Hôm nay,  

Một Vòng 5000 Miles

23/09/201300:00:00(Xem: 52368)
Người viết: Thăng Nguyễn
Bài số 4018-14-29418vb2092313


Tác giả là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Ông Tân Ngố nói, “Tay này là dân cử gốc Kinh 5, mới 52 tuổi xuân, được dân đồng kinh bầu là Hội phó Hội Sợ Vợ miền Trung tây Hoa Kỳ. Bài viết là du ký quanh nước Mỹ của gia đình Ông Phó.

* * *

Nhìn mấy đứa con cứ quanh quẩn trong nhà thấy cũng tội nghiệp, vì chỉ còn hơn một tháng nữa là chúng nó bắt đầu vào học, mà bây giờ tôi vẫn không biết cho chúng đi đâu để gọi là vacation.

Mấy đứa nhỏ muốn đi Orlando nhưng khi check vé máy bay tôi sợ quá, khoảng 700 đô la một vé, gia đình tôi 6 người thì phải mất khoảng 5000 đô, cộng tiền mướn xe, hotel, ăn uống và tiền vé đi chơi có khi nó lên tới 10 ngàn là chết chắc. Tôi chợt nghĩ ra hay là đi xe cho nó rẻ hơn.

Mấy năm trước tôi định đi một vòng từ Wichita qua Denver rồi đi Yellowstone, sau đó đi South Dakota rồi trở về nhà, nhưng bây giờ tôi phải làm sao đây cho vuông tròn.

Thông thường trước khi đi tôi phải xin hai chữ ký, ấp và xã, cũng giống như ở Việt Nam khi xưa vậy.

Tôi hỏi mánh mánh bà xã về chuyến đi này nhưng đã bị từ chối thẳng thừng, đành phải dùng kế đi đường vòng là xin chữ ký của ấp trước tức là lũ con, nếu được chấp thuận thì xã sẽ ký liền. Phải mất vài ngày tôi mới thuyết phục được mấy đứa con đi chơi một vòng quanh nước Mỹ, tốt hơn đi Orlando vì chúng nó đã đi rồi.

Tôi check internet để coi giá tiền mướn xe trước đã, mướn xe van chỉ có 52 đô một ngày, thật là quá rẻ. Hôm sau tôi vội vã xin phép đi vacation mặc dầu mình chỉ báo trước cho sếp có hai tuần.

Khi đi làm về tôi vào internet để book nhưng than ôi nó không chạy. Hôm sau tôi vào hãng và dùng điện thoại để check, không hiểu tại sao giá chỉ có 42 đô một ngày. Thấy rẻ quá tôi liền OK ngay lập tức, vì thông thường book internet sẽ rẻ hơn gọi điện thoại.

Sau đó lại lo lắng vì tôi chưa cho bà xã biết, mặc dù đã được sự chấp thuận của đám nhóc, tôi đành chơi kế khổ nhục, sẽ làm bất cứ chuyện gì bà yêu cầu.

Nhiều ngày sau khi đi làm về tôi cắm cúi làm việc nhà tới 9 hay 10 giờ tối, trông hình dáng tôi hem hễ hơn cả anh Mễ, chắc chắn ai nhìn thấy cũng phải mủi lòng huống chi là bà xã. Đến khi chỉ còn vài ngày trước khi đi tôi mới cho bà ấy biết, là kỳ này mình đi du lịch qua 8 tiểu bang để ngắm cảnh, mấy đứa bé sẽ học hỏi được rất nhiều trong chuyến đi này.

Bà ấy tôi ung dung trả lời:

- Bố con ông đi đi, tôi không đi đâu, đi du lịch có gì mà xem, tôi ở nhà nghỉ cho khỏe.

Tôi bỗng "Nghe như tiếng sét đánh ngang -bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần"...Bà ấy mà không đi thì bố con tôi đi sao được? Chắc là phải đình chuyến đi lại rồi!

Tôi không biết nhờ ai thuyết phục bả, bây giờ chỉ còn cách cầu xin ơn trên cho bà đổi ý.

Một ngày trước khi đi, bà vẫn còn bảo bố con cứ đi, để bà ấy ở nhà.

Hôm đó tôi làm tới 10 giờ tối mới xong công việc bà trao phó, tôi vội tạt vào ghé thăm bố mẹ. Tôi ghé ông bà mỗi ngày vì các cụ nay đã ngoài 90 tuổi cả rồi.

Lệ thường là nếu qua 9 giờ tối là tôi không ghé nữa, nhưng ngày mai tôi đi chơi cả tuần, nên phải ghé thăm mặc dù thể xác tâm hồn đều rã rời. Mới lú mặt vào tới cửa thì than ôi bố mẹ tôi mới bắt đầu nguyện kinh, tôi ngồi đọc theo mà đầu óc cứ quay cuồng, vì còn biết bao nhiêu việc ở nhà; hotel cho ngày mai cũng chưa có book. Tôi ráng tập trung tư tưởng, sau nửa tiếng đồng hồ thì cũng xong, mẹ tôi bảo chờ mãi không thấy con xuống nên mới đọc kinh.

Sáng hôm sau tôi dậy sớm pha cà phê và mời "Bà bề trên" ra uống. Tôi nhỏ nhẻ, ôn tồn, vừa cắn móng tay vừa nói "Em chỉ cần mang ít đồ đi thôi, mình ở hotel nên chẳng cần mang đi nhiều thứ..."

Rõ là một phép lạ, bà ấy nguẩy đít lững thững vào phòng và bắt đầu soạn quần áo vào vali.

Thấy vậy tôi vội vã vào kêu mấy đứa dậy ngay lập tức kẻo bà đổi ý thì rách việc.

Đúng 8 giờ sáng ngày thứ bảy là chúng tôi khởi hành, điểm đầu tiên là Garden City.

Tôi muốn ghé thăm một huynh trưởng là anh Nguyễn Viết Toàn, người đã vượt biên chung trên một con thuyền mỏng manh cách đây hơn 30 năm, ngày xưa hai nhà lại ở sát bên nhau trong Kinh 5.

Tôi muốn cho mấy đứa con tôi thấy sự thành công vì sự cần cù nhẫn nại của anh chị.

Tôi tới công ty thì anh vẫn còn đi coi thợ chỗ nào đó, và nói là sẽ về ngay. Gia đình tôi được chị dẫn ra kho coi những vật liệu đã mua cho hãng. Ngạc nhiên khi nhìn thấy một đống khoan điện 18V DEWALT cordless mới tinh nằm trên bàn, tôi hỏi chị sao mà mấy thứ này nằm đây quá nhiều thế này. Chị nói là thợ chỉ cần battery nên mua về mở lấy cục pin rồi cái khoan thì chẳng biết vất đi đâu đành để đó. Tôi vội xin một cái, vì ở nhà tôi có một cái khoan và hai cục battery. Chị gật đầu bảo em cứ lấy đi. Tôi lấy một cái cầm trên tay rồi tò mò đi coi những vật liệu chất đầy kho. Đang xăm xoi thì anh về tới, tôi cười bảo anh là đang ăn cắp cái khoan mà bị chủ bắt quả tang không chối cãi đâu được, anh vội kêu tôi lấy thêm chục cái cũng được, vì anh phải mua nguyên bộ hoài, nó rẻ hơn là khi mình chỉ mua một cục pin, nhưng anh chỉ cần battery mà thôi.

Được lời như cởi tấm lòng tôi cầm thêm một cái nữa mà trong lòng tràn đầy niềm vui.

Chúng tôi đi ăn, sau đó tôi định từ giã để đi cho sớm thì chị bảo chờ một chút để chị lấy trái cây cho chúng tôi mang theo. Từ nhỏ tôi ít khi dám làm phật lòng người khác nên tôi ráng ở lại để chị lấy trái cây. Trong khi chờ đợi, thì anh ấy chỉ mấy cái toilet và bảo tôi, anh mới lấy ra 5 cái từ một cái nhà kia, vì họ đổi mầu sơn, nên muốn thay nguyên bộ cho hợp, trị giá mỗi cái cũng phải vài trăm dollars, đưa về kho rồi cũng không biết làm gì, lâu lâu có mấy người quen cần thì cho họ, chứ để lâu rồi cũng phải vất đi vì chật chỗ.

Anh còn chỉ cho tôi thấy một hàng tủ lạnh, anh mua nó chỉ có vài năm thôi, nhưng người mướn nhà kêu bị trục trặc chi đó là anh order cái mới cho người ta liền, còn cái cũ thì đưa về để đó. Máy cắt cỏ, cũng như nhiều thứ khác, anh mua mới, xài được một vài tháng, đề không nổ máy là anh đành mua cái khác vì không có thì giờ mà cũng chẳng rành máy móc loại đó. Tính bữa nào kêu thợ tới sửa một lần nhưng rồi cũng chẳng làm được.

Tôi nghe thấy mà thèm, nên nói nếu anh đồng ý, tháng tới tôi mang xe bự lên chở hết, đầy một xe truck trị giá cũng gần chục ngàn, tôi sẽ mang về thay cho mấy cái nhà tôi đang cho thuê, cũng như nhà của những người Kinh 5 đang ở Wichita. Đa số bà con ta chỉ mua loại một trăm hay hơn một chút, còn thứ này đẹp và mắc, chắc ngồi trên đó thế nào cũng khoái hơn chứ.

Đang miên man suy nghĩ thì chị đưa ra bốn hộp trái cây, tôi nhìn thấy rồi nhủ thầm, ta phải ráng ăn hết, vì chị đã phải đi mua, về nhà cắt ra từng miếng nhỏ, cũng phải mất vài tiếng.

Anh chị làm việc tính ra khoảng 100 dollars một tiếng, bốn hộp tôi cầm trên tay cũng phải hai tiếng đồng hồ chứ không ít.

Chị nói chuyện với chúng tôi và còn khích lệ, các em nên đưa mấy cháu đi chơi nhiều đi, chứ để mai sau không có nhiều dịp đâu. Tôi thành thật cám ơn và từ giã.

Trước khi đi tôi đã nhìn sơ qua bản đồ của tiểu bang Kansas, từ nơi này sẽ đi về hướng nam của xa lộ 83, tôi dùng GPS nó chỉ cũng giống như tôi dự đoán từ nhà đi cho tới Dodge City, nhưng vì tôi ghé thăm anh nên đi đường khác, GPS cứ chỉ đi hướng nam, bây giờ thì nó chỉ lộn tùng phèo bắt đi hướng bắc, tôi nghĩ thầm hay là GPS nó giận mình chăng.

Ỉ i tôi chạy theo ý tôi tới gần một tiếng sau nó mới theo ý mình, nhìn đồng bằng của vùng nam Kansas thì chẳng có gì mà nói, những căn nhà trên cánh đồng minh mông bị bão lốc nay đã đổ nát, người ta không tu sửa nên trông thật điêu tàn. Nó không giống như lúc trước nghe đài BBC hay VOA nói về cảnh đồng quê, nhưng tôi cũng ráng nghêu ngao hát bản “Đồng xanh” để cho mấy đứa con cũng như để nghe bà xã chửi khéo cái giọng rè muôn thuở.

Từ xa lộ 412 tới khi gặp xa lộ 25 ở New Mexico thì cảnh vật mới thấy đẹp. Có lẽ chẳng ai bảo trời mưa mà đẹp, thế mà bố con tôi bảo đẹp mới lạ, vì vùng New Mexico đồi núi rất nhiều, và mưa cứ từng khúc một, mặt trời chiếu từ đàng xa qua những vùng đang mưa tạo ra bức tranh đủ mầu, đủ kiểu trông rất lạ.

Tôi cảm thấy rất vui vì vợ con mình đã nhận ra được cái đẹp của thiên nhiên, nếu chúng tôi ở nhà thì đã chẳng ai biết là mình thiếu đi những hình ảnh đó. Đứa con tôi than, uổng quá mình không mang máy chụp. Nó không mang vì sợ tôi la, bởi tính của nó hay để đâu quên đó, máy chụp hình mà để quên thế nào cũng bị một bài mô-ran. Tôi nói là những tấm hình này sẽ ở trong đầu các con, không ai có thể làm mất những tấm hình này, thôi lấy iphone ra mà chụp.

Chúng nó vui vẻ chụp hình lia lịa, dọc theo xa lộ 25, tôi thấy mấy xe bị cảnh sát chặn lại cho ticket, nên vội hỏi nhà tôi có mang bảo hiểm xe đi không. Bả nói đâu có nghe ông dặn mang đi. Tôi tức lắm nhưng biết sao bây giờ, đành nuốt cục tức xuống bụng vì tôi không thể trở về nhà lấy giấy tờ, thôi đành thí mạng cho trời.

Trên đường tới khách sạn, tôi nói với đứa con là coi trong giấy mướn xe coi lúc khởi hành là bao nhiêu miles, nó kiếm không thấy. Tôi quay qua hỏi bà giấy tờ để đâu, bà ấy nhanh nhẹn trả lời là cất ở nhà rồi. Tôi nhủ thầm là đã mướn xe bao nhiêu lần mà mình không biết à, bây giờ thì tôi chỉ còn tự trách thôi.

Chúng tôi tới hotel vội vã đi ăn, cũng may nó là resort nên sòng bài và tiệm ăn ở ngay đó. Ăn xong kêu mấy đứa nhỏ về phòng để hai vợ chồng đi đóng tiền điện.

Trước khi đi tới casino, anh bạn của tôi gọi phone chỉ cách đánh bài, vì tôi chưa bao giờ đánh bài nhưng cũng theo kế hoạch anh chỉ, hy vọng kiếm được tiền phòng. Tôi đặt cái chip đầu tiên xuống, người ta thì nó chồng tiền hay lấy tiền, còn tôi thì nó để nguyên. Tôi nghĩ chắc nó nhìn mặt tôi ngố quá, nhìn cách đặt tiền như đuổi ruồi của tôi nên nó tha.

Tôi chơi lúc thắng lúc thua cũng thấy vui, đang chơi thì có một cô VN khá đẹp tới ngồi chung bàn, mỗi lần cô ấy đặt một cọc, tôi cảm thấy hơi quê vì mình chơi cò con mỗi lần 1 chip 10 đồng, nhưng tự an ủi rằng, cô ấy đâu biết mình là ai. Nửa tiếng sau nó đổi người chia bài, trong vòng vài phút thì tôi thua sạch, bèn lững thững đi tìm bà xã để báo cho bà ấy biết tin vui là mới thua có 200 đô la mà thôi. Đúng là mình gặp gái nên sui thiệt.

Tôi hỏi bà có thua không thì bà cho biết là huề. Hai đứa về phòng mở mấy hộp trái cây ra ăn, tôi nhìn những hộp trái cây như những người sắp bị tử hình vì bụng còn no quá. Tôi kêu mấy đứa nhỏ ăn phụ nhưng chúng lắc đầu, cái bụng óc ách của tôi nó cũng xin ân xá cho những tù nhân. Tôi ăn vài miếng rồi cũng chịu thua, hẹn sáng mai sẽ tính.

Sáng hôm sau tôi ngồi ăn trái cây nữa và tìm cách giải quyết cho xong vì trời mùa hè, đồ ăn thức uống dễ hư lắm, tôi bèn năn nỉ nhưng chẳng ai nghe, đành lòng bỏ lại hai hộp còn mang đi hai.

Không biết chỗ tôi sắp tới vùng Santa Fe, tiểu bang New Mexico có đẹp hay không, nhưng trước tiên tôi phải đi lễ Chúa nhật cái đã. Nhà thờ Gadallupe mà Linh Mục chính xứ hiện nay là cha Trí quê ở Kinh F gần Kinh 5 quê tôi. Lễ xong cha đi bắt tay từng người, tôi nhân cơ hội này tự giới thiệu gốc gác. Nghe tới quê vùng mấy kinh Cái Sắn- Kiên Giang là cha thích liền, hay là vì thấy tôi ngố nghế nên thương hại mới khuyên ngoài việc đi Loretto Chapel, Downtown, anh chị nên đi Chimayo Shrine, nếu không đi là điều thiếu sót lớn đó.

Cám ơn xong chúng tôi đi coi The Shrine of Our Lady Guadalupe, đó là ngôi nhà thờ vách tường bằng đất nay đã được coi là di tích lich sử, sau đó đi Loretto Chapel, cái tên nghe hơi lạ. Tôi thường nghe bà con nói tới cầu thang ông thánh Giuse, nhưng chẳng biết ở đâu, tới đây mới biết chính là Loretto Chapel ở thành phố Santa Fe này.

Ghé Downtown chúng tôi vào thăm nhà thờ chính tòa. Đây là những toà nhà được kiến trúc theo kiểu người Da đỏ hồi xưa rất đẹp, dù đã đi ngang qua thành phố này vài lần, nhưng chưa bao giờ tôi dừng lại để ngắm vẻ đẹp của nó.

Và đây là Chimayo Shrine, lần đầu tiên chúng tôi được thấy nhiều cảnh đẹp quá sức tưởng tượng. Từ Alamosa tới Sand Dunes trong tiểu bang Colorado, chúng tôi vô Steak House ăn tối, không ngờ thịt bò nơi đây ngon như thế, nếu trở lại lần nữa sẽ là nơi tôi ghé vào đầu tiên.

Sáng hôm sau chúng tôi tới Sand Dunes, khi tới nơi du khách có cảm tưởng đang ở trên sa mạc, chung quanh là núi mà ở giữa là một bãi cát minh mông. Mới sáng sớm nên trời thật mát, mấy đứa con tôi đi lên tới đỉnh, khi vừa tới nơi thì trời đổ cơn mưa, mấy đứa nhỏ vội chạy xuống nên bị té từ đỉnh lăn cù xuống dưới. Chúng nó ướt như chuột lột.

Sau khi tắm rửa sơ qua chúng tôi đi Colorado Spring để tới Cave of the Wind, Garden of God và Seven Fall. Bọn nhóc không chịu đi Cave Of The Wind vì than rằng giầy bị ướt mem, thế là tôi đành ghé tiệm mua cho mỗi đứa một đôi giầy mới để vào động.

Một người anh em họ ở Denver là anh Độ gọi phone, bảo là mẹ anh đã nấu sẵn cơm chiều và chờ chúng tôi về ăn. Tôi tính ở hotel nhưng anh không cho và bắt buộc là phải về đó ngủ. Tới nhà anh gần 9 giờ tối, cả nhà tôi được một bữa cơm rất ngon miệng, nói chuyện nổ như bắp rang.

Sáng hôm sau thức dậy tính đi hồ ở trên núi, nhưng "Bà bề trên của tôi" kêu nhức đầu, thế là đành phải để cho vợ con ngủ thêm mấy tiếng để lấy sức, đến 11 giờ mới nhổ rễ ra đi.

Tôi mướn pontoon giống như ở Table Rock, nhưng mấy đứa con thì có vẻ không thích. Bà Sếp của tôi sợ say sóng nên ngồi nghểnh mặt trên bờ, đôi mắt bồ câu quá đát ngước lên nhìn trời hiu quạnh.

Mướn tàu ở đây rẻ hơn ở Branson nhiều, mấy cha con vui đùa thoả thích.

Khi đến Boulder chúng tôi đi chợ ngoài trời theo kiểu Pháp, bà xã tôi có vẻ thích thú nên đi lòng vòng hoài, nên dù đã hẹn về sớm để đi ăn nhưng về tới nơi thì 9 giờ tối rồi, cũng may chị Độ đã làm sẵn món ăn để đãi khách.

Tôi lên Net tìm khách sạn cho ngày hôm sau ở Yellowstone. Công viên này trải dài trên 3 tiểu bang: Wyoming, Montana và Idaho. Vì là mùa hè nên khách sạn ở Jackson Hole gần Yellowstone giá rất cao, cái rẻ nhất cũng hơn 200 một đêm, tôi đành mướn resort cách đó 30 miles.

Chúng tôi thật may mắn là đã mướn chỗ này, vì tới đây mới thấy ở đây đồ ăn ngon và cảnh quá đẹp, nó làm cho chúng tôi có cảm tưởng mình là triệu phú, vì cả đời tôi chưa bao giờ được hưởng những sự ưu đãi như vậy.

Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm và khởi hành đi Yellowstone, mọi người có vẻ hớn hở vì tôi đã từng nghe và đọc về cảnh đẹp ở đây. Có tới hai cái National park ở bên nhau đó là Grand Teton và Yellowstone, nên tôi từ cổng hướng nam bắt đầu từ Grand Teton đi về hướng bắc để tới Yellowstone. Hầu hết du khách tới đây là phải tới Old Faithfull để coi nước phun từ lòng đất. Có tới vài ngàn người đang ngồi chờ để nước phun lên. Vì thời giờ có hạn nên tôi không dừng lại nhiều để ngó trời ngó đất vì trong ngày hôm nay, tôi phải chạy tới Sheridan để hôm sau đi Mount Rushmore cho nó gần hơn.

Tính đi sớm nhưng mãi 9 giờ bầu đoàn thê tử mới ra khỏi khách sạn. Trước khi tới Mount Rushmore (S. Dakota), chúng tôi ghé qua Devil Tower (Wyoming).

Theo truyền thuyết của người dân da đỏ: Một đứa bé đi chơi bị con gấu đuổi, nó trèo lên một mô đất, con gấu đuổi tới gần lắm rồi, nó sợ quá và cầu xin, thế là mô đất tự động đùn lên cao để cho con gấu không bắt được em.

Nhìn từ xa chúng ta thấy quả núi cao 650ft, giống hệt bị móng chân con gấu cào từ trên xuống dưới.

Cảnh trí nơi đây thật đẹp, đi quanh một vòng cái Tower này cũng mất khoảng một tiếng. Sau đó chúng tôi tới Mount Rushmore, nơi đây du khách thật đông, đầu đen hầu hết là mấy anh "nước lạ" nói tiếng Tàu xí xô xí xào rất ồn ào. Hồi mấy năm trước đầu đen là Việt Nam nhưng bây giờ thì khác hẳn.

Lịch sử về người Da đỏ có ghi lại rằng, chiến tranh giữa thổ dân và chính phủ Mỹ đã xẩy ra rất khốc liệt ở vùng Montana, Wyoming và South Dakota. Nếu chúng ta đi trên xa lộ 90 sẽ thấy những địa danh này. Để tưởng nhớ những vị tù trưởng đó, ông Korczak Ziokowski là thành viên xây dựng Mount Rushmore đã lập chương trình xẻ núi, để làm thành bức tượng một vị tù trưởng cỡi ngựa, đó là Crazy Horse Monument, đã khởi công cách nay 64 năm rồi nhưng vẫn chưa hoàn thành. Hy vọng họ sẽ hoàn tất trước khi tôi chết.

Gia đình tôi rất thích cảnh vật ở đây, còn mấy đứa nhóc tuy chưa bao giờ nghe tới những địa danh này, thế mà bây giờ chúng nó lại có vẻ thích thú lắm.

Về khách sạn nghỉ thì cha chả là cha chả... có cả Water Park ở bên trong, thế là mấy đứa con rủ bố mẹ đi tắm hết. Tôi ra đó được một tiếng thì phờ râu trê, đành xin đầu hàng để về nghỉ ngơi vì quá mệt.

Hôm sau theo chương trình là chúng tôi sẽ đi Bad Land trước khi trở về nhà.

Ăn sáng xong bà xã tôi bất ngờ ra lệnh: "Đi về nhà không đi đâu nữa, mệt lắm rồi"!

Tôi tức muốn chết, vì nghe nói cảnh ở đây rất đẹp, bây giờ mình đã tới đây mà không đi thì có uổng không.

Tôi bèn năn nỉ, cũng cắn móng tay, cũng với giọng run run truyền cảm...may thay, bà ấy hỏi nơi đó có trên đường về nhà không.

Tuy không biết chắc, nhưng tôi cũng đủ thông minh mà đáp chắc nịch như đinh đóng cột: "Thì trên đường về chứ còn gì nữa".

Hai bên đường chẳng thấy gì đẹp đẽ, tôi đâm ra lo sợ vì nếu nó như thế này thì tôi sẽ bị bà xã chì chiết là không nghe lời bà, bất tuân thượng lệnh, nhưng cũng may khi tới cổng thì cảnh vật hiện ra thật đẹp, tôi có cảm tưởng đang ở vùng Trung đông với cảnh núi đồi trùng điệp, kéo dài tới 35 miles.

Du khách nếu muốn dừng lại thì dừng, còn không thì cứ ngồi trên xe chạy một vòng coi cảnh vật.

Ra khỏi vùng Bad Land chúng tôi trực chỉ về nhà.

Tôi đã học được một kinh nghiệm: nếu nhìn kiếng chiếu hậu mà thấy bà ấy đẹp thì có thể kêu đổi tài xế, còn không thì cứ việc cắm đầu mà chạy. Hôm nay sau khi coi cảnh xong, tự nhiên bà ấy bảo để em lái cho, tôi mừng quá vội đổi chỗ.

Thông thường khi đi xa mình nên đi interstate highway, nhưng bây giờ đi đâu cũng phải nhờ GPS, nó chỉ đi state highway nên tôi cũng phải theo. Nhờ bà xã lái xe nên tôi có cơ hội ngồi đàng sau để thưởng thức cảnh đồng quê.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê mùa tay lấm chân bùn, nên nhìn cảnh vật như thế này làm tôi nhớ lại tất cả những hình ảnh của người thân thời thơ ấu; nhớ đến những người đã giúp mình; những người tôi đã làm tổn thương mà chưa có cơ hội để xin lỗi hay cám ơn.

Tôi nhớ tới họ mặc dù họ không còn nhớ tôi vì tôi chẳng có gì đặc biệt để người ta nhớ tới.

Xin cám ơn Thượng đế đã cho tôi những gì đang có, vì một thằng khờ khạo như tôi mà nay cũng có vợ có con như người ta, chắc có lẽ nó nhờ vợ chỉ bảo nên bây giờ cũng khá hơn hồi trước nhiều rồi.

Bà con tôi thường bảo, lúc tôi sinh ra ốm yếu lắm, nhờ bố mẹ tôi đã không quản ngại lo kiếm thầy kiếm thuốc nên tôi mới sống. Họ nói thuốc cho tôi uống chất cao hơn đầu người và còn kể là bánh trái tôi không ăn chỉ bóp ra nghịch.

Tôi không thể nào có thể trả ơn cho bố mẹ tôi được, tôi chỉ có cách là xin ơn trên ban cho bố mẹ tôi được khỏe mạnh, để sống với con cháu đó là điều tôi hàng cầu xin. Bố mẹ tôi đã giúp tôi tự tin mặc dù mấy đứa bạn đặt cho tôi cái tên là “thằng xe điếu” đúng với hình dáng ốm nhách, chân tay gọng ghẹo ngày xưa, mà bây giờ lại phốp pháp, sổ sữa, nặng đến gần 100 ký lô.

Tôi cứ miên man suy nghĩ ở đời không ai học được chữ ngờ, tôi đâu ngờ chuyến đi này mới biết South Dakota lại là chỗ tôi thích nhất, sau đó tới Santa Fe của New Mexico. Tôi cũng đâu có ngờ năm nay đi lại vui hơn năm trước.

Nghỉ được mấy tiếng rồi tôi cũng phải dậy để lái xe thay bà ấy. Tôi hát nghêu ngao những bản nhạc đồng quê mà tôi ưa thích.

Về tới nhà đúng 12 giờ đêm, tôi nhìn đồng hồ miles và giấy mướn xe bà xã đưa cho thì đúng 5000 miles. Tôi khệnh khạng đi vào nhà tắm, bỗng bà xã kêu lại và bảo: “Ông nhớ book hotel để đi Branson cho sớm, đừng có book trễ như lần này nữa.”

Tôi ngẩng mặt lên trời mà than một cách khoái trá rằng: “Chị Toàn ơi! Chuyến này chắc em phải đi ăn mày để trả bill cho tháng tới”

Thăng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
23/09/201307:00:00
Khách
Bài viết thật Vui và chân thành với rất nhiều ý tứ hóm hỉnh.
23/09/201307:00:00
Khách
Bài viết hay, vui và nhiều thông tin giúp ích cho những người chưa từng đi đến các nơi đó. Xin cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,992,345
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến