Hôm nay,  

Gia Đình và Việc Con Em Học Tiếng Việt

28/07/201400:00:00(Xem: 6881)

Tác giả: Trang Lê
Bài số 4288-14-29688vb2072814

Trong thư kèm bài viết đầu tiên gửi Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, Dr. Trang Lê viết “Đây là lần đầu tiên Trang tham gia chuyên mục này tuy là độc giả thường xuyên của chuyên mục.”

Và sơ lược tiểu sử:

Tác giả hiện nay đang dạy cho chương trình Việt Ngữ tại trường Đại Học Tiểu Bang California tại Fullerton (California State University, Fullerton). Cô là người biên soạn chương trình Chuyên Ngành Phụ Việt Ngữ (Minor in Vietnamese) và Chuyên Ngành Tiếng Việt về Kinh Doanh Quốc Tế (International Business Concentration in Vietnamese) tại trường. Cô cũng là người cùng hợp tác biên soạn chương trình Cử Nhân Việt Ngữ với Tiến Sĩ Reyes Fidalgo Von Schmidt (Trưởng Khoa Ngôn Ngữ và Văn Chương Hiện Đại). Trước đây, cô từng dạy Việt Ngữ tại trường UC, Davis và ESL (English as a Second Language) tại một số trường đại học cộng đồng ở Bắc California.

Tựa đề đầy đủ của tác giả cho bài viết là “Gia đình và việc học tiếng Việt của thế hệ trẻ gốc Việt.” Bài được phổ biến với tựa đề do Việt Báo rút gọn.

* * *

Ngày nay việc dạy và học tiếng Việt trở nên khá phổ biến ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Cộng đồng người Việt khắp nơi, sau thời gian đầu bươn chải tập trung vào việc kiếm sống và thích nghi để hội nhập vào xã hội dòng chính, bây giờ chú ý hơn đến việc dạy con em học tiếng Việt và trau dồi văn hoá Việt. Tuy nhiên, đây là một công việc hoàn toàn không đơn giản và không phải lúc nào cũng thành công. Có nhiều em sau nhiều năm học tập có thể nghe nói và đọc viết tiếng Việt khá tốt, nhưng cũng có em không đạt được thành quả gì đáng kể. Lại có em nản chí và bỏ dở việc học tiếng Việt nửa chừng. Chúng ta không thể phủ nhận nguyên nhân của những kết quả này – dù khả quan hay không - trước hết là sự nỗ lực của bản thân các em. Tuy nhiên, gia đình đã đóng một vai trò rất quan trọng trong sự thành công hay thất bại của việc học tiếng Việt của các em.

Bài viết này bàn đến những ảnh hưởng của gia đình đối với việc học tiếng Việt của thế hệ trẻ gốc Việt ở miền Nam California, tập trung vào những em được sinh ra và lớn lên ở Mỹ hoặc qua định cư ở Mỹ lúc tuổi còn rất nhỏ (khoảng một hay hai tuổi). Như vậy, khả năng tiếp thu tiếng Việt như là một ngoại ngữ của các em tương đối gần giống nhau. Những em này có thể được xem là thế hệ định cư thứ hai.

Thế hệ trẻ ở Mỹ có nên học tiếng Việt không?

Nhiều nhà ngôn ngữ học đã bàn đến những lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai, nhất là ở lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên. Ví dụ, theo những nghiên cứu được tiến hành tại Phòng Thí Nghiệm Về Sự Thụ Đắc Ngôn Ngữ tại Đại học Cornell (Lang, 2009), trẻ con học một ngôn ngữ thứ hai có khả năng tập trung cao hơn những em chỉ nói một thứ tiếng. Trong một cuộc phỏng vấn do Chương Trình Nhận Dạng Tài Năng (Talent Identification Program) thực hiện tại Đại Học Duke (North Carolina), những nhà nghiên cứu hoặc chuyên gia về dạy và học ngoại ngữ như Martha G. Abbot, Therese Sullivan Caccavale, và Ken Stewart (Duke Gifted Letter, 2007) cho rằng việc học một ngôn ngữ thứ hai có thể giúp cho các em phát huy được khả năng nhận thức, óc phê phán, tính sáng tạo, và tính linh hoạt. Ngoài ra, đa số các em này còn có khả năng về toán học tốt hơn các em chỉ biết một ngôn ngữ. Họ cũng lưu ý rằng nên cho các em học ngoại ngữ lúc các em còn nhỏ vì như vậy khả năng tiếp thu ngôn ngữ cao hơn và có thể phát âm gần như người bản xứ. Steins (2004) cũng cho rằng khả năng biết nói hai thứ tiếng sẽ giúp luyện trí nhớ cho các em hữu hiệu hơn.

Tại Mỹ, khi những cộng đồng người Việt bắt đầu lớn mạnh và với sự đấu tranh của họ, tiếng Việt đã được dạy như một ngoại ngữ tại một số truờng trung học và đại học. Đa số phụ huynh cho rằng việc học tiếng Việt sẽ giúp các em có thể giao tiếp với cha mẹ và người thân, như vậy hai thế hệ sẽ thông cảm nhau dễ hơn, do đó tránh được những mâu thuẫn. Ngoài ra, nhờ học tiếng Việt và văn hóa Việt, các em sẽ không quên cội nguồn của mình. Dù vậy, vẫn có người nghĩ rằng các em không cần học tiếng Việt vì sau này khi vào trường học hoặc sau khi tốt nghiệp và đi làm việc, các em chỉ sử dụng tiếng Anh. Quý vị có con em đã biết nói tiếng Việt trước khi qua Mỹ còn sợ rằng nếu các em học thêm tiếng Việt, khả năng tiếng Anh của các em sẽ không phát triển tốt để có thể học và làm việc thành công trong xã hội dòng chính.

Tuy nhiên, trong bài viết “Tại sao cần học tiếng Việt?” của Nguyễn Hưng Quốc (Nguyễn, 2012), ông đã giải thích cụ thể những lý do tại sao các em nên học tiếng Việt liên quan đến các lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục và nhận thức. Theo ông, khả năng biết tiếng Việt sẽ giúp các em dễ xin việc làm tại một quốc gia đa ngôn ngữ văn hoá như Mỹ (kinh tế), có thể giao tiếp với bố mẹ và như vậy sẽ tránh được trường hợp bị cô lập, từ đó dễ bị bạn bè lôi kéo vào con đường xấu (xã hội), ý thức rõ về bản sắc dân tộc của mình cũng như môi trường đa văn hoá như ở Mỹ (văn hoá), phát triển trí nhớ và khả năng so sánh do học cả hai ngôn ngữ cùng một lúc (giáo dục), và phát triển năng lực nhận thức (nhận thức).

Như vậy, ngoài những lý do khác, ông Nguyễn Hưng Quốc cũng đã đề cập đến hai lợi ích về khả năng giao tiếp và duy trì ý thức về bản sắc văn hoá của việc học tiếng Việt như nhiều vị phụ huynh khác.

Việc dạy tiếng Việt ở miền Nam California

Công đồng người Việt ở miền Nam California là cộng đồng người Việt di dân lớn nhất trên thế giới ngoài Việt Nam. Theo thống kê dân số năm 2013, số người Việt sinh sống tại Nam California là 425.645 ngưòi (VIETV, 2014).

Với ước muốn giữ gìn tiếng Việt và bảo tồn văn hoá Việt, cộng đồng người Việt ở đây đã mở rất nhiều trường dạy tiếng Việt cho con em vào ngày nghỉ cuối tuần mà các ban điều hành, giảng viên, và nhân viên đều là những người tình nguyện. Như vậy, học sinh đi học chỉ đóng học phí tượng trưng để trả các chi phí về điện nước, tiền thuê phòng và sách vở, còn tất cả các thành viên trong ban điều hành và giảng dạy đều làm việc không lương.

Các thầy cô thỉnh thoảng còn tổ chức các sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh, thậm chí còn bỏ tiền túi của mình để mua thức ăn và nước uống cho các em. Hiện nay, có khoảng hơn 100 trung tâm dạy Việt Ngữ ở miền Nam California, chưa kể đến các trung tâm hay lớp Việt Ngữ tại miền Bắc của tiểu bang này như San Jose, Oakland, hay thủ phủ Sacramento. Nhưng nếu chỉ nói đến việc giảng dạy không thì chưa đủ vì các trung tâm này còn biên soạn, phát hành giáo trình và sách, tổ chức các kỳ thi nói và viết tiếng Việt cho học sinh, cũng như mở các hội thảo để các thầy cô trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và học hỏi chuyên sâu thêm về tiếng Việt (Băng Huyền, 2012).

Sự cố gắng bảo tồn và phát huy tiếng Việt của cộng đồng còn được thấy qua việc nhật báo Việt Báo mở nguyên một phụ trang hằng tuần mang tên “Tiếng Việt Mến Yêu” dành cho thiếu nhi. Trang này đăng những bài viết, bài thơ bằng tiếng Việt do các em sáng tác cùng những truyện dịch ngắn do các anh chị và thầy cô ở Viện Việt Học phụ trách. Đọc những bài viết ngây thơ nhưng đầy thú vị này, ắt độc giả cũng nhận thấy được sự nỗ lực của các em và sự giúp đỡ của gia đình trong việc học tiếng Việt của các em.

Vai trò gia đình trong việc học tiếng Việt của thế hệ trẻ Việt ở Mỹ

Sự phát triển các trung tâm Việt ngữ tại miền Nam California cho thấy sự quan tâm của gia đình và cộng đồng đối với việc học tiếng Việt của con em. Cứ đến ngày thứ bảy, quý vị phụ huynh lại chở con cháu đến các trung tâm để tham dự các lớp tiếng Việt ở đây, bất kể trời mưa hay nắng, nóng hay lạnh. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các em hoàn toàn thích thú học tiếng Việt.

Phóng viên Ngọc Lan của nhật báo Người Việt (2011) đã tìm hiểu về sự yêu thích tiếng Việt của thế hệ thứ hai tại Mỹ. Kết quả cho thấy đa số các em đang học tiếng Việt tại các trung tâm Việt ngữ đi học chỉ vì phụ huynh bắt buộc. Các em không thích tiếng Việt vì khó và không cần thiết trong việc học hay giao tiếp với bạn và thầy cô ở trường chính trong tuần. Điều này cũng dễ hiểu vì phần lớn thời gian các em ở trường và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất mà các em dùng hằng ngày. Hơn nữa, tuổi thiếu niên, nhi đồng vốn thích chơi hơn thích học; các em có thể cũng không thích một vài môn học nào đó, có thể là Toán, Sử, Khoa học…chứ không phải chỉ là tiếng Việt.

Dù sao, sự cố gắng của gia đình và cộng đồng cũng phần nào được bù đắp. Dù thích hay không thích, các em vẫn có cơ hội tiếp xúc với tiếng Việt: nói, hiểu, đọc, và viết tiếng Việt dù chỉ ở một chừng mực nào đó. Tuy vậy, hình như phong trào học tiếng Việt chỉ hoạt động mạnh mẽ và có tác dụng đáng kể khi các em còn nhỏ, khoảng từ bậc tiểu học (elementary school) đến trung học đệ nhất cấp (middle school). Khi các em vào trung học và đại học, các em không còn đi học tại các trung tâm Việt ngữ nữa và vì vậy, các em mất dần thói quen học tiếng Việt. Dù nhiều em ghi danh học các lớp tiếng Việt tại các trường mà các em đang theo học, đa số dường như chỉ học để đáp ứng đòi hỏi chuyên môn chứ không phải với quyết tâm trau dồi tiếng Việt. Đây chính là thời gian mà gia đình đóng vai trò rất quan trọng đối với khả năng phát triển tiếng Việt của các em.

Người viết bài này đã tiến hành một cuộc điều tra trong bốn năm (2008 – 2011) về việc sử dụng tiếng Việt trong gia đình của 86 sinh viên được sinh ra và lớn lên tại Mỹ tại hai trường UC, Davis và California State University, Fullerton. Kết quả cho thấy có 62% trong số các em sử dụng tiếng Việt và 38% sử dụng vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt với cha mẹ và ông bà; 100% sử dụng tiếng Anh với anh chị em. Như vậy, cơ hội sử dụng tiếng Việt duy nhất của các em trong gia đình là nói chuyện với cha mẹ và ông bà. Tuy nhiên, trong thực tế, phần đông các em chỉ nói được một số câu thông thường trong sinh hoạt hằng ngày, ví dụ như: “Em tên Amy.”, “Nhà em ở Huntington Beach.”, “Em thích ăn chả giò.”, “Em không thích nấu cơm.”..vân vân…., nghĩa là những câu đơn giản như khi các em nói chuyện với cha mẹ. Còn khi phải bàn luận về những đề tài khác phức tạp hơn như việc học hành, sở thích, giải trí, thời sự… các em đã tham gia cuộc hội thoại rất khó khăn và thường xuyên chuyển qua tiếng Anh.

Ở đây tưởng cũng cần lưu ý một điều rằng những em này đã từng theo học các lớp tiếng Việt ở những trung tâm Việt ngữ, các trường trung học, hoặc các trường đại học cộng đồng. Khi được hỏi về những khó khăn mà các em gặp phải trong việc trau dồi tiếng Việt, các em cho biết có những lý do sau khiến các em không thể cải tiến tiếng Việt của mình.

Thứ nhất, do bận rộn học hành và vì cha mẹ cũng bận rộn với công việc, rất nhiều em ít tiếp xúc với cha mẹ và người thân nên khả năng nói tiếng Việt của các em đã bị hạn chế rất nhiều. Có em tâm sự: “I rarely talk to my dad because he works on the night shift. When he comes home, I go to school. When I’m home, he’s at work. My mom also works all day.” (Em rất ít nói chuyện với ba vì ba đi làm ban đêm. Khi ba về thì em phải đi học. Khi em ở nhà thì ba đi làm. Mẹ em cũng đi làm suốt ngày). Hoàn cảnh này xảy ra không phải là ít trong cộng đồng. Do nhu cầu kiếm sống, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện tại, các vị phụ huynh phải chấp nhận làm việc dù vào những thời gian ít thuận tiện nhất cho bản thân và cuộc sống gia đình; đó là chưa kể có người phải làm hai, ba công việc khác nhau cùng một lúc.

Thứ hai, các em ngại nói tiếng Việt vì sợ bị cha mẹ cười chê. Điều này trùng lặp với phát biểu của nhiều em trong phóng sự của phóng viên Ngọc Lan (2011). Thông thường những em này thường nói tiếng Việt ngọng nghịu và lơ lớ vì phát âm không chính xác và sử dụng giọng thanh không đúng, hoặc dùng từ không phù hợp hoặc sai văn phạm, khiến người nghe bật cười hoặc chọc ghẹo các em cho dù chỉ để vui. Điều này khiến các em dễ bị mặc cảm, xấu hổ và thiếu tự tin. Do đó, các em không còn muốn nói tiếng Việt với cha mẹ nữa. Việc này kéo theo hai trường hợp: Nếu cha mẹ biết tiếng Anh, các em chỉ nói tiếng Anh với họ. Nếu cha mẹ không biết tiếng Anh, các em sẽ hạn chế tiếp xúc nói chuyện với cha mẹ càng nhiều càng tốt. Trường hợp sau lại có thể có một hậu quả nguy hiểm nữa là các em sẽ dễ bị cô lập, không giải bày tâm sự với cha mẹ; từ đó, các em có thể bồng bột làm những chuyện thiếu suy nghĩ chính chắn như Nguyễn Hưng Quốc đã đề cập.

Thứ ba, cha mẹ không kiên nhẫn với con cái khi chúng nói thứ tiếng Việt “khó hiểu”, tức là “interlanguage”, tạm dịch là “ngôn ngữ trung gian” (Nguyễn, 2007). Theo Selinker (1972), loại ngôn ngữ này không giống tiếng mẹ đẻ (trong trường hợp này là tiếng Anh, ngôn ngữ thứ nhất) và cũng không giống ngoại ngữ mà các em đang học (tiếng Việt). Loại tiếng Việt này của các em được hình thành bởi sự nỗ lực của các em tạo ra theo những tiếu chuẩn của tiếng Việt.

Do bận rộn công việc, nhiều vị phu huynh không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu xem con mình muốn nói gì? Những lúc như vậy, các vị phụ huynh biết nói tiếng Anh thường nói tiếng Anh với con cái để khỏi mất thì giờ. Như vậy, các con sẽ có thói quen nói chuyện bằng tiếng Anh với cha mẹ và không còn động lực để nói tiếng Việt nữa. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến nhiều sinh viên gốc Việt không biết nói một chữ tiếng Việt nào, dù chỉ cần trả lời những câu hỏi đơn giản nhất như “Em tên gì?”, “Em khỏe không?”, vân vân…

Những nguyên nhân nêu trên đã ảnh hưởng phần nào đến sự hạn chế khả năng nói tiếng Việt của các em. Tuy nhiên, dù số lượng các em trong trường hợp này chiếm đa số, đáng ngạc nhiên là có một số ít các em được sinh ra ở Mỹ hoặc qua Mỹ lúc mới một hay hai tuổi vẫn có thể sử dụng tiếng Việt khá lưu loát với cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Các em này có thể học tiếng Việt đến trình độ cao cấp (Advanced Vietnamese) hay những môn khó hơn như Văn Hoá Việt Nam, Văn Minh Việt Nam ….là những môn học đòi hỏi người học phải có kiến thức ngữ pháp vững vàng và vốn từ vựng rộng để có thể hiểu hết những khái niệm trừu tượng của môn học. Có em còn có thể dịch những bài ca dao bóng bảy từ tiếng Việt sang tiếng Anh khá chính xác. Thật đáng khen! Vì vậy không lạ gì các em này có thể học tiếng Việt tương đối tốt cùng lớp với các em đã thành thạo tiếng Việt.

Qua tìm hiểu, tôi mới biết rằng sở dĩ các em có được vốn liếng tiếng Việt đáng nể như vậy là do sự quan tâm nghiêm chỉnh và liên tục của cha mẹ các em. Cha mẹ đã vừa bắt buộc vừa khuyến khích cũng như tạo mọi điều kiện để các em học tiếng Việt từ lúc còn nhỏ cho đến lúc vào trung học và đại học. Đây là một sự cố gắng vượt bực của cha mẹ và khi các em đạt được những điểm tốt cho môn học tiếng Việt, các em đã bày tỏ sự biết ơn của các em đối với cha mẹ mình.

Kỳ tới: Một số đề nghị về việc khuyến khích con em học tiếng Việt

Trang Lê

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,335,974
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.