Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_970x250_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Người Bảo Trợ

22/01/200500:00:00(Xem: 133903)
Người viết: BẠCH HỒNG
Bài số 699-1243-13-vb3180105

Tác giả Hồng Bạch Ledford (tên khi tỵ nạn: Bạch Thị Hồng), 56 tuổi, hiện là thư ký kế toán cho Sierra Spring Water Co, Houston Texas. Bài viết vcề nước Mỹ đầu tiên của bà được ghi như sau “Để tưởng nhớ người đã bảo trợ cho ba dì cháu chúng tôi khi chân ướt chân ráo tới đất Mỹ: ông John H. King III. Chúa ban phước lành và cứu rỗi linh hồn về cõi Vĩnh Hằng.

Chúng tôi gồm ba người, tôi và hai đứa cháu trai, một đứa mười bảy và một đứa mười sáu tuổi mới vừa đặt chân tới Bangkok, thủ đô của xứ chùa Tháp, Thái Lan sau mười ngày lênh đênh trên biển cả.
Chiếc ghe nhỏ khoảng hai mươi mấy thước chiều dài, còn chiều rộng thì nếu nằm ngang phải khoanh lại như com tôm kho thì mới vừa. Vậy mà nó đã chở trên hai mươi mấy mạng người vượt biển còn sống sót. Trước đó, còn có thêm bốn người thanh niên trong ghe đã bị bọn hải tặc bắn chết.
Thức ăn mỗi ngày là gạo nấu trộn lẫn với mùi dầu máy. Mỗi ngày mỗi người chỉ được uống vài lần trong ngày vì bọn hải tặc đã cướp lấy máy tàu, và chiếc la bàn duy nhất dùng để định hướng. Chúng cũng quăng tất cả đồ ăn nước uống xuống biển. May mà còn lại ít nước và một chút gạo bị rơi vãi tung tóe pha trộn với dầu máy tàu chảy loang trên sàn ghe. Mọi người, tiền bạc nữ trang đều bị tuốt sạch. Rồi ghe bị bể, vô nước.
Tất cả mọi người trong ghe trừ những cụ già và các em nhỏ còn bú sữa ai cũng đều đem hết sức tàn để tát nước. Trời có lẽ thương hại chúng tôi không phải lúc, sao mà cứ giọt vắn giọt dài suốt đêm.
Sau đường biển, còn thêm hai mươi ngày lang thang trên đất liền. Chúng tôi bị chính quyền địa phương đưa đi từ chỗ này tới chỗ khác trước khi vào trại tỵ nạn chính thức, cộng với sáu tháng sống le lói trong cuối đường hầm. Vì nếu đã được vào trại tỵ nạn Songkhla thì sẽ được cao ủy tỵ nạn cứu xét và có hy vọng được sang nước Mỹ định cư.
Ai đã từng là thuyền nhân ở trong trại tỵ nạn thì đều biết và đã trải qua những giai đoạn thê thảm như thế nào đối với những người không có tiền do thân nhân từ nước ngoài giúp đỡ, "đói meo" và luôn luôn thấp thỏm lo sợ đủ thứ. Sợ bệnh hoạn không thuốc men, sợ không được chấp nhận đi định cư thì cuộc đời tưởng chừng như bế mạc. Cho nên khi được gọi đi định cư thì cảm tưởng ban đầu rất là mừng rỡ sung sướng, nhưng khi được đưa đến Bangok để đi sang Mỹ thì nỗi hồi hộp lo sợ lại tăng thêm. Thật không nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào. Sợ bị giữ lại vì kém sức khỏe, bị nám phổi là điều sợ nhất vì có khi phổi mình tốt, trong vắt không có chút vết nám nào nhưng nếu bị ai cầm nhầm hình phổi của mình vì có câu "có tiền mua tiên cũng được" thì khổ trăm phần trăm là cái chắc.
Ở Bangkok chỉ có một tuần lễ thôi nhưng đó là tuần lễ quyết định. Khám sức khỏe, thử máu, nghe ngóng tin tức từ văn phòng làm thủ tục, mỗi ngày đều có những tin tức mới buồn, vui lẫn lộn. Khi nghe bạn bè hay người quen bị giữ lại sẽ bị đưa sang trại khác rất là cực khổ hơn mấy lần vì ở đó không có qui chế như các trại chính thức, chúng tôi chỉ biết buồn bã lắc đầu chứ không thể giúp gì được vì lo cho số phận của ba chúng tôi còn chưa xong. Bù lại, cũng có chút vui lây khi nghe người bên cạnh được đi Mỹ nay mai, mặc dù không thân với họ lắm nhưng cũng mừng cho họ được thoát khỏi cảnh chờ đợi hồi hộp nhức tim này. Vì đã có những trường hợp đã lên máy bay rồi mà còn gọi trở xuống vì giấy tờ có vấn đề hay có nguyên nhân nào nữa mà mình không được biết. Chỉ khi nào máy bay cất cánh thì mới thoát nạn và có thể nói cười một cách thoải mái.
Trong những ngày cuối cùng ở Bangok, chúng tôi đã nhận được giấy tờ đi định cư và ký giấy tờ mượn tiền vé máy bay. Thật là hạnh phúc vô cùng và bắt đầu tưởng tượng đến con đường tương lai trước mắt. Tuy nhiên nỗi băn khoăn không làm sao che lấp được khi không biết người bảo trợ của mình ra sao. Chúng tôi đã phác họa ra nhiều hình ảnh khác nhau của người bảo trợ "sponsor" do nghe được kinh nghiệm của những người đi trước. Có người không được may mắn lắm khi được nuôi nấng bởi những gia đình ở tận miền Bắc lạnh lẽo xa xôi khí hậu không quen, quanh năm suốt tháng chỉ thấy toàn là tuyết phủ trắng xóa, hoàn cảnh xa lạ khó thích nghi với lối sống của người bản xứ. Có người lại được đưa tới tận cùng đồng trống sa mạc nóng bỏng, hay lọt vào gia đình của người da đen thì làm sao, hồi đó chưa hiểu kỳ thị là gì, chỉ thấy lo vậy thôi.
Thật hú hồn! Rồi cũng lên máy bay. Hành trang của ba dì cháu khi khăn gói quả mướp đến Mỹ vỏn vẹn chỉ có mỗi cái xách tay trong đó chỉ có một bộ quần áo cho mỗi người và một cái áo lạnh do hội từ thiện phát cho vì trời lúc ấy là cuối tháng mười một và khi bước chân đến Mỹ là bắt đầu tháng mười hai nên thời tiết bắt đầu trở lạnh.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng giáp mặt với người thực việc thực. Ngày đầu của tháng chạp ở Mỹ sao mà lạnh giá. Ông bảo trợ của chúng tôi đã đứng sẵn đón ở phi trường với một nhóm anh em nữa. Họ là các người bạn tỵ nạn đã đến trước chúng tôi chẳng bao lâu. Thật là cảm động muốn khóc, khi vừa thấy chúng tôi ra khỏi cửa cổng phi trường là ông hối những người trong xe đem đến cho chúng tôi ba cái mền lớn vì ông sợ chúng tôi lạnh. Khi được biết ông là người bảo trợ của chúng tôi thì cả ba dì cháu nhìn nhau mỉm cười, trong lòng ai cũng thở phào nhẹ nhõm tuy không nói ra bằng lời nhưng chúng tôi hiểu nhau bằng ánh mắt.
Ông bảo trợ là người có dáng vóc của một người Mỹ trắng cao lớn dềnh dàng hơn các người Mỹ bình thường, khoảng 6" rưỡi hay gần 7", thân hình nặng nề khoảng gần hai trăm mấy chục hay ba trăm pound có lẽ, trạc chừng sáu chục tuổi nhưng ông có vẻ già hơn tuổi. Có lẽ người Mỹ họ mau lớn nên cũng mau già, vẻ mặt phúc hậu chỉ mĩm cười nhiều chứ ít khi cười lớn tiếng, ánh mắt hiền từ nhưng sắc bén, giọng nói chậm rãi nhưng hơi ồ ề vì lúc bấy giờ ông còn hút thuốc lá và hút xì gà nữa. Ông thỉnh thoảng thích pha trò nói những câu hàm nhiều ý nghĩa hồi ấy thì chúng tôi chẳng hiểu gì mấy, may nhờ có mấy anh bạn trên xe cắt nghĩa.
Trên đường từ phi trường về nhà ông, ông tự lái chiếc xe van, thường hỏi han chúng tôi có lo sợ trước khi gặp ông ấy không. Tôi bị hỏi trúng tim đen nên cũng đành cười trừ và thành thật trả lời ông là chúng tôi đã hết lo và rất mừng khi được gặp ông. Trong những ngày đầu đến nhà ông, vợ của ông cũng khoảng tuổi của tôi, bà rất đẹp ăn nói vui vẻ hoạt bát giải thích cho tôi hiểu những điều cần thiết xã giao. Và chỉ dẫn cho tôi cách xử dụng đồ dùng trong nhà, rất ân cần hỏi han đến chúng tôi nên ba dì cháu không cảm thấy lạc lỏng.
Sau đó ông bảo trợ đã dẫn chúng tôi đi chào những người quen gia đình và bạn bè của ông và ông cũng đã nói cho người bản xứ hiểu biết về nỗi gian truân của những người vượt biên tìm tự do như chúng tôi. Ông đã chiếu cho chúng tôi xem một bộ phim tài liệu về những thảm cảnh ngày 30/4/75 và những hình ảnh đau thương của những cuộc hành trình tìm tự do trên biển cả của chúng ta.
Đến đây cũng xin nói thêm về ông bảo trợ của chúng tôi. Ngay sau biến cố tháng 4/75 ông đã tự tìm hiểu và đi đến tận trại tỵ nạn nơi mà những người Việt đầu tiên đặt chân trước khi đến Mỹ đó là hòn đảo Guam và ông đã nhận bảo lãnh sáu anh chị em cùng trong một gia đình. Ông đã nuôi nấng họ như những đứa con ruột thịt của ông và những người đó giờ đây đều đã thành tài. Trước lúc ba dì cháu chúng tôi đến Mỹ không bao lâu, ông cũng đã đến tận trại tỵ nạn Song Kha để bảo lãnh và đưa về Mỹ một người em gái của sáu anh chị em mà năm năm trước đó ông đã bảo lãnh họ.
Sau tuần lễ đầu, ba dì cháu chúng tôi được ông mướn cho một apartment gần trường học để hai cháu tôi có thể mỗi ngày đi bộ đến trường, gần chợ để chúng tôi có thể tự đi mua thực phẩm lấy nếu trường hợp không có ai rảnh để đi nhờ xe, còn tôi thì cũng có một việc làm khả dĩ có thể trả được tiền nhà và tiền ăn uống. Cuộc sống của ba dì cháu tạm yên ổn.

Trong thành phố nhỏ hẻo lánh thuộc tiểu bang Georgia, người dân miền Nam sống thật hiền hòa, tình cảm đôn hậu, họ mở rộng vòng tay chào đóng chúng tôi không chút ngại ngùng, gặp chúng tôi trong chợ hay ngoài phố họ tươi cười thăm hỏi. Ở tỉnh nhỏ thì mọi người đều quen tên biết mặt nhau, hơn nữa ông bảo trợ của chúng tôi cũng là người kỳ cựu trong tỉnh lại có tiếng tăm nên ai cũng biết ,vì vậy khi ông bảo lãnh những người tỵ nạn đầu tiên ông đều tìm công ăn việc làm cho họ, rồi những việc đưa rước họ đi học tiếng Anh thêm vào buổi tối đi lo thủ tục giấy tờ cho những người mới đến, đi khám sức khỏe, đi bệnh viện, đi nhà thờ cuối tuần vv…đều có người lo cho.
Những người dân trong tỉnh lúc bấy giờ cũng tỏ ra rất thân thiện với dân tỵ nạn vì chúng tôi ai cũng tự biết phận mình, ở nơi xứ lạ quê người, nên chỉ biết lo làm việc siêng năng, học hành chăm chỉ. Ông bảo trợ chúng tôi cũng rất chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của chúng tôi như những đứa con bị lạc loài mới tìm được tổ ấm, ông còn nhờ người ta mua những quyển kinh thánh dịch bằng tiếng Việt và phát cho mỗi người chúng tôi. Có khi ông đem lại cho chúng tôi xem những tờ báo trong tỉnh viết về những học sinh Việt Nam học xuất sắc trong trường có kèm theo ảnh của họ và ông nói về chúng một cách rất hãnh diện vì hồi đó tiếng Anh đâu có nhiều lắm làm gì có thể đọc báo mà biết những chuyện gì đã xảy ra. Ông coi chúng tôi như con và chúng tôi thường gọi ông là "Bố Già" hay "God Father". Ông đã từng chủ hôn cho nhiều cặp vợ chồng trong cộng đồng tỵ nạn nhỏ bé chúng tôi trong số đó có vợ chồng chúng tôi, làm lễ trong nhà thờ có cha xứ hay ông còn cho mượn cả văn phòng làm việc của ông để đãi tiệc cưới, ông lại đảm nhận việc trả chi phí làm lễ hôn phối.
Nhiều khi cũng có xảy ra việc dở khóc dở cười. Số là ông đã bảo lãnh cho một phụ nữ trên giấy tờ thì còn độc thân nhưng khi đến Mỹ một tuần thì chuyển bụng sanh. Thật ra khi vừa xuống máy bay thì ông đã để ý và có hỏi tôi, thì ra chị ấy đến trại tỵ nạn thì gặp được "anh ấy" và có bầu trước khi sang Mỹ. Ông bảo trợ của tôi mới hỏi tới lai lich người chồng. Được biết là anh chồng đã đến Mỹ trước và đang ở tiểu bang khác rồi ông liên lạc với người chồng, khi mẹ tròn con vuông thì mua giấy máy bay cho chị ấy và đứa con nhỏ mới được một tuần đến xum họp với chồng.
Nói về trường hợp này, ông chỉ mỉm cười và nói đùa "lần này thì có lời rồi, nhận một người lại được cho thêm một người" giống như "buy one get one free vậy". Từ đó ông rất ngại bảo lãnh cho những người nữ độc thân, tuy nhiên không vì vậy mà ông từ chối họ.
Đối với những người thanh niên độc thân thì ông kiếm những apartment cho họ ở chung với nhau rồi chia tiền nhà, những người đi cùng chung gia đình thì mướn riêng nhà cho họ ở. Các cô gái còn độc thân thì ông nhờ những gia đình dân bản xứ nào có ý muốn bảo lãnh người tỵ nạn thì giao cho họ và cũng thường xuyên liên lạc khi cần ông giúp đỡ.
Nhưng không những chỉ có thuyền nhân Việt Nam, ông còn lo cho cả người Lào, Campuchia, Cuba và Africa…đều do ông bảo trợ. Con số người tỵ nạn lên đến gần ngàn người trong vòng một năm vì lúc đó con số người Việt tỵ nạn ở cao điểm nhất. Cho nên những vấn đề cấp thiết phải được đặt ra, ông đành phải xin trợ cấp của chính phủ cho họ qua chương trình tỵ nạn vì một cá nhân không thể nào có khả năng đảm trách chu toàn được và cũng từ đó có nhiều vấn đề trầm trọng xảy ra trong cái tỉnh lỵ nhỏ bé.
Đa số những người dân tỵ nạn chỉ biết cần cù làm ăn để lo tương lai cho con cái sau này, chỉ có một số ít có lẽ được lãnh tiền trợ cấp hàng tháng và họ chưa có việc làm, hơn nữa số công việc làm thì có hạn nhưng người thì mỗi ngày một đông thêm, những khuôn mặt mới đến làm cho dân bản xứ bắt đầu thấy lo ngại lại thêm vấn đề bất đồng ngôn ngữ, văn hóa phong tục khác nhau nên gây nhiều hiểu lầm và xô xát với nhau giữa những người tỵ nạn, làm ông bảo trợ cũng thấy điên đầu mỗi ngày. Có khi họ bị cảnh sát bắt vì không hiểu luật lệ khi đi trong chợ hay "cầm nhầm" ông phải lãnh họ ra.
Do những xáo trộn đó mà dân chúng trong tỉnh có phản ứng, than phiền và dè dặt đối với dân tỵ nạn hơn. Báo chí viết về ông với cái nhìn phiến diện, những người tỵ nạn cũng thắc mắc và than trách. Có vài người bạn của tôi họ cũng nói cho tôi biết như vậy và có ý chê trách ông. Tôi chỉ lắc đầu nói với họ rằng " những gì mà ông bảo trợ đã giúp đỡ cho chúng tôi khi chúng tôi mới đặt chân đến đây quá nhiều và tôi không bao giờ quên". Tôi thực sự không hiểu hết những ẩn tình bên trong nên không có ý kiến gì cả. Theo sự nhận xét và hiểu biết của tôi đối với ông bảo trợ thì những điều đó không làm giảm sút sự kính trọng và thương mến của tôi đối với ông. Tôi là một trong những người tỵ nạn có được may mắn tiếp xúc gần gũi với ông hơn và tôi tin tưởng ở sự cảm nhận của tôi. Đối với một người có một tấm lòng vị tha thương yêu đồng loại dù là những người ông chưa từng quen biết ở tận nơi phương trời xa xôi bên kia quả địa cầu, đã cưu mang chúng tôi sang đây thì làm sao ông lại nhẫn tâm làm những chuyện trái đạo. Nói cho cùng những người gian xảo tồi tệ trên đời quá nhiều, những kẻ nói nhiều làm út thì không thiếu, người ra rất dễ tin và dễ giận dữ nên sự phán đoán của họ vội vã, quyết đoán trước khi tìm hiểu cặn kẽ. Thói thường người ta hay dễ dãi đối với chính mình và khắt khe đối với kẻ khác.
Sau đó thì chương trình bảo trợ người tỵ nạn trong tỉnh không còn liên tục nữa, chỉ khi nào có người muốn nhờ ông chỉ dẫn phương tiện để tự bảo trợ cho gia đình của họ thì ông sẵn sàng giúp đỡ và cho ý kiến. Dân tỵ nạn trong tỉnh cũng thưa thớt dần, công ăn việc làm không nhiều nên họ đến rồi lại bỏ đi đến những tiểu bang khác. Ba dì cháu chúng tôi cũng dời đi vì hai cháu tôi đã theo học đại học, tôi cùng chồng đi Texas. Mỗi lần ra đi chúng tôi đều đến từ biệt ông bảo trợ, ông cũng tỏ vẻ thông cảm và muốn chúng tôi giữ liên lạc với ông nếu có địa chỉ mới và mỗi năm vào dịp lễ Christmas trước khi tôi gửi thiệp chúc mừng đến gia đình ông thì ông đã gửi thiepä đến cho chúng tôi rồi. Điều làm ông rất cảm động là khi có những người từ những nơi xa xôi ghé tạt thăm ông, biếu ông vài món quà đặc sản nho nhỏ, hỏi thăm vài câu chuyện trong chốc lát rồi đi, đã để lại trong tâm hồn ông những tình cảm rất đậm đà sâu sắc, ông rất nhớ dai thường nhắc những kỷ niệm của từng người trong chúng tôi.
Thời gian trôi qua, không thể quay ngược thời gian để chiếu lại cuốn phim dĩ vãng đã vừa đúng hai mươi bốn năm từ khi chúng tôi vừa đặt chân đến đất Mỹ, dù thành danh hay thành nhân chúng ta cũng phải mang ơn nghĩa sâu nặng của những người Mỹ đầy lòng hảo tâm đã cứu vớt và cưu mang chúng ta trong lúc khốn cùng. Ông bảo trợ của chúng tôi là một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất.
Trong những lúc đau khổ nhất tuyệt vọng nhất phải phấn đấu quyết liệt cho sự sống còn trên mặt đại dương mênh mông đối diện với cái chết đang chờn vờn như bủa vây chung quanh chúng ta, trong khi sức đã tàn hơi đã cạn không còn cách gì khác hơn là chỉ cầu Trời Phật hay Đấng Cứu Thế nhiệm màu đưa tay cứu vớt. Và các ngài đã ban cho chúng ta những chiếc phao của cuộc đời, đó là những người bảo trợ đầy lòng bác ái trên đất Mỹ. Ông bảo trợ của chúng tôi đã làm những việc mà ông thấy phải làm, xuất phát từ trái tim nhân hậu, thông đạt tình thương giữa người với con người, thực hành những lời Chúa dạy và ông không cần chờ đợi sự ban thưởng hay khen chê của người đời .
Bâây giờ ông đã ra đi vĩnh viễn và đáng đứng trước mặt Chúa để chờ sự phán xét cuối cùng của Ngài. Chúng tôi vô cùng thương nhớ ông. Đã hai mùa Giáng Sinh không còn nhận được thiệp Giáng Sinh của ông nữa, nhưng trong lòng chúng tôi lúc nào cũng chứa đầy hình ảnh nhân từ khả kính của "Bố Già".

Bạch Hồng
Houston, Texas

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,289,366
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.