Hôm nay,  

Dự Đám Cưới Ở Boston và Thăm Newport, Rhode Island

08/01/202500:00:00(Xem: 476)
 
Con đường Clift Walk
Con đường Clift Walk-Newport, Rhode Island (hình TG cung cấp)

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D, C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Bà đã cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Bài viết kỳ này miêu tả vài chi tiết thú vị về một đám cưới theo kiểu Mỹ và thắng cảnh ở Newport, Rhode Island.

***

Năm nay vùng Hoa Thịnh Đốn trời lạnh sớm hơn mọi năm. Giữa tháng 11 đã có tuyết đầu mùa. Không nhiều lắm, lất phất bông tuyết nhỏ nhỏ  rơi xuống đất độ 5, 10 phút là tan. Tuy nhiên trời lạnh. Ban đêm 33 độ F-36 độ F.  Ban ngày phần lớn nắng đẹp lắm, vàng tươi. Các loại  hoa như impatient hay petunia hoa lá héo úa, thấy  tội nghiệp. Hoa Pansy không sao, xanh tươi như cũ. Loại hoa này chịu được lạnh  suốt mùa đông.

Những hôm thời tiết xấu Vân thường ở nhà, ai rủ đi đâu cũng từ chối dù Vân đã chích ngừa cảm và dịch Covid đủ 5 lần. Đi ra ngoải lạnh lẽo rủi bịnh bất tử mất thì giờ đi bác sĩ, chờ đợi lâu lắc và tốn tiền mua thuốc, không đáng.

Nhìn cây trụi lá hoa héo tàn Vân nhớ lại lúc cả nhà đi Boston vào đầu mùa Hè. Lúc ấy thời tiết  mát mẻ, nhà nhà sân cỏ xanh mướt, hoa tươi thắm khắp các siêu thị, tư gia, công viên… nhìn thật mát mắt.

Thời gian ấy có đám cưới cháu ngoại người bạn thân. Chị bạn mời cả Vân và vợ chồng con gái  dự đám cưới. Vân ở vùng  Hoa Thịnh Đốn, lễ cưới tổ chức ở Boston vào thứ Bảy. Vân và vợ chồng con gái rời nhà từ thứ Sáu và sẽ trở về nhà vào Chủ Nhật. Mất 9 tiếng từ nhà đến Boston. Trên đường đi xe chạy qua  các  thành phố nhà cửa đông đúc hay các đồng ruộng trồng các loại ngũ cốc lá xanh um. Nhà dân cư nằm rải rác dọc hai bên đường. Có lúc thấy  cây cầu dài ngoằn, tàu thuyền dưới bến. Vui mắt nhất lúc đi ngang Nữu Ước được nhìn những cầu vượt vòng vèo, các cao ốc cao nghệu nhìn mỏi mắt. Vùng đô thị sầm uất này kẹt xe kinh khủng phải nhích nhích từ chút. Qua khỏi Nữu Ước lái xe thong thả hơn, ít gặp đèn xanh đỏ. Đến  Boston lại bị kẹt xe lần nữa trước khi rẽ vào đường nhỏ đến nhà mẹ cô dâu.

Khác với thị trấn đông đúc cao ốc hay nhà phố sát vách nhau, nơi cô cháu ở nhà nọ cách nhà kia cái hàng rào. Chung quanh nhà có sân, có vườn hoa nho nhỏ, hồ nuôi cá koi và trồng vài cây ăn trái. Cô cho biết văn phòng của vợ chồng cô là nơi thị trấn nhiều xe và người đi lại, không thoải mái yên tịnh như khu vực cô cư ngụ.

Lúc Vân đến đã có một số con cháu đến trước, chuyện trò vui vẻ và một số bà con  đến lai rai sau gia đình Vân. Chiều thứ Bảy là ngày nhóm họ, có khoảng 50 thực khách nên phải đặt thêm bàn ghế ngoài sân cỏ. Thức ăn một số ở tiệm ăn mang lại, một số do chủ nhà làm và con cháu đem đến. Họ hàng bà con ở xa thường chỉ liên lạc qua điện thoại. Nhờ đám cưới mới có dịp gặp nhau nên mọi người chuyện trò cười nói thật vui vẻ. Con trai Út chủ nhà lúc Vân gặp khi đi chung một chuyến du lịch bằng du thuyền là cậu bé má phính môi hồng. Nay cậu Út thành thanh niên tráng kiện khôi ngô, đang học Đại Học. Thời gian qua nhanh quá chừng.

Rể bạn Vân là người da trắng nên cô dâu mũi cao, môi hồng xinh đẹp. Cô giống Bố nhiều, ít giống Việt Nam. Chú rể người Mỹ trông hiền lành dễ mến.
Sau buổi tiệc nhóm họ các bà con ở xa như Virginia. Maryland… trở về khách sạn nghỉ ngơi. Các con gái, con trai, con dâu, cháu nội từ tiểu bang hay quốc gia khác đến thì ở lại Bố Mẹ để chuyện trò cho thỏa vì sau lễ cưới ai về nhà nấy. Có nhóm được ngủ nơi phòng ngủ, có người  ngủ sofa, trên lầu, dưới hầm (basement) nhưng ai cũng chuyện trò rôm rả đến khuya.

Cô dâu có hai cháu con người anh cả, thật dễ thương. Cháu gái 6 tuổi, cháu trai 4 tuổi. Cả hai đều xinh xắn, ngoan và bạo dạn, thân thiện với họ hàng dù các cháu mới gặp họ lần đầu.

Hôm sau lễ cưới tổ chức nơi công viên có cây to bóng mát, có vườn hoa xinh xắn rực rỡ nhiều màu sắc hồng, đỏ, tím... Bàn thờ để Linh mục làm phép cưới trang hoàng trịnh trọng khang trang. Những băng ghế gỗ sắp hàng thứ tự dưới bóng cây cho khách ngồi dự lễ…

Hai đứa trẻ cháu cô dâu trai mặc vest, gái áo đầm xinh đẹp. Bé gái mang giỏ hoa theo cô dâu chú rể và rải hoa theo lối họ đi. Bé trai trang trọng mang khay đựng nhẫn cưới đến bàn lễ cho Cha làm phép. Bé trai trang nghiêm chững chạc, bé gái tươi cười. Khách vỗ tay chào mừng khi cô dâu chú rể xuất hiện. Sau buổi lễ mọi người đến nhà hàng dự tiệc. Khách phần lớn là người da trắng nên toàn thức ăn Hoa Kỳ. Khách Á Đông tạm dùng muỗng nĩa thay vì dùng đũa như  hàng ngày. Mọi người vui vẻ chúc phúc cô  dâu chú rể. Tiệc tàn  người ở xa trở về khách sạn sau khi chia tay với chủ nhà. Họ sẽ trở về nhà hôm sau bằng máy bay hay lái  xe như gia đình Vân. Thật là một cái đám cưới tuyệt vời đáng nhớ.

NEWPORT, RHODE ISLAND:

Sáng Chủ Nhật sau khi dùng điểm tâm cả nhà lên đường về sớm để còn ghé Newport, Rhode Island  viếng các nơi nổi tiếng của địa phương như lâu đài gia đình Wanderbilt II, Clift Walk... Khi chúng tôi đến Newport gần 10 giờ nhưng đã có xe  tua (Tour) chở khách du lịch đậu gần kín bãi đậu  rộng rãi. Họ đến từ Canada va các địa phương khác. Khách du lịch đã mua vé trên mạng lưới trước khi rời nhà. Có tua dài 3 tiếng, có tua 2 tiếng tùy nơi muốn thăm viếng nhiều hay ít. Cũng có du khách viếng Newport bằng tàu nhỏ hay thuyền buồm.

CLIFT WALK:

Clift Walk là con đường công cộng  bề ngang nhỏ, dài 3,5 dặm theo Wikipedia. Con đường  này tráng nhựa sạch sẽ, chỉ có thể đi đạp hay xe lăn. Xe ô tô không  đi được. Một bên con đường là hàng rào có song sắt cao ngăn các sân cỏ biệt thự với con đường. Phía bên kia là ghềnh đá đầy những tảng đá thật to và nước biển trong xanh nhấp nhô. Có khoảng đường có hàng  rào giữa con đường và ghềnh đá và những bậc thang xi măng để xuống ghềnh.  Những tảng đá dưới ghềnh to bằng cái bàn, cái ghế...  chồng chất lên nhau chạy dài theo bờ  biển dọc con đường. Gió biển thổi lên rất mát. Xa xa những chiếc tàu nhỏ và thuyền buồm chở khách du lịch ngoạn cảnh. Clift Walk nằm bên ngoài các biệt thự to, xinh đẹp như: Marble House, The
Breakers Mansion, Ashtor’s Beechwood…

Gia đình Vân không đi hết  con đường, chỉ đi khoảng ngắn xong trở lại đi thăm các lâu đài to và  đẹp trong vùng. Phong cảnh ở Cliftwalk  hữu tình theo Vân:

Gió mát trời trong nước biển  xanh
Thuyền buồm, tàu nhỏ chạy loanh quanh
Trên bờ đi bộ đoàn du khách
Chuyn trò vui vẻ cuộc đời lành

Lâu đài The Breaker Mansion
Lâu đài Breakers Mansion (hình TG cung cấp)
              
 THE BREAKERS MANSION:

The Breakers Mansion là lâu đài lớn nhất ở Newport, Rhode Island. Nếu thăm cả lâu đài và vườn hoa phải mất từ 2 đến 3 tiếng, là nhà nghỉ mát của gia đình Cornelius Vanderbuilt II. Lâu đài xây bằng đá cẩm thạch năm 1890, có 70 phòng gồm các phòng ăn, thư viện, phòng khách và rất nhiều phòng ngủ, có lối di dành cho xe lăn, người tàn tật. Tầng hầm là nơi cho người hầu, gia nhân cư ngụ thuở xưa, cũng có giường nệm tử tế, tủ đựng  quần áo, vật dụng riêng tư. Ngày nay trong lâu đài có nơi bán quà lưu niệm, nước giải khát và thức ăn nhẹ cho du khách thưởng thức.
Trên trần nhà mỗi phòng có những  tranh vẽ khác nhau. Tuy hơn 200 năm nhưng màu sắc các tranh nơi trần nhà vẫn tươi đẹp. Mặt trước lâu đài nhìn ra biển và Clift Walk. Sân và vườn chung quanh lâu đài rất rộng. Vườn hoa đẹp. Chỉ ngắm vườn hoa cũng đáng đồng tiền. Kiến trúc này được tặng cho thành phố và mở cửa cho dân chúng vào xem từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Có cả trăm ngàn du khách viếng lâu đài hàng năm. Còn các lâu đài xinh đẹp khác trong vùng nhưng gia đình Vân không đủ thì giờ thăm viếng.

Trên đường về nhà Vân bâng khuâng nghĩ ngợi và liên tưởng đến các kiến trúc đẹp cổ, xưa ở Việt Nam. Không biết chúng có được chủ nhân, con cháu  sửa chữa hay đã tiêu tùng vì thời gian hoặc chiến tranh. Ngoài ra Vân còn tiếc xót xa khi nghĩ bao nhân tài miền Nam phải đi đốn tre gánh củi trên rừng. Họ là những kỹ sư, bác sĩ … đã tốn nhiều rất tiền của, thời gian, vất vả thức khuya dậy sớm mới hoàn thành việc học mong giúp ích cho xã hội đúng với khả năng mình. Khi đất nước thống nhất thay vì đi nước ngoài, họ ở lại mong  giúp ích quê hương. Trái với ước mong, phần lớn họ bị đi “học tập cải tạo”, thời gian dài ngắn tùy theo học lực và địa vị.

Bạn Vân, bà ngoại cô dâu là góa phụ tù nhân cải tạo. Chồng, Đại Úy thời Việt Nam Cộng Hòa, chết trong tù. Chị có 4 con từ 9 đến 3 tuổi. Không có lương chồng, không có việc làm, chị buôn bán loanh quanh. Bà nội giúp đỡ nhưng cụ cũng già, tiền bạc không còn bao nhiêu sau khi đổi tiền. Nhân có người sắp đi bán chánh thức, muốn cưới chị và hứa sẽ yêu thương các con chị. Chị suy nghĩ, đắn đo mãi.

Sau cùng chị xin phép bà nội các cháu cho chị bước thêm bước nữa. Vì tương lai các cháu nội và thương dâu trẻ tuổi, bà cụ tử tế đã bằng lòng cho cô dâu mang các cháu nội theo chồng, sau mới đi bán chánh thức và đến được đất nước Hoa Kỳ.

Bố dượng là một người tốt, biết giữ lời hứa, nuôi các con riêng của vợ và cho học hành tử tế. Nhờ sự khuyến khích của mẹ và sự dìu dắt của bố dượng, bốn người con chị đều đỗ đạt thành tài. Các cháu bây giờ đang chung tay xây dựng quê hương mới, xây dựng nước Mỹ với tương lai tươi sáng vô cùng.
Nghĩ lại người ta thường nói mỗi người một số phận. Có người được trăm năm hạnh phúc với chồng con, còn chị lúc trẻ theo chồng sống trong  khu gia binh chật hẹp từ nơi này đến nơi khác, chia sẻ những thiếu thốn khó khăn với người bạn đời. Lúc chồng mất chị bước thêm bước nữa vì tương lai các con, nhưng chị cũng đã được đền đáp sống hạnh phúc. Quan trọng nhất, là các con chị đã cố gắng học hành mới được nên người.  Đất nước của chú Sam rất nhân từ và đầy cơ hội, nếu những người nhập cư siêng năng học hành và làm việc thì thành công là chuyện đương nhiên.

Bên ngoài nắng vàng rực rỡ nhưng trời lạnh tái tê. Vân mừng con cháu chị bạn ngày nay có cuộc sống tốt đẹp. Mỗi lần đặt bút viết, là Vân lại muốn cám ơn chính phủ và dân chúng Hoa Kỳ giàu lòng nhân đạo, cưu mang giúp đỡ đồng bào Vân lúc mới định cư, hướng dẫn và tìm việc cho người lớn, cấp phiếu y tế, cấp nhà ở cho người có lợi tức thấp, già yếu, tạo điều kiện dễ dàng cho thanh niên tiếp tục đến trường ... Vân cầu mong đồng bào nhất là phụ nữ trong và ngoài nước có cơ hội học hành, sống trong yêu thương, gia đình hạnh phúc, thế giới hết chiến tranh, mọi người mãi được ấm no an lành.

Nhân đây, Vân có mấy câu thơ tặng độc giả:

Thăm Viếng Boston
Mây trắng trời xanh, ánh nắng vàng
Thành phố Boston thật là sang
Ngoài đường đông đúc xe qua lại
Nhà thờ, trường học rất khang trang
Ngoại ô đất rộng nhiều cây xanh
Đại Học Boston đã nổi danh
Thầy giỏi trò hay trường quá tốt*
Cầu mong dân chúng mãi an lành.
 
Virginia , tháng 12 nãm 2024
Ngc Hạnh
 
Chú thích:
* Đại Học Harvard, MIT
                 
 
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,154
Trời rét căm căm, gió lạnh thổi ù ù bên ngoài, đường xá im vắng không một bóng người, không cả một chiếc xe qua lại. Ông Thanh uể oải ngồi dậy để đi đón Huệ, ngày nào cũng thế, mười một giờ tối phải đi rước vợ về. Huệ làm phục vụ cho nhà hàng buffet Hibachi ở vùng Riverdale. Huệ qua Mỹ đã hơn hai năm rồi mà ông Thanh vẫn không chịu tập cho Huệ lái xe, nhiều lời ra tiếng vào cũng đến tai ông nhưng ông mặc kệ. Ông chấp nhận sáng chiều đưa đón chứ không hề muốn cho Huệ lái xe, cũng may công việc của ông rất tự do, không lệ thuộc giờ giấc nên mới có thể đưa rước như thế!
Nhìn cháu nội tám tháng tuổi đang tìm cách làm sao mở gói quà to, mùa Giáng Sinh đầu tiên trong đời cháu, cái gì cũng mới mẻ, lạ lẫm, cháu giương đôi mắt thật to tròn ngây thơ nhìn những món quà xanh đỏ, giây nơ hoa chằng chịt, chẳng hiểu chút ý nghĩa nào, nhưng miệng luôn mỉm cười, đôi chân mày nhíu lại dường như suy nghĩ mông lung.. Những chiếc máy hình, iphone đều bấm lia lịa, các bác, cô chú dì đều muốn lấy những góc hình dễ thương nhất của cháu vào phút này, vì cháu là đứa bé nhỏ nhất trong gia đình cả hai bên nội ngoại lại là đứa cháu đầu tiên nữa.
Năm nay ông Tư đã qua tuổi tám mươi, nhưng trông ông khỏe mạnh và trí tuệ còn minh mẫn - so với những ông lão cùng lứa tuổi, ông được xếp hạng trên trung bình. Những buổi họp mặt ở Hội Cao Niên, các cụ thường ngồi lại với nhau uống trà, tán gẫu chuyện đời. Có ông kể chuyện buồn bị con cháu bỏ bê; có ông than thở chuyện ốm đau; có ông nuối tiếc chưa trả được mối thù vong quốc đầu đã bạc, bèn ngâm mấy câu thơ của Đặng Dung
... Mưa cuối năm vẫn rả rích ngoài trời mù sương và gió lạnh, thảm lá vàng ướt mưa về cội. Bỗng nhớ câu nói đêm qua của một vị thiền sư bên Nhật, ông nói, “cuộc đời như một chiếc va li, sống phải biết khi nào xách lên, khi nào để xuống, phải soạn lại va li cho mỗi hành trình…” Tôi nghe không hiểu ý ngài lắm vì thiền sư đâu phải người thường dễ hiểu, chỉ nhớ bà ngoại mấy đứa nhỏ từng nói, “cái gì cầm lên được thì bỏ xuống được.” ...
Nhạc sĩ Cung Tiến