Hôm nay,  

Đôi Bờ Hạnh Phúc

25/12/201400:00:00(Xem: 30029)

Tác giả: Lê Nguyễn Hằng
Bài số 4421-14-29821vb5122514

Trong những ngày chờ Lễ Giáng Sinh năm nay, miền Bắc California có trận bão lớn. Mời đọc bài của Lê Nguyễn Hằng viết về người bạn thân từ thủa học trò Tuy Hoà. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.

* * *

Sáng nay, trời vẫn mưa tầm tã, gió thổi lá rụng đầy sân, làm nghiêng ngả cây cối sau vườn, nhất là những lẵng hoa treo trên patio. Vài chậu cây bị đổ nhào, đất văng tung tóe, tôi nhặt những cành hoa bị dập nát mà lòng xót xa. Suốt đêm qua, gió bão ầm ầm, mưa tuôn xối xả. Đã ở thành phố San Jose này ba mươi sáu năm, tôi có cảm tưởng như đây là trận mưa bão lớn nhất từ trước đến giờ.

Vợ chồng Tâm, bạn rất thân của tôi sáng sớm mai sẽ lái xe từ Santa Ana lên chơi. Nhìn trời âm u, gió mưa ào ạt, tôi lo ngại quá, sẽ gọi điện thoại báo cho Tâm biết tình hình thời tiết trên này để bạn tôi định liệu, tôi cũng sẽ nhắc Tâm lái xe cẩn thận và nhớ đem theo một ít thức ăn trên xe phòng hờ bị kẹt đâu đó vài tiếng. Tiên đoán thời tiết khuyên rằng khi gặp những nơi mưa quá lớn và đường ngập nước thì nên tấp vào chờ. Vùng Los Angeles cũng bị bão lớn và đất truồi. Nhất là qua đèo 52 mà có mưa to gió lớn thì thật là nguy hiểm. Thấy thời tiết quá xấu mà chỉ là đi chơi chứ không có gì bắt buộc nên vợ chồng Tâm đã hoãn chuyến đi.

Nghe vậy tôi hơi buồn vì đã chuẩn bị từ mấy hôm nay mà bây giờ lại mất dịp đón tiếp bạn hiền. Tuần nào Tâm và tôi cũng nói chuyện điện thoại đôi ba lần, thế mà tôi vẫn thương và mong gặp bạn vì lúc nào cũng có nhiều điều để kể lể, nỉ non. Tôi đã định nấu vài món Bắc thật ngon đãi bạn. Riêng Qúy, chồng của Tâm thì quá dễ, chỉ cần có bia Heineken và bánh mì tây ngon dòn ăn với bơ là xong ngay.

Tâm và tôi là bạn thân thiết từ năm 1954, khi chúng tôi mới di cư từ miền Bắc vào Tuy Hòa, một thành phố nhỏ bé hiền hòa miền Trung. Ba của Tâm là thầy giáo, còn bố tôi làm cho Ty Ngân Khố, hai gia đình nguyên là công chức từ Hà Nội được chính phủ tái bổ nhiệm về tỉnh Phú Yên. Mỗi gia đình chúng tôi được cấp một căn nhà tranh vách lá ở trong khu "Bắc Kỳ Di Cư". Thỉnh thoảng, nửa đêm đang cơn ngủ mê bị đánh thức vì những tiếng la thất thanh cháy nhà. Một sơ ý nho nhỏ cũng đủ thiêu rụi cả dãy, có lần nguyên cả khu chìm trong biển lửa. Do đó, đợt thứ hai được nâng cấp lên nhà tranh vách đất, đỡ bị cháy hơn.

Ở cùng một khu, nhà sát vách nhau, đám con gái chúng tôi vừa ẵm em vừa nhảy dây, chơi chuyền, ô quan, rải ranh, u quạ và cùng tắm chung ngoài giếng công cộng lúc trời tối. Buổi trưa, rủ nhau qua bãi tha ma bên kia đường hái trái dâu, dú dẻ, chim chim, dãi nắng suốt mùa hè. Buổi tối cơm nước dọn dẹp xong, chúng tôi đi theo những đốm lửa chớp sáng lung linh để bắt đom đóm, bỏ chúng vào trong một cái ly thủy tinh, ánh sáng rực rỡ tuyệt đẹp. Những trò chơi tiêu khiển rất đơn sơ và nghèo nàn không tốn tiền, nhưng lại vui một cách hồn nhiên.

