Hôm nay,  

Tiếng Việt Của Con

13/03/201300:00:00(Xem: 274736)
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Sau đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ sáu của cô.

Không ai có thể chọn cho mình một đất nước để sinh ra cũng như không ai có thể tự chọn cho mình một ngôn ngữ để nói, ngoài cái nôi của nền văn hóa mà họ được hấp thụ từ gia đình và xã hội! Nhưng tiếng Việt của những đứa trẻ đang sống tại hải ngoại trong đó có hai đứa con của tôi thì lại khác!

Tiếng Việt của chúng không được xem là một ngôn ngữ để giao tiếp ở trường học hay nơi công cộng mà chỉ sử dụng trong phạm vi gia đình và một cộng đồng thiểu số tại nước Mỹ, được các bậc phụ huynh cố "áp đặt" lên con cháu mình với niềm hy vọng chúng không quên cội nguồn!

Tiếng Việt ở nhà

Tôi đang sống trong một thành phố thuộc ngoại vi Dallas với khoảng 30.000 cư dân nhưng đặc biệt chỉ có gia đình chúng tôi là người Việt Nam duy nhất tại đây. Tôi có hai đứa con, đứa lớn 21 tuổi và đứa nhỏ vừa được 9 tuổi. Con gái lớn của tôi sinh ra tại Việt Nam được sống chung với đại gia đình và được nuôi dưỡng bằng những câu ầu ơ ví dầu từ lúc còn nằm trong nôi nên có lẽ vì vậy mà nó biết nói rất sớm lúc mới 22 tháng tuổi. Con gái tôi rời Việt Nam khi đang học lớp ba nên vốn tiếng Việt "chưa đầy là mít" nhưng cho đến bây giờ nó vẫn có thể sử dụng tiếng Việt để đọc viết và chuyện trò với người thân trên mạng khá trôi chảy. Hiện nay mặc dù đang sống và làm việc xa nhà nhưng những lúc có chuyện vui hay buồn người nó muốn chia xẻ đầu tiên vẫn là mẹ, khi thì gọi phone, lúc thì gửi tin nhắn … Ngoài tình mẹ con và tình bạn chúng tôi còn có thêm tình đồng nghiệp vì từ lúc nhỏ mẹ là người đã hướng nó đến gần với hội họa và cho đến hôm nay mỗi khi sắp hoàn thành một bức tranh nào nó cũng luôn gửi về nhờ mẹ góp ý trước khi chuyển tới một "địa chỉ" khác để sử dụng!

Ngược lại đứa con trai nhỏ của tôi sanh ra tại Mỹ nên không có cơ hội để tiếp xúc với ai cả ngoài ba mẹ và chị hai của nó. Lúc nó còn nhỏ, mỗi ngày chúng tôi thay phiên nhau trông chừng thằng bé cho đến khi nó được bốn tuổi thì cho đi học mẫu giáo. Ngày đầu tiên đến lớp sau khi trắc nghiệm khả năng nghe và nói của nó thì cô giáo "phán" ngay một câu: "Con của ông bà không biết cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt"!

Điều này cũng dễ hiểu thôi vì mỗi ngày chúng tôi đi làm về đến nhà đã mệt nhoài nên chỉ chăm sóc con là chủ yếu không có thời gian nhiều để trò chuyện hay chơi đùa với nó chỉ trừ cuối tuần cả nhà mới có dịp quây quần bên nhau. Thời gian trước khi đến trường ở nhà nó thường xem TV các kênh truyền hình của trẻ em và coi cartoon nhưng lại không có cơ hội để nghe và nói nhiều cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt. Có lẽ vì vậy mà mãi đến hơn bốn tuổi thì nó mới bắt đầu biết nói nhưng lại nói cùng một lúc hai thứ tiếng và tiếng Mỹ có phần trội hơn vì được "rèn" từ sáng đến chiều ở trường. Mỗi khi nghe một từ tiếng Việt nào mới con trai tôi hay hỏi "cái này tiếng Mỹ gọi là gì" sau khi được mọi người giải thích thì lần tới nó sẽ áp dụng đúng vào ngữ cảnh thích hợp để nói chuyện với mọi người trong nhà. Cứ như thế nó tự "nâng cấp" tiếng Việt bằng phương pháp "giải mã" từ vốn tiếng Anh sẵn có của mình!

Hè năm rồi chúng tôi về Việt Nam, vào dịp này gia đình em gái tôi cũng từ Đức cũng bay về họp mặt. Người vui nhất phải kể là mẹ tôi, ở tuổi gần 80, bà ngoại của bốn công dân gốc Đức và Mỹ đã không gặp chút khó khăn nào trong việc giao tiếp với các cháu của mình. Đặc biệt hơn là trong suốt mấy tuần lễ các cháu của bà chỉ dùng tiếng Việt để nói chuyện với nhau; có lẽ ở cương vị của một nhà giáo lão thành mẹ tôi rất hiểu giá trị việc giữ gìn Tiếng Việt cho con trẻ là điều rất đáng trân quý!

Đã từ lâu tôi nghĩ đến chuyện cho con mình theo học một lớp Việt Ngữ để nâng cao trình độ đọc và viết của nó nhưng vì thời khóa biểu của chúng tôi không cố định mà lớp Việt ngữ tại một ngôi chùa cách nhà khoảng 50 phút lái xe chỉ dạy vào chúa nhật. Cuối cùng tôi quyết định tự dạy cho con trai mình từ cuốn sách Tiếng Việt của bà Ngoại đích thân mua tặng.

Lần đầu tiên học Tiếng Việt với những dấu hỏi, ngã, nặng, huyền, sắc… thằng bé đã liên tục than "Sao nó crazy quá vậy mẹ!" Nhất là khi phát âm d thì nó đọc thành đ, hoặc t đọc thành th, và qu thì nó viết là w theo cách của người Mỹ. Mỗi ngày sau khi đi học về nó phải làm homework ở trường, buổi tối trước khi ngủ nó phải tập viết, tập đọc và có khoảng 10 phút học tiếng Việt với mẹ. Mỗi ngày chỉ cần 10 đến 15 phút thôi nhưng rất bổ ích đến không ngờ! Chỉ sau vài tháng học tiếng Việt một cách "a-ma-tơ" tại nhà với mẹ mà giờ đây nó có thể đọc được những từ đơn giản, có lần chúng tôi đến một nhà hàng của người Hoa nó xem menu và nói:

- Con muốn ăn mì xào đòn.

Tôi ngạc nhiên vì tưởng nó không biết đọc nên bảo:

- Làm gì có mì xào đòn, con đọc sai rồi!

Ông xã tôi ngồi kế bên liếc mắt vào tờ thực đơn và bảo:

- Người ta viết "đòn" chớ không phải là "giòn"!

Vậy là thằng con được ba mẹ khen giỏi vì tiếng Việt của nó có tiến bộ! Thậm chí nó có thể đọc trên Facebook của mẹ những lời nhắn nhủ của mấy đứa em họ hay của cô dì viết cho nó. Đó là những lúc nó vui nhất khi thấy được thành quả học tiếng Việt của mình, nhưng cũng lắm lúc nó mê chơi, lười biếng vì nghĩ tiếng Việt của mẹ đâu có "ăn nhập" với những gì cô giáo dạy nó ở trường, không học nó cũng không bị điểm xấu hay bị cô giáo "mắng vốn" nên nó đâu cần phải cực khổ vậy. Những lúc như thế thì tôi chỉ còn biết nói với nó rằng:

- Bà Ngoại dặn mẹ nhớ dạy con học tiếng Việt để mai mốt về Việt Nam đọc cho bà Ngoại nghe. Nếu con không biết đọc rành thì bà Ngoại la mẹ sao?

Chỉ có cách này mới làm nó sợ mà chịu học vì nó rất thương mẹ, nó không muốn mẹ bị bà Ngoại la nên nó phải cố gắng học tiếng Việt mỗi ngày cho mẹ hài lòng. Nói chung nó học Tiếng Việt cốt là chỉ để cho mẹ vui! Có lẽ đứa con nít nào ở xứ người cũng có những hoàn cảnh "bị răn đe" tương tự như con trai tôi trong những ngày đầu tiên làm quen với tiếng mẹ đẻ.

Tiếng Việt tại hải ngoại

Hiện nay một số trường trung Học ở Cali có dạy Việt Ngữ cho học sinh trung học như một ngôn ngữ thứ hai. Tại một số trường Đại học ở Hoa Kỳ môn Tiếng Việt cũng được xem là một môn học cho các sinh viên tự chọn để lấy thêm tín chỉ. Họ đến với Tiếng Việt do nhiều nguyên nhân khác nhau: do yêu cầu kinh doanh với người Việt, do ý trung nhân hay người phối ngẫu là Việt Nam hoặc chỉ vì tò mò muốn biết thêm một sinh ngữ khác. Ngoài ra ở các thành phố có đông người Việt sinh sống, học sinh có thể theo học các lớp Việt Ngữ tại các chùa hay nhà thờ của người Việt Nam; nơi đó luôn có những thiện nguyện viên sẵn lòng dạy cho các em từng con chữ Việt chỉ với một hoài bão duy nhất là mong cho "Tiếng Việt còn, người Việt còn"!

Theo thống kê tại Cali có khoảng 55 trường dạy tiếng Việt, có cả thảy hơn 8.000 học sinh theo học trên tổng số hơn 600.000 người Việt Nam đang định cư tại tiểu bang này. Đặc biệt ở Úc, Tiếng Việt được chính thức công nhận về mặt pháp lý là một ngôn ngữ ngoài tiếng Anh - LOTE - Language Other Than English. Do đó, học sinh có thể học tiếng Việt từ tiểu học lên đến Trung học và Đại học. Riêng ở Đại Học, học sinh có thể chọn Việt Học như là một chuyên ngành trong suốt chương trình cử nhân 4 năm. Với dân số chỉ có 60.000 người Việt tại tiểu bang Victoria nhưng có tới 11.000 học sinh theo học tại các lớp Việt Ngữ. Điều này chứng tỏ cộng đồng người Việt ở Úc đã có một nỗ lực rất lớn trong việc bảo tồn di sản văn hóa cho mai hậu.

Theo một khảo sát của hai nhà tâm lý học nổi tiếng Ellen Bialystock và Michelle Martin-Rhee vào năm 2004 cho biết các trẻ học song ngữ hay đa ngữ phát triển chức năng não bộ tốt hơn. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy ích lợi của việc học song ngữ đối với sức khỏe trong đó có khả năng chống chọi với bệnh tật tốt hơn và quá trình phát bệnh cũng chậm hơn bốn năm so với những người chỉ biết đơn ngữ. Đặc biệt là giảm nguy cơ mất trí nhớ từ bệnh Alzheimer là rất cao!

Điều quan trọng hơn cả là tiếng Việt như một sợi dây vô hình gắn kết tình gia đình, gia tộc lại với nhau vì ông bà có thương cháu cách mấy nhưng không thể bày tỏ tình cảm với cháu của mình bằng tiếng của-người-ta. Cha mẹ có hiểu con cách mấy nhưng cũng sẽ có giới hạn về ngôn ngữ vì khoảng cách của hai thế hệ, hai nền văn hóa ở hai đất nước khác nhau về mọi mặt; trường hợp này khá phổ biến khi cha mẹ không nói được tiếng của người bản xứ và con cái cũng không thể hiểu hết ngôn ngữ của cha mẹ mình muốn diễn đạt!

Tiếng Việt còn là một chiếc chìa khoá đưa các em đến gần với cộng đồng, qua đó những người trẻ tuổi có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong nghề nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Có lẽ ai cũng biết đến những cái tên quen thuộc của những ca sĩ, diễn viên, đạo diễn, người mẫu, MC… gốc Việt được sinh ra hoặc lớn lên ở hải ngoại đang khá nổi tiếng tại Việt Nam. Với vốn tiếng Việt ít ỏi nhưng họ biết phát huy học hỏi và trau dồi nên ngày nay tiếng Việt đã giúp họ có một chỗ đứng trong lòng người hâm mộ.

Tương tự trong lãnh vực khoa học kỹ thuật kinh doanh khác cũng nhờ khả năng giao tiếp tiếng Việt tốt mà những doanh nhân đã chiếm được lợi thế trong việc tiếp cận thị trường tại Việt Nam cũng như ở bất kỳ quốc gia nào có người Việt sinh sống trên thế giới. Người Việt này nay đã có mặt và trải dài khắp từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, từ Bắc bán cầu đến Nam bán cầu nên Tiếng Việt đã trở nên khá phổ biến, nó không còn giới hạn trong phạm vi một lãnh thổ mà có thể sử dụng ở 103 quốc gia với ước tính khoảng 4,5 triệu người đang định cư, lao động và học tập tại những nơi đó!

Đối với những đứa trẻ gốc Việt mặc dù cũng được nghe"tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi…" cũng được bập bẹ tiếng Việt đầu đời như bao đứa trẻ bên nhà nhưng cuộc sống của chúng dường như bị xáo trộn khi phải bước chân ra khỏi nhà để hội nhập vào xã hội của người bản xứ. Cũng từ lúc này chúng đã cảm nhận được sự khác biệt giữa chúng và những đứa trẻ khác bởi màu da, màu tóc, màu mắt và quan trọng nhất là chúng hoàn toàn xa lạ với cái ngôn ngữ mà bạn bè và thầy cô giao tiếp ở trường học. Nhưng chính từ cái ngôn ngữ xa lạ này thoắt chốc đã trở nên thật gần gũi quen thuộc và đi theo chúng suốt cả cuộc đời. Chắc có lúc chúng đã tự hỏi:"Tại sao tôi không phải là người Mỹ, người Đức, người Pháp… như bọn trẻ kia?" hay "Việt Nam ở đâu mà sao ba mẹ cứ nhắc hoài, cứ bắt đi chợ Việt Nam, ăn đồ Việt Nam, nói tiếng Việt Nam!?" Nhưng dần dần chúng thấy thương, thấy gần gũi, thấy thân quen để rồi một ngày kia chúng "ngộ" ra rằng "Tôi là người Việt nam nhưng đang sống ngoài Việt Nam!"

Từ trong sâu thẳm của mỗi người có một bản năng khao khát tìm về nguồn cội của mình. Một đứa trẻ mồ côi lớn lên cũng muốn biết ai đã từng sinh ra nó, một người trưởng thành ở hải ngoại cũng muốn tìm hiểu về đất nước đã sinh ra cha mẹ, ông bà mình. Ngày nay qua "thế giới phẳng" của máy điện toán ai ai cũng có thể biết được "gốc gác" của mình một cách khá dễ dàng và đồng thời thông qua việc học tiếng Việt sẽ giúp họ rút ngắn khoảng cách với quê mẹ hơn!

Tại hải ngoại có nhiều cuộc thi tuyển chọn ca sĩ, tìm kiếm tài năng trong âm nhạc; cả trong sáng tác văn học cũng khuyến khích các ứng viên sử dụng ngôn ngữ Việt khi trình bày một ca khúc hay một tác phẩm nào đó. Đặc biệt vừa qua Đài truyền hình SBTN có tiến hành cuộc thi Thiếu Nhi Hùng Sử Ca nhằm khuyến khích gìn giữ lịch sử Việt Nam cho các em thiếu nhi từ 3 đến 13 tuổi ở khắp nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Châu Âu, Úc Châu và ngay cả tại Việt Nam. Riêng Việt Báo thường xuyên có giải Bé Viết Văn Việt như một khích lệ tạo điều kiện cho các em nói, viết thành thạo tiếng mẹ đẻ của mình.

Cũng từ cuộc thi tuyển chọn ca sĩ của một trung tâm ca nhạc tại Hoa Kỳ tình cờ tôi nghe một cô ca sĩ kiêm giám khảo đã nói đại ý như sau:

- Mọi người chắc cũng đã biết hiện nay tại Việt Nam đang có nhiều cuộc thi hát. Trong khi những người trẻ tại Việt Nam ngày càng có khuynh hướng hát nhạc Mỹ thì các em đang sống ở Mỹ lại hát nhạc Việt. Đó là một điều rất tự hào và đáng được khích lệ!

Nói chung với sự nỗ lực từ bản thân của mỗi người cộng thêm sự giúp đỡ từ cộng đồng, đoàn thể và các tôn giáo nên Tiếng Việt tại hải ngoại ngày càng có những thành tựu đáng kể, nó vẫn đang song hành với ngôn ngữ của người bản xứ ở khắp mọi nơi trên quả địa cầu này!

Tiếng Việt ở Việt Nam.

Lịch sử "1000 năm nô lệ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây" đã khiến cho cái Tiếng Việt mà chúng ta được nghe, được thấy, được nói mỗi ngày phải đánh đổi bằng máu, nước mắt của bao thế hệ người đã ngã xuống để gìn giữ cho nó được trường tồn cho mãi đến hôm nay. Qua sách vở tôi biết rằng thuở xưa cha ông ta rất quý trọng chữ nghĩa. Do vậy những nhà nho, những bậc hiền tài được tiền nhân đặt trên cả cha mẹ theo triết lý của Khổng mạnh là "Quân, Sư, Phụ". Chuyện xưa kể rằng có những cụ đồ phải vượt hàng ngàn cây số để đến bên giường của một bệnh nhân trước phút lâm chung chỉ để ghi chép lại một khẩu quyết, một bí kíp hay đôi khi chỉ là một bài thơ, một áng văn mà họ tâm đắc muốn truyền trao lại cho đời sau qua những những tiếng thều thào khó khăn đứt đoạn!

Tiếng Việt ở những năm đầu của thế kỷ trước vẫn còn rất phôi thai, phụ nữ dường như là không có cơ hội đến trường. Sang đến thập niên 30 hay 40 thì đa số phái đẹp chỉ được học đến biết đọc biết viết là phải nghỉ ở nhà vì quan niệm "học nhiều chỉ để viết thư cho trai". Chỉ khoảng từ giữa thế kỷ trước trở đi cho đến ngày naycác bậc phụ huynh mới biết được tầm quan trọng của chữ nghĩa và tri thức nên tiếng Việt đã trở nên khá phổ cập; trừ những dân tộc thiểu số ở miền núi hay những vùng xa xôi hẽo lánh thì người dân mới chịu cảnh "mù chữ". Ngay tại Sàigòn trước tháng 4 năm 1975 tiếng Việt đã đạt được mức độ hoàn chỉnh, đi đôi với sinh ngữ: Anh, Pháp, Nhật… như là một hành trang để chuẩn bị cho những người trẻ tuổi trước khi vào đời.

Tiếng Việt tại Việt Nam ngày nay đã dần bị "tụt hậu" trước làn sóng của các trường "Quốc Tế" đang ào ạt đổ vào Việt Nam như nấm mọc sau cơn mưa. Dường như có một "luật bất thành văn" ngấm ngầm đã cho rằng: học tiếng Việt giỏi thì làm sao có được học bổng đi nước ngoài, làm sao có cơ hội làm việc cho công ty nước ngoài, làm sao "xài" được khi ra nước ngoài định cư…v…v.. Rất nhiều lần báo chí trong nước đã làm cho người đọc phát hoảng khi xem những bài luận của các cô cậu Tú: những cử nhân tương lai của đất nước hành văn! Tiếng Việt ngay từ trong nước đã bị xem nhẹ so với những môn học khác vì người ta quên mất rằng Văn là Người và học Văn Việt chính là học làm người Việt Nam! Có lẽ vì xem thường tiếng Việt mà tuổi trẻ ngày nay đã dần sống khác xa với những hoài bão của cha ông mình thuở trước. Một luồng gió "sính ngoại" đã được hình thành ngay từ trong lòng giới trẻ ở bên nhà!

Lâu ngày về Việt Nam chắc chắn nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy nhan nhản khắp nơi những quảng cáo như: "Hàng sale cực sốc" hay "Khuyến mãi cực khủng"! Nhưng dường như nó đã trở thành bình thường với giới tiêu thụ và người dân chắc cũng quen bị "tra tấn" bởi những chiếc áo thun Made in Vietnam với những dòng như: "Đu theo xe rác, lượm xác người yêu!" hay "Chúng ta rồi cũng sẽ già, sẽ lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân!" hoặc: "Không bao giờ bán đứng bạn bè nếu….chưa được giá!" có lúc cũng khá vần điệu:" Bầu ơi thương lay bí cùng… Mai sau có lúc nấu chung một nồi!" có khi là một chân lý sống khá táo bạo: "Học. Học nữa. Học mãi. Đuổi….nghỉ!"…

Tại Việt Nam có một thời gian các độc giả "tuổi teen" đón nhận khá nồng nhiệt cuốn thành-ngữ sành-điệu-bằng-tranh với những nội dung đại loại như: "Thất bại vì ngại thành công!" hay "Vạn sự khởi đầu nan. Gian nan bắt đầu nản!" hay những câu như: "Buồn như con chuồn chuồn. Chán như con gián. Tê tái con gà mái. Cái khó ló cái ngu. Đầu to óc bằng quả nho…" đã được dân cư mạng sử dụng khá phổ biến trên các diễn đàn. Riêng thành ngữ "Một con ngựa đau … cả tàu có thêm cỏ" đã làm giới truyền thông và những người làm công việc chỉ-đạo-văn-hóa-tư-tưởng của Việt Nam phải lên tiếng cảnh báo vì nó đi ngược lại tinh thần tương thân tương trợ của người Việt nhưng dường như họ cũng phải đành "bó tay"!

Bên cạnh việc thích học tiếng Anh, xem phim Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan; thích thời trang của Ý, xài "đồ hiệu" đắt tiền của Pháp, Nhật… thì những thanh niên Việt Nam còn muốn chứng tỏ mình là dân "sành điệu" khi tranh nhau xếp hàng nối đuôi uống càfé Starbucks, ăn fasfood ở Mc. Donald, Pizza Hut, Burger King hay Domino's… Chẳng bao lâu nữa những người tuổi trẻ này sẽ trở thành những phiên bản của những nam thanh nữ tú đang sống tại London, Paris, NewYork, Roma, Tokyo, Seoul … là điều dường như khó có thể tránh khỏi!

Đặt tên cho con

Sanh con là khó, đặt tên cho con còn khó hơn! Đó là suy nghĩ của riêng tôi trong suốt thời gian mang đứa con trai của mình trong bụng! Tên Mỹ hay tên Việt? Hầu như ai cũng khuyên nên đặt tên Mỹ để đi học thầy cô và bạn bè "kêu" cho dễ. Cũng rất đúng và khá chí lý vì nó là Vietnamese- American mà! Tên Mỹ còn họ và chữ lót Việt Nam cũng khá ổn dễ gọi! Nhưng sao tôi vẫn cứ phải suy nghĩ hoài gần như mỗi ngày và cuối cùng tôi đã bàn với chồng mình là tôi muốn tên con sẽ "thuần Việt". Ông xã tôi rất hiểu ý và tán thành với ý kiến của vợ nhưng với một yêu cầu là tên phải bắt đầu bằng vần T thì anh mới chịu "duyệt". Thật không đơn giản chút nào vì gia phả nhà anh đưa ra thì từ đời cha ông, cô bác, cậu dì, con, cháu … ai cũng tên với vần T. Do vậy việc anh muốn con trai của chúng tôi cũng theo truyền thống đó là chuyện gần như là "ngoài-khả-năng" của tôi! Gần đến ngày sanh chồng tôi lại giục tiếp:

- Em đã tìm được tên cho con mình chưa?

Tôi nói rồi! Chồng tôi có vẻ ngạc nhiên vì nhiều lần anh đã lắc đầu với những cái tên mà tôi đưa ra với nhiếu lý do khiến tôi "tức chết đi được" và nghĩ thầm nếu đặt một cái tên Mỹ vần T cho con thì chắc sẽ đơn giản hơn nhiều. Phải tiếp tục suy nghĩ! Cuối cùng rồi tôi cũng tìm được một cái tên cho con mình với sự đồng thuận tuyệt đối của chồng.

Nhớ lại buổi sáng trước khi đưa tôi vào phòng sinh để chờ phẫu thuật chồng tôi đã đến bên tôi ra chiều lo lắng và bảo rằng:

- Em đã quyết định đặt tên đó cho con mình rồi phải không?

Có lẽ anh cũng còn do dự vì đặt một cái tên cho con quan trọng lắm, nhất là một cái tên "thuần Việt" cho một công dân quốc tịch Mỹ thì còn quan trọng hơn nữa! Tôi rất hiểu tâm trạng của chồng mình nên chỉ cười và nói:

- Ở xứ tự do mà anh lo gì?! Nếu con mình không thấy thích lớn lên nó đổi lại cũng đâu có sao!

Dường như tôi thấy một sự nhẹ nhõm ở trong anh; gương mặt anh giãn ra hết những căng thẳng và lo âu trước đó. Lúc nằm trên bàn sanh chờ thuốc tê thấm dần để bác sĩ và y tá chuẩn bị mổ thì đầu óc tôi như một thước phim chiếu chậm hiện về. Tôi nhớ lại tám năm trời dài đăng đẵng ở Việt Nam chờ đợi chồng mình có nhiều lần tưởng gần như vô vọng, có nhiều lúc tưởng như không có ngày trùng phùng vì khoảng cách của không gian và thời gian không cho phép người ta tin vào những điều chưa chắc chắn! Tôi lại nhớ đến 25 năm sống với Cộng Sản với những ngày đói khổ và thiếu thốn đủ mọi mặt của cả gia đình mình sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Tôi cũng nhớ lại cả những lần vượt biên vất vả nhưng bất thành và suýt bị bắt của mình để đến năm 38 tuổi mình mới được đặt chân đến vùng đất tự do này. Giờ đây gia đình tôi đã sum vầy và đang chờ đón một thành viên sắp chào đời trong vài phút nữa thôi! Tôi xin cám ơn cuộc đời này và toại nguyện với cái mình đang có hôm nay! Đó cũng là lý do tôi đã đặt tên cho con mình là TRẦN LÂM TOẠI, với họ và chữ lót giống ba, cô và chị hai của nó!

Con trai của tôi đã qua sinh nhật chín tuổi vào đúng ngày 31 tháng giêng vừa qua. Hôm đó lần đầu tiên nó thắc mắc về cái tên của mình và hỏi tôi "Toại tiếng Mỹ là gì vậy mẹ?" Tôi đã cho nó biết và không quên bảo:

- Con có thích cái tên Việt Nam của mình không?

- Dạ con thích lắm!

- Tại sao vậy?

- Vì con muốn được special. Ở trường con tên Mỹ và Mexican nhiều lắm nên everybody biết con là TOAI TRAN.

Tôi liền hỏi tiếp:

- Có ai chế nhạo con vì cái tên Việt Nam này không?

Nó lắc đầu! Tôi cười và ôm con vào lòng. Đơn giản chỉ có vậy thôi nhưng sao tôi lại thấy hạnh phúc tràn đầy vì cứ nơm nớp lo sợ con mặc cảm với cái tên Việt Nam của nó bấy lâu nay. Tôi muốn nói với nó về trách nhiệm khi mang một cái họ Việt Nam như: Lê, Lý, Nguyễn, Trần, Phạm, Đặng… khi sống ở nước ngoài là quan trọng lắm, vì nếu ai đó do vô tình hay cố ý làm điều chi sai trái người ta sẽ không chê bai riêng bản thân họ mà đánh giá cả một tập thể, một dân tộc đứng sau cái tên đó nữa! Nhưng thôi! Chuyện này đòi hỏi phải có nhiều thời gian mà nó thì mới chín tuổi…. thôi hãy cứ để nó sống hồn nhiên vô tư và tự hào với cái tên "special" của mình là tôi thấy vui rồi!

Người ta thường ví tình thương bao la vô tận của một người mẹ với đại dương, biển hồ hay quê hương, đất nước. Với tôi tình mẹ còn là tiếng nói mà mẹ đã trao cho con bằng ngôn ngữ của mẹ để con mang theo đi vào cuộc đời này và khôn lớn thành người! Nhưng! Suy cho cùng ngôn ngữ vẫn còn bị giới hạn so với tình yêu con vô điều kiện của một người mẹ! Vì nếu con không nói cùng một ngôn ngữ với mẹ thậm chí con không nói được như bao đứa trẻ bình thường khác trên đời này thì những người mẹ vẫn yêu con đến suốt cuộc đời mình!

Theo số phận, sau này các con tôi dù sẽ sống bất kỳ ở đâu làm bất kỳ công việc gì trên đời này dẫu cao sang hay thấp hèn nhưng tôi thật mong rằng trước tiên chúng hãy sống sao cho thật xứng đáng với dòng máu Hồng Lạc của tổ tiên đang chảy trong người và sống với niềm tự hào được sinh ra là người Việt Nam!

Nguyễn Bích Thủy

Ý kiến bạn đọc
15/03/201309:19:29
Khách
Bài viết có ý nghiã sâu sắc với cộng đồng người Việt ở hải ngoại.Gia đình tôi tuy vẫn dùng 100% tiếng Việt trong sinh hoạt hằng ngày,mặc dù các con tôi sinh ra ở Đức và con gái tôi học lớp 7 vẫn giảng dạy đứa em học lớp 3 bằng tiếng Việt,nhưng chúng vẫn chưa biết đọc và viết tiếng Việt.Qua bài viết này tôi sẽ cố gắng dạy con tôi đọc và viết tiếng Việt,để chúng cảm nhận được sự phong phú và độc đáo của tiếng mẹ đẻ.Cám ơn tác giả.
14/03/201317:13:42
Khách
Bài viết mang nhiều tâm tư, suy nghĩ đẹp. Cám ơn tác giả
14/03/201315:57:14
Khách
Khổ vì nước mình suy yếu, nếu nước VN mạnh như nước Nhật, sản xuất đồ hiện đại, tốt, người nước ngoài sẽ tìm hiểu món đồ mình, toilet nhật chữ nhật có sao đâu.
Ngoại hình, nguồn gốc, văn hoá của con người quan trọng lắm dù là ở Mỹ xứ đa sắc tộc.
Muốn dân VN hết khổ, hết mặc cảm, chế độ ở VN phải làm dân giàu có đủ mọi mặt, bằng không một là làm dân hạng hai cho nước khác hai là dân VN sẽ mất gốc vì gốc tại VN yếu quá.
14/03/201304:28:12
Khách
Bài viết hay lắm!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,197,600
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà là chuyện về một viện dưỡng lão.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Bài viết mới là truyện ngắn.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001. Tuy từ 10 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, tác giả vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển và định cư tại Salt Lake City, Utah từ tháng 8 năm 1987 đến nay. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Tuần lễ Halloween bắt đầu, mời đọc chuyện sợ ma. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015.Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Sang năm 2018 nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của bà là chuyện về một gia đình H.O. có các con trên 21 tuổi từng bị từ chối cho đi theo cha mẹ. Nhờ Tu Chính Án của Thượng Nghị Sĩ John McCain, mà họ đã có thể đoàn tụ từ sau năm 1995.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm một bài mới của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến