Hôm nay,  

Đổi Đời

10/06/201300:00:00(Xem: 186767)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012 với bài "Cô Em Cùng Dòng Khác Họ," kể về người con gái vị thuyền trưởng Đại Hàn từng cứu mạng các thuyền nhân Việt trên Biển Đông và là khách danh dự tại Little Saigon. Cô sinh tại Việt Nam năm 1975, định cư tại Hoa Kỳ từ 1994 khi đã 19 tuổi. Tốt nghiệp cao học hai ngành Lịch Sử Truyền Khẩu & Cộng Đồng tại CSUF. và Nhân Chủng Học tại Đại học Stanford, hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ và tham gia nhiều sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Trangđài Glassey-Trầnguyễn cũng là một nhà thơ, có ba tập thơ song ngữ Anh-Việt đã xuất bản. Sau đây là bài viết mới nhất.

Qua Mỹ hôm trước, hôm sau, Mẹ tôi và các chị em gái đưa nhau đi may. Vì chưa có kinh nghiệm, chúng tôi được cho vào khâu cắt chỉ, vừa cắt chỉ, vừa 'tập may' từ từ.

Chúng tôi chưa có xe, nên cả nhà chỉ đi chung một chiếc xe vừa đi vừa hành quân. Xe hành quân, vì lần nào nổ máy, nó cũng hô khẩu hiệu: Khẹt, khẹt, khẹt, khẹt khẹt khẹt. Sau đó, nó lừ thừ bò tới. Đến ngã tư đèn đỏ, thì nó tự hô "Dừng!" Lại phải nổ máy lại từ đầu. Lại phải nghe nó hô khẩu hiệu. Nhức cả óc. Nhưng trong hoàn cảnh mới mẻ và khó khăn ấy, những người vừa được đến Thiên đàng Mỹ quốc như chúng tôi không có quyền chọn lựa. Chúng tôi kiên nhẫn, lắng nghe và theo dõi những 'thủ tục' khá nguy hiểm và không dễ chịu của máy xe trước sự khó chịu hay tò mò của những người khác đang lái xe trên đường.

Đã vậy, mấy ngày đầu vợ con mới tới Mỹ, Ba tôi còn liều đưa ra một ý kiến tốn tiền: rủ cả nhà đi siêu thị lần đầu cho biết! Mẹ đòi ở nhà, nhường cho các con đi, nhưng Ba không chịu. Cả nhà chất chồng lên cái xe cà rịch cà tang nhỏ xíu xìu xiu đó. Siêu thị không xa chỗ chung cư chúng tôi ở. Lẽ ra, chỉ cần đi bộ 5-7 phút là tới. Vậy mà không ai biết luật, nên người này ngồi trên đùi người kia. Anh tôi được ngồi ghế trước. Mẹ và 4 cô con gái chia nhau băng sau, cũng không khó khăn gì, vì ai cũng vừa từ trại tế bần lớn của một Việt Nam hậu-1975 ra, nên đều rất mảnh mai. Vừa ra khỏi ngõ, thì chưa tới đèn đỏ ở ngã tư, chúng tôi đã gặp đèn đỏ của… cảnh sát giao thông! Ông cảnh sát không cần biết chúng tôi mới đến Mỹ hôm trước, cũng không cần biết cả nhà chúng tôi muốn cùng nhau đi siêu thị lần đầu cho biết. Ông tặng chúng tôi ngay một món hàng khó nuốt mà không siêu thị nào bày bán: tờ giấy phạt. Cả nhà tiu nghỉu quay về, vì sợ lái thêm chút nữa, biết đâu lại được tặng thêm một tờ giấy phạt khác. Cái liều của Ba tôi là một bài học nhớ đời cho cả nhà, nhưng cũng là một kỷ niệm gia đình có một không hai.

Đi làm may được mấy ngày, có một tiệm khác cho chúng tôi đến làm thêm vài giờ cuối tuần. Họ chỉ cần hai người cắt chỉ, nên chị cả và tôi cùng đi. Hai chị em ngồi cắt chỉ ở một góc trong hãng may nhỏ do một người Việt làm chủ. Bắt đầu nhìn vào một đống quần áo ngùn ngụn, tôi cũng phát ngán, nhưng đó là công việc, đành phải làm thôi. Phải gan thôi. Không gan thì ai làm cho? Khi ở Việt Nam, Mẹ tôi đã tìm mọi cách để gia đình có kế sinh nhai mà không bao giờ đủ ăn. Sáu mẹ con cùng học xe lát, đóng cộc căng dây trên nền đất (gạch bông đã được chính quyền mới đục ra và tịch thu), hì hục xe ngày xe đêm mà hợp tác xã của huyện không trả cho bao nhiêu tiền.

Thấy không xong, Mẹ xoay qua thắt giỏ. Chúng tôi lãnh từng bó lá về chất đầy nhà, chong đèn ngồi thắt với nhau. Thắt cả tuần lễ mà tiền lương cho cả nhà không đủ mua gạo cho một ngày, Mẹ tôi lại đổi nghề. Lần này, Mẹ đầu tư lớn hơn, và nhắm vào những công việc có thể mang lại mức lương khá hơn. Mẹ mượn vàng. Mẹ cho anh tôi đi học nghề thợ bạc. Mẹ cho chị lớn học bắt bông kem và cắm hoa. Mẹ đưa chị kế tôi đi học may. Mẹ cũng học may, vì Mẹ nghe một Việt kiều trong xóm về chơi, nói nghề may khá lắm (chắc ý người ta nói là phổ biến). Tôi và em út còn nhỏ, nên chưa được học nghề. Rồi Mẹ học chầm nón lá với một dì từ miền Trung vào. Nhà lại chất đầy lá cọ và nan. Chúng tôi cùng nhau xoay sở đủ mọi thứ công việc để mưu sinh, bên cạnh việc phụ Ông Bà Ngoại tôi trồng trọt trên mảnh đất quanh ngôi nhà gia tiên mà Ông Bà tôi đang sống và không bị chính quyền mới quốc hữu hóa như mấy mẫu ruộng công quả do Ông Bà Cố tôi khai khẩn.

Cho nên, đây không phải là lần đầu tôi đối diện với một đống hàng hay mớ công việc a thần thù. Tôi đã trãi qua nhiều điều còn đáng sợ hơn trong mười chín năm hậu chiến ở Việt Nam. Tôi biết, chúng tôi không qua Mỹ để cắt chỉ cả đời. Mẹ luôn nói về cơ hội học hành và tiến thân. Đây chỉ là những khó khăn ban đầu trong bước hội nhập. Sau khi cắt chỉ được phân nửa đống quần áo, hai chị em tôi đi ăn trưa. Khi quay lại, đống hàng “Thạch Sanh” lại ngùn ngụt cao lên như ban đầu. Trong lúc chúng tôi nhai bánh mì khô, thì chủ tiệm đã mang những hàng vừa may xong nhập vào đống hàng chúng tôi đang cắt. Nhìn đống hàng vừa vơi đã đầy, chị tôi bật khóc. Chị nói, biết như vầy, chị ở lại Việt Nam. Chị còn nói, nếu có ai tốt bụng, cho mượn tiền mua vé máy bay một chiều, chị sẽ về bển liền, đi làm để dành tiền để trả lại tiền vé cho người ta.

Tôi vẫn không nao núng trước công việc, nhưng tôi thấy chị mình khóc mà thương. Đây không phải là lần đầu chị khóc. Sau khi tốt nghiệp trung học ưu hạng, chị bị cấm thi vào Đại học Y vì ba lý do: con ngụy, Ba đi vượt biên, gia đình Công giáo. Chị khóc suốt ba tháng trời. Tôi không hiểu chị lấy nước mắt ở đâu ra mà khóc dữ quá. Khóc đến cả nhà phát lo, sợ chị bệnh hay kiệt sức. Nhà Nước bắt chị phải học Nông Lâm, nhưng đó không phải là đam mê của chị. Mẹ tôi thương con, lại đi vay vàng cây để cho chị đi học vi tính tại một trung tâm tư nhân. Chị chăm học, sớm được tuyển làm giảng viên, trở thành cô giáo lập trình, đi dạy ở nhiều tỉnh trong miền Nam trước khi chúng tôi qua Mỹ.

Hồi nhỏ thấy chị khóc vì không được thi Y, thì biết chị bị oan ức lắm, nhưng cái oan uổng đó vẫn là của chị. Nhưng lần này chị khóc, thì cái tủi thân của chị cũng là cái tủi thân của tôi, những người tỵ nạn mới đến Mỹ, bơ vơ, ngơ ngác, lạc lõng, nhìn phía trước còn vô định. Tôi muốn nói gì đó với chị, nhưng hoàn cảnh còn quá mới mẻ, tôi lại không biết tương lai sẽ ra sao, mình sẽ tìm được cơ hội đổi đời thế nào, nên chỉ ngồi im với chị. Tôi cố cắt chỉ cho mau hơn để chị thấy công việc đã vơi rồi. Tối đó, trên đường về, ngồi trên chiếc xe hành quân, tôi nghe tiếng máy khì khẹt mỗi lần dừng ở đèn đỏ như đang khạc nhổ vào hoàn cảnh của chúng tôi. Cái máy xe cà chớn thật! Biết người ta khổ còn ngông! Mới hôm trước, tôi thương cái xe cỡ nào vì nó chở cả nhà chúng tôi đi làm, thì hôm nay, chị tôi buồn, nó lại khì khẹt, tôi bỗng không ưa nó chút nào.

Tội nghiệp cái xe! Nó cũ quá thì phải khì khẹt thôi! Nếu chúng tôi có tiền tân trang bồi bổ cho nó, chắc nó đã dễ ưa hơn. Còn chị tôi, không biết chị có bao giờ nhớ lại lần chị ngồi khóc bên đống quần áo Thạch Sanh hay không. Riêng tôi, cái hình ảnh chị ngồi sụt sà sụt sịt ở lại mãi trong đầu tôi. Sau này, cả mấy chị em được đi học đại học. Chị tôi tốt nghiệp lập trình và nhận một việc làm khá tốt trong năm năm. Nhưng chị không màng, chị bỏ tất cả để đi tìm giấc mơ tuổi thơ. Chị nghỉ việc, đi học Dược, và sau khi ra trường, vừa đi dạy tại một đại học tư, vừa tiếp tục kinh nghiệm lâm sàng tại bệnh viện. Không biết bây giờ, nếu tôi nhắc lại chuyện chị ngồi khóc bên đống quần áo vừa cắt chỉ sắp hết thì lại đầy lên trong nháy mắt, chị tôi có mắc cười không.

Hồi đó, tuy tôi thương chị nhiều, nhưng thấy chị khóc cũng ngồ ngộ mà không dám cười. Sau khi đời sống gia đình đã tạm ổn, tôi cũng hay nhớ đến chuyện này và cười khì khà một mình. Thật ra, chị tôi không phải là người duy nhất 'bật khóc' trong những hoàn cảnh như vậy. Khi học về chuyên đề Sắc Tộc Học Á Mỹ, tôi có đọc những tài liệu về người Nhật làm công trong những trang trại mía tại Hawaii. Một người đã nói, "Mỗi ngày, cứ cầm dao ra trại mía, cắm đầu cắm cổ chặt. Sau này, có dịp nhìn từ xa, thấy đám mía bạt ngàn, mới hết hồn. Nếu lúc đầu mà biết đám mía ngút ngàn như vậy, chắc đã bỏ cuộc, vì nhìn thấy ngán quá!" Tôi có đem chuyện của chị tôi (khóc) và chuyện những người thợ chặt mía ra đối chiếu trong một bài luận năm 1998, và tôi nhận xét rằng, kinh nghiệm của những người di dân, dù ở nơi nào và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, vẫn luôn có những điểm tương đồng hết sức thực tế. Giáo sư Thomas Fujita-Rony (Đại học Cal State Fullerton) đã cười và cho rằng nhận xét đó thật thú vị và xác đáng.


Cùng lúc đi may, tôi đi học ESL tại một trung tâm giáo dục trong vùng. Ban đầu, chúng tôi cùng đi, cùng về. Sau này, cô giáo của tôi, Mrs. Blair, thấy tôi ham học, hỏi tôi có muốn vào chương trình trung học thực nghiệm cho người lớn không. Tôi “Dạ!” liền, dù không biết chương trình học ra sao. Cô Blair đưa tôi lên gặp cô giáo cố vấn. Mỗi sáng, tôi đi chung xe đến trường với các anh chị. Đến trưa, các anh chị về trước để đi làm ca hai ở một hãng linh kiện điện tử. Tôi ở lại học thêm các lớp cho chương trình trung học, rồi một mình đi bộ khoảng 45 phút thì về tới nhà. Về nhà, ăn uống xong, tôi đi làm ở shop may.

Nhờ liều vào học chương trình này, mà tôi được học thêm từ vựng, tập làm văn, toán thì rất dễ so với những gì đã học ở Việt Nam, sinh học, lịch sử Hoa Kỳ, và nhiều môn khác. Cuối năm, cô Blair chọn tôi làm sinh viên xuất sắc, và yêu cầu tôi viết bài phát biểu trong lễ ra trường. Không biết viết gì, tôi cũng liều lần nữa, nghĩ sao viết vậy. Cô bật cười khi đọc bản thảo ngây ngô của tôi, và giải thích cho tôi biết chỗ nào nên sửa lại cho thích hợp. Đó là lần đầu tiên tôi phát biểu trước một cử tọa tại Hoa Kỳ, và được lãnh giải thưởng đầu tiên. Với $100 tiền thưởng, tôi cưa đôi, gửi về Ông Bà Ngoại $50, và Ông Bà Nội $50. Phần thưởng đó luôn là một dấu ấn sâu đậm trong tôi, thành quả trí tuệ đầu tiên tôi đạt được sau gần một năm chịu khó đi bộ từ trường về nhà. Bây giờ nghĩ lại, không biết tôi hôm nay có còn liều và còn siêng như tôi ngày ấy không?

Mùa hè năm 2001, tôi được nhận vào chương trình thực tập tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ngay trong những tuần lễ trước khi tôi lên đường, tin cô thực tập viên Chandra Levy bị mất tích vào tháng Năm năm đó làm xôn xao dư luận. Ba Mẹ tôi chắc mẩm là tôi sẽ hủy bỏ chuyến đi, vì an tòan bản thân, cũng như cho sự an tâm của gia đình. Cả nhà, ai cũng nghĩ, “Lần này, chắc nó không liều đâu!”

Tôi chưa bao giờ xa nhà một mình. Lại xa đến 3 múi giờ. Nhưng tôi biết đây là cơ hội học hỏi lớn cho mình. Nên tôi quyết tâm thực hiện đúng kế họach đã định. Việc mất tích của cô Levy chỉ làm cho tôi nhớ phải hết sức cẩn thận cho an tòan cá nhân khi đến Hoa Thịnh Đốn. Nếu tôi không đi vào những chỗ nguy hiểm, không đưa mình vào những hoàn cảnh không an tòan, thì tôi sẽ an tâm để làm thực tập tại Bộ Y Tế & Phục Vụ Xã Hội Liên Bang.

Để Ba Mẹ và gia đình an tâm, tôi nói rõ cho mọi người biết, Cơ quan NAFEO bảo trợ cho chương trình thực tập của tôi, đã cẩn thận thu xếp cho tôi ở tại ký túc xá của Catholic University, một trường đại học tư rất an tòan. Tôi cũng sẽ chỉ đi metro đến sở và về nhà. Tôi cũng sẽ không tham gia sinh họat nào buổi tối, để tăng cường tối đa việc an toàn cá nhân.

Tôi không sợ gì cả, cứ nghĩ nếu có việc gì mình nên làm hoặc cần làm, là tôi dồn sức để làm, dù là việc nhỏ. Tôi nghĩ, nếu tham gia vào nhiều môi trường, thì sẽ học tiếng Anh mau hơn. Vậy là nhìn quanh, chưa biết xin vào nhóm nào, thì nhớ ra mình yêu nhạc và thích hát. Cả bốn chị em gái đã vào ca đoàn Việt tại nhà thờ Westminster, vì chúng tôi ở một căn hộ gần đó, có thể đi bộ tới được. Tôi liền xin vào ca đòan nhà thờ Mỹ hát ngay khi mới định cư cho đến bốn năm sau. Tôi cũng tham gia các ca đòan Việt Nam trong thời gian đó, và vài năm sau, cũng gia nhập ca đoàn tiếng Tây Ban Nha vì tôi muốn duy trì vốn liếng ngôn ngữ hai năm học tại Đại học cộng đồng. Khi vào đại học sau một năm ở Mỹ, tôi cũng vào hát cho ca đòan của Đại học Golden West, và đi trình diễn trong những concert chuyên nghiệp. Người ta nói, hát là cách học một ngôn ngữ hữu hiệu nhất, vì khi hát, mình phải uốn miệng để phát âm cho thật chuẩn.

Mùa Giáng Sinh đầu tiên ở Mỹ, tôi lâng lâng khi thấy ca đòan Mỹ hát bài "Đêm Thánh Vô Cùng" bằng tiếng Anh (Silent Night). Vì tôi hát bài này ở Việt Nam bằng tiếng Việt từ nhỏ đã quen, nên cứ tưởng đó là một bài hát Việt Nam. Trong một buổi tập hát, một ca viên người Mỹ gốc Đức nói khi bị giam trong trại tập trung của Đức Quốc Xã, mẹ của bà đã hát bài này bằng tiếng Đức trong đêm thanh vắng. Cả nhà bà ôm nhau trong ngục tù diệt chủng, khóc trong cả tủi sầu lẫn niềm thăng hoa từ bài hát. Tôi mới bắt đầu 'nghi ngờ' xuất xứ của bài hát này, và chỉ cần hỏi vài câu nữa thì tôi biết được bài hát không xuất phát từ Việt Nam. Đúng là con ếch, vừa được máy bay Mỹ cẩu lên từ cái giếng thăm thẳm của Cộng Sản, mỗi ngày mỗi lúc đều mở mắt thấy trời lớn hơn mấy ngàn cái vung cộng lại.

Mới qua Mỹ, tôi cũng chú tâm học tiếng Tây Ban Nha. Tôi vừa học tiếng Anh, vừa học tiếng Tây Ban Nha, nên… đừ luôn! Tôi muốn học thêm thứ tiếng này, vì thấy nó rất phổ biến ở Nam California, nơi gia đình chúng tôi đang sống. Vả lại, tôi muốn đi ngành Sư Phạm (nối gót của Mẹ tôi), mà thời 1990s thì chưa có chương trình B-CLAD song ngữ cho tiếng Việt như hiện nay, nên tôi chỉ có chọn lựa duy nhất là tiếng Tây Ban Nha.

Nói đến chuyện học Sư Phạm, thì đây cũng là một cái liều. Tôi qua Mỹ lúc 19 tuổi, ai cũng bảo: không thể nào nói thông tiếng Anh được. “Trễ rồi!” Nhưng tôi lại muốn đi dạy, vì nghề giáo luôn là một chức nghiệp cao cả đối với tôi. Gia đình và bạn bè ai cũng cản, chỉ có mỗi mình tôi là quyết tâm theo học, tuy lúc đó tiếng Anh của tôi vẫn còn yếu.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi đến trường ở Mỹ là: bị mù, bị câm, và bị điếc. Mù, vì nhìn chữ cũng không biết nó có nghĩa gì. Câm, vì muốn nói chuyện với người khác, nhưng lại không nói được. Điếc, vì nghe tiếng Anh như vịt nghe sấm, không hiểu đâu vào đâu. Tôi không muốn ở lại trong tình trạng khuyết tật tạm thời này. Tôi làm tất cả để học Anh ngữ, và con đường khả thi nhất là đi vào môi trường mà tôi bắt buộc phải sử dụng Anh ngữ ở mức tối đa. Tôi cho rằng ngành giáo, bên cạnh là một nghề nhẹ nhàng và ý nghĩa, bắt buộc tôi phải nói, nghe, và viết tiếng Anh cả ngày.

Tiếng Anh không đơn giản, tuy tôi thấy nó dễ học hơn tiếng Pháp (khi tôi học một năm lúc mới vào Golden West College) vì ngữ pháp đỡ rắc rối hơn. Nhưng văn nói thông dụng thì thường làm tôi... ngớ. Mới qua Mỹ, đi học ESL, vào lớp, anh chàng cùng lớp người Mễ vồn vã, "How are you doing?" (Chị khỏe không?) Tôi hỏi lại, "What did you say?" Anh ta đáp, "How are you doing?" Tôi trả lời ngon lành, "Oh, I'm not doing anything." (Tôi có làm gì đâu.) Có một câu chào hỏi bình thường mà còn chưa 'nhập' nổi, vậy mà tôi dám đi xin làm thêm ở chợ Mỹ trong những ngày không đi học, không đi may, không đi ca đòan, không đi dạy Việt ngữ. Cũng vừa giúp cho thu nhập của gia đình, vừa có thêm kinh nghiệm.

Chuyện tôi xin đi làm thu ngân ở chợ Thrifty (nay là Rite Aid) cũng… đáng khóc. Tiệm gần nhà, có thể đi bộ 10 phút tới, không mất công người nhà đưa đi. Cả trăm ngàn món hàng, đôi khi khách hỏi món nào đó nằm ở đâu, mình cũng không biết nó là cái gì, nên làm sao biết 'nó' nằm ở đâu để chỉ họ? Tôi rất sợ hai chuyện: trả lời điện thoại, và đưa thông báo trên loa của tiệm. Bữa kia, có ông khách gọi vào, "How late are you open?" (Tiệm mở cửa đến mấy giờ?) Tôi không hiểu, nhờ ông lập lại. Đến lần thứ ba, tuy tôi vẫn lễ phép, nhưng ông đã cạn kiên nhẫn, ông quát: "Do you speak English?" (Cô có biết nói tiếng Anh không?). Tôi lại rất ung dung từ tốn trả lời, "Yes, I do." Có lẽ thấy tôi... tự tin, ông thử lần cuối: "What time are you closed?" À, hiểu rồi, mấy giờ tiệm đóng cửa: "9 pm." Chín giờ tối. Dễ ợt! Vậy mà sao hồi đầu, tôi không hiểu lẹ dùm một cái!

Tuy ban đầu, tiếng Anh còn giới hạn, nhưng tôi không lấy đó làm điều đáng ngại. Tôi chỉ nghĩ: mình biết tiếng Việt vì lớn lên ở Việt Nam, cũng như những người sống ở Mỹ biết tiếng Mỹ. Một ngày nào đó, mình cũng sẽ nói tiếng Mỹ như họ. Vậy là không mặc cảm khi người khác không hiểu mình, và khi mình cũng không hiểu người khác. Bầu trời Anh ngữ mênh mông. Tôi như con diều mới bắt đầu trườn trên cỏ. Một ngày nào đó, tôi biết chắc mình sẽ bay được lên cao. Vấn đề là tôi có đủ trì chí và kiên nhẫn để học mỗi ngày và học hoài hay không.

Đã gần 20 năm, không có ngày nào là tôi không ngừng học. Vẫn thấy thích như ngày nào. Và phải học cả tiếng Việt nữa, vì tôi không muốn khả năng tiếng Việt của mình trở thành một cây khô, đứng chết trơ trong đời sống di dân này.

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Ý kiến bạn đọc
12/06/201323:33:12
Khách
Thêm một tấm gương hiếu học trong cộng đồng của người Việt Nam. Thật hay!!!
10/06/201312:52:29
Khách
Bài viết chân thật rất hay. Xin cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,312,163
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.