Hôm nay,  

Tô Vẽ Thời Gian

15/12/201300:00:00(Xem: 14487)
Người viết: Lệ Hoa Wilson
Bài số 4085-14-29485vb8121513


Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Bà là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, sinh năm 1940 tại Cần Thơ. Hai bài viết đầu tiên của bà là tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Ky. Cưới nhau: 1972. Tới Mỹ năm 1975. Từ 1985, hai vợ chồng mở v/p Di Trú và Thuế Vụ tại Long Beach. Bài viết mới

* * *

Khi Linh, một cô bạn nhỏ tuổi mà tôi coi như em gái, kêu điện thoại và báo tin rằng cô đã ghi tên cho tôi đi học vẻ thì tôi tưởng là cô bị cảm nặng nên đã phát điên.

Học vẻ? Ở cái tuổi bảy mươi? Cả đời chưa từng cầm cây cọ? Chẳng biết màu xanh pha với màu tím thì thành màu gì? Cô nói không sao đâu chị, mấy người đi học vẽ ai cũng lớn tuổi hết, ai cũng lần đầu, học vài khóa rồi sẽ quen, rồi vẽ đẹp lắm.

Tôi thở dài. Một giờ rưởi mỗi ngày thứ tư, tôi lò mò đi tới phòng hội của nhật báo Người Việt để học vẽ.

Chương trình học được bảo trợ bởi bảo tàng viện Bower, SantaAna. Tất cả cọ, màu, giấy v.v.. đều miễn phí. Cô giáo Trinh Mai là một phụ nữ ViệtNam trẻ, tuy sanh đẻ tại Mỹ nhưng nói tiếng Việt rất dễ thương và làm thơ lục bát để đề dưới bức họa thì… thôi xin bạn hãy hủy bỏ mục nầy và dở qua trang khác. Tôi sẽ chứng minh cho bạn biết sau nầy… Trưởng lớp là cô Minh Hiếu, năng nổ, hoạt bát và diện đẹp như tài tử Tây Ban Nha. Học sinh bốn mươi người, từ sáu bó trở lên, đủ mọi thành phần trong xã hội, có người nói tiếng Pháp như gió (may quá chưa phải là bảo), nam có nữ có, có người tới một mình, có người tới cặp đôi và bạn có tin không tôi thấy có một anh mất nguyên cả cánh tay mặt. Tôi bồi hồi nhìn anh, lòng vừa cảm động vừa kính phục. Tôi chưa học vẽ nhưng đã học được bài học can đảm, phấn đấu, tự tin nơi anh.

Nước Mỷ đứng thứ sáu trên thế giới về vấn đề lo lắng, chăm sóc cho người già, không những về sức khoẻ mà còn về việc giúp cho họ phấn chấn tinh thần và hưởng thụ những thú vui mà khi còn trẻ phải bận rộn vì cuộc sống nên họ đã bỏ qua.

Khoá học chúng tôi, tiếng Mỹ gọi là water coloring và người Việt mình kêu là thủy mặc. Bạn hãy lấy một tờ giấy vẽ tranh, cầm cây cọ nhúng vào nước lạnh rồi vẽ một đường cong cong giống như con đường làng trong những bài học đồng quê ngày xưa. Xong, bạn chấm cây cọ vào màu xanh dương quẹt qua quẹt lại vài lần cho màu ăn vào cọ và đem qua chấm nhẹ nhàng lên vài chỗ trên con đường cong cong đó. Màu sẽ đi theo dòng nước và chảy lan dần, lan dần.. chỗ đậm chỗ lợt. Bầu trời xanh mát của tuổi thơ. Bạn muốn hoàng hôn? hãy cho một chút màu vàng … Bạn muốn mưa gió sụt sùi? hãy cho một chút màu xám…Bạn hãy cầm tấm tranh nghiêng qua, trở lại, màu sắc sẽ theo giọt nước mà hoà quyện vào nhau để trở thành tươi đẹp hoặc ảm đạm, gần gũi hoặc cách xa, hội nhập hoặc cô đơn.

Tôi bỗng thấy tất cả cuộc đời tôi trong dòng sắc màu đó. Cha mẹ đã vẽ dòng nước trong trắng ban đầu cho tôi và từ đó tôi đã chọn người tình, người chồng, người bạn. Tôi đã chọn đường đi, chọn đứng hay nghiêng, chọn dịu hiền hay sắc sảo, chọn khiêm nhường hay phách lối, chọn đạo đức hay gian xảo, chọn thương yêu hay ghét bỏ… Tôi đã chấm vào giọt nuớc trắng tinh đó rất nhiều màu sắc khác nhau của cuộc đời và đôi khi tôi thành con chim hoàng oanh cất tiếng hót líu lo và cũng không ít lần tôi thành con trùng ngo ngoe trong lòng đất lạnh.

Như tôi nói, cô giáo là hoạ sĩ Trinh Mai, sanh tại Mỹ nhưng rất yêu Việt Nam và muốn giới thiệu với cộng đồng Mỹ và các cộng đồng khác văn hoá Việt. Cô muốn chúng tôi chẳng những vẽ tranh mà còn làm thơ đề vịnh. Mà không phải bất cứ thơ gì mà phải là thơ lục bát. Ôi cô ơi, những ngày làm thơ đã qua rồi, bây giờ cô muốn chắc là phải nhờ ông Nguyễn Du một chút nha. Để làm gương cho học viên, cô giáo bèn làm một bài thơ…lục bát và còn gạch dưới chữ thứ sáu của câu lục và chữ thứ sáu của câu bát, nhấn mạnh rằng hai chữ đó phải vần với nhau các cô chú nhé. Ngoài ra còn phải dịch ra tiếng Mỹ để người nước khác hiểu mình muốn nói cái gì chứ. Thôi thế là chữ nghĩa khua vang, bút múa lia lịa, kẻ ngó trần nhà, người ngó xuống đất, kẻ lim dim, người cắn bút.

Người nhắc lại kỷ niệm ngày đi hành quân gặp em, người nhớ về cô em nho nhỏ ngồi bên ao giặt áo, người muốn quên đi dĩ vảng, người mơ ước đến tương lai, người nhìn dòng sông tự hỏi có thể nào lại được xuôi ngược trên đó đến hai lần?...Wow, ai có ngờ đâu, già mà hồn thơ còn lai láng đến thế. Cô giáo làm bài thơ, vần thì ăn khớp mà luật bằng trắc thì … mời các bạn thưởng thức :

Mất nước, nước mắt, mất mát
Khi nào chúng tôi sẽ hát bài xưa?
Trong đời nầy sẽ thấy mưa
Và ánh sáng mỗi buổi trưa, đừng lo

(Loss of country, tears, loss of everything
When can we once again sing the song of old?
In this life, we will see rain
And light every afternoon. Worry not…)


Học viên cười vui và thương cô giáo quá chừng. Cô đã cố gắng hết sức để tự làm thơ lục bát, để cảm được những đau thương mất mát của quê hương dù cô chưa từng một ngày bị dày vò đau khổ. Cô có thể dững dưng, hờ hững nhưng cô đã chấm một nét mực vào dòng nước quê cha để nó lan chảy hòa quyện vào nổi đau chung của những cô chú học viên, của những người hát bài Nghìn Trùng Xa Cách…

Ngày thứ năm chúng tôi được chở lên Bower Museum để học làm hoa trên nỉ và vẽ tranh trên khăn lụa. Tôi rủ ông xã đi cho vui. Anh đi vòng quanh xem một số tượng điêu khắc và từ chối ngồi vào bàn để làm hoa. Anh là một người đàn ông cổ hũ, chuyện thêu thùa may vá là của đàn bà, đàn ông mà dính với kim chỉ là đàn ông…weird ! Tôi chỉ cho anh coi có bao nhiêu male senior đang cắm cúi trên miếng nỉ và năn hỉ anh hết lời. Thế là anh chịu thua và chịu cầm kim.

Người dạy chúng tôi là một cô giáo gốc Nga, cô đặt miếng nỉ lên một miếng móp xốp, lấy một loại chỉ giống như bông gòn với đủ màu sắc, vuốt chỉ ra và đặt lên nỉ. Tùy theo bức họa mẫu, có người làm thành một đóa hoa mẫu đơn, hoa hồng, hoa cúc, có người chọn hình gương mặt một nữ thần với mái tóc vàng nâu bập bềnh…Một cây kim đặc biệt được xâm xuống những mảng chỉ và giữ chúng ăn vào miếng nỉ.

Trong hơn bốn mươi năm chung sống, tôi và ông xã đã cùng nhau lên đèo xuống núi, nhìn ngắm sông hồ, biển cả, đi tàu đi xe đi máy bay, làm đủ thứ chuyện trên đời nhưng chưa bao giờ ngồi bên nhau để làm nghệ thuật. Tôi những tưởng cuộc đời đã củ, sách vở đã xếp lại, tuổi trẻ đã chôn vùi. Nhưng ngày hôm đó chúng tôi ngồi bên nhau tuy chăm chú nhưng thư giản làm hai đoá hoa, tôi cảm thấy một niềm vui mới mà tôi chưa từng biết, một tình cảm thấm đậm nhẹ nhàng mà tôi đã lãng quên. Tôi nhìn qua hình đoá hoa thô ráp của anh và cười ngắt nghẻo. Ôi nó xấu làm sao nhưng tôi thấy trong đó chứa cả một nghĩa tình thâm trọng.Anh đã can đảm từ bỏ cái tư tưởng củ kỷ đã chiếm ngự sự suy nghỉ của anh trong bảy mươi năm để hòa vào niềm vui của vợ. Hoa người ta làm nằm dưới đất còn mặt trời chói lọi bên trên. Hoa của anh èo uột nằm tuốt trên trời, mây và hoa chỉ cách nhau một sợi tóc. Tôi cười ngất cho anh biết hoa của anh rất linh thiêng vì đó là hoa Mạn Đà La, vì chỉ có loại hoa đó mới nằm ngất ngưởng tận mây xanh…Tôi cám ơn cô Eya đã cho tất cả học viên bao gồm các trưởng bối người Mỹ và các cộng đồng khác một ngày vui, phấn khởi và yêu đời.

