Hôm nay,  

Nước Mắt

16/12/201400:00:00(Xem: 13001)

Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số 4411-14-29811vb3121614

Bài viết là một tự sự về nước mắt, từ tuổi thơ tới tuổi già. "Chồng tôi là lính VNCH. Thằng con tôi là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính," tác giả kể. Bà sinh năm 1948. Quê Biên Hòa Việt Nam, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bắt đầu viết từ năm 2010, có bài trên một số báo điện tử và các trang web: ngo-quyen.org; aihuubienhoa.com Hiện định cư tại Riverside, California.

* * *

Hồi nhỏ tôi hay khóc.

Tôi nhớ cứ mỗi lần ngủ trưa dậy là tôi hay nhè. Một cái gì khó chịu làm tôi muốn khóc. Người váng vất buồn bực, bức rức muốn cái gì mà mình không biết chỉ là khóc. Khóc sụt sùi, khóc tỉ tê khiến người nhà bực bội.

Má tui dỗ nhiều cách. Cho ăn kẹo, ăn bánh, cho quà, ôm vào lòng dỗ dành mà sao tôi vẫn không nguôi. Tôi cứ kiếm một góc mà ngồi nhè. Có đem tôi ra đánh thì sau trận đòn tôi vẫn tiếp tục ngồi khóc nhừa nhựa một hồi lâu. Cho nên lúc nhỏ tôi có tên là Chín Nhè hay Chín Nhựa. Vì tôi khóc rất dai, nhựa nhựa dễ ghét lắm. Hôm nào ba tôi ở nhà là cơn nhựa đó ngắn đi vì tôi rất sợ ba tôi, còn không thì cứ âm ỉ như thế cho tới lúc cơn khó chịu dịu lại. Và tôi tự dưng tỉnh táo, tôi rửa mặt và trở về một con bé liến thoắng dễ thương.

Má tôi bực lắm, tìm đủ mọi cách mà không trị được tội khóc nhè của tôi. Cho đến một ngày, má tôi có chiêu mới. Bà không dỗ ngọt, bà không không cho bánh mà bắt tôi quỳ xuống, quay mặt vô vách và khóc. Nếu nín khóc bà quất mạnh một roi cho khóc tiếp. Tôi khóc như thế không biết bao lâu theo từng lần roi quất của má. Trong tôi có một sự bừng tỉnh lạ lùng và từ sau trận đòn" KHÓC CHO ĐÃ" của má tôi đã bỏ được tật khóc nhè.

Kỷ niệm ấu thơ đó ghi mãi trong tâm hồn tôi và là một kinh nghiệm sống để đời. Đôi khi mình đi mà mình không biết rõ con đường đi đúng hay sai. Có nhiều lúc mình xuôi theo cơn xoáy cuộc đời mà không dừng lại nhìn thật rõ về hành động của mình, về cái tôi của mình và nhận định chính chắn có nên dừng những việc làm sai phạm cho kịp lúc. Ngày còn thật bé tôi chỉ biết khóc mà không hiểu vì sao mình khóc. Nếu má tôi không cương quyết mạnh tay thì tôi mãi là con bé thật dễ ghét dưới mắt mọi người. Cho nên làm Mẹ, làm Cha đôi khi phải dẹp bỏ sự yêu thương, nuông chiều quá đáng con cái mà hãy để cho con cái thấy cái sai, cái ngu xuẩn của mình mà sửa đổi.

Khi tôi lớn lên một chút tôi có thêm một kỷ niệm về những giọt nước mắt.

Tôi là một cô con gái trong gia đình toàn là anh em trai nên được ba má khá nuông chìu. Một lần vào dịp gần Tết, Má tôi đi buôn ở Sài Gòn, bà mua về cho tôi một sâu chuỗi hột rất đẹp. Tôi nhớ nó màu trắng. được bọc ngoài bằng một hoa văn vàng úp vào giữa hột và ánh chiếu lấp lánh. Đây là một dây chuỗi hột giả nhưng rất đẹp. Má nói để đeo trong dịp Tết.

Tôi thích quá năn nỉ má cho đeo đi chơi một lát. Tôi mang ra khoe với nhóm bạn trong xóm. Có nhỏ Tám, nhỏ Thơ, nhỏ Thanh. Trước cặp mắt ngưỡng mộ thèm thuồng của nhóm bạn, tôi hảnh diện lắm, sung sướng lắm.

Khen và mân mê một hồi lâu, tụi nó xin cho đeo thử. Tôi mở ra cho mỗi đứa đeo một chút.. Thế rồi khi tới con Thanh nó xin được đeo thêm, tôi vui vẻ nhận lời còn khen nó đeo đẹp lắm. Tụi tôi chơi trò nhảy dây nên tôi cởi sâu chuỗi cất một chỗ bên thềm nhà con Tám. Tuổi trẻ ham chơi nên tôi quên sâu chuỗi đẹp. Khi về nhà má hỏi tôi trở lại chỗ cũ tìm thì đã không còn. Tôi hỏi con Tám, con Thơ, con Thanh tụi nó đều lắc đầu nói không biết. Má tôi la tôi một trận nên thân và tôi suýt bị đánh đòn.

Hôm sau, tôi thấy con Thanh đeo sâu chuỗi đó. Tôi đòi lại nó nhất định không trả, nó nói của má nó mua. Tôi đành... khóc và về mét má.

Má tôi hỏi đầu đuôi và nói "Của con, con phải giải quyết, con hãy nghĩ cách để lấy về. Má không can thiệp. Chuyện trẻ con mất lòng người lớn."

Tôi ra gọi con Tám, con Thơ làm chứng là hôm qua tôi đã đeo và đã để chỗ nào lúc nhảy dây (vì sợ xâu chuỗi bị đứt). Hai đứa tụi nó làm chứng rõ ràng như tôi nói. Thế nhưng Thanh nhất định không trả, nó lại nói ngược lại câu nói ban đầu là của má nó mua. Nó nói:

- Ừa! Không phải má tao mua, nhưng mà tao lượm được là của tao.

- Không phải mày lượm, mà của tao bỏ quên, hôm qua tao để có cả ba đứa mình cùng thấy. Tôi cãi lại

- Nhưng hôm qua mày đã đeo vào cổ tao là mầy đã cho tao. Con Thanh vừa nói vừa lấy tay che xâu chuỗi ở cổ sợ tôi nhào vô giựt lại.

- Tao cho cả ba đứa đeo thử, đâu phải một mình mày. Tôi cố nín khóc nói mạnh miệng.

- Nhưng tao lượm được là của tao, tao không trả, mày làm gì tao.

Con Thanh nói xong bỏ chạy về nhà đóng cửa lại. Giờ này ba má nó không có ở nhà, tôi đành đi về mà thút thít khóc vì tiếc của. Con Thanh có tiếng là dữ nhất trong bọn nên tôi biết khó lòng lấy lại.

Má tôi thấy tôi chỉ biết khóc mà không đủ sức giành lại lý lẽ cho mình nên bà nổi sung thiên bắt tôi nằm xuống quất cho mấy roi vì tội "để bị mất của mà còn khóc nhè.” Sau đó tôi đã gặp ba má con Thanh để phân bua nhưng nó cương quyết rằng nó lượm được là của nó. Ba má nó không làm gì nên tôi đành mất xâu chuỗi xinh đẹp chỉ được đeo trong vòng vài phút.

Xâu chuỗi sau một thời gian bạn tôi đeo nó đã phai lớp vàng giả thành bạc phếch, xấu xí. Tôi không còn háo hức khi nhìn thấy nó, cả khi nó còn mới vì trong tôi nó không còn thuộc về tôi. Nhưng hình như tình bạn bị thương tổn nhiều lắm. Tôi không còn nhìn Thanh bằng sự thân tình, hết lòng mà đôi mắt có phần e dè, cảnh giác.

Trận đòn và những giọt nước mắt của tôi lại hiện về mỗi khi tôi nhìn thấy một việc gì gian trá, lừa lọc trong cuộc đời. Tôi thông cảm cho con tôi mỗi khi chúng không thể đương đầu với một tình huống chẳng đặng đừng. Tôi khâm phục má tôi, một người phụ nữ nhà quê mà biết xử sự khéo léo. Ngày đó nếu binh con và tiếc của má làm cho ra lẽ, tình xóm giềng chắc chắn sẽ bị sứt mẻ và tôi không có một bài học để đời. Bài học đó cho tôi một cảnh giác về những người mình tin tưởng. Về cái lý của người tham và đừng bao giờ kích thích sự thèm muốn nơi người đang thiếu thốn. Tại tôi đã gieo trong lòng bạn tôi sự thích thú, ao ước được có nên bạn tôi mới gian giảo để chiếm cho bằng được. Nếu tôi không khoe khoang thì xâu chuỗi không bao giờ mất và tình bạn sẽ không sứt mẻ.

Cái lỗi nhỏ nhoi của tuổi thơ nơi bạn tôi là câu trả lời cho tôi biết, tại sao bạn tôi thành công trên đường đời sau 1975. Có những người dùng bằng mọi cách để đạt được điều mình muốn lấy, dù việc làm đó không hợp lý, hợp pháp.

Tôi không như vậy. Tôi thấy mình rõ ràng, tôi thấy mình hơn ai hết và tôi thà chịu thua thiệt chứ không hơn thua, tranh chấp tới cùng để hai bên cùng bị thương tổn. Má tôi là người biết tánh con hơn ai hết nên đã đánh tôi một trận dù biết tôi không sai. Nhưng má ơi! Trận đòn ngày xưa cũng không thể làm con khác đi. Không làm con dữ dằn hơn, không làm con thay đổi hơn. Má đã sinh con ra như vậy, những giọt nước mắt đi theo suốt cuộc đời con gái má.

Tôi lấy chồng và trong 44 năm làm vợ, nước mắt theo tôi suốt cuộc hành trìnhTôi không hiểu sao tôi thật yếu đuối, tôi quá hiền lành. Tôi không hề dám gây lộn với ai. Tôi chưa từng nói lớn tiếng với mẹ chồng, chồng và ngay cả con cái.

Ai nói điều gì không đúng thì tôi ôn tồn giải thích. Nhưng khi họ không nghe và cãi bướng tôi chỉ lặng lẽ rút lui. Tôi nghĩ nếu đó là điều đúng thì họ sẽ thấy sau này. Không nên cãi vả mất cả tình. Những suy nghĩ đó có thể là sai, sai to khi mình thật sự là bạn thân. Mình trốn tránh sự thật là mình có lỗi với bạn. Thế nhưng, trời ạ! Tính tôi thế ấy.


Ngày xưa, khi tôi ra phụ em chồng bán nước sinh tố ở trước rạp Biên Hùng. Một dãy xe nước mía, sinh tố, nước ngọt để phục vụ khách vào xem hay vãn hát. Mấy cô bán hàng vì tranh chấp buôn bán nên cũng không mấy thuận thảo nhau. Một lần không nhớ vì lý do gì một cô đem tôi ra la lối. Tôi thấy tướng cô la và hung dữ mà tôi tức cười. Tôi làm thinh không nói gì. Em chồng tôi chờ tôi trả đủa mà thấy tôi cứ làm thinh. Cô tức mình la lại tôi:

- Trời ơi là trời! Tui chưa từng thấy ai hiền như chị. Chị hiền cũng chừa chỗ cho người ta với chứ. Răng mà nó nói rứa chị cũng mần thinh.

Và em chồng tôi quay qua chửi cô gái kia một trận. Hai bên la lối, cãi nhau om xòm. Sau này em chồng tôi là người hiểu và thương tôi nhất vì cô ấy biết tính tôi không hơn thua, tranh chấp.

Người ta nói nước mắt là vũ khí của đàn bà. Tôi nghĩ cũng không đúng lắm. Bởi vì khi một người phụ nữ khóc họ thật sự đau khổ và tủi thân. Chỉ trừ những người giả vờ khóc để lợi dụng người khác thì con tim mới không đau khổ. Khi đó những giọt nước mắt lợi dụng kia không phải là châu ngọc mà là vũ khí, là gươm dao. Mà gươm dao thì thường dùng để đối phó với kẻ thù, với kẻ cướp hay kẻ không tốt, không đáng cho họ thật lòng hay quan tâm. Như vậy tình cảm đó chỉ là thương mại, trao đổi, mua bán không có tình yêu.

Khi một người đàn ông dùng chữ "Nước mắt cá sấu" để đánh giá nước mắt của người phụ nữ đối diện thì họ không hề có tình yêu hay cảm thông. Họ không xứng đáng nhận những ân tình, những cảm xúc chân thật của người phụ nữ đối diện.

Tôi tin những giọt nước mắt xuất phát từ những cảm xúc thật rất đáng trân trọng. Đó là những hạt ngọc quý của tình yêu lóng lánh tuyệt vời. Giọt nước mắt của người con khóc cha mẹ bằng tấm tình chí hiếu. Người vợ khóc chồng, người mẹ khóc con trân trọng biết bao nhiêu. Những giọt nước mắt đó không có tính cách phô diễn hay bán rao mà là nhẹ nhàng, âm thầm long lanh rơi xuống.Những giọt nước mắt đó họ không muốn cho ai thấy, họ muốn nuốt vào, họ muốn chận lại, họ muốn kìm hãm nhưng nó cũng tự mình lăn ra khóe mắt. Chùi xong lại ra, âm thầm và chịu đựng. Đó là những viên kim cương của trời đất tặng cho loài người để đánh giá tình cảm của nhau. Tạo hóa tạo ra giọt nước mắt để trái tim và não bộ con người có chỗ phát tiết nỗi buồn. Khi khóc xong con người sẽ thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn.

Trong đời tôi chỉ có một lần tôi khóc thật lớn, thật to và bùng nổ dữ dội. Đó là ngày tôi đưa tiễn mẹ chồng tôi vào lò hỏa thiêu. Tôi không hề khóc kể từ khi mẹ chồng tôi đưa vào bệnh viện vì tôi biết sức bà đã cạn kiệt. Khi cúi xuống hôn bà và nói lời từ giã để bà yên tâm ra đi tôi chỉ mủi lòng chứ không hề khóc. Trong suốt thời gian lo cho tang lễ bà tôi cũng chỉ ngân ngấn mi. Khi nhìn hình bà và ông chồng đau yếu đang gục xuống thảm thương, tê dại tôi thương cảm vô cùng nhưng cũng là những giọt lệ âm thầm

Thế nhưng khi chồng tôi đưa tay bấm nút lò hỏa thiêu, tôi cảm thấy mình ngộp thở và một cơn xúc động dâng lên không thể nào kềm chế. Tôi đã khóc lần thứ nhất trong đời rất lớn rất lâu và bao nhiêu đè nén tuôn ra một lượt. Tôi cũng không hiểu sao mình lại có thể khóc một cách kỳ lạ như vậy. Nhưng thú thật sau lần khóc đó tôi cảm thấy mình thật nhẹ nhàng, tôi không còn nghĩ nhiều về mẹ chồng tôi. Trong tôi bà đã ra đi bình yên và tôi đã hoàn thành bổn phận của mình.

Cũng có những giọt nước mắt rơi xuống vì quá vui mừng. Tôi đã khóc vì mừng rỡ khi từ Miền Trung về lại Biên Hòa sau 1975. Dẫn con bước vào sân nhà từ đường, ba má tôi ra đón, tôi đã khóc thật say sưa, khóc cho sự trở về hạnh phúc. Khóc vì thương cha mẹ, thương mình và những ngày xa nhà gian lao. Giọt nước mắt mừng vui thật thoải mái biết bao.

Ngày ông xã tôi được trả về từ trại tù CS, tôi về nhà sau một ngày làm công nhân mệt nhọc. Xe vừa ngừng ở sân, anh ấy bước ra. Tôi sửng sốt không nói nên lời và chỉ biết khóc. Niềm vui vợ chồng sum họp làm con tim như được kết hoa.

Con người khác thú vật là biết khóc và biết nói để biểu lộ cảm xúc của mình. Hãy cho nhau những tình cảm tốt đẹp và những lời ân cần trong cuộc sống. Đừng cho nhau những mầm mống tàn độc để nước nước mắt có dịp thành hình.

Bây giờ dường như nước mắt tôi cũng cạn nhiều nên con mắt rất là khô. BS phải chận lỗ ghèn để nước mắt giữ lại và làm con mắt trơn, ít khô hơn. Mỗi ngày phải nhỏ một hai giọt Restasis và nước mắt giả vậy mà đôi khi con mắt vẫn cay xè.

Tôi không còn để tâm mình nhiều về sự hỉ nộ ái ố xung quanh tôi. Mọi việc tôi dễ dàng bỏ qua vì đời không có gì vĩnh cữu. Hãy tha thứ, nhẹ nhàng cho tuổi già an lạc. Tôi tự nhủ mình như vậy.

Thật ra chính tôi biết con tim mình rất yếu đuối, bao nhiêu năm trần thế nó đã thương tích nhiều lắm. Những mạch máu đi về cũng như đường đời chông gai đã không còn trơn lu thoải mái. Nó đã theo tôi bao nhiêu năm nên cạn sức lắm rồi. Hãy yêu thương và cho nó một chút nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nếu mình có thể. Tuổi càng cao con người lại càng hay tủi thân nên mình phải nhìn bao dung hơn để mình an lạc. Mình không thể đương đầu nghịch cảnh nên mình tự tìm cho mình một góc bình an, mình hãy thông cảm, tha thứ để khỏi bị tổn thương. Có thế mà thôi.

Cũng may là tôi đang sống tại nước Mỹ. Một nước mà mọi người, mọi lứa tuổi đều được bình đẳng. Tôi có tiêu chuẩn sống của tôi bằng quá trình làm việc. Con cái không có bổn phận hay phải bỏ tiền của ra nuôi cha mẹ nên không xảy ra những bất công hay những lời nói bất hiếu. Do phong tục nơi đây rất cởi mở nên mặc dù ở chung một nhà nhưng cha mẹ và con cái có thế giới riêng, một sự giải trí hay sinh hoạt riêng không bị ràng buộc. Con cái có thể dẫn nhau đi ăn, đi vacation riêng để hâm nóng lại tình yêu của chúng mà không cần dẫn cha mẹ đi theo. Cha mẹ có thể đi học nhảy đầm, giao tiếp bạn bè mà con cái không cảm thấy khó chịu. Không lời ra tiếng vào làm cha mẹ đau lòng, tủi thân hay bất mãn.

Sự tôn trọng tự do cá nhân của nhau là một điều cần thiết để mọi người không bị áp lực dù ở chung một nhà. Nói như vậy không phải con cái hay cha mẹ cứ đóng kín cửa phòng và không đếm xỉa tới nhau. Gia đình là một sợi dây vô hình ràng buộc mọi người cùng có trách nhiệm giúp đỡ nhau. Nhưng không phải vì vậy, mình bắt con cái phải làm và sống theo ý thích của mình. Con cái có tư tưởng và sinh hoạt trẻ trung của nó. Mình người già có bạn bè và những ý thích của riêng mình. Biết tôn trọng và tạo điều kiện cho nhau mới thật sự là yêu thương trong một mái ấm.

Nước mắt tự nó không là gì cả, một hiện tượng tự nhiên của cơ thể như nói, cười, chảy mồ hôi hay ách xì. Nhưng nó lại vô cùng tuyệt diệu vì nó được rơi ra ở một thời điểm cần thiết của đời sống tình cảm con người.

Những giọt nước mắt rơi xuống không có gì là đẹp trên một khuôn mặt đang đau khổ hay bi thương. Nhưng nó được trân trọng và có giá trị vì người ta nhận được cái đẹp vô cùng trong tâm hồn tiềm ẩn bên trong.

Người thấy và cảm nhận được giọt nước mắt long lanh như những viên kim cương hay giọt sương lấp lánh là người mới thật sự đẹp, một người đáng trân trọng. Vì họ có trái tim biết rung cảm, biết yêu thương và có tình người.

Nhìn ra cái đẹp trong những giọt nước mắt và tìm cách lau đi mới thật sự là một con người hiểu đúng nghĩa của tình yêu.

Nguyễn Thị Thêm

Ý kiến bạn đọc
25/12/201407:49:15
Khách
Bài sâu sắc quá. Văn phong rất săc sảo, lý tình diễn giải rất cặn kẽ thấu đáo! Một ngòi viét có tầm cỡ lắm.
17/12/201420:51:49
Khách
Cảm ơn chị Thêm, đã chia sẻ một bài viết thật hay!
16/12/201420:55:48
Khách
Thưa Chị Thêm,
Lần thứ hai đọc bài của chị thật sự đọc được thêm nhiều tố chất quá hay của một người phụ nữ nói chung từ chị. Em chỉ còn biết nói hai chữ khâm phục chị. Ông Trời không cho chị nhiều những gì có thể chị đã ao ước từ nhỏ nhưng ông Trời đưa cho chị một ngòi bút quá sắc bén, biểu lộ được những điều rất trừu tượng nhưng rất thực tế mà đi trong đời từ đó tới giờ em mới cảm nhận được sâu sắc từ ngòi bút của chị.
Cám Ơn chị thật nhiều. Cầu chúc chị và gia đình luôn an lành và may mắn.
Ngoài chuyện " nước mắt dành cho ngày gặp mặt" bây giờ em học thêm từ chị
"Những giọt nước mắt rơi xuống không có gì là đẹp trên một khuôn mặt đang đau khổ hay bi thương. Nhưng nó được trân trọng và có giá trị vì người ta nhận được cái đẹp vô cùng trong tâm hồn tiềm ẩn bên trong.

Người thấy và cảm nhận được giọt nước mắt long lanh như những viên kim cương hay giọt sương lấp lánh là người mới thật sự đẹp, một người đáng trân trọng. Vì họ có trái tim biết rung cảm, biết yêu thương và có tình người.

Nhìn ra cái đẹp trong những giọt nước mắt và tìm cách lau đi mới thật sự là một con người hiểu đúng nghĩa của tình yêu."
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,312,589
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.