Hôm nay,  

Con Thỏ Trắng Về Đâu

25/11/201400:00:00(Xem: 14019)

Tác giả: Phan
Bài số 4394-14-29794vb3112514

Chuyện kể, nhân bữa nhậu mùa Lễ Tạ Ơn, hồi tưởng về một khúc phố đen đúa tại Dallas. Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông liên tiếp góp bài viết về nước Mỹ, luôn cho thấy tấm lòng cùng sức viết mạnh mẽ, và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013.

* * *

Tôi cứ tưởng chỉ ở Dallas downtown mới có khúc phố cởi quần độc nhất vô nhị trên đời. Tới chừng qua bên Đức, bạn tôi dừng xe lại trên con phố ăn chơi về đêm ở Hamburg để chỉ cho tôi thấy bên trong khoảng đất trống như bãi đậu xe, có rào lưới kẽm bên ngoài, có cổng hẳn hoi. Rất nhiều cặp đang làm tình ở vách tường, gốc cây, thềm đá... Tôi được anh bạn giải thích: Nhu cầu thì ở đâu cũng có, và lực lượng cung ứng thì ở đâu chả dồi dào. Nhưng người nghèo đến không mướn nổi một giờ nhà trọ thì sao? Họ mướn gái, rồi vô đây với chút tiền vô cổng, vậy thôi.

Nhưng ở đó, tôi có thấy bóng dáng luật pháp là cảnh sát tuần tra, và văn minh châu Âu đầu thế kỷ 21 làm tôi nhớ đến phim Rome - thời của Cesa và Mark Anthony đến nay châu Âu vẫn mang mác hồn thu thảo trên những nẻo đường của cựu lục địa này. Không như Dallas của tôi, không nhớ tên đường là đường gì, (hình như là đường State Fair) chỉ nhớ con đường lớn dẫn vô khu State fair trong downtown. Ở đó, tôi được biết cuộc sống của giới tận cùng xã hội Mỹ ra sao!

Thuở ấy, tôi cũng như bao người mới tới Mỹ, thường phải làm hơn một việc làm bình thường thì mới đủ sống. Tôi mờ mắt ở hãng xưởng từ sáng tới chiều thì chạy thúc về tiệm seafood của ông bạn ở đó. Thế là cày tới 12 giờ đêm mới đóng cửa. Phụ anh chị em trong tiệm dọn dẹp, rửa nhà cho sạch sẽ chứ lau gì nổi dầu mỡ cả ngày. Ít nhất là 1 giờ đêm mọi người mới chia tay, vì cánh đàn ông thường làm với nhau chai bia mới cam tâm về ngủ. Tôi lái về nhà, tắm rửa, leo lên giường đã 2 giờ sáng, trong khi 5 giờ đã có mặt ở hãng. Tôi bị bệnh buồn ngủ kinh niên nên nhìn ra được một con nhỏ Việt nam làm nghề cởi quần ở phố State fair. Khúc đường đó hằn trong tôi một thế giới khác với thế giới con người.

Bắt đầu từ cây xăng bên cạnh tiệm ông bạn tôi: Quầy tính tiền được gắn kính chống đạn dầy đến hai lóng tay, kín hết tứ bề. Khách ghé đổ xăng phải vào trả tiền trước, rồi sau đó mới ra bơm xăng. (Nhớ. Đừng quên khóa cửa xe cẩn thận trước khi vào trả tiền mua xăng, vì tất cả những gì có trong xe sẽ bay vèo tức khắc, nếu quên khoá cửa xe.)

Khi bạn ra khỏi quầy trả tiền mua xăng, bạn sẽ tưởng mình là siêu sao điện ảnh, hay tệ lắm cũng là cầu thủ football nổi tiếng, vì hai hàng người chào đón bạn ở cửa cây xăng chen nhau, không xin chữ ký mà xin tiền lẻ. Đàn ông không thích giữ bạc cắc trong túi quần cho rổn rẻng, nên thường thí cho đứa bé đen nhẻm không quần áo che thân nắm bạc cắc cho xong. Nhưng cái bóp phía sau túi quần bị móc tức thì do bạn chậm lại một bước để cho đứa bé nào đó nắm bạc cắc. Nếu bạn là người đàn ông không dễ để ai bắt nạt mình thì bạn cũng chẳng làm gì được với đám ma cô bán xì ke đứng xung quanh, trong máu họ là xì ke đang chảy; trong mình họ là xì ke để bán lẻ, và súng đạn... đám đàn bà, con nít kia là những người được họ bảo kê mà tiếng lóng ở đó gọi là "under cover".

Còn phụ nữ thì sai lầm từ người rút (trúng) cái xương sườn từ bi của người đàn ông để tạo ra họ, nên họ dễ động lòng thương xót trẻ em. Chỉ cần bà, cô, chị, em gái... kéo-mở dây kéo của cái bóp tay để lấy bạc cắc cho mấy đứa nhỏ thì cái bóp ấy coi như từ giã chủ nhân từ giây phút đó, vì cả đám bu vô giành giựt. Hoạt cảnh y như Khu dân sinh ở Sài gòn sau 1975, là có một đám làm nghề "Cản Sài gòn". Chúng vỗ vai người tốt với nhiệm vụ... gây rối. Miệng la ong óng những "đồng bọn" của chúng là đừng làm vậy! Chúng ra vẻ bảo vệ bà, cô, chị, em gái... nhưng kỳ thực là cản mắt, cản tay chống đỡ của họ để đồng bọn của chúng moi sạch sẽ tiền bạc, giấy tờ tuỳ thân trong cái bóp tay của người độ lượng.

Sau đó chúng chia chác ngay trước mặt nạn nhân. Tiền thì đương nhiên đừng hòng trả lại. Còn bằng lái, giấy tờ, thẻ tín dụng thì nạn nhân phải trở vô cây xăng, nghe nhân viên cây xăng chửi cho một trận là đã bảo đừng cho tiền bọn đứng ngoài cửa, sao không nghe lời họ. Họ chửi đã rồi mới cho mượn điện thoại để gọi người thân, bạn bè đem tiền đến chuộc lại bằng lái, giấy tờ. Nếu cái bóp là "đồ hiệu" thì đừng mong thấy lại nữa... như thấy bóng dáng cảnh sát ở đây!

Giả sử bạn là người biết nghe lời những nhân viên trong cây xăng dặn dò khi bạn trả tiền mua xăng. Nghĩa là bạn lạnh lùng (đi trong tiếng chửi) của hai hàng người khốn khổ. Bạn ra được tới xe bạn để bơm xăng, thì mấy thằng nhóc đen choai choai sẽ giành giựt với bạn công việc bơm xăng vô chính xe bạn. Nhưng trên tay chúng là cái thùng nhựa đỏ đựng xăng. Chúng chỉ xin bạn một gallon vì xe chúng đằng kia (là đằng nào - trời biết) bị hết xăng nhưng chúng không có tiền mua xăng. Mà đâu phải một thằng, vài thằng bu vô - gây rối. Chủ yếu là những thằng "Cản-downtown" làm nhiệm vụ che mắt cho đồng bọn quơ được gì trong xe thì quơ, móc được gì trong túi quần, túi áo bạn thì móc, rồi chia chác sau. Nếu ai còn chút lòng trắc ẩn với kẻ lỡ đường như đám nhóc này vẽ chuyện, cho chúng một gallon xăng, thì chúng có đủ cách để bơm tới đầy cái thùng 5 gallon trên tay chúng. Sau đó bán xăng, đổi xăng lấy thức ăn, hay xì ke. Khi cái bao tử và cơn ghiền đã thoả mãn thì bán xăng chơi gái.

Cả cây xăng là một xã hội phi luật pháp trên đất nước luật pháp nghiêm minh vào bậc nhất thế giới. Nhưng nó vẫn tồn tại, song hành cùng luật pháp nghiêm minh và xã hội thượng đẳng bằng cái luật vỉa hè của nó. Xã hội đen không can thiệp vào việc làm của nhân viên trong cây xăng. Họ có quyền đuổi ra những đứa trẻ theo chân khách hàng vào tiệm (để trộm cắp bánh kẹo, hay bất cứ thứ gì trên những quầy hàng); Nhân viên cây xăng có quyền đuổi chúng ra cửa, và khuyến cáo khách hàng trong cây xăng của mình. Xin đừng can thiệp vào chuyện ngoài cửa, khách hàng ra khỏi cửa cây xăng là con mồi của xã hội đen. Dĩ nhiên xã hội đen cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen bốn mùa. Và ở đó, lúc nào cũng có mặt thành phần nguy hiểm hơn là không xin mà cướp, nên quầy tính tiền của cây xăng mới bưng bít kiếng chống đạn là vậy!

Trở lại tiệm của ông bạn tôi. Cái cửa sổ của tiệm seafood mà như cửa sổ nhà tù với song sắt bự sự. Khi có bàn tay đưa tiền vô thì mới đưa thức ăn ra. Đừng nhập nhằng vừa lấy tiền, vừa giao thức ăn như những tiệm Mc.Donald, cho nhanh. Ở đây, phải lấy tiền trước, đếm đủ, rồi mới đưa thức ăn ra. Nhân viên mới thường bị dụ với cuộn tiền nhá nhá đưa vô, vội đưa thức ăn ra cho khách nhanh chóng để lấy điểm với chủ tiệm: mình là người tháo vát. Sai. Vì nó giựt tiền lại sau khi đã cầm được bịt thứa ăn, và chạy luôn.

Trung bình có mười bàn tay đưa vô pick-up thức ăn thì có một bàn tay đưa vô (đủ thứ) ăn cắp được của chợ Walgreens bên kia đường - xin đổi vài miếng catfish nuggets - là món rẻ tiền nhất. Nói trắng ra là nhân viên trong tiệm seafood cũng có máu tham. Ví dụ vật đưa vô trị giá ba mươi đồng, người nhân viên sẵn sàng trả cho nhà hàng năm đồng catfish nuggets để đổi lấy món đáng giá ba chục. Ông bạn tôi cấm tuyệt, nhưng làm sao cấm được lòng tham khi ông ấy vắng mặt! Còn cái lý của nhân viên là không đổi, thì đá bay, kính tiệm không vỡ thì kính xe của họ đậu ngoài parking sẽ vỡ loảng xoảng tức thì. Thậm chí, họ bị hăm dọa khi từ chối...

Trung bình hai tuần thì tiệm của ông bạn tôi lại bị đập kiếng cửa và trộm cắp ban đêm. Ông ấy làm việc với bảo hiểm còn nhiều hơn làm việc với warehouse giao tôm cá, dầu chiên, bột bắp... tới cho tiệm.

Cạnh tiệm seafood của ông bạn là tiệm gà chiên của Mỹ, cũng cùng chung số phận như cây xăng với tiệm seafood. Nhưng ở đây làm ăn ngon quá nên người ta mạo hiểm. Ông bạn tôi sang lại cái tiệm seafood của người Mỹ (chịu không nổi sự quậy phá của giới không nhà) với giá rẻ so với thời giá. Ông ấy chỉ làm ăn mấy tháng đã lấy vốn. Thử hỏi cây xăng lớn với tiệm gà chiên to lớn kia còn hốt bạc cỡ nào. Vì thế ở con phố này, những hàng quán không để nhân viên nữ ra ngoài trong giờ làm mà chỉ cánh đàn ông đi đổ rác. Một lần tiệm seafood đi đổ rác thì phải đi ba, bốn trự, chứ đi một mình cũng bị trấn lột ở những thùng rác lớn, thường khuất sau building.

Tới giờ về, Chị em phụ nữ trong tiệm được chúng tôi đưa ra tận xe (vì 12 giờ đêm tiệm mới đóng cửa). Cánh đàn ông chia nhau ai chạy theo xe chị, xe cô em, ra khỏi downtown thì ai về nhà nấy đã an toàn. Và người đặc biệt là người chở túi tiền (tiệm bán được trong ngày), tiền ra khỏi cửa theo những thùng rác lúc nửa đêm. Người ấy hôm nay là tôi, thì mai là người khác, cứ giả bộ đi đổ rác chung với anh em, nhưng đột ngột lên xe, vọt mất. Rồi đợi ông chủ tiệm ở đâu đó để giao lại túi tiền. Vì ông chủ đã mấy lần bị chĩa súng, cướp nguyên túi tiền bán hàng cả ngày, khi ông ấy là người cuối cùng, khóa cửa tiệm để ra về.

Nhiều năm qua đi, tôi nhớ từng người bạn của thời chân ướt chân ráo đến Mỹ, nhớ chị không ngủ, là người đàn bà miền tây nhỏ thó, có chồng tàn tật nên không đi làm. Một mình chị đi làm nuôi cả gia đình bốn mặt con. Cứ giấc chiều, anh nhà chở bốn đứa con sạch sẽ trên chiếc xe van, anh và các con đem cơm cho mẹ, (có bộ quần áo sạch cho chị nữa). Cả nhà sum vầy trên chiếc xe van chừng nửa tiếng. Chị trở vô tiệm, đứng chiên tôm, cá tới 12 giờ đêm thì đi làm hãng điện tử. Chị ăn cơm, tắm rửa trong hãng. Tới 8 giờ sáng, tan ca, chị lái về tiệm seafood - mở cửa 9 giờ. Và miệt mài chiên cá, chiên tôm tới 12 giờ đêm. Thỉnh thoảng, những lúc quá trưa nhưng chưa chiều, tiệm vắng khách, chị xin phép đi mua sắm quần áo, giày dép, cho chồng con...


Nhiều năm rồi qua đi, tôi vẫn còn nguyên thắc mắc về chị bạn không có giờ để ngủ thì làm sao chị chịu nổi ngày này qua tháng khác, và cái thắc mắc chung của cánh đàn ông chúng tôi khi nói về chị là vợ chồng chị lấy đâu ra thời gian để có bốn đứa con?

Nhiều năm rồi qua đi với rất nhiều điều không hiểu ở Mỹ, nhưng vẫn nhớ. Nhớ hoạt cảnh về đêm ở một góc Dallas downtown, nhớ nhất là con thỏ trắng trong không gian cây xăng, tiệm seafood và tiệm gà chiên. Hết đám con gái đen nhẻm, chắc không đứa nào hơn mười lăm tuổi. Chúng làm gái đứng đường, nhưng đón khách không theo tài mà theo thế lực bảo kê riêng của từng đứa. Rõ ràng là đứa này đang tiếp khách nhưng nạt đứa kia là khách của tao. Con nọ thu vó dông đi kiếm mối khác. Được mối là tuột quần, dựa thùng rác, gốc cây, đầu xe, cuối xe, của những cái xe không biết của ai, chỉ biết là không chạy được nữa thì đậu bừa phía sau cây xăng, tiệm seafood, tiệm gà chiên... dài ra, sâu vô, có cây lá là khoảng đất trống của ai không biết. Nhưng nhìn miếng đất trống ở khu vực này thì biết chắc là chỗ cho mướn đậu xe mùa State fair hàng năm. Qua miếng đất trống ấy là xóm nhà lụp xụp của người Mễ. Cuối tuần, con nít chơi đá banh, mấy anh Mễ tựu tập uống bia, sửa xe, và mở nhạc tưng bừng, cánh đàn bà mua bán garage sale nhộn nhịp...

Khách hành lạc ở đây là dân đầu trâu mặt ngựa, ngất ngưởng say rượu bia là loại tép, liêu xiêu say thuốc mới đúng điệu downtown. Bọn nhóc gái bán dâm, bọn nhóc trai móc túi. Được bao nhiêu tiền thì chúng mua ngay gà chiên, cá chiên, xì ke..., sau khi mãi lộ cho bảo kê và má-mì. Một xuất mây mưa thuận buồm xuôi gió, con bé con cầm được của khách năm đồng, thì một hộp catfish nuggets được mười miếng cá bé xíu, với nhúm khoai tây chiên, cũng năm đồng. Nhưng bất trắc ở nơi giang hồ khôn lường thì muôn mặt.

Tôi nhớ mãi hôm trời lạnh. Tôi chui vô xe mình để hút thuốc, nhưng phải đốt thêm điếu nữa để chứng kiến cho hết vở kịch vỉa hè downtown: Hai thằng nhóc Mễ chừng mười ba tuổi, chúng "điêu" vói con nhỏ Mỹ đen cỡ tuổi chúng, vì hai thằng chỉ có năm đồng. Con bé đói bụng, cần tiền ăn nên chấp nhận có điều kiện: mỗi thằng một chút thôi! Cái trẻ con của bọn chúng làm tôi phì cười, vì chuyện bất hoặc ấy thì làm sao mà một chút được! Thánh thần vào cuộc cũng phải ngã ngựa mới thôi...

Hồi ba đứa quấn vào nhau rồi thì con bé làm sao khoẻ bằng hai thằng nhóc mà chống trả. Nhưng cuối cùng nó cũng hiểu ra, càng chống trả càng kéo dài thời gian vô ích. Nó xuôi theo định mệnh cho hai thằng con trời hả hê cho xong một chuyến deal ngu của nó.

Hai thằng nhóc được thoả mãn, toe toét cười, ù chạy. Cái hồn nhiên downtown bỏ lại con bé đen nhếch nhác, hận đời thêm sâu vì hai thằng nhóc đã móc túi nó lấy lại năm đồng từ hồi nào. Nó bật quẹt, châm cái tàn thuốc vừa nhặt được. Lại bật quẹt, cố tìm năm đồng không bao giờ thấy. Tiếng nó chửi thề cô lại trong đêm Thánh vô cùng năm xưa...

Có thấy mới biết thương một con bé đổ mồ hôi hột với một thằng trời đánh say thuốc ở đây. Lúc nó chưa phê thì ai biết nó hiền hay dữ, nhưng thuốc ngấm thì thằng nào cũng là qủy dữ. Tụi nó ủi mấy con bé thất thanh kêu cứu. Nhưng trời ở quá xa nên trời đâu thấu hiểu/ dưới trần gian chỉ có mấy má-mì là đám gái già không ai thèm ngó tới. Mấy mụ này ngồi chờ tiền của xấp nhỏ để phê xì ke. Phải thằng giặc trời kia lâu quá nên mụ khệnh đại cho nó một gậy baseball. Có khi nó chạy - thì không trả tiền. Mẹ con quay ra chửi nhau thì người nghe mới biết họ là mẹ con. Phải hôm người mẹ ghiền gặp thằng trời đánh mẻ búa, nó ăn gậy baseball của mụ thì đáp lễ một đạp cho mụ lăn long lóc. Mụ chửi om trời, nhưng tiền bảo kê không đóng thì cũng chẳng ai can thiệp! Sự lạnh lùng của xã hội đen nhiều khi làm người chứng kiến rởn tóc gáy, vì chỉ một khoản tiền bảo kê thì một thằng đang say thuốc rút súng bắn vào một thằng đang say tình như bắn chơi vào bụi cây, máu đỏ không phân biệt màu da lênh láng trên vỉa hè downtown.

Tới hôm mấy thằng Việt nam của tiệm seafood đi đổ rác, cũng là dịp để ra ngoài hút thuốc. Trời đã nhá nhem tối và lạnh của mùa Thanksgiving về. Con nhỏ trắng trẻo lạc lõng trong cộng đồng đen thui, nó đang tiếp khách ở thùng rác của nhà hàng seafood. Một ông Việt nam chửi thề tiếng Mỹ, đuổi nó đi chỗ khác. Nó chuyển ngữ sang tiếng Anh, thằng khách hàng của nó da xanh vì hình xâm kín người. Thằng dã nhân quay lại, cho ông Việt nam nọ một giộng - sặc máu mũi. Nó tiếp tục hành lạc, coi mấy thằng Việt nam đi đổ rác chung như... rác, vì chẳng thằng nào có phản ứng gì! Những anh hùng tự kể Việt nam, những thượng thừa du đãng của vỉa hè Sài gòn chỉ lặng lẽ đưa người vêu mỏ vô nhà hàng seafood để trị thương. Dòng máu anh hùng từ đời các vua Hùng dựng nước chỉ còn lại tiếng rên đau đớn của hậu thế với cú đấm ngoại bang.

Con nhỏ trắng lạc loài trong đám đen nhẻm. Nghe nói, nó con của mẹ Việt nam, cha Mỹ trắng. Nhưng dân trời ơi đất hỡi nên mới mười mấy tuổi đầu đã tự nuôi thân. Nó ốm o nên không có nhu cầu thực phẩm nhiều như những đứa đen; nó chỉ phê... và phê. Tiền kiếm được bao nhiêu cũng chỉ phê. Gặp bất trắc thì chửi thề leo lẻo, nhưng chửi tiếng Việt khi bị chơi chạy cho đỡ tức chứ chửi tiếng Mỹ thì ma cô giậm nó chết! Nó sống được trong cộng đồng da đen vì nó là ghệ của một thằng dám nổ bất kể đối tượng. Thằng này đen nhẻm, lùn, xấu trai, ít tỉnh, vì luôn chơi quá liều. Nhưng cần nổ ai thì nó không chừa cả Chúa. Nó nổ cả con ghệ Việt lai trắng của nó vì không share hàng.

Con bé này lạ lắm! Những khi đi đổ rác gặp nó (dĩ nhiên là lúc nó không có khách). Có bắt chuyện hỏi thăm thì nó cũng chửi thề (tiếng Việt) vô mặt mình - rồi bỏ đi! Nó quay lưng với nguồn gốc hay đồng hương quay lưng với nó trước? Nó không có đi học nhưng lại làm thầy, dạy người ta suy nghĩ...

Nhiều năm rồi qua đi, cuộc sống bám rễ nơi đất lành chim đậu. Mảnh đất downtown nghẹt thở trở thành dĩ vãng di dân tôi. Nhưng mùa Thanks-giving lại về trúng dịp một thằng nhóc tôi thương đã yên bề gia thất. Nó là thằng nhóc Mễ, vượt biên từ năm hai tuổi. Nhưng học hết trung học ở Mỹ... thì nó vẫn là thằng Mễ lậu.

Một hôm nó đến gặp tôi để xin việc làm. Tôi trả lương nó $8/giờ. Nhưng chỉ sau một tuần, chính tôi đã nói với con bé làm thư ký kế toán cho hãng của ông bạn khác của tôi là trả lương cho nó $10, ngay kỳ lương đầu. Nó trở thành cánh tay đắc lực của tôi vì thằng nhỏ hiền lành, thông minh, siêng năng, tin được... Nó dường như không phải người Mễ mà tôi biết, thường gặp. Tôi dẫn nó đi ăn hôm nó lãnh lương lần đầu. Nói là nó đãi nhưng ai để nó trả tiền...

Thằng nhóc uống cừ vì máu Mễ chánh tông thì sợ gì bia Corona của Mễ. Nó không khai vì bia mà cảm kích chú bác Viện nam là tôi với mấy ông bạn, nên nó tâm sự: Nó có bạn gái là người Mỹ trắng. Sau trung học, con nhỏ đi đại học, còn nó đi làm... để giúp người vợ tương lai lấy cho được cái bằng bốn năm - làm tiền đề cho gia đình tương lai của hai đứa. Còn trước mắt là chứng minh với cha mẹ con bé về người bạn trai - Mễ lậu của con gái mình không tệ. Chuyện riêng, con nhỏ hứa với nó là học xong sẽ làm đám cưới - để lôi nó vô quốc tịch Mỹ. Và đến phiên con nhỏ đi làm cho nó đi học đại học.

Mấy năm rồi chỉ gặp lưa thưa vì xếp âm binh này thì chủ nào chứa lâu cho mạt. Hôm trước nó gọi mời tôi đến ăn mừng nó có nhà, có quốc tịch rồi, ăn mừng vợ nó xong đại học, nó sắp đi đại học, mừng nó sắp có con...

Thiệt là tam, tứ hỷ lâm môn. Tới mới biết, ông bà già vợ khi hiểu ra lòng thành của thằng rể với con gái mình thì đôi vợ chồng nghèo rút tiền 401 K ra để mua cho hai đứa cái nhà, để tụi nó chỉ còn lo việc học. Cái nhà không thể cũ hơn, không thể nhỏ hơn. Nhưng ấm áp nhất trên đời của hai người bạn trẻ yêu nhau đến động lòng Thiên Chúa.

Căn nhà quay lưng ra miếng đất trống mà bên kia là cây xăng, tiệm seafood, tiệm gà chiên của hai mươi năm trước. Thằng nhóc nướng thịt, tôi ngồi uống bia với người bạn còn nhỏ tuổi hơn con mình. Nhưng nó là người bạn mà tôi kính nể lòng trung thành, tính trung thực của nó. Tôi nể ý chí, nghị lực của thằng bé theo chú vượt biên từ khi lên hai, (cha mẹ, gia đình nó còn ở bên Mễ vì nghèo thì tiền đâu mà vượt biên cả nhà). Tôi muốn hỏi nhưng không tiện, "mày có thấy trong đám bán dâm bên kia miếng sân này, có con nhỏ Việt nam lai trắng, chỗ cằm nó có vết trắng hình con thỏ do nó bị bệnh bạch tạng..." Nghĩ mãi rồi thôi, không hỏi. Con thỏ trắng của hai mươi năm trước đã về đâu - làm sao thằng nhóc này biết được khi nó mới hai mươi ba tuổi đời - đang ngất ngây trong hạnh phúc.

Tôi chỉ biết ngồi uống bia, xem nó nướng sườn bò kiểu Mễ, nhưng mắt bên kia sân. Vẫn cây xăng, tiệm seafood, tiệm gà chiên... những người muôn năm cũ hiện thân qua lớp trẻ khác bán dâm công khai để có miếng ăn. Nếu trong nhà thằng nhóc này đang là thiên đàng thì địa ngục chỉ ở bên kia sân cỏ hoang. Gió âm ti vọng về tiếng chửi thề leo lẻo của con thỏ trắng làm tôi nốc bao nhiêu bia cũng không vơi lòng buồn. Tiếng con vợ thằng nhóc hỏi tôi: ông có lạnh không? Tôi lấy áo jacket của Daniel cho ông mặc đỡ... con bé Mỹ trắng và thằng Mễ con không lầm nhau, hai đứa đều hiền ngoan.

Tôi uống bia vì quá vui với thành công của thằng đệ tử. Giữa những ngụm bia, có lúc nhìn ra miếng đất trống năm xưa, bỗng như thấy có bóng con thỏ trắng băng qua sân cô độc, nó say thuốc lắc lư... Thằng Daniel thì cứ chắc là tôi bị lạnh rồi. Ông vô nhà đi, tôi nướng sườn xong, thì mình nhậu một bữa. Tôi thường nói về ông với vợ tôi. Hôm nay vợ tôi mới được gặp ông...

Tiếng nó loãng dần theo bóng con thỏ trắng, về đâu...

Phan

Ý kiến bạn đọc
09/12/201423:04:19
Khách
Anh Phan
Lần đầu đọc truyện của anh,
tôi đã đọc 2 lấn với nhiều xúc động.
Cám ơn anh, Vinh
28/11/201409:16:14
Khách
Bài viết của một người hiểu ĐỜI & ĐẠO. Chúc sức khỏe tác gỉa.
26/11/201401:30:36
Khách
Chuyen rat hay va cam dong. Xin chu Phan viet that nhieu va in thanh mot cuon sach. Kho tang kinh nghiem doi dao cong them loi viet linh dong loi cuon va day tinh nguoi da de lai trong nguoi doc mot su xuc dong sau xa . Xin cam on chu that nhieu. Chuc chu va gia quyen mot le Thanksgiving that vui.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,309,730
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài đăng hai kỳ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện cập nhật mùa bão, xin phổ biến kịp thời.
Nhạc sĩ Cung Tiến