Thời gian thần tiên đó chỉ kéo dài được vài tháng thì Thầy Cẩn, một thầy giáo cũng "Bắc Kỳ di cư" nhớ nghề cũ mà không đành lòng nhìn đám con nít lêu lổng, thầy bèn mở một "lớp học bỏ túi" ngay trong cái miếu bỏ hoang dưới một cây đa cổ thụ, để dạy dỗ chúng tôi. Bọn tôi gọi đó là "lớp thập cẩm" vì mọi người đều học chung một lớp bất kể học lực và tuổi tác.

Lớp học thật đơn sơ, bàn ghế là mấy miếng gỗ mục kê trên vài cục gạch bể, trông rất thảm hại vì lúc nào cũng lung lay, chỉ chờ ai đụng nhẹ vào là đổ sập xuống ăn vạ. Bút mực là ngòi viết buộc dây cao su vào cây đũa, chấm vào nước quả mùng tơi màu tím, thế mà lũ học sinh vô trật tự đó cũng chịu khó tới "lớp miếu" cho đến khi thầy Cẩn về Bộ Giáo Dục, xin được ngân khoản, xây dựng mấy gian nhà tranh làm "Trường Nam Tiểu Học". Vài năm sau, Trường Nữ Tiểu Học ra đời, nhưng Tâm và tôi vẫn tiếp tục sát cánh với đám bạn học sinh con trai học ở Trường Nam vì Trường Nữ chưa có lớp cao.

Vài năm sau bố mất, Tâm theo mẹ dọn nhà về đường số 6, chỉ cách nhà tôi một bãi tha ma. Buổi chiều sau khi tan học, lấy cớ là phải học chung để làm bài, chúng tôi cũng có học một tí chiếu lệ, nhưng phần lớn là thủ thỉ chuyện trò với nhau, sau đó chúng tôi đưa nhau về. Đưa qua đưa lại mãi rồi cuối cùng cũng phải có một người đi về nhà một mình. Vì thương bạn, phần lớn tôi chịu hy sinh, ba chân bốn cẳng chạy băng qua bãi tha ma, không dám nhìn lại đằng sau vì tôi rất sợ ma. Dù vậy chúng tôi cũng không "chừa" gặp nhau. Buổi trưa, trước khi đi học, tôi và Tâm thường hay vào vườn nhà người ta "mua" trái cây, thế là Tâm thoăn thoắt trèo lên cây tha hồ hái quăng xuống cho tôi nhặt, thế nào cũng có vài quả rơi "nhầm" vào túi áo chúng tôi, chủ nhà chắc chắn biết đấy nhưng cũng lờ đi coi như "cho" đám nhất quỷ nhì ma này.

Khi đi học về, thỉnh thoảng Tâm ghé nhà tôi, nhiều khi hai đứa đói quá lục cơm nguội ăn với nước dưa muối, thế thôi! Vậy mà hai đứa xì xụp vừa nhai vừa húp một cách ngon lành. Bây giờ chúng tôi có ăn cao lương mỹ vị cũng không thấy ngon bằng cơm dưa muối những ngày nghèo khổ ấy.

Những tháng hè rảnh rỗi, Tâm và tôi thuờng theo đám bạn đến cầu Ông Chừ chèo ghe trên sông Chùa, sang Ngọc Lãng đi bẻ mía rồi hái trộm bắp. Thỉnh thoảng đến nhà người bạn có khu vườn rộng, sau khi bắt bướm hái hoa chán chê thì hè nhau hì hục xay bột đổ bánh xèo, cuốn vài cọng xà lách, chấm với mắm cái, ôi không bút mực nào tả hết được cái ngon của những món ăn thanh bạch, đơn sơ của thời thơ dại!

Lớn lên, hai đứa tôi cùng làm cho Đài Phát Thanh Tuy Hòa. Mỗi ngày đi làm chung bằng xe xích lô cho đỡ tốn. Thỉnh thoảng làm sang, ghé ăn phở ở tiệm Bình Minh. Nhưng thường thì không có đủ tiền để mua cho mỗi đứa một bát phở nên chỉ mua một bát và mượn một bát không để chia tô phở làm hai, chúng tôi trộn vào thật nhiều giá và rau xà lách để ăn cho đủ no. Đến khi tôi lấy chồng ở Tuy Hòa, Tâm là người bạn học cùng lớp duy nhất đến dự đám cưới, các bạn khác phần lớn đã tản mát bốn phương trời.

