Hôm nay,  

Chuyện Mẹ và Con Tại Lớp Việt ngữ

11/05/201400:00:00(Xem: 9395)
Tác giả: Minh Nghĩa
Bài số 4209-14-29619vb8051114

Bài viết dành cho Ngày Lễ Me, Chủ Nhật 11, 2014. Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng gia đình theo diện HO, hiện làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington và là cô giáo dạy tiếng Việt cho Trường Phaolô Lê Bảo Tịnh ở thành phố Tacoma. Cô tham dự Viết Về nước Mỹ từ tháng Hai 2013 và sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Cháu bé A.V., là cô học trò nhỏ của tôi tại trường Việt ngữ, và mẹ em, cô Q. H., là vị phụ huynh thân thiết của trường chúng tôi.

Từ hơn 10 năm qua, cô Q.H. đều đặn đưa bé A.V. đi học. Hàng tuần, cô đến trườn, giúp chuẩn bị thức ăn nhẹ cho học sinh vào giờ ra chơi. Khi có dịp về Việt Nam thăm gia đình, cô mang sang cho trường những thùng áo dài khăn đóng, áo tứ thân, khăn mỏ quạ và áo ba ba đủ màu để học sinh múa hát trong các dịp liên hoan lễ tết hay tựu trường, tan trường. Cô mang hàng qua mà nhất định không nhận lại chi phí.

Cháu A.V. được mẹ đưa đến lớp Việt ngữ khi mới bốn năm tuổi. Cô bé có gương mặt thật dễ thương, thừa hưởng đôi mắt đẹp của mẹ nhưng hình như càng lớn hơn, nét đẹp ấy càng vương thêm nét buồn. Có lần cô bé nói với tôi:

- Con chưa hình dung ra được hình ảnh của bố con như thế nào trước khi bố ngồi xe lăn vì khi bố bị tai nạn, con còn trong bụng mẹ.

Hơn ba mươi tuổi cô Q.H. mới lập gia đình. Hạnh phúc lứa đôi ngắn ngủi chỉ có mấy tháng trời. Cô Q.H. có lần kể:

- Mười năm trước lúc anh bị tai nạn, bão tuyết lớn lắm chị ạ. Nghe tin anh bị thương nặng phải mang vào nhà thương cấp cứu mà em muốn ngất xỉu. Lúc đó em mang thai cháu mới mấy tháng. Thấy em khóc lóc đòi đi gặp anh, ai cũng khuyên em đừng đi vì tuyết phủ ngập khắp nơi, không thấy đường để lái xe …

Sau một tai nạn thật thương tâm, chồng cô thoát chết trong đường tơ kẽ tóc nhưng phải nằm trong phòng săn sóc đặc biệt trọn một năm dài. Sau đó, khi bé A.V. chưa đầy một tuổi, anh trở về nhà ngồi trên chiếc xe lăn, không còn sức nào chăm lo cho vợ con. Những năm tháng sau đó, cô bỏ hết công việc làm, ở nhà trông con và chăm sóc cho chồng. Cũng có những lúc anh khỏe, cô đẩy xe đưa anh và con đi dạo trong những ngày hè nắng ấm. Nhìn anh chơi đùa cùng con, dạy con học... là những ngày hạnh phúc hiếm hoi của cô. Nhưng rồi vết thương ở cột sống làm anh trở bệnh, cô xót xa nhìn anh vật vã trong cơn đau. Sức khỏe ngày càng tệ hại, nên sau cùng, anh được đưa vào một trung tâm điều trị nổi tiếng ở một thành phố lớn, khá xa nơi mẹ con cô đang ở. Hàng tuần, chiều thứ Sáu cô đến trường học đón con về rồi lái xe đưa con gái đi thăm bố, ở lại với anh cho đến chiều Chủ Nhật mới về lại nhà để sáng thứ Hai con gái đi học.

Và rồi, mười năm sau tai nạn, cùng lúc với bé A.V. vừa 10 tuổi, anh từ trần tại bệnh viện.

Cô Q.H. ngậm ngùi nói:

- Ngày anh ra đi, trời cũng lại bão tuyết!

Cũng như cô, tôi cảm nhận có sự trùng hợp lạ lùng. Tiểu bang chúng tôi sống, đâu phải mùa đông nào cũng có bão tuyết. Và sao bão tuyết lại xảy ra đúng vào hai lần tang thương nhất trong đời cô?

Tôi còn nhớ thật rõ, đúng lúc anh được đ0ưa về nhà quàn trong thành phố chúng tôi để sửa soạn tang lễ, một cơn bão tuyết dữ dội kéo đến cả tuần như muốn trút hết tuyết trên trời xuống vùng đất bình an này. Tuyết ào ào đổ xuống phủ trắng mặt đất!, đường xá lưu thông bị gián đoạn. Cô hiệu trưởng của chúng tôi là người đầu tiên tại trường đến được nhà quàn, khi về nhà em gọi điện thoại cho tôi:

- Buồn lắm chị ơi! Thời tiết xấu quá làm ai cũng ngại ra đường nên chỉ có người nhà ở đó. Hai mẹ con thật tội, khóc sưng cả mắt.

Bàn tới tang lễ sắp tới, cô nói thêm:

- Hoàn cảnh neo đơn, tội lắm chị ạ. Em nghĩ mấy chị em mình nấu một món ăn gì đó để sau khi xong việc, từ nghĩa trang về nhà họ có chút gì ăn cho đỡ mệt.

Sau khi bàn tính, tôi tình nguyện nấu một nồi bún riêu vì nguyên liệu đã có sẵn và bún riêu nấu cũng nhanh, kịp cho bạn tôi mang đến nhà cô.

Nồi bún nấu xong, trời vẫn không chút nắng. Nhiệt độ dưới độ âm, nên lớp tuyết dầy cộm đóng thành những tảng băng. Chị em tôi khuân nồi bún riêu ra sân đặt lên trên tấm thảm tuyết. Ngồi chờ bạn trên chiếc ghế dài ngoài hàng hiên, nhìn tuyết tan chảy thành dòng nước cạnh nồi bún nóng hổi mà đầu tôi nghĩ ngợi vẫn vơ, để buồn để thương cho một kiếp người quá ngắn ngủi!

Gần đến giờ cử hành lễ tiễn đưa, tôi lái xe đến nhà thờ. Không như sự tưởng tượng của tôi, trước nhà thờ xe đậu kín dọc hai bên lề đường. Bãi đậu xe trắng xóa, ngổn ngang xe không hàng không lối. Tôi cố chạy vào phía trong nhưng phải khó khăn lắm mới vào được vì bãi đậu xe nằm trên một gò đất khá dốc. Bên trong nhà thờ các hàng ghế cũng đầy người. Dù bão tuyết người quen bạn bè vẫn đến với cô, đến để viếng thăm người ra đi một lần cuối và đến để an ủi tinh thần mẹ con cô.

Tôi lặng lẽ ngồi vào hàng ghế phía sau. Ở hàng ghế đầu cô ủ rũ cúi xuống dấu mặt trong chiếc khăn tang trắng như cố thu lại thân hình vốn đã nhỏ bé của cô. Còn cô con gái nhỏ thì mặt mày buồn xơ xác. Khi linh cữu chuẩn bị đưa ra khỏi nhà thờ, chợt thấy tôi, cô nhìn với đôi mắt sưng đỏ làm lòng tôi xúc động. Nhìn cô con gái nhỏ cầm di ảnh của cha chầm chậm bước ra phía cửa nhà thờ với khuôn mặt nhạt nhòe nước mắt, tôi không dằn lòng được để mặc cho hai dòng lệ tuôi rơi xuống má.


Kể từ ngày đó, mỗi cuối tuần cô không còn đưa con gái lên thăm cha nữa, con đường vốn quen thuộc giờ đây trở nên lạ lẫm với cô. Thay vào đó cô đến nghĩa trang để cắm những bông hoa trên mộ anh. Lầm lũi làm việc cho vơi nỗi buồn, đứa con gái ngày càng lớn càng xinh thì cô ngày càng héo hắt. Đôi mắt đen sáng với hàng mi dài lúc nào cũng nhuốm vẻ u buồn.

Mới đó mà hơn mười năm trời đã qua. Cô nhẫn nại đưa con gái đi học tiếng Việt. Cô bé rất thông minh và chăm học. Giờ đây cô bé đã viết được những đoạn văn ngắn bằng tiếng Việt. Hai năm trước, chúng tôi thử cho các em học sinh viết bài về Ngày Lễ Của Mẹ để biết những suy nghĩ của các em về tình yêu của mẹ dành cho các em. Thật bất ngờ khi đọc những bài viết các em nộp lại cho chúng tôi, tràn đầy tình cảm dù cách dùng chữ và cách diễn tả còn rất đơn sơ.

Trong số này, bài viết của cô bé A. V. đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Phải chăng vì hoàn cảnh gia đình nên cô bé có những suy nghĩ già dặn hơn so với những bạn cùng lứa tuổi?

“Trong cuộc đời của con, con biết không có ai thương con bằng mẹ. Mẹ luôn luôn chia sẻ với con khi con vui và khi con buồn.

Khi mẹ còn nhỏ, mẹ đã trải qua biết bao nhiêu đau buồn và cực khổ nên mẹ không muốn cuộc sống của con như vậy. Mẹ luôn luôn chịu khó làm việc để dành tiền cho con đi học. Mỗi ngày khi con đi học, mẹ dọn dẹp nhà cửa và nấu thức ăn cho con, và khi mẹ tới đón con, mẹ thường đem một chén cơm cho con ăn. Mặc dù những người khác không khen mẹ nấu ngon nhưng với con, mẹ là người nấu đồ ăn ngon nhất. Khi con làm gì, mẹ luôn ở bên cạnh để giúp con. Khi con không hiểu bài học, con hỏi mẹ. Dù mẹ không giỏi tiếng Anh, mẹ cũng cố gắng giải thích cho con hiểu...... T. A.V.”

Tháng Năm, Ngày Lễ Của Mẹ đang gần kề, năm nay tôi lại cho các em viết bài. Vẫn là cô bé A.V., nay đã ở lứa tuổi 16, 17, chững chạc hơn hai năm trước, đã viết những dòng chữ cho mẹ.

“Nhìn lại cuộc đời của con, mẹ là người thương con nhất. Mẹ đã rời bỏ ông bà ngoại ở Việt Nam để con có cơ hội sống ở nước Mỹ. Mẹ đã hy sinh cả cuôc đời của mẹ để cho con có được cuộc sống tốt hơn. Nhưng với sự cứng đầu và tính tình của một đứa trẻ đang tuổi lớn, con đã không nhận ra đến khi quá trễ.

Sau khi bố qua đời, mọi thứ như nhà cửa, tiền bạc và giấy tờ mẹ đều phải làm hết mà không có ai để dựa vào. Lúc đó con chưa đủ khôn để hiểu những điều mẹ phải làm một mình nên chắc mẹ cô đơn và buồn lắm. Vậy mà con lại làm cho mẹ căng thẳng hơn vì con tránh làm việc nhà giúp mẹ. Con hay nói con phải làm bài hay học bài để ngày mai con phải thi rồi. Thế là mẹ lại làm hết việc nhà và tất cả trách nhiệm trong gia đình vì con không nghe lời mẹ. Con biết mẹ thương con rất nhiều nhưng con lại không đánh giá cao những gì mẹ đã làm cho con.

Mẹ có con rất trễ ở tuổi gần 40 nên con lo sợ một ngày trong tương lai mẹ sẽ qua đời trước khi mẹ được thấy con trở thành bác sĩ như mơ ước của mẹ và con. Con sợ mẹ sẽ chưa được nhìn thấy con được trở thành một người tốt, chưa được dắt con lên Cung Thánh trong ngày đám cưới của con, hay mẹ chưa được nhìn thấy mặt cháu của mẹ… Con sợ mẹ sẽ không còn bên con trong những sự việc quan trọng của đời con và mẹ sẽ qua đời trước khi con có thể cho mẹ biết con thương mẹ như thế nào. Con không muốn mình sẽ hối tiếc về những điều con đã làm cho mẹ buồn hay nói những gì con đã nói cho mẹ nghe, hay không ở bên cạnh mẹ khi mẹ còn sống. Cho nên con hiểu là con phải bỏ đi những tánh hư này và cư xử với mẹ tốt hơn trước khi mọi việc quá trễ.

Con ước một ngày nào con sẽ là một bác sĩ và làm đủ tiền để mua cho mẹ một căn nhà như căn nhà ở góc đường mà mẹ đã mơ 18 năm trước nhưng mẹ không đủ tiền để mua. Con muốn siêng năng làm việc để trở thành một người tốt và thành công. Con muốn cho mẹ tất cả những gì mẹ không có được bây giờ vì mẹ còn đang lo lắng cho con hoài. Con muốn đền đáp công ơn của mẹ để mẹ hãnh diện và vui lòng. T.A.V.”

Ngồi viết bài trong lớp, lâu lâu em ngước mặt lên hỏi tôi một vài chữ hay nói cho tôi nghe những suy nghĩ của em.

Nhận lại bài viết của em, tôi vui vì em viết tiếng Việt ngày càng giỏi, ngày càng thành thạo và biết diễn đạt những suy nghĩ của mình tuy lối hành văn đôi lúc vẫn còn trúc trắc. “Chắc Q.H. sẽ vui và cảm động lắm khi được đọc tâm tình của con gái”, tôi nghĩ. Đó là lý do ngày lễ Mẹ năm nay tôi viết này, riêng tặng cô Q.H., người mẹ trong hoàn cảnh khó khăn suốt 16 năm qua, vẫn một lòng thương yêu chăm sóc con gái.

Đó cũng là lý do tôi trích lại bài văn của cháu A.V. viết về Mẹ trong lớp học Việt ngữ, dù chưa hề hỏi ý “tác giả.”

Một ngày nào đo, khi A.V. có dịp đọc bài viết của này, hy vọng em hiểu và tha lỗi cho tôi. Cám ơn em, A.V., cô học trò nhỏ của tôi.

Cô Q.H., xin cô nhận nơi đây tình thân yêu quí trọng của cả trường lớp Việt ngữ dành cho vị phụ huynh thân thiết.

Minh Nghĩa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,307,615
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến