Hôm nay,  

Đêm Qua Tôi Mơ Gặp Bác... Lương Y

09/03/201300:00:00(Xem: 327616)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, cựu sĩ quan VNCH, cựu tù công sản, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng cho thấy tấm lòng. Sau đây là bài viết mới nhất.

Sợ hãi hay mong đợi điều gì đều làm chúng ta dễ gặp nó trong mơ-mộng. Tôi thừơng gặp ác mộng vẫn còn bị nhốt trong tù XHCN, dù tôi đã xa nó hơn 20 năm rồi, và đêm qua tôi mơ thấy gặp bác.. lương y Trần Quốc B.., ngừơi đang điều trị miễn phí chứng bệnh tê buốt tay cho tôi trong khi tôi phải chờ đợi One Care cho phép. Lý do nào tôi mơ gặp “lương y như từ mẫu” thì hồi sau sẽ rõ.

Người già trên đất Mỹ được săn sóc sức khỏe khá chu đáo, nhưng tôi lại lâm vào cảnh khá buồn mà phải cười chỉ vì tôi là “đần” ông. Tôi xin kể câu chuyện có thật này để cám ơn các bác “lương y” và ước mong quý vị nào ở trong trường hợp tương tự như tôi thì có thể rút ra những ưu khuyết điểm để được bình an trong tâm hồn và mạnh khỏe thể xác, còn những ai có trách nhiệm với bệnh nhân thì cũng cần lưu ý.

Ở đâu đó trong sách có lời khuyên rằng: “Mỗi buổi sáng thức dậy nếu thấy mình còn đau nhức, tức là mình còn sống, còn được hạnh phúc”. Lời khuyên trên là liều thuốc bổ cho những ai đang bị bệnh “than”, còn tôi không bệnh hoạn chi cả mà khi thức dậy bỗng dưng thấy tay tê buốt là điều không vui. Trong quá khứ, tôi cũng thường gặp triệu chứng tê buốt này, nhưng “tê” ngày ấy là do cho ngừơi bên cạnh mựơn tay làm gối, càng tê càng mê, nhưng kể từ ngày ấy, đêm về tôi ngáy triền miên trong khi ngừơi bạn đời đang cần sự yên lặng đề nghỉ ngơi thì tôi xê ra xa, vậy thì bỗng dưng tay tê buốt phải do nguyên nhân khác, phải có vần đề.

Khi bạn bị đau thì bạn đi đâu? Câu trả lời là đi “khám bác sĩ”. Bác sĩ gia đình Phạm Ngọc Tr.. đã săn sóc an ủi tôi, “bệnh già mà” và cho uống thuốc giảm đau ACETAMINOPHEN, thuốc có ghi chú “May Cause Drowsiness”. Uống thuốc này vàò lúc nào cũng như đi trên mây, sau một tuần bệnh không thuyên giảm, BS gia đình cho đi chụp X Ray. Kết quả cho thấy đốt xương sống cổ C5-C6 có vấn đề. Sau một tuần uống thuốc, tình trạng vẫn như cũ, BS Phạm lại sốt sắng xin phép tồ hợp cho tôi đi chụp MRI để xác định rõ hơn nguyên nhân làm tay tê buốt.

Một ngừơi bạn tốt, thật thà, khi nghe tôi bị bệnh và đi chụp MRI chàng bèn an ủi:

- “Cầu xin ơn trên phù hộ cho mày chụp MRI được bình thường, vì thằng em vợ hai tao cũng bị đau như mày, khi chụp MRI xong mới phát giác ra có bứu ung thư trong cột sống, đã chạy “ki-mô” nhiều lần, nhưng hiện đang trong tình trạng nguy kịch.”

Nghe bạn thân an ủi thế bỗng dưng tôi toát mồ hôi, như có dòng thủy điện chạy từ thắt lưng xuống đầu gối, luồn vào trong giầy! Từ “ki-mô” tới “ki-lô*” chỉ trong một thời gian ngắn thôi. Cám ơn ngừơi bạn tốt đã cầu trời cho tôi. (Kilô* tiếng lóng của “killed” ám chỉ người bị tử thương trong khi đi hành quân)

Sau 7 ngày đợi mong, nóng lòng như ngồi trên lò lửa, tôi cầm giấy One Care cho phép đi chụp MRI mà lòng tê tái, chụp hay không chụp đây? “Bói ra ma quét nhà ra rác” chụp MRI mà phát giác ra bứu thì sao đây! Chân không muốn đi mà sao tôi lại đứng trước phòng quang tuyến Magnolia, gịong run run:

- Thưa cô, tôi xin chụp MRI.

- Bác có bảo hiểm gì?

- Bác sĩ gia đình giới thiệu, tôi có “mêdi-medi”

- Vậy cháu làm hẹn cho bác, 2 tuần sau trở lại chụp.

Lưỡi kiếm “đề-mô-cát” treo lủng lẳng trên đầu thêm 2 tuần nữa thì chịu đời gì thấu, tôi năn nỉ xin chụp sớm hơn thì ngừơi đẹp nói “không”. Liều mình chơi bạo tôi hỏi:

- Nếu trả tiền mặt thì sao? Bao nhiêu?

- Thì chụp ngay, nếu chích thuốc thì 7 trăm, không chích thuốc thì 5 trăm.

Tội gì mất cả tháng lương công chức (lãnh tiền nhà nứơc là công chức chứ còn gì nữa) để thấy cái bứu sớm! Nghĩ thế nên tôi đi trên mây ra về, sau 2 tuần sống trong mộng mơ tôi trở lại chụp. Chụp xong, tôi hỏi bao lâu thì có kết quả, người đẹp bảo: “tuần sau trở lại”!

Nhác trông thấy lương y Phùng Gia, mừng quá như gặp được thần cứu mạng, tôi toan chặn ngài lại để năn nỉ xin ngài coi phim sớm hộ, cho biết kết quả sớm, nhưng tôi run, không dám mở miệng và lương y lạnh lùng đi qua.

Biết rằng tuần sau mới có kết quả, nhưng ngày nào tôi cũng đến hỏi với tâm lý vừa lo có vấn đề, vừa mong tai qua nạn khỏi. “Đúng hẹn lại lên”, cả đêm mất ngủ, mới 8 giờ sáng tôi đã đến ngồi chờ, chờ tử thần, dù 9 am office mới bắt đầu làm việc.

Cầm tờ giấy báo kết quả chụp MRI, tôi liếc qua với hy vọng..., nhưng chữ tây chữ U khiến tôi như mù nên chạy ù lại văn phòng bác sĩ gia đình, không cần thủ tục, đưa ngay cho thầy:

- Xin thầy coi kết quả chụp MRI.

Liếc qua trong giây lát, bác lương y đưa tay cho tôi bắt:

- Chúc mừng bác, kết quả chụp MRI không thấy có bứu, nhưng đốt xương cổ C6&C7 có vấn đề, chạm dây thần kinh khiến tay bác bị tê buốt. À mà sao bàn tay bác ướt quá vậy?

- Cám ơn lương y, không có bứu là an tâm rồi, chuyện xương cổ hậu xét, bàn tay tôi ứơt là sợ toát mồ hôi, mà nào phải chỉ có bàn tay ướt đâu, còn chỗ khác nữa...

- Bây giờ tôi sẽ xin phép tổ hợp để chuyển bác sang BS chuyên khoa điều trị đau nhức.

BS gia đình của tôi vốn dễ thương và đẹp trai, dù đã 62, hôm nay tôi lại thấy ông tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân, ông quả là một lương y. Thông thường nếu nhân viên văn phòng theo đúng thủ tục xin phép tổ hợp thì tối thiểu phải từ 1 tới 2 tuần tôi mới được gập bác sĩ chuyên khoa, nhưng chính BS gia đình đã nhấc phôn gọi thẳng tới phòng mạch BS chưyên khoa và tôi được gặp BS Arthritis ngay trong ngày.

Sau khi coi hồ sơ BS David Đ.. cho tôi uống thuốc Gabapentin để trị đau nhức tê tay và sẽ xin phép tổ hợp cho tôi được tái khám lần thứ hai. Sau “7 ngày đợi mong”, rồi 2 lần “7 ngày đợi mong” vẫn chẳng thây bóng dáng em đâu! Gọi tele hỏi thì... “chờ”. Trong khi chờ giấy phép tái khám, đau và tê, nghe quảng cáo dược thảo chữa bách bệnh, tôi làm đại một chai “hedatamo” (hết đau tan mỡ), rồi lại thêm 3 chai số xxx của BS NT, kể cả thuốc Đông lẫn Tây, tôi no vì uống thuốc mà bệnh thì cứ ỳ ra một chỗ, nhiều lúc đau quá, nghĩ giá như ngày 19/6/.66 ấy, trong trận Phong Điền, viên đạn cắt luôn cánh tay thì nay đỡ khổ hơn là chỉ gẫy xương.

Đang ngậm nỗi đau thì chuông điện thoại reo, cô Hellene Vương từ One Care gọi đến chúc mừng sinh nhật. Lòng buồn còn muốn nói năng chi, tôi có nhớ gì đến sinh nhật đâu! Nghe từ One Care gọi tới, tôi như đang chết chìm vớ được phao, nhân dịp này tôi trình bày nỗi khổ, cô Hellène Vương an ủi tôi cứ yên tâm, cô sẽ can thiệp. Hai ngày sau, văn phòng BS David báo cho biết đã có giấy phép cho tái khám.

BS hỏi tôi có bớt không, tôi ậm ừ, ông hỏi thêm chi tiết, ghi vào hồ sơ bệnh lý rồi nói:

- Tôi sẽ xin phép để chuyển bác sang bác sĩ chuyên khoa về thần kinh.

Như vậy sau “ba bẩy hai mươi mốt ngày đợi mong” tôi được BS David trị đau nhức cho uống thuốc, cho bóp tay ông xem tay tôi còn mạnh không và nay bệnh không bớt thì được ông sẽ xin phép chuyển sang bác sĩ khác, sướng thật.

Nghe 2 chữ “xin phép” tôi sợ quá, điệu này có thể lại phải chờ vài tuần nữa nên tôi chạy vội lại gặp bác sĩ gia đình trình bầy đầu đuôi, ông mỉm cười cho tôi bớt đau khổ rồi ông coi trong danh sách tổ hợp, rồi ông viết ngay giấy giới thiệu cho tôi đến bác sĩ chuyên khoa Neurospine & Brain Surgery, BS Trần Quang M.. ngay trong ngày.

Thấy tên BS Trần Quang M.. là tôi mừng, vì đây là một danh y về thần kinh. Hơn nữa, khi nghe tôi bị bệnh chạm dây, một ngừơi em trong binh chủng là Trần Quang Duật gọi tôi:

- Anh đến cháu M.. điều trị cho, em đã gọi điện thoại cho cháu rồi.

BS M.. gọi Duật bằng chú ruột, hơn nữa BS M.. cũng là bạn hồi nhỏ cùng khu phố với mấy con tôi, nhưng tôi không (chưa) đến được, lý do muốn chữa bệnh ở Mỹ phải có đầy đủ hồ sơ, bảo hiểm, đâu phải khơi khơi đến tay không, nhưng dù sao có tí hơi quen cũng thấy an tâm.

Đúng thủ tục, đúng hẹn, tôi được gặp BS M.., tuổi trẻ, tài cao, đẹp trai, độc thân, vui tính, M.. bảo chú Duật đã giới thiệu trước rồi, tôi cao hứng gọi M..là cháu luôn mà quên đi thân phận mình là bệnh nhân. Coi phim chụp MRI, BS M.. giải thích bệnh lý và phương pháp điều trị qua từng giai đoạn: uống thuốc, therapy, chích, mổ v.v..Thế rồi BS M.. viết giấy giới thiệu cho tôi đi gặp BS chuyên khoa “physical therapy”. (12/28/2012)

Một tuần, một tuần, lại một tuần, tôi siêng năng đến office hỏi đã có giấy phép đi “physical therapy” chưa, thì được trả lời là chưa. Tôi tiếp tục tự xoa, tự bóp...tay rồi nhăn nhó. Sang tuần lễ thứ ba tôi nhận được thư của CMS (Cap Management Systems), mừng “see mom” (xin phép dùng 2 chữ mừng “thấy mẹ” để nói đúng tâm trạng chờ mong), mở thư đọc:

- “Notice of Denial of Medical Coverage”.

Thấy chữ “denial” là tôi chóng mặt, xếp thư lại, thở dài, buồn và lo “see-dady”.

Vậy thì tôi làm gì? Thức lâu mới biết đêm dài, “đau” lâu mới biết lòng ngừơi có nhân, bạn bè an ủi, góp ý giúp đỡ khiến tôi cảm động muốn hết đau luôn. Sư phụ Long Phạm, từ Virginia gởi cho hộp thuốc dán mắc tiền Lidoderm, thuốc dán này đã làm ông hết tê tay. Bà chị TQLC Huy Lễ tặng tôi mấy bịch thuốc tễ, thuốc đã làm LS hết đau gân, tìm lại tuổi xuân. BS/TQLC Bằng Phong Phạm Vũ Bằng rồi Trần Quang Duật hối tôi trở lại gặp BS Trần Quang Minh. TQLC Lý Khải Bình thấy tội nghiệp ông anh, bèn dẫn tôi đến giới thiệu với D.C Trần Quốc Bằng, một bác sĩ mát tay đà từng chữa trị cho Bình khỏi bệnh.

Tôi hơi áy náy, vì biết ở đây không nhận medi, thấy tôi chần chừ, Tiểu Bình an ủi:

- Anh đừng lo, DC Trần Quốc Bằng là một bác sĩ tận tụy vì nghề nghiệp, hơn nữa thân phụ DC là một BĐQ từng chiến đấu, bị thương và bị “cải tạo” nên những HO nào gặp hoàn cảnh kẹt như anh, lương y Bằng đều “free” hết, anh cứ đến em đã sắp xếp xong xuôi rồi.

Đang buồn thúi ruột thì “có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”, lương y Trần Quốc Bằng đã tự tay điều trị cho tôi hết sức vui vẻ và tận tình. Trong khi điều trị, lương y hỏi tôi chuyện đánh giặc ngày xưa, BS Bằng nói:

- “Ba cháu cũng chiến đấu, bị thương và tù cực khổ giống như bác”.

Đối với những lính già chúng tôi thì đây là điểm tâm lý rất quan trọng, “gãi đúng chỗ ngứa” để chúng tôi nghĩ về quá khứ hào hùng mà quên đi hiện tại già nua bệnh hoạn, không hoạn cũng như hoạn. Không riêng lương y Quốc Bằng, mà vị phụ tá là Kim Anh cũng vui vẻ thân thiện trong khi điều trị khiến bệnh nhân cảm thấy bớt tủi thân và bớt bệnh. Tôi đựơc điều trị mỗi tuần 2 lần Tuy nhiên mỗi lần bứớc vào phòng mạch là tôi thấy ngượng vì mang tâm trạng của ngừơi đi xin nên giữa đám đông bệnh nhân cười nói thì tôi như một con gà chết, ngại ngùng. Hiểu đựơc điều đó nên mỗi khi điều trị xong là lương y Quốc Bằng luôn nhắc tôi:

-“Bác nhớ trở lại vào ngày thứ..”

Đựợc đối xử như thế, được chữa bệnh “free” ở một phòng mạch không phải là cơ sở y tế công cộng miễn phí là điều hiếm có ở một nơi “thời giờ là mỏ vàng” khiến tôi cần phải ghi lại sự thật này. Ghi lại không phải để cám ơn, nói lời cám ơn xuông trong trường hợp này là vô ơn, ghi lại cũng không phải để quảng cáo cho lương y Quồc Bằng, tôi không ghi địa chỉ phòng mạch của ông, tôi ghi lại câu chuyện để chính tôi được bớt bệnh, vì “có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”.

CMR gửi thư từ chối chữa trị trong lúc tôi đau thật sự là điều tuyệt vọng. Tôi vốn đã là “đần” ông, tuyệt vọng làm tôi đần thêm không nhớ ra những việc cần làm. Nhờ lương y Bằng làm tôi tỉnh lại, tôi đem thư của CMR đến hỏi bác sĩ gia đình, bác sĩ giải thích đây là thư One Care từ chối lời đề nghị của BS M gửi đi physical therapy! Thế là BS gia đình giới thiệu tôi đến BS Chiopratric Tuấn và được BS Tuấn xoa nắn bóp ngay trong ngày.

Tôi chả hiểu giữa physical therapy và chiopratic có khác gì nhau không, nhưng chờ đợi bấy lâu rồi, nay được chữa trị lần đầu tiên là tôi mừng lắm, BS T.. bảo:

- Bệnh bác cần kiên nhẫn chữa trị, tôi sẽ xin phép để bác được tiếp tục chữa.

- Có nghĩa là tôi lại phải chờ, chừng nào có phép thì mới trở lại gặp bác sĩ?

- Bác ở trong tổ hợp thì phải như thế, còn nếu “phì-phò sờ-vịt” thì khỏi.

Như vậy kể từ ngày bắt đầu khai bệnh, Nov 6/2012, chạy vòng vòng qua 4 văn phòng bác sĩ, uống thuốc giảm đau và tới Jan 8/2013, sau hơn 2 tháng đã được Chiopractor chữa trị lần đầu tiên là “hạnh phúc” lắm rồi. Nhưng chỉ một lần thôi, còn phải chờ đợi xin phép nữa thì chẳng thấy an tâm chút nào! Vào tổ hợp và không vào lợi hại ra sao là tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi người, tôi không cần chi cả, không cần clean răng, ngoài 2 năm được free gọng kính một lần mà nay phải chờ xin phép thì..thì đành cắn lưỡi chờ.

Một tuần chờ, hai tuần đợi vẫn chằng thấy giấy phép đâu! Tôi gọi office DC T..thì được an ủi “cứ yên tâm đợi chờ”.

Vâng, tôi an tâm đợi bởi vì trong thời gian này tôi được Bác Sĩ Trần Quốc Bằng tiếp tục tận tình săn sóc, nhưng như tôi đã nói ở trên, BS Bằng điều trị free cho tôi với tấm lòng một lương y đối với một HO, còn vào tổ hợp thì tôi phải chờ xin phép, dù đã hơn 2 tuần rồi mà vẫn chưa, tôi gọi báo cho bác sĩ gia đình và đồng thời nhớ ra cô Hellen Vương, bèn gọi điện thoại cầu cứu. Sau khi nghe tôi trình bầy đầu đuôi, cô Vương “trách” tôi:

- “Con đã nói với bác rồi, nếu bác có gặp trở ngại điều gì thì cứ gọi điện thoại cho con, con sẽ cố gắng giúp bác. Các bác đừng ngại, con rất vui được giúp các bác, đó là nhiệm vụ của con, con sẽ hỏi giấy phép cho bác và nếu bác cảm thấy ở trong tổ hợp bị gò bó điều gì thì cho chúng con biết.”

Nghe cô Hellen Vương nói mà tôi cảm thấy như gặp một lương y, đúng hơn là một bác sĩ tâm lý. Hai ngày sau thì văn phòng DC T.. gọi cho biết đã có giấy phép từ Family Choice Medical Group cho tôi được điều trị 10 lần. Nhưng sau 10 lần mà hết “ngân khoản” và bệnh không thuyên giảm thì tôi phải làm gì nhỉ? Quý vị nào có thang, thang càng dài càng tốt để tôi leo lên hỏi ông trời. Những rắc rối về phép tắc, về thủ tục khiến bệnh nhân chạy vòng vòng là ngoài tầm hiểu biết của tôi, tôi chỉ nêu lên để được hướng dẫn.

“Sinh, Lão, Bệnh, Tử”, chúng tôi hiểu được diều đó và bác sĩ cũng không phải “Hoa Đà Biển Thước”, là Thánh Sống mà biết hết, chữa lành hết mọi lục phủ ngũ tạng, cái gì cũng phải từ từ, qua từng giai đoạn nên chẳng bao giờ dám than, một căn bệnh khó chữa.

“Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, chúng tôi hiểu điều đó. Sau 15 năm sống với súng đạn, 10 năm sống với “cải tạo, Satan ”, và 20 năm làm kiếp trâu cày thì nay được như thế này là phúc đức lắm rồi, những ngày tháng còn lại chỉ là bonnus. Dẫu có thấy quan tài cũng không thèm đổ lệ, đang vui cừời cùng bạn bè mà thấy quan tài là điều hạnh phúc, chẳng ai mong sống vật vờ như “phi hành gia”, vất vả cho gia đình, tốn kém cho quốc gia.

Dẫu có thấy quan tài chúng tôi cũng không đổ lệ mà chúng tôi ĐỔ LỆ vì cảm động với những tấm lòng tận tụy của các lương y, “lương y như từ mẫu”. Lương y đây là BS Phạm Ngọc Tr.., BS Trần Quốc Bằng v.v.., nhưng cũng không đơn thuần là các bác sĩ mà gồm tất cả các anh chị em bạn bè đã cho tôi lời hỏi thăm, bịch thuốc tễ, hộp thuốc dán.

Lương y ở đây là như cô Hellene Vương, tôi chưa hề biết cô mà chỉ nghe tiếng nói qua điện thoại, nhưng cách hướng dẫn và lời an ủi bênh nhân của cô thì tôi tin chắc rằng cô nhất định phải là một người đẹp với đầy đủ 4 đức tính của người phụ nữ Việt Nam là “công dung ngôn hạnh”, cô là một bông hoa đẹp cả hương lẫn sắc, ước chi ai cũng cư xử với bệnh nhân như cô.

Bệnh nhân nào cần hướng dẫn cứ gọi số 1-877-412-2734, rồi bấm số 3 (tiếng Việt), bấm số 1 (cô Hellene Vương).

Lương y như những tấm gương sáng, biết mà không nói để mọi người soi chung là một điều thiếu sót.

Trước thềm năm mới, cùng với lời chúc Xuân, tôi xin chân thành gửi niềm vui và lo âu của bệnh nhân đến các vị lương y.

“Lương y như từ mẫu”

Y mà chỉ có “lương” thì con bệnh tiêu!

Philato

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,307,720
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.