Hôm nay,  

Trường Xưa

27/03/201300:00:00(Xem: 343175)
viet-ve-nuoc-my_190x135Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Bài mới nhất của ông là chuyện về thăm lại Viện Ngôn Ngữ DLI tại San Antonio, nơi tác giả từng du học từ thời trước 1975.

Mỗi người trong chúng ta đều có nhiều kỷ niệm, vui hay buồn, về những ngôi trường trong cuộc đời của mình. Có người nhớ đến ngôi trường làng nhỏ bé, vách lá tuềnh toàng, nền đất sình đen, lồi lỗm....của những ngày đầu tiên cắp sách đến trường Có người còn đọng trong ký ức về ngôi trường Trung Học ngày xưa của tuổi vừa mới lớn : giờ ra chơi, đứng xa xa, nhìn các cô bạn cùng lớp đang cười, nói bên chiếc xe bán đậu xanh, đậu đỏ bánh lọt,kem cây...mà ngẩn ngơ, thở dài, thở vắn! Lên Đại Học, kỷ niệm khó quên của những ngày đạp xe tò tò trên đường có lá me bay, có mưa nho nhỏ: “Em tan trường về, anh theo Ngọ về…” mà “về yêu hoa cúc vì nàng mặc áo màu vàng” hay lại “mến lá sân trường” khi nàng thay áo màu xanh.

Đối với hắn ta, những kỷ niệm, ký ức của tuổi học trò từ lớp “nhân chi sơ, tánh bổn thiện” đến các Đại Học ngày xưa đều mờ nhạt trong tâm khảm hắn. Lý do rất dễ hiểu là trong suốt những năm dài tháng rộng ấy trên ghế nhà trường, hắn chẳng có một tí tình nào để vắt vai, (vì chẳng có em nào nhìn.. xuống hắn), nên chả có gì để nhớ để thương cả!

Trong thời gian đi lính, những tưởng đã bai bai trường lớp, nhưng do công vụ, hắn được gởi đi tu nghiệp trong một trường danh tiếng ở ngoại quốc và trường này đã để lại cho hắn rất nhiều kỷ niệm khó quên.

Đó là Viện Ngôn Ngữ của Bộ Quốc Phòng Mỹ (Defense Language Institute- DLI). Trường nằm trong căn cứ Không Quân Lackland, thuộc thành phố San Antonio, Texas.

Viện Ngôn Ngữ DLI là một ngội trường đồ sộ, chuyên dạy tiếng Anh cho các sĩ quan của hơn 100 quốc gia Đồng Minh của Mỹ. Ngoài ra trường còn phụ trách các lớp dạy hơn 40 ngôn ngữ khác nhau cho các quân nhân Mỹ đồn trú trong các căn cứ ở ngoại quốc.

DLI có ba trường riêng biệt: Trường dạy tiếng Anh căn bản cho sĩ quan các nước Đồng Minh, kéo dài trong 52 tuần; trường dạy tiếng Anh kỷ thuật cơ khí và phi hành cho các phi công trong 9 tuần lễ. Tất cả các phi công Việt Nam phải tốt nghiệp lớp này trước khi sang căn cứ khác để thực hành bay; khu đặc biệt dành cho các sĩ quan giảng viên quân đội Đồng Minh, đã và đang dạy tiếng Anh trong xứ, sang tu nghiệp trong 9 tháng để trau giồi khả năng nghe, nói và phương pháp dạy… Mỗi hai năm, họ trở lại để dự khóa bồi dưỡng trong 4 tháng để tiếp nhận phương pháp giảng dạy mới.

Trường của hắn là một đơn vị quân đội quá ư là đặc biệt, không giống con giáp nào trong cả 4 vùng Chiến Thuật: có hơn 200 sĩ quan, từ chuẩn Úy đến Đại Tá, mà chỉ có lối 2 tiểu đoi lính và Hạ Sĩ Quan, chuyên lo canh gác.

Thời buổi chiến tranh ác liệt đang xảy ra hàng ngày trên đất nước khốn khổ của hắn, mà được dịp “xuất dương”, là điều may mắn và đặc ân cho hắn; khỏi phải ứng chiến, trực gác, cấm trại, tuần tiễu ban đêm, quên đi tác phong mày râu, nhẵn nhụi, áo quần thẳng bon và ngày nào cũng gào lên “repeat after moi”!, và nhất là tránh được đôi mắt hình viên đạn, dò xét kiểu Xịa của bà Nội (tướng) ở nhà, mỗi khi chuẩn bị vào Trường “sẵn sàng ứng chiến”. Sở dĩ bà xã kềm kẹp hắn chặt chẽ, vì đơn vị hắn nằm trong Khu Tam Giác Sắt chiến lược: Ngã 3 , ngã 4 và ngã 5 ở Gò Vấp.

Chương trình khóa học xem ra khá nặng gồm ngôn ngữ học, ngữ pháp, cú pháp, phương pháp dạy… Cuối khóa phải trình một luận văn dài về ngôn ngữ học hay phương pháp sư phạm. Nhưng đối với hắn và các bạn, đã từng mài mòn nhiều bàn ghế của các trường công có, tư có. Đã luyện tiếng Anh từ các sách giáo khoa kinh điển như Penthouse, Playmate, Kamasutra….; có dầy dạn kinh nghiệm dạy ở trường và tư gia, nên hắn thấy học sao mà dễ ợt!

Thế cho nên mỗi ngày học là một niềm vui lớn cho hắn và các bạn. Mỗi lớp có lối 20 sĩ quan, thuộc đủ quốc tịch của năm châu, bốn bể. Ngồi trong lớp suốt 5,6 tiếng đồng hồ để học, nghe giảng những điều mà mình đã biết, đã đi dạy thiên hạ từ lâu.. thì buồn hơn chấu cắn, vì vậy hắn và các bạn thường tìm cách để khỏi…bị học! Điều này làm các học viên khác trong lớp hơi khó chịu, vì họ …muốn học!

Bà giáo dạy ngữ pháp, tuổi lối trên dưới 40, dáng người gọn, đẹp, nở nang, vui vẻ, cởi mở, hơi lẳng lơ theo cách nhìn của Á Châu. Như các cô xướng ngôn viên của đài truyền hình , mỗi ngày là một buổi trình diễn thời trang của bà: áo, váy, giày, tóc, luôn thay đổi kiểu, màu. Mắt xanh, môi hồng, chuỗi hột perle tòn teng trên cổ, tai lủng lẳng ngôi sao to tướng của xứ Texas.

Sáng nào cô giáo cũng làm một màn catwalk cho học trò xem: ẹo qua, ẹo lại khoe bộ cánh của mình. Biết được tẩy, các sĩ quan thay phiên nhau khen cô của mình: hết quần đến áo, rồi tướng đi, mùi nước hoa của cô, mắt phượng, mài ngài, vòng số 1, số 2, và số 3... đều khen tuốt luốt. Càng khen, cô càng khoái, cười híp mắt, quên cả dạy… cho đến hết buổi luôn!

Một hôm cô vào lớp, rạng rỡ với chiếc áo model cổ rộng, hình chữ V, dài hết cỡ và chiếc minijupe sặc sỡ, ngắn hết mức cho phép. Băng quậy liền mở máy: tên thì khen áo hợp thời trang, đứa thì hít hà vì chiếc jupe ôm vừa vặn bộ mông to của cô. Cô đi tới, đi lui, cười chúm chím. Một sĩ quan Brazil, có tiếng là bạo miệng, giơ tay xin nói giữa tiếng ồn ào trong lớp

- Whazzup, man!, cô giáo chỉ hắn.

Vừa cười hề hề, hắn vừa nói:

- Cô sẽ là người đẹp toàn diện nếu chữ V dài xuống cỡ 4 inches nữa.

Cô cười tỉnh bơ:

- That s a good idea. But no can do here!

Một sĩ quan Thái nịnh:

- Cái jupe của cô đẹp quá. Nhưng nếu nó ngắn tí nữa thì mọi người mới có thể chiêm ngưỡng cặp giò tuyệt hảo đẹp của cô.

- Thế hả. Như thế này được không?

Vừa nói, cô vừa kéo chiếc jupe lên một tí , “mà sắc mặt vẫn hồng hào, hơi thở vẫn điều hòa!”

Cả lớp nín thở, trố mắt, theo dõi tay cô giáo từ từ nhích lên:

- Higher, higher, more, more!

Tiếng la chợt tắt khi cô buông tay ra.

- Its off limit to yall here !

Thiếu Tá Trưởng Phòng Học Vụ nghe ồn ào, gõ cửa, bước vào, hỏi han cớ sự.

Một sĩ quan Hi Lạp mau mắn trả lời:

- Không có gì. Cô giáo dạy hay quá!

Một buổi sáng, sau màn trình diễn thời trang như thường lệ, cô giáo nhìn khóm nhà lá Việt Nam và nói:

- Tôi được mời sang làm cố vấn đại diện DLI tại trường của các ông ở Việt Nam, nhưng tôi từ chối.

Lại có đề tài khai thác nữa rồi. Băng Việt Nam liền bật nút ON:

- Đi đi cô. Việt Nam đẹp lắm. Đáng đồng tiền bát gạo lắm.

Nhưng cô giáo cứ lắc đầu không chiụ nói. Bỗng hắn nói lên:

- Tôi biết lý do tại sao cô không nhận cái job quá ngon này.

Cô giáo tủm tỉm cười, hất hàm với hắn:

- Nói thử coi!

Hắn nhìn quanh lớp và nói lớn:

- Tại vì, tại vì… no dick, no go!

Cái chợ quốc tế đang ồn ào bỗng im lặng như tờ. Tất cả đều quay lại nhìn tên đã phát ngôn một câu động trời, phạm thuần phong mỹ tục như thế, và hội hộp chờ phản ứng lôi đình của cô giáo.

Thật vậy, ở cái xứ mà bà nhất, chó nh , ông hạng bét, lại cả gan bảo đàn bà, con gái mê dick, thì họ không những vả cho sưng mặt, không còn một cái răng ăn cháo với hột vịt muối, mà còn sue ra tòa, vì tội dám nói sự thật… trần truồng.

Cô giáo im lặng nhìn cả lớp một lúc, rồi bật cười ha hả:

- That right. Youre right!

Cả lớp thở phào khi cô giáo cho biết là cô từ chối vì không muốn xa ông chồng “râu hùm, hàm én, vai to, lưng mười thước cao” tên Dick của bà.

Texas là xứ chăn bò, nên lớp tôi cũng có một ông thầy cao bồi: cao lênh khênh như chàng lãng tử Lucky Luke trong truyện tranh vẽ của Pháp, miệng luôn phì phèo điếu thuốc 555, áo nào cũng nhiều nút đồng, túi có tua lòng thòng, quần jeans Wrangler bó sát mông, đội nón rộng vành, và mang giày cao cổ đi lộp cộp trong lớp. Chỉ thiếu có bánh răng cưa sau đôi giày và khẩu súng lục đeo xề xệ bên hông là ông thầy hắn giống tài tữ Gary Cooper hay Randolp Scott của miền Viễn Tây ngày xưa.

Hắn không nhớ ông thầy cao bồi này dạy môn gì, vì trong lớp ông ta thường kể chuyện tiếu lâm, hỏi học sinh những chuyện trên trời dưới đất, và những chiến tích, chiến thương trong các trận đụng độ nẩy lửa giữa ông ta với các nàng mexicanas. À, mà có, chúng tôi có học được từ ông thầy này rất nhiều tiếng lóng bằng tiếng Anh và tiếng Mễ.

Vì thế, giờ của ông thầy cao bồi là một cuộc vui vô tận, vui đến đỗi Thiếu Tá Trưởng Phòng Học Vụ thường xuyên ghé qua thăm hỏi. Dù chẳng học được gì nhiều của ông ta nhưng cả lớp chẳng ai “khe”, vì họ đến đây để nghe, luyện giọng và tìm niềm vui.

Bà giáo dạy văn phạm có tên là Đại Bàng, đứng tuổi, nghiêm nghị. Ai cũng ớn lớp này, vì ngán phải nhai lại những gì mình đã biết từ xửa từ xưa. Lớp học lúc nào cũng buồn thiu, im lìm đến nỗi đôi khi nghe tiếng khò khò ở các bàn cuối lớp.

Vì sáng phải đi học sớm, nên các học viên đều dùng điễm tâm ở Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Mỹ, vừa rẻ, tiện và thức ăn rất phong phú. Phòng ăn của Sĩ Quan có khác: sang trọng, đẹp. Sắp hàng, kể cả Tướng chỉ Huy căn cứ, trả 60 xu để vào chọn thức ăn. Sĩ Quan Châu Á, Châu Phi, Mỹ Latin có lẽ thiếu ăn ở quê nhà, nên qua đây ăn hơi kỹ. Hai người một bàn mà không có chỗ để thức ăn. Ai cũng một ly sữa tươi, ly sữa nóng có 2 hột gà, ly cam vắt, tách cà phê sữa, tách trà, một trứng la cót, một dĩa 3 trứng ốp la với bacon cùng xúc xích và jambon, một củ khoai tây, 2 miếng bơ, một miếng fromage. Trái cây có táo, chuối, một ít nho, ½ trái bưởi và yaourt. Ăn xong, đến ngày hôm sau cũng chưa thấy đói!

Điện thoại trong thập niên 70 rất hiếm và quá mắc, nên các Sĩ Quan du học chỉ gọi trong thành phố thôi, không ai có khả năng gọi về nước hỏi thăm vợ con. Nhưng các Sĩ Quan Trung Đông, gọi chung là dân Dầu Hôi, vì hình như mồ hôi của họ là dầu hỏa? Họ thường xuyên gọi về gia đình, mua xe hơi đi chơi, thậm chí có nhiều người mang theo cả vợ con theo, ở khách sạn ngoài căn cứ.

Cả trăm học viên mà không có tới chục phòng điện thoại công cộng, thường xuyên bị dân dầu hôi chiếm đóng, nhanh thì 5-20 phút, lâu thì cả tiếng đồng hồ. Sĩ Quan không dầu hôi rất bực, chẳng biết làm sao, chả lẽ đánh nhau?

Một hôm, đứng chờ hoài không được, hắn giỡn chơi, móc con dao xếp vừa mới mua, gõ cộp cộp vào cửa kính phòng điện thoại. Anh chàng Cu Quét (Kuwait) hay Dế Mèn (Yémen) gì đó , quay ra, nhìn thấy lưỡi dao Bowie nhọn hoắt, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, vội vàng bỏ phone xuống, đi một nước. Tuyệt chiêu này được phổ biến nội bộ để sử dụng khi cần gọi phone.

Khu cư xá ISQ của sĩ quan (International Students Quarters) gồm nhiều dãy nhà dài, tuy không sang trọng, nhưng đầy đủ tiện nghi, chia thành từng phòng cho 2 sĩ quan. Mỗi dãy có 2 nhà bếp chung. Tuy buổi ăn chiều ở Câu lạc bộ Sĩ Quan rất sang trọng và hấp dẫn, nhưng phần lớn các sĩ quan đều chọn nấu món ăn quê hương của mình tại bếp, vừa ngon lại vừa rẻ.

Hôm nào băng dầu hôi nấu bếp trước là phe Á Châu phải chờ rất lâu, vì họ chuẩn bị quá cầu kỳ và nhất là mùi của dê, cừu và gia vị đặc biệt của họ làm không khí nhà bếp rất khó chịu. Trái lại nếu phe ta “giành dân lấn đất” trước, thì phe dầu hôi phải chạy đi ăn cơm ở câu lạc bộ, vì họ không kham nổi mùi khô, nước mấm, mắm nêm và nhất là mắm bồ hốc của Cam Bốt, Lào.

Cuộc chiến vùng Vịnh tự động chấm dứt khi phe ta bỗng nhiên phát minh một sáng kiến ưu việt: nấu ăn trong phòng, mặc dù đã được biết là cấm. Thế là bếp điện và dụng cụ nhà bếp trong Exchange của căn cứ bị vét sạch.

Một hôm đang giờ học thì còi báo động hú inh ỏi ở khu nội trú. May mắn là không có hỏa hoạn, vì xe cứu hỏa đến kịp, khám phá một nồi thịt kho cháy đen trên bếp điện đang đỏ rực trong một phòng. Một cuộc tảo thanh các phòng ngủ gom được một xe Dodge 4x4 đầy bếp điện và nồi niêu, soong chảo. Hôm sau, cuộc chiến giữa phe SEATO với phe OPEC lại tái diễn… trong bếp.


Căn cứ Không Quân Lackland nằm ở ngoại ô thành phố San Antonio. Người Mỹ, nhất là dân Texas, rất tự hào với thành phố này. Thế giới cũng biết đến San Antonio vì nó gắn liền với tên tuổi Alamo.

Năm 1836, tại nhà nguyện Alamo này, đã xảy ra một cuộc chiến anh dũng, bất cân xứng giữa 189 dân quân Texas và đội quân hàng ngàn người của tướng Mễ tây Cơ Santa Ana. Sau 13 ngày đêm cầm cự để chờ viện binh của tướng Sam Houston trong tuyệt vọng, tất cả gần 200 dân quân, trong đó có Đại Tá Travis, chỉ huy trưởng, Jim Bowie (cha đẻ của dao đi rừng nổi tiếng), Davy Crockett (thợ săn, nghị sĩ) đều bị tàn sát. Ngày nay, thế giới ngưỡng mộ, xem trận đánh tại Alamo như là một cuộc chiến anh hùng trong tình thế nghiệt ngã, nơi mà các chiến sĩ hy sinh thân mình cho chính nghĩa và độc lập của đất nước. Alamo trở thành thánh địa của những người yêu tự do ở xứ sở “Ngôi sao cô đơn” (The Lone Star).

Tất cả các sĩ quan du học tại Lackland ở thế kỷ 21 này chắc chắn không có họ hàng ruột thịt, dây mơ, rễ má với các dân quân đã hy sinh tại Alamo cách đây gần 200 năm, nhưng chẳng hiểu lý do gì, họ đều một lòng nêu cao khẩu hiệu “Remember Alamo” và hăm hở đi trả thù dân Mexico!

Joe, một Hạ Sĩ Quan Không Quân, đã giải ngũ là một trong nhiều người đưa lối, dẫn đường cho họ qua biên giới để…. trả thù.

Chiếc xe van 12 chỗ, nhưng lúc nào cũng nhét đến 15 người, khởi hành lối 8 giờ chiều những ngày cuối tuần, trực chỉ thành phố Laredo (Mexico), cách trường lối 5, 6 tiếng.

Đường xa, vắng xe vào ban đêm, nên chỉ sau 2 tiếng là cả xe ngủ gà, ngủ gật . Đang mơ màng, bỗng tiếng ngáy ồ ồ bên tai làm hắn tỉnh dậy, nhìn qua, thì trời ơi! Máu trong người hắn đông lại: bác tài nhà ta đang say sưa giấc điệp, trong khi xe đang chạy 70 miles/giờ. Định la làng, nhưng sợ bác tài giật mình, lạc tay lái thì cả bọn sẽ sớm bay về Việt Nam thăm ông bà khỏi cần đi phi cơ nữa. Khều nhè nhẹ, hắn run run gọi:

- Joe, joe, wake up, man!

Bác tài chợt tỉnh giấc mơ hoa, cười giã lã với hắn:

- Đừng lo, tôi đã chạy đường này trên 20 năm, mà chưa xảy ra tai nạn gì cả!

Cả xe nghe hắn kể lại, hú hồn, hú viá, mở mắt trao tráo, canh chừng cha tài xế “no problema”.

Trước khi qua Mexico, xe dừng lại ở thành phố Nuevo Laredo (New Laredo của Texas) cho khách ăn uống và giải khát. Xong xuôi, xe chạy qua biên giới. Quan Thuế Mỹ nhìn vào xe, thấy tài xế quen và toàn đầu đen, liền khoát tay cho qua. Đến Quan Thuế Mễ hỏi qua làm gì. Bác tài xí xô xí xào, rồi đưa ra 2 tờ có hình Bác... Lincoln ra. Cổng liền giở lên cái rụp. Xe chạy vào xứ sở của Pancho Villa, của nón sombrero và các mariachis (ca sĩ du ca nhạc đồng quê).

Thật là một trời một vực với thành phố bên kia: đèn đuốc sáng rực, cửa hàng lộng lẫy, đường sá sạch sẽ. Laredo bên nay tối tăm, phố xá chật chội, đường đọng nước và đầy rác rến.

Chiếc van chạy lối 15 phút nữa thì dừng lại bên đường. Joe bước ra, chỉ một dãy nhà le lói ánh sang đàng xa và nói:

- Chỗ đó đó. Cẩn thận tiền và giấy tờ. Đừng tin mấy tên taxistas (tài xế taxi). Hai giờ nữa, trở lại đây để về.

Không biết ở đâu. một đám thiếu niên, trai có, gái có, bỗng xuất hiện, lăng xăng chèo kéo khách bằng tiếng Spanglish nữa nạc, nửa mỡ.

Khu vui vẻ Laredo là một dãy phòng dài, chia thành phòng, lối 1.5mx1.5m, không có toilet. Chiếc đèn tròn cỡ 30 watt treo tòn ten trên trần cho thấy chiếc giường cũ kỹ, trải drap vàng ố, bên dưới là một sô nước. Trước mỗi phòng có một nàng Kiều, chẳng biết đẹp hay xấu, già hay trẻ, vì thiếu ánh sáng, nhưng nàng nào nàng nấy “ăn gì to lớn, đẫy đà làm sao!”

Nhìn cảnh, người , sân chơi quá ẹ, bao nhiêu nhiệt huyết trả thù của toán sĩ quan xa nhà tự nhiên nguội ngắt, xìu xuống hết.

Một ngày đầu tháng, sau khi lãnh lương, hắn và ba thằng bạn bỗng nổi hứng, muốn đi thám hiểm xứ Texas, để xem có khác điền thổ mà ông Hội Đồng khám trong vở kịch “Ngao Sò Ốc Hến” ngày xưa không. Bạn hắn hỏi đi đâu vì xứ này quá rộng. Hắn đưa ra một mẫu giấy nhầu nát, có số phone, nói:

- Đây là giấy phép đi khám điền thổ đây.

Số phone này được truyền tay từ nhiều khóa trước, và hắn sẽ để lại cho các khóa sau khi về nước. Bốn tên lững thững đi ra phòng điện thoại để book... tour. Như thường lệ, phone lúc nào cũng bị quân Á Rập chiếm giữ. Thấy băng “Bowie Knife” đến gần, anh chàng đang gọi phone, không biết là (I)Răng hoặc (I)Rắc hay (Ma)Rốc, quay lại, cười cầu tài và bỏ phone xuống.

Chờ lối 20 phút, một chiếc xe Lincoln Continental dềnh dàng, cũ mèm xịch trước cửa phòng. Một nường bước xuống, áo thun bó sát thân mình cỡ Gina Lollobrigida, mini jupe, dài đòn, chắc nịch như chiếc xe, cười toe toét:

-Hello, honey!

Bốn thằng có hơi nhỏ con, đứng, chiêm ngưỡng logo đồ sộ của The Lone Star State.

Thấy chẳng ai nói gì, nàng hỏi thêm:

- Chỉ có 4 người à. Còn nữa không?

Bị chạm tự ái dữ dội, bốn tên chui tọt vào xe, ngồi im.

Buổi chiều đang nấu ăn trong bếp, bạn hắn hỏi kết quả chuyến khai phá vùng đất lạ ra sao. Hắn không trả lời thẳng , mà chỉ nói:

- Texas rộng quá!

Bạn hắn chêm vào:

- Texas lớn quá!

Thằng bạn cười ha hả, đập vai hắn:

- Tụi bây quên bài địa lý hồi Trung Học rồi hả? Texas rộng thứ nhì của nước Mỹ. diện tích hơn gấp đôi Việt Nam. Đất nào, người nấy mà! Thực tế bao giờ cũng trần trụi hơn sách vở. Đúng không?

Năm đó, theo thông lệ, Trường cho các sĩ quan khối SEATO có dính dáng ít nhiều với Tàu, được nghỉ 4 ngày cuối tuần để mừng Tết Nguyên Đán.

Các học viên khối Đông Dương lên kế hoạch văn nghệ cây nhà lá vườn để giúp vui các quan khách cùng các sĩ quan Đồng Minh. Lào trình diễn các điệu múa hoàng gia, rất uyển chuyển và lạ mắt. Cam Bốt nhảy Lâm Thôn điêu luyện theo nhịp của cây tầm vông và tù và. Đại diện cho Việt Nam, hắn trình làng hai màn độc diễn, có thể nói là thành công nhất trong lịch sữ của Trường DLI từ trước đến nay.

Dù hắn là một tên vô tình (chẳng có đứa con gái nào mê hắn cả), nhưng hắn luôn là cây cười của Trường: đa năng; đa tài; hắn có DNA của quái kiệt “kiến thiết quốc gia, giúp đồng bào ta nên cửa nên nhà…”, nên hắn có thể nhại tiếng của nhiều nhân vật nổi danh trên thế giới; đa ngôn (nói được nhiều ngôn ngữ).

Hắn xuất hiện trên sân khấu trong chiếc áo chim cò, quần ống loe, giày bec canard trắng, đầu đội nón rơm Panama, đeo mắt kính Pilot. Hắn đang kể cho hàng xóm nghe về chuyến đi du lịch của hắn qua nhiều nước.

Trước hết hắn đến Bắc Kinh, gặp tài tữ Lý Lệ Hoa và cùng nàng song ca bản “Hoa Hồng Trung Hoa”. Cả hội trường lắng nghe tiếng hát véo von của hắn, chẳng hiểu gì, chỉ nghe loáng thoáng “Ngộ ối nị,… Tả nị xẩy….” mà họ vỗ tay, hoan nghênh quá trời!

Rồi hắn sang xứ Anh Đào, gặp tài tữ “Người phu xe” Toshiro Mufune. Cả hai cùng hát bài “Sayonara” buồn hết biết, nhưng tiếng vỗ tay vang dội.

Hắn lại bay sang Kinh đô ánh sáng, thăm vườn Luxembourg, xem đầm nhảy cà tưng trong Moulin Rouge, và cặp kè với ca sĩ Edith Piaf hát bài Zè đơ zamua (Jai deux amours). Cả hội trường, chẳng ai biết tiếng Tây U gì, nhưng tiếng huýt sáo khen vang lên từng chập.

Cuối cùng hắn đến Mexico, xứ sở của nền văn minh cổ Mayas, của Pancho Villa, nón sombrero và các nhạc sĩ du ca Mariachis. Hắn gặp nữ tài tử Maria Montez và cùng nàng hát bài dân ca nổi tiếng: “Mexico, querido y lindo” (Mexico yêu thương và xinh đẹp). Phần lớn các quan khách đều biết tiếng Tây Ban Nha, hiểu được tâm trạng của “những người xa xứ,” họ trăn trở, muốn khi chết, được ngủ giấc ngàn thu ở quê hương yêu dấu và xinh đẹp của họ”.

Nghe xong chuyện, một ông lão hàng hỏi hắn:

- Con đã đi khắp đó đây, con thấy đất nước nào đẹp nhất?

Không do dự, hắn trả lời:

- Đất nước ta là đẹp nhất trên đời!

Cả hội trường đứng lên vỗ tay và hoan nghênh câu nói đầy tình tự quê hương đó.

Kết thúc chương trình vui Tết là “Lá sớ Táo Quân”, cũng do hắn độc diễn.

Hội trường đang ồn ào tiếng nói, tiếng cười bỗng im bặt khi hắn lại xuất hiện trên sân khấu, trong vai ông Táo Việt Nam: đầu đội mũ cánh chuồn, râu dài gần tới rún, áo thụng mini xanh đỏ, mang đôi giày botte de saut số 9, bên dưới không biết có bận quần không mà lòi hai ống quyển ốm nhách, lơ thơ vài cọng lông, kẹp giữa hai chân là một con cá chép giấy, tay cầm lá sớ là cuộn giấy paper towel loại king size.

Chào khán giã xong, hắn tóm tắt sự tích ông Táo, là thần bếp của mọi gia đình Việt Nam, qua hình ảnh cái bếp lò có ba chấu, tượng trưng cho gia đình ông Táo gồm một bà và hai ông. Nhiều tiếng cười lớn, thích thú, nổi lên. Có lẽ họ đang so sánh gia đình ông Táo với dòng đạo Mormon.

Hắn cho khán giã biết là trước khi có phi thuyền Apollo. Táo Quân dùng cá chép bay lên Thiên Đình để báo cáo Ngọc Hoàng. Sau khi tung hô vạn tuế, và chúc Ngọc Hoàng sống lâu tỉ tuổi, hắn xổ lá sớ Charmin dài cả thước bắt đầu tường trình tình hình dưới thế trong năm qua:

- Dân chúng đang khổ sở điêu linh vì chiến tranh ngày càng lan rộng. Vật giá leo thang liên tục, sản xuất bị đình trệ vì cầu cống, đường xá bị phá hoại, đào xới.… Nạn nhân chiến tranh gia tăng đáng kể vì những cuộc pháo kích bừa bãi vào khu dân cư, lựu đạn nổ sảng trong rạp hát, công viên, chợ búa, xe đò cán mìn chống chiến xa…

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ của Mỹ và phe Đồng Minh, quân đội quốc gia, đã và đang chiến đấu anh dũng, đẩy lui địch ở khắp nơi, mở rộng kế hoạch phục hồi kinh tế, giúp đỡ dân chúng.. .Cả ngàn khán giả đồng loạt đứng lên, huýt sáo, vỗ tay từng chập khi hắn cúi đầu chào Ngọc Hoàng và quan khách.

Một ngày hội mừng Tết ở ngoại quốc đáng nhớ trong đời!

Bốn mươi năm sau, hắn và người bạn ngừng xe trước căn cứ Lackland. Họ vào phòng tiếp khách. Cô Hạ Sĩ đen, trên dưới 30, người tròn trịa, nhìn hai ông khách tóc đen, cười, lộ hàm răng trắng tinh, tương phản với làn da bóng nhẩy của cô.

-Các ông cần gì? Cô hỏi có vẻ thân thiện.

- À, à, chúng tôi muốn vào thăm trường DLI .

Cô ta liền xổ một hơi dài:

- Yo khow what? Sau biến cố 9-11, việc ra vào các căn cứ rất nghiêm ngặt. Phải có giấy phép đặc biệt.

Thấy có vẻ khó khăn, hắn xuống nước:

- Nhờ cô tí ! Chúng tôi là sĩ quan học viên của DLI lâu lắm rồi. Nhân dịp đến San Antonio, muốn vào thăm trường cũ mà.

- Ông học ở đây năm nào?

Thấy cô ta có vẻ vui tính, hắn bắt chước Hùng Cường chọc cô ta:

- Ngày anh 30, em mới sinh ra đời.

Cô Hạ Sĩ cười hăng hắc, đập bàn:

- Youre funny, so funny! I like it. Và tiếp:

- Các ông có gì chứng minh là cựu học viên không?

Đã chuẩn bị sẵn, hắn đưa ra bằng tốt nghiệp DLI hồi năm nẵm.

Mười lăm phút sau, cô Hạ Sĩ đưa hắn tờ giấy:

- Đây là tấm pass đặc biệt. Ông có thể chụp ảnh ngày hôm nay.

Dán tấm pass vô kính trước, hắn lái xe vào trong.

Căn cứ quá bao la. Xe chạy lòng vòng mất hơn 20 phút mới đến trường.

Đây rồi trường xưa, lối cũ: Phòng Học Vụ (locator), các phòng học, phòng Lab thính thị, khu giải trí Chaparral, thư viện, bưu điện, Câu Lạc Bộ Sĩ Quan, rạp hát, Exchage, Commissary… vẫn còn đó, nhưng toàn hoàn khác với 40 năm về trước, không còn nhận ra nét cũ. Cư xá Sĩ Quan Quốc Tế bằng gỗ ngày xưa, nay là những dãy nhà lầu kiên cố, đẹp đẽ.

Hội Trường, nơi hắn từng được ngưỡng mộ, có vẻ mênh mông và rộng hơn trước. Nhìn những lá cờ của các quốc gia Đồng Minh treo khắp phòng, hắn buồn bã không tìm thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ của ngày xưa: vật đổi sao dời, biết sao được.

Mãn nguyện được thăm lại trường xưa, nơi có quá nhiều kỷ niệm, niềm vui. Hắn và bạn lái xe ra cổng, buồn man mác.

Kông Li

Ý kiến bạn đọc
27/03/201319:18:29
Khách
Bai nay hay , nhung cau ket cung khien doc gia cam nhan duoc su man mac buon cua tac gia KongLi. Con dau la co vang ba soc do yeu qui ? Biet den khi nao thi la co thieng lieng ay moi duoc treo len ky dai cua cac nuoc dong minh cua Hoa Ky, que huong thu hai?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,265,615
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ: Bà tên thật Nguyễn Lệ Chi, một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên thành phố Milpitas, Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà dựa trên những tình tiết có thật, tuy nhiên tên nhân vật đã được chỉnh sửa đôi chút để giữ sự riêng tư. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn và Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô từng góp nhiều bài và nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới kể về khu phố Việt ở Massachusetts, giống như Little Saigon ở California.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới, với lời ghi của tác giả:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến