Hôm nay,  

Có Những Mùa Giáng Sinh

03/01/201400:00:00(Xem: 11967)
Bài số 4103-14-29503vb6010314

Đào Như là bút hiệu của Bác sĩ Đào Trọng Thể, từng nhận giải "Tác Phẩm Xuất Sắc Nhất" Viết Về Nước Mỹ 2005. Trước 1975, ông là một y sĩ tiền tuyến chuyên về phẫu thuật. Định cư tại vùng Chicago, Hoa Kỳ, ông là chuyên gia bệnh tâm thần, và đã thành lập một câu lạc bộ đặc biệt để trợ giúp nhiều đồng hương và cựu chiến sĩ VNCH, cựu tù nhân cộng sản. Bài mới viết là một đoạn Hồi Ký Hậu Chiến của một Bác sĩ Phẫu Thuật, mang tên “Thiên Lý và Vô Tận”.

* * *

Chiều cuối năm, buổi chiều êm như giấc mộng. Ngoài hiên nhà hàng thông cỗi đứng lặng yên tuyết phủ. Trọng nhớ lại nơi đây, làng Oak park, ngoại ô phía tây thành phố Chicago, thuộc tiểu bang Illinois, nơi lần đầu tiên anh và gia đình đặt chân trên nước Mỹ và cũng là nơi anh và gia đình dừng chân lại trong suốt hơn hai mươi qua, nay đã trở thành vùng đất dung thân.

Làng Oak park có hơn 100 năm lịch sử, qui tụ đủ mọi sắc dân trên thế giới. Phần nhiều họ là những nhà giáo, nhân viên bưu điện, cảnh sát, nhân viên sở cứu hỏa, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, chuyên viên báo chí, kinh tế, ngân hàng, thương mại…Họ có đời sống vừa đủ, khiêm tốn. Họ thuộc về giai cấp trung lưu của Mỹ. Làng Oak park mang nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn lớn của thế kỷ thứ hai mươi Ernest Hemingway, cũng là nơi kiến trúc sư Frank Lloyd Wright phát triển tài năng. Frank Lloyd Wright là niềm tự hào của người Mỹ về đưòng nét kiến trúc thẳng đứng vương cao đến vô tận của ông, chan chứa niềm hy vọng hoài bảo của đất nước Hoa Kỳ trẻ trung mới ngòai hai trăm năm lịch sử. Các con của anh đã lớn lên tại làng này và họ rất tự hào về nền văn hóa của làng.

Ngoài kia Giáng sinh đang trở về với mọi nơi trên thế giới. Các con và rể của anh cũng về tụ họp gia đình đông đủ. Chỉ có Tỏa, cậu trai út về trễ, đang trên máy bay, từ San Francisco sẽ về đến O’Hare, Chicago, lúc chín giờ tối nay. Vợ anh, chị Xuân Tường đang loay hoay ở trong bếp, cùng với hai cô con gái, mãi lo chưng diện cho cái bánh Giáng sinh. Cái bánh trông như thân gỗ mục, mọc lên những cụm nắm mốc meo sần sù. Bên cạnh những cụm nắm xấu xí ấy, là những bông hoa màu hồng, màu đỏ tươi thắm tương phản tuyệt đẹp. Có cả dòng chữ “Mừng Giáng Sinh-1999” màu xanh lá mạ.

Không khí đoàn tụ gia đình gây cho mọi người niềm vui ấm cúng. Nhìn bánh Buche de Noel anh nhớ lại những mùa giáng sinh ở Sàigòn gần 40 năm về trước, nhất là cái khí hậu mát lạnh của nó, cái mát lạnh vừa đủ gây đôi má đỏ hây hây của các cô buôn thúng bán bưng tại chợ Bến Thành, các cô đứng bán hàng trong các cửa hiệu, các nữ sinh Gia Long, Trưng Vương…và các cô nữ sinh viên Viện Đại Học Saigòn. Anh nhớ đến các phố Lê Lợi, phố Tự Do, phố Nguyễn Huệ và nhiều phố khác tràn ngập các các thanh niên và thiếu nữ. Các cô mặc váy ngắn, váy dài, váy dạ hội, họặc áo dài. Có cô ở phố Thăng Long, mới di cư vào Nam năm nào, bây giờ chiếc áo dài của họ vẫn còn nguyên dáng Hà nội. Trọng nhớ lại hình ảnh Nhà Thờ Đức Bà Notre Dame, và dòng người cuồn cuộn xuôi về đó lúc nửa đêm. Các cô cậu thanh niên trẻ trung, các học sinh, sinh viên chia từng nhóm nhỏ, đứng dưới những mái hiên của khu phố, họ ca các bài ca quốc tế Mừng Giáng Sinh. Họ hưởng trọn vẹn một ngày lễ hội quốc tế, đầy tin tưởng vào hạnh phúc ở ngày mai. Càng về khuya, người càng đông, họ đưa nhau vào các quán Givral, Imperial, Continental hay Pagoda…họ chia nhau những mẩu bánh Giáng sinh ăn mừng lễ Nửa đêm-Réveillon. Phần nhiều họ là những người trẻ ngọai đạo, nhưng họ chia sẻ ngày vui quốc tế một cách trọn vẹn và kính cẩn. Đêm Giáng sinh tại Sàigon, người là người, trong đó có anh và bạn bè anh, tràn ngập Thủ đô với niềm hân hoan bất tận. Anh nhớ lại các bạn bè của thuở Sinh viên, các cư xá sinh iên, Câu Lạc Bộ Phục Hưng, Foyer Renaissance, nơi đó anh đã ở 10 năm, suốt cuộc đời sinh viên của anh. Anh nhớ đến các cư xá bạn: Cư xá Đắc Lộ, Foyer d’Alexandre de Rhôde, cư xá Minh Mạng và các cư xá của các chị nữ sinh viên như Cư Xá Trần Quí Cáp, Thanh Quan Lưu Xá…Trong dịp Giáng sinh, các Cư xá Sinh viên thường hay tổ chức những cuộc tiếp xúc văn học nghệ thuật, và nhất là âm nhạc và ca hát. Mùa Giáng sinh là cơ hội cho các anh chị em sinh viên cũng như các thanh niên nam nữ, gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi yêu thương và học hành...Đó là hình ảnh Giáng Sinh Saìgòn của những năm lý tưởng, những năm sau hòa ước Genève 1954 đến năm 1963, trước khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng người em trai của ông bị hạ sát.

Khi những chữ Usaid được thấy bất cứ nơi nào, khi những bảng hiệu Snack-Bar của Mỹ tìm thấy trên những đường phố của bất cứ quốc gia nào, thì nơi đó, những quốc gia đó, sẽ có những xáo trộn về kinh tế, chính trị và quân đội. Từ năm 1964, sau coup Saigon 1-11-63, đến năm 1973, dưới sức ép của hơn nữa triệu quân viễn chinh Mỹ những mùa Giáng sinh Saigòn thuở ấy không thể nào tránh khỏi ảnh hưởng của cái triết lý đó. Cũng không gian đó, cũng Nhà Thờ Đức Bà, cũng phố Catinat, phố Bonnard, phố Nguyễn Huệ, cũng những con người của anh và bạn bè tràn ngập thủ đô Sàigòn, nhưng với một nội tâm khoắc khoải, buồn vui lẫn lộn. Hình ảnh những lính chiến Mỹ đi bên cạnh cô gái Việt, tóc uốn lăn quăn quê mùa hiện ra trên các đường phố như những thực tế chua xót. Những chiếc mini-jupes được cắt ngắn hơn, kéo cao hơn, bám sát vào thân thể và số phận của những người con gái nghèo khó, vất vã lầm than lăn lộn với lính chiến Mỹ thâu đêm suốt sáng trong các snackbar, những họp đêm, để độ nhật nuôi thân. Những vũ trường với tiếng kèn đồng của nhạc Jaz, được khai thác triệt để: Ritz, Lido, Moulin Rouge, Maxim, Côte d’Ivoir, Đồng khánh, Đêm Màu Hồng, Queen Bee v.v.. Những năm tháng đó Saigòn hưởng những ngày giáng sinh đặc biệt: Giáng Sinh Ngưng Bắn, Giáng Sinh Hòa Lẫn Với Tiếng Bom B52 đánh phá địa đạo Củ chi hay ven đô. Những năm tháng ấy, những mùa Giáng sinh Sài gòn đầy bạo động, lựu đạn và thuốc súng.

Đến năm 1975 đất nước thống nhất. Người Cộng sản miền Bắc cai trị thao túng cả ba miền tổ quốc thô bạo hơn bất cứ đế quốc nào đã từng xâm lăn Việt nam: Tàu, Tây, Nhật, Mỹ...Cộng sản áp dụng chuyên chính vô sản triệt để: tạo phản, xách nhiễu, cướp đoạt tài sản những người dân lương thiện một cách thô bạo mà họ gọi là tước đoạt trên tay kẻ bốc lột. Sau 75, Cộng sản bắt giử, tù đày lao cải hàng triệu người miền Nam yêu nước. Cộng sản miền Bắc gọi tất cả người miền Nam là Ngụy, Ngụy quân và Ngụy quyền. Tất cả đàn bà và trẻ con bên này vĩ tuyến mười bảy họ gọi là Vợ Ngụy, Con Ngụy. Và họ thẳng tay chà đạp, đàn áp. Cộng sản phản bội những người quốc gia yêu nước đã từng sát cánh với họ trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến. Sau khi thống nhất đất nước, họ thủ tiêu, triệt hạ toàn bộ Mặt Trân Giải Phóng Miền Nam, ngay cả lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũng biến mất. Những người Cộng sản chuyên chính trấn ác, áp bức và thủ tiêu ngay cả những người Cộng sản gốc Nam bộ không tuân thủ theo họ. Những người Cộng sản miền Nam vô cùng phẫn uất khi thấy thân nhân họ, tuy gọi là Gia-đình-Cách mạng, Gia-đình-liệt-sĩ, vẫn bị vùi dâp và đày ải trong các trại tù cải tạo. Người Cộng sản để lộ nguyên hình những đứa con phản trắc của tổ quốc, họ phản bội lại những Bà Mẹ Yêu Nước Miền Nam trước kia có một thời trải thân đùm bộc, nuôi dưỡng, ngay cả sanh con với họ.

Câu hỏi lớn dầy vò anh trong gần hai mươi năm mà anh chưa tìm được một giải đáp dứt khoác: Hai cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta, cuộc chiến đấu thần thánh, giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, được sự đồng tình, nhiệt thành ủng hộ của toàn thể dân cả ba miền tổ quốc, của tất cả quần chúng từ giàu đến nghèo, từ Cộng sản đến Quốc gia. Sau khi giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, thì cuộc chiến đấu thần thánh ấy trở thành một cuộc chiến phi nghĩa, phân ly đất nước, chia cắt anh em, xé toang tổ quốc thành muôn mảnh, truy diệt nhau tận cùng. Sau Ba Mươi Tháng Tư Bảy Mươi Lăm hàng triệu người miền nam yêu nước bị Cộng sản trục xuất ra khỏi nước, sống lưu vong trên khắp chín mươi lãnh thổ quốc gia trên thế giới. Có phải chăng đó là hậu quả của cuộc chiến quá dài gây ra đỗ nát, nghèo đói,lạc hậu, ngộ nhận, hận thù phi lý? Hay đó chỉ là thân phận của chúng ta, những quốc gia nhược tiểu luôn luôn bị chi phối bởi những gọng kềm quốc tế, thế lực của các siêu cưòng? Hay phải chăng đó chi là kết quả khốc liệt của quá trình thực thi Chuyên Chính Vô Sản của người Cộng sản? Anh nghĩ đến hai chi em Ngọc Tới và Diễm Khánh, hai người em bạn dì của vợ anh, anh gặp lại hồi năm ngóai, lúc anh về thăm nhà…

Chợt vợ anh hỏi:

- Suy nghĩ gì mà ngồi lặng thinh vậy? Tỏa, tối nay chín giờ con sẽ về có gì mà anh lo?

Xuân Hảo, cô con gái đầu lòng của anh cũng nói xen vào:

- Nick đi đón Toả rồi đó Ba, có lẽ họ cũng sắp về tới.

Bất ngờ, anh hỏi vợ:

- Không hiểu mẹ con của Diễm Khánh, giờ này họ ra sao? Mẹ con cô ấy giờ này có ấm cúng không?

Nghe chồng hỏi về người em bạn dì ruột của mình bất ngờ, chị Xuân Từơng xem chừng cũng mủi lòng chị gượng gạo đáp:

- Anh khéo có lo, mẹ con Diễm Khánh còn vui vẻ hơn mình nữa là khác. Anh nên nhớ cô ấy là cán bộ tâp kết về. Hiện giờ Diễm Khánh công tác tại Sở Ngoại vụ, còn Bích Hằng, cô con gái của Diễm Khánh, là chuyên viên chuyển ngữ Anh, Pháp, nghĩa là thông dịch viên của chính phủ tiếp xúc với phái đòan ngoại quốc...

Xuân Hợp cô con gái thứ hai của anh chị, đang lau mấy cái cốc để uống rượu vang, hỏi mẹ:

- Năm ngoái Ba Mẹ về thăm quê, Ba Mẹ ở nhà Dì Diễm Khánh hơn mươi ngày thì phải? Thưa Mẹ, con gái dì Diễm Khánh tên là gỉ hả Mẹ?

Như chợt nhớ tới điều gì, chị Xuân Tường nói lớn:

- Con bé đó tên là Bích Hằng. Bích Hằng lớn hơn Xuân Hảo 15 ngày và lớn hơn con hai tuổi.

- Thưa mẹ, như vậy Bích Hằng sanh ở ngoài Bắc, sau đó nó theo cha mẹ nó về Nam?

- Đúng rồi đó các con. Các con không còn nhớ chớ hồi năm 1979 trước khi mình vượt biên, mẹ con Bích Hằng có xuống Cần Thơ thăm gia đình mình. Họ ở lại nhà mình mấy ngày. Họ chí tình lắm con. Mà mẹ cũng thương dì Diễm Khánh như chị em ruột vậy. Nói đến đó mắt chị long lanh, giọng chị nghe như sủng ướt:

- Lúc ấy các con và Bích Hằng ngủ chung một giường. Bích Hằng hồi đó còn nói giọng Hà nội. Lúc đầu các con còn lạ nhau, nhưng sau vài hôm, dì Khánh trờ về Saìgòn, thật là khó rứt các con và Bích Hằng xa nhau. Lúc đó các con còn nhỏ quá làm sao nhớ hết được. Chẳng thể nào trách các con được.

Thật sự tháng chạp năm ngoái, vợ chồng Trọng có về thăm nhà sau hon 20 năm ở Mỹ. Cũng như những người khác, Trọng nói với vợ: “lâu quá chưa về; nhớ quá rồi, và ai cũng về, mình cũng về thăm xem sao? Nhưng nếu có ai đặt vấn đề khúc chiếc hơn, thì câu trả lời của anh chị thật đơn giản: Quê mình thì mình về”. Bên cạnh những lý do thông thường ấy, anh chị còn có những lý do khác nữa: Chị của anh chết đã sáu năm, Cha của anh chết đúng 4 năm, và Mẹ anh chết gần giáp năm. Vợ chồng anh chưa thấy được nấm mồ của Mẹ, của Cha và của Chị, và cũng chưa có cơ hội để đốt nén hương tưởng niệm người quá cố, đức sanh thành. Lý do khác nữa là Tỏa, cậu con trai của anh chị đang học năm cuối cùng bộ môn xã hội học tại đại học Illinois, cậu ấy được trường gửi đi du học tại Viện Đại Học Quốc Gia Hà nội, trong chưởng trình trao đổi sinh viên giữa hai viện Đại học Illinois University In Urbana và Viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Cuối tháng 12 này, Tỏa mãn học kỳ, về Mỹ. Anh chị về lần này là có ý đón Tỏa về Phanrang, thăm giòng họ bên nội, thăm mồ mả ông bà, cha mẹ, tổ tiên, và thăm nhà Từ đường tại Hà Thanh, Xóm Động, Phanrang, để Tỏa có cơ hội tìm hiểu huyết thống của giòng họ.

Thoạt tiên, chị Xuân Tường có ý định lấy vé máy bay đáp ở Hà nội. Ở đó vài hôm để anh chị đi thăm Thủ đô Hà nội, Viện Đại Học Quốc Gia Hà nội nơi Tỏa đang học, và đi thăm các thắng cảnh như Vịnh Hạ Long, Sầm sơn, Đồ sơn v.v…Rồi sau đó Anh chị cùng Tỏa sẽ về Phanrang như dự tính, và vào Saigòn thăm bên ngoại. Đúng ngày 23 tháng 12 tại Saigòn anh chị và Tỏa sẽ về Mỹ. Nhưng không hiểu Chị và Tỏa, hai mẹ con bàn bạc thế nào mà chi Xuân Tường lại đổi kế hoạch lấy vé máy bay đáp tại Tân sơn nhất, Sàigòn lúc 11:30 trưa ngày 8 tháng 12. Anh thấy hơi sớm, nhưng anh cũng chiều ý vợ. Sau này anh mới vỡ lẽ ra là Tỏa có mặt tai Sàigòn vào ngày 12/12, cho nên bà phải về Sàigòn sớm để sửa soạn đón con trai bà từ Hà nội vào.

Sau khi quyết định lấy vé máy bay về Saigon, Tân sơn nhất, chị Xuân Tường liền gọi điện thoại nói chuyện với người em bạn dì, Diễm Khánh. Sau hơn mươi năm xa cách, anh nghe hai chị em, Xuân Tường và Diễm Khánh nói chuyện với nhau mừng mừng tủi tủi. Anh nghe Diễm Khánh nói:

- Không phải mướn hotel, motel gì hết. Nhà em có hai phòng ngủ trống, có máy lạnh, anh chị cứ về ăn đây ở đây với em. Về càng sớm càng tốt. Lâu quá rồi. Nhớ quá rồi… Bây giờ mới chịu về thăm nước! À, Chị Xuân Tường mấy tháng trước Tỏa có gọi điện thoại cho em. Lúc đầu em ngớ ngẩn không biết là ai, nhất là ‘anh’ ấy nói tiếng Việt ‘ngọng’, mà lại nói giọng Bắc kỳ nữa. Thú thật, lúc đầu em cũng ừ-ừ-hử-hử một hồi lâu mới nhận ra nó là ‘thằng nhóc Tỏa’, con trai của anh chị. Em nhớ hồi năm 79 em gặp nó ở Cần thơ, trước khi anh chị vượt biên, nó có tí xíu, vừa ngòai hai tuổi. Thật là cảm động, bây giờ lớn, cháu biết nhớ nước về học Đại Học Quốc Gia Hà nội…

Anh nghe chị Xuân Tường nói chuyện với Diễm Khánh về sự liên hệ huyết thống gia đình giòng họ và tình cảm ruột thịt, lúc nào cũng gắng bó và yêu thương nhau, không có gì ngăn trở tình nghĩa chị em. Còn về Tỏa, anh nghe chị nói:

- Lúc vượt biên nó mới có 26 tháng chưa đầy 3 tuổi, Xuân Hợp mới có mới có 62 tháng, còn Xuân Hảo vừa hơn sáu tuổi. Sở dĩ Tỏa về học ở Hà nội là theo yêu cầu của nhà trường vì nó học môn xã hội học. Con của mấy người Mỹ ở đây cũng vậy, nếu họ gốc Đức thì con họ được trao đổi về học ở Bonn, Frankfurt, Berlin; gốc Pháp thì ở Paris, Bordeaux, Lyon; gốc Anh thì ở London, đại học Oxford hay Cambridge…Thật sư Tỏa còn ham chơi ham đùa, lắm bè bạn, được cái là ham học, trẻ con Mỹ bạn bè của nó đứa nào cũng vậy.

Sau đó Trọng nghe hai chị em Xuân Tường và Diễm Khánh bàn bạc kế hoạch ngày về thăm nước của anh. Anh khá vững dạ khi nghe Diễm Khánh nói với chị Xuân Tường, ngày anh chị về, có Bích Hằng cháu gái cưng của anh chi thuở nào, sẽ ra phi trường đón anh chị…

Trọng rất ngạc nhiên ý định về thăm nhà anh ấp ủ từ lâu nhưng chưa có cơ hội thuận tiện để bàn bạc với vợ. Không ngờ đó cũng là niềm mong muốn của chị Xuân Tường. Anh thầm cám ơn vợ đã khéo dàn xếp với Diễm Khánh chuyến về thăm nhà của anh rất chi tiết và trọn vẹn. Nhưng một thoáng ngậm ngùi khi anh nghĩ đến ngày anh lên đường trở về thăm nhà, một nỗi cảm xúc vừa dịu dàng vừa cay đắng, một nỗi buâng khuân mơ hồ vì xa Mỹ, xa làng Oak park một thời gian và khi anh nghĩ đến những niềm vui, những hân hoan khi gặp lại Sàigòn, cũng như những bất trắc có thể đang chờ đợi anh một nơi nào đó tại quê nhà./.

Đào Như

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,059,192
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến