Hôm nay,  

Sư Cô Và Tù Nhân Hoa Kỳ

25/03/201400:00:00(Xem: 18195)
Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 4169-14-29579vb2032414

Tại Việt Nam, tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Bà là “Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi,” từ tháng Tư 2013 tới nay đã có hơn 300,000 lượt người đọc. Riêng bài viết sau đây được tác giả ghi là “lược ý theo bộ sách 2 tập, “Nữ tu và tù nhân Hoa Kỳ”, tác giả Thích Nữ Giới Hương; Nhà xuất bản Văn Hóa, ấn bản 2011.”

* * *

Sư cô Tonen vừa gọi điện cho biết những cơn bão tuyết sẽ ầm ập kéo đến và gió thổi càng ngày càng mạnh. Chuyến đi thăm tù ở Green Bay vào ngày mai đành phải hoãn lại, chờ thời tiết tốt hơn.

Tonen Sara O-Connor là người Mỹ, sinh trưởng tại Milwaukee. Trước đây, sư cô đã lập gia đình và có hai con trai. Sau này cô sống riêng, xuất gia đã được 10 năm thuộc phái Thiền Zen của Phật giáo Nhật Bản. Tonen là pháp hiệu bằng tiếng Nhật của cô, dịch ra tiếng Việt là “Đồng Niên”. Hiện sư cô là viện chủ Trung Tâm Thiền Milwaukee (Milwaukee Zen Center) và chủ nhiệm tờ báo “Sosaku,” có nghĩa là “Sáng Tác”. Công việc hoằng pháp của sư cô là đến thăm các tù nhân, lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm của họ, hướng dẫn họ tu thiền, tụng kinh, niệm Phật, thuyết pháp, làm lễ quy y, tụng giới, giải đáp các thắc mắc về đạo Phật cho các tù nhân. Cô còn làm các việc thiện nguyện khác như có các buổi tham vấn cá nhân khi có yệu cầu của tù nhân…Tuổi cao nhưng cô trông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt động Phật pháp tích cực, lái xe không biết mỏi mệt, làm việc không ngơi nghỉ.

Tonen là “sư chị” cùng với “sư em” là sư cô Giới Hương, người Việt nam, xuất gia năm 15 tuổi, đã từng du học ở Ấn Độ 10 năm với văn bằng Tiến sĩ Phật học của trường Đại học Delhi. Cô đến Mỹ để tham dự Hội Nghị Trao Đổi Văn Hóa Phật Giáo (The Conference of Exchange Buddist Culture) giữa hai trường đại học University of The West (Los Angeles) và trường đại học Delhi, Ấn Độ. Cô còn vài tín chỉ về văn chương ở Đại Học UCR phải hoàn tất để lấy văn bằng cử nhân về văn chương. Sư Cô Giới Hương đã sống ở tiểu bang Wisconsin được 4 năm. Hai sư cô cùng sống chung thành phố, cùng sinh hoạt và làm Phật sự trong Hội Phật giáo Hòa Bình “Buddhist Peace Fellow of Milwaukee” nhất là cùng mục đích chọn nhà tù trên đất Mỹ để hành Bồ Tát đạo.

Trong 20 nhà tù ở Wisconsin, hai sư cô đã đến thăm 12 nhà tù trong đó có một nhà tù nữ. Mỗi lần đi thăm đều phải xin giấy phép. Sư Cô Tonen đã có giấy phép của nhà tù Green Bay. Mấy hôm nay tuyết đã ngớt, mặt trời đã ló dạng, thời tiết đã ấm áp hơn. Kế hoạch thăm tù nhân vào ngày thứ hai rất thuận lợi. Sư Cô Tonen gọi cho sư cô Giới Hương và không quên nhắc nhở “sư em”:

- Em nhớ đến Trung Tâm Thiền trước 7 giờ rưỡi sáng chờ chị nhé. Em chỉ cần mặc áo tràng nâu bình thường. Chúng ta chỉ đắp y vàng cho những buổi lễ quan trọng như lễ Quy Y hay tụng giới Bồ Tát. Nhớ mang hộ chiếu và đừng mang những gì có kim loại. Em có thể mang thức ăn trưa (a packed lunch). Chiều về, chúng ta có thể ghé Mc Donald ăn món rau trộn sà lách và dĩ nhiên là không thịt. Em cứ mang máy chụp hình để viết phóng sự có hình minh họa. Nếu họ không cho, mình để ngoài xe. Đây là nhà tù giam các tù nhân mắc tội cực trọng, (maximum security) vì họ đều phạm hoặc liên quan đến tội giết người. Phật tử không đông lắm, vào khoảng 12 tù nhân nam.

- “Sư chị” ơi, thế chương trình như thế nào?

Giọng Sư cô Tonen lúc nào cũng vui vẻ, rổn rảng qua phone:

- Chương trình như thường lệ em ạ. Chúng ta sẽ ngồi thiền 30 phút. Không có đệm và bồ đoàn, chúng ta ngồi ghế. Sau đó chúng ta đi thiền hành, tụng kinh Từ Bi và Bát Nhã. Phần cuối là bài Pháp thoại và trả lời những thắc mắc, câu hỏi…

- Ok. Em sẽ đến đúng giờ. Em biết mình phải mất hơn 2 tiếng mới đến Green Bay. Chúng ta còn phải qua trạm kiểm soát và gặp mọi người đúng 10 giờ sáng. Hẹn gặp “sư chị” sau. Chúc chị vui khỏé.

Tội phạm ở nước Mỹ là một trong những vấn đề lớn. Hiện nay có khoảng 2.3000.000 tù nhân trên khắp nước Mỹ, nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Theo tài liệu nghiên cứu, số lượng tội nhân càng ngày càng tăng. Từ năm 1970 đến năm 2000, tù nhân ở mỗi tiểu bang tăng đến 50%, tù địa phương tăng khoảng 20%. Riêng tiểu bang Wisconsin có khoảng 20 nhà tù, phân nửa khoảng 24.000 tù nhân là thiếu niên và trung niên tuổi từ 16 đến 35. Nam phạm tội nhiều hơn nữ. Thời hạn ở tù ngắn nhất là sáu tháng, lâu nhất là chung thân. Nhiều tiểu bang trong đó có Wiconsin đã bỏ luật tử hình thay vào đó là tội chung thân không có án treo (parole).

Nhìn chung, đông lực gây ra tội ác đa số có nhu cầu nhiều về tiêu xài hoặc mắc vào con đường nghiện ngập như cần sa, ma túy, cờ bạc, nghiện rượu, nợ nần đưa đến lường gạt, trôm cắp, ăn cướp, hiếp dâm, bắt cóc, giết người... Thêm vào đó, vì thiếu thốn, tham lam, dâm dục, sân hận, bất đồng ý kiến, ngu dại hoặc mắc bệnh tâm thần… dẫn họ đi vào con đường bất lương, hung ác, không biết lẽ phải, vi phạm luật lệ xã hội.

Hiện nay, từ ngữ “nhà tù” (jail, prison) đã được đổi tên nghe nhẹ nhàng thành các “trại cải huấn” (Correctional Institute) với mục đích giáo dục, giúp cho họ sửa đổi hơn là hành hạ hoặc trừng phạt. Ở trong tù, họ có thời gian nghiền ngẫm những tội ác hoặc các điều xấu xa đã làm. Họ gieo “nhân” nào phải gặt “quả” đó bằng những tháng ngày lê thê ngồi… đếm lịch trong tù. “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Ai đã từng có kinh nghiệm ở tù mới thấy giá trị của hai chữ tự do ngoài đời quý như thế nào.

Gọi thế giới nhà tù là địa ngục trần gian cũng đúng vì nơi đây tập trung tất cả những con người đau khổ, làm những việc xấu xa, hung ác trong xã hội.

Trong bài Pháp “Tứ Diệu Đế” đầu tiên giảng cho năm người bạn đồng tu, Đức Phật đã giảng rằng “Sinh, lão, bệnh tử”: Sinh, già, bệnh, chết là khổ.

“Cầu bất đắc khổ”: Sống trong tù, đếm từng ngày, chỉ mong có được hai chữ “tự do”. Điều mình mong cầu là tự do. Không có tự do là… khổ.

“Ái biệt ly khổ”: Sống trong nhà tù phải xa những người thân thương như vợ, chồng, cha, mẹ, con cái… là khổ.

“Oán tắng hội khổ”: Sống trong môi trường thù hận, oán ghét, xấu xa… những tù nhân đều là những người cùng làm những việc bất thiện ngoài đời nên khi vào tù, tìm một người bạn tù để thương, để tin, để nhường nhịn nhau rất khó. Đó là chưa kể tù ăn hiếp tù, tù đánh tù, tù giết tù, tù cưỡng dâm tù. Tâm lý “ma cũ bắt nạt ma mới”, “cá lớn nuốt cá bé”, “mạnh được yếu thua”… ngoài đời đã khổ rồi huống chi trong tù, nỗi khổ càng gấp bội.

“Ngũ ấm xí thạnh khổ”: Năm “ấm” là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sống trong nhà tù, năm “ấm” là cái thân, là những ý tưởng, tình cảm, tưởng tượng, suy nghĩ, ký ức…bị bức bách, hạn chế làm cho tù nhân khốn đốn, không những khổ về thân xác mà còn mắc những chứng bệnh khổ về tâm lý như tinh thần căng thẳng, trầm cảm, dồn nén, dễ bực tức, nóng giận đưa đến đánh lộn, tự tử, điên loạn… trong giới tù.

Hai sư cô, mỗi khi đi thăm tù nhân là tu tập hạnh lắng nghe niềm đau nỗi khổ của chúng sinh, giúp cho họ tập thiền là phương pháp lắng tâm, sống tỉnh thức,quay về với nội tâm, biết quán chiếu làm chủ tâm. Có khi chỉ một lời kinh, một câu chuyện đạo, một câu tâm đắc của Thiền sư làm cho họ giác ngộ, bớt tham, sân, si, phát triển lòng từ bi, bớt tính khí bạo động, hung ác, sợ hãi, biết sám hối tội lỗi, giúp cho họ có một chút niềm tin và sự bình an trong tâm hồn trong những ngày tháng tù đày.

*

Thành phố Milwaukee, thủ phủ của tiểu bang Wisconsin nằm cạnh hai hồ lớn Superior phía bắc và Michigan phía đông thuộc hệ thống Ngũ đại hồ, mùa đông ngập trắng những bông tuyết có khi tuyết phủ cao lên tới 20 inch, đường phố lầy lội, ướt át. Thành phố đẹp vào mùa xuân, cây cối xanh tươi, hoa cỏ đủ màu. Mùa hè oi bức vì những cơn gió từ hồ Michigan thổi về. Mùa thu đẹp tuyệt vời với những hàng cây “russet” lá màu nâu đỏ và những đàn ngỗng trời bay lượn thành một, hai, ba hàng, có khi từng cặp hay hình chữ V rất đều và đẹp mắt. Từ phương bắc Canada, chúng hướng về phương Nam nơi có nắng ấm mặt trời. Khi gió mùa xuân thổi về phương Bắc, chúng bay ngược về lại quê cũ sau những chặng bay dài trốn lạnh.

Vượt qua những thành phố, cánh đồng phủ một màu tuyết trắng, hai sư cô đến nhà tù Green Bay kịp giờ. Khu nhà tù là những khối nhà kiên cố với hàng rào kẽm gai, tháp canh, trạm gác được kiểm soát bằng ra- đa và các loại máy rà kim loại hiện đại. Từ ngoài vào đến phòng khách, tổng cộng có bốn cửa, mỗi cửa đều có đóng mộc trắng trên tay. Mỗi khi qua cửa, khách phải giơ vết mộc qua máy, máy nhận đúng tín hiệu, phát đèn đỏ, cửa tự động mở. Nhìn xung quanh nào là máy ghi hình, ghi âm, kính chiếu hậu… đặt khắp nơi. Được thông báo trước, các tù nhân tụ họp tại phòng khách của trại đón hai sư cô.

Khách của Green Bay vào đây đều phải nộp đơn xin trước cả tháng mới được giấy phép. Hai sư cô là những người “khách” đặc biệt, không phải là thân nhân thăm tù nhân mà là làm nhiệm vụ hướng dẫn cho các tù nhân có nhu cầu về tâm linh (pastoral) theo tinh thần đạo Phật. Họ chỉ cần trình bày với các vị tuyên úy trong trại, các vị tuyên úy sẽ mời hai sư cô đến.

Sau đây là một số câu chuyện học pháp trong tù, kể bằng lời của những tù nhân nói về cuộc đời mình.

1. Chuyện người tù chung thân vì tội giết người

-Tên tôi là Douglas Taylor, 32 tuổi, quy y với sư cô Tonen có Pháp danh là ToJin. Tojin dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Đồng Nhân”. Tôi mang tội cố ý giết người, bị kết án tù chung thân lúc tôi 20 tuổi. Tôi đã ở tù tại trại Green Bay được 12 năm.

Tôi sinh ra trong gia đình đạo Tin Lành, cha mẹ làm việc siêng năng để có tiền lo cho ba chị em tôi ăn học.Tôi luôn luôn là học sinh giỏi trong trường. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi gia nhập vào Vệ Binh Quốc Gia, được huấn luyện ở căn cứ Fort Sill Oklahoma và trở thành cảnh sát phòng vệ, làm việc được hai năm.

Câu hỏi của sư cô Giới Hương rất hay. Nguyên nhân nào đã khiến tôi cầm khẩu súng để giết đi một mạng người? Tôi đã giết Ted, cha nuôi của bạn tôi là Mark vì sợ hãi, nóng giận khi tôi bị hăm dọa và bị dồn vào bước đường cùng. Tính ra tôi sẽ bị giam thêm 20 năm nữa cho đến năm 2051. Có nhiều cách để được giảm án. Nếu tù nhân có đời sống tốt, được nhiều điểm đỏ, những thành tích này sẽ được ghi nhận vào “record” gọi là hồ sơ và được cứu xét bởi hội đồng giảm án. Một phạm nhân có thể trở lại tòa nhiều lần, nhờ luật sư xin được xét xử nơi tòa án cấp cao nhất.

Tôi đang làm một số việc trong tù như móc, thêu, đan để dành tiền thuê luật sư nhưng không biết bao giờ mới đủ tiền.Tôi kết chỉ thêu rất đẹp nhưng trại cải huấn ở đây không cho tôi giữ kim nữa. Tôi có học nghề thợ sơn tường như biết cạo lớp sơn cũ, đắp lại các lỗ hổng và tô sơn mới. Tôi được trả 26 xu một giờ tức là 32 đô một tháng chỉ đủ cho tôi mua các thứ đồ dùng cá nhân như xà bông, kem đánh răng, giấy, tem…Tôi cũng học nghề mộc 6 năm như đóng bàn, ghế, tủ và học được bài học về nghề gỗ, đó là tính kiên nhẫn. Học xong, tôi dạy và truyền nghề cho các tù nhân mới khác. Hiện tại tôi đang học lớp hàm thụ báo chí Phật giáo ở Los Angeles.

Từ khi tôi học đạo với sư cô Tonen và cô Giới Hương, tôi không còn bám chặt vào nỗi đau khổ dằn vặt, ray rứt nữa. Sự xấu hổ, mặc cảm, hối hận về tội lỗi dày vò tôi mỗi ngày dần dần phai nhạt. Tôi cố làm những điều tốt, có ý nghĩa thiết thực hơn như tôi quy y, nguyện giữ năm giới như không sát sanh, trộm cắp, nói dối, uống rượu, tà dâm để có lòng từ bi, để giữ tâm, khẩu, ý trong sạch, để trở thành người tốt.

Tôi học Thiền Minh Sát còn gọi là Thiền Tứ Niệm Xứ để theo dõi tâm, sống trong sự tỉnh thức, tránh những vọng động và nóng giận xảy ra trong tâm từ đó đưa đến những đụng chạm với các bạn tù chung quanh. Tôi làm những bức lộng thêu, có bức bán được 850$ trong một cuộc lạc quyên để xây chùa “Nhị Tổ” ở Trung Quốc. Tôi viết báo “Sosaku” của sư cô Tonen phát hành ba tháng một kỳ. Tờ báo này có mục đích giúp cho các tù nhân có cơ hội tu học Phật pháp, chia sẻ tình bạn đạo giữa các tù nhân, giáo dục lòng từ bi, khoan dung và kính trọng giữa các Phật tử với nhau. Tôi đọc sách Phật giáo do sư cô Giới Hương tặng, sách của thư viện và các hội đoàn như Tịnh Độ Tông Phật Giáo Đài Loan gửi đến. Tụng kinh Từ Bi hằng đêm làm cho tâm tôi có chút bình an trong giấc ngủ. Nghiên cứu kinh Bát Nhã làm cho tôi thấy an lạc, bớt đi những khổ đau ách nạn tôi đang trả giá trong tù.

Có những lúc, như sư cô Giới Hương nói, cuộc sống trong tù là nơi tốt để tu dưỡng tính khí và tinh thần. Chỉ cần mình chuyển một cái nhìn tích cực.Tuy nhiên, có những lúc tôi nhớ về quá khứ, chìm đắm trong tình yêu giữa nam nữ như là sự diễn đạt mạnh mẽ của cảm xúc và sự hưởng thụ. Tôi thèm khát được hưởng thụ các dục lạc ngoài đời. Đơn giản nhất là tôi nhớ những vòng tay âu yếm, dịu dàng của người tôi yêu trong lúc chúng tôi ở bên nhau. Bất chợt tỉnh giấc, tôi biết đó chỉ là giấc mơ. Tôi phải để cho giấc mơ đó ra đi. Những giây phút thiền vào mỗi buổi sáng giúp tôi trở về với thực tại. Tôi tìm nơi an trú trong hiện tại. Những cảm xúc đã qua chỉ là huyễn nhưng nhiều khi rất khó chế ngự.

Tôi vẫn thường trao đổi thư tín với sư cô Giới Hương. Chúng tôi kể chuyện về cuộc sống ngoài đời rất nhiều. Chúng tôi bàn về Phật pháp rất là thú vị. Cô Giới Hương thật kiên nhẫn và dịu dàng. Kiến thức về Phật pháp của sư cô sâu rộng. Khả năng biết lắng nghe và truyền đạt về Phật Pháp bằng tiếng Mỹ của cô giúp cô chia sẻ nhiều với các tù nhân. Hai sư cô là điểm tựa về tâm linh của tôi, mang đến cho tôi ý nghĩa về cuộc sống đó là dù trong chốn lao tù, mình vẫn làm được điều tốt giúp đời, giúp người và nếu lầm lỡ mắc vào tội lỗi, nếu biết ăn năn, thành tâm sám hối, biết tu để chuyển “nghiệp”, tạo “nhân” là công đức lành về sau, mình sẽ gặt được “quả” tốt.

*

2. Một mảnh đời khác của người tù Daniel Kelly

- Sư cô Giới Hương hỏi tôi là ai trong nhóm tù nhân sư cô hướng dẫn tuần vừa rồi? Tên tôi là Daniel Kelly. Tôi là tù nhân lùn và mập, ngồi bên trái của bàn thờ Phật và bên phải của sư cô. Tôi là vị “duy na”, tiếng nhà Phật gọi người làm công việc thỉnh chuông.Tôi thỉnh chuông còn vụng về lắm, tiếng lớn, tiếng nhỏ, có khi vang, có khi không. Sư cô nói có lẽ vì tâm tôi chưa tập trung. Tôi cũng là người hay nêu lên những câu hỏi nhờ sư cô giải đáp Cách đây vài năm, Sư Cô Tonen quy y cho tôi với pháp danh là Tochiku, có nghĩa là “Vườn Trúc”. Cô giải thích cây trúc là biểu tượng của sức mạnh bền bỉ và uyển chuyển trước những khó khăn của cuộc đời.

Về cá nhân, tôi đã từng nghiện rượu và ma túy. Hai thứ độc hại này cùng với hành động có quan hệ tình dục với cô em họ 15 tuổi, tôi bị kết án 7 năm tù lúc đó tôi 21 tuổi.Tôi đươc trả tự do và hưởng án treo. Án treo của tôi là không được lên mạng xem hay có hành động liên quan đến sự khiêu dâm.Tôi tồn trữ nhưng bức ảnh khiêu dâm của những đứa trẻ dưới tuổi vị thành niên và bị kết án thêm một năm. Tôi được trả tự do. Sau đó, tôi lại tiếp tục truy cập trên mạng những bức ảnh khiêu dâm, tôi bị giam thêm hai năm nữa. Tổng cộng số năm tù là 10 năm.

Cái gì có thể ngăn tôi bớt ái nhiễm về nữ giới? Đó có phải là căn bệnh về thân xác do tính dục của tôi quá mạnh hay vì tâm của tôi bị ô nhiễm? Vấn đề là tôi không làm chủ được ý muốn khát khao nhìn những hình ảnh khiêu dâm. Vào tù, tôi bị kết vào tội cưỡng dâm Michael, một tù nhân nam và bị PC ( protective custody) nghĩa là bị biệt giam.Thành tích bạo lực này khiến tôi trở thành “anh hùng” trong đám tù nhân. Từ nhà tù Racine với mức canh phòng trung bình (medium security) tôi bị chuyển đến Green Bay. Tính ra tôi sẽ ra tù khi tôi ngoài 60 tuổi. Như vậy, hơn nửa cuộc đời, tôi sống trong tù.

Tôi đã biết hai sư cô trong tờ “Sosaku” khi đọc vài bài viết về đạo Phật. Tôi xin quy y và thọ ngũ giới: không sát sanh, tà dâm, trộm cắp, nói dối và uống rượu. Một trong ngũ giới không tà dâm là giới mà tôi đã phạm nhiều lần trong quá khứ. Sư Cô Giới Hương đã dạy tôi thiền sổ tức nghĩa là đếm hơi thở và chú tâm dõi theo hơi thở.Lúc đầu, chỉ ngồi có vài phút mà những hình ảnh các cô gái cứ hiện ra trong tâm. Kế tiếp đó là những suy nghĩ, ý tưởng, tưởng tượng, kỷ niệm…về quá khứ, hiện tại và tương lai tiếp tục diễn ra. Cô dạy tôi không phản ứng lại với các vọng niệm này, chỉ chánh niệm nhìn chúng khởi lên rồi chúng sẽ biến mất. Thiền Tứ Niệm Xứ có bốn cách quán: thân, thọ,tâm, pháp. Sư cô dạy tôi cách quán tâm vì cách quán này rất cần thiết cho tôi lúc này. Quán tâm giúp tôi tập trung tâm ý, theo dõi được các tâm hành của mình nhờ đó loại trừ những thói quen và tật xấu trong quá khứ như những hình ảnh các cô gái và ước muốn chiếm đoạt cũng như hưởng thụ. Sự thực hành đều đặn mỗi ngày một tiếng đồng hồ giúp tôi vượt qua những căng thẳng về tâm và sinh lý khiến cho tôi đạt đến trạng thái tâm cân bằng và lành mạnh hơn.Thiền như một loại thuốc giải độc, một phương thuốc điều trị cái tâm bệnh hoạn của tôi.

Tôi hết lòng cám ơn sư cô Giới Hương đã giúp tôi dần dần vượt qua căn bệnh về tâm sinh lý này bằng phương pháp tọa thiền. Quy y Tam Bảo giúp cho tôi giữ gìn thân, khẩu, ý trong sạch. Triết lý của đạo Phật quá cao siêu, sư cô Giới Hương đã kiên nhẫn giảng giải, giúp tôi hiểu về luật nhân quả, nghiệp báo, duyên sinh, vô ngã, vô thường…Phật Pháp cho tôi nhiều triết lý sống quá hay và thực tế. Nếu tôi biết đạo Phật trước đây, chắc tôi không đi sâu vào tội lỗi và phải chịu hậu quả như bây giờ.Tôi thấy mình có duyên với đạo Phật và sư cô mặc dù quá muộn màng.

“Late is better than never”. Thà trễ cón hơn không bao giờ biết Phật Pháp.

Cuối cùng mùa Xuân cũng đến. Tuyết đã ngừng rơi. Mặt hồ vẫn còn đóng băng. Các cây tử đinh hương có hoa màu tím nhỏ sẽ nhú lên các cành non và những lá xanh.Tù nhân sẽ được ra ngoài. Tôi sẽ đi thiền hành từng bước trong chánh niệm trên sân xi măng vẫn còn ẩm ướt các phiến tuyết chưa tan.

3. Chuyện về người tù biệt giam tên Paul Walker

Hôm nay, cảnh sát nhà tù hộ tống Paul chuyển đến nhà tù cực trọng “Wisconsin Secure Program Facility” của tiểu bang Wisconsin hay còn gọi là “Super Maximum Security Boscobel”. Trong chiếc xe “van” bít bùng, hắn ngồi co ro, tay chân bị còng bên cạnh những người cảnh sát mang súng. Lần đầu tiên, đôi mắt hắn nhìn thấy loáng thoáng qua khe cửa kính hình ảnh sinh hoạt nhộn nhịp của phố xá trong thành phố Wisconsin sau 20 năm cách ly khỏi xã hội bên ngoài. Đối với hắn, đây cũng là lần cuối cùng hắn được nhìn thấy thành phố Wisconsin vì hắn sẽ tiếp tục bị biệt giam ở nhà tù Boscobel cho đến chết.

Tù biệt giam còn gọi là “the hole” hay “Administrative Segregation”. Hai mươi năm nay, tại nhà tù Waupun, hắn không được tiếp xúc với loài người, chỉ có bốn vách xà lim, không có cửa sổ trong hai mươi ba giờ mỗi ngày. Một giờ còn lại để ra ngoài sà lim, vận động chân tay, hưởng chút ánh nắng mặt trời, đi vệ sinh, tắm rửa trong chiếc còng số tám.Người mà hắn thấy là tên lính canh mỗi buổi đem thức ăn qua cái lỗ cho hắn. “The hole” có nghĩa là cái lỗ.

Nhà tù biệt giam còn có tên gọi là “The Security Housing Unit” viết tắt là “SHU”, một nhà “tù- trong-nhà- tù”. Đây là nơi các Trung Tâm Kiểm Soát và Dự Phòng Bệnh Tật viết tắt là CDC gọi là “nơi tồi tệ nhất trong những nơi tệ hại nhất”. Hội chứng “SHU” là tên gọi những tù nhân bị suy giảm năng lực tinh thần do bị cô lập quá mức.

Hôm nay là ngày chủ nhật nên ngoài phố người qua lại đông đúc, tấp nập. Hắn thấy ai cũng mặt mày hớn hở tươi vui vì họ đang được hưởng quyền tự do đi lại nhưng có khi họ không biết họ đang hưởng hạnh phúc này.Chỉ có những tù nhân như hắn mới thấm hiểu được sự cần thiết và quý giá của hai chữ “tự do”. Vì thế hắn đã tìm tự do trong nhà tù bằng cách trốn trại nhiều lần. Hắn thèm được tự do như sự sống cần hơi thở.

Điều làm hắn ngạc nhiên là đi đâu cũng thấy người ta sử dụng điện thoại cầm tay. Họ vừa đi vừa bấm điện thoại, vừa nói chuyện huyên thuyên trong khi tay xách nách mang những túi hàng từ những khu thương mại. Cách đây hai mươi năm, chưa có hệ thống “internet” và điện thoại cầm tay không được phổ biến nhiều như bây giờ. Hắn như người xa lạ với xã hội loài người và với… chính mình. Xã hội có nhiều thay đổi tiến bộ quá nhưng hắn cần biết để làm gì khi hắn không có quyền được thọ hưởng. Hắn bị gạt ra bên lề của xã hội từ lâu.

Cuộc đời hắn là những chuỗi dài gắn bó với nhà tù và tìm cách trốn khỏi tù. Lúc 10 tuổi, hắn đã biết ăn cắp đồ chơi trong các cửa hàng và vô tình làm cháy nhà hắn bởi một trò chơi nghịch ngợm. Học trung học, hắn dính dấp vào các vụ mua bán ma túy và được gửi đi cai nghiện. Hắn bỏ học, bị bắt vào tù, hắn trốn trại, lang thang từ tiểu bang này sang tiểu bang khác. Một đêm, hắn vào một cửa hàng bán rượu cướp tiền. Khi bị phát giác, hắn bắn chết người bán hàng rồi tẩu thoát. Bị truy nã, hắn bị bắt và bị tù chung thân. Vào nhà tù, hắn có âm mưu trốn trại. Lần này, hắn bị chuyển sang nhà tù “Waupun Correctionnal Institution” ở Wisconsin. Nhà tù này giống như một thành trì thuộc thời Trung Cổ có cấu trúc bằng đá đỏ và những cánh cửa to và nặng kêu cót két mỗi khi đóng và mở. Hắn lại âm mưu trốn trại lần thứ ba bằng cách giả bệnh để được ra khỏi xà lim. Hắn bóp cổ người lính canh gần chết để cướp súng và tìm cách trốn thoát. Là tù nhân bị xếp vào loại có “máu lạnh”, hung bạo, “tough guy”, hắn bị di chuyển đến nhà tù Boscobel, ở đó cơ sở vật chất kiên cố và mức độ canh gác nghiêm nhặt hơn. Luật tiểu bang Wisconsin không có án tử hình nhưng lần này chuyển qua nhà tù Boscobel, xem như hắn không còn cơ hội hưởng án treo. Hắn sẽ sống mãi cho đến lúc… chết trong tù.

*

4. Chuyện một nữ tù nhân

Ngày 12 tháng 2 năm 2007, sư cô Giới Hương được yêu cầu đến nhà tù nữ Taycheedah Corectional Institution để làm lễ quy y cho một nữ tù nhân 20 tuổi. Đây là nhà tù có khoảng 780 nữ tù nhân, có nhiều cây cỏ xanh tươi và những khóm hoa đủ màu nở rực rỡ được trồng suốt từ phía cổng đi vào cho đến nhà ăn. Nhà nguyện, nơi làm các thủ tục quy y ở sát cổng ra vào.

Sư cô đến lúc 1 giờ trưa nên bà giám đốc trại là Ana Warden mời sư cô dùng bữa trưa với tù nhân. Mỗi phần ăn gồm một ly sữa tươi hoặc nước ngọt, bánh mì hoặc khoai tây tán nhuyễn trộn bơ, cà rốt luộc, sà -lách xắt nhỏ trộn với phô- mai và một miếng thịt bò chiên thật to. Sư cô ăn chay nên không dùng thịt bò. Vào cuối giờ, phòng ăn chỉ còn lại vài chục nữ tù nhân. Các nữ tù nhân nhìn sư cô với đôi mắt tò mò có lẽ vì nét Á châu trên gương mặt sư cô.

Đây là nhà tù nữ nên có vài quy luật khác lạ hơn nhà tù nam như nữ tù nhân phải ngồi đối diện với thân nhân để tránh những đụng chạm, chỉ được ôm hôn hai lần, một lần khi gặp và một lần lúc chia tay để tránh bịn rịn hoặc gần gũi quá thân mật, thân nhân không được chải tóc cho nữ tù nhân vì xem đây là cử chỉ âu yếm, riêng tư, các tù nhân nữ chỉ được đeo nhẫn cưới hoặc dây chuyền có hình tượng tôn giáo vì đây không phải là nữ trang để làm đẹp … Có các nữ cảnh sát ngồi gần đó quan sát và theo dõi để nhắc nhở khi tù nhân vi phạm các quy định thăm viếng.

Elizabeth là sinh viên ngành xã hội học, bị kết tội hành nghề mãi dâm. Cô bị bắt vào tù nhiều lần nên số năm bị giam cầm càng chồng chất. Chưa hết hạn tù 5 năm, cô mắc bệnh HIV vào thời kỳ cuối, bác sĩ đã từ chối chữa trị cho cô.

Mặc dù yếu, cô còn sức quỳ trước bàn thờ Phật. Cô mặc chiếc áo tù màu cam có mã số tù sau lưng. Thật là cảm động khi cô phát nguyện từ đáy lòng mình.

Trong giây phút long trọng, sư cô Giới Hương truyền thọ năm giới cho Elizabeth. Sư cô hỏi từng giới một rằng từ nay đến cuối đời, có giữ được không. Elizabeth, giọng thều thào, run run vì mệt, cô thọ nhận từng giới và trả lời

- Dạ, con giữ được. “Yes, I do.”

Cô được sư cô Giới Hương đặt cho Pháp danh là Tịnh Tâm với lời cầu nguyện cho Elizabeth có được tâm an tịnh mặc dù thân xác cô bị đau đớn vì căn bệnh hành hạ.

Elizabeth càng ngày càng yếu dần. Sư cô đến cầu nguyện, giảng về cận tử nghiệp và hướng dẫn Elizabeth niệm danh hiệu A-di-đà-Phật. Có một nữ tù nhân phát tâm đến cùng hộ niệm với sư cô trong lúc Elizabeth đang hấp hối. Nghe tiếng sư cô, Alizabeth chuyển mình và hé mắt nhìn sư cô rồi ra đi. Elizabeth mất sau lễ Giáng sinh.Cô ra đi bình an trong tiếng cầu nguyện “A-di- đà -Phật” của sư cô Giới Hương và người bạn tù. Trước khi mất, Elizabeth rất vui vì nhận được nhiều quà và các lời chúc của các bạn tù trong đó có món quà là một hộp kẹo sô-cô-la và một tấm thiệp Noel của sư cô Giới Hương.

5. Chuyện người tù được phép về nhà dự đám tang mẹ

Tôi tên là William Niven làm nghề buôn bán. Tôi bị vào tù vì lý do hành hung, đe dọa và gây thương tích về thân thể cho David, đối thủ cạnh tranh của tôi trên thương trường. Tôi bị kết án 2 năm ở trại tù Oshkosh Correctional Institution là trại tù có mức an ninh bậc thấp ( minimum security).

Vào tù, tôi làm công tác thiện nguyện ở “hospice” là nơi săn sóc cho các tù nhân hấp hối. Đây là công việc có ý nghĩa. Tôi ở bên họ cho họ bớt cô đơn, có khi vài ba tiếng đồng hồ, có khi cả ngày. Họ ho hen, khạc đàm, tiểu tiện, đại tiện, ói mửa. Họ lăn lộn, vật vã, rên xiết vì đau đớn và sợ hãi. Có khi họ nằm yên, hơi thở từ từ yếu dần rồi ra đi. Tôi lau chùi, dọn rửa, thay quần áo mới cho họ sạch sẽ, chăm sóc họ như một y tá. Tôi cùng với vị tu sĩ tuyên úy đọc kinh tùy yêu cầu hộ niệm về loại tôn giáo nào của người tù cho đến khi họ từ giã cõi đời.

Nhờ công đức hộ niệm và thành tích phục vụ tốt với lòng thương và sự nhẫn nại, (vả lại, chỉ còn vài tháng nữa là tôi mãn hạn tù) nghe tin mẹ tôi mất, ban quản trị trại tù đồng ý cho tôi về nhà dự đám tang mẹ tôi.

Thật là xấu hổ khi tôi bị các nhân viên an ninh của nhà tù hộ tống tôi về nhà. Thân nhân, bạn bè, hàng xóm… có những người nhìn tôi trong chiếc còng với đội mắt vừa tội nghiệp, vừa khinh bỉ. Có người tránh xa tôi. Có người quen làm như không biết tôi. Tôi bị còng chân, tay nên đi lại khó khăn. Tôi phải trả tiền cho mọi chi phí ăn, ở, xe và chi tiêu vặt cho ba cảnh sát canh giữ. Chi phí còn bao gồm cả tiền phụ trội “overtime” cho các cảnh sát theo tôi ngoài giờ làm việc.

Tôi đã khóc khi được nhìn thấy mẹ tôi lần cuối trước khi bà ra đi.Tôi đã hộ niệm cho nhiều tội nhân, tạo công đức lành, giờ đây, khi mẹ tôi mất, tôi được về để tang, hộ niệm cho mẹ. Báo hiếu mẹ là điều tôi toại nguyện. Tôi được nghe Cô Giới Hương giảng về đạo Phật như luật nhân quả, nghiệp báo… và tôi tin vào thuyết này. Về để tang mẹ trong lúc bị tù là một phước báu và điều hiếm, ít khi xảy ra.

Một chuyến đi ngắn ngày với nỗi buồn mất mẹ. Sự xấu hổ và mặc cảm của một tù nhân bị xã hội khinh bỉ, xa lánh cứ ám ảnh tôi hoài.

*

Làm công việc hoằng pháp trong nhà tù là một việc làm căng thẳng, khó khăn, nặng nề và tế nhị cho hai sư cô một già, một trẻ đều có vóc dáng nhỏ bé. Họ chỉ đứng ngang vai với các tù nhân người Mỹ nam, cao, to như những ông Hộ pháp.

Truyền đạt một tôn giáo còn mới là đạo Phật đến với người Tây Phương đã khó huống chi trong môi trường gai góc, phức tạp là nhà tù. Không những truyền đạt một tôn giáo để họ có niềm tin mà làm thế nào tôn giáo ấy giúp cho các tù nhân chuyển hóa đời sống, mang cho họ sự bình an…càng khó hơn đòi hỏi hai sư cô ngoài kiến thức về kinh điển Phật học, tâm lý học còn là những kinh nghiệm sống ngoài đời. Tình thương bao la, sự kiên nhẫn tuyệt đối, sự quan hoài, sự dịu dàng, sự cởi mở và ngôn ngữ… cũng là những yếu tố căn bản, cần thiết để các tù nhân đến với đạo nhất là các tù nhân người Mỹ rất thực dụng, họ đến với tôn giáo bằng lý trí nhiều hơn là cảm tính.

Hoằng pháp trong các nhà tù, hai cô phải tuân thủ một số điều luật của nhà tù Mỹ như chân thành tôn trọng tù nhân, không ép họ phải theo đạo. Giữ lời hứa đến thăm tù nhân mỗi tháng một lần. Sẵn sàng thăm tù nhân vào thứ hai đến thứ sáu hoặc khi có yêu cầu. Sẵn sàng học hỏi và thực hành nghiêm túc các nguyên tắc của trại cải huấn…

Nhà lãnh đạo nhân bản của đất nước Phi Châu Mandela đã nói về những kinh nghiệm quý báu của ông trong tù: “Nhà tù là nơi lý tưởng để bạn biết mọi người. Hãy theo dõi sát diễn tiến của tâm và cảm giác thực tế của bạn… Nhà tù cho ta cơ hội để nhìn lại hành động của mình, vượt qua các điều xấu, phát triển cái tốt… Thường xuyên tập thiền ít nhất 20 phút trong ngày, bạn sẽ gặt đầy trái và quả… Bạn sẽ tìm ra những khó khăn đầu tiên, vượt qua các yếu tố tiêu cực, tiếp tục nỗ lực đến bước thứ mười thì sẽ gặt kết quả… Ông Thánh cũng là người bình thường hoặc như con người, cũng mang tội lỗi nhưng họ cố gắng vươn lên…”

Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng có trái tim từ bi: “Mỗi người trong chúng ta đều có khả năng phạm tội. Những nạn nhân bị giam vào ngục tù, thực sự không tệ hơn bất cứ người nào trong chúng ta. Họ bị sự vô minh, ham muốn và phẫn nộ, những căn bệnh mà chúng ta đã nhiễm phải nhưng tùy các mức độ mà cao thấp có khác nhau. Bổn phận chúng ta là cố gắng giúp đỡ các phạm nhân ấy…”

Những người nữ tu như sư cô Tonen và Giới Hương, các nữ tu và các vị tuyên úy thuộc các tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Tin Lành… trên thế giới này đều là những vị Bồ Tát đang hành Bồ Tát đạo. Họ đang âm thầm đến với những con người đau khổ trong tù ngục để an ủi, giúp đỡ họ. Tuy thờ phụng những vị giáo chủ khác nhau, nhưng họ đều có lý tưởng và mục đích là góp một bàn tay xoa nhẹ những niềm đau nỗi khổ về thân và tâm của các tù nhân nơi nhà tù còn gọi là địa ngục trần gian này.

Hình ảnh hai chiếc áo cà sa vàng của sư cô Tonen và Giới Hương và những bộ đồng phục màu cam của tù nhân trong buổi lễ quy y hay tụng giới tại các nhà tù ở xứ Mỹ là hình ảnh của Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát tay cầm tích trượng đi vào địa ngục để hóa độ chúng sanh. Ngài phát nguyện bao giờ cõi địa ngục không còn chúng sanh bị đọa thì Ngài mới thành Phật.

Nhưng biết bao giờ ngục tù không còn chúng sanh phạm tội khi thế giới này là căn nhà lửa, ngọn lửa chiến tranh vẫn đang ngùn ngụt bốc cháy. Đó cũng là ngọn lửa của các tâm tham lam, thù hận, sân giận, si mê, ái dục …gây ra biết bao nhiêu tội ác. Vì thế, các nhà tù vẫn càng ngày càng thiếu và tù nhân càng ngày càng đông.

Tâm bình thì thế giới bình. Ước mơ của nhân loại là thế giới an lạc, thế giới không có chiến tranh, thế giới không xây thêm những nhà tù mới vì nơi đó tội ác không có cơ hội phát sinh từ cái tâm “nhân chi sơ tánh bổn thiện” hay còn gọi là “Phật tánh”, cái tâm an, bình, lành và thiện của con người.

Bài viết lược ý theo bộ sách 2 tập, “Nữ tu và tù nhân Hoa Kỳ”, tác giả Thích Nữ Giới Hương.Nhà xuất bản Văn Hóa.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
09/05/201408:37:59
Khách
Trong bài viết, tác giả đã dẫn nhập một cách rõ ràng về giáo lý đạo Phật. Bài văn thật súc tích.
Với tấm lòng cao cả, hai Sư cô đã không quản ngại gian khó để đưa đạo vào lòng người, dẫn dắt chúng sinh ra khỏi bờ mê.
"....Vui trong tham dục, vui là khổ
Khổ để tu hành, khổ hóa vui..."
21/04/201402:41:02
Khách
Kính gởi ông T Phạm
Cám ơn ông đã sửa một lầm lẫn trong bài viết "Sư Cô Và Tù Nhân Hoa Kỳ" . Thủ phủ của tiểu bang Wisconsin đúng là Madison.
Phùng Annie Kim
12/04/201414:16:51
Khách
Milwaukee không phải là thủ phủ (capitol) của Wisconsin. Madison mới là thủ phủ của tiểu bang Wisconsin.
25/03/201414:41:43
Khách
Một bài viết hay, sinh động và đầy tính nhân bản.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,931,840
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.