Hôm nay,  

Garage Sale Và Người Cựu Binh Mỹ

08/04/201300:00:00(Xem: 244975)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một cựu sĩ quan CSQG/VNCH, tù “cải tạo” gần 7 năm, định cư tại Nam California từ năm 1991 theo diện HO5. Cựu nhân viên Material Specialist (công ty ALCOA) đã nghỉ hưu năm 2012. Sau đây là bài viết của ông.

Tôi đến Mỹ theo diện tị nạn H.O. vào đầu thập niên 1990. Vì có thân nhân ở Mỹ nên thời gian đầu gia đình tôi định cư tại San Bernardino, một thành phố nằm trong vùng thung lũng ở sâu trong đất liền tại nam California, cách Little Saigon khoảng hơn 60 dặm về hướng Đông Bắc.

Nơi tôi ở, nhìn ra chung quanh đâu đâu cũng thấy đồi núi và rừng trùng điệp trông giống như ở cao nguyên miền Trung Việt Nam, nhưng dĩ nhiên ở đây nhà cửa và phong cảnh thì hoàn toàn khác hẳn. Vào thời gian đó, số người Việt cư ngụ ở đây cũng không nhiều lắm mặc dù nó chỉ cách Little Saigon khoảng hơn một giờ lái xe. Có lẽ vì vùng này gần sa mạc, khí hậu nóng và khô hơn vùng quận Cam nên không được bà con ta ham chuộng đến định cư. Vào mùa hè, có hôm nhiệt độ lên đến hơn 100 độ F là chuyện thường, còn mùa đông thì cũng lạnh hơn với các ngọn núi Big Bear và Arrowhead ở xung quanh phủ đầy tuyết trắng trông rất đẹp.

Thời gian đó, giống như mọi gia đình H.O. khác, chúng tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn để hội nhập vào đời sống mới trên xứ Mỹ. Mọi thứ đều mới lạ. Để chuẩn bị cho cuộc sống mới bao nhiêu việc phải lo toan. Từ nơi ăn, chốn ở cho đến công ăn việc làm và chuyện học hành của con cái. Cái khó khăn chính vẫn là vấn đề tài chánh để lo cho mọi sinh hoạt trong gia đình. Thời gian đầu thì hầu như gia đình nào cũng sống nhờ trợ cấp nên mọi chi tiêu có phần nào hạn chế.

Theo lời mách bảo của bạn bè và những người đến trước, vào những ngày cuối tuần, tôi thường lái xe đi lòng vòng trong thành phố tìm mua những món hàng “garage sale” để hy vọng có thể tìm mua được những món hàng rẻ mà vẫn còn tốt đem về xài. Garage Sale là một hình thức bán đủ thứ hàng gia dụng dư thừa bầy bán ở phía trước garage vào những ngày cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật), hay có thể nói là một hình thức bán hàng lạc xon gia đình để kiếm chút tiền lẻ từ những món hàng muốn phế thải. Gặp trường hợp người chủ nhà sắp dọn nhà đi xa muốn bán bớt một số đồ đạc gọi là “moving sale” thì người mua còn có thể mua được những món hàng rất rẻ. Cho nên, với garage sale, nếu chịu khó đi săn lùng nhiều khi có thể kiếm mua được nhiều món cần thiết với gía rất rẻ mà vẫn còn khá tốt.

Có một kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi cho đến ngày hôm nay. Lần đó, gia đình tôi còn ở San Bernardino, cũng vào một ngày cuối tuần, tôi lái xe loanh quanh đi tìm mua garage sale. Muốn kiếm được những món đồ tương đối tốt thì phải tìm đến những khu nhà giàu hay tương đối “sang” một chút. Tôi đến một khu phố yên tĩnh có nhiều căn nhà biệt lập, ghé lại một “gian hàng” garage sale ở trước một căn nhà. Có một ông Mỹ nước da ngăm đen, không hẳn là Mỹ đen, có lẽ là dân gốc Nam Mỹ, cao lớn, đang mặc quần “short”, áo thun ngắn tay màu olive nhà binh đang đứng trước đống hàng garage sale bừa bộn. Những hàng “sale” của ông gồm có một cái kệ sách nhỏ, một cái bàn viết bằng gỗ có ngăn kéo, một cái tủ để TV ở phòng khách, một cái ghế xoay, một cái quạt đứng, một cái quạt bàn nhỏ, cùng nhiều vật dụng linh tinh và quần áo cũ treo trên mắc.

Tôi dừng xe bước xuống cố làm ra vẻ thân thiện cất tiếng chào ông Mỹ:

- Hi! Good morning! How are you?

Ông Mỹ này cũng chào đáp lại một cách vui vẻ:

- Hi! Fine. How are you?

Trong lúc tôi đang mải xem các món hàng và có lẽ vì thấy tôi là người Á châu nên ông đã hỏi thêm:

- Where are you from?

Tôi nghĩ trong bụng đây cũng là dịp cho tôi thực tập bài học ESL ngoài đường phố miễn phí đây, nên đáp ngay:

- Im from Vietnam.

Nghe tôi trả lời, ông tỏ vẻ mừng rỡ chìa tay ra bắt tay tôi xiết rất mạnh. Ông nói cho tôi biết, ông là một cựu binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ đã từng phục vụ tại Việt Nam. Gặp một người Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam tôi cũng rất vui xiết chặt tay ông. Tôi cố vận dụng mọi khả năng Anh ngữ để nói chuyện với ông một cách thích thú. Ông khoe, ông từng chiến đấu ở Khe Sanh và Đà Nẵng vào những năm 1968 và 1971. Ông từng bị thương ở vai nhưng may mắn chỉ để lại một vết sẹo. Ông vạch áo cho tôi xem vết sẹo trên vai ông. Một vết sẹo nhỏ bằng một đồng quarter có lẽ là dấu vết của một miểng đạn. Ông nói, đó là vết thương do đạn pháo kích của VC trong trận đánh tại Khe Sanh năm 1968, trận đánh mà VC đã tung ra tới 3 sư đoàn bao vây và tấn công căn cứ TQLC Mỹ tại Khe Sanh nhiều tháng trời. VC mong muốn tạo ra một chiến thắng Điện Biên Phủ thứ hai tại mặt trận này nhưng chúng đã không thành công. Đáng lẽ do vết thương này ông được phép ở lại tại hậu phương phục vụ trong nội địa Hoa Kỳ nhưng ông đã tình nguyện sang Việt Nam nhiệm kỳ thứ hai trong năm 1971. Trong lần thứ hai này, ông phục vụ tại căn cứ Chu Lai, Đà Nẵng.

Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ tên ông Mỹ này là Chuck Bass. Cái tên Chuck làm tôi liên tưởng đến tên một tài tử nổi tiếng loại phim hành động đánh đấm của Mỹ là Chuck Norris mà tôi rất thích. Ông cho biết, ông hiện là một thượng sĩ sắp về hưu đang làm việc trong căn cứ không quân Norton ở San Bernardino. Căn cứ này đang chuẩn bị đóng cửa sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt (căn cứ này sau đó đã đóng cửa vĩnh viễn vào năm 1994 cùng với nhiều căn cứ khác ở Mỹ). Khi biết tôi cũng là một sĩ quan của miền Nam đến Mỹ chỉ mới một năm, ông hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra sau khi chế độ Sài Gòn và miền Nam sụp đổ. Tôi kể cho ông biết về việc VC sau khi chiếm được toàn miền Nam đã bắt toàn thể các quân, cán, chính của VNCH trong đó có tôi vào các trại tập trung cải tạo trong nhiều năm. Có người đã bị giam đến 17 năm mới được thả, riêng cá nhân tôi chỉ bị tù gần 7 năm. Nghe nói vậy ông kêu lên đầy vẻ ngạc nhiên, “Oh! My God!”.


Vừa lúc đó, một bà Mỹ từ phía cửa trong garage bước ra, ông kêu bà lại giới thiệu với tôi đó là vợ ông. Cũng giống như ông, bà Mỹ này cũng to lớn đẫy đà, khuôn mặt khá phúc hậu. Ông nói lại với bà vợ về câu chuyện tôi là một sĩ quan miền Nam VN bị tù mà tôi vừa nói với ông rồi cứ lập đi lập lại chữ “unbelievable”. Tôi cũng không thể ngờ rằng câu chuyện bị tù của tôi lại có thể làm ông xúc động mạnh như thế. Có lẽ ông không thể ngờ rằng những người chiến thắng VN lại có thể bỏ tù những người thua trận đã đầu hàng cùng là đồng bào với họ. Ông nói với tôi về cuộc chiến tranh Nam – Bắc trong lịch sử Mỹ; sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính miền Nam nước Mỹ đã được cấp cho ngựa và lương thực để trở về với gia đình. Không ai bị đi tù ngày nào cả, kể cả những tướng lãnh chỉ huy của miền Nam nước Mỹ.

Tôi thật cảm động trước tấm lòng của ông nhất là khi thấy mắt ông chớp chớp có vẻ rất xúc động. Tấm lòng của người cựu chiến binh Mỹ vừa quen đã làm cho lòng tôi ấm lại. Ông cũng nói rằng, ông rất buồn là chính phủ Mỹ đã không hết lòng giúp đỡ Việt Nam chiến thắng cộng sản, và rằng dù cho cuộc chiến ấy đã làm chia rẽ nước Mỹ nhưng cá nhân ông vẫn hãnh diện đã từng được chiến đấu nơi chiến trường đó. Đó là một cuộc chiến tranh rất có chính nghĩa để bảo vệ Tự Do, Dân Chủ và tiến bộ chống lại một chủ nghĩa, một thể chế độc tài, phản dân chủ, phản tự do do những người cộng sản chủ trương. Ông nói, ngày nay cuộc chiến tranh lạnh đã chấm dứt, khối cộng sản Đông Âu và Liên Sô đã sụp đổ nên ông hy vọng một ngày kia Việt Nam cũng sẽ không còn là một quốc gia cộng sản. Tôi cám ơn lời chúc của ông và cũng cám ơn những hy sinh đóng góp của ông cũng như đất nước Hoa Kỳ cho Việt Nam.

Sau một hồi nói chuyện với ông Mỹ này, thấy ông qúa thân tình tôi không nỡ bỏ đi mà không mua gì cả, cho nên cuối cùng tôi lựa cái quạt bàn nho nhỏ rất xinh định mua cho con gái tôi để ở bàn học của nó. Khi tôi hỏi ông gía bao nhiêu để tôi trả tiền thì ông bảo rằng, ông muốn tặng tôi để làm kỷ niệm như là một món qùa cho tôi “Welcome America”. Thật là một bất ngờ làm tôi cảm động trước nghĩa cử của ông, dù món qùa không đáng gía bao nhiêu. Trước khi ra về, tôi không quên nói lời cám ơn về lòng tốt của ông. Ông cũng hỏi xin địa chỉ và điện thoại của tôi để liên lạc.

Sau lần shopping đó, thỉnh thoảng ông Chuck Bass có điện thoại hỏi thăm tôi. Lúc đó ông còn đang làm việc tại Phi Đoàn Không Vận Quân Sự 63 (63rd Military Airlift Wing) đóng trong căn cứ không quân Norton ở San Bernardino. Cuối năm 1993, khi căn cứ này sắp sửa đóng cửa thực sự, ông được đổi về căn cứ không quân Travis ở gần San Francisco, Bắc California, nên cũng từ đó, tôi ít còn có dịp liên lạc với ông.

Giáng sinh năm 1993, ông có gởi cho tôi một tấm thiệp giáng sinh kèm theo một tấm hình photocopy chụp lại một tấm hình từ báo “Stars and Stripes” của quân đội Mỹ không rõ năm nào. Tấm hình có in hình tướng Westmoreland đang đứng trước một hàng quân trong đó có ông Chuck Bass đứng trong đó với lời ghi chú viết tay bằng tiếng Anh: “To my Vietnamese buddy – From your American Friend: Chuck” (Tặng anh bạn Việt Nam – Từ người Bạn Mỹ của anh: Chuck). Bên cạnh hình ông trong tấm hình photocopy đó còn có một hàng chữ nhưng có nhiều chữ bị mờ đọc không rõ có lẽ vì chụp lại bằng photocopy, chỉ có câu này tôi còn đọc được: “At least someday I will be able to say that I was proud of what I was … a soldier.” (Ít nhất một ngày nào đó, tôi sẽ có thể nói rằng tôi hãnh diện về điều tôi đã là … một người lính.)

Quả thực trên thực tế đã có nhiều người Mỹ muốn quên đi cuộc chiến Việt Nam. Họ muốn phủ nhận trách nhiệm đã bỏ rơi một người bạn đồng minh đã từng cùng họ chiến đấu vì lý tưởng tự do, dân chủ chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa độc tài cộng sản. Tuy nhiên bên cạnh đó, chúng ta vẫn có những người bạn Mỹ tốt, phần lớn họ là những cựu chiến binh đã từng phục vụ tại Việt Nam. Họ cảm thông với chúng ta, chia sẻ với chúng ta sự mất mát lớn lao mà chúng ta đã phải gánh chịu.

Đã có nhiều lần tôi có dịp tiếp xúc với một số cựu chiến binh Việt Nam (người Mỹ gọi các cựu chiến binh cuộc chiến VN là Vietnam Veterans) đều được họ cảm thông với nhiều thiện cảm khi biết tôi cũng là một cựu sĩ quan của miền Nam Việt Nam. Cũng giống như người cựu chiến binh trên, họ tỏ vẻ bất bình với việc chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ rơi người bạn đồng minh Việt Nam, bỏ mặc Việt Nam cho cộng sản thôn tính. Những người cựu binh Mỹ khi gặp một người cựu binh Việt, một người bạn đồng minh cũ của họ, đều được họ dành cho một cảm tình ưu ái đặc biệt. Tôi đã có lần may mắn gặp một trường hợp như vậy.

Lần đó, khi đi xin việc tôi gặp người phỏng vấn là một cựu chiến binh (Vietnam Veteran). Sau một vài câu hỏi xã giao ban đầu lúc phỏng vấn, ông hỏi tôi đã làm gì ở Việt Nam trước khi sang đây. Không biết có phải khi biết tôi là một cựu sĩ quan của Việt Nam ông đã nhận tôi vào làm hay không mà hầu như không thấy ông phỏng vấn gì. Thật ra ông cũng có hỏi tôi một vài câu hỏi liên quan đến công việc cũ của tôi ở Việt Nam hơn là hỏi tôi về những chuyên môn công việc tôi xin. Phải nói là tôi đã may mắn khi gặp một người xếp là cựu binh Vietnam Veteran tốt. (Thật đúng là hay không bằng hên).

Cho nên, mặc dù chúng ta đã bị bỏ rơi, chúng ta vẫn nên mang ơn những người bạn Mỹ, nhất là những người bạn cựu chiến binh Vietnam Veteran, như ông xếp của tôi và người chủ hàng garage sale nói trên. Họ là những người đã từng chiến đấu trên quê hương chúng ta. Họ cũng từng có thời bị “quê hương (họ) ruồng bỏ và giống nòi khinh” (thơ Vũ Hoàng Chương) sau khi chiến tranh VN chấm dứt chỉ vì họ đã từng chiến đấu trên quê hương chúng ta.

TOÀN NHƯ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,315,620
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến