Hôm nay,  

Niềm Nhớ Không Tên Và Một Thời Áo Trắng

09/06/201400:00:00(Xem: 116246)

Tác giả: Trần Đình Đức

* * *

Sau bao nỗ lực và quyết tâm đi tìm tự do, cuối cùng tôi cũng đặt chân được đến nước Mỹ vào tháng giêng năm 1985. Để được đặt chân đến miền đất tự do này, tôi đã đánh đổi biết bao là công sức, cùng với sự gian khổ của tù đầy và cả tánh mạng của mình nữa.

Trải qua nhiều vụ vượt biên bị gạt và bị đổ bể, tôi đều chạy thoát được. Nhưng tới lần vượt biên thứ bẩy thì tôi bị bắt ở Cần Giờ năm 1980 sau khi ra khơi chưa được bao lâu. Tất cả mọi người được chở về Chí Hòa rồi bị đưa đi lao động ở Đồng Phú thuộc tỉnh Sông Bé.

Sau hơn một năm vất vả và đói khát, Mẹ tôi đã lo lót cho tôi được thả về nhà. Ở nhà được tám tháng thì tôi đi vượt biên tiếp. Lúc lên tàu lớn ở Vàm Láng tổ chức bị lộ, tôi lại bị bắt giam ở nhà tù Mỹ Tho. Lao động ở trên miền sông nước Tiền Giang được bẩy tháng thì Mẹ tôi lại vất vả chạy chọt để tôi được tha.

Một ngày cuối năm 1983, Mẹ tôi bền chí cho tôi đi chuyến kế tiếp. Tới lần thứ chín này thì thành công nhưng khá gian nan, vất vả, suýt nữa thì làm mồi cho cá mập. Có rất nhiều tàu lớn đi ngang qua trước mặt chúng tôi nhưng họ chỉ đứng trên boong tàu nhìn mà không có ý định cứu vớt chúng tôi. Tôi phải phụ những người mạnh khỏe trên tàu giúp thủy táng xác một bà Mẹ trẻ cùng với đứa con nhỏ của bà. Họ bị ngộp thở do ở dưới hầm tàu quá lâu cũng như bị đói khát quá nhiều ngày. Tất cả mọi người trên tàu đều đồng tâm cầu nguyện xin ơn trên cứu vớt chúng tôi.

Sau mười hai ngày lênh đênh trên biển cả thì phép lạ đã xẩy đến. Có lẽ các đấng thiêng liêng nghe được lời cầu cứu nên giúp tàu tuần duyên của Singapore phát hiện ra tàu chúng tôi ở ngoài khơi nước họ. Nhưng họ chỉ cung cấp thức ăn, nước uống rồi kéo thuyền chúng tôi đi theo tàu của họ vì Singapore không nhận người tỵ nạn. Tối đó họ cắt dây để tàu chúng tôi trôi vào một đảo nhỏ của Indonesia. Sau những ngày tháng hãi hùng và đói khát trên biển cả mênh mông với cái chết chực chờ trong gang tấc, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bờ bến tự do.

Sau khi được cứu sống, chúng tôi được ăn uống no nê và nghỉ ngơi để lấy lại sức sau nhiều ngày lênh đênh trên biển. Một tuần sau đó chúng tôi được đưa về trại tỵ nạn Galang bằng tàu lớn.

Trại tạm cư là cửa ngõ đầu tiên của sự tự do nên ai cũng vui mừng mà bắt đầu lập lại cuộc sống mới của mình. Ban ngày tôi hăng hái học Anh Văn và làm việc thiện nguyện bằng cách vẽ các bức tranh cho Thầy Cô dùng vào việc giảng dạy. Tôi tham dự thêm một lớp học về nghề nghiệp chuyên môn ở World Relief vào buổi chiều. Sau khi tắm rửa và ăn cơm tối xong là tôi vào thư viện để học đàm thoại theo sách Streamline English.

Sáu tháng sau tôi vào Galang II học khóa học về văn hóa Mỹ để chuẩn bị đi định cư. Sau giờ học tôi còn làm thông dịch cho Thầy giáo người Indo trong lớp dạy cho người tỵ nạn hiểu biết về đời sống ở Mỹ để sau này hội nhập được dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong đời phải xa gia đình cả nửa vòng trái đất nên tôi rất buồn và cô đơn. Có những đêm tôi rủ thằng bạn sắp định cư ở Úc lên quán cà phê trên đồi nghe nhạc. Trời càng lúc càng về khuya mà tôi vẫn chưa muốn rời quán. Bản nhạc Nha Trang Ngày Về với giọng ca của Khánh Ly được phát ra từ chiếc máy cassette làm tôi nhớ nhà da diết...

Tiếng hát ấy như giúp tôi thấy lại chính mình. Nhớ từ lúc bé thơ cho đến thời học trò ao trắng.

*

Mẹ tôi sinh tôi ra ở nhà bảo sanh Từ Dũ. Nghe nói Bác trai tặng Mẹ một thùng Sâm banh hảo hạng sau khi Mẹ sinh tôi ra. Mẹ tôi hay đùa là Mẹ tôi lượm được tôi ở ngoài đường mỗi khi tôi làm Mẹ giận. Lúc còn nhỏ vì là con út nên tôi được cưng chiều hơn anh chị trong nhà. Lúc nào tôi cũng quấn quýt bên Me, nhõng nhẽo với Mẹ, không muốn rời xa. Vậy mà Mẹ lại thường gửi tôi đi xa mẹ.

Lúc lên năm tuổi, tôi được Bác trai là anh của Mẹ tôi nhận làm con nuôi một thời gian ngắn. Bác đang sống với người vợ thứ hai, người vợ đầu tiên Bác đã ly dị vì không có con. Mỗi lần Bác đi làm về là tôi trốn trong phòng tắm vì tính Bác rất khó và nghiêm. Thế mà Bác cũng biết mà xách lỗ tai tôi kéo ra ngoài làm tôi đau muốn chết. Ở với Bác tôi chẳng phải làm gì cả vì Bác có tới mấy người làm. Chỉ một lần vì nhà in ở Hong Kong gởi hàng về trễ nên tôi phải phụ xếp mười hai tờ lịch chồng lên nhau và đóng gáy để kịp đưa ra thị trường trước Tết.

Tuy còn bé, nhưng tôi cũng đã hiểu mình đang sống trong thời chiến tranh. Tôi nhớ nhất là lần Bác gái lấy xe hơi chở tôi với người bà con để đi nhận xác em trai Bác. Tới nhà chung sự lúc xe GMC mới đưa xác quân nhân tử trận từ mặt trận trở về thì thân nhân òa khóc rất thảm thương. Thấy ai cũng khóc làm tôi khóc theo.

Sau này, khi bác gái sinh con thì tôi trở về lại với gia đình. Sau đó, Mẹ lại gởi tôi vào học nội trú lớp một chương trình Pháp ở trường Lasan Tabert đường Nguyễn Du năm 1965.

Mặc dầu chỉ nội trú Tabert hai niên học nhưng tôi vẫn có những kỷ niệm không bao giờ quên. Sáng nào tôi cũng phải dậy sớm lúc năm giờ rưỡi để làm vệ sinh và đi lễ ở nhà nguyện của trường lúc sáu giờ. Xong lễ thì tất cả mọi người đi xuống phòng ăn ở dưới lầu để ăn sáng. Ăn xong chúng tôi chuẩn bị tập vở và xếp hàng vào lớp học lúc bẩy giờ. Những giờ học xen lẫn những buổi dậy về giáo lý có chiếu slide trên màn ảnh. Cha rất tận tình giảng dậy cũng như trả lời thông suốt những câu hỏi của học sinh về bài học.

Ăn trưa xong, chúng tôi được ngủ trưa. Khi thức dậy thì tất cả học sinh được tự do vui chơi thoải mái. Tôi còn nhớ là lúc đó tôi khoái chơi bông vụ. Thích nhất là làm sao quăng xuống đất cho nó quay tít một hồi lâu mới ngưng. Nếu ai có tiền thì tha hồ ăn quà vặt, còn ai muốn ăn quà mà không có tiền trả thì ghi sổ. Tùy theo hoàn cảnh mỗi người, hàng tuần hay hàng tháng người nhà đến tính sổ với ông chủ quán trong trường. Sau khi ăn chiều và tắm rửa xong thì chúng tôi vô thư viện học bài và đọc kinh trước khi đi ngủ. Trước khi ăn tất cả mọi người phải đọc kinh cùng cha và đặc biệt là bữa ăn chiều thứ năm được uống một chai nước ngọt xá xị con cọp hay nước cam vàng. Không hiểu vì sao lúc đó tôi bị ghẻ khắp mình. Mẹ tôi phải thuê chú lao công làm trong trường sức thuốc đỏ cho tôi sau khi tắm. Hơn một tháng sau tôi mới lành hẳn.

Tối đi ngủ không ai được ra khỏi phòng, dù mắc tiểu thì cũng phải đi trong cái bô đặt kế cửa sổ ở cuối phòng. Mỗi lần đi tiểu tôi rất sợ ma vì ngoài cửa sổ có cây cổ thụ với nhiều tàn cây rậm rạp và đong đưa theo gió như có ai lay động trong màn đêm.

Chiều thứ Sáu đám bạn tôi ai cũng trông mong Bố Mẹ đến đón về nhà chơi vào những ngày cuối tuần. Đến chiều Chủ Nhật tất cả học sinh nội trú đều phải vô lại trường trước bốn giờ. Có bạn được rước về nhà ngày thứ Bẩy còn nếu không ai rước thì phải ở lại trường. Các bạn nào không được về nhà thì rất buồn. Chẳng hạn như tôi thường ở lại trường vì Mẹ tôi bận bịu buôn bán cả ngày nên không rước được. Những lúc không được về nhà tôi thường đi lang thang vào phòng sinh hoạt xem các anh học lớp đệ nhị cấp tập văn nghệ. Tối thứ Bẩy nếu ai còn ở lại thì được xem phim cao bồi bắn súng miền viễn tây Huê Kỳ hay những phim hấp dẫn khác trước khi về phòng ngủ.

Vui nhất là lúc trường tổ chức mừng lễ Giáng Sinh vào dịp cuối năm. Nhà trường dựng sân khấu ngoài trời rất lớn với nhiều tiết mục văn nghệ nói về Chúa Hài Đồng. Tối đó vào lúc nửa đêm chúng tôi được ăn bửa ăn đặt biệt nhất trong năm sau khi thưởng thức nhiều màn văn nghệ đặc sắc do ban văn nghệ nhà trường đảm trách. Năm 1966, sau ngày Quốc Khánh 01/11/1966, tôi nhìn thấy chuồng bồ câu dưới sân bị sập và nghe nói một Cha đang cử hành thánh lễ trong nguyện đường bị tử thương và bẩy Cha khác bị thương vì đạn bích kích pháo của Việt Cộng.

Vì không được thường xuyên về nhà vào dịp cuối tuần nên một chiều Chủ Nhật Mẹ tôi vào thăm thì tôi đòi về nhà. Lúc đó Cha không cho phép vì mai là thứ Hai rồi phải ở lại đi học. Tôi khóc lóc dữ quá làm Cha phải đánh đòn và nói Mẹ tôi về đi để tôi không còn đòi theo Mẹ nữa. Tôi bị Cha bắt phải vào phòng ăn cơm tiếp rồi về ngủ sớm để mai còn phải đi học.

Có lẽ vì tôi khóc lóc nhớ nhà nhiều lần nên sau hai niên học tôi không còn phải học nội trú nữa mà chuyển sang học chương trình Việt. Sau này tôi phải học nhẩy một lớp để bắt kịp các bạn trường Việt ở bậc đệ nhất cấp.Được về ở với gia đình và học ở trường Nguyễn Thái Học kế bên nhà là niềm vui sướng nhất của tôi.

Lúc bé tôi hay tắm mưa và tung tăng nhẩy xuống hố của ống nước bị bể mà tha hồ ngụp lặn và nặn đất sét trước lề đường của trường. Tắm mưa xong tôi hay bị cảm, nhưng tôi thích được ăn tô cháo thật nóng trong đó có thịt bò bằm kèm với trứng gà và rắc thật nhiều tiêu để giải cảm do Mẹ tôi nấu.

Đến ngày đi thi trung học đệ nhất cấp, Bố Mẹ tôi dẫn đi ăn phở rồi mới đến phòng thi để làm bài. Thi rớt vào trường Pétrus Ký thì tôi lại còn kịp thi vào trường Văn Hóa Quân Đội. Trường nằm ở đường Thống Nhất qua khỏi Nha Sổ Số Kiến Thiết Quốc Gia và gần đường Cường Để.

Ngày nhập học lớp sáu tôi đến trường bằng xe Candy Bố Mẹ mới mua cho với áo trắng quần xanh được ủi thẳng tắp làm tôi cảm thấy mình có vẻ lớn thêm một tí. Sài Gòn lúc đó xe cộ và dân cư không đông đúc như bây giờ. Đường xá êm ắng và vắng lặng, rất ít xe cộ và dân chúng qua lại, nhất là lúc sớm mai. Từ đường Tự Do chạy ngang qua nhà thờ Đức Bà là tới đường Thống Nhất với hai hàng cây me thẳng tấp hai bên. Tôi thích chạy xe trên những con đường này vào mỗi buổi sáng đến trường. Đây là những ngày tháng thần tiên nhất của tuổi học trò như trang giấy trắng chưa lấm một vết mực. Sau giờ học chúng tôi thường rủ nhau đá banh ở sân trường hoặc về nhà tôi đánh bóng bàn. Tôi có thằng bạn học nhà ở gần Nha Sổ Số. Bữa nào có sổ số là chiều đó nó phải lên sân khấu để quay các lồng cầu cho các con số ngày hôm đó.

Ngoài giờ học ở trường tôi còn ghi danh học thêm Anh Văn dành cho tuổi thiếu niên ở Hội Việt Mỹ đường Mạc Đĩnh Chi. Thầy Cô giáo ở đây là người Mỹ hoặc là người Việt và đã từng được đi tu nghiệp ở Mỹ. Tôi thường đi theo một cô bạn học cùng lớp vì tôi thích ngắm nàng trong chiếc váy màu thiên thanh với mái tóc cắt ngắn ôm trọn khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương. Tôi nhớ mãi dáng đi ôm cặp của nàng với vẻ quyến rũ của một thiếu nữ mới lớn. Có lần cô giáo gọi lên để thực hành theo bài học với nàng làm tôi hơi khớp và tim thì đập liên hồi. Tôi không dám bắt chuyện với nàng nhưng cho tới nay vẫn còn nhớ tên nàng. Mặc dầu đã hơn mười hai tuổi nhưng tôi rất nhút nhát, nhất là đối với con gái. Có nhiều cô tôi thích làm quen nhưng vì ngại ngùng nên không dám bắt chuyện.


Con tiep 1 ky

Trần Đình Đức

Vì thích hội họa tôi học thêm lớp vẽ tĩnh vật bằng viết chì và màu nước vào ngày cuối tuần cũng ở Hội Việt Mỹ. Nếu có triển lãm tranh sơn dầu hay chiếu phim tôi thường đi xem. Hay nhất là buổi triển lãm về phi thuyền Apollo 11 vừa mới được phóng lên quỹ đạo. Tôi cũng thường vào thư viện để đọc sách báo và tìm hiểu thêm về nước Mỹ. Sau khi học hết hai lớp Anh Văn dành cho tuổi thiếu niên tôi đổi lên học chung lớp với người lớn cho đến năm 1974.

Bố Mẹ tôi còn mướn Thầy Cô giáo dậy kèm thêm cho tôi ở nhà ngoài giờ học ở trường. Từ nhỏ Mẹ cho tôi học võ, học vẽ cho đến khi lớn lên học đàn guitar, học trống nhưng không đi tới đâu vì tôi chán và bỏ ngang nửa chừng. Chỉ có học vẽ là tôi thích hơn cả, từ hồi còn học tiểu học tôi đã mê tranh vẽ bằng màu nước của họa sỹ ViVi trong loạt sách Tuổi Hoa và mong ước mình vẽ được như vậy. Tôi có học thêm vẽ bằng chì than, mầu nước và sơn dầu ở ngay Ngã Sáu Sài Gòn mà tôi đã quên tên thầy. Thầy chỉ có một tay nhưng vẽ rất đẹp và vẽ chân dung thì rất giống như hình thật. Tôi đã vẽ được tranh chân dung cho Mẹ. Mẹ tôi thích nhất là bức tranh tôi vẽ Mẹ lúc còn là thiếu nữ, đóng khung treo trong phòng khách. Sau này tôi còn học chụp và rửa ảnh với tất cả đam mê trong một thời gian. Từ bé tôi đã mơ ước sau này khi xong trung học được đi du học ở Mỹ để trở thành Kiến Trúc Sư và trở về xây dựng lại đất nước. Nhưng sau này khi qua đến Mỹ thì tôi chuyển qua nghành nghề khác thích hợp với thời điểm hiện tại hơn.

Lên lớp chín thì tôi chuyển qua tư thục là trường Trung Học Hưng Đạo ở đường Cống Quỳnh cho đến khi ra trường lớp mười hai. Thích nhất là giờ thực hành ở phòng thí nghiệm của trường khi trộn lẫn hóa chất theo những công thức vừa mới học xong. Đôi lúc tôi cũng hào hứng viết bích báo và tham gia sinh hoạt văn nghệ trong trường. Cuối tuần chúng tôi thường đi đá banh ở trường đua Phú Thọ hoặc đi bơi ở hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tới mùa thi cuối bậc trung học chúng tôi hay vào Thư Viện Quốc Gia ở đường Gia Long để học bài thi. Tôi có thằng bạn học chung lớp còn rủ qua trường Nguyễn Bá Tòng ở đường Bùi Thị Xuân ăn sáng và ngắm các cô nữ sinh trong tà áo trắng rồi mới trở về trường mình.

Cuối năm học, bất cứ lớp nào cũng là thời gian nhộn nhịp nhất vì bạn bè trao cho nhau cuốn lưu bút để ghi lại những kỷ niệm của tuổi học trò. Đồng thời tiệc chia tay cũng được sắp xếp để họp mặt với nhau lần cuối trước khi mỗi người mỗi ngã.

Tôi còn nhớ thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Phú đang chuẩn bị cơ sở vật chất để áp dụng phương pháp giảng dậy của Nhật qua truyền hình thì bị mất nước năm 1975 phải ngưng. Thầy là người Thầy khả kính vì đã tận tụy với thiên chức cao quý của mình và có nhiều tâm huyết với ngành giáo dục nước nhà.

Nói về quà vặt của tuổi học trò thì ôi thôi kể sao cho hết nào là bò bía, gỏi khô bò, xôi mặn, bánh cam. Chè thì có xâm bổ lượng, đậu xanh đậu đỏ bánh lọt, xương xa hột lựu và nhiều món hấp dẫn khác. Về phe kẹp tóc thì phong phú hơn với cóc, xoài, ổi, mận, chùm ruột, me ngào đường và thường được dấu trong hộc bàn để các nàng vừa nhâm nhi vừa nghe Thầy Cô giảng bài. Nếu lỡ chẳng may bị bắt gặp thì sẵn sàng chấp nhận hình phạt nặng nhẹ tùy theo Thầy Cô khó hay dễ.

Thời đó, mỗi tối sau khi học bài xong, tôi hay nghe nhạc yêu cầu và chương trình Dạ Lan trên radio với những bản nhạc để đời như Hạ Trắng, Như Cánh Vạc Bay, Ru em từng ngón Xuân nồng mà cảm thấy như tâm hồn mình bay bổng. Những đêm trời mưa tầm tã mà nghe Khánh Ly hay Lệ Thu hát hòa với những giọt mưa rơi tí tách trên mái hiên thì lòng tôi lại dậy lên một nỗi buồn man mác.

Khi tôi học lớp mười, gia đình chúng tôi dọn về nhà mới ở đường Gia Long. Đây là con phố mua bán sầm uất với những cửa hàng bán xe gắn máy cùng nhiều cửa hiệu và nhà xuất nhập cảng ngành dệt len, thuận tiện cho việc mua bán của gia đình tôi. Vì địa điểm nhà mới là phố thương mại, đối diện với công viên Tao Đàn, bên cạnh là chùa Bà Đen và cuối đường là Ngã Sáu Sài Gòn cho nên đường phố nhộn nhịp hơn hẳn nhà cũ ở đường Hồ Văn Ngà. Thứ nữa là dân chúng từ khắp nơi đổ về trung tâm thành phố Sài Gòn đều lái xe hay đi ngang qua con đường này. Chúng tôi có dịp ăn quà thường xuyên hơn vì Ngã Sáu Sài Gòn là nơi tập trung bán nhiều thức ăn như các loại mì vắt, hủ tíu bò viên, bột chiên trứng, cơm chiên Dương Châu, cháo lòng, các loại chè và nhiều thức ăn hấp dẫn khác nữa. Sài Gòn trước 1975 không đông đúc và kẹt xe như bây giờ. Vì không đông dân và ít xe cộ chạy trên đường nên hiếm khi xẩy ra tình trạng kẹt xe. Dân Sài Gòn trước đây hiền hòa và văn minh với những con người mang tính cách lịch sự nhưng vui vẻ.

Sài Gòn có con đường rộng rãi và đẹp nhất là đường Thống Nhất với hai hàng cây rợp bóng mát chạy dài từ Dinh Độc Lập tới đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sài Gòn còn có Nhà thờ Đức Bà và Bưu Điện là những nơi chốn thân quen tôi từng đi qua nhiều lần. Đường Duy Tân có cây dài bóng mát và cuối đường Trần Quý Cáp có hồ Con Rùa là nơi tôi thường cùng các bạn học thưởng thức ly kem dứa hay ba màu. Đường Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Du, Bến Bạch Đằng có nhiều hàng quán và rạp hát thân quen tấp nập người qua lại ngày cuối tuần. Sau khi xem phim ở rạp Casino trên đường Pasteur thì vô hẻm bên cạnh ăn các món bún như bún chả, bún thang, bún riêu hoặc phở. Đối diện bên kia đường có quán Viễn Đông là nơi tôi hay nhâm nhi ly nước mía cùng với bò bía hoặc phá lấu. Những rạp xi-nê ở Sai-Gòn hầu hết tôi đều xem qua nhưng rạp sang trọng nhất là rạp Rex và Đại Nam. Gia đình chúng tôi thỉnh thoảng vào Chợ Lớn ăn cơm Tàu ở nhà hàng Đồng Khánh hay cơm thố ở Chợ Cũ. Tôi thích nhất là được ăn bò bẩy món ở tiệm Ánh Hồng nằm kế bên cổng xe lửa số tám vì sau khi ăn xong được tráng miệng bằng dĩa bánh flan ngon tuyệt cú mèo. Khi bước qua khỏi ngưỡng cửa trung học, có một lần tôi đi xem phim với bạn gái ở rạp mini Rex rồi vào nhà hàng trong khu thương xá Rex thưởng thức món bò ragu nấu đậu ăn với bánh mì. Nhà hàng có máy lạnh nên không khí rất là thoải mái, thức ăn thì ngon miệng và vừa ăn vừa nghe những bản nhạc hòa tấu bất hủ. Tiệm bánh Brodard ở đường Tự Do là nơi tôi cũng thường ghé đến để mua các loại bánh Pháp thơm ngon mới ra lò.

Còn rất nhiều nơi ghi dấu bước chân tôi mà không thể kể hết ra đây. Những ai đã từng sống ở Sài Gòn chắc cũng có ít hay nhiều kỷ niệm về thành phố thân yêu đó. Giờ đây tất cả chỉ còn là dĩ vãng nhưng sẽ không phai mờ trong ký ức của tôi vì đó là những ngày tháng đẹp đẽ nhất trong đời.

*

Trong trại tỵ nạn Galang, mỗi khi nghe Khánh Ly hát bản Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên hoặc Vĩnh Biệt Sài Gòn là tôi thấy lòng mình như chùng xuống. Những bài hát đó đã mang đến cho tôi nhiều cảm xúc và niềm thương nhớ khôn nguôi về nơi chốn mình đã sinh ra và lớn lên. Nơi đó là nơi tôi đã từng trải qua với biết bao kỷ niệm vui buồn của thời tuổi trẻ.

Đầu năm 1985, tôi rời trại Galang. Dù không vướng bận tình cảm hay hứa hẹn với ai nhưng tiếng nhạc và lời ca quen thuộc của Three Degrees với ca khúc When Will I See You Again được phát ra từ phòng thông tin của trại như muốn níu kéo bước chân tôi…

Sau khi đặt chân đến nước Mỹ vào năm 1985, tôi gặp lại hầu hết những bạn thân học lớp mười hai trường Hưng Đạo. Nhân dịp đám cưới của bạn Minh Anh, chúng tôi mới có dịp họp mặt và ôn lại những kỷ niệm của thời học sinh. Gặp lại nhau sau bao năm xa cách, chúng tôi kể lại cho nhau nghe về những cuộc hành trình gian khổ trong bước đường đi tìm tự do và cuộc sống mới ở đất Mỹ. Đồng thời chúng tôi cũng nhắc lại những kỷ niệm về thời gian chúng tôi đã trải qua lúc còn là học sinh.

Minh Anh và Phong đã ở Garden Grove từ lúc đến Mỹ năm 1981, còn tôi thì định cư và làm việc ở San Jose từ lúc mới qua cho tới bây giờ. Tấn bị kẹt ở Thái Lan gần hai năm với người em trai vì bị trục trặc giấy tờ nhưng cuối cùng cũng được người chị bảo lảnh và định cư ở Colorado trước tôi vài tháng. Thằng bạn còn lại là Đỉnh thì mãi sau này mới đến Mỹ và định cư ở tiểu bang Maryland theo diện HO của Bố vợ năm 1995. Đỉnh lấy vợ ở VN lúc chúng tôi mới qua Mỹ và là người lớn tuổi nhất trong đám bạn của tôi. Vậy là tất cả đều đã định cư ở Mỹ nhưng mỗi người ở mỗi nơi và sau khi các bạn lập gia đình thì chúng tôi ít có dịp gặp lại nhau.

Có lẽ số tôi lận đận về cung Thê nên tôi là người lấy vợ sau cùng năm 2000. Bây giờ chúng tôi thỉnh thoảng vẫn thăm hỏi nhau qua điện thoại. Chúng tôi đã hòa nhập vào đời sống nước Mỹ sau nhiều năm phấn đấu, học tập, và làm việc. Cuối cùng thì tất cả chúng tôi đều thành công trong cuộc sống mới ở Mỹ.

Nhiều lần, các bạn gốc Việt nghe tôi nói, không biết tôi là dân miền nào. Có lúc tôi nói đùa với bạn bè tôi là người ba miền vì quê Bố tôi ở Hưng Yên, quê Mẹ thì ở Quảng Bình còn tôi là người miền Nam vì sinh ở Sài Gòn. Thế mà người Hoa gặp tôi lại xem tôi là đồng hương của họ vì gương mặt tôi gần giống người Hoa. Khi đi du lịch ở Thái Lan, người Đại Hàn gặp tôi tưởng là người cùng nước với họ nên xổ tiếng Hàn làm tôi phải cải chính hoài. Lúc về ghé thăm Nha Trang thì mấy em bé bán hàng rong gọi tôi là ông Đại Hàn.

Cho tới bây giờ là đã gần ba mươi năm trôi qua nhưng lúc nào tôi cũng nhớ ơn nước Mỹ. Nước Mỹ đã cưu mang và cho tôi có cơ hội thực hiện những giấc mơ của mình. Không những thế, nước Mỹ còn cho tôi sự tự do mà tôi không có được ở Việt Nam. Bằng sự nỗ lực không ngừng, tôi đã đạt được một đời sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Do đó lúc nào tôi cũng tâm nguyện là mình phải trả ơn nước Mỹ bằng cách góp một bàn tay để xây dựng nước Mỹ trở thành một nước giàu mạnh. Tôi xem nước Mỹ như là quê hương thứ hai nên luôn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của một công dân trong một đất nước tự do và đầy nhân bản.

Trần Đình Đức

Ý kiến bạn đọc
11/06/201419:08:05
Khách
Cám ơn Khôi An đã có lời khen. Cám ơn Met moi đã nhắc vì cứ nghĩ là mình nhớ tên trường đúng nên không kiểm lại.
09/06/201423:32:43
Khách
Truong hoc "yeu dau", nhieu ky niem tuoi tre cua minh, ma viet ten cung khong dung (?!) : truong Taberd, chu khong phai Tabert dau !
09/06/201420:34:07
Khách
Cám ơn bài viết của anh Đức với nhiều chi tiết dễ thương về SG ngày xưa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,108,866
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến