Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Cọng Lau Gầy

13/10/201400:00:00(Xem: 12316)

Tác giả: Phan
Bài số 4359-14-29759vb2101314

Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông liên tiếp góp bài viết về nước Mỹ, luôn cho thấy tấm lòng cùng sức viết mạnh mẽ, và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài mới của Phan là chuyện kể về người thân bên bờ sinh tử.

* * *

Cọng lau gầy
trĩu nặng bóng tà dương... Tuệ Sỹ

11 giời đêm. Chị dâu tôi gọi điện thoại báo tin, "Anh... khó qua khỏi đêm nay! Chú thím sang thăm anh ngay nhé! Chị cũng có việc cần bàn với chú thím."

Vợ tôi chỉ nghe điện thoại đã hiểu hết mọi chuyện, mẹ bọn nhỏ vứt cho tôi bộ quần áo để tôi thay ngay tại giường ngủ, vợ vào trong phòng quần áo để thay đồ. Con bé còn chưa ngủ, hỏi vọng sang phòng bố mẹ, "Bác sao rồi mẹ...?"

Chưa đầy năm phút sau, vợ chồng tôi đã ra xe. Con bé mà tôi cưng quý nhất nhà, đã ngồi ôm tay lái cái xe của nó, "để con đưa bố mẹ sang nhà bác, khuya rồi!"

Nó lái xe đi, không quên dặn dò tôi, "Bố phải thật bình tĩnh! Thấy khó thở thì cho con hay..."

Nó hỏi tiếp mẹ nó, "Mẹ có đem theo thuốc cho bố con không hở mẹ...?"

Đứa con nhỏ nhất và cũng là đứa cuối cùng chưa dứt áo ra đi. Nó cũng chưa từng làm điều gì cho tôi nổi giận như anh, chị của nó. Thậm chí thời gian tôi cưng quý, chiều chuộng nó đã ngắn lại bằng với thời gian nó chăm sóc tôi. (Giả sử trong cơn xúc động với hung tin anh trai tôi sắp từ giã cõi đời, mắt tôi lại rất kém với đêm khuya, tim tôi loạn nhịp, gây khó thở khi xúc động... Nếu tôi tự lái xe để vợ chồng tôi sang nhà anh chị tôi thì điều gì sẽ xảy ra...)

Trước cái tin anh trai tôi sắp qua đời, sao tôi chỉ nghĩ được về đứa con gái bé bỏng của mình! Điều tôi sợ hãi nhất trong đời là con tôi không được hạnh phúc như tôi mong muốn. Tôi ước gì được chết trước khi thấy con tôi khổ đau. Nếu điều ấy là một sự thật trong cuộc đời của nó.

Nó vừa lái xe, vừa gọi điện thoại để báo tin cho anh, chị của nó biết; nó gọi cho các cô của nó ở tận bên Úc hay tin...

Tôi bây giờ lơ mơ lắm! Vừa đó - một chuyện lớn thế mà tôi đã quên cái hung tin: anh trai tôi sắp qua đời. Chỉ khi vợ tôi nắm tay tôi thật chặt, "Anh ạ! Em sợ quá...!" Rồi khóc. Tôi cũng oà khóc tự nhiên, nhưng lòng tôi băng giá với tình anh em mấy chục năm, cha mẹ chúng tôi cũng không còn, bây giờ hoàn cảnh lại biệt xứ, vậy mà anh tôi lại bỏ tôi đi...

Có quá nhiều cảm xúc cùng lúc trong con người đơn giản của tôi - làm tôi ngất! Chỉ còn nghe tiếng con bé nói ra băng sau với mẹ nó, "Cho bố uống ngụm nước..." Tôi lịm đi.

Tôi tỉnh lại trên sofa nhà anh chị tôi, vợ tôi chưa hết sợ hãi trên gương mặt nhợt nhạt vì sức khoẻ của tôi, phần xúc động với tang gia đang tới trong gia đình. Nhưng chị dâu tôi thì vẫn bình tĩnh, điềm đạm, con người chị lúc nào cũng tỏ ra (điều tôi không thích) và sờ sợ chị từ nhỏ là cái uy nghi nó toả ra từ con người chị chứ không phải chị thích thị uy.

Lần đầu tiên trong đời tôi, đã hơn sáu mươi tuổi, chị tôi giao cho tôi quyền quyết định: Để anh tôi mất tại nhà hay đưa vào bệnh viện. Chị nói, "các cháu (con trai, con gái của anh chị) thì không chịu để bố chúng nó mất tại nhà. Chúng không sợ căn nhà sẽ bị mất giá bằng rắc rối với cánh pháp y - giảo nghiệm. Phần anh, anh muốn mất tại căn phòng mà anh ngủ mấy chục năm. Phần chị, chị muốn toại nguyện cho anh. Căn nhà mất giá và những rắc rối về luật pháp, bảo hiểm nhân thọ của anh, chị không màng... Nhưng người quyết định cuối cùng là chú."

Trong hoàn cảnh nào thì chị tôi vẫn bình tĩnh nên ngắn gọn, rõ ràng và kiệm lời. Tôi cũng phi thường đột xuất, quyết định để anh tôi mất tại nhà. Bởi anh tôi đến Mỹ chỉ có bộ quần áo mặc trên người, thì nay từ giã tất cả trên cái giường, căn phòng quen thuộc của anh, điều chỉ không làm được cho anh khi không thể; còn có thể, thì nên làm như thế!

Buổi họp chóng kết thúc để mọi người có mặt đứng quanh giường anh tôi, chị dâu ngồi tựa lưng vào thành giường với anh tôi. Tay trong tay nhau, chị tôi tiễn anh tôi đoạn cuối cuộc đời. Hai dòng nước mắt người chị dâu thầm lặng như tính nết chị, lấp lánh ánh nến tỏa ra từ tác phẩm sau cùng chị làm cho anh chiều nay.

Anh tôi nhìn từng người thân và nói lời từ giã bằng ánh mắt yêu thương nhất của anh. Câu cuối cùng anh nói không ra lời nhưng ai cũng hiểu anh nói gì với chị dâu tôi. Rồi ánh mắt ấy dại đi, tan vào ngọn nến - trên miếng thớt gỗ bạc màu, hình chữ nhật. Nhưng nhìn tự nhiên như bãi biển quê tôi vì chị tôi khéo rải cát, tiếp nối là sỏi thủy tinh xanh như màu nước biển, tiếp nữa là những hòn đá như đá núi lửa, có màu đỏ chen lẫn màu đen của nham thạch, rất giống núi quê tôi. Cọng phi lau từ góc núi nghiêng ra muộn phiền, nhưng kiêu ngạo, kiêu hãnh, kiêu sa... Tôi không hay văn thơ hay nghệ thuật như anh chị tôi, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự u tịch của ba ngọn nến phía sau núi đá lửa, chúng hắt sáng trong căn phòng không mở đèn điện, nó làm nên một buổi hoàng hôn thật muộn màng ở vùng biển quê tôi; chỉ phút giây nữa thôi, tất cả sẽ chìm vào bóng tối... Biển không còn mênh mông làm người ta khiếp sợ, chỉ có sao trời lấp lánh những ước mơ, thiên thần chở những ước mơ đẹp về trời và dìm xuống biển sự đố kỵ, ganh ăn ghét ở...

Người vợ hiền lành của tôi đã kể chuyện ấy đến tôi cũng tin là thật.

1 giờ đêm, thằng cháu trai đang lo hoàn tất giấy tờ cho người vừa qua đời là bố nó. Người được bác sĩ chứng nhận đã chết trên đường xe cứu thương đưa tới bệnh viện.

Tôi thì nhờ mấy viên thuốc vừa uống nên tỉnh táo ra, và con gái tôi luôn bên tôi để giữ vững tinh thần cho bố.

Tôi chợt hiểu ra những người trẻ bây giờ thật giỏi, họ can đảm và sáng suốt trong những tình huống khẩn cấp như thằng cháu trai biết sắp xếp để bố nó chết tại nhà như ước nguyện của ông, của mẹ, và chú nó là tôi. Nhưng về mặt pháp y thì giấy trắng mực đen đã rành rành phán quyết của bác sĩ là chết trên đường tới bệnh viện. Con gái của anh tôi và con gái tôi cũng là hai trợ thủ đắc lực, tinh khôn cho thằng cháu trai trong trường hợp khẩn cấp vừa qua, mà chúng đã giải quyết được trọn vẹn cả đôi đàng.

Ừ thì chuyện một người ra đi, khi đã cao tuổi và nằm một chỗ đã cả năm nay, chắc chắn không làm sốc người thân vì chuyện ắt sẽ đến đã được chuẩn bị tinh thần cho mọi người là luôn sẵn sàng chờ đợi sự ra đi của anh tôi.

Chỉ còn câu chuyện lúc ban chiều trong tôi, vợ tôi canh đồng hồ đúng giờ tôi từ trong hãng ra bãi đậu xe để về thì mẹ bọn nhỏ gọi, "Bác tụi nhỏ yếu quá rồi anh ơi! Em mới gọi hỏi thăm thì bác gái cho biết thế! Anh đừng đi đâu nhé, về nhà tắm rửa, cơm nước, rồi chở em sang thăm bác..."

Tôi còn cự nự, "Bác ấy yếu cả năm nay rồi! Có ngày nào khoẻ đâu, mà mẹ mày cứ rối lên. Bây giờ tôi không về nhà ngay đâu, tôi ghé ngang nhà thăm bác trai, rồi mới về nhà. Mẹ mày có muốn sang thăm bác ấy thì đợi con bé về, bảo nó đưa sang nhà cho thăm. Tôi không lái xe trời tối đâu..."

Tôi nói thế để trấn an mẹ bọn nhỏ, và cũng trấn an trong lòng tôi một nỗi buồn đang lan toả. Nhưng khi tôi lái gần đến nhà anh tôi, còn một bảng "stop" nữa là tới. Tôi thấy bên vệ đường có người phụ nữ Á đông, đầu đội nón rộng vành, tay mang găng tay lên đến cùi chõ. Bà ấy thơ thẩn như tìm của rơi trong cái nắng rát mặt. Tôi không tin bà ấy đang đi thể dục vì rõ là bà ta đang tìm kiếm điều gì ở ven đường.

Khi chạm mặt, tôi mới nhìn ra là chị dâu của tôi. Tôi hỏi, "Chị đi đâu thế? Sao lại..."

Chị tôi không trả câu hỏi mà chỉ mừng quýnh lên, "May quá! Sao chú lại đến đúng lúc thế này. Mau giúp chị với...

Trên tay chị tôi là một cái ly cà phê togo (do chị nhặt bên vệ đường) rồi không biết nước chị hứng được hay múc từ đâu mà trong ly có nước. Chị cố giữ cho đừng héo một bông hoa dại - lạ lùng, mà chị vừa ngắt được ở đâu đó!

Song, chị bảo tôi, "chú lái, đưa chị đến căn nhà đằng kia. Chị muốn ngắt một cái bông phi lau, có màu lạ lắm chú ạ! Bông phi lau màu lửa trời... chú hình dung ra không?"

Tôi lắc đầu, nhưng bên trong hộp sọ tôi lại nghĩ, chị tôi đã bị khủng hoảng tinh thần do anh tôi nằm một chỗ đã cả năm nay. Gần đây, chị bưng khay thức ăn vô phòng cho anh ăn mỗi bữa. Ngoài thức ăn, ly nước trắng, cốc nhựa nhỏ đựng những viên thuốc anh tôi phải uống theo toa bác sĩ. Khay gỗ gần đây có thêm một tác phẩm nghệ thuật do tự tay chị làm, khi là một bình hoa (hoa nhà lá vườn), khi là một bức thêu, tranh vẽ; khi là những tấm ảnh cũ từ đời nào của gia đình lớn, hay ảnh gia đình nhỏ của anh chị, ảnh riêng của hai người, được lồng (gắn) lại với nhau như trẻ con làm projet ở trường học...


Tôi nhớ vợ tôi đã kể chuyện với các con tôi, "...tội nghiệp bác gái. Bây giờ mỗi ngày, thậm chí mỗi buổi. Bác ấy cắt, ngắt, hết hoa nhà lá vườn để cắm vào lọ, hay trên dĩa, chén... đủ kiểu. Bác gái bảo, khi đưa thức ăn vào phòng cho bác trai thì bác trai ngày càng ăn ít đi, đến không chịu ăn nữa. Nhưng từ hôm vô tình, bác gái ngắt bông tường vi bên hông nhà vì nó tươi đẹp quá! Chỉ định bụng đem vào phòng cho bác trai xem một chút xanh tươi bên ngoài nhà vì đã lâu bác trai không ra khỏi phòng.

Bác gái không ngờ bao nhiêu sinh lực còn lại của bác trai đã tản mạn từ lâu thì chúng như quy tụ lại được trong ánh mắt háo hức, vui tươi. Bác trai như trẻ, khoẻ ra đến mấy mươi tuổi. Bá trai tự múc cháo ăn một mình; bác gái không phải nài, ép, để đút được muỗng nào hay muỗng nấy!

Bác trai vừa ăn cháo ngon lành, vừa nhắc kỷ niệm xưa với bác gái, "...nhà em ngày xưa lắm tường vi - dọc theo lối đi bên hông nhà. Anh nhớ mãi, mỗi lần anh ném hòn sỏi vào cửa sổ phòng em, thì em như lướt trên giậu tường vi, ra mở cổng cho anh vào chơi nhà. Anh cứ nói với mình là phải vẽ bức tranh cô tiên bé nhỏ của anh bay trên giậu tường vi. Nhưng đôi cánh thiên thần ấy đã bị Việt cộng bẻ gãy từ ngày anh gãy súng tháng Tư..."

Hôm khác, bác gái lục tìm được tấm ảnh cũ, thời hai bác còn cặp kè với nhau, hai người ôm nhau ngoài công viên, nhưng ngả ra hình chữ Y cho giống cái cây thật đứng chơ lơ giữa thảm cỏ xanh. Bác gái dán lên bìa giấy cứng, vẽ thêm từ hai tay giăng ra của hai bác, thòng xuống hai quả táo. Một quả dán hình con trai của hai bác, quả bên kia dán hình đứa con gái...

Có vậy mà bác trai vui đến mấy ngày, ăn khá hơn nhiều, ngủ được hơn. Lại còn nói tếu với bác gái, "...giá anh không lính tráng, được ở nhà với em nhiều hơn, thì cây táo nhà mình có trái đến chục mười hai, ấy em nhỉ..."

Bác gái ngắt hết hoa nhà lá vườn thì ngắt hoa dại trên đường đi thể dục mỗi sáng; khi nhặt cành khô, quả rụng... về sáng tạo ra một tác phẩm làm vui mắt bác trai để bác trai ăn ngon miệng hơn,ngủ ngon giấc hơn..."

Vợ tôi đang kể chuyện người hào hứng bao nhiêu thì tiêu ngỉu khi nghĩ tới chuyện mình, vợ tôi là thế! "Mẹ không biết làm như bác gái đâu! Nói gở, nhỡ bố của các con không may như bác trai. Mẹ chắc, chỉ biết khóc..."

Thế là khóc không cần xấu hổ trước mặt con cái.

Các con tôi an ủi mẹ của chúng, "Nhưng mẹ nấu ăn ngon. Cứ nấu giả cầy và xào rau muống thì bố con chẳng phiền hà. Bố của chúng con ăn nghệ thuật... rất nghệ thuật. Bố không thích vẽ, làm thơ, viết nhạc như bác trai..."

Tôi trôi theo dòng nhớ - là tâm thần tôi bây giờ. Tôi dễ dàng quên chuyện vừa xảy ra, nhưng nhớ rõ từng màu áo mà vợ tôi thường mặc khi tôi về phép, đóng bộ quân phục cho thật oai phong. Rồi lang thang ngang nhà vợ tôi đến chừng thấy được mới thôi. Ai cũng biết tình tôi trừ người thấp thoáng trong bờ giậu...

Ấy! Chị tôi không nhắc thì tôi đã quên dừng lại căn nhà có bụi phi lau mà chị muốn đến. Cũng chỉ là một bụi phi lau xanh um, mấy cây cờ trắng của nó phất phơ với gió. Và chị tôi là người có mắt nghệ thuật nên thấy một bông phi lau màu lửa trời. Còn tôi chỉ thấy một bông phi lau bị sâu ăn, nó đỏ ối ra trước khi khô héo.

Chị ngắt không tới nên nhờ tôi ngắt hộ. Rồi vui sướng đem lên xe, trầm trồ khen ngợi suốt đường tôi đưa chị tôi về nhà chị.

Anh tôi đang ngủ và tôi không cho chị đánh thức. Tôi ngồi uống ly nước trà và xem chị tôi trổ tài trên miếng thớt cũ...

Nhưng giờ đã khác chiều nay thật rồi! Anh tôi không còn nữa trên đời như ban chiều, dù anh chìm vào giấc ngủ, gương mặt trắng xanh của người bệnh hoạn nhưng êm ả, gương mặt nhẹ tênh như sự hài lòng.

Giờ đang là nửa đêm về sáng, anh tôi đã không bao giờ thức dậy nữa, chỉ còn lại mình tôi trên hành lang bệnh viện, nghe con gái chị tôi kể cho vợ tôi nghe, "...Sáng nay bố cháu vẫn bình thường, mẹ cháu nói điện thoại với cháu - cứ yên tâm đi làm đi. Nhưng chiều nay, khi mẹ cháu đem thức ăn vô phòng cho bố. Mẹ khoe tác phẩm mới tặng bố - thì không biết sức đâu mà bố cháu có thể tự ngồi dậy một mình. Bố cháu bảo mẹ tắt đèn đi. Rồi bố nhìn như thôi miên vào tác phầm của mẹ cháu. Bố cháu nói: Đúng là biển chiều ở quê mình. Anh đã về tới nhà. Ôi! Cọng lau gầy trĩu nặng bóng tà dương...*, em còn nhớ câu thơ tuyệt vời ấy chứ...?

Bố cháu cảm ơn mẹ nhiều lần, rồi thiếp đi, không ăn, không nói gì thêm nữa...

Mẹ cháu gọi và cháu với anh cháu đến ngay. Chúng cháu cũng chỉ biết ngồi nhìn thôi chứ biết làm gì. Độ bố cháu tỉnh dậy lần cuối, bảo gọi chú thím sang đây. Bố cháu như biết trước giờ cáo chung của mình. Bố thanh thản lạ. Nhưng cháu thương bố cháu quá..."

Nó oà khóc ngoài hành lang bệnh viện giữa đêm khuya. Vợ tôi khóc theo cháu, con tôi khóc theo mẹ. Tôi khóc anh tôi đã về nhà, nhưng nước mất thì làm gì còn nhà để về. Anh tôi từ nay bơ vơ trên quê cũ với linh hồn tả tơi...

Và vẫn chỉ một người lạnh lùng, cứng cỏi khi hữu sự là chị dâu tôi. Chị tôi theo sát con trai chị để xem kỹ lại giấy tờ, rồi trở ra khuyên chúng tôi đừng khóc nữa. Tất cả về nhà nghỉ ngơi để lấy sức, sáng mai lo hậu sự cho anh...

Tôi về ngủ nghỉ gì được với sự đau lòng còn hơn tôi chết. Cứ nghĩ mãi về nỗi đau lòng của mình thì anh tôi cũng không sống lại được. Tôi chấp nhận lời khuyên của vợ với trọn lòng tin. Và hình ảnh chị tôi ban chiều phơi nắng đi hái cánh hoa dại, nhặt ly nước rỗng ven đường, múc nước dưới mương, hồ để giữ cho hoa tươi; Chị ngắm nhìn bông lau bên bờ giậu nhà người ta bao lâu thì tôi không biết, nhưng chị biết làm gì với bông lau màu lửa trời ấy!

Tôi nhớ lại từ lần đầu biết chị, thuở anh em tôi còn học chung trường trung học. Tôi hiếu động nên theo nhóm thể thao, tập võ. Anh tôi theo nhóm ca hát, báo chí. Năm anh lớp Đệ nhất thì đã làm trưởng ban báo chí của toàn trường. Anh đưa cô bé lớp Đệ tam về nhà để giúp cô làm tờ báo tường cho lớp cô. Bữa cơm đầu tiên cô cầm đũa ở nhà tôi là hôm ấy, để về sau, người con gái có uy lực chỉ huy trời phú ấy đã gắn bó với gia đình tôi.

Anh tôi đi Võ bị Đà lạt thì chị đã trở thành người bạn trẻ thân thích nhất của mẹ tôi, chị thành con dâu của mẹ tôi, chị thành chị cả trong gia đình tôi, chị thành phụ tá uy quyền nhất của cha tôi... Người chị mà từ chuyện nhỏ như mấy cô em tôi xin mua đôi giày, xin may áo mới... mẹ tôi cũng chỉ nói một câu, "xin chị cả của con đi, mẹ bận lắm!" Bao nhiêu khách hàng làm ăn với công ty của cha tôi, dường như chỉ biết cô Hai và quên đi ông chủ thật sự của công ty thương mại của cha tôi...

Trong khi anh tôi học nhạc thì cũng không thành nhạc sĩ mà chỉ còn lại vài bản nhạc do anh sáng tác; anh học vẽ, cũng không thành họa sĩ mà chỉ còn vài bức tranh trên tường nhà anh; anh làm thơ, viết văn... cũng chẳng để phiền cho ai phải đọc; Phiền chăng, chỉ là chị tôi phải giữ mãi một kho tàng của người đam mê nghệ thuật mà chị trót yêu thương...

Thành tựu của đời anh có lẽ đáng kể nhất là lấy vợ thành công; là người chị mà tôi... không thích từ đầu, vì cái trời ban cho chị là tự thân chị toả ra sự uy nghiêm của người chỉ huy; cái hơn người của chị làm tôi không thích...

Đã rất nhiều lần, người vợ thật thà, hiền lành của tôi đã cố thuyết phục tôi chỉ nên nghĩ về trọng trách nặng nề của chị đối thương vụ của cha, chỉ nên nghĩ về bao nhiêu trách nhiệm với gia đình, em út, mà mẹ đã trút lên vai chị vì mẹ quá bận buôn bán... Cả đời chị đã cống hiến hết sức lực cho gia đình bên chồng. Nếu so ra hai chị em bạn dâu thì em hưởng hết sung sướng từ gia đình chồng, còn chị chịu hết cực khổ cho gia đình anh. Về già, chị may mắn có con cái thành đạt, nhưng chưa được hưởng gì thì anh đã đột qụy...

Những lời lẽ chân thành từ người vợ hiền lành của tôi như được chứng thực đêm nay. Điều đồng nghĩa với tôi thêm nợ người chị dâu đã cống hiến trọn đời cho gia đình tôi, cho anh tôi. Từ nay, căn nhà quá rộng của chị chỉ còn lại những kỷ vật của anh tôi, những kỷ niệm gia đình. Tôi sẽ làm gì đây để tạ tội cả đời cứ mang ác cảm với chị tôi - người đàn bà có thiên khiếu lãnh đạo nên trời cũng nắn cho chị đôi vai đủ sức gánh vác trọng trách của người ra lệnh. Mà những thứ ấy cũng chỉ có giá trị nhất thời, trong một giai đoạn nào đó thôi. Điều đáng nhớ lâu bền hơn về chị là hình ảnh người phụ nữ lưu vong đã già - dang nắng - đi hái hoa dại về làm vui cho chồng ăn thêm muỗng cháo khi nửa kia của chị đã đứng bên bờ tử sanh...

Phan

Ý kiến bạn đọc
10/09/201713:11:24
Khách
Quá hay , càng đọc càng phục , cảm động còn nhiều hơn khi đọc Tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn hay Hồ biểu Chánh
17/02/201522:44:40
Khách
Chuyêṇ viêt́ hay,, cang̀ đoc̣ cang̀ thich́ nhưng̃ chuyêṇ cuã Phan,
24/10/201421:36:22
Khách
Câu chuyện hay, tình cảm diễn tả tuyệt vời.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,608,062
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa