Hôm nay,  

Từ Tulsa Tới Wichita

26/12/201300:00:00(Xem: 28758)
Người viết: Lê Như Đức
Bài số 4096-14-29496vb5122613


Tác giả sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Learjet, Wichita. Học vấn: cao học. Gia đình: vợ và ba con- hai gái, một trai.

* * *

Tôi thiên đô lên Tulsa với vợ và ba con mong muốn làm giầu như ngài…Bill Gates, chủ nhân của đại công ty Microsoft. Thành phố chỉ có khoảng bốn ngàn dân Việt nhưng cũng có hai chợ Việt và một chùa nửa Tầu nửa Việt. Chợ Quê Hương, chợ Nam Hải và chùa Tam Bảo. Tôi sửa câu thơ tặng Tulsa và tặng vợ tôi:

Làng tôi có chợ Quê, Nam,
Có chùa Tam Bảo, có nàng Hoài Trang.


Vợ tôi gốc Bình Định chính hiệu con nai vàng. Vì là con cháu Quang Trung hoàng đế nên sau khi lập gia đình không muốn đổi họ Nguyễn hoàng gia thành họ Lê tôi. Nguyễn thị Hoài Trang, nguyên văn tên nàng.

Ai vô Bình Định mà coi,
Con gái Bình Định múa roi đi quyền.


Nhà tôi thì cứ nhất định tác giả câu thơ là dân Bình Định thứ thiệt muốn đề cao võ nghệ xứ nàng. Tôi lại nghĩ chắc anh nào năm xưa lang thang tới xứ đó ham dzui lấy vợ bị ăn roi đều chi nên mới ức mình làm thơ để cảnh cáo đàn em. Nghe câu thơ thì còn anh nào dám nhào vô chịu đấm ăn xôi, trừ tôi muốn thử đấu quyền. Có ai ngu gì làm thơ để cảnh cáo những ai dám vô con gái mình để lãnh đạn. Bộ trai Bình Định ăn roi không thấy đau chắc?

Năm xưa đi trại hè, vô tình tôi rút thăm trúng thi nhẩy buộc chân với nàng. Nàng thì võ nghệ thâm sâu. Tôi thì thư sinh thơ thẩn nên dù tôi cao thước tám, nàng thước sáu, nàng vừa xách tôi phi thân, vừa nhẩy thi vẫn giựt giải quán quân như thường.

Từ đó đời tôi như bị roi Độc Long ngân tiên của Mai Siêu Phong buộc chặt lấy nàng cho dù Xích Đằng Quái Quyền Pháp của tôi thiên về dương cương cũng không bứt đứt được cái roi dẻo dai ôn nhu đó. Chính vì không thấu đáo quyền cước xứ Bình Định, ngày tân hôn tôi lên hát bài “Em hiền như ma sœur” riêng tặng nàng.

Chùa Tam Bảo nằm phía đông của thành phố Tulsa, trên đường 21. Chùa có tượng Phật nằm giữa bảo điện nhưng cũng lại có tượng Quan Công dựng bên hông. Có tượng Phật Thiên Thủ bên phải nhưng cũng lại thờ ông Lỗ Ban bên trái. Năm xưa chùa được thành lập bởi người Trung quốc. Sau đó sư An Nam vào trụ trì, người Việt kéo vào làm công quả do đó mà chùa có đủ mọi…Ngũ Bảo: Phật, Pháp, Tăng, Thánh, Thần của Việt Trung hai nước.

Ngoài sân, chùa có dựng tượng Phật Bà Quan Thế Âm lớn nhất Hoa Kỳ trông thật trang nghiêm, từ bi. Tượng được đúc từ Việt Nam bốn đoạn to gửi sang. Tượng đã được dựng xong nhưng lại thiếu tiền đánh bóng. Chùa kêu gọi quyên góp hoài cũng chẳng đủ nên hay tổ chức đại nhạc hội để dân tới vừa nghe nhạc vừa làm công đức. Thỉnh thoảng thiếu ca sĩ, sư cũng lên hát luôn. “Thoáng” thật.

Ngày xưa Đức Phật rời cung điện vàng son vào rừng ẩn mình tìm đường giải thoát. Ngày nay nhiều vị chân tu vào phố đông người để mở chùa tụng kinh. Không biết ai đúng ai sai nhưng tôi nghe nói bên Nhật có những chùa xây trong rừng sâu, trên núi cao, không có cả đường bộ đi tới. Người đi phải vạch lá đạp cỏ mà đến viếng thăm.

Chợ Nam Hải to gấp hai chợ Quê Hương, có nhiều mặt hàng và hồ cá tươi, sò sống. Hai chợ lại là thông gia nên giá cả ổn định, thương trường bình lặng. Dân Cam bốt, dân Lào và dân Ấn độ cũng đi chợ Việt mua hàng. Sau này thành phố lại có thêm chợ Asian do một gia đình người Mong thành lập lớn và sạch sẽ hơn nhiều. Chợ Nam Hải phải khuếch trương để cạnh tranh nên thiên qua một khu mới đồ sộ và khang trang hơn trước.

Giấy tờ xin phép lung tung như hàng xếp trong chợ nên hơn một năm rồi mà cũng chưa được thành phố cho “mu”. Ông chủ tức giận Health Department nên khẳng khái tuyên bố không thèm mu. Bà chủ thì ngược lại, nhất định nói sẽ có mu.

Tulsa có khá nhiều du sinh Việt qua vì thành phố có hai đại học tư Tulsa University và Oral Roberts University. Con các cán bộ gộc và đại gia qua tới tấp vì trường tư dễ nhận. Cứ đóng tiền đầy đủ là xong. Tiền bạc là chuyện nhỏ, quá dễ tính đối với các đại gia. Chỉ cần sau này mang bằng cấp Mỹ về Việt Nam làm vài tháng, vừa lãnh lương vừa thu tiền tham nhũng, là kiếm lại đủ tiền học đóng năm xưa.

Một lần đi mua hàng chợ Nam Hải, gia đình chúng tôi có gặp các đại gia qua thăm dò tình hình kinh tế nước Mỹ. Đại gia không lo coi hàng, cứ lo liếc nhìn vợ tôi làm vợ tôi nhột, liền nhắc tôi câu thơ năm xưa dân miền Nam làm tặng mấy cán Bắc vào tham quan:

Bộ đội nhìn em bộ đội cười,
Chồng em cải tạo bộ đội ơi.


Chị tôi đi ăn nhà hàng ở Houston gặp một gia đình có hai con, một trai, một gái tới ăn. Mọi người trong tiệm đều phải chú ý tới họ vì thấy hai đứa nhỏ rất hỗn láo, cứ mở miệng sai bố mẹ chúng xoành xoạch như sai người làm. Ngưòi thiếu phụ mắc cở nói to cho mọi người hay:

- Chúng là con cái đại gia qua đây chơi. Họ mướn chúng tôi dắt chúng đi ăn uống, shopping và coi movie. Ông bà đại gia đang ở Las Vegas đánh bạc.

Tulsa có một trường Trung học rất nổi tiếng, trường Union. Trung học Union chiếm cả góc đường 61 và 71, dài cây số hơn. Trường có cái sân chơi football to như các đại học Mỹ với dàn cầu thủ thiện chiến năm nào cũng chiếm giải nhất của tiểu bang Oklahoma. Trường cũng có cái thính phòng to không thua cái thính phòng chính của dàn nhạc giao hưởng thành phố Boston.

Dàn nhạc của trường thì đông hết biết. Có lẽ dàn nhạc của viện quốc gia âm nhạc Viện Nam Cộng Hòa năm xưa cũng không bằng một nửa. Hai cô con gái tôi kéo violin và thổi piccolo flute cho dàn nhạc của trường Oral Roberts University vậy mà cứ phải tới mượn thêm nhạc công lẫn thính phòng của trường Union để trình diễn.

Năm xưa tôi vừa nhai bo bo vừa tập dương cầm khi sống với Việt cộng trong thiên đàng Xã Hội Chủ Nghĩa nên cũng ráng gồng mình xin vào chơi chung dàn nhạc với các con tôi. Tôi bị xù đẹp vì chỉ biết chơi có mỗi một bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”. Ông nhạc trưởng biết tôi là nghệ sĩ nhân dân, rất lãng mạng cách mạng, nên hứa sẽ nhận tôi nếu tôi chơi được nguyên bài “Hành quân đêm” của cố đồng chí Xuân Hồng viết từ cảm hứng qua những đêm không ngủ với đồng chí lãnh tụ trong hang Pắc Bó năm xưa.

Sống ở thành phố nhỏ nên học sinh ít đua đòi, không băng đảng. Chỗ đi chơi đã hiếm, trời lại lạnh cắt da nên các con tôi thường luôn ở trong nhà đọc sách và tập đàn. Cậu con trai tôi cũng tập piano, gõ trống và học võ Karate.

Gia đình tôi thành lập ban nhạc lúc nào không hay.

Tôi có khuyên vợ tôi nên tập lại piano nhưng nàng không chịu, lại ghi danh học thêm lớp Kick Boxing trong gym. Thấy nàng mua bao tay, bao chân trưng đầy nhà, tôi cũng ơn ớn nên dụ vợ tôi mở võ đường Bình Định Tulsa thâu đệ tử, kiếm chuyện nhẹ làm để về hưu non.

Làm trong sở thì quá mệt mỏi. Sáng dậy sớm đi làm trời lạnh đổ đá, chiều về trễ trời không đổ mưa thì đổ tuyết. Trong sở, người làm thì ít mà thợ nói thì nhiều, politics khắp nơi, ganh nhau từng ly từng tí. Trong những nhóm tôi làm qua lúc nào cũng có vài tay chỉ muốn lãnh lương thật cao và ngồi chỉ tay năm ngón. Muốn phán rồi rung đùi coi internet chứ không muốn làm. Nhàn cư vi bất thiện. Ngồi yên một lúc lại tìm cách chơi nhau, tố nhau tưng bừng hoa lá xong coi internet tiếp.

Có ngài có học vị tiến sĩ mà lúc nào cũng rình mò thưa nhau từng tí một. Nhiều lúc ngồi nghe, tôi muốn nói cho ông hay tư cách của ông không bằng nửa tư cách chị Mễ lau nhà cho tiệm Walmart. Nhưng nói không được đành phải thở dài và ngậm ngùi hát nhỏ bài “Tuổi biết buồn”.

Tôi lên Tulsa làm contract cho hãng làm máy bay Spirit Aerosystems. Hãng Boeing bán cho Spirit phân xưởng vùng Tulsa và Wichita để dẹp công đoàn và để tránh phải trả tiền hưu cho nhân viên làm lâu năm. Các đại công ty như Boeing, GE, GM thường hứa trả lương hưu rất cao cho nhân viên để dụ họ ở lại làm. Càng ngày những người lãnh lương hưu càng nhiều gây nên mối đe dọa tài chánh cho hãng. Có hãng đành phải khai phá sản để khỏi phải trả lương cho cựu nhân viên ở nhà nghỉ hưu.

Boeing có giải pháp khôn hơn. Boeing bán phân xưởng có nhiều cựu nhân viên và công đoàn mạnh cho hãng khác để dẹp yên rồi sau đó tìm cách mua lại hay lập lại phân xưởng nơi đó. Khi tôi chưa lên Tulsa thì Boeing đã bán cho Spirit phân xưởng vùng Tulsa và Wichita chín trăm triệu đô la với lời hứa sẽ đưa việc cho Spirit trong vòng năm năm tới. Ngày tôi sắp rời Spirit thì Boeing ra giá 2 tỷ để mua lại. Spirit không chịu, đòi 5 tỷ. Boeing gây áp lực bằng cách không giao việc cho Spirit vì thời gian đã quá năm năm. Chứng khoán của Spirit lao đao, hãng phải sa thải nhân viên. May cho Spirit được phân xưởng hãng Airbus ở Wichita cho việc nên vực lại lên. Airbus là đối thủ của Boeing, do các nước bên Âu Châu thành lập, để địch lại sự độc quyền thống trị ngành hàng không của thế giới. Airbus cho Spirit việc cũng là một hình thức chọc quê Boeing.

Spirit được hợp đồng chế hai cái cánh mới cho máy bay của hãng Gulfstream, tên kỹ thuật là A-280 và A-360. Thân của máy bay A-280 được làm bên Do Thái, thân của A-360 làm ở bang Georgia. Tôi làm cho cánh A-280 hơn bốn năm.

Sau khi hoàn tất tính toán và thử nghiệm cánh, tôi nhẩy về D3 ở Dallas làm tám tháng rồi lại lên Wichita làm cho Learjet cho tới nay. Learjet chỉ chuyên làm máy bay hạng nhẹ. D3 không làm máy bay nhưng mướn kỹ sư chuyên để tính toán phụ giúp cho những công ty khác. Công việc tôi làm cho D3 là tính toán sức chịu đựng cái máy bay mới nhất của Learjet, L85. Thấy làm được việc, lại có kinh nghiệm nhiều về cả máy bay lẫn phi thuyền con thoi, Learjet mướn thẳng tôi lên Wichita làm.

Đường từ Tulsa tới Wichita dài khoảng hai trăm dặm Anh. Tôi thường lái xe đi Wichita sáng sớm thứ hai và về lại Tulsa tối thứ sáu. Tuần nào nhiều overtime, tôi ở đến trưa thứ bẩy mới về. Vì làm contract cho Learjet nên không biết bao giờ bị hãng…đuổi do đó tôi không muốn bán nhà, đem gia đình lên Wichita. Vợ chồng tôi cũng muốn các con tôi hoàn tất Trung học ở một trường để có được những lời phê tốt từ những thầy cô cũ.

Thành phố Wichita nhỏ hơn Tulsa nửa nhưng lại đông dân Việt hơn, gấp Tulsa đến mười lần, khoảng bốn chục ngàn. Sở dĩ dân Việt chịu tụ tập nơi đây nhiều là vì năm xưa khi tỵ nạn đổ qua, mấy hãng giết bò cần nhiều nhân viên nên nhờ nhà thờ bảo lãnh tới có việc làm ngay mà không cần thông thạo tiếng Anh lắm.

Sau đó, dân Việt, vốn vừa chịu khó làm vừa chịu khó lần mò, nên tìm ra job tốt ở thành phố này là làm cho hãng máy bay chứ không phải làm cho mấy hãng giết bò.

Wichita nổi tiếng với danh xưng "The Air Capital of the World" từ lâu vì có nhiều hãng làm máy bay đóng đô lâu đời như: Beechcraft, Cessna, Boeing, Learjet và mới đây như Airbus, Spirit. Có lẽ trên thế giới không có thành phố nào mà có nhiều hãng làm máy bay như Wichita.

Thành phố nào có được hai hãng làm máy bay là cả thị trưởng lẫn dân mừng húm. Mỗi hãng thường cần khoảng hai mươi ngàn nhân công và kỹ sư. Cộng thêm vào những dịch vụ phải mở ra để cung cấp cho hai mươi ngàn người như ăn uống cho thợ thuyền, nhà cửa cho chuyên viên, nhà thương cho mình, trường học cho con, shopping cho vợ, thành phố sẽ có thêm hai mươi ngàn việc nữa. Đó là chưa kể những dịch vụ cung cấp cho hãng như phi trường riêng, điện nước, máy sưởi, máy lạnh, nước nóng…

Wichita có sáu hãng tổng cộng. Dân Việt tỵ nạn, vốn chịu khó cầy, tha hồ chọn sáu hãng máy bay mà làm. Tulsa chỉ có hai phân xưởng của American Airline và Spirit. American Airline thì đang dời từng phần về Dallas, Spirit thì tính đóng cửa thiên về lại Wichita.

Kỹ sư cơ khí nào muốn đi contract kiếm tiền trả nợ nhà, nợ xe để về hưu non, nên tới Wichita làm overtime mệt nghỉ. Thông thường muốn chế một cái máy bay mới mất khoảng từ bốn năm tới sáu năm. Có khi hơn tám năm như chiếc Boeing 787 Dreamliner mới nhất, bắt đầu tính toán từ tháng 7 năm 2003 tới tháng 9 năm 2011 mới giao được chiếc đầu tiên.

Khi bắt đầu làm, hãng có nhiều tiền nên mướn nhiều nhân viên. Mướn direct không đủ vì nhiều nơi lạnh lẽo, ít chuyên viên nên hãng phải mướn contract. Sau ba năm, tiền bắt đầu khan, hãng cũng khó mà sa thải được contract vì họ rành công việc. Mướn người mới phải tốn thời gian huấn luyện lại. Do đó nếu sếp thấy mình làm được việc không những giữ lại mà còn cho lên làm sếp…nhỏ.

Làm cho Learjet tôi thường có dịp gặp những người thợ Viện nam. Những hãng máy bay ở Wichita thích mướn kỹ sư và thợ Việt Nam. Không hãng nào mà tôi may mắn được gặp nhiều người Việt như Learjet. Người mình làm siêng và giỏi. Những vật liệu trong máy bay thường nhỏ, chỉ có thợ Việt nhỏ con nên có thể thò tay vào được nhiều chỗ hẹp để ráp đồ. Họ chỉ bị có cái tính quá khiêm nhường, ít chịu phát biểu, lại sợ nói tiếng Anh không thông.

Một lần, người bạn trong nhóm tôi phải xuống nhà máy để xử lý vì cái cửa thoát thân khẩn cấp trong máy bay đóng không vô. Khi y xuống tới, thấy có một đám thợ Mỹ đang coi cái cửa và bàn cãi um sùm. Một người thợ Việt đứng một góc lặng im nhìn. Y hỏi những người thợ:

- Các anh nghĩ lý do gì mà cái cửa đóng không vô và làm cách nào để sửa nó?

Một người thợ Mỹ trả lời oang oang:

- Phía dưới góc bên phải khi đóng vào bị đụng vào cái vỏ bọc máy bay. Chúng ta chỉ cần mài cạnh cái cửa một ít đi là bỏ vô ngon ơ.

Bạn tôi trả lời:

- Thế còn góc trên sẽ bị hở thì sao?

Người thợ trả lời:

- Cứ việc thay miếng đệm dầy hơn một chút để lấp cái chỗ hở. Mà nó hở có một tí cũng chả có vấn đề gì đâu.

Bạn tôi cười, lắc đầu giải thích:

- Anh lái xe đi làm chỉ có năm chục dặm Anh một giờ. Anh thử quay cái cửa kính xe chút xíu xuống coi gió nó rít lên như thế nào? Cái máy bay này bay tới năm trăm dặm một giờ thì nó rít gấp mười lần. Anh nghĩ hành khách có chịu nổi không?

Bạn tôi quay qua hỏi người thợ Việt:

- Tôi thấy hình như anh có ý kiến gì thì phải? Anh có cách nào sửa nó dễ dàng không?

Người thợ Việt vẫn không dám bước tới gần, chỉ nhỏ nhẹ trả lời:

- Cánh cửa đóng không vô vì cái bản lề nằm không đúng vị trí. Sở dĩ nó không đúng vị trí là vì cái sườn ngang mà nó ráp vô hơi xiên. Nếu chêm thêm một miếng đệm vào chân cái bản lề bên phải để nâng nó lên bằng cái bên trái thì cánh cửa sẽ không lệch nữa.

Bạn tôi cám ơn rồi quay qua nói cho người kỹ sư làm trong nhóm MRB:

- Anh viết cái cách sửa như vậy rồi email cho tôi ký.

Ngành học cơ khí, mechanical engineer, được chia làm nhiều ngành làm. Ngành làm Liaison, tên kỹ thuật là MRB, chuyên về liên lạc giữa kỹ sư và thợ dưới xưởng. Họ có nhiệm vụ coi thợ có làm đúng như những tính toán trong họa đồ hay không. Ngoài MRB, còn có ngành Stress tính sức chịu đựng, Fatigue tính sức bền, Dynamic tính độ rung, Weight tính trọng lượng, Load tính áp lực, Thermal tính sự giãn nở do nhiệt độ, Design chuyên về thiết kế, FEM làm mô hình trên máy điện toán và CFD tính ảnh hưởng của vật thể lỏng như gió khi chuyển động. Riêng ngành Stress tôi đang làm còn chia làm hai: structure stress tính những vật thể lớn như sườn, cánh máy bay và system stress tính những vật thể nhỏ như bracket, tubing.

Ngoài hãng máy bay, phi thuyền, trạm không gian, người kỹ sư cơ khí còn có thể làm cho hãng dầu hỏa, hãng hóa học, xây cất building, cầu cống, nuclear, điện lực, điện tử và cả…nha khí tượng nữa.

Năm xưa nha khí tượng ở Hawaii cần một kỹ sư cơ khí coi hệ thống kính thiên văn của đảo. Tôi hăm hở xin vì mê câu cá và ngắm biển. Khi nghe tới lương lậu tôi chán ngấy, than thở với ông director giá nhà ở Hawaii đắt không thua gì ở Nam Cali. Ông hồ hởi trả lời:

- Đây là đài khí tượng của Hawaii chứ không phải là của White House mà có lương cao. Được cái này mất cái kia. Làm ở Hawaii khí hậu tốt, không khí trong lành. Đời sống an nhàn, ít cạnh tranh.

Không khí trong lành tuy tốt phổi nhưng không tốt bụng, chả lẽ suốt ngày tôi cứ an nhàn ngắm biển để…thở. Đồng ý tiền không mua được hạnh phúc nhưng hạnh phúc của chúng ta bị chi phối bởi đồng tiền khá nhiều. Có tiền mua xe mới, mua nhà to, con cái đi du lịch Âu Châu, vợ chồng đi coi Paris By Night thì stress tự nhiên sẽ bớt nhiều, hạnh phúc từ từ tăng. Không tiền ngồi nhà hẹp nhìn nhau hoài dễ nổi hung.

Phật dậy cuộc đời là bể khổ. Không đi tu đuợc thì ta phải chịu khó đi…cầy cho đời bớt khổ. Cầy nhiều mà lương ít, đời thêm khổ chứ chẳng bớt. Đi làm gần ba mươi năm nay, tôi bỗng ngộ ra thêm điều này. Phật tính của tôi kể ra cũng khá cao.

Wichita có nhiều chợ và tiệm ăn ngon hơn Tulsa nhiều lắm. Chợ to và nổi tiếng nhất là chợ Thái Bình. Ông chủ chợ xưa cũng làm thợ tiện cho hãng máy bay. Bị tai nạn được hãng đền một số tiền khá to nên nhẩy ra mở chợ làm giầu. Phi thương bất phú. Tiệm to như tiệm ABC ở phố Bolsa và có đủ mặt hàng từ đồ khô cho tới đồ tươi, đồ ăn cho tới đồ mặc, đồ đeo trên người cho tới cả đồ trưng trong nhà. Đồ ăn, thức uống, vàng nhẫn, áo quần, tranh ảnh, băng nhạc, thượng vàng hạ cám chợ có đủ.

Gần chợ Thái Bình có tiệm phở Hiền nấu rất ngon. Trời Wichita lạnh về đêm, ăn tô phở nóng với ớt thiệt cay thật thần tiên, đời bỗng nhiên bớt khổ. Gia đình tôi cũng thích ăn phở Hiền. Chiều thứ sáu tôi thường mua năm tô phở mang về Tulsa cùng thưởng thức với vợ con.

Năm xưa vợ tôi giựt giải ca sĩ Tượng Vàng tổ chức vùng nam Cali với bài “Thuyền viễn xứ”. Định mệnh gắn liền đời nàng với bài hát ấy.

Lấy tôi nàng cứ phải biền biệt viễn xứ vì công việc của tôi. Tính tôi lại thích bay nhẩy. Lúc làm Houston, khi qua Cali, tới cả những nơi quạnh hiu Russellville, Huntsville làm luôn. Tôi sang Huntington Beach, tôi về Freeport, tôi lên Tulsa, tôi xuống Dallas rồi nay “đến hẹn lại lên” Wichita. Nàng cùng tôi giang hồ từ nam chí bắc, từ Laredo Mễ Tây Cơ đến Vancouver Gia Nã Đại, tây bắc Seattle tới đông nam New Orleans.

Hai mươi năm qua, chúng tôi xuống biển sâu Key West, Florida câu cá rồi leo lên tới tận đỉnh núi cao Pikes Peak, Denver coi mặt trời mọc. Khi mướn trực thăng bay vào vùng núi sâu Hawaii coi thác nước chảy, khi thuê bè phao thả dọc giòng sông hùng vĩ Colorado. Lược cát trắng trên bán đảo Pensacola, đãi cát vàng bên bờ biển Corpus Christi, dự lễ hội Saint Patrick trên đường phố San Antonio, mua hàng ở chinatown San Francisco, thăm vườn địa đàng của Victoria, Columbia. Chúng tôi cùng ngồi nhìn các con tôi vui chơi trong Disney World, chạy nghịch trên bãi biển đảo South Padre. Gia đình tôi quây quần hạnh phúc bên nhau.

Nàng cho tôi ba người con mạnh khỏe như nàng, chịu làm homework như tôi. Hai cô con gái: Quỳnh Thy, Quỳnh Trâm và anh nhô Tuấn Khoa tức cu Đô.

Quỳnh Thy được học bổng từ đại học Oklahoma University khá nhiều nên chúng tôi đỡ phải tốn đóng tiền học cho Thy. Thy mộng thành nha sĩ. Quỳnh Trâm điểm còn cao hơn chị nên chúng tôi càng đỡ phải đi cày lâu hơn. Trâm muốn trở thành bác sĩ y khoa. Nếu được thành đạt như ý thì khi già vợ chồng tôi có hai hàm răng giả miễn phí và thuốc trị cao máu free hàng tháng.

Cu Đô thì mê chơi game tối ngày. Biết đâu tôi cũng có thể có free game để chơi nếu cần khi về hưu.

Lúc này vợ tôi đổi qua nghiên cứu tử vi Tầu, tập bấm độn Khổng Minh và học địa lý toán của thầy Tả Ao. Nàng tự ý bói tôi một quẻ rồi tiên đoán tôi càng già càng…sinh tật.

Em yêu, sinh tật đỡ hơn sinh bệnh nhiều lắm. Anh đã mắc một tật xấu yêu em từ lâu.

Năm nay là năm thứ hai mươi chúng tôi gặp nhau, tôi kể lại một vài kỷ niệm để cám ơn nàng đã đến với đời tôi.

Wichita, mùa Giáng Sinh 2013.

Lê Như Đức

Ý kiến bạn đọc
13/06/201707:37:26
Khách
chúc mừng tác giả và gia đình, nhất là tác giả đã ngộ tính cao
20/05/201714:46:26
Khách
Bài bạn viết rất hay và vui nữa .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,643,071
Tác giả sanh năm 1943 tại Cân thơ - Bác sĩ thú y, giảng dạy tại Đại Hoc Cần thơ trước 75 - Cùng gia đình vượt biên năm 1980. Học lại và làm việc cho cơ quan Canadian Food Inspection Agency từ 1985 đến ngày hưu trí năm 2008. Bài đầu tiên Viết Về Nước Mỹ, Đất Lành Chim Đậu nhận giải Vinh Danh Tác giả năm 2007. Sau 10 năm tiếp tục góp bài cho Việt Báo, tác giả cho biết “Vì lý do sức khỏe bất ngờ, xin chào tạm biệt tất cả bạn đọc để tĩnh dưỡng. Và đây là bài viết cuối cùng của ông: Chuyện hai mùa Vu Lan 2016-2017, con trai lái xe hàng ngàn dặm về cùng bố lát gạch sân đậu xe và tu sửa ngôi nhà gia đình. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng cám ơn Bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh. Kính chúc ông và gia đình an vui, mạnh khỏe.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới của là một tự sự gợi nhớ nhiều kỷ niệm.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, sống động.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, ông đã nhận giải bán kết 2001, từ 9 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới của tác giả kể về cuộc họp mặt của các cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh và chuyến đi 5 ngày trên du thuyền Carnival Inspiration.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. Với mỏ vàng trên sông Yuba, Marryville khởi thủy từng là thành phố của dân đào vàng. Thời nay, du khách và cư dân tại Marryville vẫn lai rai lượm được vàng cục, có du khách lượn cả cục kim cương trị giá nửa triệu mỹ kim. Đó là chuyện có thật, đề tài của tác giả trong bài viết mùa Lễ Tạ Ơn năm nay.
Nhạc sĩ Cung Tiến