Hôm nay,  

Giáng Sinh 2014

27/12/201300:00:00(Xem: 79032)
Người viết: Phan
Bài số 4097-14-29497vb6122713


Tác giả là một nhà báo quen biết tại Dallas, từng dự phần chủ biên một số báo Việt ngữ địa phương. Góp bài với Việt Báo từ nhiều năm, ông vừa nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Mới tuần trước, Phan đã có bài “Mùa Lễ”, và nay là bài viết ngay ngày lễ Giáng Sinh 2014.

* * *

Tôi đã nghe nhiều người nói “Số tôi số con rệp”. Nhưng con rệp không có trong 12 con giáp. Suy ra, cách nói thậm xưng đó chỉ nhằm ta thán về sự kém may mắn của người nói đã quá sức chịu đựng của bản thân. Nhìn lại từ ngữ bình dân trong tiếng Việt, đôi khi sự hệch hạc đến buồn cười như: “Có tiền mua tiên cũng được/ không có tiền mua cây lược cũng không xong”. Hàm ý nói đến sự nghèo túng, (người nghèo túng) thường vò đầu bóp trán để nghĩ cách thoát nghèo, làm cho đầu bù tóc rối như ổ quạ, nhưng tiền mua cái lược để chải lại đầu tóc cho gọn gàng như mọi người cũng không có. Tiếng Việt có lối nói thậm xưng tức là nói quá để làm nổi bật ý chánh muốn nói, như nói về một người thường nói vóc thì người ta nói, “Ôi, hơi đâu nghe kẻ trăm voi không được bát nước sáo”. Tiếng Việt ta rất hay với biện pháp tu từ thì kể ra rất đểu với nghệ thuật thậm xưng, sạo đến cao hơn trời khi nói “con rận bằng con ba ba/ đêm nằm nó ngáy cả nhà thất kinh”… nên lắm người Việt mang số con rệp như quả báo nhãn tiền.

Không cần giở lại sách vở, chỉ ngồi xuống với mình, nghĩ đến, thì trong đầu sẽ từ từ nhả ra bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống cũng có những câu nói mang hàm ý sâu xa từ đời xưa mà dân gian đã tích luỹ được để trở thành ca dao, tục ngữ... Nhưng nói đến số phận của con người, cũng là nói đến duyên phận - nghiệp quả của con người, sự phát sinh ra duyên và phận, nghiệp và quả, từ đâu đến, đi về đâu… Đó là biển thức mà mỗi người giác, ngộ theo cách riêng của mình để có sự khác biệt về số phận từng người trong biển đức mênh mông mà ta được mấy phần…

Trong một ngày cuối năm, trời lạnh căm căm ngoài ngõ, ngoài đường không một bóng người, không tiếng xe qua… cả không gian lắng đọng như tuyết đá lặng thinh trên nhành cây ngọn cỏ, vạn vật tịnh độ để tiễn biệt một năm nữa đi qua - một năm nữa lại về. Bốn mùa thay lá của năm qua đã đi đâu; bốn mùa của năm mới sẽ từ đâu đến; những người ta đã gặp trong đời nhưng không còn gặp nữa, họ đã đi đâu? Những người đang cùng ta hiện hữu sẽ tan biến về đâu; và ai sẽ đến thay những người ra đi để duy trì sự bất tận của vòng luân hoán này? Duyên khởi từ đâu để có ta và duyên tận về đâu để người thay ta đến mà duy hoài tâm linh đời đời trên hành tinh mà trời đất đã tạo ra vạn vật và con người…

Có lẽ do quyển sách “Hành trình về phương đông” của Blair T. Spalding vô tình nằm ở góc bàn ăn đã khiến tôi suy tư trong buổi sáng bói tìm không ra chút nắng. Quyển sách nằm không đúng nơi nó được đặt để; không đến tay người tìm đọc, mà chỉ đến tay người tìm hiểu dở dang rồi bỏ mặc hiếu kỳ; không mất đi như thức ăn trên bàn ăn… nghĩa là một (những) món khó tiêu hoá thường xót lại để thừa thãi, đóng bụi với thời gian theo duyên phận, duyên nghiệp của nó. Ngay việc tôi không tìm đọc nhưng chỉ có tôi với quyển sách trên bàn đã là duyên hội ngộ trong buổi sáng nay thay…

Nghĩ về duyên phận theo thuyết luân hồi của nhà Phật trong sáng ngày Chúa Giáng sinh thì thật tréo nguẩy, nhưng những trang sách cũ trong đầu giở lại có cửa hơn để nghĩ suy, vì kiến thức của nhân loại mênh mông như biển cả mà ta nhỏ nhoi như hạt bụi nước giưa mù khơi bến bờ… Đó là sự khác biệt giữa đạo Phật với kinh sách của các tôn giáo khác. Kinh sách Phật như những quyển sách vỡ lòng, lòng ai vỡ ra được sau khi đọc (hiểu) thì mở ra được những chân trời vô biên riêng, tuỳ theo sự (sức) hiểu biết riêng của từng người; cũng mang chứa trong đó kỳ duyên với đạo, nhưng có phận để trở thành thầy tu hay không lại là chuyện khác. Đạo Phật không đóng khung người tu luyện trong những phần thưởng nhất định ở trên trời bằng một cuộc sống đời đời an vui trong cõi vĩnh hằng nào đó… Có thể nói (theo cá nhân thôi), đạo Phật là đạo mở.

Tôi ngồi ghép lại những mảnh vụn về số phận, duyên nghiệp mà những mùa thay lá đi qua đời mình đã trầm tích được. Nói theo khoa học thì con người là một thực thể sống, mang tính xã hội cao nhất trong các loài động vật. Được hiểu gồm hai phần. Phần thấy được là thể xác, phần cảm nhận được thôi là tâm linh (tinh thần) chính là năng lượng sinh tồn của mỗi thực thể sống. Sự hiện hữu của hai phần kết hợp giữa thể xác và năng lượng sống không tồn tại mãi mà luân hồi theo vòng sinh lão bệnh tử của vạn vật và con người. Nghĩa là sau khi được sinh ra một thời gian dài hay ngắn tuỳ theo số phận của từng người thì cuối cùng ai cũng đến cái đích cuối cùng như nhau là sự chết.

Sau khi chết đi, phần vật chất (thể xác) trở về với cát bụi (theo nhiều cách giải quyết của con người), nhưng chung quy cũng là trở lại khởi thuỷ trong vũ trụ tự nhiên. Còn phần tâm linh (tinh thần) - phần năng lượng sống vẫn tồn tại, nhưng ở một thế giới khác với thế giới hằng sống, (nơi đó không có thời gian một chiều và không gian ba chiều như thời gian và không gian hiện hữu trong cõi người). Tính khoa học trong Phật sách đã có mấy ngàn năm nhưng rất phù hợp với định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng, “mọi vật chất và năng lượng không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, mà chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác”. Phần năng lượng (phần hồn) theo sách Phật sẽ đi tái sanh, sớm hay muộn tùy vào mức độ nặng nhẹ của nghiệp. Linh hồn người đã chết chỉ ở tạm trần gian thêm 49 ngày, sau đó sẽ tùy vào nghiệp thiện-ác đã tạo trong kiếp vừa qua sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi (trời, người, atula, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục).

Sự tái sinh không mang theo hình hài kiếp trước mà chỉ mang theo phần năng lượng (linh hồn, tinh thần) hoà nhập vào những cảnh giới khác nhau tùy theo nghiệp (tức là hành vi, đạo đức của kiếp trước). Cõi địa ngục sẽ đón nhận những linh hồn hằng sống bất lương, tà, ác… Nơi có vạc dầu, quỷ sứ, đầy trong chín tầng địa ngục là hậu quả phát sinh từ linh hồn tội lỗi, tự cảm thấy để đau đớn với tiền kiếp ). Khác với sự tái sinh vào cõi người, không quá đau khổ như cõi súc sanh, ngạ quỷ, nhưng cũng không quá sung sướng như cõi trời, thì năng lượng đó sẽ theo nhân quả của nghiệp ở kiếp trước mà đầu thai vào nhân duyên của một người cha và một người mẹ của kiếp sau. Sự bất diệt của linh hồn - là sự bất biến của năng lượng trong vũ trụ sẽ chuyển tiếp qua kiếp khác; kiếp khác nữa, mãi mãi… Trừ những linh hồn thành tâm, ngộ được Phật pháp, hết tham sân si thì có thể thoát khỏi vòng luân hồi thường tình mà về cõi tịnh độ. Không tái sinh nữa.

Có lần tôi đã đọc và hiểu được (rất không chính xác), nhưng tôi nghĩ là đạo Phật đã dựa vào hai điểm mấu chốt để giải thích thế giới. Một là nhân quả: gieo gió gặt bão, ở hiền gặp lành. Nên kiếp sau được tạo thành từ nghiệp của kiếp trước. Và nghiệp là cái mà ta đã sống, đã làm thiện hay ác trong tiền kiếp để kiếp sau được hưởng nhân quả hay bị trừng phạt từ nhân quả của tiền kiếp. Và trong nghiệp được chỉ giáo có cộng nghiệp và nghiệp riêng của mỗi người, chia thành nhiều loại như: tích nghiệp, cận tử nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp… tức mọi hành vi trong đời thường như lời nói, hành động của mỗi người trong đời sống hiện hữu đều được trời đất phán xét để hình thành nên quả cho kiếp sau. (Những linh hồn có chung cộng nghiệp có thể được đầu thai về một nơi thích hợp, như những người ăn cơm là chánh có thể sẽ đầu thai về các nước trồng lúa, những người ăn thịt là chánh sẽ đầu thai về những xứ chăn nuôi…) Đó là phần phước của những người ăn hiền ở lành. Ngược lại kẻ thiếu chánh trực, nếu không biết ăn cay thì cũng đừng thắc mắc sao tôi lại đầu thai làm người Đại hàn để ngày nào cũng phải phồng môi rộp mỏ với hũ kim chi…

Nghiệp có tốt thì có xấu do sự tích phước mà thành. Vì vậy thế dân gian mới có câu, “làm ơn đừng nhớ thiếu nợ đừng quên”., làm ơn là tích phước, quên nợ là bạc phước. - Phước - qua nhiều kiếp theo thuyết luân hồi tạo thành số phận. Như dân oan thường nói kẻ cậy quyền cướp đất có tu chín kiếp cũng không thành chánh quả là vậy! Sách Phật dựa vào phước để lý giải tại sao có người mới sinh ra đã sung sướng mà lại còn sung sướng cho tới mãn phần, vì họ đã tích phước từ nhiều kiếp trước nên kiếp này sung sướng từ sinh ra tới khi chết đi. Và dễ hiểu cho người sinh ra đã khổ đau suốt đời với tật nguyền, nghiệp chướng, là vì những kiếp trước bạc phước, -không chia sẻ với ai miếng ăn khi đói, lời an ủi khi bất hạnh xảy ra… Đó chính là số phận của mỗi sinh linh được tạo ra bởi nhiều nghiệp từ những tiền kiếp. Cũng vì thế mà phước cần được vun bồi để dồi dào mãi - bởi không xài kiếp này thì xài kiếp sau. -Cho người ăn mày đồng bạc lẻ buổi sáng không đồng nghĩa với trúng số độc đắc vào buổi chiều. Sự tích phước qua nhiều lần giúp người hoạn nạn sẽ làm cho ta được sống an vui, yên bình ngay trên quê nhà; không còn người biệt xứ nữa - nhất là những ngày năm tàn tháng tận với góc trời riêng mang như nhiều mảnh đời trôi dạt khắp hành tinh bây giờ. -Phước như dầu; nghiệp như đèn. Dầu không châm thì đèn lụi tim. Dân gian ta xưa, không mấy ai được sách đèn nhưng đạo Phật từng là quốc giáo trong một thời gian dài của lịch sử nên sự thấm nhuần Phật pháp đã để lại cho những đời sau nhiều câu nói bình dân nhưng hàm chứa ýnghĩa sâu xa như: có phước có phần; người năng tích phước bằng hành vi từ thiện; nhường nhịn đồng loại lời ăn tiếng nói - không ác mồm ác miệng mà dân gian quen gọi là khẩu nghiệp. Người hiếu để với cha mẹ mà chính Đức Phật đã từng dạy chúng sanh: Cha mẹ trong nhà là Phật; người biết để phật tánh tự nhiên chan hoà với vạn vật, yêu thương đồng loại bằng chính thành tâm, hảo ý tự nhiên của lòng thành thì phần phước về sau mỹ mãn. Có phước có phần, không sớm thì muộn phần thưởng của trời đất sẽ đến tay người năng tích phước trong kiếp phù sinh.

Những trang sách mở còn cho thấy, người đức hạnh hôm nay sao phải chịu quá nhiều bất hạnh trong đời sống. Đơn giản là người đó đang trả nợ tiền kiếp (lãnh quả) do nhân kiếp trước mỏng phước. Sự đức hạnh hôm nay, việc tích phước hôm nay, sẽ có quả tốt lành trong kiếp sau. Và nghiệp dĩ hôm nay cũng sẽ vượng về sau nếu hối cải thành tâm, và năng tích phước qua nhiều kiếp. Sự công bằng của trời đất đã có từ khai thiên lập địa là vậy. Như Tiên Điền Nguyễn Du đã phán, “ngẫm hay muôn sự tại trời/ trời kia đã bắt làm người có thân/ bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Kể ra triết lý Phật của tiên sinh rất cao thâm trong truyện Kiều.

Số phận từng con người riêng lẻ được giải thích khá rõ trong sách Phật. Nhưng càng moi trí nhớ nhỏ nhoi thì kết hợp được triệu triệu linh hồn trong muôn vạn kiếp, như dòng chảy bất tận từ kiếp này qua kiếp khác, tới kiếp kiếp sau… Vậy sao một đôi vợ chồng không thể là người đàn ông hay người đàn bà khác, mà nhất định, chính xác là hai người ấy! Đó là chữ “duyên” trong phật sách. Mọi sự trên đời đều có cái duyên của nó. Giữa nhân và quả là duyên. Hai người có duyên nên mới gặp, nhưng tiền kiếp mỏng phước nên quả không như ý là không thành vợ chồng; để từ đó đau khổ tới suốt đời. Nhưng năng tích phước, dù trọn đời khổ đau bởi duyên không thành. Nhưng hệ quả của sự tích phước (ngay trong đời khổ đau) làm cho nghiệp chướng tiêu tan. Có thể hai người thành tâm được gặp lại nhau trong tình nghĩa vợ chồng vào kiếp sau.

Duyên có khởi thì có tận theo luật tuần hoàn của vũ trụ. Duyên tiền kiếp nên giờ là vợ chồng; nhưng vòng luân hồi mà dương gian thường nói gọn trong bốn chữ: sinh lão bệnh tử sẽ xảy ra việc người này hay người kia đi trước về cõi hư vô. Nếu năng tích phước ngay trong hạnh phúc lứa đôi đang hưởng phước thì duyên lại đến với kiếp sau được gặp lại để yêu thương và tích phước cho kiếp sau, sau nữa… Ngược lại với “duyên phận” như bao nhiêu người phụ nữ trên nước Mỹ, sao lại chỉ có một người trở thành đệ nhất phu nhân. Mà nhất định, chính xác là người phụ nữ đó chứ không ai khác. Đó là duyên phận của đệ nhất phu nhân và đương kim tổng thống. Vậy “duyên nợ” là gì? Sao lại có hoàng hậu tự tử. Vì nàng đã thiếu nợ quân vương từ tiền kiếp nên duyên se khó tránh để kiếp tái sanh trở thành hoàng hậu. nhưng thay vì hạnh phúc trong nhung lụa thì chỉ có tan nát cõi lòng, con tim mệt mỏi trong lầu son gác tiá, nên thế gian mới có việc hoàng hậu quyên sinh…

Sáng mùa đông không chút ánh mặt trời, hôm nay là Giáng sinh. Trên hành tinh này có bao nhiêu gia đình đang tề tựu, nói cười, ấm áp trong niềm vui, hạnh phúc; cũng không biết có bao nhiêu gia đình đang chống chọi với giá lạnh và cơn đói đang cào cấu ruột gan… Người nghèo kia tơi tả, nhưng đang nở nụ cười hân hoán đón Chúa (trời) vào lòng khi ngộ ra ân sủng người đã ban cho một đời khổ cực để giác ngộ về thân, tâm, tội, nghiệp… kẻ giàu sang nọ đang chán ghét xa hoa cũng vì ngộ được tội lỗi của xa hoa có từ tranh cướp được. Hạnh phúc mù loà là hạnh phúc có được từ khổ đau của người khác. Hạnh phúc đích thực của nhân sinh nằm ở sự cho đi, hãy bẻ nửa cái bánh có được trong cơn đói để chia cho người đói hơn ta, thì sự nhận được là bến bờ hoá giải sự bơ vơ trong tâm tưởng, như Đức Phật đã dạy kẻ giết người, “đời là bể khổ, ta bơi mãi cũng chẳng thấy bến bờ đâu. Nhưng quay lại sẽ thấy bến bờ ngay…” Kẻ giết người ngộ được nên đã viên tịch với chức danh Đại đức - là đại đệ tử thứ tư của Đúc Phật.

Duyên khởi tôi đi từ trang giấy trắng vào một sáng mùa đông, sáng Giáng sinh thứ 2014. Những con chữ vô nghĩa nhỏ nhoi như những con rệp tới giờ hành động, chúng bò trong tư tưởng bò ra, bò lên trang giấy “số con rệp” của mình là sự cô đơn trong căn nhà vắng, bàn ăn cũng là bàn viết lạnh căm với cái laptop đã không còn thấy mặt chữ trên keyboard; quyển “Hành trình về phương đông” của Blair T. Spalding nơi góc bàn không lật ra trang chữ, chỉ bóng Người ngồi quán thế trong ánh tà dương ở trang bìa đã làm cho con rệp lưu vong thấy lại quê nhà, người thân, bếp lửa gia đình ấm tối nay - cùng mừng Chúa ra đời…

Giáng sinh 2014

Phan

Ý kiến bạn đọc
12/01/201408:00:00
Khách
Sao lại sô con rệp? Biết đạo, biết hành đạo, biết hoằng pháp thì công đức vô lượng so với ngừoi giàu có bố thí hằng hà sa số cát châu báu vàng bạc (Kinh Kim cang). Công đức vô vi này sẽ đưa anh thoát vòng sinh tử luân hồi, giàu nghèo may rủi đâu quan trọng nữa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,328,968
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.