Hôm nay,  

Mùa Giáng Sinh Đầu Đời

05/01/202521:40:00(Xem: 572)
Giáng Sinh Đầu Đời 1
Cháu nội 8 tháng tuổi (hình do TG cung cấp)
 
Tác giả lần đầu tham dự VVNM với bài Cay Nghiệt, làm cố vấn đầu tư tài chính cho một ngân hàng tại Montreal, Canada. Cô cho biết đã về hưu và làm những việc mình từng đam mê như viết lách, đi du lịch, ca hát. Từ niềm hạnh phúc với ngày Giáng Sinh đầu đời của cháu, tác giả hồi tưởng về ngày Giáng Sinh nhiều kỷ niệm trong đời làm việc của mình.
 
***
 
Nhìn cháu nội tám tháng tuổi đang tìm cách làm sao mở gói quà to, mùa Giáng Sinh đầu tiên trong đời cháu, cái gì cũng mới mẻ, lạ lẫm, cháu giương đôi mắt thật to tròn ngây thơ nhìn những món quà xanh đỏ, giây nơ hoa chằng chịt, chẳng hiểu chút ý nghĩa nào, nhưng miệng luôn mỉm cười, đôi chân mày nhíu lại dường như suy nghĩ mông lung.
 
Những chiếc máy hình, iphone đều bấm lia lịa, các bác, cô chú dì đều muốn lấy những góc hình dễ thương nhất của cháu vào phút này, vì cháu là đứa bé nhỏ nhất trong gia đình cả hai bên nội ngoại lại là đứa cháu đầu tiên nữa.
 
Sau khi những gói quà đã được mở ra xong thì ai nấy cũng lăn ra cười vì quần áo cho cháu đủ mọi hiệu nổi tiếng, cha mẹ cháu khỏi cần mua từ đây cho đến năm 3 tuổi, một núi cao! Đồ chơi thì đủ hết mọi thứ từ những chiếc xe nhỏ, máy bay, cho đến những đồ chơi dậy học chữ A,B,C. Tôi phục những nhà làm đồ chơi trẻ em, vì chỉ nhìn thôi mà người lớn còn mê huống hồ gì con nít, chỉ bấm vào nút nhấp nháy thôi là bài hát đủ loại phát ra, vừa chơi vừa học. Con nít bên này thật sướng quá!
 
Người ta bảo có cháu sẽ yêu hơn con! Thật vậy, vì ông bà chả phải nuôi cháu mà chỉ chơi khi mình muốn thôi, còn đối với con thì phải có trách nhiệm nuôi nấng từ lúc lọt lòng đến khi khôn lớn 18 tuổi, và còn phải tiếp tục nếu con chưa học xong đại học! Vả lại thời gian có nhiều hơn, rảnh rang hơn, ông bà đã về hưu chứ không chật vật khi còn đi làm.
 
Những ngón tay bụ bẫm bé xíu của cháu bóc gói quà làm tôi miên man nhớ lại một kỷ niệm xưa cách đây trên 30 năm khi tôi đang mang bầu đứa con đầu lòng…
 
*
 
Tôi nhớ lại thuở tôi mới xin được vào nhà bank là lúc tôi cũng vừa mới lấy chồng được một năm, đang có bầu thằng Khoa, đứa con đầu tiên. Ngày ấy tôi mới chỉ 27 tuổi, vừa được tăng chức làm giám đốc một chi nhánh nhỏ một ngân hàng trong nhà thương chuyên trị con nít rất gần nhà. Từ nhà đi bộ ra chỉ có 15 phút thôi, đi xe hơi thì 10 phút vì phải đi đường vòng.
 
Khi tôi được thăng chức vào nhà thương này làm việc, ba mẹ tôi đã nói:
 
- Nhân tiện làm cho nhà thương con nít thì sanh luôn baby ở trong này cho tiện, đi khám thai cũng gần gũi, chỉ cần lấy hẹn trong giờ cơm trưa là được!
 
Mỗi lần tôi đi khám thai với ông bác sĩ Kiztner trung niên rất dễ thương, phòng của ông ở trên lầu 3 so với ngân hàng tôi, ông tiếp đón tôi niềm nở:
 
- Cô Lyly hôm nay công việc thế nào rồi? Có bận đến đâu cũng phải ăn uống đầy đủ đúng giờ để cho baby được mau lớn nhé, lúc nào tôi xuống dưới cũng thấy cô đang loay hoay làm đử thứ cả… Chắc nhà bank sẽ phải mướn năm người khác vào thế chỗ khi cô đi nghỉ hộ sản đấy!
 
- Hahaha Bác sĩ cứ chọc tôi, ai ngồi vào cái ghế ấy cũng phải làm như tôi thôi, mà họ còn làm giỏi và nhanh hơn nữa đấy, tôi chậm chạp, lại mới vào nhà bank không bao lâu nên tôi phải cố gắng chăm chỉ gấp mấy lần bọn họ; tôi phải học từ cái nhỏ nhặt nhất vì nếu không biết thì làm sao có thể giữ chức « đầu tàu » này được chứ…
 
Bác sĩ nheo mắt với tôi, cười qua cặp kiếng trắng:
 
- Tôi hiểu cô mới vào nên phải ra công học hành chăm chỉ như thế, tôi rất thán phục người Việt Nam các cô đó mà! Nhưng hãy nghe tôi, chăm sóc cho bản thân mình một chút nhé, ăn uống đầy đủ chất bổ cho thằng cu bé…Nó hơi nhỏ đấy! Tôi nói thật, những người chăm làm việc quá, sanh con ra cháu bé sẽ hay trầm tư mặc tưởng, với đôi mày chau lại… Cô xem tôi nói có đúng không nhé!
 
Tôi đã làm việc trong nhà thương ở NewYork cách đây 10 năm rồi, trong nhà thương không hề có ngân hàng nào cả nên thật mất công phải đi xe đến một nơi khác trong giờ cơm trưa, mà bên đó nhờ họ làm điều gì cho mình thật khó, không có sự thông cảm gần gũi như Canada đâu. Tôi rất trân trọng việc làm các cô!
 
- Cám ơn bác sĩ rất nhiều đã lo lắng sức khỏe cho mẹ con tôi nhé… Ah chút nữa bác sĩ có muốn xuống đổi check lấy tiền mặt không? tôi sẽ nhờ mấy cô teller sửa soạn để tiền sẵn trong bao thư những đồng tiền bằng giấy mới và tiền nhỏ để bác sĩ dùng cho dễ nhé, gần mùa Giáng Sinh nên nhà bank hay có những tiền mới toanh để cho tip lắm, mà người Việt chúng tôi gọi là “lì xì”!
 
- Được đấy, nhờ cô đổi dùm tôi như những tuần vừa rồi nhe, khoảng một giờ trưa tôi sẽ xuống lấy bì thơ và đi ăn với bạn bè…. Còn đây là toa thuốc bổ cho mẹ con cô nhé, xuống dưới nhà mua trong tiệm thuốc tây của nhà thương này cho nhanh, đây là thuốc insurance trả 100% nên cô không cần phải trả tiền túi đâu.
 
- Hôm qua có mấy người bác sĩ trẻ thực tập đến chỗ tôi mở account để nhà thương trả lương deposit thẳng vào công cho họ, nhân tiện tôi cũng cám ơn bác sĩ đã giới thiệu họ xuống mở công băng với chúng tôi.
 
 - Cô sẽ đạt chỉ tiêu trong năm rồi nhé, họ khoảng 25 người vừa bác sĩ, y tá ở mọi ngành đấy, cô lại bận rộn bán visa, credit card cho họ v…v… May mắn là có cô yêu nghề, nhanh nhẹn làm ở bank dưới nhà đấy!
 
- Cám ơn bác sĩ rất nhiều! Đi làm phải bận rộn thì ngày mới qua mau, chứ ngồi chơi xơi nước thì ngày sẽ dài lắm….
 
Chúng tôi như một gia đình lớn, người này giúp đỡ người kia và ngược lại; những bác sĩ giỏi, dở hay tính tình càu nhàu, cáu gắt ra sao trong lúc khám bệnh cho các em bé, chúng tôi đều biết vì các y tá hay xuống kể lể cho chúng tôi nghe trong lúc họ làm deposit tiền với những tellers, lấy câu chuyện làm quà; từ đó tôi mới hiểu dân bản xứ cũng « ngồi lê đôi mách » chứ không phải chỉ riêng gì người tỵ nạn!
 
Giáng Sinh là mùa bận rộn mua sắm nhất không chỉ với đời sống bên ngoài, mà trong nhà thương còn phải bận rộn hơn nữa, vì năm nào cũng thế, nhà thương làm fundraising (gây quỹ) cho những trẻ em bị cancer máu, bệnh phổi … Chúng tôi phải làm việc overtime vì họ đem xuống những bao tiền cắc rất lớn, những đồng xu 1,5,10, 25 xu, phải đẩy những bao tiền ấy bằng một xe nhỏ vì tiền xu rất nặng, chúng tôi phải đổ vào một cái máy to đếm những đồng xu ấy rồi cuộn lại bằng tay thành từng thỏi với giá thành là 50 xu cho 1 xu, $2 cho 5 xu, $5 cho 10 xu và $10 cho 25 xu, còn tiền giấy thì được bỏ vào máy đếm thành 100 tờ, cuộn lại, đặt dấu ấn nhà băng lên, xếp đầy đủ vào trong tủ sắt bên trong, cánh cửa sắt này dầy bằng 20 phân, có số code mà mỗi teller có số riêng của họ, tôi là người nắm giữ hết những số code ấy, mỗi tháng thay số code một lần. Tôi phải gọi xe UPS, một công ty có bảo hiểm rất cao, mỗi lần họ đến lấy tiền đem về trung tâm của nhà bank đều đi 4 người, hai người canh ngoài cửa, hai người vào bên trong lấy tiền, cả bốn người này đều được trang phục vũ khí (súng, gậy) đầy đủ như ra trận.
 
Số tiền trong tủ sắt và những tellers đang có trong két phải bằng với số tiền trên sổ sách mỗi ngày trong máy đưa ra, nên chúng tôi nhiều lúc phải điên đầu tìm số dư/thiếu nếu không cân bằng được mỗi ngày.
 
Mùa Christmas gần kề, chúng tôi đều nhận được những lời chúc tốt đẹp của ban lãnh đạo và lúc nào cũng không quên câu phải cẩn thận với người lạ.
 
Năm ngoái khi tôi chưa lên làm lãnh đạo, đã nghe kể một chi nhánh trong nhà thương đường Rosemont chuyên trị những người khuyết tật, bị nhóm cướp bốn người trùm hết mặt, chỉ hở hai con mắt, chỉa súng bắt một cô teller làm con tin, người giám đốc ở đó phải mở két lấy hết tiền đưa cho họ, khoảng 20 ngàn; trên đường rút lui, họ đã bắn ba phát súng chỉ thiên và ném mạnh con tin lăn xuống đất. Cô gái ấy bị chấn thương ở đầu, phải vào nhà thương và sau này không tiếp tục làm việc được nữa, vì sự việc đó đã ám ảnh cô suốt quãng đời còn lại.
 
Tôi được biết sau này cảnh sát bắt được ba tên cướp, bị án bẩy năm, có một tên trốn thoát và đang bị truy nã.
 
Để thu được nhiều tiền nhân dịp Giáng Sinh, nhà thương Ste Justine đã tổ chức một buổi ca nhạc với ca sĩ nổi tiếng ở Canada là cô Céline Dion, những hàng ghế đầu được bán một vé khoảng $800.00 vào năm 2006 là rất mắc, còn những ghế đồng hạng chỉ $250.00 thôi.
 
Họ chọn một phòng trình diễn hình vòng cung để tiếng hát được nghe tròn tiếng ấm áp, căn phòng này chứa chỉ khoảng 250 người mà thôi, gần chỗ nhà bank của chúng tôi làm việc.
 
Hôm ấy là thứ Sáu, phóng viên, nhà báo, đài truyền hình TV, radio với những dây điện dài ngoằng, đèn, camera to nặng khiêng trên vai, đến đầy trong nhà thương, trước khu vực ngân hàng, rất nhiều người lạ mặt nhìn vào bên trong nơi chúng tôi làm việc, và cũng là lần đầu tiên họ mới biết có một nhà băng nhỏ trong nhà thương này. Ngược lại, đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy tận mặt người ca sĩ nổi tiếng trên truyền hình Celine Dion cùng chồng là Rene Angelil.
 
Trong lúc làm việc, tôi nghe tiếng cô hát vọng ra từ nhà hát ở đối diện, giọng trong khỏe, vút cao rõ ràng và ngân vang làm cả trái tim tôi rung động khi cô hát bài The Power of Love:
 
Cause I'm your lady
And you are my man
Whenever you reach for me
I'll do all that I can
 
Lost is how I'm feeling lying in your arms
When the world outside's too much to take
That all ends when I'm with you…
 
… Vì em là người phụ nữ của anh
Và anh là người đàn ông của em
Bất cứ khi nào anh vươn đến em
Em sẽ làm tất cả những gì mình có thể
 
Mê lạc là cảm giác của em khi nằm trong vòng tay anh
Khi thế giới ngoài kia có quá nhiều thứ để có thể chịu đựng nổi
Thì tất cả đều biến mất khi em ở cùng anh…
 
Và cho đến khi về nhà, tiếng hát của cô vẫn còn mãi văng vẳng, mê mẩn bên tai đã vỗ về cho đến khi tôi vào giấc ngủ say không mộng mị…
 
Mới 4:00 sáng, phone tay reo vang, tôi giật mình thức giấc, chiếc phone này chỉ dùng vào việc gấp, quan trọng của nhà bank, tôi luôn luôn phải đem theo bên mình. Tôi ngạc nhiên tại sao nó lại reng vào sớm thế này!
 
Tôi lồm cồm ngồi dậy, áp phone vào tai:
 
- Allo tôi nghe đây?
 
- Chúng tôi gọi từ phòng cảnh sát….
 
- Ông nói gì? …thật không chứ?
 
- Cô hãy nghe kỹ đây, tôi lập lại nghiêm chỉnh: cô phải đến nhà bank gấp vì cô là người lãnh đạo…
 
- Vâng, tôi hiểu rồi…Sẽ đến ngay!
 
Chồng tôi đang ngủ ngon, ngáy pho pho, thấy tôi lay anh dậy bằng giọng hớt hơ hớt hãi, anh hỏi giọng ngái ngủ:
 
- Chuyện gì vậy em? … em mới sáu tháng thôi mà, đâu thể nào đẻ được! thôi ngủ đi!
 
- Không phải em đau đẻ… mà…phone
 
- Nằm xuống ngủ đi mà! Sáng dậy hãy nói nhe. Đứa nào phone lộn số phải không?
 
Anh giành lại phone trên tay tôi, tính tắt nút power, tôi giữ lại:
 
- Anh! Mình phải vào nhà bank gấp! Ngân hàng của em bị trộm đập bể máy ATM thủng một lỗ lớn! Cảnh sát mới gọi em đó vì chỉ có em mới có code mà thôi!
 
Lúc đó chồng tôi mới giật mình ngồi phắt dậy:
 
- Sao em không nói sớm? Thôi mình sửa soạn, anh chở em vào xem sao nhe. Em đi từ từ vì còn bầu bì đó, đừng gấp gáp lại vấp té thì khổ!...
 
Trên xe, anh nói với tôi:
 
- Mà sao mới tối hôm qua họ làm show Celine thành công lắm mà, hôm nay đã bị chuyện không hay này rồi. Cảnh sát, những người bảo vệ nhà thương biến đâu hết cả rồi? Lạ quá!
 
- Em nghĩ mấy ông bảo vệ ỷ y, từ xưa tới nay nhà thương không xảy ra chuyện gì, mấy chục năm rồi, họ coi nhau như một gia đình, bác sĩ y tá bệnh nhân đều hỏi han lẫn nhau. Chỉ có hôm qua show Celine, người lạ vào rất đông, khách VIP, khách thường bên ngoài… có thể có ai không tốt trà trộn vào đó, họ nghĩ ngân hàng nhỏ, có máy ATM dễ ăn cắp tiền, không ai phát hiện…Em cũng chả hiểu nữa, chờ xem sao…
 
Vừa đến nhà bank lúc 4:30 sáng, đường còn đóng từng tảng băng đá trước lối vào nhà thương, con đường đã được thắp sáng bởi bốn chiếc xe cảnh sát với đèn xanh đỏ nhấp nháy, hai xe cứu hỏa đỏ chót, tôi co ro trong chiếc áo mùa đông bước vào, zipper chưa kịp kéo vì đi vội vàng; vậy mà một đám người dầy đặc đứng trước mặt tôi, nào là cảnh sát, đội cứu hỏa kềnh càng với dây dợ, đội bảo vệ nhà thương, các bác sĩ, y tá trực đêm…Ai cũng cao lớn đứng bao quanh hiện trường.
 
Tôi nhỏ bé, tay ôm bụng bầu, đứng như trời trồng nhìn cảnh tượng chiếc ATM bị lọt thỏm vào bên trong nhà bank, bên cạnh một lỗ thủng thật to ở bờ tường, máy ATM chỉ bị xay xứt méo mó chứ không hề bị thủng nên những ngăn đựng tiền bên trong không bị hề hấn mất mát.
 
Tôi nhấc sợi dây màu da cam của cảnh sát đã vây quanh một vòng lớn, chui vào bên trong hiện trường, chưa kịp mở miệng nói lời nào thì ông cảnh sát trưởng với chiếc bụng phệ nặng nề níu lấy tôi:
 
- Cô vào đây làm gì? Không thấy sợi dây tôi căng xung quanh hay sao? Cô có đọc chữ là cấm vào, nơi chúng tôi làm phận sự không?... Xin mời cô đi ra!
 
- Tôi… tôi là…
 
- Xin mời cô ra khỏi đây, đó là lệnh!...Phòng khám em bé và những bà bầu hình như ở lầu ba thì phải!
 
Lúc này tức quá, tôi hét to và rõ ràng từng chữ:
 
- Ai là ông Georges? Cảnh sát nào đã phone cho tôi lúc 4:00 sáng?
 
Lúc ấy ông ta mới buông tay tôi ra, nhìn kỹ tôi:
 
- Cô …không phải đi khám bầu sao?... Cô đây là giám đốc của nhà bank này à?
 
- Phải! chính tôi thưa ông!
 
- Tôi… xin lỗi cô nhé… vì hiểu lầm… tôi xin cô số code vào nhà bank…
 
- Cái tường thủng một lỗ to tổ chảng … cả một chiếc xe còn vào được, ông cần số code làm gì?
 
- Lúc 4:00 sáng thì tường chỉ bị rạn nứt trầm trọng thôi chứ chưa thành lỗ to như bây giờ, chắc vì máy ATM quá nặng nên nó đã ngã ra phía sau, mới bị thủng luôn vào bên trong. Cô cũng phải có mặt vì là người chịu trách nhiệm ở đây, tôi bắt buộc phải làm phiền cô vào giờ này!
 
- Thủ phạm là ai các ông có bắt được không?
 
- Chúng tôi sẽ bắt được thôi, nhưng may là nhà bank cô không mất mát gì cả, và không ai thương tật hết! cô xem đấy chỉ có bức tường là đổ thôi, máy chỉ bị móp méo, nhưng tiền thì không thấy tờ nào rơi ra. Mấy tên “cướp dỏm” này chắc mới học nghề! Chúng tôi sẽ làm việc cả ngày hôm nay, nhà bank sẽ đóng cửa trong vòng hai ngày… Nếu chỉ nhìn sơ qua thì máy này bị một quả bom tự chế làm nổ nên bức tường mới bị rạn nứt như thế, khi chúng nghe tiếng còi hú quá to, sợ bị bắt nên đã bỏ chạy, tôi tìm ra cái rìu bằng sắt của chúng nó ở đây, với nhiều dấu chân bự đầy bùn đất, tôi dám chắc chúng là ba tên to cao.
 
Một lúc sau 7:00 sáng, các nhân viên đã tề tựu ở trước cửa, tôi phân công họ đến những chi nhánh khác làm việc, còn mình tôi và một người cố vấn ở lại nhà bank để đếm lại tiền bạc, xem sổ sách và làm hồ sơ gởi lên ông tổng giám đốc.
 
Vì nhà bank bị cướp nên tổng giám đốc đã cho xây thêm những bức kiếng chắn đạn kiên cố cao vút lên, những khách vào phải lấy hẹn chứ không còn đưa tiền hay thơ từ ngang qua quầy như trước nữa. Tiện đó, chúng tôi xin làm lớn rộng ra hơn, có một phòng nhỏ làm bếp cho nhân viên. Tôi phải gởi tiền về trung tâm ngân hàng thường xuyên hơn, không giữ quá 10 ngàn tiền mặt ở chi nhánh, phải xem xét những người qua lại trước cửa qua máy camera an ninh trong phòng của tôi.
 
Ban lãnh đạo xuống chi nhánh ngân hàng chúng tôi, xin lỗi rất nhiều về việc trì trệ đã không gắn những tấm kiếng chắn đạn sớm hơn, họ có vô số việc làm, việc này chồng lên việc kia, vả lại nhà thầu xây cất rất bận rộn, trì hoãn mãi…nên mới xảy ra vụ trộm cướp này, làm chúng tôi một phen hoảng sợ!
 
Toàn nhân viên của chi nhánh Ste Justine, chúng tôi được nghỉ hai ngày có lương, như lời xin lỗi của ban lãnh đạo.
 
Một tháng sau tôi mới nhận được báo cáo từ phòng cảnh sát:
 
Bọn chúng là hai người gốc Phi Châu và một người gốc Á, qua Canada bằng đường du lịch rồi trốn ở lại, giấy tờ đã hết hạn, họ không phải người thường trú ở Montreal mà ở Ontario gần biên giới giữa Mỹ và Canada, không tìm được việc làm, trở thành người vô gia cư ở thành phố này; một lần được nhà thương gây quỹ giúp đỡ những người homeless ở thành phố, họ đã vào thăm nhà thương và để ý đến chi nhánh ngân hàng của chúng tôi có an ninh quá lỏng lẻo, nên họ đã làm liều tổ chức, làm bom tự chế tưởng sẽ lấy được tiền trong máy ATM dễ dàng, họ không ngờ là chiếc máy ấy bằng thép cứng nên có đốt phá, hay nổ bom đạn cũng vẫn trơ trơ!
 
Họ bị cảnh sát bắt sau một tuần truy xét qua camera của nhà thương và chính của máy ATM (có một máy quay lại hình ảnh dấu kín bên trong), đưa ra tòa, trục xuất về nước và cấm vĩnh viễn không bao giờ được qua Canada nữa.
 
Mùa Giáng Sinh năm ấy, mới chỉ là năm đầu tiên tôi nhậm chức giám đốc, năm đầu tiên tôi có bầu thằng Khoa đầu lòng; thằng Khoa lúc sinh ra thiếu ba tuần, bé như con chuột, nhưng cặp mắt thật tinh anh và đôi lông mày nhíu lại y như ông bác sĩ đã phán! cho đến bây giờ qua 32 mùa tuyết, lúc nào Khoa cũng như đắm chìm trong suy nghĩ bận rộn, ngay cả khi nó vui cười, nó giống tôi ở điểm say mê làm việc và thích cống hiến cho xã hội.
 
Mỗi lần gặp lại con, nhất là vào dịp Giáng Sinh, kỷ niệm xưa lại ùa về!
 
Mừng Giáng Sinh đến mọi nơi
An lành hạnh phúc rạng ngời niềm vui
Công việc suông sẻ vững bền
Gia đình êm ấm, trọn niềm yêu thương
Năm mới may mắn đủ đầy
Thành công rực rỡ, xuân về hân hoan!
 
Sỏi Ngọc 
Montreal Dec’25-2024

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,168
Trời rét căm căm, gió lạnh thổi ù ù bên ngoài, đường xá im vắng không một bóng người, không cả một chiếc xe qua lại. Ông Thanh uể oải ngồi dậy để đi đón Huệ, ngày nào cũng thế, mười một giờ tối phải đi rước vợ về. Huệ làm phục vụ cho nhà hàng buffet Hibachi ở vùng Riverdale. Huệ qua Mỹ đã hơn hai năm rồi mà ông Thanh vẫn không chịu tập cho Huệ lái xe, nhiều lời ra tiếng vào cũng đến tai ông nhưng ông mặc kệ. Ông chấp nhận sáng chiều đưa đón chứ không hề muốn cho Huệ lái xe, cũng may công việc của ông rất tự do, không lệ thuộc giờ giấc nên mới có thể đưa rước như thế!
Năm nay vùng Hoa Thịnh Đốn trời lạnh sớm hơn mọi năm. Giữa tháng 11 đã có tuyết đầu mùa. Không nhiều lắm, lất phất bông tuyết nhỏ nhỏ rơi xuống đất độ 5, 10 phút là tan. Tuy nhiên trời lạnh. Ban đêm 33 độ F-36 độ F. Ban ngày phần lớn nắng đẹp lắm, vàng tươi. Các loại hoa như impatient hay petunia hoa lá héo úa, thấy tội nghiệp. Hoa Pansy không sao, xanh tươi như cũ. Loại hoa này chịu được lạnh suốt mùa đông...
Năm nay ông Tư đã qua tuổi tám mươi, nhưng trông ông khỏe mạnh và trí tuệ còn minh mẫn - so với những ông lão cùng lứa tuổi, ông được xếp hạng trên trung bình. Những buổi họp mặt ở Hội Cao Niên, các cụ thường ngồi lại với nhau uống trà, tán gẫu chuyện đời. Có ông kể chuyện buồn bị con cháu bỏ bê; có ông than thở chuyện ốm đau; có ông nuối tiếc chưa trả được mối thù vong quốc đầu đã bạc, bèn ngâm mấy câu thơ của Đặng Dung
... Mưa cuối năm vẫn rả rích ngoài trời mù sương và gió lạnh, thảm lá vàng ướt mưa về cội. Bỗng nhớ câu nói đêm qua của một vị thiền sư bên Nhật, ông nói, “cuộc đời như một chiếc va li, sống phải biết khi nào xách lên, khi nào để xuống, phải soạn lại va li cho mỗi hành trình…” Tôi nghe không hiểu ý ngài lắm vì thiền sư đâu phải người thường dễ hiểu, chỉ nhớ bà ngoại mấy đứa nhỏ từng nói, “cái gì cầm lên được thì bỏ xuống được.” ...
Nhạc sĩ Cung Tiến