Hôm nay,  

Có Bao Giờ…

01/08/201300:00:00(Xem: 106546)

Bài số 3969-14-2939v4080113 

Tác giả sinh năm 1940, cựu sĩ quan VNCH, khoá 12 SVSQ Thủ Đức, cựu tù chính trị, đến Mỹ năm 1991 theo diện H.O. 9, hiện định cư tại Greenville, South Carolina, tham dự Viết Về nước Mỹ từ 2002. Tác phẩm đã xuất bản: Hành Trình Về Phương Đông.

*** 

Jim, ông thày dạy toán, hỏi tôi lúc trà dư tửu hậu, “Có bao giờ anh nhớ nước Mỹ và nhận nước Mỹ làm quê hương chưa?”
Câu hỏi thoáng nghe thì thấy dễ trả lời nhưng nghĩ kỹ thì không phải là dễ. Để trả lời ông, tôi phải đi nguợc dòng thời gian hầu như mới có được câu trả lời có tình, có lý và làm cảm động được người nghe, dù người đó là ai.
Ngày 25 tháng 10 năm 1985, tôi “được” tha ra khỏi trại tù Gia Trung dù tôi chỉ, “yêu Miền Nam tự do và bảo vệ Miền Nam trong cương vị là một sĩ quan của QLVNCH thôi nhé, ” mà không phạm tội gì cả.
Nói là trại tù Gia Trung nhưng thực chất đây là một trong những nấm mồ vĩ đại gồm hàng chục ngàn nhà tù, lớn nhỏ chạy dài từ Miền Nam Việt Nam tới vùng rừng núi phía Bắc của nước Việt Nam, với dự định chôn sống dần dần, qua lao động khổ sai với khẩu phần chết đói và bịnh tật không có thuốc chữa, toàn thể lối hơn 2 triệu tù chính trị Miền Nam Việt Nam sau khi chế độ tự do Miền Nam Việt Nam sụp đổ do bị đồng minh phản bội đâm sau lưng VNCH.
Chúng tính như thế nhưng Trời không cho chúng thực hành ý định tàn ác này do sự sụp đổ bất ngờ của Cộng sản Nga Xô cùng khối Đông Âu nên CS Việt Nam cần tiền để duy trì bộ máy độc tài Đảng trị do đó chúng đã phải nhượng bộ Mỹ và thả anh em tù cải tạo ra và để chúng tôi đi Mỹ.
Không bị kết tội vì bất cứ lý do gì nhưng vẫn bị tù, đó là luật rừng của cái, “chế độ dân chủ gấp ngàn lần chế độ dân chủ phương Tây” như bọn, chúng thường nói.
Cuối năm 78 đầu năm 79 chúng tôi được lệnh đi phát quang những đồi cây gần trại tù và viên cai tù một đại úy quân đội CS nói với anh đội trưởng, “Các anh sẽ ở đây, trồng cây kỹ nghệ đổi lấy lương thực mà sống.”
Vậy là bản án an trí lưu đầy biệt xứ đã được quyết định và chúng tôi đã bắt đầu thi hành khi khởi sự phát quang những khu đồi nói trên.
Thế rồi tự nhiên chúng tôi bị chuyển trại về trại tù Phong Quang ở Lào Cai và sau đó về trại tù Nam Hà ở tỉnh Hà Nam Ninh riêng phần tôi cùng một số anh em tù tại Nam Hà sau đó bị chuyển trại về trại tù Gia Trung tại tỉnh Pleiku.
Đây là trại tù hắc ám nhất vì nổi tiếng là đánh chết tù nhân mà không bị trừng phạt mà có lẽ còn được khen nữa do lý luận nhuốm đầy máu của CS là, “Lấy bạo lực cách mạng để trấn áp bạo lực phản cách mạng.”
Mà, “trấn áp” đây nghĩa là gì? Rất thản nhiên CS sẽ trả lời là, “giết” những người có tư tưởng chống đối bị cho là mối đe dọa cho sự tồn tại của chế độ Cộng sản.
Đó là lý do tại sao bọn cai tù tại trại Gia Trung đã tìm cách đánh chết Trung Tá T. khi ông thảo thỉnh nguyện thư yêu cầu Trại thả Th/Tá S. ra khỏi phòng biệt giam nhân dịp Tết vì ông Th/Tá này bị vu cho tội đánh lộn với trật tự của trại tù.
Sau khi vu cho Tr/Tá T. tội “vi phạm nội quy” chúng đã biệt giam ông và đánh ông đến chết. Khi bị biệt giam thì bị cùm không được mang theo mền, chiếu gì cả lại là vào mùa đông nữa nên không bị đánh cũng đủ chết vì đói, vì lạnh rồi huống hồ còn bị đánh nữa.
Rời bỏ được cái địa ngục ấy, Tháng 11 năm 1991, gia đình tôi lên đường đi định cư ở Mỹ, mãi cho đến năm 2000 mới ổn dịnh được đời sống nhờ vòng tay rộng mở của những người Mỹ, tuy khác ngôn ngữ, màu da, chủng tộc nhưng đầy lòng nhân ái.
Cuộc sống tạm ổn rồi, tôi bèn làm một chuyến viếng thăm thủ đô Paris nơi chị cả của tôi sinh sống từ năm 1973 khi chị từ Cambodia bay qua Pháp định cư.
Lúc tôi ở tù tại trại tù Nam Hà miền Bắc Việt Nam, chị có gởi cho tôi một hộp quà 5kg qua hãng Hàng Không Air France. Sau năm lần bẩy lượt chờ đợi, trong lúc chờ đợi tới lượt thì tôi đã nhìn thấy gói quà của mình đã có một lỗ thủng. Đó là trò “rút ruột” mà thời ấy trong nước thời ấy thường gặp, đúng như câu tục ngữ, “Chó cắn áo rách.”
Một lần khác, khi nhận được gói đồ tiếp tế của bà xã tôi gởi thì bao giấy dầu đã bị thấm ướt dầu, khi mở ra mới biết là lon dầu ăn đã bị đục hai lỗ để lấy hết dầu còn cái lon thì bỏ trở lại để cho gói đồ tiếp tế không bị méo mó xô lệch. Lần thứ hai ở trại tù Gia Trung gói quà của chị tôi gởi cho tôi cũng bị trấn lột chỉ còn có mấy cái kẹo và ít viên thuốc.
Cộng sản thường nói “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.” Mà con người xã hội chủ nghĩa điển hình của bọn chúng là vậy.


Xin trở lại chuyện đi thăm Paris. Xa nghe và tưởng tượng, n ào là kinh đô ánh sáng, nào du dương tình tứ như bài thơ “Tiễn Em” của thi sĩ Cung trầm Tưởng.
Nhưng thực tế, có đến mới thấy hỡi ơi cho kinh thành Paris. Đường phố Paris thì đi đâu cũng thấy hôi mùi phân của mấy con kiki. Chỉ so với sự sạch sẽ với cái thành phố nhỏ bé Greenville, South Carolina nơi tôi ở đây, cũng thấy đáng thất vọng. Đúng là phải có tâm hồn thi sĩ, kèm theo một mối tình thì mới có thể thấy, “Ga Lyon đèn vàng” là đẹp.
Công trường L’arc de Triomphe, khải hoàn môn mà dân Paris tự hào, là một hình tròn có nhiều nhánh tỏa ra khắp nơi. Nhưng ô kìa, sao lại có một đám đông làm thành vòng tròn ở giữa một nhánh đường chạy ra cái bùng binh thế kia? Hỏi ra mới biết họ làm thành vòng tròn để che cho mấy bà ngồi xuống tiểu tiện giữa đường.
Còn như muốn tiểu ư? Nhà tiểu cộng cộng bị hóc khóa lâu rồi, vì máy bỏ tiền bị kẻ gian phá hoài nên city không còn tiền sửa nữa. Chỉ còn cách vào restaurant xin cho tiểu nhờ. Dễ thôi, nhưng phải mua một ly cà phê dù không uống.
Thời còn đi học ở Việt Nam, cứ nhận được cái carte postale chụp hình cảnh dọc bờ sông Seine là thấy đẹp biết bao. Nhưng khi đi bộ dọc theo bờ sông thì mình có cái cảm tưởng là cái mũi mình đi lạc đâu mất tiêu, do mùi xú uế xông lên ná thở luôn.
Trái lại khi bước vào tiệm bán bánh mì-bò xay Mc Donald thỉ không khí Mỹ ấm áp bao trùm toàn thân như thể là welcome người mới nhập tịch Mỹ rằng đây là nước Mỹ qua cách ứng xử văn hóa Mỹ ngay trên thủ đô ánh sáng Paris của tiệm Mc Donald.
Để trả lời câu hỏi của Jim tôi cho biết là là người Mỹ nhưng chỉ là “Mỹ giấy” theo như luật pháp Mỹ (legally paper) vì tôi không sanh đẻ tại Mỹ. Tâm trạng người khác thì không biết nhưng về phần tôi, trong tôi như có hai con người. Có lúc tôi cho tôi là Mỹ, nhưng lại có lúc tôi thấy tôi là người Việt Nam.
Nếu cái mốc trường thọ là 100 tuổi thì khi tới Mỹ tôi đã 51 tuổi. Hơn nửa đời người tôi đã là Việt Nam nên rất khó cho tôi trở thành Mỹ liền trong tâm hồn, nhưng khi đi ra nước ngoài, dù đó là Paris, khi bước vào tiệm Mc Donald ở bên Pháp thì tôi hoàn toàn bị lối ứng xử rất văn hóa này chinh phục. Lạ một điều là cảm giác này chỉ có khi mình đi ra ngoài. Còn khi đã ở trên đất Mỹ, bước vào Mc Donald thì tôi lại thấy là thường. Có lẽ vì hàng quán nào ở Mỹ cũng cư xử với khách ăn hay khách không ăn mà chỉ vào để đi tiểu nhờ đều như nhau.
Vì thế khi bước vào tiệm Mc Donald ở bên Pháp tôi cứ việc sử dụng nhà vệ sinh thoải mái không phải trả tiền, dù không ăn, mà cũng không có ai làm khó dễ. Chính cái nét văn hóa ứng xử nổi bật này đã làm tôi nhận ra sự khác nhau trong lối ứng xử giữa văn hóa Pháp và văn hóa Mỹ.
Chính cái ứng xử văn hóa này đã đánh thức nửa con người Mỹ trong tôi, chứ không phải như thế hệ các cháu cuả tôi chúng hoàn toàn là Mỹ, trong cách suy nghĩ, ứng xử như Mỹ, dù chúng nói được tiếng Việt.
Thi sĩ họ Đỗ đã có câu thơ đi vào hồn người:

Quê hương là chùm khế ngọt 
Cho con trèo hái mỗi ngày

để tả về tình yêu quê hương Việt Nam, nhưng đối với quê hương Mỹ của tôi, tôi trả lời Jim chính cách ứng xử văn minh, lịch duyệt của công ty bán bánh mì-thịt bò xay đã cho tôi thấy đây mới là quê hương mà tôi dấu yêu cho những năm tháng còn lại của tôi.
Tôi còn cho Jim biết nếu tôi hay ai đó mà chưa từng ra khỏi nước Mỹ thì câu hỏi của Jim rất khó trả lời vì bất cứ ai cũng sẽ rất nặng tình yêu quê hương cũ và nếu không có dịp bị đối xử phân biệt ở quê cũ và nhìn thấy nét văn hóa đặc trưng trong cách ứng xử nổi bật của quê hương mới tại một nước khác với nước Mỹ để so sánh, thì không biết sao mà trả lời, nếu không có dịp ra khỏi nước Mỹ.
Ai đó đã nói, “chỉ khi nào ta mất đi cái gì thì ta mới biết là ta có hạnh phúc.” nay tôi có thể nói thêm, rằng, “chỉ khi nào ra khỏi quê hương thứ hai thì ai đó mới nhận ra rằng bây giờ quê hương thứ hai này đã là quê hương của chính mình mà hồi nào vì không có dịp so sánh nên mình không hay mà thôi.”
Nước Mỹ mới chính là quê hương của tôi và nếu nói không ngoa là quê hương của những người bị đối xử phân biệt trên chính quê hương của mình như trong câu thơ của thi sĩ họ Vũ:
“Quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”
như tôi đây và những bạn, “ tù cải tạo” đang sống ở Mỹ và những quốc gia ân nhân trên thế giới là thí dụ điển hình.
Và tôi đã nhấn mạnh vớj Jim rằng “Giờ đây tôi xin nhận nơi này, nước Mỹ này, làm quê hương trong tâm hồn tôi như anh bạn tôi, anh M.P., người cùng đơn vị với tôi khi anh từ Việt Nam trở lại Mỹ sau chuyến thăm bà con ở Việt Nam nhân dịp Tết vùa qua.
Sao Nam Trần ngọc Bình

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,231,200
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến