Hôm nay,  

Cần Cả Một Làng

10/10/201400:00:00(Xem: 12563)

Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 4356-14-29756vb6101014

Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator - giúp hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại vùng Bắc California. Tháng 11 năm 2010, Nguyễn Thi có bài viết “Sân Chơi 5 Vạn” kể việc gần 300 tình nguyện viên giúp trường tiểu học Burnett làm xong một sân chơi trị giá 50,000 mỹ kim chỉ trong một ngày. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.

* * *

Vào năm 1996, Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton đã cho xuất bản quyển sách với tựa đề "It Takes a Village: And Other Lessons Children Teach Us" dựa trên một câu ngạn ngữ của người Nigeria thuộc châu Phi "Ora na azu nwa", nghĩa là "Cần cả một làng để nuôi dạy một đứa trẻ". Theo quan điểm giáo dục của bà Hillary Clinton thì trọng trách giáo dục trẻ em không phải chỉ của một gia đình, trường học mà là của cả xã hội, quốc gia.

Qua những phương tiện vận chuyển hiện đại như xe lửa siêu tốc, máy bay, thông tin nhanh chóng của truyền thanh và truyền hình hoặc tin tức điện tử trên các trang mạng internet, đã dần dần thu nhỏ thế giới cách xa cả vạn dặm thành một cái làng nơi mọi người đều biết về nhau. Và một đứa trẻ lêu lổng sẽ có ảnh hưởng không tốt tới nhiều trẻ em khác như lời ông bà ta đã nhắc nhở từ ngàn xưa "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng".

blank
Phòng nhận "coat check" cho buổi khiêu vũ "Sadie Hawkins Dance".

Có thể nói hầu hết các gia đình Việt Nam quen với câu "Trời sinh voi, trời sinh cỏ" nên mỗi gia đình có 5-7 con, thậm chí 10 đứa là chuyện bình thường, và khi tới tuổi đi học đã có nhà trường và thầy cô chăm lo giáo dục nên họ không bận tâm cho lắm. Tuy nhiên, sau biến cố 1975, khi người Việt tỵ nạn tại các nước Tây phương, đặc biệt tại Hoa Kỳ, họ bắt đầu thấy việc chăm nom con trẻ rất quan trọng. Người bản xứ ý thức việc "Cần cả một làng để nuôi dạy một đứa trẻ", nên mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, và họ chú trọng vấn đề dạy dỗ cho con ngay từ khi bà mẹ còn đang mang thai. Các bà mẹ được bác sĩ và y tá hướng dẫn uống thuốc dưỡng thai và cách ăn uống dinh dưỡng, cũng như thói quen lành mạnh nói chuyện nhỏ nhẹ với thai nhi, nghe những khúc nhạc êm dịu, đọc những quyển sách hữu ích... sẽ dễ cho "mẹ tròn con vuông".

Những thói quen lành mạnh này lại được tiếp tục cộng thêm sự vỗ về, âu yếm, và giọng nói ngọt ngào của ông bà, cha mẹ, anh chị em từ khi bé chào đời đến tuổi măng non giúp cho các em có một hành trang thực tiễn để đối phó với cuộc sống mới khi các em bắt đầu giao tiếp với bạn học, thầy cô tại những lớp ở bậc tiểu học và trung học.

Với "Sân Chơi 5 Vạn!" (www.vietbao.com/a165104/san-choi-5-van) bà Hiền đã ý thức được sự trợ giúp của "cả làng" gần 300 người để các học sinh trường tiểu học Burnett có được một sân chơi bền chắc và an toàn chỉ trong một ngày. Do đó, khi ba đứa con của bà Hiền lần lượt lên bậc trung học, bà vẫn ghi danh làm hội viên của Hội Phụ Huynh Học Sinh và Thầy Cô (PTSA). Thỉnh thoảng bà giúp trường vào những dịp chào mừng thầy cô bằng bữa ăn sáng đầu khóa, hoặc bữa ăn trưa tạ ơn thầy cô và nhân viên toàn trường cuối khóa, "coat check" giữ áo khoác ngoài cho buổi khiêu vũ Sadie Hawkins Dance, giúp bán thức ăn gây quỹ cho phân khoa Âm Nhạc của trường vào các buổi cuối tuần giữa tháng Tư đến giữa tháng Năm trong chương trình "Music in the Park" (www.musicintheparks.com)....