Cuối cùng Tâm cũng bỏ tôi mà đi, mãi tận Đà Nẵng, tôi có thăm Tâm một lần rồi hai đứa mất liên lạc vì lúc đó chiến tranh đang đến hồi khốc liệt, di chuyển từ tỉnh nọ đến tỉnh kia rất tốn kém mà không phải là chuyện dễ. Hơn nữa chúng tôi đều có con nhỏ phải chăm sóc. Lúc Đà Nẵng mất, tôi rất lo cho Tâm nhưng cũng đành chịu vì chẳng làm gì được, chỉ biết cầu mong cho gia đình bạn tôi được bình an.

Đột nhiên, như một giấc mơ thần thoại, bất ngờ gặp lại Tâm trong trại ty nạn ở Đảo Guam tháng 5 năm 1975. Trong lúc đang hoang mang, lo sợ, buồn tủi vì phải bỏ nước ra đi và không hiểu tương lai sẽ khó khăn như thế nào, chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc sướt mướt kể lể chuyện ngày xưa.

Sau khi rời trại tỵ nạn, dọn về ở Virginia ba năm, gia đình tôi cuối cùng đã chọn vùng nắng ấm, thung lũng hoa vàng San Jose ở California làm quê hương thứ hai. Tuy không liên lạc được với Tâm một thời gian dài, nhưng tôi cũng không lo vì biết chắc người bạn thân yêu của tôi và gia đình đã đến được bến bờ tự do như tôi.

Một ngày đẹp trời năm 1978, được tin gia đình Tâm đã bỏ xứ lạnh Wisconsin dọn về Nam California, vợ chồng con cái tôi tức tốc xuống đón mừng gia đình Tâm. Từ đó đến nay, hai đứa tôi như chim liền cánh, cây liền cành, lúc nào cũng có nhau mặc dù đứa ở miền bắc, đứa dưới phía nam, xa nhau cả gần 500 dặm. Chỉ mỗi việc chạy lên chạy xuống dự đám cưới sáu đứa con của Tâm và ba đứa con của tôi cũng làm chúng tôi bở hơi tai.

Mỗi lần tôi than đau vai vì phải dùng computer nhiều quá là Tâm lại gửi theo Xe Đò Hoàng lên cho tôi, khi thuốc uống, lúc thuốc xoa. Chỉ sự lo lắng và chăm sóc của nguời bạn chí tình này cũng đủ làm cái vai giảm đau một nửa rồi.

Ngày Valentine năm 2004, trên San Jose, tôi đến chùa xin được quy y và thầy đã cho tôi Pháp danh "Diệu Tâm". Như một định mệnh, tình cờ trong Pháp danh của tôi có tên của Tâm. Cũng chiều hôm ấy, dưới Santa Ana, Tâm cũng xin quy y và nói cho thầy biết về Pháp danh của tôi nên thầy đã đặt tên cho Tâm là "Diệu Hằng". Thế là cho đến chết, chúng tôi lúc nào cũng mang tên của nhau.

Tâm làm thơ rất hay. Một nhạc sĩ học cùng trường và cũng ở trong khu di cư với hai đứa tôi, đã phổ nhạc mấy bài thơ của Tâm. Vì tình bạn cao quý "thương nhau trái ấu cũng tròn," tôi bèn lấy hết can đảm hát những bài thơ của Tâm. Nhờ thơ hay và nhạc cũng rất hay nên mới che lấp được cái giọng hát "không hay" của tôi. Nhưng điều đáng quý là ba đứa tôi, thân nhau từ thuở tiểu học, đã dám cả gan làm thơ, đặt nhạc và hát cho nhau nghe.

Quý, chồng của Tâm là một cựu sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Anh có bề ngoài rất đàn ông, lúc nào ăn mặc cũng thanh lịch, chải chuốt, lại thêm hát hay và nhẩy đầm lả lướt. Tưởng là một bậc "ăn chơi", nhưng Quý lại rất khéo tay và chăm lo việc nhà. Ai đến nhà nhìn vào cái vườn thượng uyển của đôi uyên ương này cũng phải trầm trồ, từ cái patio thật vương giả, đến những giàn hoa tươi thắm và những cây trái trĩu chịt, tất cả đều do hai vợ chồng tự làm. Tâm thường chia cho tôi từng cành hoa, cọng cỏ đẹp và hiếm quý để tôi đem về trồng. Người nào đến khen vườn của tôi, tôi cũng khoe ngay: "cây hoa này, chậu hoa kia, vòm cỏ nọ, đều là của Tâm, bạn tôi cho đấy".

Các con của tôi rất ngưỡng mộ vợ chồng Tâm, chúng nó luôn bảo rằng: "Cô Tâm đã đẹp mà chú Quý lại cool, hai người thật xứng đôi."

Tâm và tôi có rất nhiều bộ quần áo và áo dài giống nhau. Hôm đi dự đại hội trường cũ, có lúc thấy tôi một mình, một người bạn hỏi đùa: "nửa kia đâu rồi mà nửa này đứng đây ngơ ngác thế?"

Ngày Tâm về hưu, tôi đã mua tặng bạn tôi cái đàn keyboard, trước là để giải trí, sau là bắt trí óc làm việc cho nó khỏi làm biếng mà quên trước quên sau.

Khi biết Tâm bị đau thần kinh tọa, tôi rất thương và lo cho bạn nên vội vàng gửi xuống cho Tâm chai thuốc bổ và những thứ thuốc chống đau nhức cả uống lẫn thoa. Tôi rất mừng được biết bạn tôi đã khỏi bệnh.

Tôi chợt nhớ ra một điều là trong suốt sáu mươi năm làm bạn, qua bao nhiêu tang thương dâu bể xảy ra trong đời, Tâm và tôi chưa hề một lần giận hờn hay nặng lời với nhau. Tôi không bao giờ ganh tị với nhan sắc và cái duyên trời cho Tâm, còn Tâm lúc nào cũng vui mừng với những thành quả tôi gặt hái được trên đường sự nghiệp. Chúng tôi luôn luôn bù đắp cho nhau.

Bây giờ hai đứa chúng tôi đã về hưu, không còn những buổi sáng bật dậy lúc còn ngái ngủ, sửa soạn vội vàng, chuẩn bị thức ăn cho các con đem đi học rồi phóng xe trên xa lộ để kịp giờ đến sở. Làm việc cật lực suốt ngày dài đằng đẵng, tan sở, hấp tấp đến trường đón con. Về đến nhà, bỏ chùm chìa khóa xe vào ví để trên kệ, chạy xuống bếp nấu cho chồng con bữa cơm chiều có cơm dẻo, canh ngọt.

Dù thỉnh thoảng đã có những đau nhức hay đầu óc quên ngược quên xuôi của tuổi "về già", chúng tôi vẫn có những phút rất "trẻ thơ", ngồi nhắc lại chuyện ngày xửa ngày xưa, thuở còn đi học, đứa nào có "bồ" trước và nhiều hơn, khi tôi đếm sót, Tâm còn nhắc tên anh chàng đó nữa. Lúc ấy ở tuổi học trò, chỉ là những lời bóng gió trong thiệp chúc Xuân hay lưu bút lúc nghỉ hè, bạo lắm cũng chỉ dám kẹp thư với vài giòng thổ lộ nhẹ nhàng khi trả sách cho mình thôi, thế mà cũng đã làm trái tim non dại xao xuyến. Bây giờ gặp lại nhau trong những lần đại hội của trường cũng chỉ nhìn nhau mỉm cười rồi thôi.

Cách đây bốn tháng, Tâm cho tôi biết ý định bán nhà đang ở, rồi mua một mobile home. Tôi hoàn toàn đồng ý và nói rằng một số bạn của vợ chồng tôi ở trên này, toàn quyền cao chức trọng, tiền bạc rủng rỉnh, cũng đã làm như thế vì bây giờ ai cũng trên 65 cả nên đã về hưu và muốn thu vén cho gọn lại, nhà nhỏ đỡ phải dọn dẹp và còn có tiền để chia cho các con cháu vì chết đi cũng chẳng mang theo.

Hôm tháng tám, khi tôi xuống dự Đại Hội Việt Báo ở Santa Ana, Quý và Tâm đã dẫn vợ chồng tôi đến xem một cái mobile home trước khi quyết định mua, chúng tôi đều thích. Hai tuần lễ sau, vợ chồng Tâm đã dọn nhà. Ai cũng tiếc cái vườn cây vợ chồng Tâm đã bỏ biết bao công sức và tiền bạc gây dựng, nhưng Tâm thản nhiên bảo tôi rằng: "tao đã ngộ rồi, cái gì dọn được thì mang theo và không tiếc nuối những gì phải bỏ lại".

Bây giờ các con của Tâm đều đã lập gia đình. Con gái lớn đã được dân cử vào một chức vụ trong chính quyền, con gái nhỏ mở một trường dạy kèm trẻ học sinh tiểu học rất thành công. Những cậu con trai cũng đâu vào đó cả. Người bạn chí thân này của tôi đến bây giờ vẫn còn vừa đẹp vừa duyên dáng như thuở nào mặc dù đã có một bầy con và một đàn cháu rất đông.

Tôi rất mừng là cuối cùng bạn tôi đã hoàn thành ý nguyện, bây giờ không còn bận lòng đến những chuyện ngày xưa từng quay cuồng, lo toan. Bạn tôi đã hoàn toàn hạnh phúc trong việc hưởng nhàn cùng chồng con và đàn cháu.

Bạn thân quý của tôi ơi! Mấy hôm nay đài truyền hình đã rộn rã chiếu lên những cây thông đèn sáng lấp lánh rực rỡ với những bài hát đón mừng Noel, chúc bạn và gia đình một mùa Giáng Sinh an bình. Nhớ giữ gìn sức khỏe để còn có sức vượt 500 dặm thăm nhau thường xuyên nhá.

Giáng Sinh 2014

Lê Nguyễn Hằng

Ý kiến bạn đọc
07/03/201503:24:53
Khách
Long,
Rất vui có thêm một đồng hương, nếu hỏi ra có thể cô biết ba mẹ của Long. Liên lạc với cô ở email "[email protected]" nhá.
Cô Hằng
05/03/201521:46:44
Khách
Cam on Co Hang, mot bai viet that hay va day y nghia, lam chau cung nho lai thoi gia dinh con con song o Phuong 6, Tuy Hoa, Phu Yen, Bo of Con cung lam Dai Phat Thanh Tuy Hoa vao khong thoi gian do, Me of Con thi Day Hoc ben Truong Nu, Con thi hoc ben Truong Nam, Co le neu noi ra chac Co Hang se biet. That la hay neu nhan duoc Dong Huong Voi Nhau.
12/01/201506:00:16
Khách
Xin tặng tác giả hai câu thơ :
Sống trong vàng , bạc , kim cương ,
Không bằng sống giữa tình thương bạn bè .
Jan. 11. , 2015
03/01/201503:42:52
Khách
Nếu mình cứ xem hay nghe tin tức hằng ngày thì chỉ thấy toàn những chuyện để buồn lo và mất tin tường ở người và đời. Riêng mình vẫn thấy có bao nhiêu người tốt chung quanh, như các y tá và bác sĩ đã tân tụy chữa bệnh cho con gái mình, vợ chồng người bảo trợ đã giúp đỡ gia đình mình hoàn toàn không vụ lợi và những người bạn tốt thương yêu mình không điều kiện thì thấy đời còn đáng yêu và đáng sống lắm các bạn ạ.
Cám ơn các bạn đã gửi lời khen và khuyến khích.
Hằng
01/01/201521:31:45
Khách
Thật là một tình bạn hiếm quý. Chị thật là một người sung sướng nhất rồi đấy! Có khi phải mất cả một đời người cũng không có được một người bạn tri kỷ để thông cảm, chia sẻ và thương yêu.
31/12/201405:45:12
Khách
Một tình bạn thật đẹp, một tưổi thơ thật đáng ghi nhớ. Lời văn rất giản dị không cầu kỳ, tác giả đã khiến người đọc tìm được những giấy phút thoài mái nhẹ nhàng. Chúc bạn sẽ gặt hái thật nhiều những đóa cảo thơm trong vườn hoa văn chương nhé!
31/12/201405:28:31
Khách
Một bài viết rất hay về tình bạn. thật đẹp của tuồi thơ, lời văn rất giàn dị, thanh thoát không cầu kỳ, tác giả đã khiến đọc giả có được những cản giác rất nhẹ nhàng thư thái. Một món tinh thần thật phong phú. Chúc tác giả sẽ gặt hái thật nhiều những đóa cảo thơm trong vườn hoa văn chương nhé !
30/12/201405:53:40
Khách
Cám ơn những lời chia sẻ của ThuKỳ và Phương. Quả thực tôi đã may mắn có người bạn chí tình như Tâm và lúc nào tôi cũng trân quý tình bạn thâm sâu này.
Lê Nguyễn Hằng
25/12/201422:55:18
Khách
Sao cô suongs quá! Có một nguòi bạn thân chí cốt như vây? Sống với nhau thâm tình hơn cả chị em ruot. Chúc mừng cô có bạn hiền 60 năm cũ và nhièu năm sắp đến!
25/12/201422:44:52
Khách
Bài viết quá hay thật tuyệt vời trong tình bạn hiếm quý và cao cả ... Đọc xong thấy lòng mình thật bâng khuângcảm phục một tình cảm bạn bè tuyệt vời, khó tìm thấy trên đời. Cám ơn tác giả cho sống lại một thành phố Tuy Hoà, Phú Yên khổ nghèo nhưng nhiều kỷ niệm khó phai. Quá cảm động với những kỷ niệm đẹp trong đời.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,151,672
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến