Hôm nay,  

Chỉ Vì Cái Đáng Yêu

01/07/201400:00:00(Xem: 18457)

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 4264-14-29664vb3070114

Bồ Tùng Ma là bút hiệu của Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH. Sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Ông từng nhận các giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2001, giải Việt Bút 2008, và là tác giả được bạn đọc, bạn viết đặc biệt quí trọng. Từ 5 năm qua, ông là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" Viết Về Nước Mỹ, nhưng hàng năm vẫn tiếp tục góp bài, nói là “cho vui”.

Suốt 39 năm sau 30 Tháng Tư 1975 của Hải Quân Trung Tá Nguyễn Tân, người từng là hạm trưởng và chỉ huy ngành chiến tranh chính trị của Sở Phòng Vệ Duyên Hải VNCH, bài “cho vui” lần này hình như là chuyện trăn trở nhất, khó viết nhất của chàng. Mừng chàng viết ra được.

* * *

Hôm 7 tháng 6 anh Chính, người bạn cùng khóa, cho tôi biết có một người tên T. N. Tân, muốn liên lạc với tôi vì chuyện gia đình quan trọng. Lúc đầu tôi không biết T.N.Tân là ai, nhưng ngay sau đó tôi nhớ ra anh ta là em cô cậu ruột với Phú, vợ trước của tôi. Tôi cảm thấy bồi hồi và vui mừng. Tôi chắc thế nào Tân cũng cho tôi biết tin tức Phú và hai con của chúng tôi. Tôi gọi ngay cho Tân. Đúng như tôi đoán, Tân nói:

- Hai con anh muốn tìm anh. Anh muốn tôi cho tụi nó biết số điện thoại của anh để tụi nó gọi, hay anh muốn tôi cho số điện thoại của tụi nó để anh gọi.

Chuyện rất đơn giản như vậy nhưng tôi cũng phải suy nghĩ một hồi lâu mới trả lời:

- Đây là địa chỉ email của tôi. Tân cho tụi nó biết đi.

Tôi nghĩ liên lạc bằng email thì ít ngỡ ngàng hơn vì có thì giờ suy nghĩ trước khi trả lời.

Sau khi cho Tân biết địa chỉ email, tôi nói với Tân:

-Tôi rất cám ơn Tân về việc này. Mấy chục năm nay không liên lạc với Phú và hai con nhưng tôi vẫn âm thầm theo dõi. Tôi có nhờ nhiều người dò hỏi. Họ đã cho tôi những tin tức không xác thật, nghĩa là người này nói này người kia nói nọ, gần như chẳng có tin tức nào khớp với nhau trừ tin sau đây: Phú có cuộc sống khá giả, hai con tôi rất ngoan và rất thành công trên đường học vấn, cả hai đều có học lực trên đại học và có việc làm tốt, được mọi người thương yêu kính trọng. Thật là ngoài sự mong ướt của tôi. Tôi không ngạc nhiên lắm khi nghe những tin lành như trên. Phú ở trong một gia đình gia giáo, nghiêm túc, nên chắc chắn hai con tôi cũng được ảnh hưởng theo.

Tân nói:

- Đúng vậy. Thêm tin mừng là anh có một đứa cháu ngoại gái 10 tháng tuổi, tất cả đều bình an, khỏe mạnh. Còn chị, 39 năm nay vẫn ở vậy, làm lụng nuôi con ăn học, không lập gia đình.

Câu nói sau cùng của Tân làm tôi cảm thấy xót xa. Nếu Phú có chồng khác, tôi sẽ có ít mặc cảm tội lỗi với bà ấy hơn vì tôi đã có vợ khác.

Sáng sớm hôm sau tôi đang ngồi ăn sáng thì nghe có tiếng chuông điện thoại reo.

- Xin lỗi ai đó?-Tôi hỏi.

- Con đây!

Mấy giây đầu tiên tôi không biết ai mà lại xưng "con" với tôi, nhưng sau đó tôi biết đó là Tú, cậu con trai.

Nó nói tiếng Việt khá sõi, làm tôi cứ thao thao bất tuyệt trả lời trong vui mừng, không để ý đến việc có khi nói thì dễ mà nghe thì khó, hay ngược lại. Tôi nói nhiều hơn Tú, mà đến bây giờ tôi cũng không nhớ tôi đã nói gì. Để dễ dàng trong việc liên lạc, tôi bảo Tú có thể email cho tôi hay nhắn tin trong điện thoại, bằng tiếng Anh cũng được. Về hình ảnh, có thể gởi qua Viber, rất rõ và nhanh. Tú rất thích tôi gởi những tấm hình chụp nó hồi nhỏ và những hình bà con họ hàng. Tú hỏi tôi về hình của Trang, em gái nó. Thật đáng tiếc, tôi chỉ còn giữ được hai tấm hình của Trang, những hình khác có thể đã bị đốt vì để chung trong số hình mặc quân phục của tôi. Hồi ở tù tôi đã yêu cầu mẹ tôi hủy bỏ những hình tôi mặc quân phục, vì sợ họ thấy những hình ảnh này sẽ phiền phức cho bà. Tú hỏi tôi sao tôi có thể giữ những tấm hình của nó khi ở tù. Tôi nói mẹ tôi giữ. Tôi đã nói dối, thật ra không phải mẹ tôi, mà là Vinh, một người bạn gái trước đây và là vợ tôi bây giờ.

Thấy cậu con trai quý mến kỷ niệm gia đình tôi vô cùng xúc động, đồng thời thấy mình thật là tệ hại. Tại sao tôi không đi tìm hai con trước.

Một trong những người em của tôi và ngay cả Vinh nữa đã nhiều lần khuyên tôi nên đi tìm hai con. Tôi biết khuyên như vậy là đúng. Tôi đã định bụng sẽ đi tìm. Tôi sẽ dò hỏi địa chỉ của hai con. Việc này khó nhưng không phải khó lắm. Nhưng rồi anh X, một người bạn thân nói:

- Chưa chắc chị ấy muốn gặp anh đâu, mấy đứa con anh cũng vậy. Chắc chắn chúng nghe lời mẹ chúng. Chắc chắn chị ấy oán anh và mấy đứa con cũng vậy. Rồi cả đại gia đình bên chị ấy nữa, chắc cũng chẳng ưa gì anh.

Tôi thấy anh X nói cũng có lý nên chần chờ.

Mấy em tôi thỉnh thoảng lại hỏi tôi đã gặp mấy cháu chưa. Tôi trả lời bằng cách nói lại những lời của anh X.

Một người em tôi nói như la lên:

- Trời! Sao lại có thể nói như vậy được! Chị ấy với gia đình chị ấy...mặc kệ! Con anh, ruột thịt của anh mà! Cứ đi gặp thử xem sao.

Tôi lại định bụng đi tìm, nhưng rồi lại thôi. Tôi không đủ can đảm gặp. Tôi mặc cảm. Tôi nhớ lại cái ngày 30-4-1975.

Tôi cùng gia đình vợ và các con chạy vào trong Tòa Đại sứ Mỹ để di tản. Từ một sĩ quan lúc ấy tôi còn thua cả một binh nhì. Tôi nghĩ gia đình vợ tôi lúc đó xem tôi chỉ là loại người vô tích sự. Tôi thấy tôi trong ánh mắt của họ và ngay cả trong ánh mắt của vợ tôi. Thấy tôi còn mang cặp lon trên vai, ai đó mà tôi không nhớ rõ, nói lớn:

-Bây giờ mà còn mang lon. Lấy ra đi.

Tôi yên lặng, làm như không nghe. Tôi nhìn vợ tôi đang ngồi sắp hàng cùng với hai con. Bà ấy có vẻ như không biết có tôi. Có lẽ bà ấy đinh ninh thế nào tôi cũng đi theo. Tôi nhớ lại lời bà cô ruột tôi từ Đà Nẵng nhắn vào "Việt Cộng đối xử rất tử tế", nhớ lại lời một sĩ quan đàn anh "Các chiến hạm sẽ ra Phú Quốc để phản công.", nhớ lại Vinh đang ở Miền Tây. Và tôi đã bỏ ra ngoài khuôn viên phía trong của tòa đại sứ, rồi tôi lại đổi ý đi trở vào, nhưng không còn kịp nữa. Cửa đã khóa chặt, hai lính thủy quân lục chiến Mỹ khoát tay từ chối. Tâm trạng tôi rối bời.

Tôi thơ thẩn đi như người mất hồn về nhà ông bà ngoại hai cháu. Ông Bà thấy tôi trở vào, ngạc nhiên, nhưng chỉ nói vài câu gì đó mà tôi không nhớ rõ. Tôi vào phòng riêng của Phú, nhìn đồ đạc để bừa bộn trên sàn nhà. Tôi nhặt lấy một đôi vớ của bé Trang rồi đi ra ngoài. Đôi vớ này bây giờ tôi vẫn còn giữ. Ông ngoại hai cháu nhìn thấy đôi vớ nói:

- Thấy đôi vớ thêm nhớ cháu.

Tôi định ở lại nhưng rồi đổi ý. Chỗ này gợi nhớ cho tôi về hai đứa con, về Phú. Hơn nữa tôi cảm thấy lúc đó mình là một phiền phức cho tất cả mọi người. Tôi nhớ đến Vinh. Cô ấy là một người dễ chịu, thật thà, nói sao nghe vậy, không so đo hơn thiệt. Đến với Vinh là chọn lựa hay nhất. Tôi đã xuống Hậu Giang, rồi cùng cô ấy đi Đà Nẵng. Trên đường đi tôi bị bắt.

Tôi đã trả giá bằng 8 năm tù. Với cấp bậc của tôi như vậy là ít. Ít vì tôi đã "không thành thật khai báo". Trong bản kiểm điểm nào tôi cũng nói tôi chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, tôi không nói tôi từng là Trưởng phòng Chiến tranh Chính trị của Sở Phòng Vệ Duyên Hải.

Ở trong tù nhiều người thắc mắc tại sao tôi không đi Mỹ khi tôi có phương tiện. Có người mỉa mai tôi ở lại Việt Nam chỉ vì đàn bà. Thật ra không phải vậy. Một kết quả do nhiều nguyên nhân, chứ không phải chỉ có một. Nguyên nhân chính là lòng tự trọng, tự tôn dại dột. Tôi giải thích như vậy nhưng có người không tin.

Sau cái ngày tang thương đó, có kẻ phản bội, có kẻ quyên sinh, thì cũng có kẻ ở giữa hai loại người đó như tôi. Trong thời điểm gần ngày 30 tháng Tư năm 1975 tôi rất tự hào về binh nghiệp của mình, tôi được cấp dưới thương yêu kính nể, cấp trên tin tưởng, quý mến, lẽ nào tôi lại bỏ đồng đội mà đi. Dù có tháo chạy đi nữa, thì tháo chạy theo đồng đội của mình vẫn ít nhục hơn. Mà phải chi lúc ấy Phú níu tôi lại. Mà làm sao bà ấy níu tôi lại được khi chúng tôi giận nhau, thường xuyên gây gổ. Lòng tự trọng tự tôn không đúng chỗ đã làm tôi điêu đứng trong thời gian 8 năm và thời gian sau đó nữa, thời gian cho một người đàn ông độ tuổi như tôi lúc ấy có thể làm nên sự nghiệp. Cho đến ngày nay trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy tôi ở tù. Đến khi vừa giật mình thức dậy tôi vẫn còn nghĩ đó không phải là một giấc mơ.

Năm vừa qua, 2013, tôi có viết một bài với tựa đề "Biết ơn cái đáng ghét". Năm nay tôi viết bài này với tựa đề "Chỉ vì cái đáng yêu". Trong chuyện tình cảm, cái đáng ghét và cái đáng yêu ảnh hưởng rất nhiều lên tình cảm của chúng ta, chứ không phải cái gì khác hơn như sắc đẹp, tiền tài và địa vị.

Trong 8 năm trời Vinh đã đi làm công cho người em họ tôi để có tiền thăm nuôi tôi trong tù. Từ nhỏ đến lớn, cô ấy chẳng biết sàng gạo, xay lúa là gì mà lúc ấy vẫn phải làm. Mỗi lần cô ấy lên gặp, tôi nhìn cái bao đựng đồ thăm nuôi mà ứa nước mắt. Tôi định nói cô ấy đừng mang đồ ăn lên nữa, nhưng mà chúng tôi đói quá. Mỗi ngày chỉ có ba ca cơm độn 90% củ mì ăn với muối. Mẹ tôi và các em tôi phải phụ thêm cô ấy trong việc thăm nuôi tôi, nhưng làm sao đủ. Cả nước đều đói. Tôi phải gián tiếp cầu cứu đến vợ tôi đang ở Mỹ. Cho đến ngày nay tôi vẫn còn hổ thẹn về cái không thành thật của mình. Vợ tôi ở Mỹ không hề biết tôi đang có Vinh, đã gởi những thùng quà cho tôi tận đến ngày tôi đi Mỹ.

Cái đáng yêu, đúng hơn lòng tử tế của Vinh là nguyên do thứ hai làm tôi bị kẹt lại Việt Nam.

Năm 1983, sau khi được trả tự do, tôi và Vinh đã có một cháu trai kháu khỉnh. Tôi chẳng làm được một công việc gì ngoài việc phụ Vinh bán thuốc tây lậu để sinh sống và nuôi con. Một lần nữa Vinh lại làm cái cần câu cơm. Từ năm 1984 đến 1987, tôi đã 6 lần vượt biên một mình, bỏ hai mẹ con cô ấy ở lại, nhưng lần nào cũng đi không lọt. Cuối năm 1989 mặc dù có hồ sơ bảo lãnh của vợ tôi từ Mỹ, nhưng tôi lại là một trong trong số 59 người thuộc tỉnh Quảng Nam có tên trong danh sách HO đầu tiên. Vinh và Thường, cậu con trai, cũng có tên. Tôi đã đi qua Mỹ theo diện HO. Nếu đi theo diện bảo lãnh của Phú tôi sẽ không đem Vinh và Thường theo được. Tôi không nỡ lòng nào để hai mẹ con ở lại Việt Nam.

Dù gì đi nữa mẹ con Phú cũng đã có cuộc sống hơn hẳn cuộc sống của mẹ con Vinh. Tôi định qua đến Mỹ rồi, sẽ giải quyết chuyện gia đình. Nhiều người nói tuy Vinh không đẹp và trẻ lắm nhưng "ở Mỹ đàn bà là số một, thứ nhì là chó, cuối cùng mới đến đàn ông" nên khi đến Mỹ trước sau Vinh cũng bỏ tôi. Tôi định bụng nếu Vinh chia tay, tôi sẽ trở về với Phú, dĩ nhiên với điều kiện là Phú chấp nhận. Nhưng rồi Vinh vẫn không có biểu hiện nào tỏ ra mình là "số 1" cả, ở Việt Nam bà ấy thế nào thì ở Mỹ bà ấy cũng y như vậy. Việc bán thuốc Tây lậu của bà ấy bên Việt Nam không thể "hành nghề" ở Mỹ được, bà ấy xoay qua làm móng tay. Việc này chẳng có gì khó đối với Vinh vì mấy tháng trước khi qua Mỹ bà ấy đã đi học nghề này.

Ở xứ người, Vinh lại là một cái cần câu cơm. Tôi cảm thấy "nhột" vì ở bên "phe địch" tôi không làm việc gì được để kiếm ra tiền, mà bên "phe ta" tôi cũng là người vô tích sự. Tôi đi bán "food to go" (đồ ăn mang đi) cho một người em họ từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng. Nó trả tôi mỗi giờ 3 đô-la 68 cent. "Lương anh 4 đô một giờ, trừ thuế còn...". Nó đếm từng xu trả lương cho tôi. Tôi biết nó phỉnh tôi, nhưng chỉ cười. Nó còn chỉ lên góc trần nhà nói: "Anh thấy cái ca-mê-ra đó không. Tôi ở nhà nhưng ở đây ai làm gì tôi biết hết". Tôi lại cười vì biết nó hù tôi, nó sợ tôi...ăn vụng, ăn cắp. Thấy tôi cười, nó hỏi: "Sao anh cười? Chỗ này phức tạp lắm". Tôi biết nó sợ mất lòng tôi nên "chữa thẹn". Tôi bực mình nói: "Chú mới coi phim hả". Hồi đó chưa có ai dùng internet cho camera.

Nếu không có mấy anh homeless "giúp" có lẽ tôi còn bị "trừ thuế" dài dài. Số là có một anh homeless vào mua đồ ăn. Hắn nói muốn mua gà chiên, khoai Tây chiên và cà-phê. Giao cho hắn gói gà và khoai Tây xong, tôi đang lúi húi pha cà phê thì hắn bưng gà và khoai Tây vọt chạy. Mấy hôm sau hắn (hay ai khác tôi không phân biệt được vì anh nào cũng giống nhau, nước da đen thui) lại làm y như vậy. Tôi tức quá, cầm dao rượt theo, hắn nhét đùi gà vào miệng, vừa nhai vừa cười. May mà tôi không bị cảnh sát bắt vì tội dùng hung khí. Dù sao tôi vẫn sợ và xin thôi việc.

Đã nhiều lần Vinh tỏ vẻ hối hận, ray rứt vì nghĩ rằng vì bà ấy mà tôi đã không đi theo mẹ con Phú. Bà ấy thường khuyên tôi nên đi tìm hai con. Tôi không hiểu bà ấy nghĩ gì khi khuyên tôi như vậy. Sao bà ấy không nghĩ khi tìm ra được rồi tôi có thể trở về với gia đình cũ vì đã xót xa ân hận. Rồi sau đó bà ấy và con lại trở thành nỗi xót xa ân hận tiếp theo.

*

Hôm 9 tháng 6 Tú hẹn đến ngày Father’s Day anh em nó sẽ gặp tôi. Tú, Trang, chồng nó, và cháu ngoại tôi đã có vé đi San Diego cùng với mấy người chị em con dì trước khi biết tin tôi đang ở Los Angeles. Nếu không, hai đứa đã qua Los rồi. Tôi cho Tú biết Chủ Nhật chúng tôi sẽ xuống thăm. Tôi bỏ cuộc hẹn với anh X tại Factory Coffe. Anh X nói nửa đùa nửa thật:

- Tại sao con mà lại để cha già lặn lội xuống tận San Diego thăm mình. Đáng lẽ tụi nó phải đi thăm anh chứ. Đã qua đến đây mà còn...

Nghe nói tôi chỉ cười. Thông thường mỗi lần bực mình ai chuyện gì, tôi chỉ cười. Riêng đối với anh X, tôi thấy cần phải cười vui vẻ với anh ấy hơn. Anh ta đang "hận đời đen bạc" với vợ và cả với mấy đứa con.

Nghe nói đi gặp Tú và Trang, hầu hết mọi người trong đại gia đình chúng tôi ở Los Angeles đều muốn đi theo, kể cả Vinh. Ai cũng nói đây là một "Biến cố nửa thế kỷ", một giấc mơ. Sau cùng, chỉ có vợ chồng người em trai, vợ chồng cô em gái, hai cậu con trai tôi và tôi đi. Vinh rất ấm ức vì tôi không muốn cho bà ấy đi. Cô em tôi còn đi xa hơn, đề nghị tôi chỉ nên đi một mình hay đem theo cậu con đầu. Tôi nói:

- Bill Clinton làm phù rể cho mẹ đi lấy chồng còn được; mình cho con khác mẹ gặp nhau thì có sao đâu.

Vậy là sáng Chủ Nhật chúng tôi khởi hành xuống thành phố biển La Jolla. Gần 3 tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới đến nơi, một căn nhà Tú thuê ở đường Del Norte.

Tú từ trong nhà bước ra nhìn tôi:

- Có phải ba đây không?

- Ba đây chứ còn ai nữa. -Tôi nói.

Tôi muốn nói thêm một câu gì đó để che bớt cảm xúc nhưng rồi tôi im lặng. Tôi đã nén cảm xúc của mình lại được, đã ngăn không cho nước mắt trào ra. Tất cả vào trong nhà chuyện trò, thăm hỏi. Đặc biệt bốn con tôi và cả cậu con rể nữa đối xử với nhau tự nhiên, thân mật như đã ở chung trong căn nhà này từ lâu.

Đã xem hình các cháu rồi nhưng tôi hơi ngạc nhiên thấy các cháu ăn vận rất đơn giản. Tú mặc sơ-mi trắng, quần đen, mang giày đen, trông nó giống một ông giáo thời tiền chiến ở Việt Nam hơn là một "Việt Kiều". Cô con gái tôi với cái áo đầm màu xanh dài bén gót, không son phấn, không nữ trang, nhưng mặt mũi xinh xắn, hiền hậu, dễ mến. Chồng nó đang ngồi với đứa con gái 10 tháng tuổi, đứng dậy chào tôi. Thật khó mà biết được con rể tôi người gốc nước nào, chỉ thấy có vẻ Đông Nam Á nhưng nước da trắng hơn phần đông những người Đông Nam Á khác. Sau này tôi mới nghe nói cậu ta gốc Miến Điện. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa biết con rể tôi làm nghề gì, bao nhiêu tuổi. Tôi không muốn giống một số những ông già vợ Việt Nam, gặp con rể là hỏi đủ chuyện, nhất là về công ăn việc làm, như muốn biết nó có đủ sức lo cho con gái mình không.

Trong bữa ăn trưa tại Georges On The Cove Restaurant, mặc dù đồ ăn không thích hợp với khẩu vị nhưng tôi cảm thấy rất ngon miệng. Hơn 39 năm mới lại được ngồi ăn chung với các con, được nói chuyện với các con, thật hạnh phúc không gì bằng. Sau bữa ăn, chúng tôi đi ra biển xem hải cẩu. Thời gian nghỉ ngơi, ngồi quây quần bên nhau là một dịp để chuyện trò thoải mái. Thường nhanh miệng kể cho Tú nghe rất nhiều chuyện về tôi, những chuyện mà tôi tưởng nó không để ý, không nhớ được, ai ngờ nó kể ra vanh vách. Thường còn nói với Tú tôi có viết văn nữa. Tú có vẻ ngạc nhiên. Tôi nói sẽ tặng cho Tú quyển Writing On America. Cậu con trai út của tôi thì nói chuyện với hai vợ chồng Trang. Cháu ngoại tôi đưa đôi mắt tròn xoe nhìn tôi. Lần nào tôi dang tay ra định ẳm nó, nó cũng không chịu. Nó làm sao biết được giữa tôi và bà ngoại nó, người chắc hay bế nó, đã từng là "một người"

Trời đã về chiều tôi định ra về, nhưng Thường và thằng con út không chịu, cứ đòi đến chỗ anh Tùng, chị Trang. Lại chuyện trò. Đến khi gần ra về Thường hỏi tôi:

- Sách của ba đâu rồi?

Tôi lấy từ trong túi xách ra hai quyển Viết Về Nước Mỹ, một bằng tiếng Việt phát hành năm 2013 và một bằng tiếng Anh tức Writing On America. Tôi đưa cả 2 quyển cho Tú. Tú chăm chú đọc vài đoạn trong cả hai quyển. Nó hỏi tôi bắt đầu viết từ năm nào. Nó có vẻ thích thú, ngạc nhiên và quan tâm; hay ít ra cũng lịch sự, tế nhị khi nhận được một món quà. Tôi còn nhớ Khóa 13 chúng tôi có tặng cho một vị khách một quyển đặc san. Nhận quà xong, ông ta không những không liếc nhìn quyển sách mà còn bỏ lại trên ghế khi ra về. Thấy ông ta còn nấn ná nói chuyện với một vài người chúng tôi đem quyển sách lại cho ông ta. Khi ra về ông ta lại "quên" một lần nữa. Dĩ nhiên sách của chúng tôi chỉ là loại sách "hội đoàn" nhưng nhận sách theo kiểu đó thật là...tàn nhẫn. Từ đó tôi rất dị ứng với việc tặng sách cho những người "không biết đọc".

Tôi ôm hai vợ chồng Trang và đứa cháu ngoại từ giã ra về. Tôi tránh nhìn Trang. Nhìn nó tôi sợ mình không cầm được nước mắt. Tôi rất thương nó. Ngày Trang sinh ra đời tôi không ở bên nó.

Tú đưa tiễn chúng tôi ra tận chiếc xe đậu ngoài xa. Thường lái xe, thằng con trai út ngồi bên ngủ gà ngủ gật.

Đi được một đoạn đường Thường hỏi tôi tại sao trong 39 năm trời tôi không tìm gặp Tú và Trang. Nó hỏi cùng một ý như những người khác đã hỏi:

- ...Cô Phú có phần cô Phú, anh Tú và chị Trang là con của ba mà 39 năm ba không đi tìm. Tại sao lạ vậy? Ba đâu phải người xấu mà...

- Tại vì...

Tôi ngắt lời nó. Nó chất vấn dồn dập quá, khiến trong một giây phút ngắn ngủi tôi chỉ muốn gỡ tội cho mình bằng cách chụp mũ Phú, đổ lỗi cho Phú, nhưng tôi đã dừng lại kịp:

- Lỗi tại ba. Có lẽ thần kinh của ba không ổn...

Thường im lặng. Tôi chẳng biết lúc đó trong đầu nó nghĩ gì.

Để Thường không hỏi nữa, tôi làm như đang ngủ. Thật ra tôi không ngủ. Tôi nhớ đến con số 39. Tôi không tưởng tượng nổi 39 năm là khoảng thời gian chúng tôi xa nhau. Tôi cảm thấy mình có lỗi quá nhiều với Phú và hai con. Lần này cũng như biết bao nhiêu lần trước, tôi làm một quan tòa để xử mình, và để bớt mặc cảm tôi làm luôn cả luật sư bào chữa cho tôi. Hùng biện thế nào tôi thấy tôi vẫn có lỗi.

Tôi đến nhà, cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng ít nhiều khi Vinh ra đón chúng tôi ngoài cửa và dồn dập hỏi:

- Mấy đứa sao rồi? Anh chị em gặp nhau có vui không? Chị Phú có khỏe không? Khi nào Tú và Trang qua Los được? Chắc sang năm họp khóa bên đó tôi cũng đi thăm chị Phú và mấy đứa...con.

Suốt mấy ngày sau đó con số 39 cứ ám ảnh tôi. Con số đó là một đời người, thời gian có thể làm cho bãi cát biến thành sông, thời gian cho hàng triệu triệu người sinh ra và chết đi. Chúng tôi đã xa nhau trong một khoảng thời gian như vậy.

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
29/02/201622:47:53
Khách
Nhân vật trong truyện đặt cái "tôi" trên tình chồng vợ, tình cha con. Giờ thứ 25 đã không theo đồng đội hay đơn vị, chọn đường bám theo vợ đi Mỹ rồi lại để tự ái rởm lấn trách nhiệm với vợ con trong tình huống dầu sôi, lửa bỏng. Nực cười là tự ái và tư cách để đâu khi muối mặt ăn xin vợ cũ để nuôi bản thân và gia đình mới. Hèn nhát khi đến Mỹ không liên lạc cả với ruột thịt, nói gì tới lời cảm ơn cho người vợ cũ đã bị lừa gạt đem sức lao động nuôi báo cô cả nhà mình. Chao ơi là danh dự và tư cách của một sĩ quan cao cấp VNCH!!!
23/09/201412:27:27
Khách
Trong những ý kiến có ít nhất 2 ý kiến nói "ông này" hay "tôi" không xin lỗi vợ con. Theo tôi trong một câu chuyện ngắn, một bài viết hạn chế 6 , 7 trang, tác giả không "kê kai lý lịch" của nhân vật hết được. NHỮNG CHI TIẾT NHƯ NÓI LỜI XIN LỖI KHÔNG CẦN PHẢI VIẾT RA, NGƯỜI ĐỌC NÊN HIỂU NGẦM. . Hình như cũng có ý kiến cho rằng "ông này" thuộc loại báo đời, bám váy vợ. Nghĩ vậy là quá thiển cận. Tác giả chỉ nói TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU "ÔNG NÀY" NHỜ BÀ VỢ SAU TRONG VIỆC LÀM ĂN, CHỨ KHÔNG NÓI THỜI GIAN MẤY CHỤC NĂM SAU. Néu "ông này" là tác giả thì đọc những truyện khác của tác giả, sẽ thấy ông ta làm việc có tiền hơn bà vợ sau của ông ta rất nhiều.
24/08/201419:23:23
Khách
Tôi thấy nhân vật này không thật thà. Ông ta nợ vợ con một lời xin lỗi chân thành.
23/08/201420:06:04
Khách
Tôi thấy nhân vật này không thật thà. Ông ta nợ vợ con một lời xin lỗi chân thành.
10/07/201403:05:53
Khách
Xin cam on anh Ma da viet truyen nay. Kinh.
07/07/201401:58:45
Khách
Đây có lẽ phần nhiều là chuyện thật và là phần 2 của câu chuyện mà tác già đã viết vào năm 2006. Xin mời quí vị đọc lại phần 1 để hiểu rõ hơn: "Nỗi Lòng Ngày 30 Tháng 4" tai trang web: http://vietbao.com/a163633/noi-long-30-thang-4 . Xin cám ơn tác giả đã chia sẽ nỗi niềm.
06/07/201406:04:17
Khách
Nếu đây là chuyện tưởng tượng, tác giả đã thành công khi viết chuyện này. Có ít nhất 20 comment cho đến nay.
Nếu đây là chuyện thật, tác giả là người rất thành thật, đến nỗi có ít nhất 3 người chỉ trích tác giả. Dù thật hay giắ căn cứ vào câu chuyện để phê phạn
Theo tôi, có nhiều nguyên do để nhân vật chính trong truyện không đi theo vợ cọn Chính tác giả cũng đã nói thế. Còn những chuyện lặt vặt như bảo lãnh, nhận tiền...có thể thông cảm được. Bảo lãnh thì cứ ảo lãnh, có bồ thì cứ có bồ. Ai mà "Thánh" đến nỗi "ăn chay" không gần phụ nữ trong khi chờ đợi vợ bảo lãnh. Chính tác giả nói ra ta mới biết việc này; còn bà Vinh nói "ở vậy nuôi con" nhưng chắc gì...Biết đâu bà Vinh chỉ nói tốt cho bà ấy, còn tác giả (hay nhân vật xưng "tôi") có sao nói vậy. Chuyện nhận tiền là chuyện nhỏ, một bà vợ cũ giàu sang nơi xứ người gởi quà cho chồng cũ, vừa mới ở tù ra, đói rách cũng chẳng sao
06/07/201403:11:20
Khách
Theo tôi, nếu Kim Phạm là đàn ông thì là một thánh nhân. “gặp bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải trung thành với vợ”. Ngoài ra, sao Kim Phạm biết “tôi” bảo vợ gởi tiền về cho “tôi”, bảo vợ bảo lãnh cho “tôi”. “Tôi” có nói như thế đâu.
Việc 39 năm không tìm hai con là một khuyết điểm lớn của “tôi”. “Tôi” đã rất hối hận và nói ra rồi. Thế mà Kim Phạm vẫn không tha, trong khi các con của “tôi” đã tha thứ và sum họp với cha. Kim Phạm muốn phá, xúi, để gia đình này ly tán thêm một lần nữa.
Nếu Kim Phạm là tác giả tức “tôi”, thấy có cái chỗ đi Mỹ ngon lành như thế, dù cho Mỹ đá vào đít đuổi ra ngoài, Kim Phạm cũng lạy lục xin đi. Chắc Kim Phạm không biết gì về tình đồng đội, lòng tự trọng nên mới võ đoán như thế. Ngoài ra, Kim Phạm không hề nghĩ gì đến tính cách, đến hoàn cảnh của cô Vinh.
Kim Phạm quá tiểu tiết, phải nghe cho được lời xin lỗi của “tôi” với chị Phú. Kim Phạm bắt phải “kê khai lý lịch’ thêm trong câu chuyện này. “Sau đó thì sao, nói chuyện với nhau như thế nào, ai trả tiền ăn uống…” .
Thật ra tôi nghĩ đây chỉ là một bài viết thôi, có thể thật, có thể không, có thể nửa thật, nửa không. Tác giả có thể nói tốt cho mình một cách dễ dàng, để ai cũng khen, nhưng như Long Kim đã nói, tác giả “tôi” không muốn làm thế.
05/07/201423:27:53
Khách
Bài viết thât hay. Cô Vinh ngoài đời vẫn luôn dịu dàng dễ mến. Sau khi được đọc thêm về chị trong bài viết này càng thấy thương chị hơn. Mến chúc gia đình hai nhà của tác giả BTM đoàn viên vui vẻ, hòa thuận và dồi dào sức khỏe.
05/07/201416:33:07
Khách
Theo toi thi tac gia khong dang duoc dan cho cai nhan la nguoi tu trong, tinh cam sau sac vi neu tu trong thi du gap bat cu hoan canh nao cung khong nen doi gat vo de vo goi tien ve va lam giay bao lanh, con co tinh cam sau sac thi da khong cam sung vo (vi bo voi co Vinh trong khi minh la nguoi da co vo va 2 con) them nua trong 39 nam ma khong he tim 2 cai nam ruot cua minh mac du da co nhieu nguoi khuyen, neu chau Tu khong di tim cha thi khong biet den bao gio cha con gap nhau?
Theo toi nghi thi "toi" khong phai vi tinh dong doi ma mat dip di nam 75 ma chi vi "co Vinh" nen da buoc ra ngoai de cua dong khong vao duoc nua. Con luc do ba Phu bi chong cam sung nhu vay thi lam sao vui ve voi chong duoc.
Chi Phu qua My mot minh khong lap gia dinh o vay nuoi day 2 con nen nguoi nhu vay toi rat la kinh phuc da vay con bi chong gat goi tien ve nua. Chi Phu dang duoc "toi" truoc tiep noi loi xin loi chu con chi viet ra nhu vay chua du.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,036,167
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức Đà Nẵng từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Tựa đề bài viết mới của bà là tên một ca khúc Trịnh Công Sơn.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Cô tên thật Trần Minh Châu, 38 tuổi, quê quán Sài Gòn, định cư tại Mỹ mới hơn 6 tháng theo diện kết hôn, hiên đang sinh sống tại Hillsboro, tiểu bang Oregon. Đã tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Đại học Tổng hợp Sài Gòn. Công việc trước đây tại Viêt Nam là biên dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, và công việc hiện tại là nội trợ, đang tìm việc làm phù hợp.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về mùa Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả bắt đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học. Trước 1975, là cảnh sát quốc gia. Cựu tù cải tạo. Làm rẫy vùng kinh tế mới. Đến Mỹ theo diện HO từ 1993, ông có 12 cuốn sách đã xuất bản. Bài viết mới là tự truyện của một “ông nhà văn kiêm thằng bỏ báo” như bạn hữu thân tình gọi tác giả.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài “Nước Mỹ là nhà của Mị” ký tên thật là Quynh Gibney. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và sau đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang.
Đây là một bài mới tác giả viết về tâm trạng của con cái khi phải đưa cha mẹ già vào nursing home. Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, được giải danh dự trong năm đầu (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” ( Á khôi) năm 2017. Ông là một chuyên viên về hưu, đang định cư tại Orange County.
Nhạc sĩ Cung Tiến