Năm nay vì bé Hải là đứa út tại trung học nên bà Hiền rảnh giờ hơn để giúp trong trường. Vào ngày thứ sáu 15 tháng 8 lúc 9:10 buổi tối, bà Hiền nhận được tin nhắn "Quan Trọng!" từ hội trưởng A.J. của hội PTSA yêu cầu bà giúp phân phối sách giáo khoa cho học sinh vào ngày thứ ba 19/8 và thứ tư 20/8 (nửa ngày, 11:45 am - 2:45 pm) hoặc ngày thứ năm 21/8 (nguyên ngày, 7:45 am - 2:45 pm) vì nhà trường muốn tất cả các học sinh (trên 3.000 em) đều có sách giáo khoa trong tuần lễ đầu nhập học. Bà Hiền tính nhẩm trong đầu, "mỗi em có 5 lớp học cần sách giáo khoa, như vậy nhà trường cần phải phân phối trên 15.000 quyển sách cho học sinh và thầy cô trong 4 ngày liên tục". Bà Hiền nhắn tin lại cho hội trưởng A.J. rằng bà có thể giúp được nguyên ngày thứ năm, còn hai ngày thứ ba và thứ tư thì chịu thua vì ai cũng bận việc nhà, việc hãng.

Thứ năm tuần sau, bà Hiền có mặt sớm tại trường lúc 7:30 sáng mà bãi đậu xe chỉ còn một chỗ duy nhất. Mặc dầu 8 a.m. mới là tiết học đầu tiên, nhưng học sinh đã đến trường khá đông, họ tụ năm, tụm ba hỏi nhau bài vở, hoặc bàn về các tiết mục đi chơi cuối tuần. Đây đó tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Tây Ban Nha huyên náo, trộn lẫn vào nhau khiến người nghe có cảm giác đang đứng trước sân tòa nhà Liên Hiệp Quốc thay vì ở một sân trường trung học tiêu biểu, đa văn hóa và đa ngôn ngữ của vùng bắc California.

Bà Hiền vào văn phòng trường ghi danh để nhận bảng tên thiện nguyện viên rồi qua building J để gặp cô Inlinka, nhân viên phòng sách giáo khoa. Cô Inlinka mời bà A.J., bà Hiền, và hai thiện nguyện viên khác dùng điểm tâm nhẹ với trái cây và cà phê trước khi nhận nhiệm vụ tại các nơi phân phối sách. Bà Hiền là người chưa quen với công việc nên được đích thân cô Inlinka dẫn đi bộ đến building L. Dọc đường cô cho biết:

- Building L là tòa nhà hai tầng chuyên có các lớp dạy về bộ môn khoa học nên phòng phân phối sách khoa học được đặt trên lầu hai.

- Có ai làm việc chung với tôi hôm nay không?

- Phòng này tương đối nhỏ và chỉ có một máy điện toán để ghi danh và rút tên học sinh ra khỏi hồ sơ mượn sách nên chỉ có mình cô làm việc thôi.

- Rồi tôi làm sao biết em nào học sách nào mà đưa?

- Trong phòng đã để sẵn thời khóa biểu của việc phân phối sách cho lớp nào của giáo viên nào cho nguyên ngày hôm nay. Khi đến giờ lấy sách của lớp mình, các em sẽ sắp hàng ngoài cửa phòng sách và chính các giáo viên sẽ giúp trao sách cho học sinh của họ. À chúng ta tới nơi rồi.

blank
Học sinh trung học khắp nơi tham dự chương trình "Music in the Park".

Mải đi theo hỏi chuyện cô Inlinka mà bà Hiền quên rằng mình đã lên lầu 2 của building L, và phòng sách giáo khoa ở ngay sát cầu thang và thang máy. Cô Inlinka mở cửa phòng với xâu chìa khóa nhiều chìa một cách lanh lẹ. Cô mở toang cửa ra rồi bật công tắc đèn lên, tay chỉ vào chiếc bàn nhỏ đặt ngay phía trái của cửa ra vào, cô giới thiệu:

- Đây là bàn làm việc của cô ngày hôm nay, máy computer này tôi đã mở sẵn trang "Hồ sơ mượn sách giáo khoa". Khi học sinh đem sách đến, cô cầm chiếc máy "scan" tay này bấm vào mã vạch hàng số (barcode) ghi trên thẻ học sinh để máy tự động "đọc" số căn cước của học sinh, sau đó "scan" vào mã vạch hàng số (barcode) ghi ở bìa trong của quyển sách các em muốn mượn. Lúc đó trên màn hình sẽ tự động hiện ra "hồ sơ mượn sách giáo khoa" với tên học sinh và tên quyển sách cô vừa "scan" vào. Như vậy là cô đã xong thủ tục cho học sinh mượn sách, nhưng cô nhớ bấm "reset" sau mỗi học sinh, nếu không máy computer lại tưởng học sinh đó muốn mượn thêm cuốn nữa khi cô "scan" quyển sách kế tiếp.

- Có bao giờ mà khi "scan" quyển sách, máy computer vẫn không cho học sinh mượn sách không?

- Có chứ. Đó là trường hợp cô quên chưa "reset" hồ sơ mượn sách cho học sinh mới, hoặc là em đó còn nợ tiền phạt hoặc chưa trả sách của niên khóa cũ. Trong trường hợp này, em đó hoặc bố mẹ phải tới phòng sách chính J2, mà sáng nay cô tới, để thanh toán nợ cũ trước khi được mượn sách mới. Trên tường này tôi đã dán sẵn 4 tờ thông tin - tờ thứ nhất là thời khóa biểu chuông reng cho 6 tiết học (period) mỗi ngày, tờ thứ hai là thời khóa biểu phát sách giáo khoa của các môn học cho toàn trường trong tuần này tại bốn địa điểm khác nhau, tờ thứ ba là danh sách các lớp học khoa học và tên giáo viên sẽ dẫn học sinh đến phòng này nhận sách cho mỗi tiết học hôm nay, tờ thứ tư là tờ giấy hướng dẫn cách vào lại trang "Hồ sơ mượn sách giáo khoa" trong trường hợp máy computer bị trục trặc không chịu hoạt động, cô có thể vào địa chỉ trang mạng ghi sẵn ở đây cũng như tên ghi danh và số mật mã thì màn hình sẽ trở lại "trang nhà" ngay. Cô có còn thắc mắc gì không?

- Hiện giờ thì chưa, nhưng nếu cần hỏi thì tôi liên lạc với ai?

- Cô cứ lên lạc với tôi qua máy walkie-talkie trên bàn này, tôi đã mở sẵn tần số của trường rồi, muốn nói chuyện cô chỉ cần bấm vào nút này rồi nói chuyện bình thường, hoặc cô có thể gọi điện thoại di động cho tôi cũng được.

- Nếu có thắc mắc chắc tôi sẽ gọi điện thoại di động cho cô.

- Vậy thôi chào cô nhé, tôi trở về phòng làm việc của tôi đây. À quên, cô nhớ nhắc cháu Hải ghé qua phòng tôi để lấy phiếu ăn và lãnh phần ăn trưa tại cafeteria giùm cô nhé!

- Vâng, cám ơn cô.

Cô Inlinka vẫy tay chào rồi bước ra khỏi phòng. Bà Hiền nhìn xung quanh căn phòng nhỏ khoảng 15 feet x 15 feet, với những kệ đựng đầy sách khoa học chung quanh tường và ngay cả giữa phòng cũng có hai kệ sách chắn ngang, đó là chưa kể nguyên bốn chồng sách cao cả thước vì không có kệ nên phải để dưới sàn nhà, khiến cho căn phòng trông càng nhỏ hơn và lối đi giữa hai kệ sách chỉ vừa đủ cho một học sinh trung học tiến vào. Hèn chi lúc nãy cô Inlinka mở toang cửa phòng và dặn cho học sinh sắp hàng ngoài cửa phòng sách.

Bà Hiền nhìn kỹ vào tờ danh sách các lớp học sẽ đến nhận sách hôm nay thì thấy có cả thảy là 21 lớp: 6 lớp Integrated Science, 4 lớp Forensic Science, 2 lớp Earth Science, 7 lớp Physics, và 2 lớp Ecology. Tiết học 1 và 2 tương đối dễ vì chỉ phải trao sách cho hai lớp mỗi tiết học, tức khoảng 60 - 70 học sinh. Nhưng từ tiết 3 đến tiết 6 chắc phải làm việc liền tay vì cần làm xong bốn lớp trong vòng 50 phút, tức là trao sách cho khoảng 130 - 150 học sinh.

Nhờ sự chỉ dẫn tận tường của cô Inlinka, bà Hiền thấy công việc phát sách cho học sinh không mấy khó khăn. Đúng như dự đoán của bà Hiền, từ tiết 3 đến tiết 6, học sinh tiến vào phòng lấy sách không ngưng nghỉ. Bà làm việc như một cái máy, cộng thêm sự trợ giúp của giáo viên trao sách cho học sinh và các em mở sẵn bìa sách bên trong lẫn thẻ học sinh có mã vạch hàng số gần kề, nên các lớp cuối mỗi tiết đều có dư 5 phút để trở về lớp trước khi chuông reng. Mặc dù có vài trở ngại nhỏ phải gọi cô Inlinka như họ#c sinh quên đem thẻ học sinh, giáo viên muốn mượn nhiều sách cho lớp học, học sinh chuyển lớp muốn nhận sách mới nhưng chưa trả sách cũ, bà Hiền cảm nhận việc phát sách là một hoạt động nhỏ trong việc điều hành sinh hoạt hàng ngày của "trường làng".

blank
Kệ sách giáo khoa môn khoa học.

Số là hai tiết học đầu tiên tương đối rảnh nên bà Hiền có thời giờ lắng nghe các tiếng nói vang ra từ chiếc máy walkie-talkie:

- Ông Mike! Đây là Rose ở văn phòng, ông cho người ra sân sau trường mở cổng hàng rào. Học sinh gọi điện thoại nói cửa còn khóa.

- Mike! Đây là Joe, tôi vừa mở cổng cho học sinh rồi, anh không cần phải tới.

- Cô Jane! Đây là Betty. Em học sinh Maria Ramirez có học trong tiết học thể dục đầu tiên của cô không? Nếu có cho em xuống văn phòng tôi ngay để lấy đồng phục thể dục mẹ em vừa đem tới.

- Cô Betty! Jane đây, em Maria Ramirez có học trong lớp thể dục đầu tiên, nhưng chưa tới giờ vào lớp. Khi em đến, tôi sẽ cho em xuống văn phòng của cô. Cám ơn cô.

- Ông Mike! Đây là Rose. Phiền ông qua building L, phòng L2 xem có giáo viên dạy lớp không mà có một học sinh báo cáo lớp học không có ai cả.

- Cô Rose! Mike đây, tôi đang ở building L, tôi tới đó liền... Rose! Giáo viên phòng L2 có dán giấy thông báo ở cửa rằng tiết học đầu tiên hôm nay sẽ học ở phòng L8. Hiện giờ giáo viên và học sinh đang ở phòng L8.

- Cám ơn Mike. Tôi sẽ cho em học sinh trở lại phòng L8.

- Jim! Đây là Kathy ở phòng ăn cafeteria, có hai học sinh vô ý trượt té làm đổ sữa và cereal đầy sàn nhà ở phía đông của phòng ăn. Nhờ anh tới lau dọn giùm.

- Đây là Jim. Tôi đang ở builing H, tôi sẽ tới cafeteria ngay bây giờ.

-.....

Còn nhiều những lời nhắn tương tự từ chiếc máy walkie-talkie vang lên trong ngày khiến bà Hiền cảm thấy việc cha mẹ đưa con tới trường đi học mỗi ngày không đơn giản như mọi người nghĩ.

Phải "cần cả một làng" để nuôi dạy hơn 3.000 học sinh nên người.

Ghi Chú:

1. "Sadie Hawkins Dance" là buổi khiêu vũ được bảo trợ bởi các trường trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp (lớp 7-12), và trường đại học tại Hoa Kỳ. Tại buổi khiêu vũ Sadie Hawkins, thường được tổ chức trong khoảng tháng 11 đến tháng 2 mỗi năm, các nữ sinh được quyền mời các nam sinh ra sàn nhẩy, khác với phong tục nam sinh mời nữ sinh tham dự buổi khiêu vũ "Homecoming" vào mùa Thu và "Prom" vào mùa Xuân.

Nhiệm vụ của người làm "coat check" là nhận áo choàng, áo khoác hoặc những món đồ mà học sinh không muốn đem theo ra sàn nhẩy, họ bỏ các thứ ấy vào một túi giấy có viết sẵn chữ lớn ba số cuối của tấm vé, xé cuống vé có cùng con số trao cho học sinh và dặn phải giữ kỹ cuống vé, nếu không sẽ không lấy lại được món đồ đã gửi, sau đó xếp các túi giấy theo số thứ tự mỗi hàng 10 túi để dễ dàng trao lại cho thân chủ. Trung bình trường này có khoảng 200 - 300 học sinh tham dự buổi khiêu vũ.

2. "Music in the Park" hoặc "Âm Nhạc trong Công Viên" là ngày hội dài một hay hai ngày dành cho học sinh trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp (lớp 7-12) tại Hoa Kỳ, đã theo học các lớp âm nhạc như thanh nhạc hoặc nhạc khí trong trường, có cơ hội trình diễn tài năng âm nhạc của cả nhóm trước ban giám khảo vào buổi sáng, tham dự lễ trao giải thưởng, và được chơi các trò chơi trong công viên giải trí "amusement park" do họ chọn lựa. Chương trình "Âm Nhạc trong Công Viên" được tổ chức bởi hệ thống Educational Programs Network, do tiến sĩ Dr. James R. Wells sáng lập vào năm 1981. Hiện nay hệ thống Educational Programs Network phục vụ trung bình trên 200.000 học sinh âm nhạc mỗi năm tại 41 công viên giải trí "amusement park" trên toàn nước Mỹ.

3. Integrated Science Khoa Học Tổng Hợp thường bao gồm khoa học vật lý (như hóa học, địa chất học) và khoa học đời sống (như sinh vật học). Mỗi trường trung học của các tiểu bang Hoa kỳ đều khác nhau, họ có thể đặt bất cứ tên gì họ muốn cho lớp học này.

Forensic Science - Khoa Học Khám Nghiệm Tử Thi là môn khoa học thu thập bằng chứng xác thực và xem xét những thông tin về quá khứ để sử dụng trong lãnh vực điều tra hình sự. Học sinh sẽ học cách thu thập bằng chứng xác thực tại nơi xẩy ra án mạng như lấy dấu tay, và các tang chứng khác để có thể thử DNA, khám nghiệm tử thi... và những ngành nghề nào cần đến môn Khoa Học Khám Nghiệm Tử Thi này.

Earth Science Khoa Học Trái Đất là môn khoa học nghiên cứu những chủ đề quan trọng của Trái Đất như đất liền, đại dương, sông hồ, thời tiết, khí quyển, cấu tạo địa chất....

Physics - Vật Lý Học là một môn khoa học thiên nhiên tập trung vào sự nghiên cứu vật chất và chuyển động của nó trong không gian và thời gian, cùng với những khái niệm liên quan như năng lượng và sức lực.

Ecology - Sinh Thái Học là môn khoa học nghiên cứu về sự liên hệ của những sinh vật sống với nhau và các tác động qua lại giữa các sinh vật và môi trường sống của chúng.

Nguyễn Thi

Ý kiến bạn đọc
10/10/201416:49:51
Khách
Người ta thấy trường mở cửa, học trò tới học, nhưng thường quên là phài có nhiều việc làm nhỏ lớn đàng sau của nhiều người để trường được hoạt động hữu hiệu.
Hoan hô việc làm có ý nghỉa - Trân trọng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,031,661
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến