Hôm nay,  

Kock and Me/Vi trùng Lao và Tôi

04/06/201300:00:00(Xem: 320154)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 3914-13-29314vb3060413

Tác giả sinh năm1949, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Nghề nghiệp trước 75: dạy học. Công việc làm ở Mỹ: du lịch. Hiện đã hưu trí. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả kể nhiều chi tiết sông động về việc điều trị bệnh lao khi vi trùng đã bị nhờn thuốc, kéo dài suốt một năm rưỡi. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.

Kock là tên của bác sĩ người Pháp, Robert Kock. Ông sinh năm1882. Trong sử Việt, đây là năm đại tá Henry Riviere tấn công thành Hà nội, Tổng đốc Hoàng Diệu không muốn hàng giặc nên thắt cổ tự tử.

Ông Kock là người đã có công tìm ra con vi trùng hình que gây ra bệnh lao phổi, tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis. Nhờ công trình nghiên cứu này ông được giải Nobel năm 1905, tên ông được chọn để đặt tên cho con vi trùng là vi trùng Kock.

“Kock and me” là câu chuyện của một người mắc bệnh lao ở xứ Mỹ.

Bệnh lao thường xảy ra ở các xứ chậm phát triển, nói thẳng ra là các xứ nghèo, ăn uống thiếu thốn, thiếu dinh dưỡng. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới WHO, Việt nam là nước có tỷ lệ bệnh lao đứng hạng thứ hai sau Trung Quốc. Tôi qua Mỹ, ăn uống dư thừa không mắc các bệnh thời đại như cao máu, cao mỡ, cao đường lại mắc vào cái bệnh quái ác này. Thiệt là ngộ!

Không có gì ngạc nhiên! Sống trong môi trường thiếu vệ sinh, tiếp xúc nhiều với người bệnh, bệnh rối loạn hệ thống miễn dịch như HIV, tiêm chích ma túy, làm việc lao tâm, lao lực, đuối rồi mà không chịu nghỉ ngơi, cơ thể suy yếu là… mắc liền vì con vi trùng này ai cũng có cả, nó chỉ ngủ yên trong cơ thể của mình. Nó nằm chơi đó, gặp điều kiện thuận tiện, nó vùng lên quậy phá hai lá phổi.

Theo thống kê, hàng năm có 3 triệu người chết vì bệnh HIV, bệnh lao đứng hàng thứ hai có 2 triệu người, bệnh sốt rét có 1 triệu người. 90% chúng ta rơi vào trường hợp bệnh lao tiềm ẩn, không có triệu chứng nghĩa là… không sao hết, cứ bình thường ăn, ngủ, tập tành, làm việc, giải trí điều độ. Chỉ có 10% còn lại sẽ tiến triển thành bệnh lao có triệu chứng nghĩa là sẽ lây nhiễm cho người chung quanh nếu không được cách ly và uống thuốc đến nơi đến chốn.

Tôi là một trong số 10% này, lại là trường hợp đặc biệt cần phải được theo dõi… sát nút vì bệnh lao của tôi không giống… ai.

Bệnh lây truyền theo đường hô hấp qua trung gian là không khí mỗi khi người mắc bệnh ho, nhảy mũi, khạc nhổ hay nói chuyện… Tuy nhiên sự lây truyền chỉ xảy ra khi con vi trùng lao đang hoạt động (10%). Còn lại 90% nó tiềm ẩn hay nói một cách nôm na là nó đang ngủ yên trong cơ thể các bạn.

Một hôm nào đó, bạn ra đường thấy một người mang một cái khẩu trang (mask) màu trắng có viền xanh xanh, đó là mặt nạ của Trung Tâm Y Tế Cộng Đồng phát không và bắt họ phải mang theo mỗi khi ra chốn công cộng. Bạn đừng nhìn họ với con mắt tò mò hay ghê sợ vì họ mặc cảm lắm khi phải mang cái khẩu trang này. Họ đang được Trung Tâm Y Tế về bệnh lao theo dõi và chữa trị. Họ được chụp hình phổi, thử máu, thử đàm, cấy vi trùng để tìm thuốc thích hợp. Mỗi ngày họ phải đến bệnh viện ký tên nhận thuốc rồi uống trước mặt các cô y tá. Uống xong cũng nhớ làm dấu: “Nè, tui uống rồi nghen cô.” chứ “tui không có phi tang vào túi quần hay cho vào sọt rác đâu nha cô”. Y tá và bệnh nhân trở thành quen mặt vì gặp nhau mỗi ngày, chia sẻ với nhau mỗi một việc: “Thuốc đây, uống đi, please!” Có những trường hợp bạn bận đi làm hoặc khó khăn về xe cộ, thời gian, cứ trình bày, sẽ có một ông hoặc một bà hàng ngày rất đúng giờ đến đưa thuốc tận nhà hoặc sở làm của bạn. Bạn chuẩn bị sẵn một chai nước, nếu muốn “confidential” chuyện này chỉ có hai ta biết mà thôi thì hẹn nhau ở bãi đậu xe, ực ực vào khoảng 4 hay 5 viên gì đó, chiêu vài ngụm nước thế là xong, ai nấy đều vui vẻ cả làng, làm tròn bổn phận công dân. Hãy kiên nhẫn, bạn và cô y tá phát thuốc sẽ có duyên nợ với nhau từ 6 tháng đến một năm.

Bạn cứ ngoan ngoãn uống thuốc, thử đàm, thử máu, chụp hình phổi đều đều như thế, một ngày đep trời nào đó, vị bác sĩ sau khi theo dõi các xét nghiệm, cười thật tươi và phán một câu: “Thôi, ông (hay bà) không cần uống thuốc nữa. Con vi trùng nó chưa chết nhưng nó đã ngủ rồi. Mong ông (hay bà) đừng trở lại đây nữa nhé.” Nghe được câu này, bạn “hãy cùng tôi vui sướng đi”, như trút được một gánh nặng trên vai (cả vị bác sĩ nữa). Thông thường, khi được chữa trị …sát nút, tới tấp và liên tục như thế, bạn được xếp vào loại 90% nhiễm khuẩn lao tiềm ẩn không triệu chứng. Vậy là “phẻ” rồi!

Hãy hình dung cơ thể bạn là “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”. Một hôm, quân địch tức kẻ thù của bạn xuất hiện. Chúng gây ra những triệu chứng hay sốt vào buổi chiều, hay ho lai rai hoài không dứt mặc dù uống tới mấy chai thuốc ho. Bạn mệt mỏi, lười ăn, sụt cân, nhức hai bả vai, tức ngực, nhức đầu giống như triệu chứng cảm sốt thông thường, có khi khạc ra đờm lẫn máu. Bác sĩ gia đình cho bạn uống thuốc cảm và kháng sinh vài tuần vẫn không hết bèn cho bạn đi thử máu, thử đàm, chụp hình phổi rồi chuyển bạn đến Trung Tâm Y Tế Cộng Đồng ở đường First thị xã Santa Ana để khám chuyên môn. Bạn đã mắc bệnh lao rồi đó.

Tại đây, bạn sẽ biết thêm nhiều về bệnh lao như con vi trùng này vào não là bệnh lao màng óc, vào hệ bạch huyết là lao hạch, vào hệ tuần hoàn là lao kê, vào xương là lao xương, lao khớp, vào tinh hoàn gọi là lao tinh hoàn. Lao phổi có nghĩa là con vi trùng len lỏi vào phế nang là những túi nhỏ trong lá phổi. Chúng sinh sôi nẩy nở rất nhanh theo cấp lũy thừa chứ không chỉ theo cấp số nhân.

Cuộc nội chiến bắt đầu giữa ta và địch. Tiền tuyến phe ta lúc bấy giờ là các lympho bào T, lympho bào B (T có nghĩa là tiến”; B có nghĩa là “bao”. Các từ này do tác giả đặt ra cho vui và làm cho chiến trường thêm sôi động chứ đúng ra là từ chuyên môn.) Lympho T là tế bào tiết ra chất kháng thể lưu thông trong máu. Lympho B là tế bào tiết ra độc tố để tiêu hủy quân địch. Hai tế bào này cùng với nguyên bào sợi kết tụ lại thành một tiền đồn vừa “tiến” đánh vừa “bao” vây tiêu diệt địch. Nếu có anh tiền tuyến là các tế bào bạch huyết được xem như các chiến sĩ xung kích để “nội công” thì thuốc trị bệnh lao sẽ là em hậu phương “ngoại kích” ở ngoài cùng tấn công. Con vi trùng sẽ dần dần yếu đi, đến lúc hết xí quách, chúng sẽ lịm dần trong giấc ngủ. Một khi nó đã ngủ rồi thì bạn có thể yên tâm mà sống vui, sống khỏe nhưng nên cảnh giác nếu đã đụng trận với nó rồi.

Bạn thử vạch cánh tay, thường là tay trái có một vết sẹo nhỏ mà hồi xửa hồi xưa, bà mẹ đã dẫn bạn đến một trạm y tế nào đó để tiêm cho bạn một ít vi trùng lao đã được các viện bào chế thuốc làm cho con vi trùng này yếu rồi. Lúc bấy giờ cơ thể bạn bị sốt một chút mà mải ham chơi bạn không để ý đấy thôi. Họ đã tạo cho bạn một hệ thống miễn dịch với vi trùng lao trong cơ thể bạn. Mũi thuốc chủng ngừa này tên là BCG, viết tắt của Bacillus of Calmette and Guerin, là tên của hai nhà khoa học đã sáng chế ra thuốc chủng ngừa dùng đầu tiên cho người Pháp năm1921sau đó được dùng cho các nước Anh, Đức, Mỹ…

Vào những ngày đầu tiên đến nước Mỹ làm thủ tục giấy tờ và khám sức khỏe bạn còn nhớ người Việt nào cũng phải trải qua môt xét nghiệm gọi là Mantoux Tuberculin Test để xem bạn có vi trùng lao hay không. Kết quả là hầu hết người Việt nào chỗ chích đều bị sưng đỏ lên có nghĩa là bạn có vi trùng lao đang ngủ ngầm rồi. Để an toàn cho nền y tế Mỹ, mỗi người trong gia đình đều phải uống thuốc đề phòng. Thế là bà con người Việt mặt mày rầu rĩ, ủ ê, khi cầm mấy chai thuốc về nhà. Có người quăng vào thùng rác liền. Có người có ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh nên ráng uống, uống một thời gian than mặt nổi mụn, trong người “nóng”, bứt rứt, rồi cũng tự động bỏ. Đây cũng chính là sai lầm của tôi lúc mới qua, uống thời gian rồi bỏ đến khi mắc bệnh rồi, con vi trùng đủ mạnh, lờn thuốc để tấn công, việc chữa trị trở nên phức tạp và mất nhiều thời gian.

Tôi đang viết về một thứ bệnh lao kháng đa thuốc. Từ chuyên môn gọi là “multiple drug resistant”, viết tắt là MDR nói nôm na là con vi trùng mạnh đến nỗi thuốc nào vô cũng bị nó quật tan nát. Nó lộng hành giỡn mặt với các tổ chức y tế thế giới, thách thức với thế giới hãy bỏ tiền ra cho nhiều để nghiên cứu nếu không tại sao vào năm 1993, tổ chức WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với vi trùng kháng thuốc chẳng khác gì nó đang lờn mặt vì mình ở thế yếu. Năm 2004, thống kê cho biết có nửa triệu người mắc bệnh lao kháng thuốc MDR-TB này. Còn một loại bệnh lao, con vi trùng kháng thuốc kinh khủng hơn nữa đó là XDR- TB. Thống kê cho biết chỉ có 49 trường hợp xảy ra trong khoảng từ năm1993 đến 2006. Con số này, cũng may, như thế là hiếm nhưng nếu mắc bệnh rồi, khó có thuốc chữa.

Tôi được chuyển về Trung Tâm Y Tế ở đường số 17 sau khi chữa trị ba tháng đầu ở Santa Ana và bác sĩ xác định các thuốc thông thường chữa lao không tác dụng gì. Tôi bị bệnh lao kháng thuốc loại thứ nhất MDR. “Resistant” nghĩa là vi trùng mạnh quá chống lại thuốc, do đó phải được chữa trị một cách đặc biệt. Tại trung tâm y tế này, tôi phải theo một chương trình chữa trị và theo dõi thường xuyên, phải thử máu, từ chuyên môn gọi là “Quanti-Feron TB tìm xem khả năng miễn dịch của bệnh lao, thử đàm để cấy vi trùng xem chúng phát triển cỡ nào về số lượng. Tôi phải thử đàm gần như mỗi ngày kết hợp với thử máu là để theo dõi “sát nút” đường đi nước bước của nó. Muốn tiêu diệt kẻ thù phải biết lực lượng của kẻ thù. Thuốc tôi dùng toàn là thuốc giết vi trùng đồng thời cũng là thuốc làm hại đến các bộ phận trong cơ thể như gan, bao tử, da, mắt… cho nên bác sĩ phải theo dõi men gan, acid trong bao tử, thị lực, nước tiểu. . . X Ray cũng phải chụp thường xem vết lủng “cavity”có teo lại và thành sẹo chưa?

Trong lá phổi bên trái của tôi có một vết lủng to bằng móng tay cái. Nhìn trên phim nó có hình dạng như hạt hạnh nhân, màu trắng. Bác sĩ chuyên trị cho trường hợp kháng thuốc của tôi tên ông là Webster, cái tên của quyển tự điển nên dễ nhớ. Ông là bác sĩ giỏi và nhiều kinh nghiệm nhất ở đây. Ông có cái bụng to, đi đứng nặng nề, có nụ cười thật hiền và hay vừa cười vừa “đá lông nheo” như một lời an ủi của một vị “lương y như từ mẫu”thân tặng cho bệnh nhân đặc biệt của mình lời nhắn “Hãy mạnh mẽ lên. Tôi và bà chúng ta không đầu hàng. Bà sẽ hết bệnh”. Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên ánh mắt và nụ cười nhân hậu đã cho tôi niềm tin và sức sống để vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo này.

Ông đã dành nhiều thì giờ để trầm ngâm, suy nghĩ về “ca” của tôi với chồng hồ sơ bệnh án càng ngày càng dầy. Cái khó cho ông là các thuốc phối hợp cho tôi uống đều gây phản ứng phụ như Isoniazid, Ethambutol, Pyrazinamide, aminoglycoside rifampicin, fluoroquinolonevà còn vài thứ hàng “độc chiêu” tôi không nhớ tên như viên màu nâu lớn hơn hạt tiêu, uống vô , da mặt tôi biến thành màu nâu đen trông thật thảm hại. Có thứ uống vô làm tôi thức trắng từ đêm này qua đêm khác. Có thứ uống vô làm da nổi mẩn, ngứa ngáy. Có thứ uống vô cồn cào bao tử, buồn nôn, nhức đầu...

Tôi đã có đủ những phản ứng phụ thông thường của một bệnh nhân dùng thuốc lao vì cơ thể mẫn cảm, dị ứng. Tuy nhiên, có một phản ứng phụ …độc đáo, hiếm hoi của những người bị lờn thuốc là tôi lên cơn sốt cao sau khi uống thuốc. Có lần tôi tò mò hỏi thì ông giơ hai nắm tay đấm cạch cạch vào nhau và nói “Tụi nó, con vi trùng độc và thuốc đang đánh nhau. Cơ thể bà là một bãi chiến trường” “a battle field”. Để cho tôi yên tâm, ông nói “Tôi đang quan sát bãi chiến trường này và tôi sẽ tìm cách chấm dứt chiến tranh”. Bác sĩ chữa bệnh mà nói chuyện như một…ông tướng!Ông có lối nói chuyện vui và dí dỏm như thế để làm bệnh nhân an tâm bởi vì “You are special”, con vi trùng lao của tôi đang là một thử thách với ông. Có nhiều lúc tôi bị suy sụp tinh thần vì vi trùng kháng thuốc, thuốc uống vô lại bị phản ứng sốt nặng nề như vậy, tôi nghĩ thầm coi như đời …tàn!

Có một hôm, đang ở trong bệnh viện suốt buổi sáng, tôi lên cơn sốt. Lúc đó, tôi lại muốn đi tiểu thế là tôi té xỉu ngay trong restroom của bệnh viện. Cô Pauline và cô Melissa, y tá phụ trách thuốc và theo dõi sát những cơn sốt của tôi tại bệnh viện bị một phen kinh hồn khiếp vía. Cũng may khi tôi xỉu ở thế ngồi nên cái đầu không đập vào đâu cả và y tá trong bệnh viện khám phá kịp. Khi tôi tỉnh lại và mở mắt, tôi nhìn thấy nỗi vui mừng và cả sự sợ hãi trong ánh mắt hai cô. Hai cô bèn gọi ông chồng vào bệnh viện mang quần áo cho tôi thay. Cả bệnh viện náo động về trường hợp sốt, xỉu và kháng thuốc của tôi.

Sau cơn chấn động này, tôi đi đâu cũng có y tá hay nhân viên bệnh viện để mắt theo dõi không cho tôi đi một mình nhất là khi đi restroom. Từ đó, bác sĩ bệnh viện quyết định chữa ngoại trú. Tôi đến bệnh viện mỗi ngày để uống thuốc và theo dõi phản ứng từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều như giờ hành chánh. Tôi ăn uống ngủ nghỉ tạm trong phòng họp của bệnh viện. Sáng nào ông chồng thả tôi ở bệnh viện, chiều đón về. Tôi trở thành bệnh nhân nổi tiếng trong bệnh viện được chữa trị lâu nhất và ở…không suốt ngày.

Việc chữa trị phối hợp thuốc như một trận đại pháo nã vào quân địch kéo dài gần ba tháng, tổng cộng tôi đã uống thuốc được sáu tháng. Đối với các bệnh nhân bình thường, có thể họ sẽ được bác sĩ cho ngưng thuốc rồi. Còn tôi, 3 tháng như tù giam lỏng. Các cơn sốt cũng thưa dần nhưng vấn đề là vết lủng màu trắng bằng móng tay cái không suy suyển nghĩa là thuốc chữa không đủ sức buộc nó phải teo lại.

Vậy nghĩa là làm sao?

Bác sĩ Webster đã đem trường hợp của tôi báo cáo tận tổng hành dinh chuyên nghiên cứu về bệnh lao kháng thuốc tại Denver. Bác sĩ nói có thể tôi phải qua tận tiểu bang Denver để các bác sĩ bên đó nghiên cứu con vi trùng này. Việc hội chẩn và chữa trị tùy quyết định của các bác sĩ bên đó.

Nghe giải thích, tôi rầu tới phát khóc. “Còn cách nào không Bác sĩ ơi, giúp tôi”. Bác sĩ Webster từng có lần bảo tôi, “Your sickness is a struggle. You are a soldier”. Lần đầu thấy tôi khóc, ông có vẻ bối riối, nói: “Hey, Annie, the soldier never cry. The front is still there”. Ông không dùng chữ “tôi” mà dùng chữ “chúng tôi”. “We always have the way”.

Một hôm, vào buổi sáng, Ông vào khám bệnh. Ông nói sau khi đã hội chẩn với cấp trên (ông dùng chữ “my boss”), hội đồng đã quyết định tôi không đi Denver nữa, bệnh viện UCI sẽ mổ lấy nguyên cái khối màu trắng ra đồng thời làm biosy để xem tế bào có phải là ung thư không? Tôi giật mình khi Ông nhắc đến căn bệnh này. Ông nói “just in case.” Nhưng nếu đó là…ung thư thật thì sao? Thôi, nếu thế thì chỉ còn cách là phó thác cho số mạng.


Từ khi có quyết định mổ, tôi có linh cảm là vết trắng trên phim chỉ là vết lao, không phải ung thư. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi ca mổ và kết quả biosy dài đăng đẳng và ám ảnh tôi thường xuyên. Tôi vẫn thuốc ngày 3 cữ, ra vào bệnh viện tự nhiên như… nhà của mình. Mấy cô y tá vẫn vui vẻ, an ủi, trò chuyện, chia sẻ những ngày buồn tẻ còn lại trong bệnh viện, xem tôi như… người nhà, một thành viên trong gia đình y tế của họ. Điều quan trọng là người chiến sĩ trong tôi phải có tinh thần và nghị lực chiến đấu để chuẩn bị cho trận địa sắp tới.

Chiến trường bây giờ nằm trong đôi tay của vị bác sĩ trên giường mổ. Mọi thủ tục giấy tờ hành chánh và hồ sơ bệnh lý của tôi được các cô y tá, người chịu trực tiếp là cô Pauline chuyển qua UCI. Tôi vẫn phải tiếp tục uống thuốc, đeo khẩu trang cho đến ngày lên bàn mổ.

Theo chương trình chữa trị, sau khi mổ, bệnh viện UCI sẽ tiếp tục cho tôi uống thuốc lao trong bệnh viện. Khi về nhà, sẽ có người mang thuốc đến “nhìn” tôi uống thuốc mỗi ngày. Tôi sẽ uống trong vòng một năm không lỡ một ngày nào. Hàng tháng phải trở lại bệnh viện tái khám Tôi còn nhớ hôm chào tạm biệt bác sĩ Webster và các cô y tá tại bệnh viện lao để bước sang một cách chữa trị mới tại UCI, bác sĩ Webster nói với tôi: “Annie, You will be well very soon. You are special but you are the best. I will see you again in the best way. Take care.”. Sau đó vẫn là cái “đá lông nheo”và nụ cười hiền hậu nở trên môi. Tôi rơm rớm nước mắt vì cảm động.

Bác sĩ Webster, bây giờ bác sĩ đang ở đâu? Tôi muốn nói một lời cám ơn với các bác sĩ , các cô y tá và nhân viên làm việc trong các bệnh viện lao rằng họ đang làm việc trong một môi trường mà xác xuất lây nhiễm với bệnh lao nhiều hơn những môi trường khác. Đó là sự hy sinh lớn của họ về sức khỏe. Thời gian chữa trị ngoại trú cho tôi nghiệm ra một điều là tuy biết xác xuất lây nhiễm cao nhưng họ…tỉnh queo, họ cũng là những chiến sĩ âm thầm và dũng cảm trên mặt trận chống lao đấy chứ. Đối với bệnh nhân, họ cư xử thật là hòa nhã, tử tế, họ không kỳ thị, không phân biệt, không hắt hủi bệnh nhân, họ làm việc với tinh thần trách nhiệm và đầy tình người.

Bệnh lao của tôi bây giờ phải nhờ đến phẫu thuật. Tôi bằng lòng với phương án này thay vì đi Denver. Không giết ổ của nó bằng thuốc thì dùng dao, kéo bứng nó ra vậy.

Bác sĩ Jeffrey Miliken là vị bác sĩ nổi tiếng về khoa phẫu thuật tim và phổi ở bệnh viện UCI. Ông thấp người, đẹp trai, có đôi bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại chắc là diệu dụng cho những ca mổ khó. Ông đã liên lạc và tham khảo với bác sĩ Webster nhiều lần trước khi mổ. Tôi đã được ông trao đổi nhiều lần về phương cách làm. Đó là một vết cắt hình vòng cung dưới nách dài khoảng một gang tay bên mặt. Bệnh viện đã làm những xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp CAT, MRI, hỏi han về bệnh sử và cho tôi một cái hẹn lên bàn mổ lúc 6 giờ sáng.

Tôi có mặt ở bệnh viện lúc 5 giờ để chuẩn bị. Tôi phải nhịn đói từ 5 giờ chiều ngày hôm trước. Trong khi chờ đợi ca mổ, một chiếc xe cứu thương chở vào một bệnh nhân trong trường hợp nguy kịch vì tai nạn, Bác sĩ Miliken phải hoãn ca mổ của tôi để mổ cấp cứu cho nạn nhân. Chờ đến 11 giờ trưa, tôi được thông báo ca mổ của tôi phải hoãn đến 5 giờ chiều vì bác sĩ có một ca mổ cấp cứu khác. Tôi ngồi chờ, vừa đói vừa buồn không lẽ mình… xui đến thế sao? Trong đầu tôi nẩy sinh ý nghĩ tôi là ca mổ thứ ba trong một ngày của ông. Liệu ông còn tỉnh táo, khỏe khoắn để mổ tiếp cho tôi không? Tôi có một linh cảm ca mổ của tôi sẽ không hoàn hảo. Tôi chia sẻ nỗi lo âu đó với chồng tôi và mong rằng nếu hoãn lại ngày mai hay bất cứ ngày nào, tôi xin ca mổ vào buổi sáng sớm nhất. Tôi có niềm tin vào buổi sáng sớm, sức khỏe, sự tươi mát của ngày mới bắt đầu rất cần thiết và thuận lợi cho việc phẫu thuật và tâm lý của vị bác sĩ.

Ca mổ của tôi bắt đầu lúc 5 giờ chiều và kéo dài 5 tiếng. Tôi được chuyển đến một phòng riêng cách ly với các bệnh nhân khác. Bác sĩ vào khám, y tá vào chăm sóc, thuốc uống trước mặt y tá, người nhà vào thăm đều phải mang khẩu trang.

Sau khi mổ xong, thuốc mê đã tan, y tá đặt một cái ống nhựa, một đầu gắn với chỗ vết mổ để dẫn máu còn sót lại và một thứ nước đục lờ ra ngoài. Tôi uống thuốc giảm đau. Chỉ cần một cơn ho hay một cái hắt hơi, tôi đau quắn người. Tôi yếu đến nỗi cầm miếng bánh mì tôi xé không đứt. Tôi có cảm giác như hơi thở mình ngắn và yếu đi.

Hai ngày sau khi mổ, bác sĩ Miliken đến thăm, tôi nói tôi có cảm giác khó thở, ông bèn cho chụp hình phổi và cho tôi thở bằng một cái máy đặt ở cuối giường có cái ống thông vào mũi. Một cái device bằng nhựa giống như đồ chơi trẻ con giúp tôi tập thở bằng cách hít thật sâu để không khí tràn nhiều vào phổi giúp phổi nở ra. Cả một tuần lễ tự tập thở bằng cái đồ chơi cầm tay và nhờ máy hỗ trợ kêu xình xịch suốt ngày, kết quả chụp X ray cho biết phổi tôi vẫn bị collapsed, không nở.

Tôi tìm cách hỏi dò các sinh viên thực tập đến tìm hiểu và học hỏi về “ca” của tôi. Thấy tôi có vẻ quan tâm, họ giải thích rõ hơn, ví như cái ruột xe đạp bị một lỗ dò, cho dù có bơm bao nhiêu không khí vào, cái ruột cũng xì hơi ra, không phồng được. Tôi còn biết cái lỗ đó nó nhỏ tí xíu như đầu mũi kim. Khi mổ lấy ổ vi trùng lao và được may lại, có thể vết may không sát và kín, tôi phải chờ thêm thời gian nữa để vết thương thành sẹo khít lại, cái lỗ dò sẽ bít, không khí không xì ra ngoài, phổi sẽ nở được. Bác sĩ giải thích như thế và hy vọng sự mầu nhiệm của cái lỗ dò sẽ bít lại để tôi có thể về sớm.

Trong bệnh viện, những cô y tá làm việc theo “ca” lòng vòng rồi cũng gặp tôi hoài. Họ bắt đầu quan tâm đến tôi nhiều hơn vì thứ nhất tôi là bệnh nhân, ngoài đôi găng tay, các cô còn phải mang khẩu trang khi vào phòng, thứ hai tôi là bệnh nhân có phòng riêng đặc biệt…sang và thứ ba tôi ở khá lâu, gặp các cô rất thường.

5 ngày sau khi mổ, bác sĩ Miliken đến thông báo về kết quả biosy, đó là vết lủng của bệnh lao không phải ung thư làm tôi mừng nhưng lỗ dò bằng đầu mũi kim mới là nỗi lo chính của tôi. Bao giờ? Tôi sẽ…chờ đến bao giờ? Nếu như nó cứ xì không khí ra ngoài như thế tôi cứ phải ôm cái máy trợ thở này cả đời à? Phải có cách nào giải quyết “tai nạn” này chứ! Tôi đã ở bệnh viện được 3 tuần rồi! Còn có một tuần nữa là tết Việt nam, tôi phải ở trong nhà thương, làm bạn với bốn bức tường, với cái máy ồn ào này. Sự mầu nhiệm và may mắn vẫn chưa đến với tôi sao?

Tôi mặc chiếc áo bông cột giây phía sau lưng của bệnh viện, hai tay xách cái máy trợ thở có sợi dây thòng lên mũi, ra hành lang đứng trên lầu nhìn xuống ông đi qua bà đi lại mà buồn ơi là buồn! Vết mổ đã lành, đang lên da non làm cho tôi có cảm giác ngưa ngứa khó chịu. Tôi đã quyết định sáng mai khi bác sĩ Miliken vào khám, tôi sẽ chủ động đặt vấn đề xin bác sĩ mổ lại lần thứ hai để “fix” lỗ dò cho tôi. Tôi không còn kiên nhẫn nữa. ba tuần lễ đủ để vết thương lành thành sẹo. Lỗ dò còn đó và mãi mãi còn đó dù là nhỏ như đầu mũi kim. Sự mầu nhiệm sẽ không bao giờ xảy ra đâu bác sĩ ơi!

Bác sĩ Miliken mở to mắt ngạc nhiên nhìn tôi và hỏi tôi có thật muốn mổ lại không, liệu có chịu nổi không, đã suy nghĩ kỹ chưa? Tôi gật đầu, rớm nước mắt, nghẹn lời khi nói rằng tôi biết bác sĩ rất khó khăn khi phải đưa ra lời đề nghị mổ lần thứ hai, vì vậy tôi xin đề nghị trước. Lần này, Ông vừa trợn mắt vừa há miệng, “Wow! Did you reach my mind?” Tôi nói thêm: “Đây là một “accident”. (Tôi không dùng “chữ mistake”). Đã là “accident” thì tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, đến với bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Bác sĩ tiến hành mổ liền cho tôi đi, càng sớm càng tốt. Tôi đã sẵn sàng.” Bác sĩ Miliken nhìn tôi với đôi mắt tỏ vẻ hài lòng.

Lát sau, Ông cầm tay tôi và ngập ngừng nói “Annie, I am so sorry.” Rồi tiếp, “Thank you for your understanding. You will be fixed very soon”.

Ba ngày sau tôi lên bàn mổ vào lúc 6 giờ sáng. Phương cách mổ là rạch lại vết sẹo dưới nách hình vòng cung của lần mổ trước, bác sĩ sẽ dùng một miếng da nào đó trong phổi đặt lên chỗ mổ cũ giống như vá ruột xe đạp và may lại. Sáng hôm sau, chiếc máy chụp hình phổi như thường lệ trước đây được chở đến phòng tôi. Hình phổi cho thấy phổi đã nở. Tôi ở bệnh viện thêm hai ngày nữa, tổng cộng là 4 ngày rồi rời bệnh viện. Chiều ngày thứ tư, bác sĩ Miliken đến thăm tôi, nói lời chúc mừng và từ giã vào lúc tôi sửa soạn ra về. Tôi cám ơn Ông và rời bệnh viện đúng vào chiều ba mươi Tết âm lịch.

Con đường Bolsa vang tiếng trống múa lân và tiếng pháo, đường phố đông xe, người qua lại tấp nập, kẻ mua người bán ở các chợ hoa, lòng tôi rộn rã niềm vui của một người tự do, không còn cái cảnh hai tay xách cái bình có sợi giây thông vào lỗ mũi đi lang thang trong hành lang bệnh viện. Năm cũ nhiều đau ốm bệnh tật và tai nạn đã qua đi, tôi sắp đón chào một năm mới.

Tôi ở nhà dưỡng bệnh. Mỗi ngày, vào lúc 9 giờ sáng, Cô Mai, nhân viên y tế của bệnh viện đến nhà tôi giao thuốc và … chờ tôi uống xong trước mặt cô, cô mới về. Hai tháng sau, cô Pauline gọi tôi đến bệnh viện tái khám, làm các xét nghiệm như trước đây: chụp hình phổi, thử đàm, thử máu, nước tiểu. Bác sĩ Webster đã về hưu, bác sĩ Quý, trẻ, người Việt nam phụ trách “ca” của tôi. Hồ sơ bệnh lý của tôi dầy đến nỗi cô Pauline phải tách ra, chỉ giữ những trang mới nhất sau này.

Bây giờ tôi trở thành bạn của các cô. Ngày lễ Halloween, các cô rủ tôi đến bệnh viện xem các cô hóa trang. Hàng tháng tôi đều có hẹn tái khám với bác sĩ Quý và có dịp gặp lại các cô như cô Loan, cô Kimberly, cô Mai, cô Huệ, cô Pauline… Thế rồi một hôm, bác sĩ Quý sau khi khám bệnh, xem hồ sơ xong tuyên bố, “release!” Tôi mừng quá la lên, “Release hả bác sĩ? Thiệt hả bác sĩ?” Bệnh nhân lao nghe hai chữ “release” mừng lắm, có cảm tưởng như mình được trả tự do sau những ngày tháng bị kềm kẹp.

Cuộc chiến đấu chống lao của tôi kéo dài một năm rưỡi đã kết thúc. Các cô y tá đều ra gặp tôi để chúc mừng, “chào tiễn biệt nhưng không hẹn ngày… tái ngộ.” Ai cũng nói thế! Lúc đó, phải chi có bác sĩ Webster, tôi sẽ nói câu này: “Doctor, All quiet on the Western Front. We win, at last”. Con vi trùng Kock vẫn còn đó nhưng nó đã ngủ yên. “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh.” Cuối cùng chúng ta đã chiến thắng.

Tôi gặp lại các cô, các bác sĩ trong bệnh viện trong ngày đám cưới cô Pauline. Cuối cùng cô cũng tìm được người bạn đời. Ai cũng ngạc nhiên vì sau một năm gặp lại, tôi thay đổi nhiều, trắng trẻo, tròn trịa, trẻ trung, hồng hào, tươi tỉnh… đó là lời các cô nhận xét. Ngồi chung một bàn, chúng tôi nói chuyện… ngày xửa ngày xưa có một bệnh nhân tên là…là…

Tôi muốn nhân dịp này kể cho các cô nghe tôi tình cờ đọc trong một tạp chí y tế đã mất bìa ở nhà người bạn. Tạp chí viết về tình trạng có những loại vi trùng sau này chống được với tất cả các thuốc chữa lao. Nhiều bệnh nhân bị bệnh lao nhưng không đủ thuốc uống như ở Ấn Độ. Nhiều bệnh nhân bị “resistant” kháng thuốc mà không có thuốc thích hợp để điều trị nằm chờ chết… Tờ báo đăng hình những phụ nữ Ấn Độ gầy gò chỉ có xương và da, quấn chiếc sari cũ kỹ nằm trên chiếc giường tre, nét mặt đăm chiêu dưới bức hình có ghi hàng chữ “NO MEDICINE FOR MDR-TB”. Đây là một trong những bệnh nhân kháng thuốc lao đang nằm chờ thuốc và chờ… chết.

Tôi nhớ lại 12 năm trước, tôi cũng bệnh như những người đàn bà này. Nếu không có hệ thống y tế cộng đồng chặt chẽ, phổ biến gồm các phương tiện hiện đại như máy móc, thuốc men, bệnh viện, bác sĩ , y tá, nhân viên … ở xứ Mỹ, tôi sẽ không còn ở đây để viết những dòng tri ân này đến nước Mỹ đã cứu tôi trở về từ cõi chết.

Có lần, tôi tò mò hỏi cô Pauline về chi phí thuốc men chữa lao một năm rưỡi, chi phí bệnh viện cho 2 ca mổ ở UCI là bao nhiêu, cô Pauline vừa cười vừa nói: “Tính nhẩm sơ sơ cũng hơn 100. 000$ đô chị ơi” làm tôi giật nẩy mình. Vậy mà khi rời bệnh viện, tôi không phải trả một đồng xu cắc bạc nào! Tôi là ai mà mang một cái ơn nặng với đất nước Mỹ?

Cuộc chiến tranh ở Việt nam đã chấm dứt, để lại những người lính và sĩ quan Việt nam ở lại phải đi tù cải tạo. Nhờ tấm lòng nhân đạo, gia đình tôi đã đến nước Mỹ định cư theo chương trình HO. Chỉ là một di dân hợp pháp, tôi được hưởng tất cả những quyền lợi về an sinh xã hội của người Mỹ. Số tiền chữa bệnh miễn phí này lấy từ tiền đóng thuế của người Mỹ đã chia bớt một phần lương của họ để trang trải chi phí thuốc men bệnh viện cho tôi. Tôi muốn nhắn gửi những ai khi cầm những viên thuốc trị lao, xin nhớ cho rằng trên thế giới này có triệu con người đang cần nó như cần cơm ăn, áo mặc cho nên hãy trân trọng tài sản nhỏ bé này của đất nước đang cưu mang mình. Xin uống đủ đô. Đừng ném bỏ nó.

Tôi muốn được chia sẻ lòng kính trọng và biết ơn đến các bác sĩ, y tá, nhân viên... đang làm việc ở các bênh viện lao trên đất Mỹ, họ đang chiến đấu âm thầm giúp các bệnh nhân chống kẻ thù là vi trùng lao đã giết hại hàng triệu người mỗi năm. Tôi cũng muốn cám ơn vị bác sĩ mổ đã cho tôi bài học về sự khiêm cung, tinh thần trách nhiệm và sự tử tế.

Cuối cùng, “bệnh là bạn”, tôi muốn tâm sự với “bạn bệnh” của tôi, “Bạn ơi, bạn từng quậy phá tôi… suýt chết, nhưng bây giờ, chúng ta đã hiểu nhau. Bạn đã biết điều mà chấp nhận sống chung hòa bình. Ngôi nhà chung, thể xác tôi đây cũng là… nhà của bạn. Bạn hãy ngủ thật say, tôi sẽ chẳng bao giờ dám… làm mất giấc ngủ ngon của bạn.

Bạn tôi có cái tên nổi tiếng dễ nhớ chắc ai cũng biết: “Cốc” - (Kock). Tên tôi là Annie. Tên Việt nam là Anh. Tôi nhớ có bài hát ru rất hay của nhà thơ Huy Cận được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc tựa đề là “Ngậm Ngùi”. Tôi xin phép nhà thơ và nhạc sĩ sửa chút lời cho hợp ý để tặng bạn Kock của tôi:

Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
“Cốc”ơi hãy ngủ, “Anh” hầu quạt đây
Tình “Anh” với “Cốc” thật đầy
Làm sao quên được những ngày “quần” nhau
Bây giờ Cốc hãy ngủ sâu
Cho “Anh” viết lại vài câu tâm tình
“Cốc” với mình tuy hai mà một
Mình với “Cốc”tuy một mà hai
Ở trong thân cát bụi này
Hai ta cùng sống những ngày bình an.


Kết thúc câu chuyện “Kock and me” là tôi được may mắn xếp vào 90% những người nhiễm lao tiềm ẩn không triệu chứng trên thế giới này cho nên đến ngày tôi…chết, bạn “Cốc” vẫn ở bên cạnh tôi, “Kock and me”.

Phùng Annie Kim
(Bài được gửi từ 05/17/2013, Viết Về Nước Mỹ năm thứ 13)

Ý kiến bạn đọc
28/02/201802:15:22
Khách
Thưa ông Hoàng Minh.
Baì viết này viết đã lâu. Tình cờ đọc laị mới thấy có lời góp ý của ông.
Thực sự tôi không viết "tầm phào". Tôi viết với sự trân trọng, lòng chân thành và tinh thần trách nhiệm đối với người đọc. mong rằng có thể chia sẻ chút gì cho những người cùng bệnh với mình.
Chi tiết ông cho rằng sai tôi cũng không nhớ mình lấy từ nguồn tài liệu nào vì lâu quá rồi. Bản thân tôi không... dám đặt ra các informtion ấy.
Dù sao cũng cảm ơn ộng đã chân thành góp ý để tôi có cơ hội học hỏi thêm.
22/02/201714:28:08
Khách
bài viết khá hấp dẫn. Nhưng tác giả đã mắc 1 lỗi rất lớn. Bà đã viết tầm phào về người bác sĩ có công tìm ra vi trùng lao cũng như thuốc trị bịnh này. Ông tên là Robert Koch, người Đức và sinh năm 1843. Ông đưa khám phá của mình ra công chúng vào 24 tháng 3 năm 1882 tại Berlin-Germany. Một trăm năm sau World Health Organization WHO hàng năm kỷ niệm ngày này là ngày quốc tế bịnh lao để tưởng nhớ công 1 ân nhân lớn của nhân loại
16/03/201423:53:50
Khách
Bà đã gởi thông tin quý giá cho cộng đồng người Việt về căn bệnh hiểm nghèo. Bài viết cô đọng, hài hước và vô cùng sinh động. Cám ơn bà.
09/03/201407:54:24
Khách
Bài viết đề tài về căn bệnh hiểm nghèo đáng sợ nhưng cháu đọc không thấy sợ mà chỉ thấy hay và vui.
Cháu rất thích đoạn cuối có bài thơ của cô.
Cám ơn cô Annie
04/03/201419:41:11
Khách
Tác giả la người can đảm tự viết về căn bệnh hiểm nghèo của mình. Bản thân tôi là người mắc bệnh này. Tôi đã nhờ tòa soạn liên lạc với tác giả để học hỏi kinh nghiệm chữa trị, và tôi đã được chữa trị tốt. Thành thật cảm ơn tác giả về bài viết ích lợi và quý báu này.
08/06/201319:19:50
Khách
Bài viết diễn tả tỉ mỉ về tiến trình điều trị căn bịnh hiểm.Thật có ích cho cộng đồng VN ở hải ngoại.Chúc tác giả luôn yêu đời và sống vui sống khoẻ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,249,832
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến