Hôm nay,  

Ngày Hội Việt Báo 2013

22/08/201300:00:00(Xem: 140551)
Tác giả sinh năm 1950, đến Mỹ năm 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, hiện sống ở Bắc Cali. Tốt nghiệp đại học ngành Early Childhood Education tại Chapman University miền Nam California hồi tháng 5, 2012 khi tròn 62 tuổi, đang volunteer tại một trường học ở Marysville trong khi chờ đi dạy. Phương Hoa đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013 và tiếp tục viết nhanh, viết khoẻ. Dù có bài mới lên chưa lâu, vẫn xin mời đọc thêm, chuyện họp mặt Việt Báo.
nhan_giai_phoa_btma_resized
Sau bao đắn đo lo ngại rồi cuối cùng cái lưng “xi cà que” của tôi nó cũng phải đầu hàng, để yên cho tôi bay đến Nam Cali an toàn –với sự trợ giúp của cái giây nịt “back support”– và dự được một ngày vui đáng nhớ.

Ngày thứ Sáu trước đó, từ phi trường tôi và ông xã về nhà nhỏ cháu Thúy nghỉ một lát, rồi nhờ nó chở đi thăm tòa sọan Việt Báo để tôi được nhìn mặt tận tường thần tượng “Tôi làm con gái, buồn như lá cây” và “Đêm nghe tiếng đại bác” Nhã Ca mà tôi hằng tôn sùng từ thời con gái.

Tôi thật ngạc nhiên và xúc động khi bước vào cái tòa sọan nhỏ nhưng chứa đựng những tấm lòng rất lớn này. Nhân số trong tòa sọan đếm không đủ trên mười đầu ngón tay, mà lại vận hành thông suốt một tờ báo lớn mỗi ngày như vậy, lại còn tờ báo mạng nữa. Hôm ấy là ngày thứ Sáu cuối tuần, mọi người hối hả làm việc để báo được tiếp tục phát hành trong mấy ngày nghỉ. Khách khứa ra vô liên tục. Dù tất bật chạy qua chạy lại, ai nấy đều vui vẻ chào đón chúng tôi, làm tôi có cảm giác như là mình đang…về lại nhà mình. Cô Hằng thân thiện nói cười, Hòa Bình lăng xăng kéo tôi đi gặp chị Nhã Ca, rồi thấy chị đang bận trên điện thoại, cô dắt chúng tôi vào chào hỏi anh Trần Dạ Từ. Anh Từ cũng đang có khách, nhưng anh giải quyết nhanh chóng rồi bước ra trò chuyện với chúng tôi. Câu đầu tiên anh nói, cho đến bây giờ mỗi khi nhớ lại tôi đều không khỏi mỉm cười, “Trông đâu có giống ngọa zăn sĩ nhỉ.” Anh đâu có biết, tôi đã phải cố gắng như thế nào để những bước đi khỏi xiêu vẹo vì cái lưng đau trên đôi giày cao gót.

Thường thì ở nhà tôi không thể ngồi lâu quá một giờ, vậy mà niềm vui đến được Nam Cali làm đã làm cho tôi quên đi tất cả. Anh Từ nói chuyện rất vui vẻ và thân tình. Thú thật khi chưa gặp mặt, dù rất ngưỡng mộ nhưng tôi cũng… ngán vị “đại lão tiền bối” này. Có một lần vì quá tâm đắc với những chỗ đã được biên tập lại trong bài viết của tôi, khi gửi bài kế tôi mạo muội xin gọi “ngài” là tiền bối, nhưng ngài im re bà rè không thèm “trả vốn trả lời” gì hết nên tôi đã tưởng tượng “những người nổi tiếng hay làm mặt… lạnh với thiên hạ.” Bây giờ gặp “ông Từ” tôi mới nhận ra ông còn lành hơn cả “ông từ giữ đền.”

Anh Từ khuyên tôi hãy cố gắng lên vì “có tác giả phải viết đến bảy, tám năm mới được giải chung kết chứ không ai mới viết lần đầu mà được ngay đâu.” Tôi là người mới thập thò vào ngưỡng cửa VVNM, được vào chung kết, được sắp hàng chung với những vị “tai to mặt lớn” là đã vinh dự và mừng “hết lớn” rồi, làm sao dám mơ cao.

Cô Hòa Bình hình như “mệt phờ râu” nhưng vẻ mặt thì vẫn tươi roi rói, lôi hai vợ chồng tôi đến trước tấm bảng “Welcome, Chào Mừng Tác Giả giải thưởng Việt Báo” để chụp hình. Lát sau về nhà, Thúy mở facebook lên đã thấy hình chúng tôi đứng “thù lù” trên ấy. Quả thật là một sự chào đón đầy… “ấn tượng!”

Buổi sáng với Nhóm Việt Bút

Ngày hôm sau tôi nhận được email của Khôi An cho biết nhóm Việt Bút sẽ họp mặt vào sáng Chúa Nhật tại “Sai Gon Insurance” trên đường Bolsa và “Thay mặt các bạn mà chị sẽ quen, KhA mời chị ghé chơi.” Lâu nay tôi đọc “here and there,” nghe chuyện về diễn đàn Việt Bút, tôi rất thèm được “nhào vô” ké cẩm, nhưng nghĩ mình là “lính mới, vô danh tiểu tốt” chưa có “công trạng” gì nên không dám hỏi thăm Việt Báo để xin địa chỉ của nhóm này. Dịp may đến, khi cô Hằng Việt Báo email chung kêu các tác giả trúng giải gửi hình, tôi mừng quính bèn “chôm”luôn địa chỉ emai của Khôi An và Mimosa Phương Vinh rồi viết thư làm quen. Khi Khôi An cho biết là diễn đàn Việt Bút đã bị…phá sản rồi, vì quá vắng vẻ. Tôi tiếc hùi hụi! Phải chi tôi được gia nhập vào nhóm sớm hơn, tôi sẽ tranh thủ vào thăm… mỗi ngày để “có người trông nhà” thì có lẽ sẽ không bị đóng cửa. Bây giờ nghe Khôi An rủ đi gặp nhóm VB, tôi vui không gì bằng. Vậy là tôi tranh thủ cùng nhà tôi đi thăm bạn bè, người thân ở Nam Cali trong ngày thứ Bảy để dành trọn ngày Chúa Nhật cho họp mặt VVNM.

Sáng Chúa Nhật, tôi hì hục dò từng bước trèo lên cầu thang đến lầu hai khu nhà hàng Thăng Long cùng với nhà tôi. Đến trước cửa “SaiGon Insurance” thì gặp mấy người đang đứng ngoài cửa. Thấy tôi lớ ngớ một người hỏi có phải tôi đến với nhóm Việt Bút. Vậy là bước đầu tôi quen được tác giả xinh đẹp Thanh Mai và cậu con dễ thương, anh Nguyễn Hữu Thời điềm đạm, và bác Tân “Ngố” nhưng lại “lanh” quá trời quá đất, cùng o Điểm xinh xinh hiền thục, người tôi nghe nổi tiếng là chủ “nhà bún bò Huế.” Trong khi chờ đợi, cây cười này đã làm cho mọi người cười gần vỡ bụng, nói nhưng không cười mà để thiên hạ cười. Tôi nghĩ bác Ngố đã may mắn “cưa đổ” được người đẹp này, nhưng o Điểm cũng may mắn, vì có một đức ông chồng mà mỗi lời tuông ra đều “cù lét” người ta. Có lẽ cặp đôi này không bao giờ giận nhau, vì làm sao giận được một người có máu tếu “thần sầu” như thế chứ!

Lát sau mọi người lần lượt đến đông đủ. Tôi đã được gặp và chào hỏi tạn mặt những “huyền thọai” tuổi trẻ tài cao như Intel Khôi An và “người ấy” hát rất hay của cô, Cây Vông Thụy Nhã, My Life Hưng Cao và “nửa kia” đẹp như người mẫu của chàng. Rồi cuối cùng tôi cũng biết mặt hết những “nhân vật nổi tiếng” ngày hôm ấy, từ Bồ Tùng Ma tiền bối nói năng từ tốn chẳng có vẻ “ma” chút nào và “nàng Tiên” có đôi môi mọng cùng đôi mắt đẹp tuyệt vời, rồi đến ThaiNC “chuyên gia tình” vui vẻ thân thiện và Phan “siêu ký giả” đã cho tôi những lời khuyên hữu ích, “Đừng nghĩ là chị đang viết mà hãy viết như chị đang kể chuyện cho tôi nghe.” Ai nấy đều rất dễ thương, Donna mau mắn, Nguyễn Thị Mão tươi tắn, Iris Đinh gọn gàng, Thịnh Hương với mái tóc vàng xinh tươi như…Mỹ, Debora Tường Vân hiền lành, và Sáu Steve cao nhất nhóm mà ông nhà tôi đã “thử tài” nói tiếng Việt của ông, rồi “hết hồn” vì được bác Sáu trả lời là vợ bác có nhiều bà con ở Tuy Hòa. Cuối cùng thì rất nhiều người đến, làm một tên lính mới như tôi không tài nào nhớ hết được. Đặc biệt nhất, ông chủ dễ thương của “SaiGon Insurance” Chương Vũ, chẳng những đã vui vẻ cho mượn chỗ tụ họp cho nhóm Việt Bút mà còn xăn tay áo phụ giúp hết mình để chuẩn bị các thứ. Ông chủ này rất có lòng với cộng đồng, chắc là đồng hương mình dưới ấy cũng ủng hộ cơ sở kinh doanh này lắm lắm.

Nhìn hai bàn thức ăn được chuẩn bị, hàng lô hàng lốc đủ loại nào bánh hỏi thịt quay, nem nướng, gỏi cuốn, chả chiên, chả giò, bánh bò, bánh tiêu… đếm không xuể, và cơ man nào là thức uống, nước trái cây, nước rau má. Tôi thầm nghĩ sao mà nhóm Việt Bút lại “giàu” quá thế này! Khi tôi email hỏi Khôi An có cần đem theo gì cho cuộc họp mặt thì “hoa hậu tương lai” nói không cần đem gì cả, chỉ mang “your smiling self.” Thì ra nhóm đã chuẩn bị đâu vào đấy. Trong lúc mọi người lăng xăng bận rộn, “cụ Khoa” nhà tôi bỗng nói nhỏ anh cần đi ra đây một tí. Ngồi lại nói chuyện với anh Thời mà trong bụng tôi hơi… nghi nghi, không biết cụ chàng này “xé lẻ” đi đâu, chẳng lẽ có “cố nhân” nào ở gần đây nên “lợi dụng thời cơ” lén đi gặp gỡ. Không ngờ lát sau chàng trở lại, mang theo “cái núm ruột” của ngài lưu linh, nói là để làm lễ “ra mắt” bà con.

Sau khi ăn uống, các ca sĩ bắt đầu trổ tài. Khôi An, Thank Mai, Iris, và Tường Vân đã “toa rập” từ trước, cùng nhau hát bài nhạc “chế” trêu ghẹo các “bậc lãnh đạo” bằng những từ ngữ “bí mật nội bộ” mà tôi không hiểu gì hết như, “cà lăm” “đấm…dài” vân vân và vân vân, nên tôi chỉ biết cười toe theo. Mọi người được dịp thưởng thức những giọng oanh vàng, Khôi An và phu quân rồi đến Donna, ai nấy đều hát hay như những ca sĩ “chính hiệu con nai.”

Đến sớm mà không sớm

Đến chiều chúng tôi qua nhà hàng sớm hơn giờ thông báo nửa tiếng, để có thì giờ mua một số sách ủng hộ cho VVNM và cũng để đem về tặng cho mấy đứa con và bạn bè. Thúy nói “phải mua trước đem ra xe cất chứ sách dày nặng lắm ôm làm sao cho hết.” Điều quan trọng nữa là để làm quen với các tác giả mình mến mộ mà chưa gặp trước khi buổi lễ bắt đầu. Không ngờ đến nơi thì thấy đã tấp nập rộn ràng. Các người đẹp Việt Báo và thịên nguyên viên của buổi lễ đang họat động ráo riết, kiểm tra tên họ và cài bảng tên cho các tác giả trúng giải rồi đưa đi sắp xếp chỗ ngồi. Biết chỗ của mình rồi, tôi yên chí rảo bước trở ra quầy bán sách.


Giữa đường tôi gặp mấy người đàn ông chận lại. Nhìn thấy tôi đeo bảng tên trước ngực, một người hỏi có phải tôi là tác giả được vào chung kết. Tôi nói phải, thì ông cho biết ông là người của đài truyền hình Little Saigon TV và nói:

- Bây giờ chưa biết người nào sẽ nhận được giải gì, nhưng chị là một trong “top ten,” vậy chúng tôi xin phỏng vấn chị vài câu.

Nói xong ông ra hiệu cho máy và đèn rọi vào tôi và bắt đầu đặt câu hỏi.

Trời ạ! Hồi nào đến giờ tôi đâu có được ai phỏng vấn, nên tôi đâm ra lính quính trước ông kính và ánh đèn. Người ấy hỏi tên tác giả, tác phẩm được giải, và nội dung, ý nghĩa của tác phẩm. Tôi hơi…lập cập, giới thiệu bút hiệu của mình và tóm tắt câu chuyện của nhân vật trong truyện “Thằng Nước Mắm.” Tôi cho họ biết ý nghĩa thông điệp của bài viết là nói lên gương hiếu học, sự phấn đấu, và tấm lòng vị tha của một cậu bé Việt Nam trên đất Mỹ. Cậu từng bị bạn cùng lớp kỳ thị nhưng về sau, khi cậu lớn lên và thành công thì đã tha thứ và giúp giới thiệu việc làm cho kẻ ngày xưa từng bắt nạt mình hiện đang lâm vào tình trạng thất nghiệp. Người ký giả bèn hỏi tôi:

-Chị có tin là còn có sự kỳ thị trên nước Mỹ?

Tôi trả lời tôi tin cũng còn chút ít đâu đó, nhất là đối với trẻ em. Tôi chỉ trả lời đại theo những gì tôi nghĩ lúc đó vì không có thì giờ để suy nghĩ kỹ càng. Về nhà nhớ lại, tôi biết có lẽ lúc trả lời mình trông ngớ ngẩn lắm. Nhưng chắc khán giả TV cũng thông cảm vì tôi đâu có phải là…movie star.

Sau đó tôi gặp Khôi An, nhìn cô nàng mặc áo dài màu cam lợt rất dễ thương, tôi bỗng thấy mình…vô duyên dễ sợ. Khi ra đi tôi đã mang theo bộ quần trắng áo dài “vía” thật đẹp chuẩn bị mặc trong ngày phát giải. Nhưng buổi sáng tôi có hỏi thăm vòng vòng về trang phục thì không biết ai đó đã nói chỉ có những người trong ban tổ chức Việt Báo mới mặc áo dài thôi, còn những người lãnh giải thì thường mặc…tự do xả láng. Vậy là tôi xếp xó bộ áo dài trong vali vì ngại mình ăn mặc “uy nghi” quá sẽ bị lạc lõng. Không ngờ tôi đã bị hố một mẻ, vì các “tân khoa” đều mặc “quốc phục” hết, ngọai trừ tôi. Khôi An nghe tôi than thở lật đật hối, “Nếu chị có để nó ngoài xe thì bây giờ ra lấy để thay vẫn còn kịp.” Nhưng mà tôi đã không đủ “thông minh” để mang nó theo phòng hờ. Vô duyên là đúng rồi. Ai đời đi dự buổi lễ về “văn học văn chương văn hóa” của Việt Nam mà lại xí xọn “váy vía đầm đìa” như là đi ăn tiệc. Thôi thì đã lỡ, tôi tự hứa sẽ rút kinh nghiệm nếu như có… lần sau.

Loanh quanh một hồi tôi “đụng” phải chị Nhã Ca liền chụp chị lại xin chữ ký và xin chụp chung tấm hình làm kỷ niệm. Chị cười thật tươi, “Ừ, hôm nay thì chụp hình được đấy, chứ ngày hôm qua lu bu và không có sửa sọan gì hết.” Tôi thích quá bèn đứng bên chị, cười toét miệng và tạo “dáng đứng bến tre” để chụp hình. Rồi tôi cũng xin được chữ ký của nhân vật trong “Người Tình Không Chân Dung” Kiều Chinh và chụp mấy tấm hình với chị ấy. Những tấm hình quí giá tôi chụp chung với hai thần tượng này tôi bỏ ngay lên facebook tối hôm đó, với lời chú thích bằng Anh Việt và nhận được vô số lời trầm trồ, ngưỡng mộ, kể cả từ những người bạn Mỹ của tôi. Nếu như không có ngày đi dự VVNM, thì cả đời tôi, fan “của ngày xưa còn trẻ” này làm sao đụng đến được…vạt áo của Nhã Ca và Kiều Chinh chứ đừng nói chi là ôm vai họ để chụp hình.

Chỉ tiếc một điều, còn một nhân vật đặc biệt khác mà tôi rất ao ước muốn gặp, đó là thần tượng Khánh Ly thì lại không có mặt trong ngày hôm ấy.

Trong khi chờ đợi buổi lễ bắt đầu, tôi tranh thủ xin được rất nhiều chữ ký của các tác giả “cạo gội” kể cả chữ ký của “đại lão tiền bối” Từ và cuối cùng tôi có đầy kín hai trang chữ ký. Tuy rằng còn thiếu nhiều tác giả khác tôi mến mộ nhưng chưa gặp được hoặc kiếm không ra, nhưng nhiêu đây cũng đã là một kỷ lục tuyệt vời rồi. Quyển VVNM 2013 này của tôi phải nói là đáng giá nghìn vàng! Tôi sẽ giữ nó thật kỹ. Trong số chữ ký đó có chữ ký của “Sao Bỗng Dưng Tôi Lại Thế Này” Trương Ngọc Bảo Xuân và tôi còn được vinh dự chụp hình chung với chị cùng Hòa Bình và rất nhiều nhân vật quan trọng khác. Tôi cũng có mấy tấm hình thật đẹp chụp chung với hai Á Hậu, Phan và Mimosa Phương Vinh, đã gửi tặng Mimosa rồi, nhưng Phan thì tôi chưa có địa chỉ.

Ngồi ở hàng ghế đầu cạnh Vũ Công Ynh, lắng nghe chị Nhã Ca, Kiều Chinh, rồi đến Thượng Nghị Sĩ Lou Corea phát biểu mà lòng tôi dâng tràn cảm xúc. Tôi thật biết ơn những người sáng lập Việt Báo đã bỏ bao nhiêu là thời gian và tâm huyết để cho chúng tôi có được cái vinh dự ngày hôm nay. Nếu không có họ, tôi sẽ không có cơ hội ghi lại những kinh nghiệm bước đầu hội nhập trên nước Mỹ để lại cho con cháu tôi mai sau. Việc này đối với tôi ý nghĩa to lớn vô cùng.

Tôi cũng xúc động khi nhìn các cháu bé được phát giải Bé Viết Văn Việt. Đây là một việc làm rất hữu ích và có ý nghĩa tuyệt vời. Việt Báo chẳng những vừa làm công việc bảo tồn tiếng Việt và văn hóa Việt từ thế hệ thứ nhất và thế hệ một rưỡi như hiện nay, mà còn gieo trồng thêm những hạt giống mới cho các thế hệ tương lai, những thế hệ được sinh ra lớn lên tại Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới. Hy vọng lớp trẻ sau này sẽ kế thừa những di sản văn hóa Việt quí báu mà ông cha họ đã mang theo từ quê hương Việt Nam. Cầu mong công việc đẹp đẽ này được mọi người, mọi thành phần trong cộng đồng ta, ở Hoa Kỳ cũng như khắp nơi trên thế giới tiếp tay và cùng phát triển. Hiện nay nhiều chương trình tiếng Việt đang được giảng dạy tại các trường đại học Mỹ, đó là cũng nhờ sự cố gắng làm việc không ngừng và không mệt mỏi của cộng đồng Việt Nam. Nếu cứ tiếp tục phát triển theo cái đà này, thì chúng ta cũng sẽ giữ gìn được văn hóa Việt Nam như cộng đồng người Mễ đã giữ gìn văn hóa của họ.

Xen lẫn giữa buổi lễ là mục văn nghệ giúp vui với tiếng hát của Kim Tước, Quỳnh Giao, Quang Tuấn…và bản nhạc song tấu bỡi hai nhạc sĩ tí hon Bảo Ngọc và Quốc Nam làm mọi người lặng đi trong cảm xúc. Đặc biệt hơn nữa, “cựu hoa hậu” Lê Thị Calvin Trần đã “chơi đẹp” bằng một màn trình diễn thời trang “bỏ túi” rất ư là ngọan mục, vừa cho khán giả “rửa mắt” vừa bán đấu giá những chiếc áo đầm kiểu cách tân kỳ do chính tay nhà tạo mẫu nổi tiếng này thiết kế và ủng hộ hết số tiền bán được cho Việt Báo VVNM. Tôi hồi hộp ngồi nghe –nhưng im re không dám lên tiếng trả giá– những nhà tiêu thụ hào phóng đấu giá sôi nổi cứ y như là một cuộc đấu giá xe hơi, từ $300 nhảy đến $500 rồi vọt lẹ lên $600… Chiếc áo đầm đỏ cuối cùng quá đẹp, quá đặt biệt, có thể mặc thành nhiều kiểu khác nhau, nên tân hoa hậu Khôi An cùng tranh tài “sát nút” với trưởng nữ của cựu hoa hậu Trương Ngọc Bảo Xuân làm cho nhà thiết kế xính vính không biết bán cho bên nào, cuối cùng đành phải bán thêm một cái…y chang như vậy.

Sáu Steve Brown được vinh dự nhận giải viết văn “Trùng Quang” vì tài “học tiếng Việt” tuyệt vời mà người con trai của cụ Trùng Quang, ông Đỗ Doãn Quế đã khen là “học tiếng Việt còn giỏi hơn cả tôi nữa” khi trao giải thưởng cho “chú Sáu.”

Đến phần phát các giải đặc biệt, tác giả “Cô Bé Có Con Ngươi Hình Tam Giác” Trần Đức Lợi được thị trưởng thành phố Westminster Trí Tạ trao giải, và các tác giả khác tiếp tục nhận phần thưởng. Giải danh dự của tôi, tôi được giám khảo “Ma” trao nhưng lại bằng những phần thưởng rất thật, có giá trị “liên thành.” Sau hai Á Hậu Phan và Mimosa Phương Vinh, đến Khôi An đăng quang ngôi Hoa Hậu. Trước khi xuống Nam Cali, tôi có chọc Khôi An, kêu cô nàng hãy ra “chuồng heo” tập đọc cho thuộc lòng bài diễn văn nhận giải, vì tôi đoán cô sẽ được cái vinh dự này. Có lẽ Khôi An không thèm nghe lời xúi dại” của tôi nên sau khi nhận giải, hoa hậu đã kể lại ba câu chuyện ngắn rất ngắn nhưng thật tuyệt vời và cảm động.

Sau khi mọi người tranh nhau chụp hình lưu niệm đã đời thì bữa tiệc “All you can eat” bắt đầu với rất nhiều món “healthy” như tôm, gà, cá, và các loại rau.

Mọi người bịn rịn chia tay nhau trong lời hứa hẹn “gặp sau, gặp sau…”

Ngày hội Việt Báo 2013 đã cho tôi niềm vui không tả xiết. Tôi đã có được một chuyến đi thật tuyệt vời. Xin chúc VVNM được tồn tại mãi mãi và phát triển hơn lên. Cám ơn Việt Báo, và các tác giả “hình mẫu” đã đóng góp những tác phẩm gây nguồn cảm hứng cho tôi tham gia. Về đến nhà là tôi bắt tay vào viết tường thuật về ngày vui này, nhưng mãi đến hôm nay mới viết xong vì người cứ mãi lâng lâng không tập trung được. Chúc may mắn cho tất cả các bạn tác giả đã quen, chưa quen, và sẽ quen. Hy vọng gặp lại các bạn trong năm tới…

Bắc Cali, Tháng Tám, Hai Nghìn Mười ba.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
13/09/201312:35:25
Khách
Chào các bạn David & Hylan
Cám ­on các bạn. Phải rồi, hãy thủ­ đi, vui lá­m đó. Hy vọng sẽ gạ­p các bạn trong một ngày không xa tại VB
PH
30/08/201304:22:55
Khách
Bài viết về buổi lễ vui, và sôi nổi quá làm Hylan cũng háo hức muốn tham gia tập viết. Rất nhiều chi tiết hấp dẫn. Cám ơn tác giả đã tường thuật sống động vô cùng.
22/08/201318:26:21
Khách
Tuy là một Fan đọc VVNM Online nhưng tôi chưa bao giờ tham dự tiệc VVNM của Việt Báo. Nhưng đọc bài này tôi có cảm giác như đang có mặt tại buổi tiệc, thật hoành tráng và vui. Kỳ này năm sau tôi phải mua vé tham dự mới được. Cảm ơn tác giả và xin chúc mừng tác giả nhận giải Danh Dự VVNM.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,692,029
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Có thể bạn đã tới hoặc đã đọc về Venice, mà không dè thành phố du lịch kỳ thú này là một công trình của đám dân tị nạn. Mời đọc thêm du ký mới viết của Nguyễn Tài Ngọc.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ với cách nhiòn cách viết vui vẻ, sống động. Mong ông tiếp tục viết và vui lòng bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Nhạc sĩ Cung Tiến