Hôm nay,  

Nắng Chiều Cali

20/07/201300:00:00(Xem: 240956)
viet-ve-nuoc-my_190x135Mai Hồng Thu tức Donna Nguyễn là tác giả có tên trong danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2013. Định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1985, tác giả là cư dân miền Bắc California và đã tham dự giải thưởng Việt Báo từ 2008. Các bài viết của cô luôn cho thấy sự thẳng thắn, đôi khi ngang tàng nhưng tử tế vui vẻ. Sau đây là bài mới của cô.

Thấm thoát tôi đã sang Mỹ hơn hai mươi tám năm. Cơm áo gạo tiền khiến tôi trở thành khô khan, nhàm chán.

Nhớ ngày nào khi mới tới đất này, tôi vẫn còn “ngây thơ vô số tội”. Tuy số vốn văn chương thi phú của tôi học chưa đến nơi đến chốn, nhưng tiếng Việt vẫn còn tạm đủ xài để viết nhăng viết cuội cho vui.

Hồi mới rời Việt Nam, tôi thường viết thư gởi về quê nhà thăm người thân bạn bè kể “khổ” về những ngày đầu sống tha hương. Tôi say sưa viết. Nhưng thư hồi âm của “bên ấy” cũng kể “khổ” còn thảm hơn tôi. Thư lúc nào cũng có những màn xin tiếp tế thê lương. Sau nhiều cố gắng trên cả sức mình mà vẫn không thể đáp ứng nổi, tôi dần dần thấy nản. Chuyện liên lạc thư từ vì thế ngày càng thưa dần. Tôi đành đổi tông tự viết tự đọc cho yên chuyện.

Ngày ngày tôi ngồi ngắm ánh chiều tàn bên lưng đồi và viết được một số bài thơ ngắn mộc mạc, tự thấy... dễ thương. Thử nha:

Buồn buồn hồn lạc đi hoang,
Ước gì “một phút huy hoàng” rồi thôi,
Tìm về dĩ vãng bồi hồi
Tạm quên đi những đãi bôi miệng đời
Chia nhau chút mộng người ơi
Để lòng còn mãi sáng ngời niềm tin
Cho tôi gởi nhé chút tình
Xanh xanh một thuở khi mình mộng mơ.

Thuở đó, tôi may mắn xin được việc làm đầu tiên ở khu căn tin của một hãng thợ tiện tọa lạc trên một khu sườn đồi. Khu căn tin của hãng dành riêng cho hơn năm trăm nhân viên nghỉ ngơi ăn uống trong giờ giải lao, ăn trưa, ăn tối. Ngay thời kỳ kinh tế phồn thịnh nên khu sản xuất thường làm việc luôn cả ba ca. Vợ chồng tôi tiết kiệm tiền giữ trẻ nên kiếm việc làm hai ca khác nhau để thay phiên chăm con. Tôi làm ca chiều và được thêm lương 15% phụ trội so với lương ban ngày. Nhờ chịu khó nhanh nhẹn nên lúc nào tôi cũng xong việc sớm và được phép nghỉ giải lao nhiều hơn giờ quy định.

Khu căn tin nằm ngay bên sườn đồi; hai mặt là kiếng trong suốt nhìn ra là thấy cảnh đồi núi, cây rừng và bầu trời mây trắng bay lơ lững. Một mình một cõi; việc làm cũng dễ sắp xếp nên khi đã chu toàn bổn phận xếp giao, là tôi tha hồ tàn tàn ngồi một góc bàn, vừa nhâm nhi phần ăn vừa ngắm chiều tà ửng đỏ trên lưng đồi ngoài khung cửa kính. Có những mùa đông tuyết phủ ngập sườn đồi, trời xanh biếc xanh, mây trắng đọng lại như những cụm kẹo bông gòn hay mọi thứ hình ảnh mà tôi có thể tưởng tượng ra được.

Đó là những ngày tháng tôi thèm đọc, viết, và nói tiếng Việt nhiều nhất. Nhân viên của hãng là người đủ mọi sắc tộc nhưng chỉ có một mình tôi là người Việt làm ca chiều. Sách tôi mượn trong thư viện về đọc, nhai đi nhai lại riết cũng chán. Trong giờ giải lao tôi còn được dịp trò chuyện dăm ba câu với các nhân viên khác. Ngoài ra tôi chỉ thui thủi cặm cụi một mình. Tôi rất thích được làm việc mình ên.

Thời đó chưa có máy vi tính cá nhân, các mạng lưới xã hội, điện thoại di động, và việc giao tiếp với người ngoài trong giờ làm việc là chuyện không nên làm. Thỉnh thoảng tôi cũng thấy buồn, và sẵn dịp thường có dư dả thì giờ, tôi thường lôi giấy ra viết vớ vẩn giải sầu. Tự viết rồ tự đọc những dòng chữ mình viết cũng thấy ngồ ngộ, vui vui. Lâu lâu hứng chí tôi muốn đem những bài thơ con cóc của mình đi khoe, nhưng cũng chẳng biết khoe với ai.

Vậy là đành copy vài bài thơ viết về “nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ bạn hiền, mà không có tiền….”, than thở tiếp rồi gởi về Việt Nam “ép” bạn bè cũ đọc cho vui. Sau này, mấy lần về thăm Việt Nam, tôi mới biết họ vẫn giữ và hay đọc lại những bài thơ đó. Có người vui tánh còn trêu ghẹo là ghiền đọc thơ của tôi nữa. Hứng chí tôi gởi hết xấp thơ dầy cộm cho một người bạn giữ dùm chờ ngày có tiền dư sẽ in thành cuốn sách tặng bạn làm “kỹ nghệ.”

Năm 1994, kinh tế nước Mỹ bắt đầu suy thoái. Cứ mỗi đợt laid off hãng cho một số nhân viên nghỉ việc, là những lần chia tay đầy xót xa, bịn rịn. Cuối cùng rồi thì hãng cũng quyết định bán khu căn tin tách ra khỏi hãng tiện, và tôi cũng phải nhận giấy hồng báo nghỉ việc (pink slip). Từ đó tôi đành giã từ việc làm yêu thích nhất với những buổi giải lao có hoàng hôn tím và những giải mây muôn màu muôn sắc.

Cuộc sống đưa đẩy nhiều trắc trở, tôi không còn cơ hội mơ mộng và cũng chán viết lách. Lu xu bu với dòng đời, không còn thư từ đều với đám bạn cũ nên dần dà mất liên lạc hết.

Thất nghiệp ở nhà tôi ôn lại tiếng Anh thi vào đại học. Ngay năm học đầu, đơn xin việc của tôi cũng được nhận. Công việc gần nhà lại có giờ giấc uyển chuyển nên tôi tiếp tục vừa học vừa làm. Cộng thêm phải duy trì nhiệm vụ nội trợ và chăm sóc hai con mọn khiến tôi không còn đủ thời gian để ngủ và ăn uống thong thả như xưa. Quần quật vừa làm vừa học một thời gian dài, vốn tiếng Việt của tôi không còn phong phú nữa. Nợ cơm áo và những mối lo khác khiến tôi trở thành khô khan, vô tình và lạnh lùng trong cả lời ăn tiếng nói.

Cuộc sống thường có nhiều điều không như ý, tôi thà sống bớt lãng mạn, khỏi vui, khỏi buồn, bớt nhạy cảm với vạn vật để suy nghĩ thực tế, kiên cường hơn. Dần dần tôi thấy mình không còn giống người “sanh gần ở lò than” hay “thích đi trên mây” nữa. Tôi không còn mơ ước gì nhiều để khỏi phải thất vọng nếu không với tới được những điều ấy.

Từ ngày tôi dọn về Cali, mức sống ở đây ganh đua hơn nên cuộc sống tiếp tục vất vả. Gần đây khí hậu thất thường khiến Cali không còn hấp dẫn với tôi nữa. Tôi cảm thấy mình đã già, “gối đã mỏi, chân đã chùng”. Nhưng con cái đã “thả neo” tại San Jose; tôi an phận dừng chân nơi này.

Gần đây, bạn tôi cũng than thở về thời tiết thất thường ở Bắc Cali:

- Sao gần tới mùa hè rồi mà ở Cali vẫn còn lạnh quá. Làm ơn cho chút nắng đi.

Không ngờ chỉ vài hôm sau, trời Cali nắng chang chang bỗng nóng gắt bất ngờ. Mùa hạ ghé thăm dân cư San Jose bằng bước chân nặng nề, không khí oi bức khó ưa. Con nắng chạy đua với thời gian đang “nhiệt tình” quá độ; Trời đất có lúc như bốc lửa đốt cháy luôn chút mong chờ đã hao mòn, chán nản.

Mỗi năm nơi đây có khoảng mươi ngày nóng hừng hực gần tới một trăm độ F. Người ta ở nhà ngộp thở quá, bèn rủ nhau đi du lịch hay cắm trại những nơi có biển, có sông, có hồ. Nếu không đi chơi xa thì họ rủ nhau trú vào những khu thương mại sầm uất có máy lạnh chạy đều đều. Mặt đất này hình như bị đun nóng thật rồi. Trái đất chắc vẫn xoay tròn nhưng luật tự nhiên hình như có chút gì lựng khựng, bất thường.

Tình trạng thất nghiệp vẫn vẫn ít thuyên giảm. Nhiều người lo xa nên tiết kiệm tối đa để phòng hờ ngày nắng ngày mưa. Vì thế tôi cũng tự nhắc nhở mình nên học an phận qua ngày, chờ ngày kinh tế trở mình. Ngày mai tươi sáng đó không biết ở đâu, nơi nào, chỉ biết là có lẽ còn xa, và xa lắm. Đi du lịch tiết kiệm theo dạng Tây ba lô thì phải cần thời gian và sức khỏe. Thôi thì tôi nghĩ: quanh quẩn ở nhà “long sàng không bằng ổ chó” cũng vui. Chứ “đi đâu lanh quanh cho đời mỏi mệt” lại thêm hao đô, mòn sức làm gì.

Trở về với hiện tại, trời nóng quá bà con dẫu túi rỗng cũng phải ùn ùn chạy vào Mall, vào chợ. Họ xách bóp đi rong hầu mong tiết kiệm chút tiền khỏi bật máy lạnh ở nhà. Tiền điện tiền gas bây giờ cũng mắc mo. Ở Mỹ giàu nghèo gì cũng còn sướng chán. Ở đây bầu trời tự do, không khí trong lành, máy lạnh cũng miễn phí nếu mình vững lòng đừng đem theo tiền mặt hay thẻ tín dụng trong người khi đi dạo window shopping ở bất cứ nơi nào…

Ở Mỹ, khách hàng thật sự là thượng đế. Họ có quyền đi ngắm nghía hàng hóa mà không sợ bị ép mua như ở Việt Nam. Khỏi lo bị cô bán hàng nào liếc xéo tỏ vẻ khinh thường. Thế thì ta cứ tha hồ mà hồn nhiên…như cô tiên, trong những khu thương xá lịch sự, nghía đủ loại hàng loại sang, đẹp mà khỏi cần mua.

Bạn tôi nhiều người rủ nhau đi trốn nóng trốn nắng mua sắm cạn túi tiền hoài. Có người còn chịu khó xin vào làm part time bán thời gian cuối tuần ở những căn tiệm hàng hiệu nổi tiếng nữa. Loại tiệm này thường cho phép nhân viên mua hàng với giá ưu đãi 30% rẻ hơn giá khách hàng phải trả. Tôi thấy họ ham rẻ nên thường mua sắm nhiều hơn cả số tiền lương hàng tuần mà họ kiếm được. Rồi họ còn rủ các bạn khác mua sắm chung để hưởng giá discount chung. Họ hẹn giờ giấc quy định rồi cùng nhau tới chọn hàng. Sau đó, cô bạn làm nhân viên tan sở ra, gom hết các món hàng đã lựa sẵn, rồi trả tiền với giá discount. Sau đó, họ cùng hí hửng chia nhau các “chiến lợi phẩm” rồi rủ nhau đi ăn mừng vừa tiết kiệm (hay xài tiền rất đáng) bằng những chầu crawfish cay xé miệng. Vì không ăn cay được, lại không hảo crawfish nên tôi miễn được phần chia vui này.

Tuy tôi mua sắm không nhiều nhưng cũng khó được về tay không. Nhiều lần tôi đã mua một số món đồ hạ giá rất rẻ nhưng không thật sự cần, và chắc sẽ không bao giờ có dịp xài. Các nhà kinh doanh Mỹ đã nghiên cứu tâm lý khách hàng kỹ lắm. Bạn cứ tha hồ mà mua thử đem về. Khi đổi y, bạn cứ tự do mang trả lại. Nhưng mỗi lần trở lại tiệm bạn sẽ bị thu hút vào những món hàng khác. Và thế là lại có dịp xài tiền tiếp, có khi còn xài nhiều hơn số tiền vừa lấy lại. Trong khi ấy, tại những gian hàng người Hoa hay người Việt làm chủ, khách phải trả tiền mặt và sau đó không được quyền đổi ý. Điều này khiến khách hàng không mạnh dạn mua sắm mạnh tay.

Lâu rồi không đi shopping, nên khi vô thương xá trốn nóng tôi chợt giật mình thấy lạ. Các cửa hàng mở cửa ngồi ngáp ruồi. Không khí khác hẳn với những tháng ngày dễ kiếm sống, tiền bạc dư dả, người ta xếp hàng rồng rắn chờ cả tiếng để mà dành nhau mua đồ và chờ trả tiền. Chắc không phải chỉ vì thiếu vài đồng ăn xài của tôi mà nó não nề thế. Trời nóng hừng hực, đi quán ăn thì thấy bà con vẫn ăn uống no say thoải mái. Nhưng vào shopping thì thấy lưa thưa ít người. Mà hình như họ cũng như tôi, chỉ ngắm chứ không mua. Có lẽ nền kinh tế còn suy thoái nên mọi người không còn hứng thú ăn xài nữa.

Cái khổ của những ngày hè Bắc Cali là buổi sáng thì se lạnh mà chiều thì lại nóng đến ngộp thở luôn. Cũng có những buổi chiều tôi cùng ông xã xách xe chạy lòng vòng trước khi đi ăn tối ở ngoài. Thường khi chúng tôi chạy long nhong trên xa lộ, là những lúc nắng lại nhẹ nhàng chia nửa bãi, và mặt trời bắt đầu dần khuất phía sau đồi. Có những lúc anh kêu tôi ngắm mặt trời đang lặn rất nhanh. Vậy mà tôi chỉ thường ỡm ờ cho qua chuyện. Một chiều thứ Sáu, hai đứa chạy tới tận biển San Francisco, rồi ghé vào khu chợ Safeway khúc đường Fulton mua đồ ăn, uống trước khi ra bờ biển. Khi chúng tôi đang xếp hàng dài chờ trả tiền hơi lâu thì anh bảo tôi:

- Em chạy ra coi mặt trời lặn đi…để anh đứng trả tiền được rồi.

Ừ, đi thì đi. Mặt trời lặn thì vẫn đẹp, nắng chiều về vẫn lung linh. Nhưng sau một ngày làm việc căng thẳng, còn phải ngồi xe cả tiếng đồng, tôi không còn tâm trạng để ngắm hoàng hôn nữa. Vì thế tôi hững hờ bước khỏi chợ, lang thang bước qua đường vừa kịp nhìn thấy nắng chiều đang vàng hanh, mặt trời dần khuất nhè nhẹ, chuyển màu như hờn giận. Lúc ngày sắp tắt, trời chiều hiu hắt. Tôi chợt giật mình nhớ lại không biết bao nhiêu năm rồi, tôi luôn luôn hờ hững với mọi thứ. Dòng đời trôi mãi, tôi đã không còn nhận ra chính mình.

Một ngày có hai mươi bốn tiếng, tôi vẫn không hiểu sao, một ngày ở Mỹ hình như ngắn hơn một ngày ở Việt Nam. Có thể khí hậu, địa chất, và cả cơ địa có ảnh hưởng gì đó với nhịp sống và hương thời gian.

Có thể khi chúng ta không có cùng không gian và thời gian, thì chắc cũng không cùng định mệnh, nhịp sống, cũng không cùng trang giấy. Có những giây phút thật nhẹ nhàng, thật thanh thản của nhịp đời; nhưng chúng ta vẫn sống vội vã, tranh đua, bon chen sinh tồn. Chúng ta mải mê với tiền tài danh vọng, vật chất, với những món hàng điện tử như Ipad, Iphone...v...v... nhưng chúng ta lại bỏ quên những giây phút đẹp miễn phí với thiên nhiên, với những người thân quanh mình.

Hôm qua tôi lại đi shopping trốn nóng cùng bạn bè để có những trận cười thật hồn nhiên thanh thản.

Hôm nay trời vẫn nóng gay gắt. Nhưng nắng về chiều đã dịu và cũng có chút gió nhè nhẹ, như nhắc khẽ và gợi nhớ gợi thương. Tâm hồn tôi, chất lãng mạn tuy đã hao mòn xơ xác, nhưng nhờ nắng chiều lung linh, vẫn khiến tôi có thể vấn vương, mơ về những giấc mộng đơn giản bình an… Ước gì đây là nóng, là nắng của quê hương. Tôi chợt thấy thèm những cơn mưa rào của một thời thơ ấu “cởi truồng tắm mưa”, có bạn bè thân thiết vô điều kiện. Ước gì không gian thu hẹp lại để tôi có cùng chung một bầu trời, một vầng trăng, hay một mùa nắng với những người thân thương.

Thơ thẩn vớ vẩn lại ghi được vài dòng, tôi xin gởi đến bạn đọc và những người bạn thân thương xưa:

Nắng chiều có gió hiu hiu
Ruột gan đau thắt chín chiều nhớ quê
Tha hương mất dấu tìm về,
Hương xưa, tình cũ, đam mê một thời
Người ơi nhớ quá người ơi,
Những ngày chung lối, rong chơi thuở nào
Mộng mơ nào đã lao xao
Xin nương theo gió gởi vào tim tôi
Gió vương một thoáng bồi hồi,
Chạnh lòng nhớ bạn xa xôi phương trời
Tìm đâu hỡi bạn tôi ơi
Đành ôm nuối tiếc một đời nhớ nhau.


Thân ái chúc bình an,

Mai Hồng Thu

Ý kiến bạn đọc
06/08/201304:22:02
Khách
Cảm ơn Chú Sáu, Hẹn gặp Chú Sáu Chủ Nhật nhé!

Chào cô Thúy,
Theo mình nghĩ chắc số lượt xem không quan trọng đâu vì nó không có biểu thị gì chính xác cả. Nhiều người click vào để check out, không đọc hết bài vẫn tính là 1 count, hơn nữa đâu biết là ai và những ai xem bài viết đâu chứ. Cũng không có cấm 1 người click vào nhiều lần phải không? T đôi lúc cũng thấy lạ vì bài viết rõ rang không hấp dẫn gì lắm mà lượt xem quá cao. Nhưng T cũng không rành ban giám khảo căn cứ vào điêm này hay không. Mai mốt có dịp hỏi thăm chính xác T sẽ trả lời cô Thúy sau nhé. Chúc bình an.
03/08/201313:07:53
Khách
Chào cháu Thu,
Bài viết và và hai bài thơ cháu rất hay. Chaú cứ viết bài thêm đi nhé.

Chú Sáu
01/08/201300:18:51
Khách
Trướ hết xin nói không phải tôi cố ý ám chỉ sáng tác này. Tôi chỉ mượn chỗ này để nêu ý kiến.
Tôi nhận thấy SỐ NGƯỜI ĐỌC TRONG MỘT SỐ SÁNG TÁC HƠI BẤT THƯỜNG, NÓ NHẢY TÙM LUM. Có vị nào biết xin trả lời: KHI CHỌN BÀI QUÝ GIÁM KHẢO CÓ CĂN CỨ VÀO SỐ NGƯỜI ĐỌC KHÔNG.
Xin chúc sức khoẻ
31/07/201301:31:46
Khách
Chào cháu,
Bài viết và bài thơ cháu rất hay. Cứ tiếp tục viết đi.

Chú Sáu
22/07/201322:01:38
Khách
Mình vô cùng cảm động vì lời khen của Khôi An và Melody. Mến chúc hai bạn một buổi chiều dễ thương, an bình.
22/07/201317:34:48
Khách
Rất thích thơ và văn của chị!
21/07/201319:02:17
Khách
Bài viết đầy tình cảm, lời văn lúc bóng bẩy, lúc mộc mạc, thật là dễ thương.
Hay lắm, D.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.
Nhạc sĩ Cung Tiến