Hôm nay,  

Chuyện Mùa Giáng Sinh: Anh Tôi

24/12/201200:00:00(Xem: 303311)
viet-ve-nuoc-my_190x135Trước 1975, tác giả là một nhà thơ quân đội, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông đã tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên và hai lần nhân giải, 2001 và 2012.

Sáng chủ nhật, trong lúc tôi chuẩn bị Thánh Kinh để lên xe đi nhà thờ thì có tiếng chuông điện thoại reo lên. Áp máy vào tai, sao chỉ nghe tiếng rì rì của làn sóng, không có hơi hám nào từ đầu dây phía kia.

- Ai đó? Tôi đây, tôi nghe đây. Nói đi! Ai gọi mà im lặng vậy?

Bỗng có tiếng nấc vang lên, sau đó có tiếng khóc, nức nở, kéo dài.

- Ba con mất rồi chú ơi! Hu...hu hu...

- Hả? Cháu Dung hả? Anh hai mất lúc nào? Lúc nào...

Điện thoại cắt ngang. Làn sóng rì rì nổi lên. Tôi gào to trong máy. Gào đến khan cổ họng. Đầu dây bên kia vẫn nín thinh. Tôi cảm thấy choáng váng, vội buông mình xuống chiếc ghế cạnh bên. Vậy là hai anh em dắt dìu nhau qua đây theo diện HO, bây giờ chỉ còn tôi trơ trọi.

Hôm nay trời u ám. Mây xám phủ xuống các cụm núi. Sương mù bay dọc theo xa lộ, là đà chắn ngang đầu xe, mịt mù một cách buồn bã. Từ Escondido, tôi phải xuống xa lộ 15, rồi tách ra 163, rồi vòng qua 8 west mới đến khu nursing home - nơi anh hai tôi nằm đó, trong những ngày tháng cuối đời.

Lối vào nursing home hẹp. Chỉ có khoảng xi-măng kéo dài, vừa một người đi, đâm thẳng vào cửa chính. Tôi rối bời ruột gan, cố vượt qua đoàn xe lăn đang xếp hàng ngang dọc trên các hành lang. Những người già, những người bệnh...ngồi ngả nghiêng trên đó. Có người gục mặt xuống bụng. Có ngưởi ngoẹo cổ qua bên vai. Có người ôm đầu rên rỉ. Có người run tay chân, nước miếng chảy lòng thòng hai mép. Có người giương đôi mắt trừng trừng nhìn từng bước chân tôi tiến lên. Ôi! Tất cả đều tội nghiệp, làm lòng tôi se lại, xót thương biết bao!

Các cháu tôi đã có mặt từ đầu. Tất cả vây quanh chiếc giường, sụt sùi nước mắt. Chị hai tôi bắt ghế ngồi kế bên thi hài, khóc than, kể lể đủ điều. Anh hai tôi nằm dài như ngủ. Tấm drap trắng đắp ngang tới cổ. Đôi mắt khép lại một cách êm đềm. Khuôn mặt bình thản, an lạc. Tôi đứng khoanh tay yên lặng, không nói nên lời. Có lẽ những cảm xúc đua nhau dồn dập, khiến tôi trơ ra như bức tượng.

Lái xe trở về. Escondido chìm trong màn đêm. Từ nhà quàn East County Mortuary, tôi phải qua highway 67, rồi 52, mới quẹo qua 15 về nhà. Đoạn 52 dài trên 15 dặm, chạy xuyên qua những dãy núi chìm trong bóng đen dày đặc. Ánh sáng duy nhất là hai ngọn đèn xe phía trước, cứ thế soi thấu đêm tối, đi tới. Trong nỗi cô đơn và buồn đau vô hạn, những kỷ niệm về anh hai chợt hiện về trong trí.

Khu kinh tế mới khô cằn. Rừng cao su bạt ngàn, cách thị trấn Bến Cát khoảng một tiếng đồng hồ đạp xe. Anh chị và 12 đứa cháu lam lũ nơi đó. Chị bị bắt đi trước, sau khi quân bắc phương đẩy ngược anh tôi vô trại tù. Mãn tù , anh không biết về đâu, đành chạy lên khu kinh tế mới xum họp gia đình. Mùa nắng cạo mủ cao su. Mùa mưa, phá đất, trồng thêm cây mới. Những năm đầu tiên, quân bắc phương phát lương thực. Bữa ăn chính lúc nào cũng là khoai mì. Hàng tuần có thêm vài lon gạo mốc lộn với bông cỏ. Những năm sau, quân bắc phương bỏ mặc dân kinh tế mới, sau khi nhét vào tai họ khẩu hiệu: tự túc tự cường. Nơi chó ăn đá gà ăn muối cũng không có, làm sao tự túc nổi, nói chi tới tự cường? Đói quá, dân phải lần lượt kéo nhau về quê hoặc tìm xứ khác để nuôi thân. 12 đứa con gánh nặng, anh chị tôi không biết gánh đi đâu, đành lợi dụng cảnh nhà trống vườn hoang (người ta bỏ đi) mà cố sức bám trụ. Anh thay các con lao động để các con có thì giờ đi học, có cơ hội tiếp xúc với xã hội, tìm cách thoát khỏi kiếp sống thấp hèn.

Có lẽ khi khổ đau tới mức tột cùng, trái tim con người chợt se lại, trí óc bỗng mở ra đón nhận một đức tin. Anh tôi bắt đầu tin Chúa từ đó, theo sự dẫn dắt của một vị truyền đạo bản xứ. Có đức tin, có lối thoát cho cuộc sống, anh phấn khởi vươn lên bằng cách đưa gia đình rời vùng kinh tế mới về tạm cư ở Trung Chánh (Hóc Môn).

Nơi đây, anh bôn ba xin việc làm cho từng đứa con: đứa may, đứa thêu, đứa dệt, đứa làm hãng, đứa đạp xích lô... Đứa lớn nuôi đứa nhỏ. Đứa nhỏ đùm bọc đứa nhỏ hơn. Cả nhà lao vào công việc. Lấy đức tin Chúa làm nghị lực. Lấy sự siêng năng, cần kiệm làm phương châm. Còn anh và chị ngày ngày cỡi trên chiếc xe đạp, đi khắp nơi rao giảng lời Chúa cho mọi người.

Khi diện HO mở rộng, các tù nhân chính trị được người Mỹ đón nhận. Gia đình anh tôi hân hoan đến Mỹ với niềm vui tràn ngập tâm hồn. Các Hội Thánh khắp nơi giang trọn vòng tay nhân ái giúp đỡ con cái Chúa. Anh tôi nhận thấy đây là xứ sở tự do, xứ sở của cơ hội, của đức tin - anh liền gửi các con vào viện Thần Học. Những đứa yếu hơn thì học nghề, học college... Anh mở rộng hội thánh tư gia, dẫn dắt hàng trăm người về với Chúa. Mùa Giáng Sinh, anh cùng các con tổ chức những bữa ăn cho người nghèo, người vô gia cư.

Thời gian trôi nhanh, chẳng mấy chốc ba đứa con của anh tốt nghiệp Thần Học. Cả ba cháu đều trở thành Mục Sư, quản nhiệm hội thánh ở các tiểu bang khác. Những cháu học nghề thì ra làm chủ Shop, đời sống càng ngày càng thăng tiến. Rồi một hôm, trong lúc cầu nguyện, anh tôi bỗng ngã lăn, bất tỉnh. Khi đến bệnh viện, cả nhà mới biết anh bị stroke và bác sĩ còn khám phá ra anh bị chứng tiểu đường giai đoạn trầm trọng. Từ đó sức khỏe anh yếu đi, không còn đi đứng được nữa.

Gần 10 năm nằm trên giường bệnh, chị hai tôi luôn kề cận bên anh. Chị đút cho anh từng muỗng thức ăn, thay từng tấm tã, rửa ráy cho anh hàng ngày. Mỗi lần đỡ anh ngồi dậy hoặc đưa lên xe lăn, chị tôi phải dùng sức rất nặng nhọc. Chị cũng không ngớt an ủi anh bằng những nụ hôn nồng nàn của người vợ thủy chung. Những người bạn đến thăm thấy chị vất vả quá, nên bàn đưa anh tôi vào nursing home. Chị lắc đầu từ chối, rồi ôm người bạn đời vào lòng, như sợ người khác bắt đi.

Rồi một hôm, có lẽ quá lo toan, chị bị stroke, bại một bên, phải vào nằm bệnh viện. Anh tôi ở nhà ngóng trông từng ngày, thương nhớ từng đêm, và sau đó... không thiết tới ăn uống nữa. Các cháu thay phiên nhau chăm sóc, nhưng làm sao bằng bàn tay dịu dàng của người vợ hiền. Cuối cùng anh ngã xuống, lâm trọng bệnh.

Tôi đến bệnh viện Sharp thăm anh chị vào những ngày cuối tuần. Phòng anh nằm rộng rãi, cửa kính ngó xuống xa lộ 163 hắt hiu nắng chiều. Anh nằm im lặng. Đôi mắt vẫn mở thao láo nhìn từng người thân. Bác sĩ thọc hai ống cao su vào mũi anh, dẫn thẳng xuống dạ dày để đưa thức ăn cho anh. Hệ thống thực quản bị rối loạn, họng không còn nuốt được. Chị hai nằm ở lầu trên. Chị khỏe nhiều, nhưng vẫn đi chưa được, phải có người dìu từng bước. Mỗi ngày, bệnh viện cử y tá đến tập chị đi. Tập xong, chị nhờ người đưa chị xuống phòng anh hai và kề cận bên anh cho tới khuya. Nhìn hai anh chị quấn quít với nhau trong tuổi già và bệnh tật, tôi thấy cảm động quá. Nước mắt rơi xuống mặt tôi hồi nào, không hay.

Lần cuối, tôi đến thăm anh ở Nursing Home vùng Sports Arena. Anh được chuyển đến đây sau khi bác sĩ giải phẫu đưa ống cao su từ bụng vào thẳng dạ dày đễ dẫn thức ăn trực tiếp đến đó. Lúc này, sức khoẻ anh suy yếu nhiều. Rồi đến một sáng chúa nhật, anh thiếp đi, trút linh hồn một cách nhẹ nhàng.

Xông pha trên chiến trường, gian khổ trong trại tù và lao nhọc nơi vùng kinh tế mới. Trải qua từng bi kịch đau thương như vậy, anh tôi vẫn mỉm cười chấp nhận, luôn tha thứ cho những kẻ đày ải cuộc đời mình. Anh chỉ hướng lòng về Chúa, sống trong sạch, và sẵn sàng hy sinh vì đạo nghĩa. Bao giờ anh cũng nhắc về nước Mỹ và vô cùng biết ơn, vì đã mở rộng vòng tay nhân ái đón tiếp gia đình anh lánh nạn. Các con anh vẫn thường bảo nhau, nếu không có medicare, nếu không có các bàn tay của bác sĩ Mỹ và nếu ở Việt Nam - chắc chắn ba con đã mất từ lâu rồi.

Mùa Giáng Sinh năm nay, tôi đã mất đi một người anh. Tôi cảm thấy trơ trọi và buồn nhớ vô cùng. Tôi muốn trở lại những con đường, những nơi chốn, những kỷ niệm... mà dấu chân anh và tôi đã từng dẫm qua. Tôi muốn sống lại thời ấu thơ, thời có anh luôn bên cạnh, bảo vệ và chiều chuộng em mình.

Trần gian bây giờ mất anh. Nhưng chắc chắn trên thiên đàng, Chúa đang tiếp rước thêm một đứa con đang xum họp với Ngài. Những dòng nước mắt khóc than hôm nay...sẽ là những dòng nước mắt bồi hồi mừng vui, đưa tiễn một linh hồn về với Chúa.

Phạm Hồng Ân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,974,474
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.