Hôm nay,  

Âm Nhạc và Đời Sống

12/04/202400:00:00(Xem: 4025)
   
duy nhan
hình tác giả cung cấp
 
Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois. Tác giả đã đóng góp nhiều bài Viêt Về Nước Mỹ và lãnh nhiều giải từ năm 2001. Tác giả nay đã 80 tuổi, về hưu từ nhiều năm qua. Ông mới bay về Cali lãnh giải Danh Dự VVNM 2023 tháng 12 vừa rồi.
*
  
Từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, khi đã rời quê hương để định cư ở nước ngoài thì người Việt đã xem như mất tất cả, vì họ không mang theo được gì đáng kể ngoài lòng yêu nước và di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc được xây dựng dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nếu con người cần có nhu cầu vật chất tối thiểu để tồn tại thì âm nhạc chính là nhu cầu tinh thần giúp cho đời sống của họ thêm phong phú và ý nghĩa. Những bản nhạc gợi nhớ biết bao kỷ niệm một thời của từng cá nhân với quê hương, đất nước. Âm nhạc do đó chính là nhu cầu có thể nói là bức thiết đối với người lớn tuổi ở hải ngoại. Tiếng Hạc Vàng là chủ đề của cuộc thi hát do đài truyền hình SBTN thành phố Garden Grove, California tổ chức dành cho người từ 55 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ và nơi cư trú. Đây là lần thứ hai đài truyền hình SBTN tổ chức cuộc thi như thế này với số thí sinh tham dự hơn hai trăm, từ nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Thụy Điển, Úc, Canada kể cả Việt Nam, và dĩ nhiên nước chủ nhà là Mỹ có số thí sinh tham dự đông nhất.
 
Đây là sáng kiến rất độc đáo, và hay mà cho tới thời điểm này ngoài SBTN ra, chưa có tổ chức nào thực hiện được như thế. Tiếng Hạc Vàng tự nó có nhiều ý nghĩa. SBTN là một sân khấu lớn. Khán giả của nó đâu chỉ có vài chục người, vài trăm người ngồi ở khán phòng hay sân khấu của một đài truyền hình mà là hàng triệu người trên khắp các châu lục trên thế giới, ngồi ở nhà cũng có thể xem được qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Tiếng Hạc Vàng tổ chức ở Cali, còn tôi và gia đình ở Chicago cũng xem được qua màn  ảnh nhỏ. Cả gia đình tham gia đầy đủ hai ngày chung kết là Thứ Bảy và Chủ Nhật, 16 và 17 tháng 9 năm 2023. Năm nay có mười bốn thí sinh được chọn vào vòng chung kết. Chúng tôi hào hứng theo dõi từng thí sinh, từng bài hát được trình bày rồi khen chê, bình phẩm rất vui theo cảm nhận riêng của từng  thành viên trong gia đình để cuối cùng gửi kết quả bình chọn thí sinh được hâm mộ nhất về cho ban tổ chức. Gia đình tôi có bốn thành viên là vợ chồng tôi, con trai và con dâu đều có cách đánh giá và bình chọn khác nhau. Vợ và con dâu tôi nói ngoại hình và trang phục thí sinh rất quan trọng. Ngược lại, tôi thấy khi lên sân khấu thì ai cũng đẹp như ai, nhất là quí bà mặc dầu lớn tuổi nhưng người nào cũng đẹp một cách quí phái và sang trọng, dưới ánh đèn màu càng làm cho họ rạng rỡ thêm lên. Con trai tôi biết chơi guitar nên rất để ý đến nhịp điệu (rhythm) và giai điệu (melody) của bài hát mà thí sinh biểu diễn. Còn tôi? Mặc dầu không biết nhiều về nhạc lý, về kỹ thuật thanh nhạc nhưng khi đặt mình vào vị trí của một giám khảo, tôi có cách chấm điểm của riêng mình, dựa trên các tiêu chuẩn là giọng hát, lời ca và kỹ thuật trình diễn, còn ngoại hình và trang phục thì tôi cho là không quan trọng, nếu nâng lên thành tiêu chuẩn thì chỉ là tiêu chuẩn phụ thôi. Tôi muốn bà xã và con dâu tôi hiểu là giọng hát là yếu tố quan trọng có tính quyết định một người có thể trở thành ca sĩ hay không. Tôi nói: “Giọng hát là một thứ tài sản mà trời ban tặng riêng cho mỗi người, không ai giống ai. Người ta nói đó là giọng hát thiên phú, giọng hát trời cho. Lời ca và kỹ thuật trình diễn có thể luyện tập và cải thiện được chớ giọng hát không tốt thì có đam mê, cố gắng cách mấy cũng chỉ có thể trở thành ca sĩ nghiệp dư, tài tử mà thôi. Mặc dầu không nhìn thấy người nhưng khi nghe một giọng hát cất lên thì người ta biết đó là ai, là ca sĩ nào. Chẳng hạn như Thái Thanh, xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc lâu đời, cô chịu ảnh hưởng lối hát dân ca với âm giai ngũ cung Việt Nam đồng thời với kỹ thuật opera phương Tây đã tạo được cho mình một trường phái riêng, một thế đứng riêng, không lẫn lộn với ai, cũng không ai sánh được với mình. Có một lần, trước năm 1975 khi nghe Thái Thanh cất cao tiếng hát (bài Kỷ Vật Cho Em) mà tôi nổi cả da gà! Theo tôi, Thái Thanh đích thực là một Diva của Việt Nam. Còn Hà Thanh? Xuất thân từ một gia đình quyền quí trâm anh, cô có giọng hát mượt mà và sang trọng, êm ái và nhẹ nhàng, thấm đậm hồn quê hương xứ Huế mộng mơ của cô. Sở hữu giọng nữ trung, khi lên những note cao rất trong trẻo, khi xuống nốt trầm thì đầm ấm dịu dàng. Hai danh ca này đã không còn nữa nhưng giọng hát của họ vẫn và sẽ còn sống mãi với thời gian.Trong khi đó Thanh Thúy thì có giọng nữ trầm, mang âm sắc thổ pha kim. Các giới trí thức, văn nghệ sĩ, âm nhạc mô tả tiếng hát Thanh Thúy là tiếng hát liêu trai, tiếng hát khói sương, tiếng hát lúc 0 giờ và phong cho cô là nữ hoàng thể điệu Bolero, Rumba, Slow... Còn Hoàng Oanh thì ngọt ngào không ai bằng. Ba tôi qua đời cách đây 32  năm, lúc sinh thời ông rất thích nghe Hoàng Oanh hát. Còn Chế Linh lại là một trường hợp khác nữa. Anh là người Chăm nên thân phận anh nó gắn liền với lịch sử của đất nước, dân tộc Chăm. Âm hưởng của sự ly tán, mất mát và đau buồn nó thấm vào máu thịt, nó vận vào giọng ca anh. Người ta nói giọng ca Chế Linh là giọng ca mất nước là có lý do vì nước Chăm Pa, từng là đế chế huy hoàng của Tổ Tiên anh, bây giờ chỉ còn là phế tích ở một số tỉnh miền Trung từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình... nơi tôi đã ghé thăm và ghi hình để gìn giữ như một chứng tích lịch sử. Bài hát nào Chế Linh hát cũng mang đầy tâm trạng, cũng thấm thía, thiết tha như kể lại một chuyện tình buồn bằng thể điệu Bolero quen thuộc. Tôi cứ nghe đi nghe lại nhạc phẩm Hận Đồ Bàn do Xuân Tiên sáng tác mà lần nào cũng bồi hồi, với cảm xúc lâng lâng khó tả và nhận ra rằng không có ai có thể hát nhạc phẩm này hay hơn Chế Linh. Những ca sĩ trẻ bây giờ cố tình bắt chước giọng hát của anh nhưng hát không có hồn.
 
Cám ơn đài truyền hình SBTN đã tạo ra một sân chơi rộng rãi cho mọi người, cho tôi và gia đình cùng khán giả khắp nơi có cơ hội tham gia vào một sự kiện văn hóa và nghệ thuật  lành mạnh và ý nghĩa. Qua đó, tôi cũng học hỏi được nhiều điều bổ ích. Cách tổ chức rất công phu, chu đáo và chuyên nghiệp, phần kỹ thuật như âm thanh, ánh sáng thì tuyệt vời. Các thí sinh được hướng dẫn, tập luyện trong phòng thâu, được hướng dẫn hát đúng theo cách hòa âm  của bài hát sẽ trình bày. Ban giám khảo có bảy người, đa số là trẻ nhưng có trình độ và nhiệt tình. Theo dõi những góp ý của họ cho từng thí sinh, tôi thấy trình độ thưởng thức âm nhạc của mình cũng được nâng lên rất nhiều. Đối với các thí sinh thì đây là cơ hội hiếm hoi được đứng trên một sân khấu lớn để giới thiệu chính mình, để cất cao tiếng hát của mình cho cả thế giới nghe. Điều này không phải ai muốn cũng được, nhất là những vị đã bước vào ngưỡng cửa của mùa Thu cuộc đời như mười bốn thí sinh của chúng ta. Những tác phẩm họ trình bày một số là của các nhạc sĩ đang sống ở Mỹ và các nước, ngoài ra là các tác phẩm trước năm 1975 ở Sài Gòn. Giờ nghe lại những nhạc phẩm này, khán giả được sống lại những tháng ngày rất yên bình hạnh phúc mà thấy thấm thía và xúc động, muốn khóc. Ngay trong thời kỳ chiến tranh, người nhạc sĩ và các người làm văn học, nghệ thuật ở miền Nam vẫn được tự do sáng tác nên tác phẩm của họ rất hay, đậm chất nhân văn, chứa chan tình tự dân tộc và hy vọng một ngày mai tươi sáng. Nếu định nghĩa Văn Hóa là những gì còn lại thì đây chính là văn hóa đích thực. Vì nửa thế kỷ đã trôi qua, chính quyền mới bằng nhiều biện pháp cấm đoán hòng tiêu diệt nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa nhưng nền văn hóa này vẫn tồn tại và phát triển mạnh ở trong nước và cả hải ngoại, vì nó đã thật sự đi vào lòng người. Nếu đài truyền hình SBTN khi tổ chức Tiếng Hạc Vàng là có mục đích bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thì họ đã làm rất tốt và hy vọng sẽ còn tiếp tục, không chỉ cho và vì thế hệ hiện tại, những người lớn tuổi mà quan trọng là cho các thế hệ kế thừa, cho con cháu chúng ta biết rằng ông bà, cha mẹ mình trong vòng hai mươi năm đã từng kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ và giá trị dưới một chế độ tự do, nhân bản như vậy. Một lần nữa xin cám ơn đài SBTN, cám ơn các thí sinh từ các tiểu bang nước Mỹ, từ Việt Nam và người Việt khắp nơi trên thế giới đã hưởng ứng cuộc thi không vì giải thưởng mà vì tình yêu âm nhạc và lòng đam mê nghệ thuật.
 
Sau hai ngày làm việc cật lực và nghiêm túc, ngày Chủ Nhật 17/09/2023 ban tổ chức công bố kết quả và trao giải thưởng cho ba thí sinh có số điểm cao nhất, đoạt giải Tiếng Hạc Vàng năm 2023 theo thứ tự như sau :

Giải nhất :  Anh Phạm Châu Nam,     81 tuổi,  Chicago,  Illnois    - 3,000 USD
Giải nhì   :  Cô Nguyễn Thục Duyên, 63 tuổi,   Pleiku, Việt Nam  - 2,000 USD
Giải ba    :  Cô Mai Linh                    56 tuổi,   Massachusettes      - 1,000 USD
 
Giải thí sinh được yêu thích nhất do khán giả bình chọn cũng thuộc về anh Phạm Châu Nam, với phần thưởng 500 USD. Theo tôi thì kết quả này là hoàn toàn chính xác, và xứng đáng, nhất là đối với anh Phạm Châu Nam. Tôi nói thế không phải vì anh là bạn tôi, ở cùng một thành phố, cùng tiểu bang với tôi rất lâu năm mà là vì tôi rất hiểu anh và biết được hoàn cảnh rất đặc biệt của anh khi quyết định dự thi Tiếng Hạc Vàng, nhất là khi có kết quả tôi lại càng muốn viết về anh, muốn cho mọi người cùng biết về trường hợp của anh. Anh Nam là dược sĩ, có pharmacy ở Uptown Chicago từ đầu thập niên 80. Mặc dầu rất bận với công việc làm ăn, nhưng vốn có tâm hồn nghệ sĩ, anh vẫn dành thì giờ sinh hoạt cộng đồng và phục vụ đồng hương bằng lời ca, tiếng hát của anh. Vợ anh thì có tiệm vàng đối diện với pharmacy của anh bên kia đường Argyle. Anh thường hát nhạc tiền chiến và nhạc quê hương trước năm 1975. Anh có giọng hát rất đầm ấm và điêu luyện không thua gì ca sĩ chuyên nghiệp. Thời gian sau này anh bị bệnh, một căn bệnh hiểm nghèo mà ai cũng sợ. Đó là ung thư máu! Gia đình anh phải dọn về vùng nắng ấm Cali cho anh tịnh dưỡng và tiếp tục chữa bệnh ở tiểu bang Texas, nơi có bệnh viện tốt nhất nước Mỹ chuyên về ung thư. Ngày thứ bảy 16/9/2023, với số thứ tự 09, anh Nam lên sân khấu trình bày nhạc phẩm dự thi thứ nhất của mình: Anh Còn Nợ Em của cố nhạc sĩ Anh Bằng, phổ thơ Phạm Thành Tài từ năm 2001 theo thể điệu Boston. Nhạc phẩm này rất quen thuộc. Mọi người từ già tới trẻ, từ nam đến nữ ở Mỹ hầu như ai cũng biết, ai cũng có thể ê a một vài câu trong bài. Người ta hát từ sân khấu đến phòng trà cho tới karaoke trong gia đình. Do đó bà xã anh Nam khuyên chồng không nên hát nhạc phẩm này nữa. Nhưng trong khi các thí sinh tập dợt với nhau, anh Nam hát thử bài này thì có người khóc. Anh về nói với bà xã là bài hát này với giọng hát của anh vẫn còn làm cho người ta xúc động, thì cứ để cho anh hát. Nghe vậy, bà xã anh mới đồng ý và kết quả cuối cùng là bảy giám khảo đều khen ngợi, nói bài hát quá quen thuộc, được nhiều ca sĩ nổi tiếng hát rồi, nhưng cách trình diễn của anh thì rất mới và hay, đã hoàn toàn chinh phục được người nghe. Khi hát xong, lúc trả lời một số câu hỏi của cô Diệu Quyên, người dẫn chương trình, anh mới tiết lộ là mình bị bệnh ung thư máu, hàng tháng phải đi bệnh viện điều trị, làm chemotherapy. Tiết lộ của anh làm mọi người  bàng hoàng, xúc động. Không khí trong khán phòng trước đó rất sôi nổi với tiếng hát, tiếng đàn, giờ đây chùng xuống và rơi vào im lặng, một sự im lặng tuyệt đối, giờ chỉ còn giọng nói của anh, rất bình thản tuy có hơi yếu nhưng nghe rõ mồn một. Từ Chicago tôi nhìn thấy anh: ốm và xanh hơn trước. Mặc dầu biết trước trường hợp của anh, giờ nhìn thấy anh đứng trên sân khấu nói về căn bệnh của mình cho mọi người, cho toàn thế giới nghe, tôi không khỏi xúc động. Tôi thấy nhiều người đưa khăn tay chặm nước mắt. Anh nói: “Khi gửi video clip dự thi được một tháng thì bác sĩ cho biết tôi bị cancer máu. Tôi rất bối rối và lo cho số phận của mình. Mỗi tháng tôi đi làm chemotherapy với sự khuyến khích, an ủi và chăm sóc của vợ tôi. Thời gian này tôi đã quên mất là mình có gửi bài dự thi Tiếng Hạc Vàng. Một hôm đang ở nhà thì nhận được cú phone của anh Mai Phi Long, trưởng ban tổ chức báo cho biết tôi đã được chọn vào vòng chung kết. Cú phone này như một liều thuốc hồi sinh đã vực tôi dậy và mạnh mẽ đứng lên trong lúc khó khăn nhất. Tôi rất vui, vợ tôi vui, các con tôi cũng vui, bạn bè thì gửi lời chúc mừng và khuyến khích. Tôi gọi cho bác sĩ đề nghị thay đổi kế hoạch thời gian điều trị sao cho tôi có thể tập dượt nhiều hơn để chuẩn bị thật tốt cho ngày thi chung kết, và bác sĩ đồng ý. Tôi tập hai bài thi theo hòa âm của các nhạc sĩ đài SBTN, đồng thời tiếp tục việc trị liệu theo thời gian biểu mới ở MD Anderston, Houston Texas. Lúc này vợ tôi cũng ở luôn trong bệnh viện để chăm sóc tôi, hai con tôi cũng xuống Texas để giúp tôi gần ba tháng. Thời gian đầu tôi tập hát rất khó khăn, có lúc hát không nổi muốn bỏ cuộc. Nhưng  nhờ vợ tôi chăm sóc, lo cho tôi rất kỹ từ miếng ăn, giấc ngủ, nhắc nhở tôi uống thuốc, làm chemo cũng như cách thức mà tôi luyện tập hai bài hát dự thi. Sau ba tháng vợ tôi nói giọng hát của tôi đã trở lại và tiến bộ rất nhiều, từ 20% đến 60% bây giờ là 70% ... có thể lên sân khấu vào ngày 16/09//2023 là được rồi, còn giải thưởng không quan trọng. Thưa quí vị, đó là lý do mà ngày hôm nay, cùng với quí vị, tôi có mặt trong ngày hội âm nhạc lớn như thế này. Đó là hạnh phúc lớn nhất mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Xin cảm ơn ban tổ chức, cám ơn đài SBTN, cám ơn vợ tôi và cám ơn bạn bè thân hữu đã ủng hộ và yêu mến tôi...Biết đâu nhờ vậy mà tôi sẽ hết bệnh”.
 
Ngày Chủ Nhật 17/9/2023 anh Phạm Châu Nam lên sân khấu trình bày nhạc phẩm Đường Chiều với thể điệu Blue Jazz của Hồng Duyệt. Bản nhạc này cũng là do bà xã chọn cho anh. Jazz là thể loại nhạc bắt nguồn từ cộng đồng người da đen ở Mỹ từ cuối thế kỷ 19 rất khó hát, đặc biệt với những nốt thật là cao và những nốt thật là thấp, không phải ca sĩ nào cũng hát được. Vậy mà khi anh hát xong thì tất cả bảy người trong ban giám khảo và khán giả đều đồng loạt đứng lên vỗ tay tán thưởng. Rất nhiều hoa tươi được khán giả mang lên tặng anh. Giám khảo Lê Uyên nói: “Nếu hôm qua tôi nói rất thương và ngưỡng mộ anh thì hôm nay tôi nói thêm một chữ nữa là tôi rất, rất “phục”anh. Sự lạc quan, khát vọng cháy bỏng trong đời sống, trong âm nhạc, trong từng lời hát của anh đã thể hiện rất rõ qua phong cách trình diễn, nó còn tạo được cảm xúc và hưng phấn cho mọi người. Phải nói là...trên cả tuyệt vời”. Ca nhạc sĩ Diệu Hương thì rơm rớm nước mắt, với giọng thật êm ái, nhẹ nhàng của người Huế, nói: “Trường hợp của anh vừa phải đối đầu với bệnh tật mà trình diễn được như thế này thật sự làm tôi cảm động và xốn xang quá. Blue là thể loại nhạc rất khó hát, tôi có nghe vài lần, không thấy ca sĩ nào hát được như anh. Đặc biệt những nốt thăng, nốt giáng anh lên xuống rất ngọt ngào, tròn trĩnh, không một chút nào bị lệch hay bị phô (fault) thường thấy ở những người lớn tuổi, ngay cả ca sĩ trẻ cũng vậy. Cái câu anh hát- Giọng hát, lời ca, Ôi.. Nghe nó nức nở và xúc động quá. Chỉ có thể nói là trên cả tuyệt vời. Khi anh lúng túng với thật nhiều hoa được tặng trên sân khấu, anh đâu biết dưới này, các giám khảo và khán giả đều đứng lên vỗ tay tán thưởng rất lâu. Tôi sẽ cho anh điểm maximum”. Nhạc sĩ Trúc Sinh: “Hôm qua tôi gọi anh bằng chú vì tuổi của anh gần bằng tuổi của ba tôi thì hôm nay tôi gọi là “Anh”vì theo tôi, anh đã là một ca sĩ rồi, xứng đáng đứng trong hàng ngũ ca sĩ chuyên nghiệp rồi. Tôi chưa nghe ai hát tự nhiên và dễ dàng như anh. Những nốt cao anh hát rất nhẹ nhàng, ca sĩ trẻ bây giờ nhất là ca sĩ trong nước gặp những nốt cao thì họ chỉ biết rống thôi mà không hát được vì không có kỹ thuật và không đủ hơi. Tôi rất phục, phục và phục anh. Nguyện cầu Đức Mẹ và Chúa che chở và ban phước lành cho anh“. Ca nhạc sĩ Sĩ Đan có nhận xét:  “Nếu ngày hôm qua anh đã chứng tỏ được tài năng của mình qua nhạc phẩm Anh Còn Nợ Em với âm hưởng của giai điệu ngũ cung hoàn toàn Việt Nam với những luyến láy thật ngọt ngào từ  những nốt thấp đến những nốt cao...thì hôm nay anh đã cho thấy một Phạm Châu Nam với một sắc thái và phong cách hoàn toàn mới qua nhạc phẩm Đường Chiều theo thể điệu nhạc Blue Jaz rất khó hát của những người lô lệ Châu Phi từ nhiều thế kỷ trước. Vậy mà anh hát rất tuyệt vời, với nội lực giống như người mới hai mươi tuổi. Nếu cần phải nói với các ca sĩ chuyên nghiệp bây giờ thì tôi khuyên họ hãy học hỏi ở anh từ giọng hát cho tới cách luyến láy, cách nhả chữ. Anh là một idol của tôi rồi đó. Xin chúc mừng anh”. Nhạc sĩ Trúc Hồ, Tổng Giám Đốc đài SBTN nhận xét: “Tôi đã đánh giá rất cao khi tiếp xúc với anh lần đầu ở phòng thâu. Người khác thì thâu đi thâu lại nhiều lần mới đạt, còn anh chỉ thâu một lần là xong. Khi hỏi tuổi anh, tôi mới biết anh đã 81, vậy mà anh hát với tâm hồn phơi phới như người còn trẻ mà hát có hồn nữa. Tôi không biết có phải do có năng khiếu bẩm sinh hay là vì bị bệnh anh mới hát hay như vậy, vì anh hát như thể  không bao giờ được hát nữa. Tôi thường nói với các học trò của tôi: “when you sing, you don’t think”. Khi hát thì bạn không nghĩ gì cả, kể cả nghĩ rằng mình đang hát, như vậy mới không bị các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng mà chỉ để hết tâm hồn của mình vào bài hát thôi. Lúc đó bạn mới hát hay được. Anh Nam đã làm được điều này. Nhạc Blue khó hát vô cùng vì nó có những nốt cao và nốt thấp rất khó chịu. Nếu lên chưa tới hoặc xuống chưa tới, hát không đúng thì bị phô triền miên thôi. Anh Nam thì hát không cần suy nghĩ, anh hát tự nhiên và dễ dàng, không một lần bị phô...”.
 
duy nhan 2
Tiếng Hạc Vàng ngày 17/9/2023
                                                 
duy nhan 3
 Phạm Châu Nam  ngày 30-4-2017 tại Chicago.
Photo: Duy Nhân
 
Tiếng Hạc Vàng năm 2023 đã khép lại. Hai ngày được sống với âm nhạc với biết bao là hưng phấn, cảm xúc và hồi hộp đã trôi qua, nhường chỗ lại cho mọi sinh hoạt đời thường. Vợ và các con tôi thì bận rộn với công việc của họ. Giờ đây chỉ còn lại mình tôi ngồi  trước máy tính để viết bài này với ngổn ngang tâm trạng. Tôi thấy hồn mình lâng lâng, ngây ngất như vừa uống cạn một ly rượu mạnh trong bữa tiệc âm nhạc mà hương vị của nó vẫn còn đọng lại trên bờ môi. Hình ảnh của anh Phạm Châu Nam lại hiện ra với kính trắng,veston màu rượu chát, cravate màu đỏ có hình chiếc kèn saxophone rất ấn tượng. Giờ có cơ hội nhìn lại hình ảnh của anh ngày 16/9/2023 và tấm hình tôi chụp cho anh ngày 30/4/2017 tôi mới phát hiện ra là anh vẫn mang chiếc cravate của sáu năm trước với hình chiếc kèn saxophone trên những dòng kẻ của những nồt nhạc. Một chi tiết nhỏ nhưng nói lên được nhiều điều, nói lên được con người Phạm Châu Nam, một tâm hồn nghệ sĩ và đam mê âm nhạc cao độ. Giám khảo Công Thành cũng nói rất thích thú với chiếc cravate này của anh. Trông anh vừa nho nhã, trang nghiêm mà cũng nghệ sĩ và lãng tử quá. Giọng hát của anh như còn phảng phất đâu đây trong khung cảnh mùa Thu đẹp và buồn của tháng 9 với những chiếc lá vàng rơi lã chã đầy cảm xúc :
 
Dừng trên hè phố
Lòng ta thầm nhớ
Những chiều lá rơi, lá rơi trên thềm nhà
Ôi ! Hắt hiu là nhớ, chiều nay sao hắt hiu là nhớ...
 
Tôi đã từng nghe nhiều ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam trước năm 1975 và sau này ở hải ngoại. Tôi ghi nhận tài năng của họ nhưng chưa có ai làm cho tôi xúc động như lần này khi nghe anh Nam hát. Tiếng Hạc Vàng đã thành công rực rỡ là do cách tổ chức của đài SBTN, sự ủng hộ của các nhà tài trợ, nhất là sự hưởng ứng rất đông đảo và nhiệt tình của các thí sinh mà nổi bật nhất là anh Phạm Châu Nam, một mình anh tạo ra nhiều kỷ lục: Là thí sinh lớn tuổi nhất, anh đoạt cả hai giải nhất, một của ban giám khảo, một do khán giả khắp nơi bình chọn, anh được tặng hoa  và vỗ tay nhiều nhất, anh cũng là người đoạt giải mà không nhận phần thưởng và gửi lại tất cả cho ban tổ chức, góp thêm ngân quỹ cho Tiếng Hạc Vàng năm sau. Sự kiện anh Phạm Châu Nam đoạt giải Tiếng Hạc Vàng năm nay nhắc tôi nhớ tới một câu nói thời danh “ Đằng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ ”. Người phụ nữ ở đây chính là chị Minh Tâm, vợ của anh Nam. Thật ra, vợ giúp chồng thành công trong cuộc sống cũng là chuyện bình thường. Điều đáng nói ở đây là chị đã hy sinh quá nhiều, đã từ bỏ tất cả vì chồng trong lúc đau yếu, bệnh tật. Cư dân Chicago vui và tự hào về anh Phạm Châu Nam bao nhiêu thì cũng thương và ngưỡng mộ chị Minh Tâm bấy nhiêu. Xin cám ơn chị. Riêng người viết bài này thì muốn chia sẻ với mọi người một tấm gương tốt về người thật việc thật ở địa phương mình, muốn ca ngợi sự dũng cảm và lạc quan của anh chị, và muốn gửi ra một thông điệp là tình yêu âm nhạc, nỗi đam mê nghệ thuật thì không có tuổi, nó có khả năng vượt qua và chiến thắng mọi khó khăn và trở ngại, kể cả bệnh tật, dầu là căn bệnh nguy hiểm nhất.
 
Duy Nhân
 

Ý kiến bạn đọc
12/05/202411:52:32
Khách
Cám ơn bạn Phao Ng đã góp ý bài viết " Âm nhạc và Đời Sống" của tôi để làm sáng tỏ thêm chủ đề Âm Nhạc ảnh hưởng đến đời sống chúng ta như thế nào : Mặc dầu đang trong chiến tranh nhưng âm nhạc ( một phần của văn hóa) miền Nam có tính nhân bản và tự do nên con người miền Nam thì từ bi nhân ái. Cùng thời điểm đó âm nhạc nói riêng và văn hóa phát xít miền Bắc mang nặng tính đấu tranh giai cấp, căm thù và sắt máu cho nên sản sinh và hung đúc ra những con người lạnh lùng tàn ác, không có trái tim như bạn nói. Đây là một vấn đề lớn mà bạn đã nêu lên. Xin cám ơn bạn.
05/05/202414:19:35
Khách
Nhờ có âm nhạc mà quân dân miền Nam đuợc cảm hoá có lòng từ bi nhân ái hơn dân Bắc. Những bài hát của miền Nam, xót xa cho cánh hoa phuợng tả tơi, lời nguyện cầu cho non nuớc thanh bình "Thuợng Ðế hỡi...", lòng thuơng xót cho thiếu phụ và con nhỏ khi vắng cha, thuơng xót cho nguời chết trận, cho thuơng binh vv... mà dân miền Bắc không có những bài nhạc này. Miền Bắc chỉ có những bài hát căm thù, sắt máu, ngay cả bài thơ Màu Tím Hoa Sim cuả Hữu Loan thuơng nhớ vợ chết cũng bị cấm. Thành ra khi chiến thắng thì nguời miền Bắc hiện nguyên hình không có con tim, tàn ác, coi quân dân miền Nam như tội đồ, thẳng tay hành hạ tù cải tạo. Âm nhạc có thể cải hoá con nguời từ bi hay tàn ác đã chứng minh sau 1975. Cho đến 50 năm sau 1975, nguời Bắc VN thế hệ sau này vẫn còn đuợc gia đình giáo dục phải tham nhũng, hối lộ, chèn ép kẻ khác để sống. Dân miền Nam bị nguời Bắc tịch thu nhà cửa quy hoạch tai các thành phố bắt phải lên rừng đi kinh tế mới, các bộ lạc nguời Thuợng cao nguyên cũng bị dân Bắc vào tịch thu đất đai nhà cửa đuổi vào rừng sâu, lấy đất làm đồn điền, khách sạn, khu du lịch. Không còn ai biết thuơng xót kẻ khốn cùng. Nhưng dân miền Nam nhất là dân vùng lục tỉnh vẫn còn giữ đuợc lòng nhân ái, trọng nghĩa khinh tài, cứu nguời nhờ thấm nhuần đạo đức từ nhạc vàng và các tuồng cải luơng. Hậu quả là nguời VN hiện nay dùng hoá chất thuốc độc trong thực phẩm, bán thuốc men độc hay thuốc giả mạo, luờng gạt lấy tiền của kẻ nghèo chỉ vì mất hết đạo đức.
03/05/202414:38:34
Khách
Tôi là bạn của tác giả và của anh Phạm Châu Nam ở Chicago nên rất hểu về hai người này: Tác giả Duy Nhân có một văn phong dặc sắc là tả chân và súc tích. Anh Phạm Châu Nam thì ngoài tài ca hát, còn có tài kể chuyện tiếu lâm rất hay. Tôi xin chúc hai bạn đều mạnh khỏe và tràn đầy hạnh phúc, đặc biệt cầu xin Ơn Trên phù hộ cho anh Phạm Châu Nam mau thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo.
17/04/202420:27:55
Khách
Bài viết hay quá. Mong đọc bài của tác giả thêm.
16/04/202412:18:40
Khách
Bài tường thuật cuộc thi Tiếng Hạc Vàng rất hay và chuyên nghiệp mà đậm nét nhất là những đoạn nói về người đoạt giải nhất là chú Phạm Châu Nam với lòng yêu âm nhạc cao độ, đã vượt qua căn bệnh ung thư hiểm nghèo, vượt lên số phận, cũng là nhờ người vợ yêu quí của mình. Đoạn cuối tác giả mô tả tâm tình của riêng mình đối với chú Nam thật là cảm động. Tóm lại bài viết hay về nhiều mặt nhất là tính nhân văn của nó. Cám ơn tác giả, cám ơn chú Phạm Châu Nam, cám ơn cô Minh Tâm
12/04/202416:04:29
Khách
Bài viết hay lắm. Xin cám ơn tác giả. Xin chúc gia đình tác giả và gia đình ông Phạm Châu Nam luôn được bình an, nhiều sức khỏe và may mắn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,955
Hồi mới qua Mỹ, tôi phải vừa đi làm vừa đi học để tự trang trải cuộc sống. Tôi được một công ty sửa chữa hàng điện tử, mướn vào làm ca đêm, vì ca ngày đã đầy. Ban đêm đi làm, ban ngày đi học cũng khá phù hợp với lịch trình của tôi lúc ấy. Tôi thuê một phòng trọ nhỏ, chỉ về nhà ngủ vài tiếng mỗi ngày trước khi tiếp tục công việc. Tôi làm việc không kể nặng nhọc hay khó khăn vì so với việc làm hồi còn ở Việt Nam thì sá gì với mấy công việc nhẹ nhàng này. Tôi vào hãng với tinh thần thoải mái vì tôi được làm việc trong một môi trường vui vẻ và tôi yêu thích công việc này. Ngược lại, việc học ở trường thì tôi vật lộn với nó như bò kéo xe lên dốc.
Người xưa có câu "70 chưa gọi là lành", ý nói họa phước của mỗi người tới 70 tuổi vẫn chưa biết được, phải tới khi hết thở thì mới có thể nói rằng cuộc sống của một người tốt xấu, lành dữ, ra sao. Câu chuyện dưới đây là một chuyện có thật về một chuyến du lịch bị trở ngại vào phút chót và những người trong cuộc đã trải qua những thử thách rất khó khăn, giống như họ phải chèo chống một con thuyền mong manh vượt qua cơn sóng dữ...
Hòa thức dậy lúc 5 giờ sáng sau giấc ngủ ngắn từ giữa khuya, căn phòng bệnh viện màu trắng ngà dưới ánh đèn vàng vọt buồn thiu, bên ngoài kia trời còn phảng phất lạnh lẽo của đầu mùa đông, dù mùa đông Seattle không nhiều tuyết tái tê như những nơi miền Đông Bắc nước Mỹ. Hòa vẫn thường ngủ ít và dậy sớm, có lẽ bệnh nhân nào cũng thế, nằm trong bệnh viện khắc khoải lo âu bệnh hoạn, lại thêm y tá nhân viên thường xuyên ra vào cả ngày lẫn đêm ai mà ngủ ngon cho được. Hòa rời khỏi giường, đi ra phía cửa, rồi đi dạo khu hành lang cho đầu óc khỏi suy nghĩ rồi lại buồn lại khóc. Các phòng bệnh đều đóng kín, mỗi bệnh nhân là một thế giới riêng, đau buồn riêng. Cuối hành lang xa xa thỉnh thoảng có bóng dáng vài cô y tá tất bật qua lại, ghé vào phòng nào đó thăm bệnh, lấy máu, đo huyết áp, đưa thuốc... nói chung là đủ thứ của công việc y tá.
Ông ngồi nhâm nhi tách trà, ánh mắt mông lung thả vào khoảng không. Từ tách trà nóng, một làn khói mỏng tỏa lên. Hương sen lãng đãng trong khu vườn buổi sáng, quyện cùng mùi cỏ cây, mùi sương ẩm. Buổi sáng bao giờ cũng là thời khắc êm đềm đối với ông. Không có gì phải vội vàng, ông cứ ngồi như thế, cho đến khi mặt trời lên cao và bình trà cạn nguội ngắc ngơ. Nhưng hôm nay thì khác. Bãi sân trống cạnh nhà là nơi tụ tập đá bóng của bọn trẻ từ sớm. Kỳ nghỉ hè vừa mới bắt đầu, bao nhiêu sự phấn khích cùng với năng lượng tràn đầy dồn vào những cú sút bóng ầm ầm, vào tiếng la hét vang dậy. Rồi cái gì đến cũng đã đến. Một cú sút thẳng chân, hất quả bóng bay qua hàng rào, rơi ngay bàn trà của ông...
... Có nhiều người nói nhổ răng hàm trên, nhất là mấy cái răng cấm thì dễ bị chạm dây thần kinh và về sau sẽ bị “mát dây”, và cũng có vài đứa bà con tôi biết sau khi nhổ răng cấm thì tâm thần rất là bất ổn, nếu không nói là bị bệnh thần kinh. Nhà tôi và mấy đứa con thì nói răng không đau đâu cần nhổ làm gì cho... thêm chuyện; thằng con còn “hù” tôi, kể lại khi nó đi nhổ răng khôn, người ta dùng kềm móc cái răng rồi “đu” người lên mà kéo; ông bố thì “dọa”, coi chừng nhổ răng xong bà không còn nhớ tôi là ai; rồi vài chị bạn tôi kể nhổ răng khôn về sưng đau hành rất lâu, rất mệt v.v... làm tôi hãi quá. Tôi lên “net” tìm hiểu về “lợi và hại của việc nhổ răng khôn” thì có quá nhiều thông tin xuôi chiều và ngược chiều, nên tôi quyết định không nhổ. Cho nó lành...
Trong cuộc đời của mỗi người, bất kỳ ở nơi nào trên thế giới, từ khi có trí khôn, là ta đã mang nợ và phải biết ơn nhiều người- từ Tổ Tiên Ông Bà, người làm ra hạt gạo nuôi ta, Đấng Sinh Thành, đến những Thầy Cô dẫn dắt ta, các cô chú Thương Phế Binh đã bảo vệ chúng ta bằng chính cuộc đời họ, đến bạn bè, người quản lý và giám đốc nơi ta làm việc, đồng nghiệp... người quen người lạ… tất cả mọi người chung quanh, ta đều mang ơn họ, không nhiều thì ít. Và riêng đối với những người được định cư ở quê hương thứ hai, ta còn phải mắc nợ thêm bao nhiêu là người nữa- từ chính phủ, những vị tổng thống, từ những vị giúp những chương trình tái định cư HO, ODP… đến những vị ân nhân bảo lãnh...v.v... trái tim nhân ái của họ bao la vô cùng... Kể ra tất cả những người làm ơn cho ta sẽ không hết - ở đây tôi chỉ xin đơn cử một vài việc rất gần đối với gia đình tôi, với đất nước “Cờ Hoa” đầy tình người này.
Cách đây rất nhiều năm. hồi chị còn đi học đại học ở Mỹ, trong một lớp của chương trình sư phạm, một vị giáo sư hỏi cả lớp trước khi cả lớp chuẩn bị nghỉ lễ Tạ Ơn: - Các bạn sẽ nói lời cảm ơn với ai trong dịp lễ Tạ Ơn năm nay? Các bạn đồng môn của chị nhao nhao, nói sẽ cảm ơn gia đình, thầy cô, bạn bè. Vị giáo sư quay sang hỏi chị có ai để cảm ơn không, dĩ nhiên chị có rất nhiều người để nói lời cảm ơn. Chị nói với vị giáo sư rằng chị rất biết ơn ba má và bạn bè của chị, người đã giúp đỡ chị quay lại trường đại học ở Mỹ. Chị biết ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình chị và giúp đỡ chị về tài chánh để chị được đi học. Chị biết ơn các giáo sư ở Mỹ đã khuyến khích, tận tâm giải thích cho chị những lúc chị không hiểu bài. Chị cảm ơn con trai chị đã giúp chị có động lực để quay lại trường học vì chị muốn làm tấm gương cho thằng Huy-là-con trai của chị. Chị muốn thằng Huy sau này khi lớn lên sẽ đi đại học như rất nhiều di dân gốc Việt khác...
Tôi thức dậy từ 6 giờ sáng lo những việc cá nhân lẹ làng, sau đó thay bộ áo dài cờ vàng lái xe lên San Jose, đến điểm tập họp trước “parking” của Walmart nằm trên đường Story. Vì câu nói của em trai Minh Huy trưởng đoàn Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa, khi Hoa Nguyễn mời, tôi đã ngại ngùng nói ”Chị già rồi không phù hợp với tuổi trẻ, đường xá xa xôi, vấn đề lái xe trở ngại, chỉ có thể đi tham dự hạn chế”. Minh Huy thưa ”Chị ơi! chúng em rất cần ba thế hệ một tấm lòng ...”. câu nói lễ phép với cả chân tình của tuổi trẻ đầy tha thiết đã động vào trái tim mình, nên tôi quên mất tuổi già không đủ sức khỏe tốt, vượt đường xa mưa gió góp mặt cùng nhóm hậu duệ đi diễn hành Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ.
Một ngày trong tháng 9, 2024, Kim Oanh điện thoại cho vợ chồng chúng tôi, ngỏ ý muốn qua thăm “anh chị”. Chúng tôi cho biết, nếu cần đưa đón, chúng tôi sẵn sàng. Nhưng Kim Oanh trả lời sẽ nhờ người quen đưa đến. Chúng tôi hẹn gặp nhau vào cuối tháng 10, 2024 tại nhà chúng tôi. Kim Oanh là vợ của Trung Úy Không Quân Hoàng Văn Tân, một người bạn tù cải tạo rất thân thiết của tôi trong 2 năm tại Long Khánh. Kim Oanh có lần dẫn vợ tôi cùng nhau thăm lén hai ông chồng trong rừng cao su bên ngoài trại tù ở Long Khánh. Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên, vì cả hai cặp có được chút thì giờ “tâm sự” riêng với nhau giữa cảnh màn trời chiếu đất. Anh Hoàng Văn Tân mất vào đầu năm 2016 tại San Diego.
Dân ta ở các tiểu bang miền Tây như Cali, Texas… gọi họ là dân “Mễ” vì họ vào nước Mỹ từ xứ Mexico; các tiểu bang miền Đông như Maryland, Virginia… gọi là dân “Xì”, vì nghe họ nói tiếng Spanish - tiếng gọi khác nhau, nhưng “Mễ” hay “Xì” cũng là di dân từ các nước Trung hay Nam Mỹ. Người Mỹ gọi họ là dân Hispanic hay Latino. “Chuyện dài di dân gốc Mễ”: từ nhà ra phố đến chuyện quốc gia đại sự đều có mặt dân “Xì”; vui buồn, thương cảm hay giận đến căm gan đều có bóng dáng anh “Mễ”...
Nhạc sĩ Cung Tiến