Hôm nay,  

Jennifer

08/02/201300:00:00(Xem: 331088)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Quý Tỵ 2013.

Hôm đi phỏng vấn công việc, nếu không nhờ Jennifer, có lẽ tôi đã không có được cái job này, bởi vì thật ra tôi vốn không đủ kinh nghiệm. May mắn cô leader của nhóm Engineering group bỗng dưng kết tôi và quyết định mướn.

Cô tên Jennifer Phạm. Tụi Mỹ trong hãng gọi tắt là JP

Được mướn vô đây, tôi chỉ là một chuyên viên điện tử technician hạng xoàng. Ban ngày tôi đi làm, tối lại cắp sách đến trường. Và mặc dù công việc của tôi là đặc cách làm việc với Engineering group, nhưng chị không phải là xếp trực tiếp.

Nhờ vậy mà chúng tôi đã trở thành bạn bè thân thiết, chứ nếu giữa xếp và nhân viên thân nhau lắm cũng hơi kỳ.

Jennifer không nói tuổi, nhưng một lần thổ lộ rằng chị ấy đi du học năm 74, vậy thì so ra phải hơn tôi khoảng 6, hay 7 tuổi gì đó.

Có lẽ vì biết vậy nên JP tự nhiên coi tôi như em, tận tình chỉ bảo và nâng đỡ. Cô ấy ở trong hãng này đã lâu, chức lớn, trong khi tôi chân ướt nhân ráo tập tễnh vào nghề vừa học vừa làm.

Nhưng dù cảm tình giữa chúng tôi thuần túy chỉ là bạn hữu, mối quan hệ giữa hai người khác phái dù có đàng hoàng cách mấy cũng không khỏi bị vài đồng nghiệp và đồng hương trong đây bàn tán. Họ nói tôi đang sưu tầm đồ cổ.

Ngay cả Jennifer cũng biết mấy đồng hương trong hãng đang xầm xì, nhưng cô ấy coi như pha, thì tôi có ngại gì?

Tôi đang còn ở nhà với gia đình. Mỗi ngày mẹ tôi vẫn làm cơm cho tôi bới vô hãng ăn trưa. Hôm nào có món đặc biệt tôi lại mời Jennifer cùng ăn vì tôi biết cô độc thân ở một mình và hầu như không nấu nướng gì cả, quanh năm suốt tháng chỉ biết mấy cái tiệm Tầu, hay hamburger của Mỹ. Những món ăn thuần túy Việt Nam như cá kho, canh rau đay, hay thịt ram mặn của mẹ tôi làm, đối với tôi thì bình thường, nhưng với Jennifer là sơn hào hải vị.

Ăn cơm của tôi hoài dĩ nhiên cô cũng phải kiếm cách trả lại, mời tôi đi ăn tiệm. Và như vậy lại càng thêm cơ hội cho quý vị đồng nghiệp bàn ra tán vào thêm, nhưng mặc kệ họ nói gì thì nói, tình thân giữa Jennifer và tôi ngày càng đậm đà.

Một hôm thấy tôi ngồi ăn mà mặt dàu dàu, Jennifer hỏi nguyên do. Tôi trả lời sắp sửa tới ngày đám cưới… con bồ cũ. Cô cười nói bồ cũ đám cưới mà buồn vậy chắc là còn yêu tha thiết? Tôi lầu bầu hết yêu rồi, chỉ tự ái thôi. Cô thắc mắc sao tự ái? Tôi nói kẹt ở chỗ đó. Vì vẫn còn là bạn, nàng ấy mời thì tôi phải dự, nhưng cảm thấy tủi thân vì người ta thì đã có tình khác để xây đắp tương lai trong khi tôi vẫn còn xách xe không chạy rông, một mình tới dự đám cưới của nàng thì quê mặt. Vậy tại sao hồi đó lại nhận lời dự làm chi?. Tôi nói có cô em nuôi kết nghĩa, hứa sẽ đi đám cưới với tôi cho đõ tủi. Vậy sao không đi? Cô hỏi tiếp. Tôi ngao ngán kể, thiệp tôi nhận hai tháng trước, cô ta đã hứa đi cùng. Mới hôm kia em nuôi phone nói là mới cặp thằng bồ mới ghen lắm không cho đi đám cưới với anh Hoàng nữa, nên tôi bị kẹt.

Jennifer nói vậy thì đừng đi. Nhưng tôi đã trả lời sẽ đi, hơn nữa, tôi thật tò mò muốn biết chồng của… bồ mình là ai. Và nhất là tôi cũng muốn cho cô ta biết cô có tình thì tôi cũng có tình, không phải là tôi thua cô đâu nhá.

Jennifer cười như nắc nẻ. Trời ơi là trời! You're so funny. Chưa thấy ai có con sâu tự ái bự bằng you.

Sau khi ngưng cười, cô nghiêm mặt hỏi vậy có muốn cô ấy đi thế cho cô em nuôi đó không? Tôi mừng húm, dĩ nhiên là muốn. Cô hỏi tiếp không sợ đi chung với "đồ cổ" hả. Tôi giật mình, té ra mấy tên trong hãng gọi lén sau lưng cô đều biết hết. "Ai là đồ cổ? " tôi cố chống chế, và tán thêm một câu rất… cải lương "Đồ cổ mà như chị khối thằng sắp hàng nộp đơn "

Có lẽ vậy. Không chừng tôi lại là thằng sắp hàng thứ nhứt.

Thực tình mà nói, từ khi vô làm và quen biết Jennifer, và cho dù chỉ là bạn hữu, là đàn ông thì tôi làm sao tránh được những lúc lén ngắm nghía cô ấy từ mọi góc cạnh, và cũng biết cô ấy đẹp lắm. Tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Jennifer, và cảm thấy hãnh diện, sung sướng như mình đang có một …cái xe đẹp đang được thiên hạ dòm ngó, ganh tỵ. Lý do nào người vừa đẹp vừa giỏi, vừa hiền lành như vậy mà hiện nay vẫn còn cô đơn thì tôi không biết và không cần biết. Mặc dù bao nhiêu chuyện tình cảm lăng nhăng của tôi, tôi đều kể cho Jennifer, nhưng chuyện của cô ấy thì tuyệt không bao giờ được nghe kể.

Với Jennifer, tôi có đầy mặc cảm. Tôi cảm thấy mình thua sút. Bỏ qua sự cách biệt tuổi tác, với tôi không hề là vấn đề, nhưng nhìn lại thì cái gì cô ấy cũng hơn tôi trên mọi phương diện, từ bằng cấp, chức phận, sự chững chạc… Tôi cảm thấy mình đã may mắn được sự thân tình của người bạn quý thì ráng giữ lấy sự trong sáng này là hay hơn cả. Cho nên tôi đã xác định tư tưởng từ đầu là đừng dại dột phiêu lưu để phải…ôm hận.

Nhưng hôm cùng Jennifer thủ màn kịch làm đôi tình nhân hờ đi dự đám cưới, tôi bỗng nghe như tim mình bắt đầu rung động. Tôi biết là Jennifer đẹp, nhưng hoàn toàn không ngờ cô ấy đẹp lộng lẫy đến như vậy, như một minh tinh! Và nếu đó là lý do con tim tôi rung động thì cũng đành nhận mình là con người hiếu sắc.

Hôm đó, tôi sung sướng và hảnh diện biết chắc người đàn bà bên cạnh tôi hôm nay sẽ là một bông hoa rực rỡ nhứt của dạ tiệc.

Khi đi vào nhà hàng, biết tôi không dám tự tiện nên Jennifer tự động nắm tay tôi và đi thật sát như một cặp tình nhân thân thiết làm cô- dâu- bồ-cũ tôi ngạc nhiên. Tôi thích vô cùng, bởi vì tuy chia tay, nhưng mọi tin tức về tôi cô nàng đều biết rõ. Vậy mà hôm nay bỗng dưng ở đâu xuất hiện một giai nhân bên cạnh và tình tứ với tôi đến thế này? Nhất là sau khi cắt bánh, đến phần khiêu vũ. Khi ra nhảy bản slow mùi, cô dâu đang nhảy đầm với chồng mà vẫn chưa hết nỗi nghi ngờ và đang dõi mắt dò xét. Tôi không biết, nhưng Jennifer tinh ý thấy nên quàng hai tay qua cổ ôm sát tôi thật tình tứ và thỏ thẻ vào tai " It's OK".

Jennifer thơm ngát.

Ra về.

Xe dừng lại đầu ngỏ. Từ đây vào apartment của Jennifer phải đi bộ qua một đoạn khá xa. Lúc cầm tay đỡ nàng xuống xe, tôi thản nhiên giữ luôn không buông. Jennifer nhắc

- Nầy, kịch đã hạ màn rồi mà?

Tôi trân tráo

- À, đây là…behind the scene.

Nàng lườm tôi, nhưng vẫn để nguyên.

Hai chúng tôi cùng im lặng đi. Trời đã qua sáng sớm của ngày hôm sau. Không khí ban đêm lành lạnh, nhất là Jennifer chỉ mặc đồ dạ hội mong manh. Tôi đưa cái áo vét. Nàng nhận áo tự khoác lên người, xong rồi đưa trả lại bàn tay. Tôi cảm động đến ngây ngất.

Ô hay, tôi nào phải là một thằng con trai mới lớn lần đầu nắm tay một người khác phái đâu. Nhưng đây thực sự lại là lần đầu tôi cảm thấy xao xuyến lạ lùng. Sương khuya lạnh, nhưng bàn tay của Jennifer lại ấm đến nồng nàn. Tôi bỗng cảm thấy những phân tử đàn bà từ cơ thể bên kia đang cuồn cuộn, xâm chiếm cơ thể tôi, và những phân tử đàn ông trong tôi cũng đang hừng hực bùng cháy dữ dội để hưởng ứng.

Lúc nãy tôi mong cho quãng đường tới cửa apartment kéo dài để tôi có thể nắm tay nàng thật lâu, nhưng bây giờ tôi lại muốn thật mau tới cửa để tôi có thể theo vào bên trong.

Rồi thì chúng tôi cũng tới nơi, tôi buông tay ra để nàng còn mở khóa.

Cửa vừa hé, Jennifer lách vào bên trong, và như đã biết tôi sẽ làm gì, nàng đưa tay cản lại lắc đầu nói nhỏ

- Hoàng đừng lộn xộn. Về ngủ đi.

Tôi ngạc nhiên.

Tôi đang nghĩ, và hy vọng, Jennifer sẽ mời tôi vào nhà uống ly nước trước khi ra về.

Nhưng cánh cửa cương quyết khép lại làm tôi như bị ai dội một gáo nước lạnh.

Tôi không cam lòng ra về nên cứ đứng tần ngần tại chỗ. Mấy lần giơ tay định gõ cửa, rồi lại bỏ xuống vì quả thực tôi không tìm được lý do gì. Jennifer đã giúp tôi hơn cả những gì tôi mong muốn. Kịch đã hạ màn. Diễn viên ai về nhà nấy. Nhưng cái cảm giác tê mê lúc nãy, khi hai chúng tôi tay trong tay vẫn còn làm tôi "bức xúc" quá.

Đứng ngẩn ngơ một hồi, tôi buồn tình châm điếu thuốc. Khi ánh diêm bùng lên trong bóng đêm, tôi thấy qua một khung kiếng nhỏ, bóng Jennifer dội trên tường. Té ra nãy giờ nàng vẫn đứng đó, ngay sau cánh cửa.

Và dĩ nhiên nàng biết là tôi vẫn còn ngoài này.

Tôi lại hy vọng và kiên nhẫn chờ Jennifer sẽ đổi ý.

Nhưng đó chỉ là niềm hy vọng hão. Tới khi tôi không thấy bóng Jennifer sau cánh cửa nữa. Đèn phòng ngủ bên trong bật sáng. Vậy là nàng cương quyết. Tôi đành lặng lẽ ra về.

Email từ một người bạn đang đi du lịch ở VN gởi về cho tôi khá dài

"Chú Hoàng thân mến,
Hôm nọ anh định mang món tiền vợ chồng em gởi tới giúp mấy trại trẻ em mồ côi như thường lệ. Nhưng lần này, theo anh biết những trại mồ côi bây giờ tương đối cũng được các hội thiện nguyện trong cũng như ngoài nước chiếu cố nhiều nên tình hình đời sống cũng đã được cải tiến rất nhiều. Vì vậy anh chị quyết định dùng món tiền em gởi giúp một nơi khác, cần thiết được giúp đõ hơn. Đó là viện dưỡng lão Hoa Nghiêm ở đây.

Viện dưỡng lão Hoa Nghiêm này là nơi nuôi dưỡng những người già cả không thân nhân, hoặc có thân nhân nhưng nghèo quá không nuôi nổi thì xin vào đây. Tất cả đều miễn phí.

Do một người quen giới thiệu, anh tới thăm chùa và có dịp tiếp xúc với sư cô Từ Tâm. Biết được anh từ Cali về đây, sư cô cho biết hai mươi mấy năm trước sư cô vốn cũng ở Cali. Cô là một trong một số ít việt kiều đã trở về định cư ở VN.

Câu chuyện của sư cô thật là ly kỳ. Càng nghe anh phải tin rằng trên đời này mọi chuyện xảy ra đều do một chữ Duyên mà thôi chú Hoàng ạ. Và những phép nhiệm mầu không phải là không có.

Sư cô nói rằng cuối năm 74, sư cô là một trong những người sinh viên cuối cùng của chế độ VNCH rời Việt Nam sang Mỹ du học theo chương trình học bổng của trường đại học UC Berkeley. Khi biến cố 30 tháng 4xảy ra, sư cô đương nhiên thành người tỵ nạn như bao nhiêu người Việt di tản khác. Sau khi ra trường, sư cô đi làm kỹ sư cho vài hãng điện ở Cali một thời gian khá lâu. Tính danh của sư cô là Tâm, Phạm thị Băng Tâm.

Cô kỹ sư Băng Tâm đi làm một thời gian thì bị uterus cancer. Cô kịp thời chạy chữa và tưởng là qua khỏi. Nhưng một thời gian sau mầm ung thư còn trong người cô lại tái phát, bác sĩ cho biết chữa trị bằng chemo cũng chỉ kéo dài mạng sống của cô 6 tháng đến một năm mà thôi.

Là một Phật tử có tâm nguyện giúp đời,cô không muốn tốn thêm thời gian đau khổ với những buồi xạ trị để cuối cùng cũng đi vào lòng đất. Nên cô quyết định gom hết tiền bạc dành dụm bấy lâu về VN dựng một tịnh thất nhỏ ở ngoại ô. Cô thỉnh một sư bà đúc độ về làm trụ trì. Cô là đệ tử tục gia. Tuy cũng ăn chay niệm phật, nhưng cô sống như môt cư sĩ chứ không xuống tóc thành ni cô. Cô đang mang một tâm nguyện lớn và thiết thực: Dựng một viện dưỡng lão nuôi người già lão nghèo khó mà cô một lần về VN và đã chứng kiến sự khốn khổ nhọc nhằn của lớp người đang bị xã hội bỏ quên này. Vốn đây là một dự án lớn mà cô định sẽ cùng vài bạn đồng tâm thực hiện sau này. Nhưng bây giờ thời gian không còn nhiều nên cô một mình bắt tay vào việc,mua luôn miếng đất bên cạnh tịnh thất để xây viện dưỡng lão. Nhờ món tiền khá lớn dành dụm từ những năm đi làm ở Mỹ, viện dưỡng lão này thành công mau chóng hơn dự định rất nhiều.

Thời gian cứ trôi. Cư sĩ Băng Tâm dùng hết tinh lực của cuộc đời còn lại của mình lo xây dựng, phát triển, điều hành viện dưỡng lão và đồng thời tu tâm học đạo với sư bà đã được gần hai năm. Hai năm qua cô hoàn toàn không có khái niệm về thời gian, không quan tâm đến cơn bệnh ngặt nghèo và lời chẩn đóan của bác sĩ. Cô toàn tâm toàn lực hết lòng với công việc vì sợ rằng những việc không làm hôm nay, ngày mai sẽ không còn cơ hội nữa… Một hôm nhớ laị sự chẩn đoán năm xưa, cô đi khám lại thì lạ thay, những tế bào ung thư đã không còn. Cô hoàn toàn không bị cái chết đe doạ nữa.

Nhưng khi cô vừa thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo này thì sư bà lại đổ bệnh, và điều lạ lùng là sư bà lại mang chính căn bệnh cũ của cô đệ tử Băng Tâm. Sư bà viên tịch chỉ hai tuần sau khi được chẩn đóan bị ung thư giai đoạn cuối.

Sau khi sư bà mất, cư sĩ Băng Tâm chính thức xuống tóc thành sư cô Từ Tâm, trông coi cả tịnh thất Hoa Nghiêm và viện dưỡng lão cho đến ngày nay. Sư cô Từ Tâm cho biết sau khi thấy sư bà bị chính căn bệnh ung thư của mình, sư cô cho rằng mình vốn phải chết từ lâu rồi, nhưng có lẽ nhờ tấm lòng thành của sư bà đã xin nguyện gánh vác tất cả những nghiệp chướng của cô, để cô còn sống ngỏ hầu có thể tiếp tục công việc từ thiện .Tấm thân này đã không còn là của cô nữa. Cô là người được đặc cách để vượt qua bệnh tật và số mệnh. Cô có một trọng trách được giao phó và nguyện hiến dâng suốt quảng đời."

Kèm theo email là tấm ảnh anh bạn chụp chung với sư cô Từ Tâm.

Jennifer!!!
Nếu không đọc được email trước, có lẽ tôi không thể nhận ra, nhưng bây giờ thì tôi có thể tìm thấy vài đường nét quen thuộc của người tu sĩ trên bức ảnh.

Jennifer Pham! JP!!!
Té ra có những nỗi niềm sâu kín như vậy mà cô không cho tôi biết, để hai mươi năm nay mỗi khi thỉnh thoảng nhớ lại những ân tình năm xưa mà lòng tôi cứ thắc mắc.

Hôm đó, sau khi phải ra về, tôi đâm giận Jennifer ngang hông. Thứ Hai gặp lại trong hãng tôi dỗi hờn, nhất định không nói chuyện. Jennifer gợi chuyện mấy lần thấy tôi vẫn cứ lầm lì không nói. Vài hôm sau, khi vô làm thấy cái note để trên bàn vỏn vẹn có mấy chữ "Hoàng phải ráng học cho xong nha. Còn duyên mình sẽ gặp lại. JP." Tôi thảng thốt không hiểu chuyện gì xảy ra. Chạy lên office của Jennifer thì mới biết cô đã đưa giấy nghi việc được một tuần và hôm qua là ngày cuối cùng.

Chiều đi làm về tôi chạy ngay đến apartment của nàng thì manager ở đó cho biết Jennifer đã dọn đi từ hôm qua. Hắn tử tế mở cửa cho tôi vào bên trong. Phòng ốc trống trơn, nhưng mùi phấn, mùi nước hoa quen thuộc của Jennifer vẫn còn phảng phất quanh đây. Bỗng tôi thấy một thỏi son cũ của Jennifer nằm đơn độc trong góc phòng nên thẩn thờ nhặt lên bỏ vào túi.

Và đó là kỷ vật duy nhất mà tôi còn giữ lại được của Jennifer.

"Còn duyên mình sẽ gặp"

Hai mươi năm nay, đôi khi cuộc đời trải qua những cơn giông tố, tôi vẫn thường một mình đáp chuyến xe về miền quá khứ. Và mỗi lần như vậy, tôi đều thấy một bóng hình, Jennifer. Cô đi đâu? Chuyện gì đã xảy ra? Có hờn trách gì tôi không?

Bao nhiêu năm qua cũng nhờ có thỏi son mà tôi còn tin rằng, ngày xưa, thuở đó, thực sự có một người tên là Jennifer, đã cho tôi những phút giây xao xuyến dao động của một đêm tình hờ. Nếu không có thỏi son này, không chừng tôi đã nghĩ rằng cô ấy chỉ là một người đã đến với tôi trong một giấc mơ nào đó, để sáng ra hoàn toàn biến mất, không để lại một dấu vết nào.

Ngày mai tôi sẽ lái xe ra biển và ném thỏi son này thật xa để nó theo dòng nước trôi ra đại dương. Không còn lý do gì để giữ kỷ niệm này nữa.

Một gút mắc của cuộc đời vừa được tháo gỡ.

Chưa ra biển mà thấy lòng mênh mông.

Vĩnh biệt Jennifer.

ThaiNC

Ý kiến bạn đọc
10/02/201318:32:33
Khách
Hai ngày nay, tôi đã đọc bài này hang chục lần. Rất cảm động, tuy nhiên tôi muốn biết, đây là câu chuyện hư cấu, hay là that trong cuộc đời TG? Nếu là hư cấu, không sao nhưng nếu là that thì TG đã có một hành động ngoài tầm mà ở đây có một bạn Nguyễn P Điền nói.
Tại sao phải ném đi thỏi son? Với người con gái thong minh như Jennifer, không loại trừ giả thuyết rằng cô đã giáng tiếp tang ông một nụ hôn cuối cùng qua hình dáng cũa thỏi son. Còn nữa, bây giờ ông đã biết lý do cô bỏ đi không từ giả. một sự chịu đưng quả là quá mưc cho một người con gái, ấy vậy mà ông nở ném đi vật kỷ niệm cuối cùng thì bang như ông đã chối bỏ sự hy sinh cũa Jennifer.
Nhưng dù sao, câu chuyện rất cảm động và những gì tôi nói, ông nghĩ lại coi.

Chào ông
09/02/201306:23:46
Khách
Hôm nay cuối năm Ta đọc bài viết của Ông ThaiNC mà thấy hết sức xúc động . Người tình hờ một đêm đi cùng dự đám cưới với mình 20 năm về trước với cái tên Jennifer nay đã thành sư cô Từ Tâm . Ông Thái ơi , tôi ở trong hoàn cảnh Ông tôi cũng rung động không kém trước một nhan sắc lộng lẫy , trí thức , có địa vị xã hội nhưng không kiêu kỳ . Sao Ông lại phải ném thỏi son ấy ra biển làm gì , trong đời mấy khi có chuyện Bích Câu kỳ ngộ như thế mà Ông lại có . Cám ơn Ông rất nhiều
09/02/201305:52:08
Khách
tg này mơ tưởng quá trớn, ...."manager ở đó cho biết Jennifer đã dọn đi từ hôm qua. Hắn tử tế mở cửa cho tôi vào bên trong. Phòng ốc trống trơn, nhưng mùi phấn, mùi nước hoa quen thuộc của Jennifer vẫn còn phảng phất quanh đây. Bỗng tôi thấy một thỏi son cũ của Jennifer nằm đơn độc trong góc phòng nên thẩn thờ nhặt lên bỏ vào túi. "
chuyện thật lảng xẹt, vớ vẫn.
08/02/201316:49:39
Khách
Đọc rồi, đọc lại mà vẫn vấn vương....
Tưởng rắng nghiệp mà lại hóa ra duyên...
Nghĩ rằng duyên, nhưng đâu biết là nghiệp...

Duyên và nghiệp quấn quýt nhau trên cõi đời này...

Cám ơn ThaiNC.

Cung Nhật Thành
Dallas
08/02/201308:07:51
Khách
That cam dong...
08/02/201304:49:13
Khách
Bài này hay nhưng trước đây đã đăng rồi mà!
19/02/201306:12:54
Khách
Cám ơn các bạn đã đóng góp ý kiến cho bài viết này.
Hai bạn Nguyễn Phương Điền và N. Nguyen, tôi thực sự có đọc lại bài của mình rất nhiều lần sau khi đọc lời bàn của hai bạn, về việc thỏi son.
Xin mạn phép giữ lại những gì tôi đã suy nghĩ trong mấy ngày qua. Chỉ muốn một lần nữa trân trọng cám ơn các bạn đã đóng góp ý kiến cho bài viết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến