Hôm nay,  

Cá Và Người Cùng Đau!

25/04/201700:00:00(Xem: 15631)

Tác giả: Phan
Bài số 5102-18-30782-vb2042417

Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016. Sau đây là bài viết mới nhất của ông cho Tháng Tư.

* * *

blank
Người và cá cùng biển chết.

Striper fish, dân Việt gọi nôm na là cá vược, là loại cá đặc trưng và có rất nhiều ở sông hồ Texas. Người Việt thường làm cá nướng để cuốn bánh tráng với bún và rau sống. Đầu đuôi con cá lớn thì nấu canh chua thơm, bỏ ngò om thơm lừng; hay nấu với măng chua rồi ăn với bún là số một!

Hôm nay có cả hai món cá vược nướng và nấu măng chua trên bàn ăn cuối tuần. Còn bao nhiêu những món khác không kể. Nhìn tổng thể bàn ăn ngoài hiên sau nhà người bạn có đến ba thế hệ sống chung nhà. Thế mà cuối tuần còn mời bạn bè đến ăn chơi. Thịt cá đầy bàn. Ăn một mà lúc nào cũng nấu ba nấu bảy lần hơn. Tôi nói với già Minh, “Người Việt định cư tại Mỹ lâu như cô chủ nhà này, đã nhiễm thói phung phí của người Mỹ! Tuần nào cũng nấu ê hề thức ăn, rồi đổ bỏ nhiều hơn ăn.”

Già Minh là tên thân mật anh em bạn ở địa phương gọi nhau thế cho thân tình. Chứ anh đã già đâu, đi lính được vài năm thì biến cố 30 tháng 04 năm 1975 đã đẩy người thanh niên đi biệt xứ từ đó đến nay chưa về. Nhưng trò chuyện với già tôi thấy thích hơn cả những người mới sang Mỹ độ chục năm đã (giả) quên tiếng Việt để chêm tiếng Anh vô đối thoại cho thấy mình cũng Mỹ như ai! Già Minh thì không, nói tiếng Việt lưu loát, dùng từ đến ngẩn ngơ người nghe, như già vừa kể, “Tuần rồi anh em mình nhậu ở đây chứ đâu, vui quá nên về trễ. Trời ơi, bà xã tui chửi tui đắm đuối luôn tới sáng…”

Nhưng thời gian đã làm cho người lính cũ có tóc bạc trên đầu. Bốn mươi hai năm gãy súng rồi còn gì, cộng với mấy tháng quân trường, mấy năm cầm súng và mười tám năm trên ghế nhà trường… già qua tuổi sáu mươi nhẹ hều như lịch sử sang trang từ dạo đó. Chỉ tấm lòng người người lính cũ không phai với quê nhà, dân tộc. Già độc thoại hơn là kể cho tôi nghe…

“Giả sử bây giờ tôi về Việt nam thì cũng không khác tôi đi chơi qua bên Canada hay châu Âu vì thời gian xa cách đã biến tôi thành người khách lạ ngay trên quê hương tôi. Chỉ tâm khảm người xa quê, tôi vẫn nghĩ về một hệ thống tinh vi hơn cả internet là tấm lòng, là nỗi nhớ quê xa của người viễn xứ. Tuy thời gian tôi sống ở Mỹ đã gấp đôi tuổi đời khi tôi đến đây; tuy quê hương đã cách biệt coi như vĩnh viễn vì tôi đã không về và sẽ không bao giờ về vì lý do riêng tôi. Tôi chỉ có, còn, và tới hết đời một quê hương trong lòng tôi. Khi tôi câu được con cá vược thứ nhất đã thấy cuối tuần hết anh chị em mình ăn cũng không hết; nhưng rồi câu được con thứ hai, con thứ ba… Câu cá ở Mỹ dễ như lên rừng đếm lá. Nhưng nghĩ về quê mình. Người dân biển bây giờ không có cá ăn vì cá chết trắng bờ bởi hoá chất độc hại của Formosa, làm tôi tức điên lên được với nhà cầm quyền cộng sản Việt nam. Tôi thâu cần câu lại vì đã câu đủ năm con cá vược theo luật cho phép một lần câu. Thời gian còn nhiều nên tôi ngồi hóng gió trên kè đập hồ Texoma. Nghĩ về quê nhà chẳng ở đâu xa mà ngay trong lòng mình, một lọn gió heo may chợt về cho cây vàng lá cũng làm tôi nhớ gió chướng quê nhà mùa giáp tết còn nhanh hơn dự báo thời tiết của đài khí tượng ở nước Mỹ văn minh, giàu có này…”

Những người bạn của chúng tôi tương đối còn trẻ vì họ sanh trước hay sau biến cố 30 tháng 04 năm 1975 chỉ vài năm. Ký ức về cuộc chiến Việt nam rất mơ hồ trong tâm tư họ. Họ hiểu biết về đói nghèo sau hoà bình nhiều hơn hiểu biết về đau thương, mất mát bởi chiến tranh.

Những người bạn của chúng tôi là con nhà H.O, họ chống cộng cụ thể bằng cách tham gia trực tiếp vào những buổi gây quỹ trong cộng đồng người Việt nơi họ sinh sống để ủng hộ cho những phong trào dân chủ trong nước. Tình yêu quê hương, tinh thần dân tộc của họ cụ thể qua hành động chứ không ôm ấp nỗi buồn thiên thu như già Minh.

Nhưng thế hệ giữa già và lớp trẻ là tôi. Thế hệ được mỹ từ gọi là chứng nhân lịch sử của cuộc chiến Việt nam vì tôi từng chứng kiến người thân của tôi chết bởi Việt cộng đêm đêm mò về giết người không giúp họ lúa gạo và thuốc men để nuôi quân trong chiến khu. Rồi tôi chưa lớn đã sốt rét tưởng chết trên vùng kinh tế mới của cộng quân sau khi chiếm được miền nam thì đầy cha anh tôi vô trại tù cải tạo, mẹ tôi với xấp nhỏ trong nhà bị cưỡng bức đi kinh tế mới. Tôi thấy người chết như hắt rổ tôm ra sân năm Mậu thân 1968, tôi thấy xác người dạt vào bờ biển bởi vượt biên sau hoà bình, tôi ăn độn triền miên bo bo với khoai sùng…

Tôi hiểu độc thoại của già Minh khi có dịp anh em cà kê nơi viễn xứ. Tôi qúy tấm lòng của người lính cũ lai rai như mưa đêm…

Già tiếp, “Tạ ơn trên đã giữ gìn tôi ở xứ sở văn minh nhưng cũng đầy cám dỗ này. Và luôn giữ cho tôi tấm lòng với quê xa ngọn lửa thâm tình nên sự kiện Formosa đã làm tôi ưu tư và lo nghĩ nhiều. Tôi nghĩ, không chỉ người Việt trong nước đứng trước sinh tồn của dân tộc mà trăn trở, người Việt hải ngoại cũng trăn trở không kém người còn trong nước đâu! Sự quan hoài của người Việt (bất luận trong hay ngoài nước) về sự tồn vong của dân tộc mình qua sự kiện Formosa đáng được mọi người chú tâm ra sức nhất trên dòng thời sự quê nhà hôm nay.

Theo báo chí hải ngoại và dư luận thì sự kiện Formosa là tử huyệt của chế độ hiện hành trong nước. Bởi sự tồn tại của Formosa đồng nghĩa với sự tiêu vong của dân tộc mình. Điều ấy đơn giản đến trẻ con cũng hiểu là bây giờ để cho Formosa tồn tại, tiếp tục xả thải ra biển những hoá chất độc hại làm hủy hoại mội trường biển, làm cá chết trắng bờ, thì nước ta hết tài nguyên biển, sức khoẻ người dân miền biển chung sống với hoá chất độc hại thì dân tộc ta đi đến chỗ tiêu vong chỉ còn là vấn đề thời gian. Như vậy, chính nhà cầm quyền Hà nội đã đẩy dân tộc Việt vào con đường diệt vong. Người Việt trong nước không muốn chết, người Việt hải ngoại cũng không muốn người thân còn trong nước của mình chết với thảm hoạ Formosa.

Nhưng một người Việt từ hải ngoại, tôi nghĩ Hà nội hiểu điều này. Họ hiểu bao che cho Formosa là rút ngắn thời gian tiêu vong của chế độ, khi người dân bình thường nhất cũng thấy được việc nhà cầm quyền được lãnh đạo bởi đảng cộng sản Việt nam đang bỏ mặc cả dân tộc đi vào tuyệt lộ với việc bao che cho công ty nước ngoài Formosa. Giới lãnh đạo làm sao không hiểu? Lãnh đạo không thể nói không biết! Nhưng tại sao họ bảo vệ Formosa mà không bảo vệ chế độ? Tại sao đảng lãnh đạo nhà cầm quyền không đóng cửa Formosa để bảo vệ bản thân và gia đình như những người cộng sản vẫn thường làm thế từ khi có cộng sản trên hành tinh này?

Theo tôi nghĩ: Nếu họ làm vậy thì họ sẽ khôi phục được lòng tin của người dân, ngay lập tức họ sẽ củng cố được niềm tin của người dân vào đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa dù đã mục ruỗng của họ. Nhưng tầng lớp lãnh đạo cộng sản Việt nam không lột xác theo trào lưu thế giới, họ luôn đi ngược lại bánh xe lịch sử và sự tiến hoá, văn minh của nhân loại. Thay vì lãnh đạo văn minh lấy dân làm gốc, tự do, dân chủ làm căn bản để phát triển xã hội; thì lãnh đạo cộng sản chọn chính sách ngu dân; lấy đàn áp, bạo lực, và khủng bố tinh thần để cai trị người dân. Bằng chứng là họ cho giăng dây thép gai, phái công an trùng trùng điệp điệp đến bảo vệ Formosa…”

“Không ngờ anh Minh đi từ năm 1975 mà theo dõi vụ Formosa kỹ dữ hen! Rồi anh tính sao cho vụ này?” Tôi nói với anh như khơi nguồn nước ứ! Già tuôn xổ mênh mang cõi lòng đêm như mưa ngoài trời tắm tưới vạn vật vào hạ…

“Mà tầm cỡ gì đâu một công ty nhỏ nhoi như Formosa trên tầm thế giới, một công ty nhiều tai tiếng hơn tăm tiếng. Nên theo tôi, xử sự của nhà cầm quyền Hà nội và đảng cộng sảnViệt nam qua sự kiện Formosa là một tín hiệu đáng mừng về việc cáo chung của chế độ chống lại dân tộc, chống lại chính người dân Việt nam bằng cách đẩy toàn dân tộc tới cùng đường. Họ sẽ tiêu vong trước với chính cái nguyên lý khai sinh ra chủ nghĩa cộng sản là “ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh”. Áp bức càng lớn thì đấu tranh càng mạnh, diện rộng. Tôi nhìn về Việt nam, khi đảng lãnh đạo nhà cầm quyền đã áp bức toàn dân tộc vào con đường chết thì sức phản kháng của toàn dân tộc đứng trước thảm hoạ diệt vong sẽ chôn vùi chủ nghĩa cộng sản ngay trên quê hương mình vì một đảng phái không thể chống lại một dân tộc. Lịch sử bạo chúa, độc tài, phát xít đã chứng minh điều đó!”

“Vậy anh Minh tính sao với cái tử huyệt của họ trên tư cách là người Việt hải ngoại? Điều thứ hai là theo anh trình bày, tôi muốn nghe lý giải vì sao họ lại nuôi dưỡng chính cái tử huyệt của họ?”

Già Minh tự sự hơn lý giải cho tôi, nhưng nghe ra đáng ngẫm…

“Nhà cầm quyền cộng sản Việt nam đã nuôi dưỡng chính cái tử huyệt của chế độ vì họ là đỉnh cao trí tuệ mà! Tôi sống ở hải ngoại từ khi người Việt di tản đợt đầu nên được tự do tìm hiểu thông tin, không có tường lửa ngăn chặn thông tin như trong nước. Nhờ vậy tôi biết được toàn dân Việt ở hải ngoại vẫn gọi họ là “nhà cầm quyền” (kẻ cướp được chính quyền thì cầm quyền), chứ không ai gọi họ là “chính phủ” hay “chính quyền”. Bởi chính phủ hay chính quyền là do dân cử qua hình thức bầu cử công bằngthì người dân tôn trọng lãnh đạo; Còn nhà cầm quyền chỉ là một nhóm người, một tổ chức, một đảng phái cướp được chính quyền thì cầm quyền. Sau đó là đàn áp đối lập, bác bỏ nhân quyền để bảo vệ quyền lợi của giới lãnh đạo và tay chân của đảng cướp (được) chính quyền. Họ không bảo vệ quyền lợi quốc gia và quyền tự do cho toàn dân.”

“Anh nói đúng đó anh Minh. Rất đúng. Sang năm tôi bầu anh làm Chủ tịch cộng đồng người Việt Dallas…”

“Tuy tôi đã bỏ nước ra đi từ đầu, nhưng đến người Việt cuối cùng bỏ nước ra đi thì quê hương cũng chỉ cách mặt chứ không cách lòng. Tôi hy vọng đây là một lựa chọn cố ý nhằm đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chế độ cộng sản; Một lựa chọn mang tính thời đại của những đầu óc thật sự muốn cải cách, nhưng hoàn cảnh của họ lại trong hoàn cảnh lực bất tòng tâm trong chế độ tham nhũng đã trở thành bất trị của nhóm lãnh đạo kiên quyết bảo vệ chế độ để trục lợi riêng tư. Tôi nhìn lại các hợp tác quốc tế, lợi ích của các quốc gia có hợp tác với Việt nam, lợi ích của các tập đoàn quốc tế từ lớn tới nhỏ đã đầu tư vào Việt nam, cũng đã đủ để chế độ này tồn tại. Bởi đối tác nước ngoài nào chả muốn sự ổn định chính trị tại Việt nam để họ làm ăn và thu lợi nhuận qua các hình thức hợp tác.

Từ đó, nhà cầm quyền càng thẳng tay, (không khoan nhượng) với cánh cải cách. Tôi nghĩ trong niềm tin nhiều thế hệ trẻ đã lĩnh hội kiến thức và văn minh ở hải ngoại. Xin đừng phủ nhận lòng yêu nước của họ mà hãy hiệp thông, tiếp tay cho giới trí thức trẻ trong nước cũng như hải ngoại hợp tác cách mạng để cứu nguy dân tộc. Tôi tin là giới trí thức trẻ trong và ngoài nước đang gián tiếp thúc đẩy phản ứng của người dân, phản ứng của xã hội, là hai thế lực mà nhà độc tài nào cũng bị đánh gục.

Báo, đài thường nói tới những áp lực chính trị tại Việt nam. Nhưng nếu bạn bình tĩnh suy nghĩ sẽ thấy áp lực từ ngoại bang phương bắc đè lên, áp đặt nền chính trị độc đảng trong nước chúng ta, chứ Việt nam đâu phải quốc gia dân chủ, đa đảng như những nước tự do ở phương tây mà có áp lực chính trị từ những đảng đối lập. Nên chúng ta không nên nhìn theo chiều hướng tiêu cực để bi quan hơn, thấy tối tăm hơn với thảm hoạ diệt vong, bởi nhà cầm quyền Việt nam là tay chân, là thuộc hạ của bá quyền phương bắc.

Suy nghĩ tiêu cực ấy vẫn có cơ sở từ thông tin đại chúng, bằng chứng dễ dàng trong thời đại mỗi người dân là một nhà báo với cái điện thoại thông minh trong tay. Nhưng tôi xin đặt ngược vấn đề, sao chúng ta không nhìn khách quan theo hai thế lực mạnh nhất muôn đời là lòng dân và trào lưu xã hội, đó mới thực sự là áp lực đối với nhà cầm quyền và đảng cộng sản Việt nam. Nếu mọi người Việt cùng nhìn khách quan và ủng hộ, tiếp tay cho giới trí thức trẻ trong và ngoài nước thì thời gian không xa ắt sẽ diễn ra sự thay đổi cơ chế chính trị tại Việt nam. Chúng ta sống trong thời đại đủ loại thông tin trên internet, nên chỉ nên tin vào chính nghĩa của dân tộc mình.

Tôi không muốn đồng bào trong nước khổ hơn nữa vì tôi tin đồng bào tôi đã đủ khổ để ý thức triệt để với châm ngôn tự do hay là chết trước bạo quyền cộng sản? Sự vùng lên biến thành hành động tự quyết con đường sống của dân tộc mình là chọn lựa duy nhất.

Nhà cầm quyền Hà nội đã sai (không kịp chữa nữa) vì họ đã quá vô lương tâm khi dồn dân tộc Việt vào con đường chết qua nhiều hình thức nhằm bảo vệ Formosa vì lợi ích riêng. Nhà cầm quyền Hà nội đã đẩy người dân Việt nam đến chỗ một mất một còn để bảo vệ sự sinh tồn của từng cá nhân và toàn dân tộc. Chín mươi triệu đồng bào trong nước không thể chấp nhận bị huỷ diệt vì một công ty Formosa ngoại bang…

Người Việt hải ngoại cũng không khoanh tay đứng nhìn về trong nước. Máu đổ ruột mềm là chuyện có thật. Tôi càng muốn cho cái nhà cầm quyền khốn kiếp đó càng lộ liễu bảo vệ Formosa bất chấp hậu quả thì họ càng sớm bị xoá sổ một tập đoàn cộng sản còn xót lại trên hành tinh văn minh này vì họ đã tàn độc với chính đất nước và người dân nuôi dưỡng họ; họ đã chà đạp đến tận cùng lòng ái quốc của đồng bào bất kể là trong hay ngoài nước. Tôi vui mừng cơ may nối liền khoảng cách người Việt trong nước và người Việt hải ngoại đã tới thời cơ giải quyết bế tắc của nền chính trị Việt nam sau biến cố 30 tháng 04 năm 1975.”

Chưa bao giờ tôi thấy già Minh như một nhà hùng biện như đêm nay. Người lính cũ âm thầm sống nơi hải ngoại như cây bồ công anh ở góc sân cỏ sau nhà; sự âm thầm hiên ngang của ý chí bất bại, người tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên như hoa bồ công anh bay đi khi nắng lên. Anh thả dòng tâm sự độc thoại hơn là trò chuyện với bạn bè…

“Tôi không nói không có nghĩa là tôi không biết về sự tham nhũng là nguyên nhân chính khiến nhà cầm quyền Hà nội không thể giải quyết vấn đề Formosa. Bởi nếu đem Formosa ra toà án thì sẽ lòi ra bao nhiêu cấp lãnh đạo đã cấp giấy phép cho Formosa hoạt động. Trong một thể chế chính trị lành mạnh thì không một ai được ngoại lệ, ngay tổng thống làm sai cũng bị truất phế ngay. Nhưng nhà cầm quyền cộng sản Việt nam đã bảo vệ hệ thống chính trị bè phái của họ đến luật pháp không thể đụng đến được các lãnh đạo cao cấp. Và giờ đây, việc giới lãnh đạo chóp bu bảo vệ cho Formosa đã là chuyện gậy ông đập lưng ông. Tự họ dồn dân tộc đến chỗ chết thì dân tộc tự đứng lên theo bản năng sinh tồn để cứu mình, tương lai con cháu mình. Nhà cầm quyền không thể đàn áp được nữa, sau bốn mươi hai năm đè đầu cỡi cổ người dân bằng đàn áp, khủng bố, du côn trị… Đã đến lúc họ phải đối mặt với cửa tử của chính họ chứ không phải toàn dân khi trí dũng hợp nhất của đồng bào Việt nam đã có đủ tầng lớp trẻ trí dũng song toàn từ trong nước ra hải ngoại.

Già Minh tiếp tục nói. Qua sự kiện Formosa, điều ai cũng thấy được là sự cảm thông sâu sắc của người Việt hải ngoại với người trong nước; nhiều thành phố ở hải ngoại nhưng có cộng đồng người Việt là có biểu tình, xuống đường ủng hộ đồng bào trong nước đấu tranh đòi công đạo cho sự kiện Formosa. Riêng tôi còn thấy người Việt hải ngoại đã đoàn kết lại trước thảm hoạ Formosa mà cả dân tộc ta đang phải gánh chịu. Nơi chúng ta đang sinh sống là bằng chứng, những Hội đoàn người Việt không còn kình chống nhau trong cộng đồng, mà tập hợp lại để cùng xuống đường, biểu tình chung cả cộng đồng người Việt hải ngoại ủng hộ đồng bào trong nước khiếu kiện tới nơi tập đoàn Formosa. Trước hiểm hoạ diệt vong của dân tộc thì việc người Việt sẽ phải liên kết lại với nhau chỉ là vấn đề thời gian. Rồi mọi mất mát trong quá khứ sẽ biến thành sức mạnh chung để kiến tạo một tương lai mới cho Việt Nam không có lằn ranh hải ngoại hay quốc nội.

Tóm lại là trong hoạ có phước! Tin tôi đi. Sự kiện Formosa rất tệ hại cho Việt nam nhưng nó lại là sự lung lay chế độ mạnh nhất sau bốn mươi hai năm cướp chính quyền của tập đoàn cộng sản Hà nội.”

“…”

Tôi không ngờ người lính cũ sinh sống ở hải ngoại từ 1975 mà lòng quan hoài về quê cũ của anh ấm áp đến cảm động. Lòng yêu nhớ quê hương không nhiều thì ai lại tìm hiểu, theo dõi thời sự và ưu tư, suy lo về quê hương như anh.

Tôi chỉ định cư hơn hai mươi năm trên quê hương thứ hai này nên tôi chỉ biết tấm lòng tôi và bạn hữu xa quê vẫn thương mến con cá cơm, cá bống ở bờ sông, bờ rạch chốn quê nhà. Chúng tôi ăn mỗi ngày bơ, sữa, thịt bò… nhưng chuyện trò với nhau vẫn quanh bếp mẹ, có con cá nhỏ nhoi mà thành nỗi nhớ khôn cùng trong lòng viễn xứ chúng tôi. Chúng tôi cũng xuất thân từ nơi người dân đói nghèo không có tội vì thuộc về trách nhiệm của lãnh đạo quốc gia. Nhưng nước ta đã bốn mươi hai năm rồi không có chính phủ, chính quyền, chỉ có nhà cầm quyền và đảng cộng sản bán đứng quê hương, phản bội dân tộc ta, thì họ đang phải lắng nghe hồi chuông báo tử của chủ nghĩa cộng sản ở Việt nam.

Tôi kể với già Minh câu chuyện nhỏ của người viễn xứ về con cá nhỏ mà tình quê mênh mông như sông nước quê mình.



Mấy hôm rồi, một hôm tới giờ ăn trưa, tôi hỏi cô đồng nghiệp trẻ, “Trưa nay em ăn món gì, có đem được kha khá không, cho anh ăn với. Vì lúc này làm nhiều giờ quá, anh không có thời giờ nấu. Sáng nay anh chẳng còn gì để đem cơm trưa nên anh lấy đại hộp cá bống kho tiêu trong tủ lạnh. Nhưng nghĩ lại thì không dám hâm cá kho Việt nam trong phòng ăn Mỹ, và cũng không nên ăn cá kho bé tẹo như thế trong hãng Mỹ…”

Cô bạn làm chung của tôi trả lời sao, già biết không? Cô ấy nói: “Trời ơi! Em mới nghe anh nói tới cá bống kho tiêu là em thèm chảy nước miếng. Như vầy hen! Chút nữa anh đi ăn cơm trước thì lấy thịt bò xào đậu trong giỏ cơm trưa của em mà ăn. Nhớ bỏ hộp cá bống kho tiêu của anh lại giỏ cho em. Anh ăn xong thì hâm dùm em hộp cơm, không cần hâm cá kho. Em chỉ cần cơm nóng là ăn với cá kho được rồi, không cần hâm cá.”

Tôi nói: “Thôi đi. Đừng ăn cá kho trong hãng. Kỳ quá! Thôi để anh nhờ thằng bạn Mỹ của anh mua pizza cho anh ăn đỡ bữa trưa cũng được.”

Cô em tôi nói: “Vậy thì anh nói tới cá bống kho tiêu làm chi cho em thèm chảy nước miếng, rồi không cho ăn. Anh cứ làm vậy cho em đi, rồi em đem ra xe em, em ăn…”

Ai ngờ cô bạn nhỏ của tôi trong hãng giữ luôn hộp cá bống kho tiêu. Cô ấy ăn cơm trưa ba ngày với hộp cá kho ấy! Tôi tính cô nhỏ ăn rất dè vì sợ hết. Tôi thì ăn thức ăn của cô ấy dỡ cơm đi làm cũng ba hôm. Điều tôi muốn kể già nghe về con cá bống dừa trong ký ức người bạn hải ngoại của tôi không nhỏ nhoi như con cá bống mà quê hương ngàm dặm ra đi vẫn mãi mãi trong lòng người dạt trôi. Tôi nghe cô bạn nhỏ của tôi vừa làm vừa tỉ tê kể chuyện…,

“Hồi nhỏ em ở dưới quê với bà ngoại em, đâu có chợ búa gì đâu. Vậy là sáng, ngoại nấu cơm cho ba anh em của em ăn rồi đi học. Đến trưa tụi em đi học về thì ngoại em đi cấy thuê, nhổ cỏ lúa thuê cho người ta rồi. Ba anh em lật nồi cơm nguội ra ăn với niêu cá bống dừa kho tiêu, ăn quên thôi vì bà ngoại em kho cá bống với nước màu dừa thơm thiệt là thơm vậy đó!

Hai người anh của em thì cũng còn nhỏ xíu mà, đâu biết nhường cho con nhỏ Út này đâu! Hai anh giành ăn với nhau tới đánh lộn, làm em phải nhường mấy con cá bống chút xíu của em cho anh Ba em. Em trộn cơm vô niêu cá kho còn có chút nước màu dừa kẹo kẹo, vừa ăn vừa khóc vì tức hai ông anh vừa ăn vừa chọc quê em, tụi tao đánh lộn giả bộ để mày nhường hết cá cho tụi tao ăn. Con Út ngu nên ăn cơm trộn niêu như ngoại trộn cho chó. Em nhớ hoài những chuyện lặt vặt hồi nhỏ vậy đó…”

Tôi thì thích nghe chuyện nhà quê vì như mình được sống lại với ký ức, kỷ niệm nơi quê nhà. Nên đi làm, tôi thường kết bạn với người đồng điệu hơn nhóm thích thời trang, nhà, xe hiện đại. Thế là tôi tiếp tục được nghe chuyện sông rạch quê nhà…

“Vậy chứ, xế chiều nước lớn là ba anh em lại lần theo bờ mương, bờ rạch. Mỗi đứa cái rổ, men theo mấy bụi dừa nước mà xúc cá bống dừa con về cho ngoại kho tiêu. Tại cá lớn thì ở ngoài xa, phải có lưới, có đăng thì mới bắt được. Tụi em có gì đâu ngoài mấy cái rổ cũ thì vớt được cá con thôi. Cứ mỗi lần nhớ tới khi xưa là em khóc, tại ngày nào được bụm cá hai tay bụm không hết là mừng, mà hai bàn tay em hồi nhỏ thì như hai cái lá chầm ruột. Nhớ thường ngày hai anh của em mê tắm sông với đám con trai, bỏ em xúc cá bống một mình. Nhiều bữa hụt chân, té xuống rạch, uống nước thấy mồ tổ em luôn. Bà ngoại em giận quá nên tự ngoại tập cho em lội, vậy mà em biết lội. Về sau, em lội như rái luôn.”

Rồi người bạn nhỏ của tôi, hai tay vẫn làm việc đều đều. Nhưng ánh mắt cô ấy xa xôi lắm, đôi chân mày giãn giãn, co co, tới cô ấy gắn lộn phụ tùng, xài không đúng ốc vít… Tôi lại không cự nự thường tình theo công việc được vì ánh mắt xa xăm kia đã ngân ngấn nỗi niềm. Tôi hỏi, “Em đang nhớ quê, nhớ bà ngoại của em lắm phải không?”

Trời ơi! Câu hỏi của tôi như cây kim chích vào bọc nước mắt căng tròn. Nước mắt bạn nhỏ của tôi trong veo nỗi nhớ quê xa, làm lòng tôi cũng như tơ chùng theo cô bạn nhỏ…

“… anh hay thiệt đó! Anh đoán được trong bụng người ta nghĩ gì! Tức cái ông xã nhà em. Ông ấy sanh đẻ ở thành phố, lớn lên ở thành phố. Đi vượt biên là qua Mỹ luôn, hổng biết gì chuyện dưới quê em hết. Em không trách chuyện đó, chỉ tức hồi em nhớ quê, nhớ bà ngoại của em thì em khóc kệ em. Mắc gì nạt em… nhớ chi mấy chuyện nghèo khổ rồi khóc hoài! Tức dữ nữa là hồi nhớ quá, em kể chuyện cho con em nghe. Ông xã em cũng nạt, kể chi mấy chuyện đói nghèo đó cho con nít nghe, làm cho tụi nhỏ sợ thôi chứ được gì? Thử hỏi, chuyện kể của em cho con mình nghe để tụi nhỏ biết thương anh em trong nhà hơn, không tốt hơn ông xã em toàn kể cho con em nghe chuyện đá gà ăn tiền bên Việt nam, máu gà chưa đủ còn kể tới máu người đâm chém nhau khi không chung độ. Rồi kể chuyện ổng trốn học đi đá banh, phá làng phá xóm… ông xã em hư quá xá luôn!”

Tôi hỏi tiếp người bạn nhỏ cho cô ấy trút nỗi niềm “Vậy, có lẽ bà ngoại em thì mất rồi. Nhưng hai ông anh qua Mỹ chưa? Còn ba mẹ em đâu, anh không nghe em kể?”

“Anh quên rồi đó! Ba em là lính Nghĩa quân ở quê em, ba em tử trận. Má em chết đạp mìn của Việt cộng gài lính quốc gia ngay trên cầu khỉ trước nhà, tại má em đi cấy sớm nên chết tức tưởi vậy đó!”

“Xin lỗi, đúng là anh quên chuyện này em đã kể anh nghe. Nhưng còn hai người anh của em bây giờ ra sao?”

“Thì hai anh lớn lên, lấy vợ, làm ruộng. Bà ngoại em vui cháu được vài năm thì chết. Ông xã em là Việt kiều về thăm nhà, em là bạn của em gái ổng nên mới gặp nhau. Em chỉ tiếc là hai đứa con em sanh bên Mỹ, chưa bao giờ về Việt nam, và sẽ không bao giờ về vì ba tụi nhỏ không cho về. Còn em thì đâu dám bỏ con em cho ba nó coi chừng mà đi Việt nam…”

“Tức là em cũng chưa bao giờ về thăm bà ngoại em trước lúc ngoại em mất?”

“Không. Hồi ngoại em chết, em chưa lấy chồng, chưa đi Mỹ.”

“À! Vậy sao em không lo bảo lãnh mấy ông anh của em qua đây cho có anh em?”

“Đâu phải dễ đâu anh. Em tiến hành hồ sơ bảo lãnh gia đình hai người anh ruột thì cũng phải chờ đợi, tốn kém, trong khả năng vợ chồng em lo cho hai đứa con em thôi cũng vừa đủ là may…”

“Cũng khó cho em khi con em còn nhỏ mà lo bảo lãnh gia đình mấy cậu của tụi nó thì…”

“Buồn lắm anh ơi!

… cũng hai, ba năm rồi anh. Anh Hai của em bệnh quá! Em gởi tiền về giúp anh Hai thuốc men. Gặp chị Hai em, chị dâu em đàng hoàng lắm! Lúc nào chị cũng nói: Cô Út qua Mỹ được thì ráng lo cho con của cô Út học hành thiệt cao cho vong linh bà cố của tụi nhỏ nhà mình được vui lòng. Bên đây chị lo được cho anh Hai, cho xấp nhỏ nhà chị. Chị dâu em nói vậy chứ thiệt ra khó khăn lắm! Mà sức em giúp cũng đâu được bao nhiêu. Anh Hai em bị ung thư bên Việt nam thì anh biết, biết bao nhiêu tiền cho đủ. Hôm như anh Hai em trối trăn, bắt con nhỏ cháu em phải làm sao cho anh Hai em nói điện thoại được với em. Em gởi cho cháu em mấy trăm đô la thì được hết thôi. Bây giờ dưới quê cũng xài điện thoại được mà. Anh Hai gọi anh Ba qua nhà để cùng nói điện thoại với cô Út. Ba anh em em khóc không chứ có nói được gì đâu! Anh Hai em nói chuyện lần cuối với em: Út ơi! Em ráng về một lần đi nghe Út. Ba anh em mình đi xúc cá bống dừa về cúng bà ngoại một bữa. Rồi anh Hai có chết cũng không tiếc… anh Hai bịnh quá rồi Út ơi! Anh Hai em nói vậy được có mấy ngày là anh Hai em chết. Em cũng đâu có về được.”

“… Anh xin lỗi! Thôi em đi rửa mặt đi. Để việc đó anh làm cho…” - Tôi nói.

Tôi nói vậy với cô bạn nhỏ vì lòng tôi cũng tan nát theo những kỷ niệm buồn, nhất là thấy cô ấy chậm nước mắt bằng cái khăn lau tay lúc làm việc một cách vô thức, cô ấy kể tiếp về con cá bống dừa như dòng nhớ khi tuôn chảy vậy…

“Em qua Mỹ hai chục năm rồi. Chừng mười năm đổ lại đây, đi chợ em có thấy bán nhiều loại cá bống Việt nam đông lạnh. Nhưng làm em nhớ quê, nhớ bà ngoại em nhiều hơn thèm ăn, muốn ăn. Nói gì nói, em đâu sợ chồng con tới không dám mua về ăn, dù biết là chồng con em sẽ chống đối kịch liệt thì cũng kệ. Nhưng nuốt làm sao nổi hả anh? Hộp cá anh cho có bao lớn, vậy mà em ăn ba ngày không hết vì em có ăn được miếng nào đâu! Ba buổi trưa em ra xe ăn cơm trắng chan nước mắt, vì cứ nhìn mấy con cá bống dừa kho tiêu là em nhớ bà ngoại em, thương anh Hai với anh Ba em… thì làm sao nuốt nổi.”

Già ơi!

Người bạn nhỏ của tôi khuất dần trên hành lang dài dẫn tới nhà vệ sinh nữ. Tôi nhớ mình đã nói: Thôi em đi rửa mặt đi. Để việc đó anh làm cho… Nhưng tôi làm được gì đâu bởi bồi hồi chỉ thua cô là tôi không khóc ra ngoài được như đàn bà vì nước mắt đàn ông chảy vô trong. Những con cá bống dừa mà lúc nhỏ tôi chiều buông trên sông quê nước lớn, tôi cũng đi lưới với bạn bè bằng cái mùng của lính. Rồi đem về cho các chị trong xóm tôi làm món ăn chơi buổi tối. Xung quanh nhà tôi thuở nhỏ có căn cứ lính Nhảy dù, và căn cứ lính Mỹ đóng quân để bảo vệ Thủ đô Sài gòn sau tết Mậu thân 1968.

Các chị nhào bột mì rồi chiên dầu nổi như miếng chuối chiên để đêm đêm mấy anh lính chiến vô xóm đàn hát với dân và ăn chơi chút tình em gái hậu phương…

Đến mắt tôi xa xăm như cô bạn nhỏ khi nãy, những anh lính cho tôi cái mũ đỏ để làm kỷ niệm, tấm thẻ bài để dành cạo gió khi dãi nắng dầm mưa, cho cả cái đồ khui lon để ăn đồ hộp của lính Mỹ… giờ các anh nơi đâu? Ai còn ai mất? Các chị tôi đâu? Ai mất ai còn? Bạn bè tôi đâu, những mái đầu tóc cháy nắng đỏ hoe chập chùng ký ức...

Con cá bống dừa tôi kho cho thỏa đêm khó ngủ vì nỗi nhớ xóm làng tôi. Thật tình tôi cũng chưa ăn qua miếng nào vì không thấy thèm mà chỉ nhớ thôi. Mấy người bạn già của tôi ghé qua nhà, họ có ăn thử và khen ngon như ăn lại một đoạn đời chân quê.

Tôi kể già nghe chuyện này như giải toả suy nghĩ rất cá nhân tôi. Tôi nghĩ: Cho dù ta là ai trong hiện tại xa nhà, xa quê tới cùng trời cuối đất thì cội nguồn, gốc rễ vẫn không nhạt phai trong thâm tâm người viễn xứ chúng ta. Có đúng không những ai đã từng ăn con cá nơi chôn nhau cắt rốn rồi biền biệt xa quê vì muôn ngàn lý do mà góp lại chỉ một là lãnh đạo quốc gia không lo cho dân nên người Việt mới phải đi muôn phương vì sinh tồn.

Và, những người ngư dân nơi quê nhà cũng đang rời bỏ bờ biển quê cha đất tổ vì thảm hoạ Formosa. Những người viễn xứ ngay trên quê hương mình còn đau lòng tới đâu vì trôi dạt về thành phố làm nghề bán rong quà vặt, rửa bát nhà hàng... Người viễn xứ ở hải ngoại chưa về được quê hương nhưng lái xe hơi, ở nhà có máy điều hoà không khí. Sống tự do, được luật pháp nước sở tại bảo vệ. Nhưng ngư dân bỏ biển về thành phố lắt lay đời viễn xứ trên những vỉa hè ngay trên quê hương mình, thì tội ác này không thể quên kẻ thù chung của dân tộc là cộng sảnViệt nam. Thử hỏi là người Việt, ai còn ngồi yên được khi thời cơ thay đổi cơ chế chính trị tại Việt nam đã đến. Sự kiện Formosa là hồi chuông báo tử của cộng sản Việt nam, là tử huyệt của tập đoàn tội ác, và cũng là cơ hội để lịch sử sang trang. Tấm lòng với quê hương, dân tộc rất cần mỗi chúng ta trong thời điểm sinh tử của giống nòi.

Già Minh và tôi đêm nay khó ngủ vì suy tư, trăn trở của hai người Việt hải ngoại vô danh nhưng lại là tiếng nói chung của cả một dân tộc Việt.

Phan

Ý kiến bạn đọc
06/05/201722:26:22
Khách
Bài viết đọc xúc động quá ... Cám ơn tác giả
06/05/201722:25:06
Khách
Bài viết đọc xúc động quá ... Cám ơn tác giả
28/04/201718:05:33
Khách
Bài viết thật cảm động. Đọc mà rơi nước mắt, thương cho dân tộc Việt Nam, thương cho người Việt tha phương nhớ quê nhà, thương cho người dân trong nước chết dần chết mòn vì độc. Mong lắm một ngày quê hương được sống tự do và thanh bình.
27/04/201718:21:17
Khách
Vẫn luôn là trăn trở. Mãi vẫn là suy tư.
Tháng tư khóc hận. Nghĩ về quê hương bị Tàu cộng lấn chiếm, dân tình lầm than mà lòng tôi đau xót.
Cám ơn tác giả Phan. Một bài viết xúc động.
26/04/201720:26:51
Khách
Bài viết hay ! Sống dưới bọn cầm quyền Hà nội đầu chúng đội đống rác Marx-Lenin, chân chúng quỳ thần phục Bắc Kinh: Thảm họa kinh hoàng cho dân Việt .
26/04/201716:38:54
Khách
Đọc xong câu truyện rồi thấy nghèn nghẹn. Nhớ nồi cá kho. Nhớ quê. Buồn thương cho dân miền trung gặp nạn Formosa. Ở bên Mỹ đồ ăn đầy đủ mà thấy thiêu thiếu cái hồn quê trong từng gắp đồ ăn.
Cám ơn tác giả lại gửi thêm một bài viết hay.
25/04/201723:37:21
Khách
Viết cảm động quá tác giả P ơi. Tiếp tục nhé cho người đọc thưởng thức.
25/04/201716:16:31
Khách
Một bài viết xuất sắc trong số nhiều bài xuất sắc khác. Tấm lòng đau đáu nhớ thương quê hương được dàn trải qua lời tự sự, kể lể của những người con đất Việt xa xứ.
Cám ơn tác giả Phan. Ông đã nói thay cho nhiều người Việt hải ngoại về sự trăn trở với hiện tình đất nước.
25/04/201715:37:26
Khách
Bài viết hay quá. Không ngạc nhiên nếu bài viết thắng được giải Viết Về Nước Mỹ. Dùng lời văn chan chứa tình cảm, tác giả diễn tả nỗi niềm của người Việt khắp nơi về một nước Việt với cơn bệnh ung thư ngặt nghèo Đảng Cộng Sản Hà Nội.
25/04/201715:18:48
Khách
"Ô hò ơi ra . . . biển khơi
Hội Trùng Dương . . . Ba chị em là ba miền nhưng tình thương nối liền
Gặp nhau bên trời biển Đông thắm duyên
Hẹn nhau . Tha hồ sống lại bốn phương trời, đem tự do tranh đấu bao người, cho quê hương ấm no muôn đời "

Giấc mơ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương - và của Việt tộc- thể hiện qua bản nhạcTiếng Sông Cửu Long nay còn đâu. Nó đã chìm vào trong quên lãng - tựa như thuở nào đã có người Việt mơ rằng đất nước ta rồi ra sẽ vươn lên được như Nhật Bản. Nay thì bè lũ bọn ngụy quyền Hà nội bán nước ươn hèn để cho đế quốc Tàu tung hoành chiếm cứ Biển Đông, khiến dân ta mất ngư trường nên phải mò sang các nước láng giếng bắt cá trộm, bị các nước Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương...bắt giam nhục nhã, tủi hổ ê hề .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,079,547
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.