi số 14. Tôi thiếu điều muốn nhảy lên, vui mừng quay lại ông:

- Bác xem phần giấy của bác là số 14 không?

Ông lúng túng, loay hoay quay sang hỏi bà. Bà dỗi. Phần ông, ông cất mà. Tìm lại xem. Đây rồi!

Ông không tỉ mỉ như bà. Ông chỉ đặt phần cuống giấy trên bàn, dằn dưới dĩa trái cây ông ăn chưa xong. Đúng số 14.

Tôi đưa cao tay hân hoan cho người phụ trách biết đã có người trúng giải. Ông được mời lên sân khấu. Tôi loay hoay đỡ ông ngồi vào xe đẩy. Họ xướng tiếp số 67 được chia giải thưởng. Thâm tâm tôi dự đoán phần nào có thể là niềm vui nhân đôi của ông bà nhưng không lên tiếng để theo dõi cảm xúc của bà. Đến phiên bà quýnh quáng. Bà đứng lên ngay, bà đưa cao 6 ngón tay rồi 7 ngón tay. Bà vẫn chưa chắc ăn, giọng hơi run nhưng đủ rõ bằng tiếng Anh:

- Seven.

- Vâng, còn chần chờ gì nữa. Mời bà lên đây cho.

Một nhân viên giúp đẩy xe cho ông để tôi rảnh tay dìu bà lên sâu khấu. Người phụ trách chương trình cho biết hai ý tưởng ngẫu nhiên lại đến từ hai người bạn đời của nhau nên ban tổ chức đã quyết định tặng giải thưởng cho cả hai. Phần ông viết được chia sẻ đến khán giả "Cảnh trí nơi này gợi nhớ ngày đầu tiên tôi gặp Nhị, vợ tôi." Bà đứng chết trân, xúc động. Tiếp nối là phần của bà "Ở đây có đường hào làm tôi nhớ đến nơi vợ chồng tôi gặp nhau lần đầu." Nghe dịch lại, ông run run nắm tay bà, khe khẽ gọi "Nhị ơi! Nhị ơi!"

Điều chân thật thường đơn giản. Người tham gia vỗ tay chúc mừng. Ông bối rối. Bà thấy chân tay thừa thãi. Ông và bà mỗi người nhận một phiếu quà giải thưởng. Ông không biết nói gì. Bà đưa tay đỡ micro, chút ngại ngùng trước đám đông "Thank you very much!"

Hân hoan về lại chỗ ngồi cũ, ông bà trông rạng rỡ quá. Tôi tin rằng niềm vui lớn là cả ông và bà đều tìm thấy hai trái tim họ có chung nhịp đập, chung cảm xúc và đó chính là điều ý nghĩa nhất của họ trong ngày này. Tôi đứng lùi vào góc khuất ngắm ông bà tận hưởng men vui ngây ngất còn thấm đẫm trong tim. Ông chụm đầu nhỏ to với bà, bà gật gù ra chiều đồng ý. Bà lần tay vào trong túi xách lấy ra cái bao ny lông nhỏ để bỏ hai phiếu tặng quà vào trong, vuốt nếp bao phẳng phiu lần nữa trước khi cất vào túi áo ấm và gài cẩn thận.

Bà vẫy tôi đến gần, thì thào:

- Ông nhà tôi và tôi dành hai phiếu quà cho thằng cháu nội để nó dẫn bạn gái đi ăn và mua sắm, cô ạ.

- Dạ, vậy thì hay quá rồi, thưa bác!

- Ấy! Thằng cháu vẫn chưa có bạn gái. Cô xem ai người Việt thấy được thì giới thiệu cho cháu nhé.

Chà! Ông bà thương cháu nội đến thế là cùng. Ông bà dồn hết niềm vui ngày này để dành san sẻ cho đứa cháu yêu và bạn gái tương lai của cháu. Tôi quan sát ánh mắt ông bà ngời ngời đến tận lúc tạm biệt. Tôi không quên gửi chúc Tết nơi này về theo ông bà cùng với bánh, mứt, trái cây và cành đào. Ông bà xiết tay tôi nồng ấm. Cả ông bà và tôi đã có một ngày mừng xuân trọn vẹn.

Tôi trở lại công việc thường ngày, trong đó có phần phụ trách một lớp học tiếng Việt qua vi tính vào mỗi chiều thứ năm trong tuần. Các trò của tôi trong suốt hai giờ học nếu có câu hỏi nào thì có thể ghé đến lớp. Lớp học kéo dài từ tháng này sang tháng khác, lúc đông lúc thưa tùy thuộc vào yêu cầu công việc của trò. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ kính, trời đang trong, gió se lạnh, buổi chiều vẫn còn nắng. Lúc này ở nơi khác có trò còn đang thức khuya, có trò vẫn còn ngái ngủ vào rạng sáng.

Đầu giờ lớp học yên ắng, tôi nghe tiếng "bing boong" báo hiệu có trò xin phép vào lớp. Tôi nhấp chuột mời vào. Nhìn vào địa chỉ, tôi hiểu rằng nơi trò đang đóng quân không cho phép dùng microphone hay webcam. Không sao, chúng tôi giao tiếp bằng thư vậy.

Chăm chú đọc dòng chữ đánh máy theo kiểu telex, một kiểu gõ theo hình thức bỏ dấu của tín hiệu điện tín tiếng Việt, gửi từ người mới đến, tôi khá ngạc nhiên vì từ hơn mười năm nay khi các lớp học tiếng Việt đóng cửa, tôi đã không còn luyện các em đánh máy theo kiểu chữ này nữa. Hiện tại tôi khuyến khích các em dùng tiếng Việt có dấu khi giao tiếp qua vi tính.

- Bill Trinhj ddaay. Coo nhows ra em khoong? (Bill Trịnh đây. Cô nhớ ra em không?)

Đương nhiên là sinh viên Mỹ gốc Việt rồi. Có vài sinh viên tên "Bill" nhưng hình như không có tên nào đi với họ "Trịnh". Bộ nhớ của tôi tăng tốc hoạt động nhưng vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Tôi mím môi gõ một loạt dấu hỏi, hàm ý "Trò nào vậy cà? Nhớ chưa ra. Cô chịu thua."

- ?

Vẫn dùng kiểu chữ telex, Bill viết tiếp:

- Cuối tuần trước cô với ông bà nội em mừng Tết với nhau đó.

Ôi trời, thằng cháu nội Bill của ông bà cụ trong buổi sinh hoạt Tri Ân Gia Đình Quân Nhân! Cháu Bill mà ông bà rất tự hào rằng dạy được cháu biết đọc và viết tiếng Việt. Tôi nhớ lại lúc bịn rịn chia tay, bà cụ hứa: "Tôi sẽ nói thằng cháu liên lạc với cô giáo." Tôi vâng dạ cho qua chuyện mà ngờ đâu bà cụ giữ lời, nhắc Bill tìm ra được lớp học của tôi để ghé chào.

- Ừm! Ông bà đã kể cô nghe nhiều về cháu nội Bill.

- Cám ơn cô đã giúp ông bà em hưởng một ngày thật ý nghĩa. Đây là năm đầu tiên ông bà nội ăn Tết mà không có em.

Thảo nào mà thằng cháu lo Tết không đến với ông bà. Tôi mường tượng đến cảnh Bill gọi điện thoại về thăm, ông và bà tranh nhau kể cho cháu nghe về niềm vui vẫn còn đọng lại từ hôm đó. Tết hẳn còn nằm dễ thương trong tim. Trời hẳn đương xuân trên nét mặt ông bà.

- Bây giờ em phải đi. Bữa khác em sẽ ghé lại lớp cô. Chúc cô vui Tết.

- Cám ơn Bill. Lần sau cô bày em đánh máy tiếng Việt có dấu, nhé!

- Dạ, cô!

Một hình mặt cười gửi đến tôi liền sau đó thay lời chào tạm biệt của Bill.

Xuân này ai cũng vui.

Orchid Thanh Lê

Ý kiến bạn đọc
13/02/201518:22:12
Khách
Tôi chân thành cám ơn tất cả quý độc giả đã dành thì giờ để đọc bài của tôi và viết phản hồi. Tôi trân trọng từng ý kiến của quý vị và riêng tôi được học hỏi thêm.
Orchid Thanh Lê
12/02/201523:37:57
Khách
Cảm ơn tác giả đã kể một câu chuyện ấm lòng. Nước Mỹ nhiều chuyện phải lo nhưng không quên cái tết cho gia đình của người lính xa nhà. Hai vợ chồng già, tình tứ, thương yêu nhau.
Người cháu, tuy ở xa vẫn để tâm lo lắng, sắp xếp cho ông, cho bà có một buổi Tất Niên ( nói theo kiểu Vn ta ) vui vẻ, hạnh phúc. Cô giáo làm việc thiện nguyện hết lòng. Học trò biết ngỏ lời cảm ơn.
Đẹp ! " Xuân này ai cũng vui " mượn câu kết của bài viết để đón Xuân !

Phượng Hồng
12/02/201521:23:08
Khách
- Trước năm 1975, chữ “can” (mang nghĩa cây gậy dùng để trợ lực người chân yếu, người già) vẫn được dùng phổ biến.
- Trong bất kỳ một ngôn ngữ nào, một chữ có thể đa nghĩa. Chữ “can”, nói ví dụ, nếu là danh từ, mang nghĩa “chiếc thùng đựng chất lỏng, thường là xăng hoặc dầu”; một nghĩa khác là “chiếc gậy”; ngoài ra “can” còn dùng trong thuật chiêm gia tử vi như “thiên can”. Nếu dùng là động từ, “can” có nghĩa là “nới rộng hoặc làm dài thêm”; còn có nghĩa “khuyên lơn ai đừng làm việc gì”. Vì vậy, nếu chỉ biết một nghĩa của một chữ thì chưa đủ.
- Trong khái niệm tiếng Việt, chữ “can” (mang nghĩa cây gậy dùng để trợ lực người chân yếu, người già) có khuynh hướng dùng cho phái nam. Trong bài viết “Xuân Như Ý” của tác giả Orchid Thanh Lê, cả hai ông bà cụ đều dùng gậy thì dùng chữ “can” cho cụ ông và chữ “gậy trúc” cho cụ bà, theo tôi, là một sự chọn lựa hợp lý.
- Ngoài ra, theo tôi, muốn hiểu đúng nghĩa của một chữ thì cần hiểu ngữ cảnh của chữ đó, tức là phải hiểu nghĩa của toàn câu mà chữ đó được dùng. Mạn phép tác giả, tôi xin phân tích câu trong bài viết “Ông dường như đi đứng khó khăn hơn dù có chiếc can trợ lực.” Chữ “trợ lực” là động từ dùng làm bổ túc từ cho chữ “chiếc can” nên không thể ngắt nhóm chữ “chiếc can trợ lực” mà hỏi cắc cớ nó là chiếc gì.
- Tôi ở tận Úc Đại Lợi, không được dịp cầm đọc đặc san Xuân Việt Báo có bài viết “Gặp Nhau ở Sài Gòn Sau 30 Tháng Tư 1975” của nhà văn Nhã Ca, một tác giả tôi rất quý trọng dù cũng chưa lần nào được hân hạnh diện kiến. Tuy nhiên, ông bạn vong niên của tôi ở Quận Cam, sau khi nghe tôi gọi điện thoại nói chuyện, đã chịu khó scan bài viết này gửi qua email cho tôi. Tôi đọc bài từ đầu đến cuối, thấy chữ “gậy sắt” xuất hiện ở cột thứ ba, trang 14 như sau: “Nữ lãnh tụ Đoàn Thanh Niên thành phố. Cụt một cánh tay. Áo bốn túi màu đen. Gậy sắt.” Tôi cố gắng hiểu chữ “gậy sắt” trong ngữ cảnh của toàn đoạn và không chắc đây có phải là chiếc gậy dùng để trợ lực cho nhân vật cụt tay trong bài viết hay đó là một vũ khí tự vệ/tự trang bị của một số thanh niên nhiệt huyết dồi dào với Cách Mạng thời điểm đó mà người Việt gọi nôm na là “dân ba mươi”? Bởi vì về mặt kỹ thuật, chiếc can không làm bằng kim loại sắt vì sắt vừa đắt tiền vừa nặng nên không thể có "chiếc gậy sắt" (nhà văn Nhã Ca dùng chữ rất cẩn trọng, bà viết “gậy sắt” chứ không viết “chiếc gậy sắt.”). Chiếc can thường được làm bằng kim loại hoặc hợp kim nhẹ, bền để người già có thể sử dụng thuận tiện.
- Ngôn ngữ Việt cũng như các ngôn ngữ khác đều vay mượn chữ nước ngoài cả vậy. Tôi đọc nhiều bài viết trong mục “Viết Về Nước Mỹ” thấy có tác giả đã từng đoạt chung kết hoặc từng là tay bút kỳ cựu vẫn dùng “ô kê” hoặc “text message” trong bài viết của họ đấy thôi. Bởi lẽ khi dùng thì người đọc hiểu ngay nghĩa không cần phải diễn giải lòng vòng.
- Mỗi tác giả có một cách hành văn riêng nên không thể có chuẩn cho văn chương dựa trên cách dùng chữ độc đáo của từng người viết. Mỗi độc giả có cách đọc hiểu bài viết của riêng mình. Độc giả có quyền chọn giữa viết hoặc không viết phản hồi thì tác giả cũng có quyền chọn giữa viết hoặc không viết trả lời.

Viết bởi độc giả Tuyên từ Tasmania, 78 tuổi, Úc Đại Lợi.
11/02/201501:36:11
Khách
Chào anh/chị P. Bui,
Cám ơn anh/chị đã hồi âm tuy nhiên nếu được tác giả trả lời độc giả thì vẫn hay hơn. Trước tiên tôi xin minh đinh rằng những gì tôi trình bày nơi đây là nhằm tìm hiểu, học hỏi, đóng góp để bảo tồn cho tiếng Việt của chúng ta được trong sáng, phong phú hơn mà thôi. Ngoài ra, tôi chỉ góp ý kiến chứ không có chủ ý phê bình hay dám chỉ trích một ai do đó tôi sẽ không tranh cải hay hơn thua trên diễn đàn chung này nhất là về mặt ngôn ngữ, văn học.
Thứ hai, có lẽ anh/chị P. Bùi lầm lẫn khi vừa giải thích vì chữ cane trong tiếng Pháp không phải là cây gậy mà là "con vịt cái: femelle du canard"
Bây giờ tôi xin đi vào vấn đề chính. Ngôn ngữ được gọi là sinh ngữ là ngôn ngữ qua từng thời gian hoặc do hoàn cảnh, biến có lịch sử mà sản sinh ra thêm những chữ mới như hiện tại trong Anh ngữ chúng ta có thêm "boat people hay ground zero" chẳng hạn hoặc là vay mượn từ ngôn ngữ của các nước khác.
Theo ngu ý của tôi thì tiếng Việt Nam có một số chữ đọc theo âm mà chúng ta thường nói là âm hóa sang tiếng Việt hay đọc theo nguồn gốc của vật thể đó hoặc đôi khi là từ cả hai cũng không chừng. Ví dụ:
1- Cây đàn Ghi-ta được đọc theo âm từ chữ guitare trong tiếng Pháp hoặc guitar tiếng Anh nhưng cũng còn gọi trong chuyên môn là nhạc cụ Tây Ban Cầm bởi xuất xứ từ Tây Ban Nha.

2- Ô-tô: từ chữ auto viết ngắn lại từ automobile của Pháp mà ngày nay tiếng Anh cũng mượn tuy nhiên người Mỹ do lười biếng phát âm theo chuẩn của người Anh nên đọc khác và ngày nay trở thành một lối đoc, nói, mà người ta gọi là “American way” và chấp nhận vì Mỹ là cường quốc.

3- Xi-nê: do chữ ciné từ cinematography tiếng Pháp mà ra.

Hoặc giả có một số chữ tiếng Việt cũng đã đi vào tiếng Pháp, tiếng Anh như:

4- Cái nhà (cai-nha) có trong tự điển La Rousse của Pháp

5- Áo dài, Tết, mà xem trong tự điển The American Heritage College chúng ta cũng sẽ thấy.
Tuy nhiên nếu bây giờ nói chữ can là gậy âm hoá từ chữ cane trong tiếng Anh và theo tác giả dùng là còn để ám chỉ đó là chiếc gậy sắt thì tôi e rằng không ổn. Vì phát âm chữ cane trong tiếng Anh khác xa với can trong tiếng Việt. Tôi thực sự không biết là tác giả căn cứ vào đâu? Hay sự phân biệt này do tự ý tác giả nghĩ ra vì từ thời Pháp thuộc chúng ta có chữ ba toong là từ chữ bâton của Pháp mà tiếng Việt chúng ta gọi chung là gậy. Chúng ta cứ căn cứ vào vật liệu làm thành gậy để gọi chỉ sự phân biệt rất là đơn giản như gậy tre, gậy trúc…
Tôi đồng ý là trong văn viết chúng ta không nên dùng điệp ngữ nhiều quá nhưng nếu chẳng đặng đừng mà phải dùng cho rõ nghĩa và dễ dàng thì cũng đành thôi. Như trong bài này nếu tác giả cứ viết là gậy sắt và gậy tre thì tôi thấy vẫn hay chứ đâu có cần phải tránh dùng điêp từ mà gọi là chiếc can hay chiếc can trợ lực nghe thật khó hiểu và nặng nề mất đi vẻ văn chương nhẹ nhàng.
Thú thật, khi tôi đọc tới chữ chiếc can tôi cứ tưởng là can dầu hay can nước, mãi đến lúc đọc thêm vài đoạn sau tôi mới hiểu ý tác giả. Và cũng xin thưa là thật sự tôi chưa hề bao giờ nghe tới cụm từ “chiếc can trợ lực” cả. Tôi nghĩ có lẽ tác giả mượn từ những chữ trợ lý giám đốc hay trợ lý kỹ thuật của chính quyền Việt Nam sau 1975 chăng? Ngay như trong bài “Gặp nhau ở Saigon sau 30 tháng 04 năm 1975” của tờ báo Xuân Ất Mùi mà Việt Báo mới phát hành đây, tôi thấy nhà văn Nhã Ca dùng chữ gậy sắt rất là dễ hiểu và tiện lơi.
Ông bà mình có câu “sư thật mất lòng” nên tôi thành thật xin lỗi tác giả và anh/ chị P. Bùi nếu có gì mạo phạm hay làm phật lòng qúy vị.

Kính thư,
Ngọc
10/02/201513:08:21
Khách
Bài viết rất hay. Cảm ơn tác giả đã mang đến cho người đọc những cảm giác rất ấm áp, thật thà, lưu luyến, đậm màu tình yêu và nhân bản...một cảm giác rất tuyệt vời khi ngày Lễ Tình Yêu đang sắp đến và mùa xuân đang rất gần. Thật không ngờ trong ngôi trường quân sự của Mỹ tưởng rằng rất khô khan với kỷ cương nhà lính người ta lại có tổ chức những buổi lễ tri ân đầy ắp tình người như vậy. Chị quả là đã "viết về" một nét đẹp rất là mới mẻ của "nước Mỹ". Mến chúc chị một mùa xuân dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc...rất mong được đọc thêm nhiều bài viết mới của chị.
09/02/201505:04:23
Khách
Tôi xin thay mặt cho tác giả trả lời cho cô Ngọc là chiếc can trợ lực là cây gậy
để chống khi đi đứng của người già ."can" là tiếng Việt chuyển âm từ chữ "cane" của tiếng Pháp nếu tôi không lầm.
06/02/201504:08:03
Khách
Cam on tac gia ve 1 bai viet don Xuan nhieu y nghia va giau tinh nhan ban.
Mong tac gia co them nhieu bai viet moi.
06/02/201501:46:45
Khách
Chào cháu Orchid,
Đó là một "Xuân Như Ý thật. Bài viết rất hay.
Họ tổ chức "Ngày Tri Ân Gia Đình Quân Nhân" như thế là rất xứng hợp.
Chúc cháu và gia đình mọi sự thật tốt đẹp.
Chú Sáu
02/02/201504:23:14
Khách
Chào Orchid Thanh Lê,
Em khỏe chứ?
Lâu lắm mới có dịp hỏi thăm em.
Tâm Thường Định là bút hiệu của em hả? Tên này có ý nghĩa lắm.
Tất Ất Mùi sắp đến. chúc em, sức khỏe, sáng tác nhiều và có một mùa "Xuân Như Ý".
Thân mến,
Annie
01/02/201521:44:47
Khách
Chào chị,
Chị ơi, làm ơn cho tui hỏi "chiếc can, chiếc can trợ lực" là chiếc gì vậy chị?
Cám ơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,239
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Tựa đề đầy đủ của bài viết: “Ba Tôi, Những Giờ Phút Sau Cùng và người bạn tù trên đất My” được rút gọn theo nội dung.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Thời tiết Cali đầu tuần bất ngờ có mưa bụi mát mẻ, hệt như tiết xuân dù đang mùa kiết hạ. Đúng là lúc có thể mơ xuân với một truyện tình vui của Orchid Thanh Lê, tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là Phó Giáo Sư tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif. Đây là bài tác giả gửi sớm, tính dành cho báo xuân Canh Tý 2020 sắp tới. Sắp họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, mời đọc trước chuyện xuân.
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ XX - gồm những bài viết được phổ biến từ 1 tháng Bẩy 2018 tới 30 tháng Sáu 2019 - được quyết định tổ chức vào Chủ Nhật 11 Tháng Tám 2019, và 16 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Father's Day 2019, mời đọc bài viết mới của Hoàng Chi Uyên. Tác giả là một chuyên viên xã hội từng nhận giải thưởng lớn khi được bình chọn là nhân viên xuất sắc trọn năm 2003 và phụ trách Phòng Xã Hội, thuộc Trung Tâm Cao Niên thành phố Milpitas, Bắc California, và đã về hưu. Tháng Ba 2019, bà góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên: "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc" kể về hoạt động xã hội; Bài thứ hai: "Ban Cướp Biển," hồi ký về nhóm điều tra chống cướp biển trại tị nạn Pulau Bidong.
Mùa Father's Day, mời đọc chuyện “Ba Thế Hệ Cha và Con" của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM 2013. Bài viết mới của Vĩnh Chánh là hồi ký về một gia tộc hoàng phái quyền chức, với những mảnh vỡ trôi dạt từ trong ra ngoài nước.
Chủ Nhật 16/6 là Father’s Day 2019. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín, 2018. Bà.cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tụ. Bà hiện là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Về người cha được tưởng nhớ, mời coi lại hình ảnh và bài viết “Công Chúa Triều Nguyễn” do tác giả Tôn nữ Trấn Định Minh Nguyệt thời đổi đời, trong đồng phục tài xế taxi tại Huế, lái xe đưa thân phụ Vĩnh Bạch từ Mỹ về, cúng đền Trấn Định Quận Công tại Truồi
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Năm 2019. Ông là anh cả trong 9 anh chị em, có người cha chết trong trại cải tạo Vĩnh Phú từ 1979, bà mẹ một mình lo cho các con. Ông qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài viết mới được “Viết trong ngày sinh nhật 88 của Mẹ,” Tựa đề được trích từ lời kết của bài viết xúc động: “Căn bệnh Alzeithmer với mẹ cũng là một may mắn trong muôn vàn bất hạnh. Cái quên, cái lẫn sẽ làm mẹ có thể sống được với tôi, với con cháu thêm một thời gian.”