Hôm nay,  

Âm Nhạc và Đời Sống

12/04/202400:00:00(Xem: 3156)
   
duy nhan
hình tác giả cung cấp
 
Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois. Tác giả đã đóng góp nhiều bài Viêt Về Nước Mỹ và lãnh nhiều giải từ năm 2001. Tác giả nay đã 80 tuổi, về hưu từ nhiều năm qua. Ông mới bay về Cali lãnh giải Danh Dự VVNM 2023 tháng 12 vừa rồi.
*
  
Từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, khi đã rời quê hương để định cư ở nước ngoài thì người Việt đã xem như mất tất cả, vì họ không mang theo được gì đáng kể ngoài lòng yêu nước và di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc được xây dựng dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nếu con người cần có nhu cầu vật chất tối thiểu để tồn tại thì âm nhạc chính là nhu cầu tinh thần giúp cho đời sống của họ thêm phong phú và ý nghĩa. Những bản nhạc gợi nhớ biết bao kỷ niệm một thời của từng cá nhân với quê hương, đất nước. Âm nhạc do đó chính là nhu cầu có thể nói là bức thiết đối với người lớn tuổi ở hải ngoại. Tiếng Hạc Vàng là chủ đề của cuộc thi hát do đài truyền hình SBTN thành phố Garden Grove, California tổ chức dành cho người từ 55 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ và nơi cư trú. Đây là lần thứ hai đài truyền hình SBTN tổ chức cuộc thi như thế này với số thí sinh tham dự hơn hai trăm, từ nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Thụy Điển, Úc, Canada kể cả Việt Nam, và dĩ nhiên nước chủ nhà là Mỹ có số thí sinh tham dự đông nhất.
 
Đây là sáng kiến rất độc đáo, và hay mà cho tới thời điểm này ngoài SBTN ra, chưa có tổ chức nào thực hiện được như thế. Tiếng Hạc Vàng tự nó có nhiều ý nghĩa. SBTN là một sân khấu lớn. Khán giả của nó đâu chỉ có vài chục người, vài trăm người ngồi ở khán phòng hay sân khấu của một đài truyền hình mà là hàng triệu người trên khắp các châu lục trên thế giới, ngồi ở nhà cũng có thể xem được qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Tiếng Hạc Vàng tổ chức ở Cali, còn tôi và gia đình ở Chicago cũng xem được qua màn  ảnh nhỏ. Cả gia đình tham gia đầy đủ hai ngày chung kết là Thứ Bảy và Chủ Nhật, 16 và 17 tháng 9 năm 2023. Năm nay có mười bốn thí sinh được chọn vào vòng chung kết. Chúng tôi hào hứng theo dõi từng thí sinh, từng bài hát được trình bày rồi khen chê, bình phẩm rất vui theo cảm nhận riêng của từng  thành viên trong gia đình để cuối cùng gửi kết quả bình chọn thí sinh được hâm mộ nhất về cho ban tổ chức. Gia đình tôi có bốn thành viên là vợ chồng tôi, con trai và con dâu đều có cách đánh giá và bình chọn khác nhau. Vợ và con dâu tôi nói ngoại hình và trang phục thí sinh rất quan trọng. Ngược lại, tôi thấy khi lên sân khấu thì ai cũng đẹp như ai, nhất là quí bà mặc dầu lớn tuổi nhưng người nào cũng đẹp một cách quí phái và sang trọng, dưới ánh đèn màu càng làm cho họ rạng rỡ thêm lên. Con trai tôi biết chơi guitar nên rất để ý đến nhịp điệu (rhythm) và giai điệu (melody) của bài hát mà thí sinh biểu diễn. Còn tôi? Mặc dầu không biết nhiều về nhạc lý, về kỹ thuật thanh nhạc nhưng khi đặt mình vào vị trí của một giám khảo, tôi có cách chấm điểm của riêng mình, dựa trên các tiêu chuẩn là giọng hát, lời ca và kỹ thuật trình diễn, còn ngoại hình và trang phục thì tôi cho là không quan trọng, nếu nâng lên thành tiêu chuẩn thì chỉ là tiêu chuẩn phụ thôi. Tôi muốn bà xã và con dâu tôi hiểu là giọng hát là yếu tố quan trọng có tính quyết định một người có thể trở thành ca sĩ hay không. Tôi nói: “Giọng hát là một thứ tài sản mà trời ban tặng riêng cho mỗi người, không ai giống ai. Người ta nói đó là giọng hát thiên phú, giọng hát trời cho. Lời ca và kỹ thuật trình diễn có thể luyện tập và cải thiện được chớ giọng hát không tốt thì có đam mê, cố gắng cách mấy cũng chỉ có thể trở thành ca sĩ nghiệp dư, tài tử mà thôi. Mặc dầu không nhìn thấy người nhưng khi nghe một giọng hát cất lên thì người ta biết đó là ai, là ca sĩ nào. Chẳng hạn như Thái Thanh, xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc lâu đời, cô chịu ảnh hưởng lối hát dân ca với âm giai ngũ cung Việt Nam đồng thời với kỹ thuật opera phương Tây đã tạo được cho mình một trường phái riêng, một thế đứng riêng, không lẫn lộn với ai, cũng không ai sánh được với mình. Có một lần, trước năm 1975 khi nghe Thái Thanh cất cao tiếng hát (bài Kỷ Vật Cho Em) mà tôi nổi cả da gà! Theo tôi, Thái Thanh đích thực là một Diva của Việt Nam. Còn Hà Thanh? Xuất thân từ một gia đình quyền quí trâm anh, cô có giọng hát mượt mà và sang trọng, êm ái và nhẹ nhàng, thấm đậm hồn quê hương xứ Huế mộng mơ của cô. Sở hữu giọng nữ trung, khi lên những note cao rất trong trẻo, khi xuống nốt trầm thì đầm ấm dịu dàng. Hai danh ca này đã không còn nữa nhưng giọng hát của họ vẫn và sẽ còn sống mãi với thời gian.Trong khi đó Thanh Thúy thì có giọng nữ trầm, mang âm sắc thổ pha kim. Các giới trí thức, văn nghệ sĩ, âm nhạc mô tả tiếng hát Thanh Thúy là tiếng hát liêu trai, tiếng hát khói sương, tiếng hát lúc 0 giờ và phong cho cô là nữ hoàng thể điệu Bolero, Rumba, Slow... Còn Hoàng Oanh thì ngọt ngào không ai bằng. Ba tôi qua đời cách đây 32  năm, lúc sinh thời ông rất thích nghe Hoàng Oanh hát. Còn Chế Linh lại là một trường hợp khác nữa. Anh là người Chăm nên thân phận anh nó gắn liền với lịch sử của đất nước, dân tộc Chăm. Âm hưởng của sự ly tán, mất mát và đau buồn nó thấm vào máu thịt, nó vận vào giọng ca anh. Người ta nói giọng ca Chế Linh là giọng ca mất nước là có lý do vì nước Chăm Pa, từng là đế chế huy hoàng của Tổ Tiên anh, bây giờ chỉ còn là phế tích ở một số tỉnh miền Trung từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình... nơi tôi đã ghé thăm và ghi hình để gìn giữ như một chứng tích lịch sử. Bài hát nào Chế Linh hát cũng mang đầy tâm trạng, cũng thấm thía, thiết tha như kể lại một chuyện tình buồn bằng thể điệu Bolero quen thuộc. Tôi cứ nghe đi nghe lại nhạc phẩm Hận Đồ Bàn do Xuân Tiên sáng tác mà lần nào cũng bồi hồi, với cảm xúc lâng lâng khó tả và nhận ra rằng không có ai có thể hát nhạc phẩm này hay hơn Chế Linh. Những ca sĩ trẻ bây giờ cố tình bắt chước giọng hát của anh nhưng hát không có hồn.
 
Cám ơn đài truyền hình SBTN đã tạo ra một sân chơi rộng rãi cho mọi người, cho tôi và gia đình cùng khán giả khắp nơi có cơ hội tham gia vào một sự kiện văn hóa và nghệ thuật  lành mạnh và ý nghĩa. Qua đó, tôi cũng học hỏi được nhiều điều bổ ích. Cách tổ chức rất công phu, chu đáo và chuyên nghiệp, phần kỹ thuật như âm thanh, ánh sáng thì tuyệt vời. Các thí sinh được hướng dẫn, tập luyện trong phòng thâu, được hướng dẫn hát đúng theo cách hòa âm  của bài hát sẽ trình bày. Ban giám khảo có bảy người, đa số là trẻ nhưng có trình độ và nhiệt tình. Theo dõi những góp ý của họ cho từng thí sinh, tôi thấy trình độ thưởng thức âm nhạc của mình cũng được nâng lên rất nhiều. Đối với các thí sinh thì đây là cơ hội hiếm hoi được đứng trên một sân khấu lớn để giới thiệu chính mình, để cất cao tiếng hát của mình cho cả thế giới nghe. Điều này không phải ai muốn cũng được, nhất là những vị đã bước vào ngưỡng cửa của mùa Thu cuộc đời như mười bốn thí sinh của chúng ta. Những tác phẩm họ trình bày một số là của các nhạc sĩ đang sống ở Mỹ và các nước, ngoài ra là các tác phẩm trước năm 1975 ở Sài Gòn. Giờ nghe lại những nhạc phẩm này, khán giả được sống lại những tháng ngày rất yên bình hạnh phúc mà thấy thấm thía và xúc động, muốn khóc. Ngay trong thời kỳ chiến tranh, người nhạc sĩ và các người làm văn học, nghệ thuật ở miền Nam vẫn được tự do sáng tác nên tác phẩm của họ rất hay, đậm chất nhân văn, chứa chan tình tự dân tộc và hy vọng một ngày mai tươi sáng. Nếu định nghĩa Văn Hóa là những gì còn lại thì đây chính là văn hóa đích thực. Vì nửa thế kỷ đã trôi qua, chính quyền mới bằng nhiều biện pháp cấm đoán hòng tiêu diệt nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa nhưng nền văn hóa này vẫn tồn tại và phát triển mạnh ở trong nước và cả hải ngoại, vì nó đã thật sự đi vào lòng người. Nếu đài truyền hình SBTN khi tổ chức Tiếng Hạc Vàng là có mục đích bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thì họ đã làm rất tốt và hy vọng sẽ còn tiếp tục, không chỉ cho và vì thế hệ hiện tại, những người lớn tuổi mà quan trọng là cho các thế hệ kế thừa, cho con cháu chúng ta biết rằng ông bà, cha mẹ mình trong vòng hai mươi năm đã từng kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ và giá trị dưới một chế độ tự do, nhân bản như vậy. Một lần nữa xin cám ơn đài SBTN, cám ơn các thí sinh từ các tiểu bang nước Mỹ, từ Việt Nam và người Việt khắp nơi trên thế giới đã hưởng ứng cuộc thi không vì giải thưởng mà vì tình yêu âm nhạc và lòng đam mê nghệ thuật.
 
Sau hai ngày làm việc cật lực và nghiêm túc, ngày Chủ Nhật 17/09/2023 ban tổ chức công bố kết quả và trao giải thưởng cho ba thí sinh có số điểm cao nhất, đoạt giải Tiếng Hạc Vàng năm 2023 theo thứ tự như sau :

Giải nhất :  Anh Phạm Châu Nam,     81 tuổi,  Chicago,  Illnois    - 3,000 USD
Giải nhì   :  Cô Nguyễn Thục Duyên, 63 tuổi,   Pleiku, Việt Nam  - 2,000 USD
Giải ba    :  Cô Mai Linh                    56 tuổi,   Massachusettes      - 1,000 USD
 
Giải thí sinh được yêu thích nhất do khán giả bình chọn cũng thuộc về anh Phạm Châu Nam, với phần thưởng 500 USD. Theo tôi thì kết quả này là hoàn toàn chính xác, và xứng đáng, nhất là đối với anh Phạm Châu Nam. Tôi nói thế không phải vì anh là bạn tôi, ở cùng một thành phố, cùng tiểu bang với tôi rất lâu năm mà là vì tôi rất hiểu anh và biết được hoàn cảnh rất đặc biệt của anh khi quyết định dự thi Tiếng Hạc Vàng, nhất là khi có kết quả tôi lại càng muốn viết về anh, muốn cho mọi người cùng biết về trường hợp của anh. Anh Nam là dược sĩ, có pharmacy ở Uptown Chicago từ đầu thập niên 80. Mặc dầu rất bận với công việc làm ăn, nhưng vốn có tâm hồn nghệ sĩ, anh vẫn dành thì giờ sinh hoạt cộng đồng và phục vụ đồng hương bằng lời ca, tiếng hát của anh. Vợ anh thì có tiệm vàng đối diện với pharmacy của anh bên kia đường Argyle. Anh thường hát nhạc tiền chiến và nhạc quê hương trước năm 1975. Anh có giọng hát rất đầm ấm và điêu luyện không thua gì ca sĩ chuyên nghiệp. Thời gian sau này anh bị bệnh, một căn bệnh hiểm nghèo mà ai cũng sợ. Đó là ung thư máu! Gia đình anh phải dọn về vùng nắng ấm Cali cho anh tịnh dưỡng và tiếp tục chữa bệnh ở tiểu bang Texas, nơi có bệnh viện tốt nhất nước Mỹ chuyên về ung thư. Ngày thứ bảy 16/9/2023, với số thứ tự 09, anh Nam lên sân khấu trình bày nhạc phẩm dự thi thứ nhất của mình: Anh Còn Nợ Em của cố nhạc sĩ Anh Bằng, phổ thơ Phạm Thành Tài từ năm 2001 theo thể điệu Boston. Nhạc phẩm này rất quen thuộc. Mọi người từ già tới trẻ, từ nam đến nữ ở Mỹ hầu như ai cũng biết, ai cũng có thể ê a một vài câu trong bài. Người ta hát từ sân khấu đến phòng trà cho tới karaoke trong gia đình. Do đó bà xã anh Nam khuyên chồng không nên hát nhạc phẩm này nữa. Nhưng trong khi các thí sinh tập dợt với nhau, anh Nam hát thử bài này thì có người khóc. Anh về nói với bà xã là bài hát này với giọng hát của anh vẫn còn làm cho người ta xúc động, thì cứ để cho anh hát. Nghe vậy, bà xã anh mới đồng ý và kết quả cuối cùng là bảy giám khảo đều khen ngợi, nói bài hát quá quen thuộc, được nhiều ca sĩ nổi tiếng hát rồi, nhưng cách trình diễn của anh thì rất mới và hay, đã hoàn toàn chinh phục được người nghe. Khi hát xong, lúc trả lời một số câu hỏi của cô Diệu Quyên, người dẫn chương trình, anh mới tiết lộ là mình bị bệnh ung thư máu, hàng tháng phải đi bệnh viện điều trị, làm chemotherapy. Tiết lộ của anh làm mọi người  bàng hoàng, xúc động. Không khí trong khán phòng trước đó rất sôi nổi với tiếng hát, tiếng đàn, giờ đây chùng xuống và rơi vào im lặng, một sự im lặng tuyệt đối, giờ chỉ còn giọng nói của anh, rất bình thản tuy có hơi yếu nhưng nghe rõ mồn một. Từ Chicago tôi nhìn thấy anh: ốm và xanh hơn trước. Mặc dầu biết trước trường hợp của anh, giờ nhìn thấy anh đứng trên sân khấu nói về căn bệnh của mình cho mọi người, cho toàn thế giới nghe, tôi không khỏi xúc động. Tôi thấy nhiều người đưa khăn tay chặm nước mắt. Anh nói: “Khi gửi video clip dự thi được một tháng thì bác sĩ cho biết tôi bị cancer máu. Tôi rất bối rối và lo cho số phận của mình. Mỗi tháng tôi đi làm chemotherapy với sự khuyến khích, an ủi và chăm sóc của vợ tôi. Thời gian này tôi đã quên mất là mình có gửi bài dự thi Tiếng Hạc Vàng. Một hôm đang ở nhà thì nhận được cú phone của anh Mai Phi Long, trưởng ban tổ chức báo cho biết tôi đã được chọn vào vòng chung kết. Cú phone này như một liều thuốc hồi sinh đã vực tôi dậy và mạnh mẽ đứng lên trong lúc khó khăn nhất. Tôi rất vui, vợ tôi vui, các con tôi cũng vui, bạn bè thì gửi lời chúc mừng và khuyến khích. Tôi gọi cho bác sĩ đề nghị thay đổi kế hoạch thời gian điều trị sao cho tôi có thể tập dượt nhiều hơn để chuẩn bị thật tốt cho ngày thi chung kết, và bác sĩ đồng ý. Tôi tập hai bài thi theo hòa âm của các nhạc sĩ đài SBTN, đồng thời tiếp tục việc trị liệu theo thời gian biểu mới ở MD Anderston, Houston Texas. Lúc này vợ tôi cũng ở luôn trong bệnh viện để chăm sóc tôi, hai con tôi cũng xuống Texas để giúp tôi gần ba tháng. Thời gian đầu tôi tập hát rất khó khăn, có lúc hát không nổi muốn bỏ cuộc. Nhưng  nhờ vợ tôi chăm sóc, lo cho tôi rất kỹ từ miếng ăn, giấc ngủ, nhắc nhở tôi uống thuốc, làm chemo cũng như cách thức mà tôi luyện tập hai bài hát dự thi. Sau ba tháng vợ tôi nói giọng hát của tôi đã trở lại và tiến bộ rất nhiều, từ 20% đến 60% bây giờ là 70% ... có thể lên sân khấu vào ngày 16/09//2023 là được rồi, còn giải thưởng không quan trọng. Thưa quí vị, đó là lý do mà ngày hôm nay, cùng với quí vị, tôi có mặt trong ngày hội âm nhạc lớn như thế này. Đó là hạnh phúc lớn nhất mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Xin cảm ơn ban tổ chức, cám ơn đài SBTN, cám ơn vợ tôi và cám ơn bạn bè thân hữu đã ủng hộ và yêu mến tôi...Biết đâu nhờ vậy mà tôi sẽ hết bệnh”.
 
Ngày Chủ Nhật 17/9/2023 anh Phạm Châu Nam lên sân khấu trình bày nhạc phẩm Đường Chiều với thể điệu Blue Jazz của Hồng Duyệt. Bản nhạc này cũng là do bà xã chọn cho anh. Jazz là thể loại nhạc bắt nguồn từ cộng đồng người da đen ở Mỹ từ cuối thế kỷ 19 rất khó hát, đặc biệt với những nốt thật là cao và những nốt thật là thấp, không phải ca sĩ nào cũng hát được. Vậy mà khi anh hát xong thì tất cả bảy người trong ban giám khảo và khán giả đều đồng loạt đứng lên vỗ tay tán thưởng. Rất nhiều hoa tươi được khán giả mang lên tặng anh. Giám khảo Lê Uyên nói: “Nếu hôm qua tôi nói rất thương và ngưỡng mộ anh thì hôm nay tôi nói thêm một chữ nữa là tôi rất, rất “phục”anh. Sự lạc quan, khát vọng cháy bỏng trong đời sống, trong âm nhạc, trong từng lời hát của anh đã thể hiện rất rõ qua phong cách trình diễn, nó còn tạo được cảm xúc và hưng phấn cho mọi người. Phải nói là...trên cả tuyệt vời”. Ca nhạc sĩ Diệu Hương thì rơm rớm nước mắt, với giọng thật êm ái, nhẹ nhàng của người Huế, nói: “Trường hợp của anh vừa phải đối đầu với bệnh tật mà trình diễn được như thế này thật sự làm tôi cảm động và xốn xang quá. Blue là thể loại nhạc rất khó hát, tôi có nghe vài lần, không thấy ca sĩ nào hát được như anh. Đặc biệt những nốt thăng, nốt giáng anh lên xuống rất ngọt ngào, tròn trĩnh, không một chút nào bị lệch hay bị phô (fault) thường thấy ở những người lớn tuổi, ngay cả ca sĩ trẻ cũng vậy. Cái câu anh hát- Giọng hát, lời ca, Ôi.. Nghe nó nức nở và xúc động quá. Chỉ có thể nói là trên cả tuyệt vời. Khi anh lúng túng với thật nhiều hoa được tặng trên sân khấu, anh đâu biết dưới này, các giám khảo và khán giả đều đứng lên vỗ tay tán thưởng rất lâu. Tôi sẽ cho anh điểm maximum”. Nhạc sĩ Trúc Sinh: “Hôm qua tôi gọi anh bằng chú vì tuổi của anh gần bằng tuổi của ba tôi thì hôm nay tôi gọi là “Anh”vì theo tôi, anh đã là một ca sĩ rồi, xứng đáng đứng trong hàng ngũ ca sĩ chuyên nghiệp rồi. Tôi chưa nghe ai hát tự nhiên và dễ dàng như anh. Những nốt cao anh hát rất nhẹ nhàng, ca sĩ trẻ bây giờ nhất là ca sĩ trong nước gặp những nốt cao thì họ chỉ biết rống thôi mà không hát được vì không có kỹ thuật và không đủ hơi. Tôi rất phục, phục và phục anh. Nguyện cầu Đức Mẹ và Chúa che chở và ban phước lành cho anh“. Ca nhạc sĩ Sĩ Đan có nhận xét:  “Nếu ngày hôm qua anh đã chứng tỏ được tài năng của mình qua nhạc phẩm Anh Còn Nợ Em với âm hưởng của giai điệu ngũ cung hoàn toàn Việt Nam với những luyến láy thật ngọt ngào từ  những nốt thấp đến những nốt cao...thì hôm nay anh đã cho thấy một Phạm Châu Nam với một sắc thái và phong cách hoàn toàn mới qua nhạc phẩm Đường Chiều theo thể điệu nhạc Blue Jaz rất khó hát của những người lô lệ Châu Phi từ nhiều thế kỷ trước. Vậy mà anh hát rất tuyệt vời, với nội lực giống như người mới hai mươi tuổi. Nếu cần phải nói với các ca sĩ chuyên nghiệp bây giờ thì tôi khuyên họ hãy học hỏi ở anh từ giọng hát cho tới cách luyến láy, cách nhả chữ. Anh là một idol của tôi rồi đó. Xin chúc mừng anh”. Nhạc sĩ Trúc Hồ, Tổng Giám Đốc đài SBTN nhận xét: “Tôi đã đánh giá rất cao khi tiếp xúc với anh lần đầu ở phòng thâu. Người khác thì thâu đi thâu lại nhiều lần mới đạt, còn anh chỉ thâu một lần là xong. Khi hỏi tuổi anh, tôi mới biết anh đã 81, vậy mà anh hát với tâm hồn phơi phới như người còn trẻ mà hát có hồn nữa. Tôi không biết có phải do có năng khiếu bẩm sinh hay là vì bị bệnh anh mới hát hay như vậy, vì anh hát như thể  không bao giờ được hát nữa. Tôi thường nói với các học trò của tôi: “when you sing, you don’t think”. Khi hát thì bạn không nghĩ gì cả, kể cả nghĩ rằng mình đang hát, như vậy mới không bị các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng mà chỉ để hết tâm hồn của mình vào bài hát thôi. Lúc đó bạn mới hát hay được. Anh Nam đã làm được điều này. Nhạc Blue khó hát vô cùng vì nó có những nốt cao và nốt thấp rất khó chịu. Nếu lên chưa tới hoặc xuống chưa tới, hát không đúng thì bị phô triền miên thôi. Anh Nam thì hát không cần suy nghĩ, anh hát tự nhiên và dễ dàng, không một lần bị phô...”.
 
duy nhan 2
Tiếng Hạc Vàng ngày 17/9/2023
                                                 
duy nhan 3
 Phạm Châu Nam  ngày 30-4-2017 tại Chicago.
Photo: Duy Nhân
 
Tiếng Hạc Vàng năm 2023 đã khép lại. Hai ngày được sống với âm nhạc với biết bao là hưng phấn, cảm xúc và hồi hộp đã trôi qua, nhường chỗ lại cho mọi sinh hoạt đời thường. Vợ và các con tôi thì bận rộn với công việc của họ. Giờ đây chỉ còn lại mình tôi ngồi  trước máy tính để viết bài này với ngổn ngang tâm trạng. Tôi thấy hồn mình lâng lâng, ngây ngất như vừa uống cạn một ly rượu mạnh trong bữa tiệc âm nhạc mà hương vị của nó vẫn còn đọng lại trên bờ môi. Hình ảnh của anh Phạm Châu Nam lại hiện ra với kính trắng,veston màu rượu chát, cravate màu đỏ có hình chiếc kèn saxophone rất ấn tượng. Giờ có cơ hội nhìn lại hình ảnh của anh ngày 16/9/2023 và tấm hình tôi chụp cho anh ngày 30/4/2017 tôi mới phát hiện ra là anh vẫn mang chiếc cravate của sáu năm trước với hình chiếc kèn saxophone trên những dòng kẻ của những nồt nhạc. Một chi tiết nhỏ nhưng nói lên được nhiều điều, nói lên được con người Phạm Châu Nam, một tâm hồn nghệ sĩ và đam mê âm nhạc cao độ. Giám khảo Công Thành cũng nói rất thích thú với chiếc cravate này của anh. Trông anh vừa nho nhã, trang nghiêm mà cũng nghệ sĩ và lãng tử quá. Giọng hát của anh như còn phảng phất đâu đây trong khung cảnh mùa Thu đẹp và buồn của tháng 9 với những chiếc lá vàng rơi lã chã đầy cảm xúc :
 
Dừng trên hè phố
Lòng ta thầm nhớ
Những chiều lá rơi, lá rơi trên thềm nhà
Ôi ! Hắt hiu là nhớ, chiều nay sao hắt hiu là nhớ...
 
Tôi đã từng nghe nhiều ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam trước năm 1975 và sau này ở hải ngoại. Tôi ghi nhận tài năng của họ nhưng chưa có ai làm cho tôi xúc động như lần này khi nghe anh Nam hát. Tiếng Hạc Vàng đã thành công rực rỡ là do cách tổ chức của đài SBTN, sự ủng hộ của các nhà tài trợ, nhất là sự hưởng ứng rất đông đảo và nhiệt tình của các thí sinh mà nổi bật nhất là anh Phạm Châu Nam, một mình anh tạo ra nhiều kỷ lục: Là thí sinh lớn tuổi nhất, anh đoạt cả hai giải nhất, một của ban giám khảo, một do khán giả khắp nơi bình chọn, anh được tặng hoa  và vỗ tay nhiều nhất, anh cũng là người đoạt giải mà không nhận phần thưởng và gửi lại tất cả cho ban tổ chức, góp thêm ngân quỹ cho Tiếng Hạc Vàng năm sau. Sự kiện anh Phạm Châu Nam đoạt giải Tiếng Hạc Vàng năm nay nhắc tôi nhớ tới một câu nói thời danh “ Đằng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ ”. Người phụ nữ ở đây chính là chị Minh Tâm, vợ của anh Nam. Thật ra, vợ giúp chồng thành công trong cuộc sống cũng là chuyện bình thường. Điều đáng nói ở đây là chị đã hy sinh quá nhiều, đã từ bỏ tất cả vì chồng trong lúc đau yếu, bệnh tật. Cư dân Chicago vui và tự hào về anh Phạm Châu Nam bao nhiêu thì cũng thương và ngưỡng mộ chị Minh Tâm bấy nhiêu. Xin cám ơn chị. Riêng người viết bài này thì muốn chia sẻ với mọi người một tấm gương tốt về người thật việc thật ở địa phương mình, muốn ca ngợi sự dũng cảm và lạc quan của anh chị, và muốn gửi ra một thông điệp là tình yêu âm nhạc, nỗi đam mê nghệ thuật thì không có tuổi, nó có khả năng vượt qua và chiến thắng mọi khó khăn và trở ngại, kể cả bệnh tật, dầu là căn bệnh nguy hiểm nhất.
 
Duy Nhân
 

Ý kiến bạn đọc
17/04/202420:27:55
Khách
Bài viết hay quá. Mong đọc bài của tác giả thêm.
16/04/202412:18:40
Khách
Bài tường thuật cuộc thi Tiếng Hạc Vàng rất hay và chuyên nghiệp mà đậm nét nhất là những đoạn nói về người đoạt giải nhất là chú Phạm Châu Nam với lòng yêu âm nhạc cao độ, đã vượt qua căn bệnh ung thư hiểm nghèo, vượt lên số phận, cũng là nhờ người vợ yêu quí của mình. Đoạn cuối tác giả mô tả tâm tình của riêng mình đối với chú Nam thật là cảm động. Tóm lại bài viết hay về nhiều mặt nhất là tính nhân văn của nó. Cám ơn tác giả, cám ơn chú Phạm Châu Nam, cám ơn cô Minh Tâm
12/04/202416:04:29
Khách
Bài viết hay lắm. Xin cám ơn tác giả. Xin chúc gia đình tác giả và gia đình ông Phạm Châu Nam luôn được bình an, nhiều sức khỏe và may mắn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 109,286
29/04/202413:34:00
Hôm ấy, một buổi chiều cuối thu, trời trong và se lạnh. Một ông già râu tóc bạc phơ, ước chừng vào tuổi tám mươi, ngồi đăm chiêu trên ghế đá công viên, gần Viện dưỡng lão Mission De La Casa ở thành phố San José - lặng lẽ nhìn lá vàng rơi… Bỗng từ xa, một thằng bé khoảng chín, mười tuổi chạy đến nắm tay ông, hỏi: - Ông ngoại ơi! Sao ông ngồi đây một mình, có vẻ buồn thế? - Ờ! Ông chỉ có một mình.
26/04/202400:00:00
Chị Linh, cũng như vài anh chị thanh niên khác trong xóm, tình nguyện giúp phường xã quản lý chúng tôi mỗi mùa sinh hoạt hè. Trong khi các anh chị khác chỉ làm qua loa, lấy lệ, vui là chính, thì chị Linh lại hăng say một cách nghiêm túc. Nhớ có lần chào cờ, chị Linh đứng nghiêm, tay phải đặt lên ngực trái, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, miệng còn nhẩm hát bài Quốc Ca say mê thắm thiết, làm tôi và thằng Hà bụm miệng cười, báo hại sau đó chị Linh kêu hai đứa đứng dưới cột cờ, phê bình kiểm điểm, không cho tham gia sinh hoạt bữa đó luôn. Về nhà, tụi tôi kể cho chú Bảy, ba của thằng Hà nghe, chú là thương binh thời VNCH bị cụt chân nên không phải đi “học tập cải tạo”.
25/04/202409:09:00
Có nhiều bạn được quý mến không phải vì giàu sang, địa vị hay có tài năng mà bởi những điều dễ làm cho người khác mến mộ như lòng chân thành, sự nhẫn nại, biết lắng nghe, một cái bắt tay ấm áp với ánh mắt thân tình, một nụ cười khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu...
23/04/202409:05:00
Dòng kí ức dẫn dắt chị về miền quá khứ. Chị mang theo con trai đến Mỹ lúc thằng Huy vừa tròn một tuổi để đoàn tụ với gia đình. Chị không bất ngờ nhiều về quyết định chọn trường đào tạo sĩ quan West Point của con trai vì hồi còn nhỏ, con trai chị rất thích chơi với các chú lính chì và thích trở thành một người lính khi lớn lên. Là mẫu người phụ nữ “cá chuối đắm đuối vì con”, chị đã khước từ một vài người đàn ông theo đuổi chị để dành hết tất cả tình thương cho con trai. Chị dành hết toàn bộ thời gian rảnh của mình để chăm sóc con. Chị vẫn biết rồi một ngày con trai chị sẽ rời khỏi vòng tay chị để theo đuổi ước mơ của con nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng khi con chị muốn đi học ở một tiểu bang xa xôi.
19/04/202400:00:00
Một nhân viên nhà thờ Warren Presbyterian Church nói có người muốn gặp tôi. Anh xuất hiện với đôi má thỏm sâu, mắt lạc thần, đặc biệt tóc rậm rạp dựng đứng cứng như rễ tre. “Chào anh. Tôi tên Thắng. Anh tên gì?” tôi hỏi. “Em tên Trị. Em mới qua Mỹ được sáu tháng năm ngoái 2003. Em muốn chết,” anh nói trong hơi thở hổn hển, “Chị vợ em bảo lãnh hai vợ chồng em và hai đứa con em, đứa 12 tuổi, đứa 7 tuổi, rồi cho ở free dưới basement mấy tháng nay mà cứ nói nặng nói nhẹ hoài. Tụi em đi làm nhà hàng, chở nhau bằng xe đạp té lên té xuống vì tuyết. Em muốn chết.”
18/04/202411:38:00
Kiếm sống cũng có năm bảy đường, kiếm sống vừa hợp pháp, vừa chánh mạng thì càng quý. Thế gian có nhiều nghề hợp pháp nhưng lại là tà mạng, chẳng hạn như: mua bán rượu, cần sa (tùy tiểu bang), mở hộp đêm, giết mổ gia súc, sản xuất hay mua bán vũ khí… Mình có vài người bạn làm ở hãng LM, một hãng sản xuất vũ khí hàng đầu của nước Mỹ, rõ ràng là nghề hợp pháp nhưng chiếu theo lời Phật dạy thì lại không chánh mạng. Bạn mình cũng phân vân và ray rức, tuy nhiên vì lương cao, phúc lợi xã hội đầy đủ và cũng không dễ tìm được việc khác nên vẫn phải làm. Có lần bạn mình bị tai nạn đứt ngón tay, hãng bồi thường một món tiền lớn và bạn mình tâm sự: ”mình đứng máy sản xuất đạn dược, vũ khí đã gây chết chóc và thương tích cho người khác, có lẽ tai nạn này cũng là một sự trả quả”. Mình thật sự cũng chỉ biết an ủi một cách thường tình chứ cũng không biết nói gì hơn.
16/04/202410:31:00
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
11/04/202410:53:00
Như vậy, tính đến nay, “Vườn đào Washington” đã có tuổi đời hơn 100 năm và đã để lại cho người dân Mỹ và du khách thập phương với biết bao ấn tượng về một vườn đào rực rỡ, nồng ấm tình hữu nghị của hai đất nước Mỹ- Nhật. Và cũng từ đó, mỗi năm khi hoa anh đào nở, chính phủ Mỹ đã tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú, thu hút mọi người và hình thành nên nếp văn hóa đặc sắc với sự tham gia của các vị Đệ nhất phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ. Nếp văn hóa ấy, được gọi là “Lễ hội hoa anh đào”.
09/04/202400:09:00
Tác giả Võ Phú tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Hoa Kỳ, 1994; tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Tác giả hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.
05/04/202400:00:00
Lúc đó chồng tôi làm việc cho casino tên Nevada Club. Bob là quản lý làm việc lâu năm tại đó nên y đã dẫn dắt nghề nghiệp cho chồng tôi, cất nhắc từ việc giữ an ninh (security) đổi qua làm thợ sửa chữa và bảo trì những cái máy kéo tiền (slot machine) Lúc đó máy kéo tiền kiểu xưa, đúng nghĩa “kéo tiền” là đút tiền cents (đồng xu) vô cái kẽ hở của máy rồi cầm cây cần kéo xuống bằng tay chớ hổng có bấm nút như bây giờ. Mỗi khi trúng, ít nhiều gì, tiếng kêu loảng xoảng của tiền xu đổ xuống nghe cũng vui tai lắm. Lấy ly mà hứng. Đầy tràn rớt ra ngoài loảng xoảng. Hễ trúng độc đắc thì tiếng loa của máy réo rầm trời đèn màu thì chớp chớp như trên sân khấu nhạc kích động vậy. Mọi người đều ngưng tay kéo, ngó coi ai là người quá may mắn mà ao ước, mà vui theo.