Hôm nay,  

Ánh Hồng Trong Ngày Lễ Tạ Ơn

27/11/201400:00:00(Xem: 13338)

Tác giả: Phương Hoa
Bài số 4395-14-29795vb5112714

Thứ Năm tuần cuối tháng 11 là Lễ Tạ Ơn. Lễ tạ Ơn năm nay nhằm ngày 27-11, cũng là ngày đặc biệt nhất của cô gái Việt bị gả bán sang Mỹ rồi bị ông chồng già giam lỏng. Tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ nhất của tiểu bang Calif.

* * *

Huyền ngồi tựa đầu vào ghế sofa, chốc chốc bưng ly nước cam lên hớp một tí. Trúc và mẹ đang loay loay trong bếp. Huyền muốn vào phụ giúp bạn một tay nhưng mẹ Trúc không cho vì bà biết nàng còn mệt. Nàng mới từ Ohio bay qua Oakland, California, sáng nay.

Rảo mắt nhìn quanh, Huyền thích thú sự bài trí cho ngày lễ Tạ Ơn tại gia đình bạn. Rải rác đó đây là những cái giỏ mây chất đầy bí đỏ, những lọ hoa khô, và tấm bảng "HAPPY THANKSGIVING" lóng lánh ánh mạ vàng.

Sau mấy năm sống trên đất Mỹ, đây là lần đầu tiên nàng thực sự chứng kiến một ngày lễ Tạ Ơn. Nhìn bàn tiệc được trưng bày hoa mỹ, từ ly tach đến chén đĩa tô giấy lớn nhỏ có hoa văn hình gà tây, Huyền thầm ước phải chi nàng có cơ hội mở một bữa tiệc Tạ Ơn trang trọng như thế này, để cảm tạ những vị ân nhân vừa giúp nàng thoát khỏi kiếp đọa đày chính trên cái nước Mỹ nổi danh là tự do thừa thãi.

Bầu không khí rộn ràng, tràn đầy sức sống, đã làm cho Huyền quên đi mệt nhọc của chuyến bay dài. Hồi tưởng lại những gì nàng đã trải qua, cho đến bây giờ Huyền vẫn chưa dám tin đó là sự thật.

Huyền đi xuyên tiểu bang, hành trang mang theo chỉ là một túi xách áo quần và tờ giấy ly hôn. Nàng rời bỏ thành phố giá băng Ohio vội vã như chạy trốn. Mà nàng chạy trốn thật. Huyền rùng mình. Nếu không may mắn gặp được những con người tốt bụng, thì giờ đây nàng vẫn còn là một kẻ tù đày, ngày từng ngày bị ông chồng già giam lỏng. Chị Lisa, người chủ tiệm móng tay hàng xóm đã giúp nàng mọi thứ, từ việc mua vé máy bay đến đưa nàng ra phi trường. Và nếu nàng không tìm lại được Trúc đứa bạn thân hồi còn đi học ở Nha Trang, thì bây giờ nàng cũng chẳng biết về đâu.

Đã hơn ba năm, kể từ khi Huyền "lấy chồng Việt Kiều" rồi đến Mỹ. Ông Thận giữ nàng trong nhà không cho giao tiếp với ai. Ông ta lớn hơn nàng hai chục tuổi, là chủ một cửa hàng bán điện thoại khá lớn trong thành phố. Ly dị vợ, ông về Việt Nam cưới Huyền đem qua. Nói là cưới thì cũng không đúng lắm. Có lẽ phải gọi là "mua" thì chính xác hơn.

Mẹ Huyền từng là chủ một tiệm vàng bề thế ở thành phố. Nhưng vì hám lợi, bà chạy theo phong trào "cho vay nóng" hiện giờ ở Việt Nam. Với kiểu sáng vay chiều trả, mức lãi hai mươi lăm phần trăm, bà kiếm tiền nhanh như gió. Được thể, bà đem thế chấp căn phố vừa ở vừa kinh doanh cho ngân hàng, vay tiền về để cho vay nóng. Nhưng trong một ngày, bà bị bọn con nợ giật sạch. Chúng vay những số tiền khổng lồ rồi bỏ xứ trốn đi. Tiệm vàng bị phá sản, mẹ Huyền chết lên chết xuống, nhập viện liên miên.

Gặp lúc ông Thận về Việt Nam tìm vợ, có người biết hoàn cảnh mẹ Huyền nên mai mối. Ông Thận mừng quính trong lần đầu gặp Huyền, một cô gái vừa trẻ lại xinh đẹp. Cuối cùng qua thỏa thuận, Huyền bằng lòng lấy ông ta để mẹ có tiền chuộc lại căn nhà.

Nhưng ông Thận cũng rất cáo già. Có lẽ do kinh nghiệm từ người vợ trước. Ông bắt cô vợ trẻ phải ký một "Hợp đồng hôn nhân" trước khi cưới. Không đòi chia tài sản nếu sau này nàng ly dị ông. Huyền lặng lẽ cầm bút ký ngay không chút đắn đo. Nàng đâu cần gì những thứ ấy, chỉ mong giúp được mẹ trong cơn nguy khốn. Hơn nữa, trái tim Huyền đã chết từ khi mất Đoàn, người yêu đầu đời, việc lấy ai đối với nàng không quan trọng nữa.

Đem Huyền qua Mỹ, ông Thận giữ nàng rất kỹ, không cho đi đâu nếu không có ông cùng đi. Ông có tính ghen tuông, rất độc tài, nên đối xử với nàng chẳng khác gì nô lệ. Điều tồi tệ nhất, là sở thích quái dị trong chốn phòng the của ông. Dù lớn tuổi, nhưng ông ta vẫn đủ sức hùng hục dày vò nàng hằng đêm, nhờ vào một loại thuốc viên bí mật. Huyền ngày càng xanh xao, và nàng hiểu vì sao vợ trước ông ta ly dị. Mỗi lần đi chợ, shopping, xem ca nhạc, hoặc đi ăn nhà hàng ông đều đưa Huyền đi theo, để khoe với mọi người cô vợ trẻ xinh đẹp. Nhưng khi ông ta đi làm, thì Huyền phải ở trong nhà nấu ăn, xem ti vi, hoặc đọc báo tiếng Việt do ông đem về. Ngày xưa đi học, Huyền ham chơi nên lười biếng học Anh văn. Với số vốn tiếng Anh lèo tèo học vội học vàng trong khi chờ ông Thận bảo lãnh, Huyền không xem được Ti Vi Mỹ. Nàng cũng không dám chào hỏi hay chuyện trò với những người hàng xóm Mỹ cạnh nhà.

Là chủ cửa hàng điện thoại, nhưng nhà ông Thận chỉ có đường dây cơ bản gọi trong thành phố để khi cần Huyền gọi cho ông. Ông không muốn người vợ trẻ liên lạc với bất cứ ai. Mỗi lần cho Huyền gọi về Việt Nam, ông phải có mặt để nàng khỏi kể điều gì với mẹ. Cuộc sống của nàng đầy nước mắt. Nhưng Huyền vẫn cam chịu vì mẹ còn cần ông Thận giúp. Ông ta thà bỏ chút ít tiền gửi về cho bà mẹ vợ, hơn là để nàng tự do đi làm kiếm tiền giúp gia đình...

- Tất cả đã xong rồi, mọi người ơi!

Huyền chợt giật mình vì tiếng nói bô bô của Trúc.

Mùi gà nướng xông ra thơm ngát mũi. Cô bạn nhí nhảnh đang khệ nệ bê cái khay có con gà tây vàng lườm thật lớn, cẩn thận bước từng bước đem đến để giữa bàn. Thằng Thành em trai Trúc và ba đứa bạn của nó nghe kêu trên lầu chạy xuống. Huyền thấy đã khỏe nên cũng vào phụ giúp. Các món ăn được mọi người đem lên. Con gà tây nướng thật vàng được bao vây bỡi nhiều món ăn phụ. Bắp hột vàng, đậu ve xanh ngắt, bánh mì tròn, trái ô liu đen, mứt dẻo cranberry, và nước sốt gravy đặt quánh màu sữa. Mẹ Trúc ra sau cùng, bưng theo một cái bánh Pumpkin Pie thật lớn.

Có tiếng chuông cửa, Trúc chạy ra mở và đưa vào hai người Mỹ. Mẹ Trúc mừng rỡ chào họ và giới thiệu với Huyền đó là vợ chồng Mục Sư Ryan, vị ân nhân đã bảo trợ và giúp đỡ cho gia đình khi cả nhà mới đến Mỹ theo diện HO. Gia đình Trúc đến Mỹ rất trễ vì cha Trúc đi tù về bệnh nặng. Ông cố gắng gượng sống, vậy mà đem được vợ con qua Mỹ không bao lâu thì ông lìa bỏ cõi đời. Ông bà Mục Sư đã nhiệt tình giúp đỡ họ. Mẹ Trúc nói, mỗi năm đến lễ Tạ Ơn gia đình đều mời vợ chồng ông Mục Sư đến dự tiệc, nhưng họ luôn bận, khi thì đến được, khi không. Cho nên lần này Mục Sư chịu đến làm cho bà mừng vui ra mặt.

Mục Sư Ryan và vợ thân thiện chào hỏi Huyền. Dù khả năng Anh ngữ bập bẹ, Huyền cũng rất vui. Từ khi sang Mỹ đến giờ, ngoại trừ nhân viên sở Di Trú, đây là lần đầu tiên nàng mới được trực tiếp nói chuyện với người Mỹ. Hai ông bà cho biết, họ vừa đi làm công tác thiện nguyện bên Phi Châu về ngày hôm trước.

- Tôi đi xa mới về, chưa nhận công tác mới, nên ghé qua với gia đình một lát rồi sẽ đi ngay. Ông Mục Sư nói.

- Thật là cám ơn Mục Sư và phu nhân. Trúc đáp lời thay mẹ. -Bận như thế mà hai người cũng cố gắng đến, chúng tôi rất lấy làm vinh sự.

Trúc mời vợ chồng ông Mục Sư ngồi xong đi sắp xếp lại bàn ăn. Bỗng điện thoại trong túi Trúc reo vang. Lấy điện thoại ra xem, Trúc nói với mẹ:

- Mẹ mời ông bà Mục Sư và mọi người vào bàn đi nhé. Ông bà không có nhiều thì giờ đâu. Con ra ngoài nghe điện thoại chút, sẽ vào ngay. Chắc là bạn con đang hỏi đường tới nhà mình.

Mọi người ngồi vào bàn.

- Wow! Bàn tiệc đẹp quá! Ông Mục Sư trầm trồ. Tôi rất vui vì đã thu xếp đến đây. Cũng hơn sáu tháng rồi, chúng tôi ở bên Phi Châu ăn uống rất kham khổ, trong khi làm việc cực nhọc phụ giúp người dân quê xây một cái nhà thờ để họ có chỗ thờ phượng Chúa.

- Trong khi chờ đợi chị Trúc, để con cắt thịt gà cho mọi người. Thằng Thành bỗng nói.

Nói xong, Thành đứng lên cầm lấy con dao và bắt đầu cắt. Bằng những lát dao thật chuyện nghiệp, Thành cắt từng miếng thịt đều nhau, to bằng bàn tay. Mọi người thích thú ngồi nhìn Thành thao tác. Cuối cùng, mỗi cái đĩa màu bí đỏ đều có một miếng thịt thật to, trắng phau phau với cái viền da màu nâu xung quanh, trông rất hấp dẫn.

- Good job! Ông Mục Sư khen Thành.

Trúc chạy vào nói người bạn không đến kịp trưa nay, vì xa lộ kẹt tai nạn xe, freeway bị đóng. Mẹ Trúc bèn mời mọi người nhập tiệc. Vợ chồng ông Mục Sư luôn miệng khen ngon. Thấy Huyền có vẻ ốm yếu, Trúc ép nàng ăn uống, tiếp thức ăn đầy đĩa. Huyền rất vui và hạnh phúc. Mấy năm rồi nàng mới hưởng được khung cảnh đầm ấm gia đình.

Ăn xong, ông bà Mục Sư từ giã đi ngay. Thành và mấy đứa bạn nó kéo lên gát chơi game. Mẹ Trúc vì nấu nướng cả buổi mệt nên cũng vô phòng nghỉ. Huyền phụ Trúc dọn dẹp. Bữa tiệc dùng toàn muổng nỉa nhựa và ly đĩa giấy nên không phải tốn nhiều thời gian. Huyền xong trước lên ngồi trên sofa, ăn tiếp miếng bánh pie khi nãy nàng chừa lại.

Nhìn thấy tập album lớn bên ngăn dưới cái bàn nước, nàng kéo ra rồi thích thú lật từng trang, vừa nhai bánh vừa xem hình gia đình bạn. Có rất nhiều hình Trúc chụp ngày lễ tốt nghiệp ở UC Berkeley. Nhìn Trúc trong tấm hình nào cũng cười toe với áo mũ rỡ ràng, Huyền chợt chạnh lòng. Đã hơn ba năm ở Mỹ, nếu cuộc sống của nàng không bị giam hãm, có lẽ nàng cũng đã được đi học. Nhưng rồi nghĩ đến việc bây giờ đã được tự do, Huyền biết mình vẫn còn rất may mắn.

Xem hết phần Trúc tốt nghiệp, Huyền lật sang trang kế. Một tấm hình cô dâu chú rể chụp với đông đảo họ hàng nằm đầu tiên trên góc trái. Cô dâu điểm trang lộng lẫy, trong áo dài khăn đóng đỏ, khoát áo choàng trắng thướt tha, tay cầm bó hoa cẩm chướng vàng lấp lánh những dây tua kim tuyến. Nhìn kỹ tấm hình, Huyền ngạc nhiên đến tròn mắt. Cô dâu là Kiều, cũng là bạn của Huyền và Trúc khi còn ở Việt Nam. Huyền bỗng tái mặt khựng lại, người run lên khi nhìn hình của chú rể.

- Trời ơi!

Huyền kêu lên thảng thốt, miếng bánh vừa cắn nghẹn cứng trong cổ họng. Nước mắt đoanh tròng, nàng nhìn kỹ lại lần nữa. Đúng là Đoàn. Đoàn của nàng ngày xưa. Bây giờ khăn đóng áo dài xanh đang cười rạng rỡ bên Kiều, người từng là bạn thân của Huyền.

Ngày ấy khi biết Huyền và Đoàn yêu nhau, mẹ Huyền đã không đồng ý. Bà chê mẹ Đoàn từng làm sở Mỹ và có con lai, dù đứa con lai ấy không phải Đoàn. Dù cho người chồng sau, cha Đoàn rất hiền lành, và Đoàn cũng được ăn học, lại là một chàng trai thông minh, lễ phép. Nhưng mẹ Huyền muốn làm sui ít nhất cũng phải là con cái của một trong những đồng nghiệp kinh doanh vàng tầm cỡ như bà.

Vì sợ mẹ, mỗi lần hò hẹn với người yêu Huyền thường nhờ Kiều làm trung gian. Khi thì rủ Kiều đi chung, hoặc nhờ Kiều dối mẹ là đi với cô ta. Rồi Đoàn cùng gia đình xuất cảnh sang Mỹ diện con lai. Đến Mỹ, anh không dám gửi thư thẳng cho Huyền, nên gửi về Kiều nhờ trao lại. Nhưng rồi những lá thư của Huyền gửi sang Mỹ đã không có hồi âm. Huyền mất luôn tin tức của Đoàn từ đó. Một năm sau, Kiều cũng theo gia đình đi đoàn tụ với người chị ở Mỹ. Huyền nhờ bạn qua bên ấy tìm dùm người yêu. Không ngờ nàng nhận được thư Kiều, cho biết Đoàn đã cưới vợ. Cũng từ đó Kiều bặt tin luôn.

Tay mân mê tấm hình, lòng dạ Huyền đớn đau tan nát. Vậy là Đoàn đã cưới Kiều bạn nàng sao? Nhưng tại sao thời gian qua liên lạc với nhau, Trúc không cho nàng biết? Bọn họ từng là bạn bè với nhau kia mà. Huyền lắc đầu. Có lẽ Trúc sợ nàng buồn.

Có tiếng chân Trúc từ phòng tắm đi ra. Huyền vội vàng lau nước mắt, gấp lại tập album

bỏ xuống chỗ cũ.

- Sao mà nhìn buồn hiu thế bạn? Trúc ngồi sà xuống bên Huyền, mở hộp kẹo sô cô la trên bàn ra bốc một viên cho vào miệng. Lên phòng thay đồ đi! Mình sẽ chở bồ ra hồ Merritt xem lá thu vàng, đẹp lắm! Hồ Merritt đẹp nổi tiếng vùng vịnh đấy!

Huyền bước lên lầu còn nghe Trúc dặn với theo:

- Nhớ trang điểm lại cho thật đẹp để chụp hình nghe! Ngoài hồ có rất nhiều du khách đó!

Trên xe, Trúc hỏi Huyền về những chuyện mà trong mấy lần điện thoại trước đây nàng chưa kịp nói. Huyền kể lại đã chịu đựng cuộc sống cơ cực như thế nào trong mấy năm qua. Cho đến một ngày, sau khi ông Thận đi làm, Huyền ra khỏi nhà dạo quanh khu phố, mon men ra đường lớn và gặp một tiệm nail. Nhìn vào thấy có mấy người Việt, nàng mừng quá nên bước vào xem thử. Gặp lúc tiệm ít khách, người chủ tiệm trẻ tên Lisa tiếp chuyện với Huyền rất chân tình. Từ đó thỉnh thoảng khi ông Thận vắng nhà, Huyền đi bộ ra và ghé vào nói chuyện mỗi khi thấy Lisa rảnh.

Dần dà Huyền cho Lisa biết hết tình cảnh của nàng. Người chủ tiệm rất bức xúc nên đã giúp đỡ Huyền. Chẳng riêng gì cô chủ, mà tất cả thợ trong tiệm cũng đều ra tay. Người thì cho nàng gọi điện thoại về Việt Nam bằng điện thoại của họ; kẻ giúp tìm việc rồi xúi nàng kêu ông Thận phải để cho nàng đi làm; có người còn kêu Huyền bỏ trốn đến ở với họ rồi đi học làm nail. Cũng nhờ bọn họ mà nàng gọi được về Việt Nam và tìm ra số điện thoại của Trúc. Chị Lisa là người giúp nàng trong tất cả những chuyện quan trọng.

Từ ngày quen được Lisa và mấy người thợ nail, Huyền không còn buồn nữa. Nàng đã có chủ đích, nên tiếp tục sống với ông Thận thêm một thời gian. Về sau Lisa giúp nàng nộp đơn thi quốc tịch, thậm chí còn bỏ tiền ra trả lệ phí cho sở Di Trú, và giúp bài vở, hướng dẫn nàng học đề thi. Điều quan trọng nhất, Lisa đã nhờ một luật sư giúp Huyền lo việc giấy tờ để ly dị ông chồng già hắc ám.

- Bộ ông Thận không biết việc bồ xin thi quốc tịch sao? Trúc hỏi khi dừng xe nơi đèn đỏ.

- Ồ! Ông ấy đã lồng lộn lên khi thấy lá thư của sở Di Trú Hoa Kỳ gửi cho mình, báo tin đã nhận được đơn mình xin thi quốc tịch. Huyền cười nói. - Nhưng khi ổng chuẩn bị làm dữ, mình nói sẽ gọi 911, thì ông xẹp xuống như chiếc bong bóng xì hơi. Ổng biết là đã không còn cái thời kỳ có thể kềm kẹp mình nữa rồi.

- Wow! Thật là may mắn! Cuối cùng bồ cũng đã thoát được khỏi tay ông già đó. Trúc nói khi quẹo xe vô phía bờ hồ.

Trong khi Trúc đậu xe, Huyền thong thả rảo bước dọc bờ hồ. Hồ Merritte nằm giữa trung tâm thành phố Oakland gần Chinatown. Bây giờ là mùa thu, khắp các nơi lá đã đổi màu, ửng lên rực rỡ một màu vàng quyến rủ. Mặt nước hồ thu lặng yên không chút sóng, nước trong vắt. Những tòa building cao chọc trời dọc ven hồ soi mình xuống nước cùng ánh trời chiều nhập nhòa, tạo thành những bức tranh lập thể khổng lồ lung linh dưới đáy nước. Phong cảnh thật là đẹp mê hồn.

Đi được một quãng Huyền dừng lại, thưởng thức cái không khí mát lành lạnh của buổi chiều thu. Nàng đến tựa lưng vào một gốc cây maple lớn. Dõi mắt dọc theo bờ hồ, nhìn từng cụm lá vàng mà lòng nàng nghe xao xuyến bâng khuâng. Huyền nhớ về xứ Đà Lạt sương mù thơ mộng ngày xưa. Như còn nghe đâu đây tiếng thông reo vi vút và tiếng thác nước chảy rì rào. Ngày hôm ấy nàng đã cùng Đoàn nằm trên đồi thông nhìn xuống phố nhỏ với nhịp sinh hoạt tất bật của người dân Đà Lạt. Xa xa là đồi núi chập chùng, rừng xanh bát ngát. Trên bầu trời trong xanh, từng chòm mây bạc lững lờ bay. Cả một trời hạnh phúc lẫn đớn đau vây phủ lấy hai người. Đó là lần cuối cùng hai kẻ yêu nhau từ giã. Và đó cũng là lần Huyền trao tất cả cho người yêu. Nàng đã cho Đoàn đời con gái trắng trong trước khi anh giã từ lên đường sang Mỹ.

Bao năm rồi, Huyền dặn lòng hãy gắng quên đi, hãy chấp nhận sự thật. Nhưng giờ đây khi nhìn lại hình ảnh Đoàn trong đám cưới của anh, kỷ niệm xưa ào ạt hiện về. Huyền đau đớn. Đau đến nghẹt thở, khi chợt nhận ra nàng không thể nào quên được anh. Đoàn. Đoàn. Đoàn. Tên anh bỗng tràn về trong ký ức, đầy cả trái tim, và nỗi nhớ chợt bay giăng giăng, lơ lửng khắp cả bầu trời. Tình yêu đau khổ bị dồn nén lâu nay bây giờ bỗng tràn ra chất ngất, rồi đồng loạt vụt nhú lên, nở bung như những chiếc nấm khoang được chôn vùi trong lòng đất gặp cơn mưa lớn đầu mùa. Nàng nhắm mắt, nghẹn ngào lẩm bẩm, "Bằng cách nào cho em chữa lành được mảnh hồn rạng nứt này đây? Đoàn ơi!"

Bỗng Huyền giật mình khi Trúc ào tới, dúi vào tay nàng một con chim bồ câu trắng, nói giọng trịnh trọng:

- Huyền hãy cầu nguyện một điều gì đó và thả chim lên trời đi. Bồ sẽ được như ý. Là một cách phóng sanh đấy! Trúc cười ha hả, trở giọng nghịch ngợm:

- Nhưng thường thì người ta mua chim để thả. Còn chim này là do mình dùng bánh mì để gạt bắt lấy nó.

Huyền cầm lấy con chim bồ câu mà trong dạ bàng hoàng. Phóng sanh. Cầu nguyện. Nàng và Đoàn cũng đã từng cầu nguyện và phóng sanh. Ngày xưa hai đứa đã từng xuống chợ Đầm mua chim rồi đem lên chùa Hải Đức Nha Trang để thả. Đã từng dạt dào hạnh phúc đứng bên nhau nhìn từng con chim sẻ vỗ cánh bay lên bầu trời tự do của nó. Vậy mà...

Trúc chăm chú nhìn Huyền khi thấy bạn đứng sững người như không hề hay biết có con bồ câu trong tay. Con chim bay vụt lên không.

- Bồ làm sao vậy? Có mệt lắm không? Trúc ái ngại hỏi. -Mình không sao. Huyền lắt đầu đáp lời bạn rồi rảo bước ra gần chỗ cầu tàu.

Chiếc điện thoại trong túi xách của Trúc chợt reo vang. Trúc vội vã lấy ra, vừa lo lắng nhìn Huyền, vừa bước qua phía bờ hồ nghe điện thoại. Để mặc Trúc nói cười rổn rảng trên điện thoại, tay không ngừng múa máy như đang cãi nhau với ai đó, Huyền thẫn thờ tiếp tục cất bước trong vô thức, người nhẹ tênh như đi trên mây.

Nàng dừng lại một chút, rồi đi thẳng lên trên chiếc cầu nổi được thả ra đến chỗ nước sâu, nơi người ta hạ thủy các thuyền đua và ca nô. Chiếc cầu rung rinh, nhún nhẩy theo bước chân nàng. Một con chim hải âu trắng nuốt với chiếc mỏ vàng tươi đang đứng lẻ loi nơi cuối cầu tàu, sát mặt nước. Dường như nó không thèm để ý đến Huyền, cái con người mang vẻ mặt đầy tâm sự đang xâm lấn địa bàn của nó. Hoặc giả nó đã quá quen với sự trêu chọc của du khách vãng lai, thành ra dạn dĩ. Cái bóng trắng của nó in hình xuống nước, nhìn giống như là một cặp hải âu đang đứng tựa vào nhau. Huyền nhìn đăm đăm vào con hải âu đơn độc trước mặt. Nó nghiêng đầu ngơ ngác nhìn quanh quất một chốc, rồi cúi nhìn xuống nước. Và nó đứng yên. Thật lặng lẽ. Nó tưởng cái bóng trắng đó là một bạn tình chăng? Huyền thấy thương cho con hải âu lẻ bạn. Thấy thương cho nàng. Nàng cũng cúi nhìn xuống nước, để rồi bắt gặp chiếc bóng của chính mình. Nàng và con hải âu, ai đáng thương hơn ai?

Khi Huyền nhìn lên thì con hải âu đã bay đi đâu mất. Đưa tay quẹt đôi dòng lệ vừa trào ra trên khóe mắt, nàng định xoay mình bước trở vô bờ. Đột nhiên chiếc cầu nổi rung lên, chao đảo thật mạnh về phía nàng đứng. Huyền giật mình, mất thăng bằng lảo đảo sắp ngã xuống nước. Bỗng đâu có một bàn tay chụp lấy nàng kéo lại. Huyền hoảng hốt chỉ kịp kêu ú ớ, thì đã ngã dúi vào người nào đó. Là một người đàn ông. Nàng kêu lên thất thanh, rồi vội vàng vung tay, xô đẩy loạn xạ. Nhưng người ấy chẳng những không thả ra mà còn ôm chặt lấy nàng.

- Huyền! Là anh đây! Tiếng kêu nghe như nghẹn ngào, như nức nở, vang lên bên tai nàng. Huyền giật nẩy mình, nhìn vào mặt người ấy. Nàng bỗng há hốc, kêu lên: - Anh Đoàn! Rồi ngã ra bất tỉnh.

* * *

Khi Huyền tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trên băng sau một chiếc xe SUV rộng rãi. Xe đang nổ máy, hơi ấm của máy sưởi lan tỏa khắp trong xe. Trúc ngồi bên cạnh, đang bóp tay bóp chân cho nàng.

- Huyền! Bồ tỉnh rồi hả? Trúc reo lên. Vậy mà làm cho bọn mình sợ muốn chết! Anh Đoàn run quá trời luôn! - Đoàn? Huyền ngơ ngác. Nàng chợt nhớ lại nàng đã ngã vào Đoàn. Anh Đoàn đâu? - Kia kìa, anh ấy đang ngồi ở trên tay lái. Rồi Trúc cười: -Đang ngồi rầu rĩ nãy giờ đó! Phải biết bồ yếu bóng vía đến vậy thì tụi mình đâu có giữ bí mật làm gì. Chỉ là vì anh Đoàn muốn dành cho bồ một sự ngạc nhiên, ai ngờ... Trúc bỏ lửng câu nói, mở cửa bước xuống: Bây giờ giao Huyền lại cho anh, Trúc qua bên kia mua cho nó một ly sữa nóng.

Đoàn xuống xe, ra sau ngồi với Huyền. Anh cầm lấy tay nàng bóp chặt, ánh mắt nhìn đắm đuối dịu dàng: - Em đã khỏe chưa? Em làm anh sợ quá!

Huyền vẫn còn đang ngơ ngác. Nàng nhìn chằm chằm vào Đoàn, rồi đưa tay lên sờ vào mặt anh, một khuôn mặt bằng xương bằng thịt mà nàng hằng nhớ hằng mong. Và nàng chống tay ngồi dậy rồi ôm chầm lấy anh, khóc ngất: -Thật không ngờ là em còn gặp lại được anh!

Đoàn cũng ôm nàng thật chặt. Hai người ngồi im một lúc để nghe đôi tim hòa nhịp rộn ràng. Rồi anh kể đã từ Lake Tahoe lái xe xuống vì hẹn với Trúc sẽ đến kịp trong buổi tiệc Thanksgiving. Giữa đường bị kẹt xe, nên anh gọi Trúc kêu mọi người đừng chờ đợi, và cũng dặn Trúc không cho Huyền biết để dành nàng một sự ngạc nhiên.

Niềm hạnh phúc gặp lại người yêu đầu đời đến thật bất ngờ, làm Huyền quên đi mọi sự. Nàng như mê đi trong vòng tay của Đoàn. Nhắm mắt, Huyền hồi tưởng lại những ngày tháng hai người yêu nhau. Rồi khổ đau đã đến khi bị chia cắt. Nghĩ đến đây, Huyền chợt nhớ lại tấm hình đám cưới của Đoàn trong album nhà Trúc mà nàng đã thấy hồi trưa. Vội vàng xô Đoàn ra, nàng hốt hoảng kêu lên:

- Không được! Anh bây giờ là người đã có gia đình. Anh đã cưới Kiều. Chúng ta không thể...

Đoàn hỏi lại với vẻ ngạc nhiên: -Ai nói với em như thế?

- Em đã nhìn thấy hình đám cưới của anh và Kiều trong album nhà Trúc.

- Thì ra là vậy! Anh cười, chồm tới kéo nàng vào lòng, đặt một chiếc hôn lên tóc: - Đó là hình cũ em ạ! Không phải hình cưới, mà là hình đám hỏi. Nhưng rồi anh và Kiều đã chia tay, không cưới nhau... Rồi Đoàn chợt hỏi: -Lúc còn ở Việt Nam, tại sao em lại không hồi âm thư anh? Không nhận được lá thư nào của em cả, cho đến khi Kiều qua đây nói với anh là em đã lấy chồng. Em có biết là anh đau khổ đến mức nào không?

- Kiều nói em đã lấy chồng? Huyền lập lại. Khi Kiều xuất cảnh em còn ở Việt Nam, có

lấy ai đâu? Em chỉ mới lấy chồng sau này, sau một thời gian dài đau khổ vì nghe Kiều gửi thư về cho biết anh đã cưới vợ.

Bây giờ thì Huyền đã hiểu. Tất cả là do Kiều cố tình dàn dựng để chia cắt hai người. Thì ra Kiều rắp tâm chiếm đoạt người yêu của bạn. Huyền đã từng gửi thư cho Đoàn, theo địa chỉ anh ghi trong thư. Có lẽ Kiều đã sửa lại địa chỉ khi chuyển thư Đoàn lại cho nàng nên thư không đến.

- Trong lúc anh buồn chán, Kiều thường xuyên liên lạc, an ủi anh. Đoàn nói tiếp. -Dần dà anh ngỡ là mình đã có thể quên được em để đến với Kiều. Thế nhưng sau đám hỏi, anh bỗng nhận ra Kiều không phải là người phụ nữ anh mong đợi...

Những lời của Đoàn như giọt nước tiên nhiệm màu, xóa tan hết mọi buồn đau mà Huyền đã gánh chịu trong bao năm qua. Người nàng như bay bổng. Nàng bỗng chồm lên, bá lấy cổ Đoàn, thì thầm:

- Đừng nói thêm gì nữa anh ạ! Bao nhiêu đó cũng đủ hiểu rồi!

Nói xong, nàng chủ động đặt một nụ hôn lên môi người yêu. Một nụ hôn cháy bỏng yêu thương dồn nén bấy lâu nay.

Hai người lại ôm nhau. Lần này thì họ nhất quyết không buông ra nữa.

Huyền nhìn qua vai Đoàn. Trời đã hoàng hôn. Một chút nắng thu còn sót lại lung linh trên đầu núi, tỏa ra ánh sáng làm hồng rực những vần mây trên bầu trời. Dõi mắt về hướng tây, nàng xúc động khi nhìn ánh ráng chiều huyền ảo đó.

Và Huyền chợt nhận ra, từ ánh hồng trước mắt, một chân trời mới đang mở ra cho nàng.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
09/12/201421:06:24
Khách
Anh Sáu,
Cám ơn anh luôn đọc bài và ủng hộ. Anh chị dạo này có khỏe không? PH cũng đang chờ đọc bài mới của anh đó nghe... Ráng lên.
Chúc anh chị và gia đình luôn vui khỏe.
Thân mến,
PH
09/12/201421:01:41
Khách
Chào quý bạn độc giả Huêlam, Anhhung, và Thuy,
Cám ơn các bạn đã đọc bài viết và cho cảm tưởng. Chúc các bạn cùng gia đình vạn sự như ý.
Thân mến,
PH
06/12/201400:07:52
Khách
Chào chị Phương Hoa,
Bài viết chị hay lắm. Tội nghiệp cho cô Huyền. Tôi thấy chị vẫn viết bài thường xuyên. Tốt lắm.
Chúc chị và gia đình nhiều hạnh phúc.
Sáu
04/12/201422:48:35
Khách
Hay! Cám ơn tác giả. Một câu chuyện kết thúc có hậu.
Thuy
04/12/201422:41:07
Khách
Cô Huyền này sao mà hiền thế chứ! để cho bị giam hãm lâu như vậy thật tội nghiệp. Chi cần gọi báo cảnh sat là tiêu đời cha gia ngay thôi. Không biết tiếng Anh thì rất khổ cho những cô gái lasy chồng nước ngoài, có gì không biết kêu vào đâu. Cám ơn tác giả.
04/12/201422:32:00
Khách
Một câu chuyện thật ly kỳ! Mấy ông già mất nết lắm tiền của li dị vợ rồi về Việt Nam dụ con gái người ta đem qua đây còn hành hạ. Tôi cũng có biết một trường hợp tương tự. Thật ngạc nhiên sao mấy người quen của cô Huyền không đi báo sở di trú dùm cô.
Dù gì cũng mừng cho cô được thóat khỏi tay già ấy. Nhưng cái giá quá đắt! Chỉ là may mắn gặp lại người yêu cũ, nếu không thì làm sao?
Cám ơn tác giả đã kể một câu chuyện rất hay!
Huêlam
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,314,412
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.