Trở lại lớp học, cô giáo phát cho mỗi người một tấm giấy đặc biệt để vẽ tranh thủy mặc. Tôi vẽ một loại lan hồng rủ lòng thòng từ trên giàn xuống đất. Cô Trinh Mai cầm bức họa của tôi lên cho cả lớp coi và hỏi họ nghỉ gì? Một anh nhanh nhẩu nói là tôi rất đói bụng khi thấy bức họa nầy vì nó giống con tôm hùm đã được luộc chín. Quả là có nhân thì có quả. Tôi cười ông xả hôm trước vì cái hoa ‘ không giống ai của anh’, hôm nay có người thấy tác phẩm hoa lan của tôi lại nghỉ tới…lobster ! Cười người hôm trước hôm sau người cười là vậy.

Rồi chúng tôi trở lại Bower Museum để học vẽ trên khăn choàng cổ. Những ngón tay khéo léo nuôi con, giúp chồng của các bà, những bàn tay mạnh dạn vun đắp gia đình dòng giống của các ông… tưởng rằng thất thập cổ lai hi thì chúng cũng tàn phai vô dụng theo tháng năm. Ai có ngờ đâu, với sự chỉ dẫn tận tình, với lời khuyến khích chân thành …thì bao nhiêu bướm vàng lộng lẫy, bao nhiêu hoa thắm sắc màu, bao nhiêu tre xanh, mây trắng ngập trời theo ngón tay mà hiện lên tấm khăn choàng trắng tinh lã lướt.

Các bạn ơi, hãy bước ra khỏi nhà, hãy bớt xem những phim truyện Đại hàn. Hãy tận hưởng những phước báu mà ơn trên ban tặng cho chúng ta bằng cách gia nhập vào các hoạt động cộng đồng: học đàn, học hát, học vẽ, học nhảy. Hãy dùng hết tất cả những khả năng tồn đọng trong tâm hồn ta, trong trái tim ta. Hãy khơi dậy những hình ảnh trong sáng, ngây thơ. Hãy giơ tay vẫy giọt mực hồng làm sống lại những ngày thân thương củ.

Và trên hết, hãy tự tin vào khả năng sáng tạo của mình. Thứ nữa hãy vui hưởng tình thân thiết giữa người đồng hương. Tôi chưa khi nào cười vui như thế khi tranh mình bị phê bình như con tôm hùm. Tự ái, hờn giận, ganh ghét hình như cũng tan vào giọt mực.

Tôi chân thành cám ơn những người đã sáng lập ra Bower Museum, đã đem trái tim nhân ái của họ chan hòa đến tất cả mọi từng lớp, mọi giống dân. Tôi xin cám ơn ban giám đốc báo Người Việt đã cho mượn hội trường để làm lớp học. Tôi cám ơn cô giáo đã tận tình chỉ dẫn và cho chúng tôi rất nhiều nụ cười. Tôi cám ơn chị Minh Hiếu đã lo lắng giao tiếp để mọi chuyện được suông sẻ. Tôi cám ơn cô em gái nhỏ đã giới thiệu tôi đến chương trình để làm sống dậy con người nghệ sĩ trong tôi. Và xin cám ơn tất cả học viên đã cùng nhau chia xẻ thi thơ, hội hoạ và những tràng cười thân ái.

Lệ Hoa Wilson

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,254,055
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Bước qua thêm một mùa Lễ Mẹ, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả là cư dân San Jose, đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008 và ba năm sau, với bài "Thế Hệ Gạch Nối", nhận thêm giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Ngày Lễ Mẹ đang tới. Mời đọc bài viết của Dong Trinh. Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Chủ nhật cuối tuần này là Mothers Day, mời đọc bài viết mới của Năng Khiếu: chuyện về bà ngoại, đồng thời là chuyện về bà mẹ. Tác giả họ Trần, trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH.
Tháng Năm, Chủ Nhật 14 sắp tới là Mothers Day. Mời đóc bài Phan viết nhân ngày Lễ Mẹ.Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County.
Iris Đinh là tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư,
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông"
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến