Hôm nay,  

Duyên Trần

30/07/201300:00:00(Xem: 242116)
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Cô tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2012 và sau đây là bài viết thứ ba. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

***

- Có mail của mẹ không ba?
Thấy ông Hiếu đang ngồi tại bàn computer bé Nhân liền chạy đến hỏi, ông bảo nó chờ chút để ông check mail, may quá có thư, ông quay sang cười và bảo:

- Có thư của mẹ nè, con muốn tự đọc hay để ba giúp cho?

- Con muốn practice tiếng Việt, chừng nào con đọc sai thì ba help con nha.

Nói xong nó chạy đến ngồi cạnh bên ông rồi hai cha con chăm chú dõi mắt lên màn hình, nó chậm rãi đọc như sau:

Nhân, con trai yêu quý của mẹ;

Ngoại bệnh mấy tuần nay nên mẹ bận quá không có thời gian rãnh để viết thư cho con được. Con đi học có ngoan không, có được điểm tốt không? Con trai của mẹ giờ đã lớn quá rồi và có thể đọc được mail của mẹ giỏi lắm. Con nhớ phụ giúp ba làm việc nhà khi không có mẹ ở cạnh, bao giờ bà ngoại hết bệnh mẹ sẽ về thăm con liền.

Thương con nhiều lắm.Mẹ của con, Mai.

Đọc xong nó quay sang ông giọng hồn nhiên: "Ba ơi! Vậy là mẹ sắp về thăm con rồi!" Nhưng chợt nhớ ra điều gì nó lại xịu mặt xuống ngay: "Nhưng biết đến bao giờ thì ngoại mới hết bệnh hả ba?"

Ông Hiếu ôm con vào lòng và nói với nó một câu rất quen thuộc mà bé Nhân đã nghe suốt mấy năm nay: "Làm sao ba biết được!" rồi quay sang con, ông ôn tồn bảo:

- Thôi ngủ đi con! Để ba trả lời thư cho mẹ dùm con.

Bé Nhân dạ một tiếng rồi buồn buồn bỏ vô phòng của nó! Ông Hiếu cũng xốn xang không kém, ông đưa tay rê con chuột lên màn hình reply lại cái thư của "mẹ nó" như sau:

Toàn thân mến;

Cám ơn mày đã bỏ thời gian viết thư cho thằng con của tao. Nó mừng lắm nhưng nó lại hy vọng là Mai sắp về với nó. Tao không biết câu chuyện này tụi mình bịa được bao lâu nhưng với cách này bé Nhân cảm thấy rất vui vì mẹMai luôn nhớ đến nó. Giả như một ngày nào đó Mai mãi mãi không về thì tao sẽ lựa lời nói cho nó biết sau mày ạ!

Tao cũng không quên cám ơn bà xã của mày đã kiếm dùm tao một "người mẫu" giống Mai như đúc trong tấm hình kỳ rồi gửi cho bé Nhân, nó vô cùng hạnh phúc và bắt tao phải bỏ vô khung hình đặt ở đầu giường của nó, thật tội nghiệp!

Cũng đã khá khuya rồi. Hẹn mày thư sau sẽ nói chuyện nhiều hơn. Chúc đại gia đình mày lúc nào cũng bình an và hạnh phúc ở quê nhà.Bạn thân; Hiếu.

Ông Hiếu tắt máy bước vào phòng thằng con xem nó đã ngủ chưa. Con nít thật hồn nhiên, nó đã say sưa từ lúc nào. Ông trở ra phòng khách hết nhìn bức di ảnh của người vợ trên bàn thờ rồi quay sang tấm hình của Mai, Nhân và ông chụp hơn bốn năm về trước đang treo trên tường mà bất giác thở dài.

Vợ ông qua đời do tai nạn xe cộ khi ông đã 50, ở cái tuổi không còn trẻ nhưng cũng chưa gọi là quá già. Trước khi ra đi bà còn nắm tay ông trăn trối:

- Anh ráng kiếm người khác…. thay em!!!

Lúc đó ông chỉ biết ôm vợ vào lòng khóc nức nở. Hai mươi lăm năm sống bên nhau bà đã đồng cam, cộng khổ bên ông từ trong nước ra đến hải ngoại nhưng chưa bao giờ than vãn một lời. Giờ thì chỉ còn mình ông trơ trọi giữa xứ người, chưa bao ông thấy cuộc đời vô vị đến vậy. Nhiều người thấy hoàn cảnh góa bụa của ông nên hết giới thiệu bà này đến cô nọ, già có, trẻ có, xa có, gần có… nhưng ông đều lựa lời từ chối viện lẻ phải lo cho ba đứa con xong rồi mới dám nghĩ đến chuyện tái hôn. Có kẻ còn ra giá cho ông về Việt Nam cưới cháu hay con của họ một cách rất sòng phẳng không chút ngại ngần: nếu "thấy được" thì OK còn như không "hạp nhãn" thì sẽ chung đủ phần còn lai! Ông không cần tiền đến vậy, thời buổi này phụ nữ yêu bằng một trái tim nóng nhưng cái đầu thì rất lạnh; ông không còn trẻ, cũng chẳng giàu có và địa vị gì, người ta nếu có đến thì "trụ" với ông được bao nhiêu ngày?

Chôn vợ xong ông bắt đầu cảnh "gà trống nuôi con". Nói vậy thôi chứ ba đứa con gái của ông tụi nó đã lớn hết rồi. Hai đứa đầu đã ra trường có công việc ổn định và đang lập nghiệp ở tiểu bang xa. Đứa con gái nhỏ nhất, Hiếu Thảo, năm nay cũng đã 20 đang học nội trú cách nhà ba tiếng lái xe, thỉnh thoảng nó cũng ghé về thăm ông và lần nào cũng không quên kèm theo một câu:

- Ba ơi! Chắc tụi con phải kiếm vợ cho ba quá! Ba đâu già đến nổi phải ở một mình như vậy. Người ta già hơn ba cả hai mươi tuổi còn có thể kiếm được vợ "nhí" kia mà!

Ông tưởng nó nói chơi ai dè vài tháng sau, Hiếu Hiền, đứa con gái lớn gọi cho ông thông báo:

- Tuần sau ba có bận gì không, con dắt cô này về giới thiệu cho ba. Cô tên Mai, cũng hiền và đẹp như mẹ nhưng có điều trẻ hơn ba hai chục tuổi lận! Cô Mai mới sang Mỹ do bố bảo lãnh vì bố mẹ cô ly dị đã lâu nên cô phải để mẹ ở lại Việt Nam mà sang đây một mình. Con có người bạn thân quen với cô Mai tình cờ nghe được chuyện này nên con muốn làm mai cho ba… chỉ sợ ba "chê" người ta trẻ quá thôi!

Ông đang buồn nhưng nghe đứa con gái nói chuyện ông cũng muốn phì cười. Chưa kịp nói gì với nó thì ở đầu giây bên kia Hiếu Hiền đã trầm giọng xuống:

- Ba nghe lời con lần này đi, biết đâu đây là sự sắp xếp của mẹ, ba đã quên lời trăn trối của mẹ trước khi mất rồi sao?! Nếu mẹ không thực hiện được tâm nguyện của mình con nghĩ chắc mẹ cũng khó mà siêu thoát được. Người chết đã lo cho ba như vậy thì huống là người sống. Ba chị em con không yên tâm khi thấy ba sống thui thủi một mình.

Ông cảm động trước những lời nói chí tình của con gái nhưng vẫn cố trì hoãn: "Từ từ đã con, để ba tính lại coi sao!". Giọng của Hiền trở nên sôi nổi hẳn:

- Ba ơi! Cưới vợ phải cưới liền tay. Người ta đâu có ế mà ngồi chờ ba, vậy đi ba nha..

Nói xong nó cúp máy cái rụp. Ông tức cười quá. Con ép ba cưới vợ. Chuyện này chắc chỉ có ở Mỹ. Ừ! Chỉ có ra sống ở nước ngoài người ta mới cảm hết sự cô đơn của nhau khi đối diện với tuổi già tha hương, phải sống một mình. Nỗi cô đơn ám ảnh từng ngày vì quanh họ không phải là tình thân ruột thịt hay bạn bè chí cốt như ở bên nhà.

Đúng tuần sau, Hiền và Mai đã có mặt tại nhà ông Hiếu. Mai trẻ hơn số tuổi của nàng do vóc dáng nhỏ nhắn, mắt to và nụ cười luôn nhở trên môi rất thu hút, cô gái trẻ này chắc chắn là mục tiêu của rất nhiều người đàn ông nhắm đến! Sau khi chủ khách đã yên vị chào hỏi xã giao xong ông Hiếu liền nháy mắt cho Hiền vào nhà sau rồi bảo:

- Hết người rồi sao con dẫn về giới thiệu cho ba một cô trẻ đẹp vậy? Ba đã hơn 50 tuổi rồi con quên sao?!

Thấy ông Hiếu quá nghiêm trọng Hiền cười và nói với ông một cách ôn tồn:

- Thật ra ý định làm mai cho ba chỉ là idea của tự mình con thôi. Cô Mai muốn move sang đây lập nghiệp và chịu theo con về nhà mình ở nhờ vài hôm, con chợt nghĩ biết đâu đây là sự sắp xếp của mẹ. Ba cứ tin con đi, nếu hai người không có duyên thì vài hôm nữa cô Mai sẽ rời khỏi nhà mình ngay thôi. Ba không phải lo lắng nhiều về chuyện này đâu!

Ông Hiếu không biết nói sau đành lẳng lặng bước ra phòng khách tiếp chuyện với Mai. Qua trò truyện giữa hai người ông biết Mai đã tốt nghiệp Đại Học Y Khoa, trước khi đi Mỹ cô có làm việc tại một bệnh viện của nước ngoài khá nổi tiếng tại Sàigòn. Cô xin ông Hiếu được ở tạm nhà ông ít ngày để đi kiếm người bạn rồi nhờ họ tìm việc cho cô. Ông Hiếu vui vẻ nhận lời bảo nhà còn nhiều phòng trống cô đừng ngại. Mai cám ơn và bảo rằng ông quá tốt cô hy vọng sẽ sớm kiếm được việc làm để dọn ra ngoài ở ngay không dám làm phiền ông lâu!

Sáng hôm sau ông Hiếu và Mai đưa Hiền ra sân bay. Lúc chia tay ông Hiếu ở phi trường Hiền còn cười nheo mắt bảo ông rằng: "Ba nhớ bảo trọng nha!" rồi cô lẻn nhanh vào đám ông.

Những ngày tiếp theo sau đối với ông Hiếu là một khoảng thời gian trộn lẫn quá nhiều cảm xúc. Mai dọn lên ở trên lầu phòng của Thuận lúc trước còn ông thì ở tầng dưới. Mỗi ngày ông Hiếu thường ra khỏi nhà từ sáng sớm đến chiều mới về, khi về đến nhà thì Mai đã lo cơm nước dọn sẵn chờ ông. Họ cũng không trao đổi nhiều, vẫn còn e dè giữ khoảng cách, sau khi dùng bửa xong thì ai về phòng người đó. Thỉnh thoảng ông nán lại hỏi Mai đã tìm được người quen chưa và công việc ra sao, cô bảo rằng người quen thì đã tìm được rồi nhưng công việc thì chưa!

Có đôi lần Mai kể về chuyện gia đình cho ông nghe, theo lời Mai thì ba cô đã vượt biên một mình vì lúc đó không đủ tiền để ra đi cả gia đình. Khi hay tin ông đến nơi bình an mẹ Mai rất mừng thầm chờ đợi một ngày vợ chồng, cha con đoàn tụ. Nhưng rồi ba cô đến Mỹ được ít năm thì phải lòng người đàn bà khác phụ rẫy mẹ cô, bà rất đau buồn nhưng nhất quyết không bước thêm bước nữa và cố gắng nuôi Mai học hành thành tài. Lúc chưa sang đây Mai cũng rất hận ba mình nhưng giờ cô mới hiểu rằng ông đang rất đau khổ vì sống với người vợ sau này hoàn toàn không có hạnh phúc và lúc nào cũng nhớ về mẹ của Mai. Ông như người đã bước lên một con tàu, đoàn tàu đã lăn bánh ông không thể quay về sân ga cũ để gặp lại người xưa. Mai bảo yêu nhau nhưng không thể sống với nhau không khổ bằng sống với nhau mà không còn yêu nhau! Ông Hiếu nhìn Mai giây lâu, ông muốn hỏi cô đã từng yêu ai bao giờ chưa và lý do gì khiến cô phải đi Mỹ khi sự nghiệp của cô tại Việt Nam đang nhiều triển vọng nhưng nghĩ sao ông lại thôi.

Từ ngày vợ ông Hiếu qua đời ông sống cô độc một mình quen rồi, những bộ đồ lịch sự trẻ trung ông cất hết vào tủ thay vào đó là thứ quần áo tuềnh toàng ông cứ khoát đại lên người mỗi khi có việc phải đi ra ngoài riết rồi ông cũng thấy chán khi nhìn mình trong gương. Bây giờ có Mai mọi thứ dường như đã thay đổi, ông bắt đầu chăm chút cho vẻ bề ngoài của mình, nhất là những lúc có dịp đi cùng Mai trông ông trẻ lại ít nhất là mười tuổi. Thỉnh thoảng hai người cũng đi xem phim, đi ăn tối, đi shopping… nhìn ông Hiếu và Mai người ta khó mà nhận ra đây là "một đôi đũa lệch" vì dáng dấp hào hoa phong nhã từ thuở thiếu thời vẫn còn đậm nét nơi ông. Đi bên cạnh ông Mai cũng cảm thấy chút hãnh diện vì nét phong trần lịch lãm của người đàn ông từng trải.

Đó là khoảng thời gian đẹp nhất mà ông có được từ sau ngày vợ mất! Trước đây ông cứ tưởng sau khi chôn vợ xong cuộc đời ông chỉ còn là một dấu chấm hết! Sự hiện diện của Mai trong căn nhà đã đem đến cho không gian một luồng sinh khí mới bởi tiếng cười và giọng nói của cô. Trong thâm tâm của mình ông Hiếu chỉ mong sao cho Mai không tìm được việc làm cứ ở mãi trong nhà ông để ông có dịp thấy bóng nàng ra vào mỗi ngày, chỉ vậy thôi cũng đủ cho trái tim ông ngập tràn hạnh phúc. Đã hơn tuổi 50, ông nghĩ mình khó mà có thể yêu được ai một lần nữa, nhưng từ khi gặp Mai ông mới hiểu được thế nào là "lực bất tòng tâm"!

Thật ra, từ ngày vợ mất đến nay thỉnh thoảng ông cũng trải qua nhiều mối-tình-một-đêm với những người đàn bà dị chủng ở các quán bar và một cô ả "single mom" ở chỗ làm của ông. Đầu tiên là ả có cảm tình với ông trước, sau đó xin số phone, rũ ông đi ăn tối rồi qua đêm ở nhà ông vào cuối tuần. Đầu tuần gặp lại ả giơ tay "say hi" rồi tỉnh bơ làm việc tiếp không tình nghĩa, không ràng buộc! Ả chỉ tìm đến ông khi có "nhu cầu" vậy thôi! Mai là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên mà ông quen sau khi vợ mất, Mai có sự trong sáng hồn nhiên của một đứa trẻ nhưng lại mang một triết lý sống rất tự tại của kẻ đã lạc đạo. Có lần thấy ông trầm tư suy nghĩ, cô hỏi "Sao lúc nào cũng thấy anh rầu-rầu?" Ông bảo cuộc sống của ông bây giờ có gì vui? Vợ mất, con cái ra ngoài ở riêng! Ông vui với ai bây giờ? Mai yên lặng giây lâu rồi nói:

- Khó ai có thể đi chung với mình đến cuối cuộc đời lắm anh ạ! Vợ con của anh có yêu anh cách mấy nhưng họ cũng chỉ đi với anh một đoạn đường thôi, rồi thì mỗi người đều có một-nẽo-riêng-đểvề! Được sinh ra làm người là điều quý nhất trên đời, anh có sức khỏe, có cuộc sống sung túc, có con cái ngoan ngoãn, anh có nhiều thứ để vui hơn người khác! Anh cũng đừng ngồi chờ ai đó mang niềm vui đến cho mình vì như thế niềm vui của anh bị phụ thuộc vào họ! Với khả năng sẵn có anh dư điều kiện để tạo niềm vui cho mình và nhiều người khác nữa!

Ông Hiếu nhìn Mai giây lâu, lần đầu tiên sau ngày vợ mất ông thấy rung động thật sự trước một người con gái vừa xinh đẹp lại vừa hiểu biết như Mai và ông nghĩ rằng trái tim của mình từ đây có lẽ đã thuộc về cô!

Và rồi dần dà, chẳng biết sức mạnh nào xui khiến, ông đã có thể cầm tay Mai, bảo nàng là ông mong có Mai trong căn nhà này mãi. Bàn tay Mai ấm áp nằm yên trong tay ông và rồi ông nói trong tóc Mai, "Mình sẽ cưới nhau nha em!"


Mai không muốn tổ chức đám cưới rình rang vì nàng bảo không có thân bằng quyến thuộc ở đây, Mai chỉ có bố là người duy nhất, nhưng ông đang bệnh không thể ngồi máy bay di chuyển xa. Hơn nữa, Mai nghĩ bà mẹ kế và đám em cùng cha khác mẹ cũng không thích thú gì khi gặp lại nàng lần nữa.

Ông Hiếu rất tôn trọng ý kiến của Mai do vậy ông đã tổ chức một buổi tiệc cưới thật ấm cúng có sự hiện diện của một số bạn bè và thân tộc của ông. Trong ngày cưới của hai người ông Hiếu có cảm tưởng như người vui nhất không phải là ông hay Mai mà là ba cô con gái của mình! Chúng tranh nhau giành công vì đã kiếm được "stepmother" quá "cool".

Nhìn các con lăng xăng đòi chụp hình chung với "ba và cô Mai" ông cảm thấy vui mừng khôn tả và cứ ngỡ rằng đây chỉ là một giấc mơ! Ông thầm cảm ơn ba đứa con gái của mình, nếu không có sự ủng hộ của chúng chắc chắn ông không có được ngày hôm nay.

Sau đám cưới được vài tháng thì Mai báo tin cô đã mang thai. Thêm một niềm vui nữa lại đến và đây cũng là dịp để mấy cô con gái nhao nhao lên:

- Nếu kỳ này cô Mai mà sanh baby boy thì ba chị em tụi con ra rìa hết, "nữ sanh ngoại tộc" mà!

Đúng vậy thật! Kết quả siêu âm cho biết Mai sẽ sanh con trai. Đối với ông đó là ước mơ sâu kín suốt hơn hai chục năm về trước giờ đây mới trở thành thực. Ông nhớ như in ngày vợ ông có mang Hiếu Thảo sau khi bác sĩ cho biết sanh gái bà đã không dấu được những giọt nước mắt và nói với ông như một lời tạ lỗi:

- Chắc hai vợ chồng mình không có số sanh con trai, coi như em còn nợ anh một đứa con trai, kiếp sau em sẽ đền cho anh!

Ông rất thương vợ nên đã nói liền không hề suy nghĩ:

- Trai hay gái đều là con của mình, em đừng nói vậy con nó buồn.

Dẫu nói thế nhưng một đứa con trai vẫn là niềm ao ước của bao nhiêu người đàn ông khi vợ mang thai lần đầu. Giờ đây khi hay tin Mai sanh con trai ông vui mừng khôn xiết, ông ưu tiên dành cho nàng việc đặt tên con coi như "hậu tạ" công khó nhọc của nàng. Sau nhiều ngày suy nghĩ Mai bảo nàng muốn đứa con trai của hai người có tên là Nhân. Ông Hiếu hơi bàng hoàng, ông không tin vào tai của mình và hỏi lại Mai:" Tên Nhân? Nhưng chữ lót là gì em có thể cho anh biết luôn được không?

- Hiếu Nhân. Anh có ba cô con gái Hiếu Hiền, Hiếu Thuận và Hiếu Thảo nên em muốn đặt tên cho con mình là Hiếu Nhân. Anh thấy có ổn không?

Không sai vào đâu được. Đây là cái tên mà mỗi lần mang bầu vợ ông luôn nói đi nói lại nếu con trai sẽ đặt là Hiếu Nhân. Nhưng đã ba lần cái tên này chưa có dịp được ghi vào giấy khai sanh. Thấy ông thẫn thờ Mai hỏi lại ông lần nữa:

- Nếu anh không thích cái tên đó thì mình sẽ tìm một cái tên khác cũng được mà!

Ông vội xua tay: "Không đâu em, cái tên này rất hay và có ý nghĩa. Anh cũng thích cái tên này từ lâu lắm rồi!" Ông định nói thêm cho nàng biết là vợ ông ngày xưa cũng muốn đặt tên này cho con trai của hai người nhưng ông kịp dừng lại. Ông cảm thấy có một sự mơ hồ về mối liên hệ giữa người vợ quá cố với đứa con sắp ra đời và cả với Mai nữa. Nhưng! Biết đâu cũng chỉ là một sự trùng hợp hết sức ngẫu nhiên! Ông nghĩ vậy và không hề đắn đo suy nghĩ nữa vì niềm vui về đứa con trai đã lấn chiếm hết tâm hồn ông.

Rồi thì bé Nhân đã ra đời đem đến niềm vui không dứt cho cả gia đình, ba cô con gái cứ gọi về liên tục chúc mừng ông Hiếu đã có con trai "nối dõi tông đường". Kể từ ngày vợ qua đời chưa bao giờ ông Hiếu dám nghĩ cuộc đời mình lại có được những ngày vui trọn vẹn như hôm nay. Đứa con đã chiếm hết thời gian của ông và Mai, họ cảm nhận hạnh phúc với mỗi bước đi tiếng nói của bé Nhân, kết quả của một tình yêu tuy muộn màng nhưng đầy xúc cảm mà Mai đã mang đến trao tặng ông.

Khi Nhân được hơn ba tuổi thì Mai cũng kiếm được một chân làm part-time ở một đại lý bán vé máy bay vào cuối tuần. Chỉ mấy ngày sau khi nhận nhiệm sở vào một buổi chiều nọ từ chỗ làm về Mai cho hay cuối tuần này phải bay sang Canada trong vòng hai hôm, vì công việc cần nên nàng không thể từ chối được. Ông Hiếu nói Mai cứ yên tâm, ông có thể thu xếp mọi việc ổn thôi.

Buổi sáng ngày Mai đi có một cô bạn dừng xe ngoài cổng đón nàng rồi cả hai cùng ra phi trường. Trước khi rời khỏi nhà Mai còn đến ôm hôn ông và bé Nhân, bịn rịn chia tay rồi mới quay lưng. Hai ngày trôi qua thật dài đăng đẳng, ông gọi cho Mai nhiều lần nhưng không liên lạc được đến ngày thứ ba cũng không nghe tin tức của Mai. Ông bắt đầu sốt ruột chạy đến chỗ làm của Mai hỏi thăm thì người ta cho hay rằng: "Ở đây không có ai tên Mai cả, chắc ông đã nhầm rồi!". Ông Hiếu như người mất hồn, gọi điện thoại khắp nơi để tìm Mai. Ông đến thông báo cho cảnh sát thì người ta cho hay không có tên của Mai trong danh sách những người bay sang Canada vào ngày hôm đó!

Những ngày sau đó đối với ông Hiếu thật khủng khiếp vừa lo cho Mai vừa phải chăm sóc bé Nhân nên ông Hiếu phải xin phép nghỉ làm ở nhà một thời gian để lấy lại cân bằng trước sự mất mát quá to lớn của hai cha con ông.

Bé Nhân còn quá nhỏ nó chưa ý thức được thế nào là sự ra đi của mẹ, chỉ có ông Hiếu là thấm thía hết nổi đau của hai lần mất vợ: người vợ trước mất đi do tai nạn còn Mai lần này cũng đột ngột ra đi mà không biết nguyên nhân! Ba cô con gái gọi về chia buồn khuyên ông hãy bình tâm và cố gắng vượt qua nghịch cảnh để lo cho bé Nhân. Nếu không có các con thì chắc ông đã khó mà vượt qua được cú sốc này!

Bốn năm đã trôi qua. Bốn năm ông Hiếu đã nuôi bé Nhân một mình tuy hơi chật vật nhưng rồi cũng xong. Trong bốn năm qua ông vẫn không tìm ra chút dấu vết gì của Mai; nhiều lần ông đã đăng báo tìm Mai nhưng đều bặt tin. Cuối cùng ông nghĩ đến chuyện dấu bé Nhân việc mất tích của mẹ vì sợ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của con, nó còn quá nhỏ để chịu đựng một sự mất mát lớn lao đến thế. Ông cứ hy vọng và chờ đợi cũng như đứa con trai ông vẫn hy vọng và chờ đợi biết đâu sẽ có một ngày bà-Ngoại-hết-bệnh mẹ sẽ về với nó!

Mai đã bước vào cuộc đời ông một cách hết sức tình cờ và cũng ra đi nhanh chóng như lần nàng đến. Bốn năm thật ngắn ngủi như là một giấc mơ. Đúng vậy Mai chỉ là một giấc mộng nhưng đứa con trai của ông lại là một điều có thực! Mai đã mang nó đến cho ông rồi ra đi như đã làm xong một bổn phận đã được ai đó ký thác! Giờ đây nhìn lại sau những sóng gió, ông Hiếu thầm cảm ơn hai người đàn bà đã đồng hành với ông một quãng đường đời, giờ đến lúc ông phải dũng cảm đi tiếp một mình như lời Mai đã khuyên ông khi xưa. Ông chỉ tiếc rằng chưa tìm được Mai, ông thấy mình cũng có một phần lỗi trong việc này, ít nhất ông muốn biết giờ đây Mai đang hiện hữu ở nơi đâu trên cõi đời này hay là nàng đã chết?!!

Trước lễ Christmas vài hôm ông Hiếu nhận được một gói quà nhỏ của bưu điện mang đến. Ông mở ra xem bên trong là một chiếc vớ dùng để trang trí vào dịp Giáng Sinh, màu đỏ làm khá công phu và một lá thư viết tay mà người gửi là Đặng Hoàng Mai. Ông không tin vào mắt mình, không còn đủ bình tỉnh ông vội vàng mở ra xem ngay:

Anh yêu quý;

Thắm thoát đã bốn năm trôi qua kể từ ngày chúng mình chia tay. Đã bao lần em định viết thư tạ lỗi cùng anh nhưng cứ đắn đo suy nghĩ mãi giờ mới thực hiện được. Em thật có lỗi với anh và con nhiều lắm, xin anh hãy tha thứ vì em đã không làm tròn bổn phận một người vợ và một người mẹ của mình.

Em đang làm việc thiện nguyện cho tổ chức Bác Sĩ Không Biên Giới (MSF: Medicins Sans Frontières) tại một đất nước nghèo khổ tận Châu Phi. Nơi đây người lớn thì thiếu ăn, thiếu nước, thiếu những phương tiện sống tối thiểu; còn trẻ em thì thiếu chữ, thiếu dinh dưỡng... Nhân loại đã bước sang thế kỷ thứ 21 từ lâu rồi, con người đã chinh phục được vũ trụ bao la, những thiên hà xa xôi ở trên trời nhưng dưới mặt đất này vẫn có những sinh linh bị chết đói, chết khát và chết vì những bệnh tật hết sức thông thường do thiếu phương tiện điều trị. Nói chung, họ mang tiếng được sinh ra làm người nhưng lại là những người cùng khổ nhất trên thế gian này!

Từ ngày còn là sinh viên em đã mang một tâm nguyện được đến đây để giúp họ hàn gắn phần nào những mất mát của kiếp người. Đây cũng là lý do vì sao em đã bỏ sự nghiệp và mẹ của em tại Việt Nam để đi theo hoài bão của mình. Những ngày đầu đến Mỹ em đã liên lạc được với cô bạn cũng làm cho tổ chức Nhân Đạo này sống tại tiểu bang của anh. Lúc đó đáng lý ra em đến thẳng nhà cô ấy nhưng chẳng hiểu sao một mối lương duyên nào đó đã dun rủi khiến em chịu đi theo Hiền đến nhà anh đểrồi yêu anh, làm vợ anh và có con với anh. Tất cả đều không tình cờ nhưng lại hoàn toàn ngoài sự chuẩn bị của em!

Và em đã chọn thời điểm ra đi của mình khi bé Nhân hơn ba tuổi vì nếu sớm hơn thì sẽ khá vất vả cho anh phải chăm sóc con một mình còn nếu trễ hơn thì chắc em khó mà đành lòng xa nó cho được. Ở đây những lúc nhớ đến con em tự an ủi rằng dẫu sao bé Nhân cũng còn có một người cha tốt và đang sống ở một nơi như thiên đường so với bọn trẻ ở đây và có cả một tương lai rạng rỡ phía trước. Nó chỉ thiếu một người mẹ nhưng em mong rằng sẽ có một ngày nó hiểu được tấm lòng của mẹ nóanh ạ!

Ba mẹ em đã mất cách đây hai năm cùng một ngày và gần như chỉ cách nhau có vài giờ. Thật lạ! Lúc sống họ không được ở bên nhau nhưng đến khi mất họ đã hẹn gặp lại nhau ở cửa thiên đường chắc để sẽ không bị thất lạc nhau nữa ở kiếp sau? So với mẹ em thì em may mắn hơn nhiều vì có anh là một người chồng quá tốt. Bốn năm làm vợ anh tuy ngắn ngủi nhưng đầy mật ngọt với em cũng đủ cho cả một đời người. Tuy nhiên, xin anh hãy hiểu cho em cũng như mẹ đã từng ủng hộ em! Có thể em sẽ về hoặc có thể sẽ không bao giờ về được vì công việc của em đôi khi cũng gặp khá nhiều nguy hiểm! Tuy nhiên, so với những người đang phải đánh đổi cả tương lai, tuổi trẻ và sinh mạng để bảo vệ cho lý tưởng tự do, dân quyền cho hàng tỷ cư dân trên quả địa cầu này thì thật chẳng đáng vào đâu anh ạ!

Giờ đây em chỉ còn anh và con là hai người thương yêu duy nhất trên thế gian này. Dù đi bất cứ nơi đâu, dù làm bất cứ việc gì, dù sống hay chết thì hình bóng anh và con vẫn mãi trong tim em. Chúc anh và con một mùa Giáng Sinh đầy ý nghĩa. Vợ của anh. Hoàng Mai.

TB: Đây là một trong những món quà Giáng Sinh em đã tự tay làm cho bọn trẻ ở đây vì không đủ phụ kiện nên khá đơn sơ nhưng đối với chúng là một vật vô cùng quý giá. Gửi đến con trai của chúng mình dùm em.

Ông Hiếu xếp lá thư của Mai lại, nước mắt cuả ông đã ràn rụa tự bao giờ. Cuối cùng thì ông đã tìm được Mai, Mai đang đi trên con đường nàng đã chọn tuy không có hoa thơm trái ngọt nhưng với lòng nhân ái những hạt giống từ bi từ đôi tay nàng sẽ ươm mầm cho cây đời mãi tươi xanh. Bất giác ông nói như thầm nhủ với chính mình: " Anh sẽ đợi em về, Mai ơi!"

Nhân vừa qua sinh nhật thứ tám cách đây ít hôm, cũng vào dịp này hai cha con ông Hiếu đã vào một nhà hàng mà mười mấy năm trước ông thường đến đây với người vợ quá cố của mình. Từ ngày vợ mất ông rất đau buồn nên mãi đến hôm nay ông mới có dịp quay lại. Hôm đó, chính bé Nhân đã kéo tay ông bắt phải ngồi đúng vào ngay cái bàn mà hồi xưa vợ chồng ông hay ngồi nó mới chịu, đến lúc bồi bàn mang thực đơn ra đưa cho ông nó đã nhanh tay dành lấy và order đúng ngay cái món mà cách đây mười mấy năm vợ của ông rất ưa thích. Ông Hiếu sửng sờ ít phút và dường như ông đã hiểu ra sự có mặt của đứa con trai của mình.

Cũng ngay phút đó một thước phim quay chậm hiện về, ông nhớ như in lời hứa của vợ mình có lần bảo sẽ đền cho ông một đứa con trai ở kiếp sau, rồi việc Mai muốn đặt tên cho con của hai người là Hiếu Nhân hoàn toàn đã không phải là chuyện tình cờ.

Vâng! Tất cả đều là hữu duyên!

Tình yêu ngày xưa đối với hai người vợ giờ đây ông Nhân dành hết cho con trai của mình. Ông cảm nhận được rằng giữa nó và ông có một mối duyên trần ràng buộc không chỉ trong quá khứ hay ở hiện tại mà biết đâu còn tiếp tục ở kiếp lai sinh nữa. Những mối nợ duyên giữa người và người ở cõi trần ai này giống như những sợi xích cứ ràng buộc và đan chồng chéo lên nhau giữa người sống và người chết giữa kiếp trước và kiếp sau khó mà thoát ra được và không biết đến bao giờ mới được giải thoát!!?

Cuộc sống có những điều hết sức kỳ diệu đôi khi vượt qua sức tưởng tượng của con người mà cho đến ngày nay khoa học vẫn không lý giải nổi. Ta từ đâu đến và ta sẽ đi về đâu? Con người vẫn cứ lần lượt đến rồi đi trong "cõi sanh tử" đầy giả hợp này theo trình tự của Tái Sinh, Nghiệp và Luân Hồi một cách không ngừng nghỉ, không gián đoạn, không bắt đầu và cũng không kết thúc!

Nguyễn Bích Thủy

Ý kiến bạn đọc
21/10/201307:00:00
Khách
Bài viết thoáng mang nét liêu trai.Khiến người đọc bị hấp dẫn,lôi cuốn theo từng thời điểm.Kết cục thật thoả mãn.Tác giả nếu viết truyện ma chắc không thua nhà văn NNN.Cám ơn bài viết hay.
05/10/201307:00:00
Khách
Bai Van y nghia sau sac, duoc viet theo mot cau chuyen doi thuong nhung day tu duy triet ly cua thuyet Nha Phat. Cam on da doc duoc bai Van hay, cau chuc cho tat ca moi nguoi deu co duoc cuoc song binh an.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,997,962
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến