Hôm nay,  

Chuyện Đám Cưới

08/10/201400:00:00(Xem: 13710)

Tác giả: Gió Đồng Nội
Bài số 4354-14-29754vb4100814

Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự viết về nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng có 30 năm làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, cùng thời với chương trình phi thuyền coi thoi, 1981-2011. Tháng 7, 2011 bà viết "Những Chuyến Bay Cuối", bài in kèm với hình tác giả chụp khi làm việc trên một trạm không gian quốc tế hiện đã ở ngoài trái đất. Bài viết mới kể về đám cưới của các con trai sinh trên đất Mỹ.

* * *

Khi chị lớn nhất (cả) của tôi lập gia đình, tôi nghe Bố Mẹ bàn chuyện với nhau: gả chồng cho con gái lớn phải thế này, thế kia... Rồi khi anh lớn của tôi "ra riêng" tôi lại nghe Bố Mẹ tính toán: cưới vợ cho con trai trưởng thì làm như thế này, thế nọ mới đúng "lễ". Lúc ấy tôi còn nhỏ quá, nghe tai nọ cho qua tai kia. Đâu có để tâm làm gì chuyện người lớn.

Ngày qua ngày, tôi cũng lớn. Lớn nhưng tính vô tâm cũng lớn theo. Ở Việt Nam cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. May mắn thay tôi được ngồi đúng chỗ mình muốn. Với tôi thế là đủ rồi nên chi tôi không quan tâm gì đến bên ngoài (mà có muốn thay đổi chưa chắc đã được?) Từ đầu tóc đến áo cưới, hoa cầm đều do người lớn (Mẹ, Bác, Dì, Cô, Chị... ) đạo diễn. Bây giờ nhìn lại hình tôi của mấy chục năm về trước vẫn còn thấy "ngố" ra mặt.

Đó là chuyện ở Việt Nam. Ngày xưa tôi không được phép bàn chuyện cho chính đám cưới của mình. Ngày nay, khi đã thành cha mẹ, tôi cũng không có quyền quyết định, không lên chương trình, chuyện đám cưới con mình. Chỉ có thể cho ý kiến thôi. Hầu như bậc cha mẹ sống ở Mỹ đa số đều đã trải qua chuyện như thế. Người chấp nhận sẽ vui theo, người không bằng lòng sẽ buồn phiền, bực bội. Tôi lựa chọn thái độ: chuyện gì cũng là nhỏ. Đúng hay sai tùy vào sự suy nghĩ của từng người. Tôi đang sống ở Mỹ.

Chúng tôi không có con gái. Hy vọng có cháu ngoại kể như không. Không có cả con rể. Không sao. Dâu là con, rể là khách. Tôi sẽ có "lời". Lời thêm 3 đứa con nữa.

Một ngày đẹp trời, con trai út gọi về cho Mẹ. Mẹ ơi, con đã đính hôn với bạn gái. Tuy đã biết cô này suốt 10 năm, (chúng quen nhau từ hồi Trung học) cũng đã nghĩ rằng vấn đề hôn nhân của hai đứa chỉ là thời gian mà tôi vẫn giật mình. Giật mình vì tôi đã quá vô tâm. Quên mất là cả hai đứa tóc đen này đều đẻ ở Hoa Kỳ. Chúng nói chuyện với nhau bằng tiếng Mỹ, suy nghĩ của chúng là của người Mỹ dù chúng biết nói và cả biết viết chút đỉnh tiếng Việt. Biết mà không xử dụng cũng như không. Đúng là lỗi tại Mẹ. (chồng tôi đổ lỗi ngay). Sai thì mình sửa. Tôi làm liền. Gọi điện thoại cho con trai, tôi chúc mừng và kể chuyện: Con ơi, ngày xưa ông bà Ngoại bắt Bố Mẹ phải làm “đám hỏi”; sau 3 tháng mới cho làm đám cưới đấy. Thế Bố Mẹ của Y. (con dâu tương lai) không muốn có đám hỏi sao? Bên mình là nhà trai. Hỏi, Cưới, làm luôn một lần như các con tính cũng tiện nhưng Mẹ đã từng là con gái Mẹ biết. Mẹ nghĩ là con nên nói Y. thưa chuyện này với gia đình thì tốt hơn.

Đúng như tôi suy nghĩ. Bố Mẹ nào cũng muốn chuyện cưới hỏi rạng rỡ tông môn. Và cũng rất may mắn, hai đứa trẻ đều ngoan. Đám Hỏi, đám Cưới đủ phép, có hai bên gia đình tham dự, nhưng không màu mè. Trước khi quyết định chúng đều đưa Bố Mẹ duyệt qua. Từ tấm thiệp in như thế nào, làm ở đâu. Ăn, uống ra sao...

Bà Sui tôi chuyên lo dịch vụ đám cưới nên tôi "bán cái" liền. Chị muốn sắp xếp bàn ghế, lựa món ăn gì với tôi cũng đẹp, cũng ngon cả. Chị đề nghị áo màu gì tôi mặc màu đó. Khoẻ ru. Khỏi bàn cãi mất thời giờ. Thỉnh thoảng tôi nhắc" chừng các con. Đừng vì các Bố, các Mẹ muốn mà phải là cả các con muốn nữa nhé. Người Việt mình đa số mừng tiền làm quà cưới. Người Mỹ lại không thế. Họ ghi tên đôi tân hôn với một tiệm lựa trước từ khi chuẩn bị đám Hỏi. Địa chỉ này được kèm trong thiệp mời ăn "Shower". Nếu là Nhà Gái, bạn cô dâu sẽ tổ chức Bridal Shower. Bên Nhà Trai làm thì thiệp mời sẽ in "Couples Shower". Dù là bên nào đi nữa, người muốn mừng chỉ việc đến tiệm (hay dùng internet) đã có sẵn địa chỉ để in ra danh sách quà mà đôi tân hôn muốn có. Từ những thứ lặt vặt (ít tiền) đến những món rất giá trị (thật đắt). Khách được mời tùy theo tình cảm với cô dâu, chú rể mà tặng quà. Không phải khiêng, vác đi đâu, quà cùng những lời chúc tụng theo ý người gửi sẽ được gói cẩn thận và gửi thẳng từ tiệm đến đến nhà đôi tân hôn trong thời gian mình muốn. Rất tiện lợi. Không có mục đi chào bàn (để nhận tiền mừng) trong tiệc cưới theo kiểu Mỹ. Dù Việt hay Mỹ, đám cưới nào cũng phải tốn tiền.

Trước, rồi sau đám cưới tôi vẫn hỏi các con có cần tiền mà tuyệt nhiên câu trả lời vẫn là không. Người Việt mình đặt trọng tâm của buổi tiệc vào thức ăn. Người Mỹ lại quan tâm đến cách thức tổ chức, ăn là điều phụ. Với riêng tôi, ngoài vấn đề tiền, điều quan trọng để có một đám cưới hoàn mỹ phải là niềm vui của tất cả mọi người tham dự. Đương nhiên là cô dâu chú rể phải vui trong ngày này rồi.

Chưa đầy một năm sau, con trai khác cũng từ xa gọi về báo tin đã đính hôn. Lần này thì tôi không giật mình vì cô dâu tương lai là người Mỹ chính cống. Kiểu đính hôn của người Mỹ như thế. Đơn giản, chỉ giữa đôi trai gái với nhau. Tôi nhận tin vui của con lúc trưa thì buổi chiều nhận điện thoại từ bà mẹ cô dâu tương lai tự giới thiệu và chúc mừng tôi. Tôi chúc mừng lại.

Hai bên gia đình chưa biết mặt nhau. Thế là chúng tôi hẹn gặp nhau vào mấy tháng sau để làm quen. Hai bên đi máy bay từ hai phía, gặp nhau nơi hai trẻ đang sống vào một cuối tuần. Thứ Bảy bên kia mời ăn, Chủ Nhật bên này đãi lại. Sau đó trở về chỗ cũ, việc ai nấy làm. Kinh nghiệm lần trước, thế nào cũng là đám cưới theo sau nên tôi chuẩn bị tinh thần. Thế mà cũng lại giật mình khi con trai gọi: Mẹ ơi, con muốn làm đám cưới ở Costa Rica.

Hả? con nói cái gì? Tại sao vậy?

Costa Rica thì tôi có nghe con nói nhiều lần, có thấy những tấm hình nhà nghề chụp con đang lướt trên tấm bửng nhỏ tí teo dưới chân mà ngay sau lưng là những ngọn sóng cuộn cao hàng mấy thước đang chụp xuống như muốn nuốt chửng thằng con trông thật khủng khiếp. Tôi có biết đây là một quốc gia ở Nam Mỹ, môt trong những nơi du lịch nổi tiếng thế giới. Costa Rica có núi lửa, có những bờ biển tuyệt đẹp chạy dài một bên những triền núi, có cả những ngọn núi lửa đã tắt từ lâu nhưng có thể phún thạch vẫn còn đang âm ỉ trong lòng đất. Có những thành phố dành riêng cho người thích Surfing (lướt sóng). Đây là môn thể thao chính mà con tôi thích nhất từ những ngày còn nhỏ.

Sóng biển Florida đã không còn "đủ lớn" để nó giỡn mặt Thủy Thần khi con trưởng thành. Đây là lý do đầu tiên con tôi chọn Costa Rica. Con lý luận tiếp: Nếu làm đám cưới nơi chúng con đang ở, hai bên gia đình đều phải đi máy bay, phải mướn khách sạn thì làm ở Costa Rica đâu có khác gì. Thêm vào đó nhân dịp vui của tụi con, cả hai bên đi du lịch luôn. Tất cả mọi việc đều giao cho người chuyên viên phụ trách đám cưới (Wedding Coordinator) lo.

Tôi nghe quá có lý nên đồng ý liền vì trong bụng cũng đã tính sẵn. Nội trong tháng Giêng, Tuần đầu tiên có ngày kỷ niệm đám cưới của môt cô em, tuần thứ hai của một cô em nữa, tuần thứ ba của chính tụi tôi. Người ít nhất cũng là 30 năm. Bà chị cả tuy không cùng tháng nhưng năm nay là 45 năm anh chị có nhau chung đường. Và bây giờ đám cưới con - chỉ cách Bố Mẹ ngày xưa mấy ngày. Đúng là dịp tất cả chúng tôi cùng vui chung (hay chung niềm vui cũng thế).

Ngày đã định, nơi đã chọn, mọi việc cho tiệc cưới đều do các con lo. Phần tôi lo đặt vé máy bay, lựa chỗ ở trước cả hơn 6 tháng cho gia đình mình. Lo sớm đến nỗi JetBlue không chịu bán vé, chỉ lấy 10% tiền đặt cọc, bắt phải chờ đến trước ngày đi một tháng mới cho trả hết tiền. Xem bản đồ thế giới thấy Costa Rica sát ngay bên cạnh Nicaragua tôi tưởng vật giá chắc là rẻ lắm. Nam Mỹ mà. Tôi bé cái lầm. Costa Rica mắc khủng khiếp. Không thua gì Hawaii. Sau mới biết lý do. Bất cứ nơi nghỉ mát nào cũng là cái máy chém. Đâu mấy ai du lịch ở Nicaragua, nhưng đi xứ Costa Rica thì nhiều lắm. Bắt đầu từ cuối tháng 11 đến tháng 3 là cao điểm mùa du lịch ở xứ này. Khi các nơi khác trên thế giới đang lạnh cóng người thì ở đây vẫn là nắng ấm với nhiệt độ từ 65 đến 75 độ F. Quá lý tưởng. Thôi thì có đi mới biết.

Nhân chuyến đi này tôi chơi bạo, "bao" luôn một chiếc máy bay nhỏ, 1 động cơ, có phi công chính lái, và thêm phi công phụ; làm một màn ngoạn cảnh. Khi máy bay mới cất cánh tôi có hơi sợ lúc nó chao qua chao lại như con diều nhưng ráng làm mặt tỉnh vì mình bày ra trò này. Ở đúng cao độ mới thấy thích thú. Trên cao nhìn xuống xanh mướt một màu lá cây, những con đường ngoằn ngoèo như con rắn ở giữa những trái núi nhỏ, trườn trên những ngọn đồi, tuột xuống các thung lũng trông thật sống động. Xa xa, nhiều hồ nước thiên nhiên êm ả, lặng lẽ phơi mình dưới ánh mặt trời buổi sáng. Nhẹ và mát.

Trong khi tôi và một vài anh chi em thưởng thức thì những người khác đánh lô tô trong bụng (họ đọc kinh cầu nguyện mà tôi đâu biết). Thế mà khi máy bay đáp xuống, ai cũng hân hoan chụp hình kỷ niệm (mừng mình an toàn!) bên cạnh tấm bảng Wellcome to Tamarindo của phi trường thành phố đi dăm phút đã về chốn cũ này. (Tôi đã tính giờ, thấy quả 5 phút, không nói đến quý vị bơi theo đường biển hay leo đường núi).

Tamarindo đích thực là một thành phố du lịch, toàn khách sạn, nhà hàng và những dịch vụ sống nhờ khách du lịch. Ăn mãi các tiệm cũng ớn, tôi thử tìm một nơi bán thực phẩm để nấu lấy (tôi thuê 3 căn sát cạnh nhau trong 1 condo., có đầy đủ nồi niêu, chén dĩa. Mỗi cái 2 phòng ngủ cho 12 người; bọn trẻ đòi ở khách sạn khác). Chán ơi là chán. Ngoài một ít thịt bò dai nhách, không có thịt gà tươi, chỉ có loại đông lạnh, thịt heo thì biệt tăm, không biết họ bán ở chỗ nào. Rau, trái cây héo queo dù tôi "đi chợ" mỗi ngày. Chán ngắt, đành trở lại ăn tiệm tiếp. Chả biết nhà hàng họ mua thức phẩm ở đâu để nấu mà vẫn ngon lành.

Ngày thứ Năm mới đến chúng tôi (số người tham dự đám cưới tổng cộng là 48) họp mặt trong bữa tiệc "Wellcome Party" do nhà gái đãi tại phòng ăn ngoài bờ biển của một khách sạn. Thật chu đáo, Mẹ cô dâu đã chuẩn bị sẵn những chiếc sắc (dệt bằng vải của người bản xứ) làm quà tặng khách tham dự. Nào là kem chống nắng, kẹo chocolate bọc ngoài cà phê trồng tại Costa Rica, một gói cà phê chưa xay và cả gói giấy lau tay bỏ sẵn trong túi sắc.

Ngày thứ Sáu là tiệc "Rehearsal Party" nhà trai đáp lễ cũng tại bờ biển trong một khách sạn khác.

Thứ Bảy, đám cưới ăn "bạo" hơn nữa. Luật sư của Costa Rica làm thủ tục đám cưới tại bờ biển xong là tiệc Sushi ngay tại chỗ. Vừa ăn vừa ngắm mặt trời lặn, vừa nghe ban nhạc trình diễn. Chờ chiều tàn, mọi người kéo nhau về - lại một khách sạn khác - để ăn buổi tiệc cưới chính thức. Những ngọn nến lung linh mờ ảo trong những chiếc ly cao, tiếng sóng biển rì rào ngay bên cạnh dàn nhạc công. Thật lãng mạn.

Biết chắc chắn là đám cưới này các con khá tốn tiền nhưng thật sự tôi rất vui. Tiền mang lại ý nghĩa của nó khi mình xử dụng đúng. Có rất nhiều bạn bè trách sao không được mời. Lại có bạn đề nghị làm một buổi ra mắt con dâu (tại Mỹ) nhưng tôi cũng chối. Tôi không dám nói dối, vì chính tôi cũng đồng ý với con là người được mời đi dự tiệc cưới này sẽ rất tốn kém, không nên mời khách (bạn bè của cha mẹ). Mời mà khách không đi được thì họ áy náy. Không dự mà gửi cho quà thì người nhận áy náy. Thế là chỉ có gia đình hai bên và một số ít bạn thân của các con tham dự. Tấm thiệp cưới in rõ "Xin miễn tặng quà. Sự hiện diện của quý vị chính là quà tặng cho chúng tôi". Tôi chưa hề thấy tấm thiệp đám cưới nào ghi như thế cả và tôi rất hài lòng với quyết định của các con.

Đám cưới tốt đẹp vì mọi người rất vui. Phần chúng tôi, vui với niềm vui của các con. Vui vì mình đã chu toàn bổn phận của cha mẹ.

Hạnh phúc cuối đời của những người già là niềm vui của con cái, phải không quý bạn?

Gió Đồng Nội

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,997,962
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến