Hôm nay,  

Chuyện Ông Mỹ Hát Nhạc Việt

07/08/201300:00:00(Xem: 178789)
Tác giả người Mỹ đầu tiên trực tiếp viết bằng Việt ngữ và có tên trong Danh Sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013. Ông xưng danh “Steve Brown tức là Sáu,” Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ thời chiến tại Việt Nam, và góp ba bài viết đặc biệt: Bài đầu kể chuyện tình 1973 giữa chàng lính Mỹ và một cô gái Việt. Ông bà nay có 7 người con, hiện ở Ohio. Bài thứ hai là tự truyện “Hành Trình Tiếng Việt Của Một Người Mỹ.” Và thứ ba phân tích chuyện làm dâu xứ Mỹ, làm rể xứ Việt, với nhiều chi tiết sống về khác biệt văn hoá. 1973-2013, hôn phối Việt - Mỹ Tuyết-Steve Brown vừa tròn 40 năm. Giải thưởng Việt Báo trân trọng chúc mừng. Sau đây là nguyên văn -không biên tập sửa chữa-bài viết thứ tư của ông Sáu kể chuyện ca hát và làm thơ về nhạc Việt. Trong thơ Việt ngữ của “ông Mỹ” có một câu “rất thơ”, chưa từng thấy ở thi sĩ Việt nào: “Mở nhạc mà nghe nắng với mưa.”
europe_2010__tuyet__922
Ông Sáu Steve Brown ở Âu châu.
Năm 1972 tôi đóng quân ở Việt Nam. Lần đầu tiên tôi nghe âm nhạc Việt Nam là ở trong trại lính. Âm điệu khác với âm nhạc Mỹ rất nhiều, tôi nghe rất lạ và thấy không thích những bài hát đó. Bây giờ tôi biết loại âm nhạc đó gọi là hát bội.

Sau đó tôi trở lại Việt Nam trong mùa xuân năm 1973 để lập gia đình. Trong thời gian “ở rể” tôi cũng hay nghe hát bội với gia đình vợ tôi. Mỗi tối chủ nhật có chương trình cải lương trên đài truyền hình, tất cả hai mươi bốn người trong đại gia đình và cả bà con hàng xóm đều đến nghe.

Âm điệu cải lương tôi thấy cũng lạ tai, tuy không đặc biệt bằng hát bội. Thế mà khi nhìn xung quanh phòng đông người tôi thấy ai cũng say mê thưởng thức. Vì vậy tôi kết luận rằng những âm điệu đó rất hay đối với người Việt, dù lúc đó tôi chưa đánh giá được. Một phần cũng vì tôi không hiểu các nghệ sĩ hát gì hết mà cũng không có ai có thể giải thích cho tôi vì lúc đó tôi chưa biết chút tiếng Việt nào cả.

Sau khi vợ chồng tôi về Mỹ tôi được nghe Tuyết (vợ tôi) hát thường xuyên. Tuyết hay hát khi nấu ăn, dọn dẹp nhà, hay là khi chúng tôi ngồi trong xe hơi. Từ đó tôi bắt đầu thích nghe âm nhạc Việt Nam, nhưng lúc đó chúng tôi không mua được nhạc Việt Nam tại Mỹ. Mãi đến đầu thập niên 80 Tuyết mới có được một băng nhạc Việt Nam. Trong một thời gian dài Tuyết chỉ có băng nhạc duy nhất đó, vì thế chúng tôi nghe đi nghe lại rất nhiều lần.

Vì nghe hoài, bài hát đầu tiên mà tôi hát theo là Ngày Buồn. Đến năm 1994 tôi thuộc lòng và hay hát bài Chuyện Giàn Thiên Lý. Tôi thích những câu, “Tôi có người vợ ngoan, đẹp như trắng mười sáu...” vì như là nhắc đến chính vợ tôi. Còn câu, “Ai ra đi mà không từng bịn rịn. Xa người yêu mà dễ mấy ai vui” thì làm tôi nhớ đến lúc đơn vị tôi phải ra khỏi Việt Nam mà trong lòng tôi không biết là tôi và Tuyết có gặp lại hay không. Khi hát “Em nhìn theo bằng nước mắt chia phôi” tôi nhớ đến lần cuối cùng chúng tôi nhìn nhau ngày tôi phải ra đi.

Những kỷ niệm đó làm bài hát gần gũi và có nhiều ý nghĩa đối với tôi.

Âm nhạc Việt Nam nhắc chuyện xưa
Lời ca thấm đáy lòng cho vừa
Biết bao ý nghĩa, tình phong phú
Mở nhạc mà nghe nắng với mưa

Đầu năm 1995 chúng tôi về thăm Việt Nam. Chúng tôi ở tại nhà chị vợ trong tỉnh Biên Hòa suốt năm tuần. Lúc đó chị vợ tôi bán kem. Bên kia đường có một trường trung học nên các cháu học sinh hay đến mua kem. Trong nhà có máy karaoke nên thỉnh thoảng tôi cũng hát cho vui.

Có lần tôi đang hát thì một số học trò đến mua kem. Tôi thấy họ có để ý nhưng không nói gì trực tiếp với tôi. Chỗ đó không phải là khu du lịch nên người Mỹ ít khi đến đó. Nhưng sau đó có mấy cháu khác đến yêu cầu tôi hát bài Chuyện Giàn Thiên Lý. Tôi ngạc nghiên nhưng không ngại ngần, tôi hát bài đó cho các cháu nghe. Sau đó, gần như mỗi ngày đều có một số cháu cùng bà con hàng xóm đến yêu cầu tôi hát cho họ nghe.

Sau khi nghe tôi hát các cháu nói chuyện, hỏi han về gia đình tôi, về cách sống ở Mỹ, và đủ mọi thứ khác. Ngày cuối cùng trước khi tôi rời Việt Nam, khoảng hai mươi cháu học trò đến chia tay với tôi. Có một người chép bài thơ Màu Tím Hoa Sim tặng cho tôi và đọc cho tôi nghe. Đặc biệt lắm! Khi nghĩ đến ý nghĩa của bài thơ đó tôi xúc động nhiều vì thật ra chiến tranh là như thế. Cũng có vài cháu viết thư đưa cho tôi lúc đó. Cho tới giờ, thỉnh thoảng vẫn còn có người yêu cầu tôi hát bài hát Chuyện Giàn Thiên Lý.

Sau khi tôi trở về Mỹ tôi quyết định thuộc lòng bài hát Những Đồi Hoa Sim. Đó là một bài nhạc mới nên lúc đầu tôi thấy rất khó khăn. Trong một thời gian dài khi lái xe đi làm tôi mở nhạc nghe bài hát đó, khá lâu sau mới có thể hát theo. Bài hát này cũng về tình yêu của một người lính chiến nên tôi thích vì cũng có sự liên hệ với kinh nghiệm của tôi.

Tôi thích khá nhiều bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh như Hàn Mặc Tử, Hoa Trinh Nữ, Anh Không Chết Đâu Anh, v.v... Trong một lần đến Việt Nam tôi đã tìm được một cuốn sách về thơ và cuộc đời của ông Hàn Mặc Tử. Hay mà buồn.

Trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn thì tôi thích hai bài Diễm Xưa và Cát Bụi. Tôi cũng rất thích bài hát Hai Chuyến Tàu Đêm của nhạc sĩ Trúc Phương. Những bài hát này được trình bày thật tuyệt vời qua các giọng ca của Thanh Tuyền, Khánh Ly, Chế Linh, Thanh Thúy, Vân Trường, Cam Ly, Như Quỳnh.

Tôi nhận thấy phần lớn những bài tôi thích có chút âm hưởng của nhạc cải lương. Có lẽ những bài cải lương mà tôi nghe bốn mươi năm trước đã ảnh hưởng đến sở thích của tôi trong âm nhạc Việt Nam.

Hiện nay chúng tôi nghe âm nhạc Việt Nam ở nhà thường xuyên. Chẳng hạn trên mạng có diễn đàn NhipCauOnline mà tôi chọn những bài hát tôi thích rồi bỏ vô một danh sách riêng, khi muốn nghe chỉ cần bấm vô thôi. Trong xe tôi cũng nghe nhạc Việt Nam, rất nhiều khi điều đó làm cho bạn Việt lẫn bạn Mỹ ngạc nhiên.

Suốt bao nhiêu năm biết tiếng Việt tôi chỉ gặp vài người Mỹ khác có thể nói tiếng Việt một cách lưu loát. Thế nhưng tôi chưa bao giờ gặp một người Mỹ khác thích và hay nghe âm nhạc Việt Nam. Quan điểm của tôi là khi mình biết thưởng thức âm nhạc chút ít thì điều đó giúp mình cảm nhận được phong tục tập quán sâu hơn. Như thế âm nhạc có gia trị nhiều hơn là giải trí mà thôi.

Tôi tin rằng ai học ngôn ngữ ngoại quốc cũng nên cố gắng làm quen và thưởng thức âm nhạc của nước đó nữa.

Sáu Steve Brown

Ý kiến bạn đọc
07/08/201319:23:31
Khách
Chú Sáu nói rất đúng. Nếu mình tìm hiểu sâu hơn về âm nhạc một nước nào đó thì sẽ cảm nhận được phong tục tập quán của nước đó một cách sâu sắc hơn. Chẳng hạn như Thầy giáo dạy Anh Văn Richard Fuller mê và trình diễn nhạc Trịnh công Sơn ở VN theo link dưới đây:

1) http://www.youtube.com/watch?list=RD02UgBt2Lpi8NM&NR=1&v=wnR6_0Y-mww&feature=endscreen
2) http://www.youtube.com/watch?v=UgBt2Lpi8NM
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,305,992
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa