Hôm nay,  

Quyết Chí Ắt Thành Công

20/05/201400:00:00(Xem: 14405)

Tác giả: Nguyễn Thị Hữu Duyên
Bài số 4217-14-29627vb3052014

Chuyện ly kỳ về một phụ nữ Việt khi định cư và thi quốc tịch Mỹ. Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, công việc: làm nail. Tham gia viết về nước Mỹ từ 2011, với bút hiệu Hữu Duyên Nguyễn và bài "Cám Ơn Bố", bà đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới nhất của bà cho thấy cách kể, cách viết nhiều tiến bộ rõ rệt.

* * *

Tôi vừa đóng computer, đứng lên làm mấy động tác giãn xương sống, chuông điện thoại reo. Phone chị Thu. Tôi hồi hộp:

“Helo, chị Thu khỏe không? Sao rồi?”

“Đậu rồi cô ơi, mừng quá báo cho cô hay liền. Tối nay mời hai ông bà đi ăn tối với mẹ con tôi nhe, hi hi…” Giọng chị sang sảng tràn ngập vui mừng.

“OK, chúc mừng chị, hẹn gặp tối nay.”

Nỗi vui của tôi cũng không kém gì chị, tôi mở computer.

Những con chữ như nhảy muá trước mắt tôi trong điệu chachacha vui nhộn.

*

Chị Thu dân Hồng Ngự chuyên nghề buôn chuyến đường dài, mà dài thật, vì đi qua biên giới. Chị mang hàng tạp hóa từ Việt Nam qua Campuchia rồi mang vàng từ Campuchia về Việt Nam. Cùng những nhóm như chị có nhóm của vợ tên phó Công An huyện Hồng Ngự. Thường một nhóm từ bốn người đến sáu người. Chuyến buôn cuối cùng vào dịp cuối năm, ngày cuối tháng mười hai năm ấy, chị vừa giao hàng xong về đến nhà trọ thì thấy bà chủ tàu chạy tới, hớt hơ hớt hải kéo chị vào chỗ vắng thì thầm:

“Mầy khoan về chuyến này, con Hồng nhắn với tao mày đang bị công an truy nã.”

“Cái gì, giỡn hả cô Hai, tui có làm gì đâu…” chưa dứt câu bà chủ đã đưa tay bụm miệng chị.

“Trời ơi, tao lạy mày, nhỏ volume lại được không? Con Hồng gửi cho mầy tờ báo nè. Coi đi rồi biết. Lo sắp xếp công chuyện với nhóm mày rồi ở lại đi con. Tao về bển coi tình hình ra sao, chuyến sau tao qua sẽ biết.”

Cô Hai ngó trước, nhìn sau rồi bươn bả trở về tàu.

Chị thắc mắc mở vội tờ báo, tưởng bị hoa mắt vì nắng, chị đưa tay dụi mấy cái, nhìn kỹ lại. Chị rợn sóng lưng, rõ ràng hình chị được đăng trên tờ báo ngay trang đầu. Chị chứ còn ai vào đây nữa? Nhưng cái mớ lựu đạn và súng lớn súng nhỏ trước mặt chị ở đâu ra? Chị ngồi phệt xuống đất, lồng ngực thắt nghẹn với dòng chữ đậm “Lệnh truy nã Nguyễn thị Thu chuyên buôn súng đạn qua biên giới.”

Bài viết nói rằng chị mang súng đạn qua Campuchia bán cho bọn Khờ Me đỏ có hình ảnh rõ ràng, chính quyền sẽ bắt chị bất cứ nơi nào.

Chị bủn rủn tay chân, cổ họng đắng ngắt. Sao lại có chuyện động trời này?

Nhìn trừng trừng trang báo, những dòng chữ nhảy múa lung tung trong mắt chị. Chuyện này là chuyện gì đây? Chị mím môi, những giọt nước nóng hổi lăn dài, lăn dài xuống đôi má rám nắng. Cơn uất nghẹn tuôn ra theo dòng lệ, chị cố tìm nguyên nhân nhưng không thể.

Chị chưa từng cầm đến một viên đạn, một quả mìn, một cây súng mà sao họ chụp được có một đống súng đạn trước mặt chị? Lau khô nước mắt, nhìn kỹ lại bức hình và rồi lắc đầu kêu khổ vì kỹ thuật ghép hình quá tinh vi, chỉ có chị mới biết tấm hình này được ghép. Chỉ có chị mới biết nỗi oan của mình. Tội này chỉ có Trời cứu mà thôi.

Chị vội đi tìm mấy người bạn trong nhóm, họ ôm chị khóc ròng. Trao tiền, vàng cho họ mang về dùm, chị giữ lại một cây vàng 9999 để phòng thân. Chia tay, họ hẹn chuyến tàu sau sẽ gặp lại chị và cho biết tình hình bên nhà.

Chị mướn một chỗ trọ xa lạ dành cho dân Việt qua ở tạm để đi làm thợ phụ xây cất nhà cửa (gọi là phụ hồ), chị không dám ở những nơi mà khi trước từng ở để tạm thời lánh mặt chờ tin. Người và điạ điểm liên lạc chị chỉ dặn dò riêng cô em họ đi cùng nhóm.

Những tưởng đợi hai tuần sẽ gặp lại người em nhưng vào trưa ngày thứ ba chị đã được tin nhắn từ nơi điểm hẹn. Vừa gặp chị, cô em ôm chầm khóc nấc, một lúc sau, cô vừa hỉ mũi vừa chửi thề:

“Đ.M con vợ thằng phó công an, nó hại chị đó, Chị nhớ hôm trước chị vạch mặt nó buôn “vàng áo” nên nó hận chị, nó trả thù. Bây giờ nhà chị bị công an chìm theo dõi 24/24. Bác ba bảo em lén bao Honda ôm đi qua đây gấp cho chị hay, chị phải trốn qua Thái ngay hôm nay không thể nào về được đâu mà cũng không thể ở đây nữa. Bọn chúng chắc chắn sẽ mò qua đây đó. Em mang thêm cho chị hai cây vàng nữa để phòng thân. Bác gái khóc ngày khóc đêm gia đình như có đám tang vậy.”

Đúng là tai bay vạ gió.

Chị nghiến răng kêu ken két, thầm nhủ: “Tao thề không đội trời chung với bọn bây, đồ chó chết.” Vợ thằng phó công an làm ăn gian xảo, lấy bạc rồi áo bên ngoài lớp vàng 24 kara, đem bán mà ỷ lại quyền thế không cho người ta thử, chị chủ tiệm vàng bị lỗ quá nhưng không mua thì bị nó dập, đóng cửa tiệm thì còn gì mà làm ăn. Nên tỉ tê với chị Thu vì là bạn học chung với nhau thời tiểu học. Thu chịu không nổi nên tìm cách vạch mặt nó ra.

Chuyến hàng tháng trước, khi vợ thằng công an vừa trao vàng qua tay chủ tiệm, chị Thu nhào vô, xin mua ngay mấy cây vàng đó. Trả tiền xong chị nhờ chủ tiệm cắt cây vàng ra làm bốn dùm. Chị quay qua vờ hỏi thăm cố ý giữ chân nó lại. Nó hơi tái mặt, nhưng không biết làm sao để đi khỏi tiệm. Thợ cắt vàng ra, bên trong chỉ là bạc, lớp vàng chỉ được áo bên ngoài. Thế là nó buộc phải hoàn tiền và lấy hàng gỉa lại. Mặt tím tái, môi cắn chặt, quét ánh mắt căm thù nhìn chị Thu trước khi bỏ đi nhanh vì xấu hổ.

Và đây là đòn thù của nó trả cho chị.

Thu chia tay cô em cõi lòng trĩu nặng, xót xa, đau đớn vì không biết “ngày mai sẽ ra sao?”

“Từ đây góc bể chân trời.

Nắng mưa thui thủi quê người một thân” (*)

Bao giờ mới được trở về quê hương? Bao giờ mới được gặp lại mẹ cha, anh chị em? Bao giờ và bao giờ? Ôi nghiệt ngã, nghiệt ngã, tự dưng đất bằng dậy sóng, tự dưng thân gái phải chịu dặm trường nơi xứ lạ, người xa, ngôn ngữ bất đồng.

Ngay đêm đó chị nhờ người đưa qua biên giới Thái Lan. Bà chủ quán cơm quen biết cho chị địa chỉ người bà con ở Thái có phòng trọ để chị “đến trọ mấy ngày tìm hiểu tình hình bán buôn ở Thái” (đó là chị nói dối với bà như vậy.) Cũng may là hai năm qua bán buôn với người Thái chị cũng biết được chút ít tiếng để giao tiếp.

Thôi thì “Cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay dần đến đâu?”(*)

Với bản tính gan lì, cứng rắn như con trai thêm có chút võ nghệ phòng thân chị không sợ hãi gì. Chỉ canh cánh bên lòng mối thù nặng trĩu không biết làm sao và bao giờ trả được. Bây giờ chị càng hiểu thêm sự ác độc của bọn cầm quyền như thế nào! Chị càng biết rõ hai chữ “Cán bộ” và “quyền lực”là sao!

Nhờ Trời thương chị đến Thái an toàn. Bắt đầu một cuộc sống mới. Kể từ nay sống chết gì cũng một thân một mình. Chị ứa nước mắt nhớ đến cha, mẹ và gia đình, trái tim thắt lại từng cơn.

Đêm đầu nơi đất Thái, chị không tài nào chợp mắt được. Bao nhiêu điều phải suy nghĩ, phải tính toán, phải quyết định cho ngày mai.

Sáng sớm chị ra chợ mua mấy bộ y phục kiểu Thái về thay rồi đến trạm cảnh sát khai mất bóp giấy tờ và thay tên đổi họ thành Mai thị Nho. Một họ mà người Thái gốc Việt có nhiều.


Một năm sau, chị kết hôn với ông Hùng là dân tư sản vùng Đồng Tháp chạy trốn qua Thái vì bị chính quyền phao vu ông tổ chức vượt biên để đánh chiếm tài sản của ông.

Ông đã có mười một người vợ và ba mươi lăm đứa con còn ở bên Việt nam. Bây giờ chị là người vợ thứ mười hai ở tại Thái. Ông lớn hơn chị hai mươi lăm tuổi, nhưng vì cô thân độc mã nên chị chấp thuận lời cầu hôn của ông. Ông bỏ của chạy lấy người nên chỉ mang theo số ít vàng để sinh sống chờ vợ con gửi thêm qua sau. Nhưng vì người này đẩy người kia nên rốt lại chẳng ai lo cho ông. Đúng như dân gian thường nói: “Một vợ thì nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm.” Còn ổng mười một vợ nên bây giờ chẳng ai thèm lo cho.

“Còn chút đỉnh vàng ông Hùng biết thân đưa hết cho tôi để lo làm ăn nuôi ổng.” Chị Thu tỉ tê tâm sự. Là một phụ nữ đảm đang gìỏi buôn bán, chị gây dựng được sạp bán trái cây ở chợ, hai vợ chồng cũng sống tạm qua ngày.

“Cả hai đều có “lệnh truy nã” nên không ai dám quay về.” Mắt chị xa xăm, chắc đang vọng về quê hương.

Tôi vô cùng bất nhẫn khi nghe câu chuyện của chị.

Hai năm kế con gái chị ra đời. Chị gặp được người giúp cho làm hồ sơ xin đi tị nạn chính trị. Trong giai đoạn này chị phát hiện bị ung thư tử cung, bao nhiêu tiền của dành dụm bấy lâu dùng để chữa bệnh và sinh sống vì chị không làm lụng gì được.

Lành bệnh chị nấu xôi, chè, gánh đi bán rong để nuôi chồng, nuôi con.

Khi con gái lên sáu tuổi, hồ sơ gia đình chị được chấp thuận cho qua Mỹ vì chị còn giữ tờ báo với hình và lịnh truy nã mà chị có mang theo làm bằng chứng của bọn ác gian nên khi phỏng vấn gia đình chị được chấp thuận ngay.

“Tờ báo này là tờ giấy vừa là khai tử vừa là khai sinh của tôi đó cô. Nó khai tử tôi khỏi nước Việt nam và khai sinh tôi ở Mỹ.” Chị bọc plástic cẩn thận, nhìn thấy mà phát rùng mình, trong hình chị ngồi ở chỗ đồng vắng nơi biên giới trước mặt là những súng, đạn, mìn. Chuyện giống như trẻ con vậy mà cũng đăng lên rồi truy nã được.

“Nếu thật sự tôi là dân buôn lậu súng đạn thì làm sao chúng thấy được, nếu bắt quả tang sao không giữ tôi được mà để tôi trốn thoát rồi truy nã? Cô xem giống chuyện con nít không?”

Thật như trò chơi trẻ con!

Đến Mỹ, chồng chị được lãnh tiền trợ cấp dành cho người gìà, chị tranh thủ học lái xe và đưa rước các em học sinh bạn của con chị để thêm tiền sinh sống.

Hơn bốn năm sau, chồng bị đột qụy qua đời đột ngột, bỏ lại hai mẹ con chị bơ vơ.

Chị chờ đợi đủ tháng ngày làm đơn xin thi quốc tịch để bảo lãnh gia đình qua Mỹ cho thỏa lòng nhớ thương và có cơ hội phụng dưỡng cha mẹ già.

Khó khăn nhất là vấn đề học thi quốc tịch vì chị không biết tiếng Anh. Chị nhăn nhó:

“Cô biết không, tôi có máu làm ăn nên không ham học, thuở nhỏ học hết lớp bốn rồi bỏ đi theo chị mua bán. Ham tiền nên nghỉ học luôn, ba tôi đánh gần chết mà vẫn không chịu học tiếp. Chị tôi xin ba cho tôi được theo chị tập tành nghề buôn. Đến khi chị lấy chồng tôi đã tự bước trên chân mình và thay chị lo cho gia đình. Tiếng anh tiếng chị gì, tôi không biết lấy một chữ, chữ Việt đọc còn chưa chạy. Cũng may là qua đây được ở Cali chứ nếu ở mấy tiểu bang khác không có người Việt chẳng biết gia đình tôi sẽ ra sao?”

“Thì chị sẽ tự học tiếng Mỹ qua tiếp xúc, dần rồi cũng quen thôi.” Tôi cười nhẹ.

Chị chìa cho tôi quyển sách học thi quốc tịch.

“Nhìn vào quyển sách tôi bối rối quá nên đến nhờ cô giúp chỉ dạy thêm anh văn dùm vì tôi không có thời gian đi học ESL cô ơi.”

Thế là chị đến với tôi để giúp chị học anh văn căn bản. Qủa là khó khăn vô cùng. Chị không thể nào nhớ nổi ý nghĩa các từ: What? Why? Where? When? Who? Me, my, I am, He, his, him, She is, her, Đó là những chữ đơn giản và thông thường nhất học mãi vẫn không hiểu.

Tôi gợi ý chị tìm cách gì đó để nhớ. Những lúc chị nản lòng tôi thường khuyên: “Quyết chí ắt thành công nhe chị.” Thế là chị tìm cách và chị nhớ thật.

Cách để nhớ của chị chắc chắn có một không hai:

What: ông hàng xóm hay “quát” om sòm, chắc có “cái gì” đây ông mới quát. Vậy What là cái gì?

When: quen nhau khi nào… Ông hàng xóm hạch hỏi con gái khi biết nó có bạn trai: “Mày quen nó khi nào, hả, quen khi nào? Quen khi nào, nói mau?” Vậy When là khi nào?

Where: Vào chợ, chị muốn mua đậu que, chị đi tìm vòng vòng miệng lầm bầm đậu que ở đâu sao không thấy? Đậu que ở đâu ta? Vậy Where là ở đâu?

Why?

“Chữ này mới khó đó cô, tôi tìm hoài cũng không biết cách gì để nhớ, một hôm con tôi rủ mấy trẻ hàng xóm sang nhà chơi dạy học. Tôi thấy có một đứa đứng chống nạnh lên hạch hỏi đứa kia, tại sao vậy? Tại sao? Thấy “oai” dữ nhe. Oai quá, chống nạnh lên oai quá, chống nạnh lên hỏi tại sao, Why? vậy Why (oai) là tại sao? Hi Hi mừng quá, nhớ rồi.”

Who? Hù. Khi ông nhà tôi còn sống ổng hay “hù” tôi và hỏi “ai đây”. Chữ Who nói giống chữ “hù” vậy Who là ai đây?”

Chị tìm đủ mọi cách để học, để nhớ, tôi thật sự khâm phục.

“Ông Thị trưởng tên Chery Brow. Tôi suy nghĩ mãi: Ổng bán Chery thì phải rao, đúng không cô?”

Tôi cười đến tức bụng vì cách học của chị. Còn nhiều từ nữa mà tôi không thể nhớ hết để kể ra đây, chỉ biết một điều là cách học của chị lạ như vậy đó.

Hôm nay chị đã thi đậu! Nỗi vui này tôi phải vui chung với chị tối nay.

Bước vào nhà hàng tôi thấy hai mẹ con chị đã đến rồi.

“Chúc mừng chị đã là công dân Mỹ. Chị giỏi quá.” Tôi ôm chị.

Vừa ăn chị vừa kể sôi nổi:

“Cô biết không? Ông Mỹ này dễ thương lắm, vừa gặp mặt ông hỏi liền “Hao a rờ du?” Thế là có bao nhiêu vốn liếng nhớ được tôi “chọi” lại ổng liên tiếp không cho ổng có cơ hội hỏi tôi nhiều.”

Chị thường dùng từ ngữ riêng của chị khi còn là dân mua bán, “chọi” “phang” “quăng” nghe quen nên cũng hiểu.

“Chị hỏi gì mà hỏi liên tục được giỏi vậy.” Tôi ngạc nhiên.

“Sau khi trả lời: Ai em phai. Tôi cũng hỏi ổng: Hao á rờ du? Ổng nhìn tôi hơi ngạc nhiên một chút, gật đầu: Good, good. Tôi phang tiếp: Hao mé ni triêu rần đu du he vờ? Ổng nói: to. Tôi quăng thêm: Boy o gơ? Ổng nói: bô. Tôi bổ tiếp: Hao ôn a rờ đe? Hi hi.” Chị cười nắc nẻ.

“Chị nhớ hết sao?” Tôi tròn mắt.

“Mấy câu này dễ mà cô, nhưng khi ổng trả lời con ổng bao nhiêu tuổi tôi nghe không kịp, tôi đưa tay lên ra dấu và “xổ” tiếp: “khen du sờ pích sì lô li, pờ li.”

“Ổng hiểu không?” Tôi nôn nóng

“Ai biết, nhưng có lẽ ổng tưởng tôi giỏi nên ổng mời ngồi rồi bắt đầu. chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn.”

Câu chuyện xoay quanh việc chị thi quốc tịch thật rôm rả. Những câu hỏi và trả lời hầu như chị nhớ hết. Chị chồm qua bắt tay tôi.

“Thật cám ơn cô đã giúp đỡ tôi trong thời gian qua.” Chi cười với tôi, ánh mắt rưng rưng.

Tôi siết chặt tay chị lắc đầu:

“Không đáng để cám ơn đâu, chị đừng bận tâm nhen.”

Chúng tôi chia tay, mỗi người mang trong lòng một niềm vui khác nhau và thật khó tả.

Đứng nhìn theo xe chị tôi lẩm bẩm: “Qủa thật, quyết chí ắt thành công.”

Nguyễn Thị Hữu Duyên

Ý kiến bạn đọc
21/05/201405:15:15
Khách
Chuyyen cảm động quá! Chúc chị và con gái có được một cuộc sống an lành ở quê Huong thứ hai này! Chị Hồng là người rất thông minh mới nghĩ ra được cách học có liên tưởng đến hình ảnh như vậy!
20/05/201415:41:23
Khách
Xin chúc mừng chị Thu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,170,711
Tác giả cho biết, “Trước năm 1975, tôi là giáo sư dạy tại trường trung học Lương văn Can , quận 8, Sài gòn.
Cùng với bài “Mười Lăm Năm ở Mỹ” đã phổ biến hôm qua, tác giả Minh Nguyệt Graves còn gửi thêm bài sau đây, cho biết bài được viết bởi ông chồng Carl Graves, một người Mỹ làm công chức tại Texas.
Tác giả qua Mỹ cùng với 2 con, theo diện đoàn tụ do cha bảo lãnh, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Chuyện Ông Mỹ có vợ Việt”, đã phổ biến 2 tuần trước.
Việt Báo thành kính tưởng nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, một tác giả huynh trưởng từng góp bài Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh ngày 30-6-1930 tại làng Hoành Nha, Giao Thủy, Nam Định, vừa từ trần tại San Jose,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả có tên trong Danh Sách Chuing Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện là cư dân Minneapolis, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến